Ngày tháng: 09/11/2024
Đang truy cập: 21

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - Phần 6/23 - Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - Phần 6/23

Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

-----------------------------

CHƯƠNG 2: PHƯƠNG PHÁP LUẬN

I. Phương pháp và Phương pháp luận

Khi làm tiểu luận hay ngay cả những luận án Tiến sĩ, nhiều sinh viên đã lẫn lộn giữa hai “khái niệm method và Methodology”. Các thuật từ vừa nói rất quen thuộc nhưng các bạn không nắm bắt và phân biệt hai khái niệm phương pháp phương pháp luận.

1. Định nghĩa

Tự điển trên internet, dictionary.com (https://www.dictionary.com/browse/methodology) cung cấp 3 định nghĩa của từ methodologies (số nhiều) như sau:

     a set or system of methods, principles, and rules for regulating a given discipline, as in the arts or sciences.

     Philosophy: a) the underlying principles and rules of organization of a philosophical system or inquiry procedure. b) the study of the principles underlying the organization of the various sciences and the conduct of scientific inquiry.

     Education: a branch of pedagogics dealing with analysis and evaluation of subjects to be taught and of the methods of teaching them.

2. Giải thích

Từ Anh ngữ methodology, chúng tôi chuyển dịch là Hệ phương pháp hay Phương pháp luận hay khoa học các phương pháp bao gồm các tiếp cận và công cụ tư duy khoa học gọi chung là phương pháp (method).

     Để nghiên cứu chủ đề, đặt vấn đề và tiến hành quy trình soạn thảo Tiểu luận, các bạn phải nắm bắt và áp dụng phương pháp luận bao gồm các quy tắc nghiên cứu để đi đến việc hoàn thành tiểu luận.

     Phương pháp luận đề xuất trong tài liệu này có thể hướng dẫn các bạn từ nghiên cứu ban đầu cho đến kết luận cuối cùng. Điều quan trọng là phương pháp luận giúp các bạn hệ thống hóa các phương pháp, tùy theo các lãnh vực nghiên cứu khác nhau.

II. Thần học Mục vụ

Từ Công đồng Vaticanô thứ hai, Giáo hội Công giáo đã cổ võ một phương pháp luận nổi tiếng áp dụng rộng rãi trong các hội đoàn Công giáo Tiến hành. Phương pháp luận gói trọn trong ba thuật từ năng động: XEM, XÉT, LÀM: Xem có nghĩa là quan sát và tư duy là bước tiên khởi; Xét là phân tích, phán đoán và lập luận vấn đề; và Làm nghĩa là cập nhật hóa kiến thức và tư duy đức tin của chúng ta trong đời sống Kitô giáo, hay nói khác hơn, đức tin thể hiện qua đức mến và hy vọng.

1. Xem, Xét, Làm (Quan sát và tư duy, Lập luận và Phán đoán, Sống và Thực hành)

Phương pháp luận này tự bản chất là nền tảng của thần học mục vụ vì:

      Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho tư duy thần học mục vụ của Giáo hội, Ngài giúp con người hiểu rõ tầm quan trọng của Cựu ước (Mt 22,29); Ngài giải thích cụ thể về Lời Chúa (Ga 3,10; Mt 22,15-22,34-40) và cho thấy sự nhất quán của Kinh thánh (Lc 24,44-49) (Mt 22,34-40).

     Ngài biết sử dụng phương pháp để giải thích một bản văn (Mt 12,9-13).

     Ngài dựa vào Cựu ước để đáp trả lại những lời chỉ trích (Mt 12, 1-8; 15, 1-9; 22, 23-33) và trích dẫn trực tiếp Lời Thiên Chúa như một thẩm quyền tuyệt đối (Ga 10,34).

     Ngài từ chối giới hạn mình trong việc áp dụng lề luật theo nghĩa đen (Ga 8,3-9) và mời gọi con người hành động nhất quán với niềm tin của mình (Ga 8,39), tôn trọng lề luật được trao ban bởi chính Thiên Chúa (Mt 5,19f).

Như Chúa Giêsu giúp con người nhận thức và hình thành hành động như đã được trải nghiệm trong đức tin. Khi chúng ta lựa chọn nghiên cứu một chủ đề trong lãnh vực thần học mục vụ, chúng ta đã có kiến thức và kinh nghiệm cá nhân từ những dấn thân và hoạt động đức tin trong các môi trường của Giáo hội và xã hội. Nhưng những kiến ​​thức có sẵn của chúng ta vẫn chưa đủ. Chúng ta phải đọc lại, phân tích, diễn giải và phê bình tư duy của chúng ta trong một mạng lưới kiến thức và phương pháp, trên hai phương diện:

     Một là những kiến thức đến từ những ngành khoa học nhân văn như nghiên cứu thực nghiệm, so sánh, quan sát...

     Hai là sử dụng các kiến thức đến từ Kinh thánh, linh hồn của các nghiên cứu thần học, cũng như các tín điều của truyền thống và huấn quyền của Giáo hội.

Xem, phân tích, lập luận, đánh giá là một quá trình năng động, dấn thân toàn bộ con người đức tin của chúng ta. Như thế, khi hoàn thành luận văn, các bạn được hoán cải và hướng đến hành động đức tin đổi mới. Vì thế, Giáo hội gọi bước thứ ba của phương pháp luận này là “làm”, có nghĩa là sống và thực hành đức tin, dẫn đến việc hình thành các dự án cho một hành động mục vụ mới.

Phương pháp luận “Xem”, Xét”, “Làm” sẽ giúp các bạn tránh nhiều sai lỗi trong việc soạn thảo như sau:

     Có người chỉ hài lòng với mô tả, thậm chí sao chép các mô tả mà không điều tra hiện tượng một cách khoa học.

     Có người mang khuynh hướng suy diễn, áp dụng cách tiếp cận kiểu "đánh giá tiên nghiệm” (thành kiến) không rà soát và không kiểm chứng lại tất cả các dữ liệu.

     Có người chỉ biết sử dụng các nguyên tắc giáo điều, với những phê phán cứng nhắc và chủ quan, cứ ngỡ rằng mình đúng và logic, nhưng thực tế, đang đóng lại các tư duy năng động.

     Có người nghiêng về cách tiếp cận thực dụng hoàn toàn, phân tích hành động đã lên kế hoạch mà không cần đến sự suy xét và phán đoán.

Giờ đây chúng ta định nghĩa một cách cụ thể và ngắn gọn ba bước cơ bản của phương pháp luận: Xem, Xét, Làm.

2. Xem

a. Cấu trúc của “XEM”

Xem là nghệ thuật biết cách nhìn vấn đề, là bước nhận thức luận đầu tiên; tuy nhiên, chúng ta không dễ để làm chủ được phương pháp, nếu không hệ thống hóa bước thứ nhất này.

     Trước tiên, hành vi “Xem” đòi hỏi được tổ chức và được cấu trúc. Đầu tiên, hành động được biểu đạt qua hai thuật từ văn học “tường thuật” và “miêu tả”. Tường thuật, bởi vì một hành động xảy ra phải được kể lại, tái hiện lịch sử. Miêu tả, bởi vì một hành động xảy ra là một phần của phong cảnh và một mạng lưới các dữ liệu. Cụ thể hơn, chúng ta đề nghị ở đây một cấu trúc của quan sát (Xem) theo 5 thuật từ chất vấn như sau: Điều gì? Ai làm? Ở đâu? Khi nào? Tại sao? Thế nào? (What, Who, Where, When, Why)

     Thứ đến, hành động “Xem” sẽ dẫn các bạn đến giai đoạn tư duy “đặt vấn đề” hay “vấn đề hóa”. Đâu là vấn đề cần giải đáp ở đây? Nếu các bạn không nhìn thấy góc cạnh cần giải quyết trong chủ đề, các bạn không thể tiến hành luận văn một cách nhất quán và mạch lạc cho đến cùng.

Thuật lại, mô tả, nêu vấn đề vẫn chưa đủ để nghiên cứu một vấn đề. Trong nghiên cứu thần học thực tiễn, các bạn cần trang bị cho mình các công cụ khảo sát khác như điều tra, phỏng vấn, thăm dò của khoa học xã hội nhân văn. Khi thực hiện bước quan sát cụ thể hiện tượng, hiện trường, khoa học nhân văn, các bạn có thể sử dụng cả hai phương pháp như định tính và định lượng, tuy khác nhau nhưng không đối lập nhau.

b. Phương pháp định tính (qualitative approach) và phương pháp định lượng (quantitative approach).

Các ngành khoa học tự nhiên (thiên văn, sinh học, hóa học, khoa học địa lý và vật lý) sử dụng cách tiếp cận định lượng, vì chịu ảnh hưởng của triết học kinh nghiệm cho rằng tri thức chỉ có thể thu thập được thông qua các quan sát trực tiếp, có thể kiểm chứng được.

Thật vậy, các phương pháp định lượng mô tả đặc điểm, đặt giả thuyết, dự đoán và thử nghiệm. Một đặc điểm đáng chú ý của phương pháp luận này là không đặt ra mục tiêu chứng minh kiến ​​thức hoặc dữ kiện là "đúng", nhưng chủ yếu muốn chứng minh một cái gì đó "sai" hoặc “giả mạo”.

Trong khi đó, phương pháp định tính là nghiên cứu phân tích hiểu các hiện tượng, nhóm hành vi, sự kiện hoặc đối tượng.

Trong khoa học xã hội nhân văn, cả hai phương pháp định lượng và định tính đều được áp dụng.

     Các phương pháp định lượng nhận định các hiện tượng xã hội thông qua những bằng chứng có thể định lượng và thường dựa vào phân tích của nhiều trường hợp để đưa ra các khẳng định hợp lệ và đáng tin cậy.

     Các phương pháp định tính nhấn mạnh việc hiểu biết các hiện tượng xã hội thông qua quan sát trực tiếp, giao tiếp với người tham gia hoặc phân tích văn bản và có thể nhấn mạnh tính chính xác chủ quan theo ngữ cảnh hơn tính chung chung.

c. Kết

Dù người ta phân biệt hai phương pháp định lượng định tính trong công việc quan sát, chúng ta thấy hầu hết các công việc khác của soạn thảo luận văn đều có thể sử dụng cả hai phương pháp. Ví dụ, phân tích dữ liệu định tính là cách mã hóa dữ liệu thô thành thông tin có hệ thống định lượng độ tin cậy của bộ mã liên kết.

Các nhà nghiên cứu khoa học nhân văn xã hội sử dụng nhiều phương pháp bổ sung để có thể bao hàm phạm vi rộng lớn đến từ các hiện tượng xã hội: từ dữ liệu điều tra dân số thu được từ hàng triệu cá nhân, đến phân tích sâu về trải nghiệm xã hội của một tác nhân; từ việc theo dõi những gì đang xảy ra trên các đường phố đương đại, đến việc điều tra các tài liệu lịch sử cổ đại.

3. Xét

a. Các phương pháp khoa học xã hội nhân văn giúp phân tích và phán đoán

Khi các bạn nghiên cứu về vấn đề Mục vụ, các bạn cũng có thể sử dụng hệ phương pháp phân tích xã hội và tâm lý học giúp nắm bắt một cách khách quan các hiện tượng được quan sát để diễn giải và phán đoán các vấn đề mục vụ.

Đương nhiên là các sự kiện các bạn nghiên cứu đã tồn tại và có ý nghĩa trước khi các bạn tìm thấy góc cạnh chất vấn của vấn đề, nhưng nếu các bạn biết đặt chúng trong một hệ thống khoa học tích hợp các công cụ khảo sát cho phép chúng ta hiểu rộng và khách quan hơn, chúng ta cũng biết các thông tin chi tiết hơn, để kiểm soát được chính xác mức độ công việc quan sát lẫn mức độ liên quan của các giả thuyết giải thích.

Ví dụ: nếu các bạn nghiên cứu hiện tượng vắng mặt của thế hệ trẻ trong những ngày lễ chủ nhật để thiết lập tỷ lệ phần trăm của những người không còn giữ đức tin Công giáo, thì có lẽ chưa chính xác. Các bạn cũng nên sử dụng các phương pháp tâm lý để tìm hiểu về hành vi tôn giáo của giới trẻ cho phép các bạn nhận rõ hơn xu hướng thực hành đức tin của giới trẻ trong thời đại internet.

b. Quy chiếu đến Kinh thánh và Truyền thống của Giáo hội

Các phương pháp của khoa học xã hội nhân văn (Handlungswissenschafteri) đương nhiên chỉ góp một phần cho một tư duy thần học mục vụ, vì các hành động và lối sống cũng như mục đích của những người Kitô hữu hướng đến đời sống vĩnh cửu.

     Muốn quan sát, phân tích và phán đoán một vấn đề mục vụ, các bạn phải dựa vào Lời Chúa. Và để hiểu được các bản văn Kinh thánh, các bạn cũng phải sử dụng các phương pháp phân tích chú giải Kinh thánh để tìm kiếm ánh sáng của mặc khải Thiên Chúa xuyên suốt lịch sử qua truyền thống của Giáo hội và Huấn quyền. Lời Chúa không chỉ là tài liệu tham khảo, nhưng là linh hồn của thần học, như Hiến Chế Dei Verbum đã khẳng định[19].

     Nhưng Lời của Thiên Chúa luôn liên kết với một hoàn cảnh sống, có nghĩa là cuộc sống của những kẻ tin được soi sáng, giải thích, hoán cải, thánh hóa bởi chính Lời Ngài. Vì thế, quan hệ giữa tình huống và Lời Thiên Chúa là điều cần thiết để hiểu được chiều sâu, chức năng và tác dụng trong cuộc sống. Ví dụ: làm thế nào để chúng ta hiểu nghi thức Lễ Vượt qua mà không nghiên cứu biến cố Xuất hành và chức năng của biến cố này trong lịch sử dân Do thái?

     Như thế, khi các bạn nghiên cứu Kinh thánh áp dụng cho vấn đề mục vụ cụ thể, các bạn phải nhận ra “thánh ý” của Ngài để cập nhật hóa trong bối cảnh của chúng ta, quan hệ giữa Lời và hoàn cảnh ngày nay cũng giống như mối quan hệ giữa Lời và hoàn cảnh được nói hoặc viết trong Kinh thánh. Chẳng hạn: ngày xưa, Chúa Giêsu chúc phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, thì điều đó cũng không thay đổi, và Giáo hội luôn trung thành với ơn gọi nghèo khó và sống với những người bé mọn.

     Phương pháp luận của khoa học xã hội nhân văn và phương pháp luận của Giáo hội không đối chọi với nhau, nhưng đối thoại và bổ sung cho nhau. Hai phương pháp luận nhân văn và thần học thiết lập "mối tương quan tới hạn", theo nghĩa là phân tích xã hội học và phán đoán thần học cùng hợp tác với nhau để diễn giải, để phán đoán một tình huống, chứ không cạnh tranh về sự thật của vấn đề.

4. Làm

Sau khi đã tiến hành các giai đoạn Xem, Xét (đánh giá phán đoán vấn đề), các bạn chưa đi đến cuối con đường thực hiện luận văn. Bởi vì việc đánh giá và phán đoán tạo thành một quá trình năng động mời gọi các bạn có những quyết định mới trong hành động mục vụ và đức tin.

Điều này rất đúng và có ý nghĩa trong thần học thực hành, nếu mục đích công việc nghiên cứu và thực hiện tiểu luận phục vụ sứ mệnh của Giáo hội. Vai trò của chúng ta (có thể nói như nhà thần học) ở cấp độ khiêm tốn trong công việc này đây là đề xuất các áp dụng mới trong mục vụ. Nói cách khác:

Từ đánh giá và phán đoán vấn đề thông qua nghiên cứu, xuất hiện các hướng dẫn, đề xuất, các yếu tố năng động, các bạn phải chuyển chúng thành các đề xuất hợp tác, mà cộng đồng Giáo hội địa phương nhỏ bé và cơ quan giáo hội có thể quyết định thực hiện.

Công việc này là một thách đố đức tin cho chính các bạn, vì chính khi đã tin, các bạn phải hành động, phải dấn thân phục vụ Giáo hội và con người. Đối với luận văn, cập nhật hóa kết quả nghiên cứu mục vụ là thời điểm cho sự táo bạo và can đảm, như nhà thần học Karl Rahner đã từng nói:

[La théologie pastorale] traite de la manière dont l'Église s'accomplit actuellement par elle-même, pour autant qu'une réflexion scientifique permet de la mettre en lumière, en se fondant à la fois sur la réalité essentielle de l'Église et sur l'analyse théologique de la situation actuelle, soit dans son accomplissement effectif (point de vue critique), soit par rapport à ce qui doit s'accomplir (point de vue normatif). (RAHNER, 1969: 13)[20].

Các đề xuất mục vụ mới, không mang tính cá nhân, nhưng phải phù hợp với tinh thần phục vụ cộng đồng dân Chúa như Chúa Giêsu đã làm, và giờ đây Giáo hội tiếp tục loan báo Tin mừng của Ngài.

Kết quả nghiên cứu nói rằng, thực tế vẫn là đề xuất hành động, dù có rủi ro đến đâu, vẫn có thể được phát triển theo quy trình lập kế hoạch và ra quyết định, đảm bảo mức độ kiểm soát nhất định.

----------------------------------

ghi chú:

[19] Dei verbum, số 24.

[20] Viau, M. (1987). Identité des études pastorales. Laval théologique et philosophique, 43(3), 291–319. https://doi.org/10.7202/400323ar, tham khảo ngày 7/8/2021.

--------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo