Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 239

Quá Trình Phát Triển Tín Điều Ngôi Hiệp Được Trình Bày Trong Công Đồng Calcedonia (1)

Quá Trình Phát Triển Tín Điều Ngôi Hiệp

Được Trình Bày Trong Công Đồng Calcedonia

Dẫn Nhập

Bất kỳ ai muốn tiếp cận với Đức Kitô đều phải tự mình trả lời câu hỏi mà Ngài đã đặt ra: “Người ta bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 13), hay “Anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 15). Trả lời được câu hỏi này, chúng ta như nắm được chìa khóa mở cánh cửa của niềm tin và yêu thương để đi vào mầu nhiệm hiệp thông với Ngài. Dĩ nhiên, khi đối diện với vấn nạn này sẽ có nhiều người đưa ra những giải đáp khác nhau tùy vào tâm tính, cảm thức đức tin.

Nhưng vì nhiệt tâm “thái quá”, nhiều người đã tự tìm cho mình một lối rẽ khác, một hướng đi dẫn họ lạc xa chân lý.Bởi vì chân lý mà họ suy tìm không khởi đi từ mạc khải, mà chỉ là một thứ học thuyết nhằm thõa mãn lý trí. Đó là đầu mối của các lác giáo như: Arius, Nestorius, Eutyches, Apollinaire… Điều họ ngộ nhận là đưa mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể cứu chuộc (Ngôi Hiệp) ngang tầm với lý trí.Cách suy diễn của họ đã bóp méo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô và sai lệch truyền thống Giáo Hội.Nó tựa như những đám mây che khuất ánh mặt trời đang chiếu soi nhân thế.

Tất nhiên, Giáo hội không thể giả điếc làm ngơ trước những khuynh hướng sai lạc, nên đã nhất quyết bênh vực sự tinh tuyền của giáo lý về Đức Giêsu Kitô bằng lời nói, thư từ và nhất là qua các công đồng Nicea, Constantinopoli, Epheso và Calcedonia.Ở một khía cạnh nào đó, do các lạc thuyết nẩy sinh mà Giáo hội có một tiến trình hình thành Ngôi Hiệp tương đối hoàn chỉnh nơi công đồng Calcedonia.

Vậy để phần nào hiểu được sự phát triển tín điều Ngôi Hiệp được trình bày nơi công đồng Calcedonia, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những khía cạnh sau.

I  Tiền Đề Đưa Tới Công Đồng Calcedonia

Chắc hẳn không phải do một sớm một chiều hay ngẫu hứng mà công đồng Calcedonia ra đời với bản tuyên tín về Ngôi Hiệp tương đối hoàn chỉnh và có giá trị tới hôm nay. Để có được bản tuyên tín này, Giáo hội của những thế kỷ đầu phải đổi lấy bao trí lực, thời gian và cả nước mắt, bởi các lạc thuyết đưa ra những luận chứng bóp méo hình ảnh đích thực của Giêsu Kitô. Bản tuyên tín này dựa trên các bản tuyên tín các công đồng đi trước khi phải đối diện với các lạc thuyết để đưa ra một phán quyết chung cuộc về Ngôi Hiệp.

1. Lạc Thuyết Arius

a. Học Thuyết Arius

Arius dựa vào sách Châm Ngôn 8, 22- 31 trong đó có câu: “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất”, để nói rằng Ngôi Lời bởi Chúa Cha mà ra. Vì thế, Ngài có lúc khởi đầu (sinh ra), chỉ Chúa Cha mới vĩnh hằng (bất sinh).Cho nên, Ngôi Lời không thể vĩnh hằng được.Luận đề này đưa đến kết luận: Ngôi Lời không phải là Thiên Chúa thật, nhưng Ngài đã cùng Chúa Cha sáng tạo vạn vật. Ông nói: “Chúng tôi nhận biết một Thiên Chúa, chỉ có Ngài là không được sinh ra, chỉ có Ngài là vĩnh cửu, chỉ có Ngài là không có khởi nguyên, chỉ có Ngài là Thiên Chúa thật, bất tử… Ngài sinh ra con độc nhất của Ngài trước muôn đời muôn thuở. Nhờ Con, Ngài đã tạo nên các thời đại và mọi vật mọi loài… Ngài là thụ tạo hoàn hão của Thiên Chúa… Con đã được tạo dựng nên cùng các thời đại và từ trước muôn đời… Người không hiện hữu trước khi được sinh ra, nhưng được sinh ra ngoài thời gian trước tất cả mọi sự.Ngài không hằng hữu, không vĩnh cữu và không dự phần vào việc không được sinh ra như và cùng với Chúa Cha”[1].Thư của ông viết trong Thalia cũng xác tín điều đó: “Muôn vật đều là thụ tạo và là tác phẩm, nên chính Lời của Thiên Chúa cũng đã được tác thành từ hư vô; đã có thời không hiện hữu. Ngài đã không hiện hữu trước khi được tác thành… Yếu tính của Cha, Con và Thánh Thần từ bản thể đã chia ra, cách biệt và xa lìa nên không trao đổi gì với nhau.Vì thế các Ngài hoàn toàn khác biệt về yếu tính và vinh quang[2].

Có lẽ mối bận tâm của Arius là muốn gìn giữ một ý tưởng về Thiên Chúa, Đấng siêu việt cách triệt để, vượt trên mọi thụ tạo, độc nhất, bất biến và vĩnh hằng.Nhưng những lý luận của ông thay vì đặt dưới ánh sáng của đức tin, ông lại lấy nó làm điểm tựa giải thích đức tin vào Thiên Chúa, Đấng phi khởi nguyên, “tách biệt” mọi hửu thể khác. Trong đó, Ngôi Lời không có khởi nguyên, vì Ngài phát xuất từ Chúa Cha. Nói theo ngôn ngữ của Bernard Sesboue: “Đối với Arius, bản thể của Ngôi Lời xa lạ và thấp hơn bản thể của Cha… Đức Kitô, thụ tạo được thần linh hóa hay Thiên Chúa được làm nên, không vĩnh hằng cũng không đồng bản tính với Cha được[3].

Như vậy, Đức Kitô của Arius không phải là một Thiên Chúa nhập thể để cứu độ chúng ta.Ngài chỉ là Ngôi Lời “khả biến”, tạm thời biến thành linh hồn nhân loại để chịu một cuộc thử thách, nhờ đó mà Ngài đáng được những tước hiệu của Thiên Chúa[4]. Lối lý luận của Arius theo lối diễn dịch cứng nhắc, nên đã gây ra khó khăn và đối chọi giữa một bên là phải tuân theo dữ kiện mạc khải, bên kia là những đòi hỏi của lý trí. Arius đã đi sai đường khi chọn cho mình “vị thầy” lý trí mà phớt lờ hay lãng quyên dữ kiện mạc khải. Trước sự sai lạc này, Giáo hội đã vào cuộc để chỉnh đốn bằng công đồng chung Nicea, nhóm họp năm 325.

b. Công Đồng Nicea (325)

Trước nguy cơ Ariuus giản lược Thiên tính Đức Kitô vào nhân tính.Cách chính xác hơn, ông phủ nhận Thiên tính của Đức Kitô và chỉ xem Ngài như một thụ tạo trổi vượt.Cho nên, công đồng Nicea đã nhóm họp để cùng nhau bàn thảo và xác định sự thật vầ Đức Kitô. Nhìn vào bản tuyên tín, ta thấy tín biểu này khẳng định Chúa Con “sinh ra từ bản thể Chúa Cha”, Ngài là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa và đồng bản thể với Chúa Cha”. Như vậy, một đàng công đồng trở về với suối nguồn Kinh Thánh khi khẳng định “được sinh ra chứ không phải được tạo thành”; đàng khác, vay mượn ngôn từ triết học để trả lời vấn nạn “đồng bản thể”.Từ ngữ then chốt này đã loại bỏ ý tưởng sự khác biệt về bản tính hay bản thể giữa Chúa Cha và Ngôi Lời. Quanđiểm này, chúng ta cũng gặp thấy nơi Bernard Sesboue: “Nếu như Ngài không phải đích thật là Con được sinh ra cách vĩnh hằng, Ngài chẳng thể nào ban cho chúng ta được thông phần tư cách là con Thiên Chúa được, và chúng ta chẳng thể nào được nhận làm Nghĩa Tử của Thiên Chúa trong Ngài được[5].

Một đoạn khác nơi tín biểu cũng làm cho ta cảm thấy được củng cố niềm tin khi nói về Đức Kitô đồng bản thể với Chúa Cha là “Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”, nhưng vì yêu thương và để cứu độ chúng ta, “Ngài đã xuống thế, trở nên xác thịt và con người, chịu khổ hình và sống lại ngày thứ ba[6]. Với cụm từ “trở nên xác thịt và con người”, công đồng cũng đã đánh vào lạc giáo Ao Thân Thuyết. Nhóm này chủ trương: Thiên Chúa tốt lành không thể nào trở thành con người được. Ngôi Lời là Thiên Chúa chỉ làm ra vẽ như con người mà thôi. Cho nên thân xác của Đức Kitô chỉ là ảo ảnh, chứ không có thật.

Như vậy, qua tuyên tín, công đồng muốn chuyển tải một sứ điệp: nơi Đức Kitô, chúng ta nhận ra một Thiên Chúa trọn vẹn và cũng nhận ra một con người trọn vẹn. Hay nói theo Liebaert: “Nicea nói với chúng ta rằng nơi Đức Kitô chúng gặp được chính Đấng Tuyệt Đối là Thiên Chúa, một Thiên Chúa thật sự dấn thân vào trong thế giới chúng ta[7].

2. Lạc Thuyết Apolinaire

a. Quan Điểm Của Apollinaire

Apllinaire là giám mục vùng Laodicea, một người bạn thân của thánh Athanase. Ông là người nhiệt thành bảo toàn giáo lý công đồng Nicea và bênh vực khẳng định: Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha. Tuy nhiên, một cách vô thức ông đã tiêm nhiễm giả định của đối thủ. Nếu như Arius đề cao nhân tính Đức Kitô, thì thái cực bên kia là của Apllinaire khi ông đề cao thần tính của Đức Kitô, mà làm “khuyết đi” nhân tính.

Ông dựa vào thư của thánh Phaolô gửi cho Thexalonica 1Tx 5, 2: “Chớ gì toàn thể con người anh em, được thần trí, tâm hồn và thân xác được vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Kitô, Chúa chúng ta quang lâm”. Ông lý luận rằng Đức Kitô đã nhận lấy thân xác, tâm hồn nhưng không nhận lấy thần trí, bởi vì chính logos đóng vai trò thay thế thần trí (linh hồn) nơi Ngài.Ông dẫn chứng thêm câu nói của Gioan : “Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm” (Ga 1, 14), ngoài ra chẳng còn gi nữa; vì thế Ngôi Lời là người do xác thể. Với Apollinaire, Đức Kitô không sở đắc nguyên lý tự quyết như con người vốn có. Cho nên, Ngài không những không phạm tội, mà cả những cám dỗ và những cuộc chiến đấu cũng chẳng có nơi Ngài.Ông nói như sau: “Việc hai hữu thể thuộc linh và có ý chí tồn tại chung với nhau là không thể được, vì chưng chúng sẽ đối kháng lẫn nhau do ý chí và năng lực riêng của chúng. Vì thế, Ngôi Lời đã không nhận làm của mình một tâm hồn nhân loại[8].

Vậy khi phải đối diện với người con của Giáo hội nhiệt tình chống lại các lạc giáo và bảo vệ đức tin chân chính, nhưng chính mình lại dính vào vết chân của đối phương, Giáo hội đã có phản ứng như thế nào?

b. Công Đồng Constantinopoli I  (Năm 381)

Để bài bác những tư tưởng sâu sắc của Apollinaire, công đồng lấy lại hai hạn từ vốn được công đồng Nicea sử dụng: “nhập thể tức là làm người” để minh định rằng Ngôi Lời hóa thành xác thể là Ngôi Lời làm người trọn vẹn là người. Đây cũng chính là giải đáp của Athanase; và với lời giải đáp này, thánh nhân đã “đánh mất” người bạn của mình là Apollinaire. Ngài nói: “Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp với thân xác, là Đấng đã đặt định cả vũ hoàn, và qua các công trình Ngài thực hiện nơi thân xác… Vì lẽ thân xác cũng đã ăn, đã được hạ sinh và đã đau khổ, không phải là thân xác của một người khác, nhưng chính là thân xác của Chúa, và vì Ngài đã trở thành người, thế nên nói đến những điều đó như là của một con người là điều hợp lý, ngõ hầu thân xác của Ngài xuất hiện thực sự chứ không phải là một cách hư ảo[9]. Với lối lý luận này, thánh nhân đã làm cho tình bạn của hai người rạn nứt, vì không tìm được tiếng nói chung. Tất nhiên, Athanase chấp nhận “mất đi” người bạn để bảo vệ đức tin chân chính để làm sáng lên hình ảnh Đức Ki tô đích thực: con người thật và là Thiên Chúa thật.

Một nhân vật khác có công rất lớn trong cồng đồng Constantinopole I là thánh Gregoire Nysse.Thánh nhân bảo vệ sự duy nhất về bản tính của Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời chống lại những người theo giáo phái Apollinaire. Thánh nhân cũng làm nổi bật sự toàn vẹn của bản tính nhân loại nơi Đức Kitô, Ngôi Lời đã trở thành người.Ngài mang lấy tất cả những bản tính của chúng ta, mang lấy các tâm tình và ý chí nhân loại mà Ngài đã đặt trong sự phục tùng thánh ý Chúa Cha nhằm đem lại ơn cứu độ con người. Ngài hòa mình với con người và mang lấy nơi mình toàn diện bản tính của chúng ta, để nhờ sự hòa trộn với thần linh, con người được thần thánh hóa[10].

3. Lạc Giáo Nestorius

a.Học Thuyết Của Nestorius

Theo Nestorius thần tính và nhân tính là hai bản tính thực hữu một cách khách quan, có đặt tính và hoạt động riêng rẽ nơi mỗi bản tính.Cho nên, có sự kết hợp giữa hai bản tính, nhưng không kết hợp cách thể lý hay ngôi vị, mà đó chỉ là một sự kết hợp dựa trên phẩm cách và ưu thế; sự bình đẳng mà Ngôi Lời có được là nhờ được thông phần với Ngôi Lời. Sự kết hợp giữa hai bản tính sẽ bị tổn hại hay bị trôn lẫn với nhau. Như vậy, Ngôi Lời Thiên Chúa không cưu mang trong cung lòng Đức Maria.Nói cách khác, Đức trinh Nữ là đấng sinh ra nhân tính, chứ không sinh ra Thiên Chúa.Cho nên, phải gọi Đức Trinh Nữ là Mẹ của Đức Kitô, chứ không phải là Mẹ của Thiên Chúa. Trong thư gửi cho Syrille, Nestorius đã nói: “Đề cập đến chương trình cứu độ của Chúa, thì đều gán việc sinh hạ và chịu khổ nạn cho nhân tính của Đức Kitô, chứ không phải cho thần tính, đến nổi nói một cách thật chính xác, phải gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Đức Kitô chứ không gọi là Mẹ của Thiên Chúa. Nếu lấy cớ việc ‘nhận làm của mình’ mà gán cho Ngôi Lời những đặc tính của xác phàm được kết hợp với Ngài, tôi muốn nói về cuộc nhập thể, cuộc khổ nạn và tử nạn, thì đó là việc làm của một tinh thần lệch lạc hoặc một thứ bệnh điên rồ của Apollinaire, của Arius”[11].

Với lối lý luận sắc bén và khúc chiết, ông vô tình chuyển từ khuynh hướng Ao thân thuyết qua thái cực khác là hành vi “nhân hóa” Ngôi Lời, tạo nên một vực thẳm lớn giữa Ngôi Lời và nhân tính của Ngài, đến độ Ngôi Lời chẳng còn là gì ngoài ảo ảnh không có thực.

b. Công Đồng Epheso Năm 431

Để trả lại nét tinh tuyền cho đức tin nguyên sơ, công đồng Epheso đã triệu tập và tuyên bố giáo thuyết của Nestorius là nghịch đạo và trái với đức tin.Các nghị phụ coi bức thư thứ II của Cyrille như văn kiện chính của công đồng, và giá trị của nó có tính thuộc quy điển.Trong đó, Cyrille xác tín rằng Đức Kitô có hai bản tính không biến đổi, không lãnh hội và không phân chia trong hiệp nhất.Nếu không chúng ta sẽ chia cắt Đức Kitô làm hai Con, một bên là vĩnh hằng và bên kia là nghĩa tử. Điều đó đồng nghĩa với việc người ta sẽ chia cắt niềm tin, thánh tẩy và ơn cứu độ ra làm hai. Hệ luận của nó là niềm tin và hành vi thờ phượng của ta mang tính mơ hồ. Bởi vì, nếu một con người chỉ là thụ tạo thì không thể trao ban thánh thần, cũng chẳng thể nào tha tội. Nhằm hiểu rõ hơn kế đồ của Cyrille trong quá trình chống lại Nestorius, chúng ta cùng nhìn lại bức thư thứ II của ngài: “Con duy nhất nhiệm sinh bởi Chúa Cha theo bản tính, là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật… Hai bản tính khác biệt gặp nhau trong một sự duy nhất đích thực, nhưng từ hai bản tính đó chỉ thành ra một Đức Kitô và là Con mà thôi. Sự khác biệt giữa hai bản tính không bị triệt tiêu bởi sự kết hợp.Vì chưng thân xác Ngôi Lời không xa lạ với Ngôi Lời, chính với thân xác ấy, mà hiện nay Ngài ngự bên Chúa Cha… chính vì vậy mà các ngài dám gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa”[12].

Như vậy, không có chuyện nhân tính Đức Kitô hiện hữu cách riêng lẻ với bản vị Ngôi Lời, nhưng là một sự kết hợp trên cơ sở bản vị, mà Ngôi Lời đã trao ban chính mình cho bản tính nhân loại vốn sinh ra nó, khi đón nhận nhân tính vào trong bản vị Ngôi Lời của mình. Trong chiều hướng này, Ngôi Lời vừa là nguyên lý tạo ra sự kết hợp giữa nhân tính và thần tính, vừa là hạn đích hiệp nhất của hai bản tính đó[13].

Tuy nhiên, khi công cồng Epheso khép lại không đương nhiên mọi sự đã ổn.Các cuộc tranh luận về giáo thuyết lại nổi lên đưa ra nhiều vấn nạn khác nhau về sự thật Đức Kitô.Một trong những học thuyết gây chú ý là của Eutyches.Vậy ông đã nói gì?Và đâu là hướng đi của Giáo Hội?

II. Định Tín Của Công Đồng Calcedonia

1. Đức Kitô Dưới Nhãn Quan Của Eutyches

Khởi đi từ ý hướng muốn bênh vực Cyrille, và nỗ lực chống lại lạc thuyết Nestorius, nhưng kết cục chính ông cũng bị sa lầy trong chính lạc thuyết của mình. Những luận cứ đưa ra cho thấy ông đang ở thái cực bên kia với Nestorius. Bởi vì, đối với Nestorius thì Chúa Kitô có hai bản tính tách biệt; còn ông lại bảo: Chúa Kitô có hai bản tính trước khi kết hiệp, nhưng sau khi kết hợp chỉ có một bản tính, nhân tính bị tan biến trong thần tính. Theo ông, sự kết hợp giữa hai bản tính là một sự trộn lẫn, tiêu hóa lẫn nhau, đến độ không còn khác nhau nữa, cũng không còn phân biệt nhau nữa.Như vậy, thân xác Chúa Kitô không còn đồng bản thể với chúng ta nữa. Do đó Đức Kitô chẳng còn là Thiên Chúa thật và là người thật nữa mà chỉ là một “cái gì đó thứ ba”. Điều này cũng đồng nghĩa, Đức Kitô chẳng còn là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, mà chỉ là một thứ trung nào đó mà thôi[14].

Nói cách khác, không biết vô tình hay hữu ý, Eutyches đã tháo gỡ “chiếc cầu trung gian” giữa Thiên Chúa và con người, khi nói Đức Kitô không còn là Thiên Chúa nhập thể, mà chỉ là một sự trộn lẫn. Do đó, thay vì đưa Đức Kitô đến gần con người, ông lại kéo Ngài xa chúng ta. Có thể nói, Eutyches cố gắng tẩy những vết nhơ trong bức tranh Thiên Chúa làm người, nhưng do thiếu cẩn trọng hay nhiệt tâm thái quá, ông đã làm cho bức tranh ấy thêm hư hoại và nham nhỡ.

Tất nhiên, Giáo hội cần phải tái tạo lại bức tranh này, hầu đưa nó trở về với tính nguyên sơ và chân thật ban đầu.

2. Tín Điều Ngôi Hiệp

Tín điều Ngôi Hiệp nơi Calcedonia được hình thành không chỉ đối phó với lạc thuyết Eutyches, mà còn là kết quả bởi các công đồng đi trước, cũng như sự dung hòa giữa các trường phái nhằm đưa tới sự hợp nhất trong Giáo hội. Nhìn theo hướng khác, công đồng đã loại bỏ các giáo thuyết sai lạc, thừa nhận các tuyên tín của các công đồng Nicea, công đồng Costantinopoli, các công thức đức tin của công đồng Epheso, các thư của Cyrillo… để qua đó, Giáo hội muốn xác nhận lại lập trường của mình như: Thiên tính, nhân tính, sự hợp nhất cũng như tách biệt giữa các bản tính.

a. Xác Lập Lại Thiên Tính Đức Kitô

Bản tuyên tính xác định Đức Kitô “đồng bản thể với Chúa cha theo thiên tính và đồng bản thể với chúng ta theo nhân tính… Trước mọi thời gian, Ngài sinh ra bởi Chúa Cha theo thiên tính và trong những ngày cuối cùng, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, Ngài đã sinh ra theo nhân tính[15]. Đoạn này lấy lại ý tưởng của công đồng Nicea (325) để bác bỏ lạc thuyết Arius.Ông này cho rằng Ngôi Lời đã có lúc khởi đầu, tức là được sinh ra, nên Ngài không thể là vĩnh cữu.Arius đã giản lược Thiên Chúa vào nhân tính và xem Ngài như một thụ tạo.Điều này đồng nghĩa trong Ba Ngôi Thiên Chúa khác nhau về yếu tính và vinh quang.Ở đây, công đồng muốn nhấn mạnh đến Ngôi Lời sinh xuất kép nơi vĩnh hằng và trong thời gian.Hành vi này làm nền tảng cho chúng ta biết được sự đồng nhất về bản thể và bản tính giữa Đấng sinh ra và Đấng được sinh ra. Như vậy, hai lần sinh ra của Đức Kitô chính là nguyên lý thực tại đồng bản thể với Thiên Chúa Cha[16].

Đàng khác, tín biểu này chuyển tải cho ta một niềm hy vọng về ơn cứu độ và công chính hóa.Nó nói lên một Thiên Chúa gần gũi, đã hạ cố mặc lấy thân phận yếu hèn hầu thánh hóa và cho ta được thông phần “thiên tính” của Người.Quả thực, Thiên Chúa sẽ trở nên xa lạ, “đáng sợ” nếu Đức Kitô không đến với con người, cùng đồng hành và dẫn đưa họ đến bến mạnh phục miên trường. Trái lại, Đức Kitô sẽ trở nên “bất kham” trước tội lỗi con người nếu như Ngài không phải là Thiên Chúa.Muốn kéo một người ra khỏi vũng bùn, thì đương nhiên người đó phải ở ngoài vũng bùn hay đang ở một vị thế an toàn. Cũng vậy, Đức Kitô không thể cứu độ con người nếu như Ngài cũng chỉ là con người “tầm thường” như ta. Thần học gia Y Pha Nho đã nhận định thật chí lý: “Nếu Đức Kitô không phải là Thiên Chúa, thì Ngài chẳng đem đến ơn cứu độ nào cả. Chúng ta vẫn còn ở trong tình trang tội của chúng ta và vẫn không chắc chắn về những gì liên quan đến tương lai[17].

Ơn cứu độ không khởi đi từ con người, nhưng phát xuất từ ý định yêu thương của Thiên Chúa. Chương trình ấy đã được thực hiện nơi Đức Kitô, con Thiên Chúa làm người. Ngài đến để chiếu giãi ánh sáng cứu độ và mạng lại phúc trường sinh cho con người. Đó là niềm tin của chúng ta và là sứ điệp hy vọng mà công đồng muốn hướng tới.

b. Xác Lập Lại Nhân Tính Đức Kitô

Như chúng ta biết lạc thuyết Apollinaire đề cao nhân tính mà làm “khuyết đi” thần tính.Ngôi Lời đóng vai trò thay thế cho linh hồn.Đàng khác, Ngôi Lời không nhận làm của mình một tâm hồn nhân loại, cho nên không những không phạm tội, mà cả chiến đấu và cám dỗ cũng không.Như vậy, Apollinaire thật khó giải thích một Thiên Chúa làm người, biết cảm thông những nỗi yếu hèn của ta,như chính Ngài đã kinh qua (Dt 5, 2).Một con người không trọn vẹn thì chưa được gọi là người, bởi vì để trở thành người phải hội đủ hai yếu tố căn bản: xác thể và linh hồn. Apollinaire không tin nơi Đức Kitô có linh hồn vì đã được chính Ngôi Lời thay thế. Do đó. Đức Kitô không phải một con người trọn vẹn như bao nhiêu người khác. Điều này chẳng khác nào Thiên Chúa làm một việc “giả bộ”, làm như có vẽ, chứ không phải là một Thiên Chúa thật. Hệ luận đưa tới là Đức Kitô không phải là Đấng trung gian đích thực giữa Thiên Chúa và con người.

Những điều đó công đồng Constantinopli I bài bác, và đã được công đồng calcedonia minh định lại: “Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Ngài trọn vẹn trong nhân tính… giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi”. Nhân tính trọn vẹn trong Đức Kitô bao gồm một tâm hồn có thể lý và thân xác.Đức Giêsu Kitô trong tư cách là Thiên Chúa làm người, phải chịu trải qua quá trình lớn lên lên nơi vóc giáng, sự không ngoan và ân sủng (Lc 2, 52), vì đó là cái giá hành vi hạ cố của Ngài. Hay nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolo: “Cho dầu là con Thiên Chúa, Đức Kitô đã phải trải qua nhiều thử thách để học biết thế nào là vâng phục” (Dt 5, 8). Như vậy, cho dầu Thiên Chúa của mọi sự, Ngài đã chấp nhận tình trạng phụ thuộc mà thụ tạo vốn có trong tương quan với Thiên Chúa.Tự bản tính thần linh là thánh, Ngài đã chấp nhận thân phận phải trở thành thánh, nhờ tham dự vào thân phận bản tính nhân loại của Ngài đòi hỏi.Đấng do tự bản tính thần linh của mình vốn hiệp nhất với Thiên Chúa Cha, Ngài lại đón nhận trong tình trạng kết hợp với Thiên Chúa, tình trạng mà Ngài được nhận cùng với xác thể nhờ ân sủng. Do đó, Ngài đã nhận làm của mình tất cả những gì mà Ngài phải chịu nơi xác thể để đem lại cho ta ơn cứu độ[18]. Về điều này, Y Pha Nho thật có lý khi nói : “Nếu Đức Giêsu không phải là một con người, thì ơn cứu độ chưa được đem đến cho chúng ta là những con người[19].

c. Xác Lập Lại Sự Hiệp Nhất

Công đồng Calcedonia khẳng định: “Chỉ có một Người Con, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Ngài toàn vẹn trong thiên tính, cũng như toàn vẹn trong nhân tính… Ngài sinh ra theo nhân tính, bởi Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa… không bị phân rẽ hay chia cắt làm hai ngôi vị, nhưng chỉ là một, là Người Con duy nhất, là Thiên Chúa Ngôi Lời, là Chúa Giêsu Kitô[20]. Định tính xác lập lại sự thống nhất nới Đức Giêsu Kitô, mặc dầu mang hai bản tính Thiên Chúa và con người, nhưng Ngài chỉ có một Ngôi vị mà thôi. Công đồng cũng xác nhận lại tín điều Mẹ Thiên Chúa được khẳng định nơi công đồng Epheso: “Ngài sinh ra theo nhân tính, nơi Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa”, nhằm loại trừ cái nhìn sai lạc của Nestorius khi nói Ngôi Lời không cưu mang trong lòng Đức Maria, cho nên Đức Trinh Nữ không phải là Mẹ Thiên Chúa. Một câu nói khác: “Không phân chia, cũng không tách lìa”. Hai trạng từ cũng nhắm tới Nestorius, vì ông này chủ trương hai bản tính tách rời và hoạt động riêng lẽ nơi mỗi bản tính.Theo phân tích của Bernard Sesboue: “Dù khẳng định Ngài mang hai bản tính, nhưng điều đó không cho phép nghĩ rằng Đức Kitô được cấu thành do hai trụ thể vốn tách lìa và được liên kết lại với nhau[21].

Một khi quan niệm hai bản tính của Đức Kitô không ăn nhập gì với nhau, Nestorius đang chia cắt niềm tin và sự hiệp nhất Giáo hội. Nói cách biểu tượng: thân thể Đức Kitô đã bị chia năm sẻ bảy. Để trả lại hình ảnh đích thực của Đức Kitô, công đồng muốn chúng ta tuyên xưng rằng Đức Kitô không phải là hai bản tính tách biệt và chia lìa, nhưng là một với Thiên Chúa (Ga 10, 30), là Lời của Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật và cũng là người thật.Hai bản tính kết hợp trọn vẹn, hoàn hảo trong một ngôi vị duy nhất.Chúng ta phân biệt chứ không thể nào tách biệt hai bản tính. Lập trường của Leonardo Boff cũng đi theo chiều hướng này: “Một Đức Kitô độc nhất và cũng chính Ngài là Con, là chủ tể duy nhất phải được tuyên xưng như là tồn tại trong hai bản tính, không được lẫn lộn, nhưng vốn là bất di bất dịch, bất khả phân ly, và không thể tách biệt sự khác biệt giữa các bản tính không bao giờ được loại bỏ vì có sự hợp nhất với nhau;  trái lại, đặc tính của mỗi bản tính phải được bảo vệ, cả hai đều được hỗ tương trong việc hoàn thành một bản vị[22].

d. Sự Bảo Toàn Các Bản Tính Khi Kết Hợp

Có lẽ nguyên nhân gần dẫn đến công đồng Calcedonia là lạc thuyết Eutyches, và điểm mới của công đồng cũng là điều nhằm đối phó với lạc thuyết này.Công đồng minh định không có sự thay đổi hay trộn lẫn nơi hai bản tính sau khi kết hợp. Bản tính ấy được bảo toàn và vẫn giữ được sắc thái riêng bởi sự kết hợp với nhau. Chúng ta cùng nghe công đồng tuyên xưng: “Chúa Kitô, Người Con một ấy hiện hữu trong hai bản tính không trộn lẫn hoặc thay đổi, không chia rẽ hoặc tách biệt; không bao giờ khác biệt giữa các bản tính lại bị xóa mất đi do bởi sự việc chúng kết hợp với nhau, trái lại, đặc tính của mỗi một trong hai bản tính cùng được bảo toàn, khi tụ hợp với nhau nơi một ngôi vị và một bản ngã[23].

Ở đây, công đồng muốn nói rằng giữa đặc tính thống nhất và tình trạng phân biệt không có gì bất ổn cả.Nói cách khác, giữa hai bản tính vẫn giữ nguyên đặc tính riêng của mình sau khi đã kết hợp.Bởi sự kết càng làm cho mỗi bên thêm phong phú, chứ không nhằm tiêu hóa lẫn nhau. Đức Kitô không thể là một kết cục của một sự trôn lẫn, hay Ngài không phải là Thiên Chúa thật và con người thật mà là một cái gì đó thứ ba, như Eutyches đã nói. Cùng với Bernard Sesboue, chúng ta chân nhận rằng: “ Sau khi kết hợp, Đức Kitô, một đàng, vẫn chỉ là một và cũng cùng một Đấng đó, và đàng khác ‘ở nơi hai bản tính’; vì thế, ở nơi Ngài, sau khi kết hiệp, phải kể ra có hai bản tính[24].

Điều mà công đồng nhắm tới Eutyches rõ hơn cả là câu: “Không lẫn lộn với nhau và không có gì thay đổi”. Sở dĩ nói vậy, vì Eutyches chủ trương rằng sau khi kết hợp, hai bản tính làm tiêu tan nhau, cho nên không còn sự phân biệt giữa hai bản tính với nhau nữa. Tuy nhiên, câu định tín của công đồng cho ta một lập trường khác, vì cho rằng chẳng có gì biến chất nơi bản tính thần linh và nơi bản tính con người trong con người của Ngài. Đàng khác, chẳng có gì biến đổi hay biến dạng nơi Ngôi Lời trong xác thể, cũng như không có chuyện trộn lẫn hay tan biến trong nhau giữa hai bản tính, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn nơi mỗi bản tính. Ở đây, ta thấy không có một thứ trộn chung nào ngay tức khắc giữa các đặc tính riêng cho thần tính và nhân tính, nhưng cả hai bản tính vẫn có cái gì đó đặc thù và chuyên nhất[25]. Nói khác đi, nhân tính vẫn là nhân tính với tất cả những gì là sắc thái riên của nó, về phần thần tính cũng vậy, bằng không nhân loại sẽ không được cứu độ. Đó cũng là nhận định của Y Pho Nha: “Nếu như nhân tính đến từ Thiên Chúa mà lại không phải là một nhân tính thật và không còn là một nhân tính nữa, thế thì sẽ không phải là con người đã được cứu rỗi trong Đức Giêsu, mà là một tạo vật khác[26].

Như vậy, nơi hai bản tính có sự hiệp nhất chứ không có sự trộn lẫn, có sự phân biệt chứ không có sự tách biệt.Vì chưng, mỗi khi đặt Đức Kitô vào tình trạng trộn lẫn, tiêu hóa lẫn nhau, cũng đồng nghĩa Ngài bị “khuyết”.Sự trọn vẹn trong mỗi bản tính nói lên một Thiên Chúa gần gũi với con người. Thiên tính Đức Kitô không làm tiêu tan nhân tính, nhưng làm cho nó thêm hoàn hảo với hướng đích mang lại cho con người sự công chính và ơn cứu độ.

(Còn tiếp)


[1] Nguyễn Thế Thoại. Giáo Phụ Học. 2008. tr 199- 200.

[2] Nguyễn Thế Thoại. Sđd. Tr 204.

[3] Bernard Sesboue. Quá Trình Phát Triển Tín Điều Ki Tô Học. Lm. Phê rô Nguyễn Thiên Cung biên soạn & chuyển ngữ. Nxb: Hà Nội, 2009. Tr 47.

[4] X. Liebaert. Giáo Phụ tập I. tr 223.

[5] Bernard Sesboue. Sđd. Tr 48.

[6] Felipe Gomez, sj. Kitô Học II. An Tôn và Đuốc Sáng. Tr 263.

[7] J. Liebaert. Giáo Phụ tập I. Paris 1986.tr 230.

[8] Bernard Sesboue. Sđd. Tr 60- 61.

[9] Trích lại J. Liebaert.Giáo Phụ tập I. Paris 1986.tr 285.

[10] Xem M. Spanneut. Giáo Phụ II. Tr 122.

[11] Trích lại M. Spaneut. Sđd. Tr 448- 449.

[12] M. Spaneut. Sđd. Tr 453- 455.

[13] Bernard Sesboue. Sđd. Tr 92.

[14] Bernard Sesboue. Sđd. Tr  103.

[15] Trích Felipe Gomez. Sđd tr 276.

[16] Xem Bernard Sesboue. Sđd. Tr  114.

[17] Trích    lại Lm. Leonardo Boff. Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ. Lm Bảo Tịnh chuyển ngữ.2007. Tr 237.

[18] Xem Bernard Sesboue. Sđd. Tr  138- 139.

[19] Trích    lại Lm. Leonardo Boff.Sđd tr. 237.

[20] Xem Felipe Gomez. Sđd. Tr 276- 277.

[21] Bernard Sesboue. Sđd. Tr  115.

[22] Lm. Leonardo Boff.Sđd tr. 236.

[23] Felipe Gomez. Sđd. Tr 276

[24] Bernard Sesboue. Sđd. Tr  114.

[25] Xem Bernard Sesboue. Sđd. Tr 115-116

[26] Lm. Leonardo Boff.Sđd tr. 237.

zalo
zalo