Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 51

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN TÍN ĐIỀU NGÔI HIỆP ĐƯỢC TRÌNH BÀY TRONG CÔNG ĐỒNG CALCEDONIA (2)

Quá Trình Phát Triển Tín Điều Ngôi Hiệp

Được Trình Bày Trong Công Đồng Calcedonia

III. Nhận Định

1. Nhìn Chung Về Các Công Đồng

Nhìn lại các công đồng trước, ta thấy điều các Giáo phụ đặc biệt quan tâm là khai trừ các lạc thuyết có nguy cơ làm “xói mòn” mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi lẫn mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Các lạc thuyết này tựa như một trận “đại dịch” khiến cho cộng đồng các kitô hữu hoang mang, vì không biết đâu là sự thật về niềm tin của mình nơi Đức Kitô.Đàng khác, các ngài nỗ lực xây dựng xây dựng một nền giáo lý vững chắc dựa trên Kinh thánh và truyền thống khả dĩ giải đáp thích đáng về mặt kiến thức cho những ai thắc mắc, và cũng cố niềm tin cho những người đang lung lạc. Nói cách khác, các ngài đã thiết lập một nền giáo lý chứa đựng những nội dung chân lý trọng yếu của niềm tin kitô hầu có thể đáp ứng nhu cầu hiểu biết và cảm thức đức tin của người tín hữu, cũng như giải mã các vấn nạn mà những người không kitô hay các lạc giáo đưa ra.

Tất nhiên, những tín biểu của các công đồng không phải trong “chốc lát” mà nên hoàn thiện, nhưng được hình thành một cách tiệm tiến. Các tín biểu đầu tiên đề cập đến Ngôi Lời nhập thể được xuất hiện nơi các công đồng Nicea, Constantinopoli và Epheso. Các công đồng này đã tiếp nối nhau vạch trần và sửa sai những quan điểm lệch lạc về Đức Giêsu Kitô, như các lạc giáo: Thụ tạo thuyết, Dưỡng tử thuyết, Ao thân thuyết, Lưỡng tính thuyết, Nhất tính thuyết…Để rồi cấu thành một nền giáo lý mạch lạc, rõ ràng, khúc chiết và chính xác.Có thể nói, các công đồng này là tiền đề cho công đồng Calcedonia đạt được thành tựu thực sự với một nền giáo lý về Đức Kitô được xem là dứt khoát và chung quyết.

2. Công Đồng Calcedonia

Chúng ta không sợ sai lầm khi nói những tuyên tín nơi công đồng Calcedonia là các điểm tiêu chuẩn của việc định hướng cho nền thần học của Giáo hội công giáo, và thậm chí của các Giáo hội kitô khác.Ngang qua công đồng, ta thấy rõ hình ảnh một Thiên Chúa làm người được thể hiện nơi Đức Kitô, người xứ Nazareth.Ngài đã trở nên mọi sự trong mọi người hầu mang lại cho nhân thế ơn giải thoát.Đây quả là mầu nhiệm cao vời và “nghịch lý” mà Thiên Chúa đã thực hiện vì yêu thương. Bởi thế, kể từ công đồng này mà các định tín về Kitô học còn giá trị tới hôm nay như: Đức Kitô toàn vẹn trong thiên tính và nhân tính, là Thiên Chúa thật và là người thật; Người Con một ấy hiện hữu trong hai bản tính, không trộn lẫn hoặc thay đổi, không chia rẻ hoặc tách biệt; đặc tính của mỗi một bản tính càng được bảo toàn khi kết hợp với nhau trong một ngôi vị; Ngài được sinh ra theo nhân tính, bởi Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Đó là những “cốt tủy” của tín điều mà công đồng Calcedonia minh định về Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể.Nói cách xác quyết hơn, đây là một kiệt tác mà các nghị phụ đã gặt hái được, vì nó cân bằng về nặt ý niệm, mạch lạc về nội dung và dung hòa về đối tượng (các trường phái khác nhau).Có lẽ, bản tuyên tín này không những đưa ra ánh sáng sự thật về Đức Kitô mà còn là chiếc cầu nối các trường phái lại với nhau.Như vậy, chính Đức Kitô là trung gian hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người, cũng như giữa con người với nhau.

Chúng ta có thể ví, Giáo hội trước công đồng calcedonia như bầu trời bị mây mù các lạc thuyết che khuất, khiến cho nhiều người phải lần mò trong bóng đêm lầm lạc, vì không nhìn thấy “ánh dương”.Công đồng calcedonia là “làn gió” đẩy luy bóng mây che phủ ấy hầu mở ra một chân trời hy vọng và hoan lạc, vì đức tin tìm được tìn được nền tảng và chân lý được rửa sạch những vết nhơ.Quả thực, chúng ta sẽ còn mãi lẫn quẫn trong vòng u minh lầm lạc, nếu như công đồng Calcedonia chưa vạch cho ta một hướng đi đích thực và một chọn lựa dứt khoát. Công đồng đã mở cánh cửa sự thật để giải thoát ta khỏi ngục tù lạc thuyết, hầu dẫn ta bước theo Đức Kitô là đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14, 6). Bởi vì, chỉ có nơi Ngài mà chúng ta được sống, cử động và hiện hữu (Cv 17, 28), đồng thời nếm trải được hạnh phúc cứu độ ngay trong cuộc lữ hành trần thế này.

Kết Luận

Với định tín công đồng Calcedonia, Giáo hội đã phần nào giải mã được vấn nạn mà Đức Kitô đặt ra cho nhân thế: “Người ta bảo Thầy là ai” (Mt 16, 13). Bởi vì, công đồng đã diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa làm người bằng chính ngôn ngữ thời đại, hầu giúp những ai muốn tiếp cận với Đức Kitô có thể “thỏa mãn” những khắc khoải của con tim và lý trí, cũng như đánh tan những vết đen của nghi ngờ và cả những chống đối hay không cùng chung niềm tin.

Tuy nhiên, định tính của công đồng chưa phải là “dấu chấm hết”, để rồi mỗi người chỉ biết lặp lại như một cái máy. Chắc hẳn công đồng mới chỉ là điểm khởi đầu, một lối ngỏ giúp chính mỗi người tiếp tục tìm cho mình một câu trả lời thích đáng trước câu hỏi: còn bạn, bạn bảo Thầy là ai? Không phải công đồng gây cho ta những vấn nạn về Đức Kitô, mà chính Ngài khơi lên nơi ta vấn nạn mà Ngài đã đưa ra cho các môn đệ và dân chúng thời bấy giờ (Mt 16, 13- 16).Chúng ta có thể đặt nhiều “tên” cho Đức Kitô như những người sống cùng thời đã làm, tùy vào tâm tính và cảm nghiệm bản thân.Tất nhiên, không một câu trả lời nào diễn tả tron vẹn câu hỏi này, nên nó vẫn còn “bỏ ngõ” và không ngừng được lặp lại; để rồi mời gọi mỗi người đích thân trả lời câu hỏi này trong cuộc sống đời thường.

Như thế, dù chúng ta là ai, thuộc giai cấp, ngôn ngữ hay chủng tộc nào đều không tránh được câu hỏi này, nếu muốn bước theo Đức Kitô là con đường dẫn đến sự sống. Lẽ đương nhiên, chúng ta bước đi trên con đường ấy, chứ không chiếm hữu được con đường; cũng như không “nắm bắt” được tất cả cuộc sống trong lòng bàn tay, nhưng chỉ sống nó từng ngày một. Cũng vậy, niềm tin không thể giam giữ trong một định tín hay định chế nào cả, nhưng là khi cụ để Đức Kitô dẫn ta đi.

 

Montfort Nguyễn Xuân Pháp CT

Nguồn: simonhoadalat.com

zalo
zalo