Ngày tháng: 21/11/2024
Đang truy cập: 148

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - Phần 9/23 - Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC TÍN LÝ - Phần 9/23

Lm. Paul Ngô Đình Sĩ

-----------------------------

CHƯƠNG 3: CHỦ ĐỀ LUẬN VĂN

I. Lựa chọn chủ đề

Các bạn tiến hành lựa chọn một chủ đề “tạm thời”. Vì sau khi suy tư và nghi vấn về những góc khuất hàm ẩn ở trong chủ đề, chúng ta gọi là “đặt vấn đề”, nhờ đó bạn có thể tiến hành nghiên cứu. Một khi luận văn được viết xong, bạn sẽ nắm rõ về công việc của mình và lúc đó, các bạn sẽ đọc và chỉnh sửa lại tựa đề hay và thích hợp hơn.

Chúng ta đã có dịp định nghĩa thần học mục vụ và sau đó đề xuất một phương pháp luận cho nghiên cứu trong lãnh vực này trong những phân đoạn trên đây. Trong phân đoạn này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn một số cách thức giúp các bạn lựa chọn một chủ đề thích hợp với thần học mục vụ, hấp dẫn và khả thi.

1. Phương pháp “lựa chọn”

a. Bốn yếu tố tiên khởi

Chúng tôi xin nhắc lại định nghĩa ngắn gọn của thần học mục vụ: là suy tư về hành động của Giáo hội, qua sứ mạng thông tin và truyền tải Tin mừng (rao giảng và dạy giáo lý) trong đời sống hàng ngày (các bí tích, hoạt động mục vụ), và về các chân lý trong việc học Thánh Kinh và Truyền thống thần học của Giáo hội.

Do đó, chủ đề trong lãnh vực này nói chung và ngành Mục vụ Nghề nghiệp nói riêng thì không bờ bến, tìm được một đề tài có giá trị và thích hợp với trình độ, khả năng, sở trường của mỗi người là một công việc không dễ dàng.

Cụ thể, trước khi lựa chọn một chủ đề, chúng tôi cung cấp và giải thích bốn yếu tố khách quan:

- Động cơ cá nhân của sinh viên

- Thẩm định giá trị của chủ đề trong đời sống đức tin

- Tính khả thi của chủ đề

- Tính hấp dẫn và khả năng kiến thức của sinh viên

b. Các sai lầm nên tránh

Như đã nói, các bạn chỉ đề cập đến một phác thảo chủ đề tạm thời để dựa vào đó có thể tiến hành công việc “nêu vấn đề” và thu thập và xử lý các tài liệu liên quan. Chủ đề thực sẽ được sửa lại và trở thành tựa đề chính của tiểu luận hoàn thành.

Sau đây là các “mẹo”nhỏ để tránh những sai lầm trong việc lựa chọn chủ đề.

- Không nên chọn một chủ đề quá rộng hoặc một chủ đề hoàn toàn mới mẻ.

- Đừng bị cám dỗ bởi một chủ đề quá uyên bác so với khả năng và học vấn của các bạn.

- Các bạn phải tư duy trên ý tưởng nảy sinh và hình thành chủ đề nghiên cứu của mình. (Phải viết lên một cách rõ ràng ý tưởng và lựa chọn những từ ngữ thích hợp).

Các bạn hãy làm thử nghiệm đề xuất dưới đây trong mục đích giúp xác định ý muốn và quan tâm của chính mình.

c. Bảng thử nghiệm

Động cơ

và quan tâm

Sinh viên

Đối tượng

khảo cứu

Tầm rộng của vấn đề

 

 

Khả năng

và kiến thức

Tình trạng của chủ đề nghiên cứu trong cánh đồng tri thức

 

 

Vai trò của bạn trong Giáo hội

Ý nghĩa mục vụ của chủ đề

 

 

Nguồn tài liệu và

kỹ năng thu thập

Những khó khăn của chủ đề

 

Để thử nghiệm, các bạn cố gắng kiểm tra ý định của mình qua 8 câu hỏi được trình bày trong bảng. 4 câu hỏi liên quan trực tiếp đến bạn và 4 câu khác thuộc chủ đề nghiên cứu. Vì thần học, như chúng ta đã trình bày, bao gồm nhiều lãnh vực. Như thế, các bạn nên xác định xem ý tưởng đó ở trong lãnh vực thần học cụ thể nào.

2. Xác định lãnh vực

a. Lãnh vực nghiên cứu của thần học mục vụ

Lãnh vực thần học mục vụ có thể được diễn đạt như sau:

- Khai tâm đức tin và giáo lý Công giáo (trẻ em, thanh thiếu niên, Kitô hữu "kém tin", những người sống ngoài lề xã hội và Giáo hội hoặc trong hoàn cảnh bất thường, .v.v.);

- Đời sống phụng vụ và bí tích của các cộng đoàn Công giáo;

- Quan tâm đặc biệt đến những người và nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt (ốm đau và hấp hối, người già, người nghèo khó, người tị nạn, người nghiện ma túy, người bị thiệt thòi, v.v.);

- Bảo vệ quyền con người, kinh tế, môi trường, hòa bình và công bằng xã hội;

- Truyền giáo, tìm hiểu các tôn giáo và hệ tư tưởng khác.

b. Ví dụ cụ thể

Chủ đề các bạn có thể:

Nghiên cứu một tài liệu Giáo hội, một tác phẩm thần học hay một tác giả.

- Ngày 8/12/2020, nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Piô IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo trợ Giáo hội Công giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde– Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021.

- Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Của Tình Yêu) được ký vào ngày 19/03/2016, lễ thánh Giuse, giáp ba năm Đức Thánh Cha Phanxicô nhậm chức mục tử của Giáo hội, và được phát hành qua cuộc họp báo được tổ chức vào ngày 08/04/2016. Chủ đề của văn kiện không phải là “Hôn Nhân và Gia Đình”, nhưng là “Về tình yêu trong gia đình”.

- Thông điệp Caritas in Veritate (Bác ái trong Chân lý), ngày 29/6 và ban hành tại Vatican ngày 7/7/2009, của Đức Giáo hoàng Biển Đức 16.

- Tác phẩm Đường Hy vọng của Đức Hồng Y PX Nguyễn Văn Thuận. Cuốn sách nhỏ này không phải là một tác phẩm lý thuyết thần học, nhưng là một phương pháp tâm linh sâu sắc. Trước cuộc sống xô bồ của xã hội hiện đại, Đức Hồng y, với kinh nghiệm sống của ngài, giúp chúng ta suy tư và nên thánh.

- Và còn nhiều văn kiện và tác phẩm hữu ích khác cho đức tin của chúng ta...

Một khái niệm thần học, bản văn Thánh kinh, tín điều, hay vấn đề thần học mới xuất hiện.

- Trong bản văn 2 Cr 9,6-7, thánh Phao lô viết: “6Tôi xin nói điều này: gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều. 7Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương”. Chúng ta cũng được khích lệ như những quản gia tốt đối với của cải Thiên Chúa đã và đang ban cho chúng ta.

- Trong Lc 16,1-13, dụ ngôn của Chúa Giêsu kể về người quản gia bất lương như một cách cảnh cáo chúng ta về thái độ con người trước những gì được Thiên Chúa ban cho. Vậy nếu chúng ta không trung tín về của cải thế gian, làm sao chúng ta đón nhận tốt gia sản thiêng liêng đến từ Chúa Giêsu?”

- Mọi người phải có trách nhiệm với chính gia đình mình, 1 Timôthê 5,8 đã nhắc nhở: “Ai không chăm sóc người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn người không có đức tin.

- Với thông điệp “Quan Tâm Tới Vấn Đề Xã Hội” Sollicitudo rei socialis, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, rất giàu kinh nghiệm về các dân tộc cũng như về con người, ngài không ngớt đào sâu giáo huấn của Công Đồng Vatican II, đặc biệt những gì đề cập đến trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng (Gaudium et Spes).

Đời sống bí tích.

- Bí tích Rửa tội được xem như nền tảng của mọi ơn gọi trong Giáo hội. Sứ mệnh cơ bản của Kitô hữu là sống ơn gọi được rửa tội, nghĩa là sống theo Tin Mừng và làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu bằng cả cuộc đời để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Hiến Chế Mục Vụ về Giáo hội trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium et Spes), số 5 và 6.

- Hôn nhân Công giáo là Bí tích Hôn phối, Bí tích tác hợp vợ chồng giữa một người nam và một người nữ qua Giáo hội. Hôn nhân Công giáo là duy nhất và vĩnh viễn trong suốt cuộc đời mỗi người phối ngẫu. Giáo luật Công giáo quy định cụ thể về Bí tích Hôn phối từ điều 1055 đến điều 1065. Vấn đề sinh sản và giáo dục con cái cũng là yếu tố quan trọng trong hôn nhân Công giáo. Giáo hội Công giáo Rôma vẫn không chấp nhận hôn nhân đồng tính.

- Tông huấn Sacramentum Caritatis (Bí tích yêu thương) của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Các Vị Giám mục, Hàng Giáo sĩ, Đời Tận hiến và Giáo dân về Thánh thể là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống và sứ vụ Giáo hội. Tông huấn Sacramentum Caritatis số 5 đã nhắc đến những văn kiện chính của huấn quyền từ sau công đồng Trentô: thông điệp Mirae caritatis (28/5/1902) của đức Lêô XIII, thông điệp Mediator Dei (20/11/1947) của đức Piô XII, thông điệp Mysterium fidei (3/9/1965) của đức Phaolô VI, thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17/4/2003) của đức Gioan Phaolô II, và hai huấn thị của Bộ Phụng tự vào năm 1967 và 2001.

- Và các bí tích khác...

Khảo cứu mang tính triết học trên một vấn đề thần học (meta-theological topic). Triết học nghiên cứu về những vấn đề chung và cơ bản của con người, thế giới quan và vị trí của con người trong thế giới quan, những vấn đề có kết nối với chân lý, sự tồn tại, kiến thức, giá trị, quy luật, ý thức, và ngôn ngữ. Ví dụ:

- Linh mục dòng Tên Pierre Teilhard de Chardin vừa là nhà thần học vừa là khoa học gia, khi nói chuyện với một viên chức Vatican đang hoài nghi giáo lý của cha, đã hỏi: "Cha đang muốn nói gì trong các bài viết của mình?" Cha Teilhard trả lời: "Tôi cố gắng soạn thảo một Kitô học nhằm thể hiện trọn vẹn Chúa Kitô, vì Chúa Kitô không phải chỉ là một sự kiện nhân học, nhưng còn là một hiện tượng vũ trụ.” Theo cha Teilhard, Chúa Kitô không chỉ đến để cứu con người, nhưng Ngài đến để cứu địa cầu, mà con người chỉ là một phần trong đó. Thật vậy, thư Côlôxê 1,15-20 khẳng định Chúa Kitô là nguyên lý sống động trong công trình tạo dựng nguyên thủy. Trong thư gởi tín hữu Êphêsô (1, 3-10), thánh Phaolô cũng có ý tương tự như vậy, và trong thư gởi tín hữu Rôma (8,19-22), thánh Phaolô nói rõ ràng hơn khi quả quyết rằng tất cả thụ tạo, mẹ trái đất và vũ trụ vật lý của chúng ta "đang rên xiết" chờ sự cứu rỗi của Chúa Kitô.

- Giáo hội và môi trường: chúng ta thường nghĩ sai lầm rằng Giáo huấn xã hội hơi nghèo nàn về những đề tài liên quan đến việc bảo vệ môi sinh. Nhân dịp Hội nghị về Phát triển bền vững tại Joannesburg năm 2002, Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình đã xuất bản một tài liệu tựa đề “From Stockholm to Johannesburg. An Historical Overview of the Concern of the Holy See for the Environment”. Khi đọc sách này, chúng ta thấy rằng Huấn quyền, từ công đồng Vaticanô II đến các giáo hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI và Toà thánh, đã có mặt trong sự phát triển cuộc tranh luận hiện hành về các đề tài môi trường và phát triển. Chúng ta có rất nhiều các tài liệu của Giáo hội sau đây về môi trường:

- Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (1992), số 226; 279-314; 337-349; 373; 2415-2418; 2432.

- Pontifical Council for Justice and Peace, From Stockholm to Johannesburg. An Historical Overview of the Concern of the Holy See for the Environment 1972-2002, (Vatican City 2002). Các văn kiện của Huấn quyền về môi trường được tổng hợp trong Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội[21] do Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình xuất bản năm 2005, ở Chương 10 dưới tựa đề “Bảo vệ môi trường” (số 451-487) gồm bốn đoạn: 1/ Khía cạnh Kinh Thánh; 2/ Con người và vạn vật; 3/ Khủng hoảng trong tương quan giữa con người và môi trường; 4/ Trách nhiệm.

- Chưa kể đến các văn kiện của các Hội đồng Giám mục thuộc nhiều đại lục và quốc gia, được trưng dẫn trong thông điệp Laudato si.

Khảo cứu liên ngành (inter-disciplinary topic), liên hệ đến ít nhất hai ngành học hay lãnh vực nghiên cứu khác nhau. Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa phương pháp nghiên cứu, chúng ta có thể khảo cứu một đề tài dưới góc độ của các ngành học khác có liên quan. Sự liên hệ chủ đề nghiên cứu với các lãnh vực khác nhau làm cho nội dung cũng như phương pháp tiếp cận trở nên phong phú và hấp dẫn hơn. Ví dụ:

- Đức tin, gia đình và con cái: Thượng Hội đồng Giám mục Thường lệ Khóa XIV (còn được gọi là Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình) được diễn ra từ ngày 4/10 đến ngày 25/10/2015 mang chủ đề "ơn gọi và sứ mệnh của các gia đình trong Giáo hội và trong thế giới đương đại". Đây là sự kiện của Giáo hội Công giáo Rôma do Giáo hoàng Phanxicô triệu tập, là phần tiếp nối của Thượng Hội đồng Giám mục Ngoại thường năm 2014 với chủ đề "Các thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh của công cuộc loan báo Tin Mừng" (Bản dịch của Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn).

- Trong hoàn cảnh khủng hoảng giữa các thế hệ hiện nay, làm thế nào các gia đình Kitô hữu có thể nhận ra ơn gọi truyền tải đức tin của mình? (câu 3c)

- Làm thế nào các Giáo hội cụ thể có thể đáp ứng nhu cầu của cha mẹ những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh hôn nhân bất thường để họ có thể cung cấp cho các cháu một nền giáo dục Kitô giáo? (câu 6c)

- Kinh thánh và khoa học: Giáo hoàng Leô XIII xử lý các xung đột cáo buộc giữa khoa học hiện đại và Kinh thánh để cho thấy rằng không phải là xung đột thực sự, nhưng có khả năng giải quyết trong đó sự thật của Kinh thánh không bị suy yếu. Nguyên tắc chính là Kinh thánh nói về thế giới thể chất theo vẻ bề ngoài và theo ngôn ngữ của nền văn hóa trong đó Kinh thánh được viết và không tìm cách đưa ra một lời giải thích khoa học như mong đợi của nhà khoa học thực nghiệm:

- We must remember, first, that the sacred writers, or to speak more accurately, the Holy Spirit “who spoke by them, did not intend to teach men these things (that is to say, the essential nature of the things of the visible universe), things in no way profitable unto salvation.” Hence they did not seek to penetrate the secrets of nature, but rather described and dealt with things in more or less figurative language, or in terms which were commonly used at the time, and which in many instances are in daily use at this day, even by the most eminent men of science. Ordinary speech primarily and properly describes what comes under the senses; and somewhat in the same way the sacred writers—as the Angelic Doctor also reminds us— “went by what sensibly appeared,” or put down what God, speaking to men, signified, in the way men could understand and were accustomed to. (Leo XIII, Providentissimus Deus § 18).

- Kinh thánh, tiền bạc và kinh tế: Kinh thánh không đưa ra mô hình kinh doanh "chìa khóa trao tay" phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng các chủ đề kinh tế hiện diện xuyên suốt Cựu ước và Tân ước. Ngôn sứ Isaia được Chúa Giêsu trích dẫn nói một năm ân sủng đến từ Thiên Chúa (Luca 4,19). Lời tuyên bố này đề cập đến quy định cho năm thánh được tìm thấy trong chương 25 của sách Lêvi (câu 1 đến câu 17). Đến năm thứ bảy, dân Ít-ra-en phải dành một năm nghỉ để ruộng đồng thở và tha nợ (Đnl 15,1-11), và sau bảy lần bảy năm, một năm ân sủng với mục tiêu là giải phóng những người nô lệ và cho họ nhận lại di sản của riêng mình, và để cho trái đất nghỉ ngơi và tha thứ cho các món nợ. Đó là về việc giải quyết những bất công, đảm bảo rằng không có người nghèo (Đnl 15,4) và thiết lập lại sự phân phối hàng hoá một cách công bằng (gia sản). Việc để hoang các cánh đồng để bảo tồn trái đất, do đó, vấn đề sinh thái cũng thuộc về đức tin vào Thiên Chúa.

- Trong Tân Ước, người nghèo là trọng tâm của thông điệp phúc âm (Mt 11,5), và sự công bình là của Nước Trời. Người công chính là người cho ăn uống, cho quần áo mặc, thăm viếng và đón tiếp những người anh chị em (Mt 25,35-36). Trong cộng đồng Ki tô giáo đầu tiên ở Giêrusalem, tầm nhìn về một nền kinh tế ở nơi không ai phải phẫn nộ và mỗi người được nhận theo nhu cầu của mình đều có hiệu quả (Cv 4,33-35). Việc "phục vụ bàn ăn" - diakonia - được thiết lập cùng với việc "phục vụ Lời Chúa" (Cv 6: 2-4), lặp lại điều răn kép: Mến Chúa và Yêu người.

- Ngày 3 tháng 10 năm 2020, tại Assisi, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ký thông điệp “Fratelli tutti – Tất cả anh em”, gọi là thông điệp xã hội. Đức Giáo hoàng kêu gọi xây dựng một thế giới tươi đẹp, dựa trên nền tảng huynh đệ và tình bạn hữu, một thế giới công bằng và hoà bình hơn, cùng với nỗ lực của tất cả các dân tộc cũng như các tổ chức. Thông điệp ra đời trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Đức Giáo hoàng bày tỏ: “đây là điều khiến ngài đau buồn trong khi soạn thảo tài liệu này”. Nhưng bối cảnh y tế toàn cầu chỉ ra rằng “không ai sống sót một mình” và đây thực sự là lúc “mơ về một nhân loại duy nhất”, nơi đó tất cả chúng ta là “anh em của nhau” (7-8).

----------------------------------

ghi chú:

[21] Nguyên tác: Compendium of the Social Doctrine of the Church, Website Vatican.va.

-----------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo