Ngày tháng: 21/11/2024
Đang truy cập: 15

SẮC LỆNH VỀ CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

PHAOLÔ GIÁM MỤC
TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA
HỢP NHẤT VỚI CÁC NGHỊ PHỤ CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG
ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ

SẮC LỆNH
VỀ CÁC PHƯƠNG TIỆN
TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

INTER MIRIFICA
Ngày 4 tháng 12 năm 1963

 

LỜI MỞ ĐẦU

1.

Trong những phát minh kỳ diệu về kỹ thuật mà con người đã dùng tài năng cùng với ơn Chúa để sáng chế từ các tạo vật, nhất là trong thời hiện đại, Mẹ Giáo Hội đặc biệt ân cần đón nhận và ủng hộ những phát minh liên quan đặc biệt đến tâm hồn con người và mở ra những con đường mới để truyền thông cách dễ dàng các tin tức, tư tưởng và kiến thức. Trong số những phát minh ấy, trổi vượt hơn cả là các phương tiện tự bản chất không những có liên hệ và ảnh hưởng đến từng cá nhân, mà còn đến cả đại chúng và toàn thể xã hội nhân loại như báo chí, phim ảnh, phát thanh, vô tuyến truyền hình và những kỹ thuật khác tương tự, đây là những phương tiện đáng được gọi là những phương tiện truyền thông xã hội.

2.

Mẹ Giáo Hội biết rằng những phương tiện đó, nếu được sử dụng đúng đắn, chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân loại khi đóng góp rất nhiều vào việc giải trí, bồi dưỡng tinh thần cũng như mở rộng và củng cố Nước Chúa; tuy nhiên, Giáo Hội cũng biết rằng con người có thể dùng những phương tiện đó nghịch với ý định của Đấng Tạo Hoá, và gây nguy hại cho chính bản thân; Giáo Hội như mẹ hiền rất đau buồn lo âu vì những thiệt hại do cách sử dụng sai lạc những phương tiện truyền thông vẫn rất thường gây ra cho cộng đồng nhân loại.

Vì thế, chia sẻ nỗi ưu tư của các vị Giáo Hoàng và Giám mục đối với vấn đề rất quan trọng này, Thánh Công Đồng nhận thấy có trách nhiệm phải đề cập đến những vấn đề chính yếu liên quan tới các phương tiện truyền thông xã hội. Hơn nữa, Thánh Công Đồng cũng tin tưởng rằng giáo thuyết và chỉ thị được trình bày sau đây sẽ giúp ích không những cho phần rỗi các Kitô hữu mà còn cho sự tiến bộ của toàn thể cộng đồng nhân loại.

 CHƯƠNG I

3.

Được Chúa Kitô thiết lập để mang ơn cứu rỗi đến cho tất cả mọi người, Giáo Hội Công giáo có nhiệm vụ phải rao giảng Tin Mừng, và do đó nhận thấy mình có bổn phận phải sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để loan truyền sứ điệp cứu độ và hướng dẫn con người biết sử dụng đúng đắn các phương tiện ấy.

Giáo Hội đương nhiên có quyền sử dụng và sở hữu bất cứ phương tiện truyền thông xã hội nào, tuỳ theo nhu cầu hay ích lợi của nền giáo dục Kitô giáo và của phần rỗi các linh hồn; các vị Chủ chăn có nhiệm vụ chỉ bảo và hướng dẫn để các tín hữu cũng biết dùng những phương tiện này để đạt đến ơn cứu rỗi và sự hoàn thiện của bản thân cũng như của toàn thể gia đình nhân loại.

Đặc biệt người giáo dân có bổn phận làm cho các phương tiện này mang lấy ý nghĩa nhân văn và tinh thần Kitô giáo, để có thể đáp ứng trọn vẹn kỳ vọng lớn lao của nhân loại và thực thi đúng theo ý định của Thiên Chúa.

4.

Để sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông, mọi người cần hiểu biết và trung thành áp dụng những nguyên tắc luân lý liên quan đến lãnh vực này. Vì thế, phải quan tâm đến nội dung những gì được truyền thông, tuỳ bản chất của mỗi phương tiện; đồng thời cũng phải chú ý đến tất cả các chi tiết hoặc cảnh huống, nghĩa là mục đích, con người, địa điểm, thời gian và các yếu tố khác liên quan đến việc truyền thông, đó là những nhân tố có thể tác động, thậm chí làm thay đổi hoàn toàn tính cách luân lý của việc truyền thông; trong số những yếu tố vừa kể, phải đặc biệt lưu ý đến cách thức hoạt động đặc thù, nghĩa là sức tác động của từng phương tiện, tác động đó có thể mạnh đến độ con người, nhất là khi không được chuẩn bị đầy đủ, khó có thể cảm nhận, chế ngự và từ khước nếu cần.

5.

Tuy nhiên, điều cần thiết nhất là tất cả những người liên hệ đến lãnh vực truyền thông, phải tự đào tạo cho mình một lương tâm ngay thẳng trong việc sử dụng các phương tiện đó, đặc biệt đối với khá nhiều vấn đề hiện vẫn còn trong vòng tranh luận.

Vấn đề thứ nhất liên quan đến lãnh vực vẫn được gọi là thông tin, nghĩa là thu thập và phổ biến tin tức. Dĩ nhiên ai cũng thấy, cùng với sự tiến bộ của xã hội nhân loại ngày nay và mối liên hệ chặt chẽ giữa các phần tử xã hội, việc thông tin thật vô cùng hữu ích, và nhiều khi trở thành điều không thể thiếu được; thật vậy, việc thông tri rộng rãi và đúng lúc giúp cho mỗi người biết được đầy đủ và liên tục các biến cố và sự kiện đã xảy ra, nhờ đó có thể tham gia cách hữu hiệu hơn vào thiện ích chung, đồng thời mọi người cũng dễ dàng góp phần nhiều hơn vào việc thăng tiến toàn thể xã hội. Vì thế, xã hội nhân loại có quyền thông tin những điều liên quan đến con người, hoặc cá nhân hoặc tập thể, tuỳ theo hoàn cảnh mỗi người. Tuy nhiên, việc thực thi đúng đắn quyền này đòi hỏi những điều được truyền thông phải luôn luôn xác thực và đầy đủ, trong khi vẫn giữ được nguyên tắc công bình và bác ái; ngoài ra, cách thức truyền thông cũng phải lương thiện và xứng hợp, nghĩa là cả trong lúc thu thập cũng như khi loan truyền tin tức, phải tuân thủ tuyệt đối luật lệ luân lý, các quyền lợi chính đáng và phẩm giá con người; thật vậy, không phải mọi kiến thức đều hữu ích, trong khi “đức bác ái thì luôn xây dựng” (1 Cr 8,1).

6.

Vấn đề thứ hai liên quan đến điều thường được gọi là mối tương quan giữa quyền lợi của nghệ thuật và tiêu chuẩn của luật luân lý. Vì những tranh luận dai dẳng về vấn đề này thường phát xuất từ những học thuyết sai lầm về luân lý và thẩm mỹ, nên Thánh Công Đồng xác quyết rằng quyền ưu tiên của định chế luân lý khách quan phải được mọi người tuyệt đối tôn trọng, vì đây là một định chế trổi vượt và có thể phối hợp cách hài hoà tất cả các dạng thức sinh hoạt của con người, vốn luôn được tôn trọng, kể cả ngành nghệ thuật. Thật vậy, chỉ có luân lý mới chạm đến bản tính toàn vẹn của con người, một tạo vật có lý trí do Thiên Chúa tạo dựng và được mời gọi vào đời sống siêu nhiên, nếu trung thành tuân giữ nghiêm minh lề luật luân lý, con người sẽ đạt tới sự hoàn thiện và hạnh phúc trọn vẹn.

7.

Sau cùng, việc tường thuật, mô tả hay diễn đạt điều xấu về phương diện luân lý qua những phương tiện truyền thông xã hội, chắc chắn có thể giúp nhận biết và khám phá con người cách sâu sắc hơn, đồng thời cũng bày tỏ và biểu dương nét cao đẹp của điều chân thật, thiện hảo, nhờ các tác động kịch nghệ thích hợp; tuy nhiên, để đem lại lợi ích chứ không gây nguy hại cho các tâm hồn, các hoạt động trên vẫn phải tuyệt đối tuân theo luật luân lý, nhất là khi đụng chạm đến những vấn đề đòi hỏi phải dè dặt thận trọng, hay những gì dễ kích động dục vọng xấu xa của con người vốn đã bị tổn thương vì tội nguyên tổ.

8.

Vì dư luận quần chúng ngày nay có sức tác động và áp đặt rất nhiều trên đời sống riêng tư cũng như công khai của mọi tầng lớp dân chúng, nên trong lãnh vực này, tất cả các thành viên trong xã hội cần phải thực thi tốt đẹp bổn phận công bình và bác ái; bởi đó, phải dùng chính những phương tiện truyền thông xã hội để hình thành và phổ biến dư luận ngay chính.

9.

Tất cả các độc giả, khán giả và thính giả, những người tự do chọn lựa để tiếp nhận thông tin qua các phương tiện truyền thông cũng buộc phải thực thi những bổn phận riêng biệt. Thật vậy, họ phải lựa chọn đúng đắn để giúp phát huy những gì là đức hạnh, khoa học và nghệ thuật; phải tránh xa những gì nên cớ hay tạo dịp cho chính mình phải thiệt hại về phần thiêng liêng, hoặc những gì có thể trở thành gương xấu gây nguy hiểm cho người khác, hoặc ngăn cản những thông tin tốt lành và truyền bá những thông tin đồi truỵ; đây là điều vẫn thường xảy ra khi có người tài trợ cho những kẻ khai thác những phương tiện này chỉ vì lý do lợi nhuận.

Vì thế để chu toàn luật luân lý, chính những người sử dụng không được lãng quên bổn phận phải kịp thời tham khảo ý kiến của những người có khả năng chuyên môn về các vấn đề liên quan, và làm theo những ý kiến đó với lương tâm ngay thẳng; hơn nữa để dễ dàng chống trả những quyến rũ sai quấy và phát huy trọn vẹn những điều thiện hảo, họ phải dùng những phương thế thích hợp để hướng dẫn và đào luyện lương tâm.

10.

Những người sử dụng, nhất là các thanh thiếu niên, phải tập luyện để biết giữ điều độ và kỷ luật trong việc dùng các phương tiện truyền thông; ngoài ra cũng phải cố gắng tìm hiểu sâu xa hơn về những điều đã được thấy, nghe và đọc; họ nên trao đổi ý kiến với những nhà giáo dục và các chuyên gia và học biết cách nhận định thật xác đáng. Phần các phụ huynh, hãy nhớ thật sự quan tâm đừng để phim ảnh, sách báo và những gì trái nghịch với đức tin, trái thuần phong mỹ tục, lọt vào ngưỡng cửa gia đình, cũng đừng để con cái tìm xem các thứ đó ở những nơi khác.

11.

Bổn phận luân lý chính yếu trong việc sử dụng đúng đắn những phương tiện truyền thông xã hội thuộc về các nhà báo, nhà văn, các diễn viên, người sáng tác kịch bản, đạo diễn, nhà tài trợ, người phân phối, nhà sản xuất và những người buôn bán, những người phê bình và tất cả những người, bằng cách này hay cách khác, góp phần vào việc thực hiện hay phổ biến các chương trình truyền thông; trong điều kiện hiện nay của nhân loại, trách vụ của những người đó rõ ràng thật quan trọng, vì qua những thông tin được truyền đạt và cách thức tác động nhờ truyền thông, họ có thể dẫn nhân loại đi theo hướng ngay chính hay sai lạc.

Bởi thế họ cần tìm cách phối hợp sao cho những yếu tố kinh tế, chính trị hay nghệ thuật, luôn quy hướng về công ích; để đạt tới điều đó cách dễ dàng hơn, trong lãnh vực nghề nghiệp, họ nên ghi danh vào những hiệp hội có những quy định buộc các hội viên tôn trọng luật luân lý trong các giao dịch và công tác nghề nghiệp, và nếu cần, đi đến chỗ ký kết một quy ước luân lý phải được tuân giữ chu đáo.

Họ cũng nên luôn nhớ rằng phần lớn các độc giả và khán giả là thanh thiếu niên, những người cần có báo chí và kịch ảnh để giải trí lành mạnh và nâng cao tâm hồn. Hơn nữa, việc truyền thông những điều liên quan đến tôn giáo cần được giao cho những người xứng đáng và chuyên môn, và phải được thực hiện với tất cả sự tôn trọng xứng hợp.

12.

Trong lãnh vực truyền thông, chính quyền dân sự có những phận vụ đặc biệt liên quan đến công ích, điều mà những phương tiện này luôn nhắm tới. Chính quyền có bổn phận phải bênh vực và bảo đảm sự tự do đích thực và chính đáng của việc thông tin, nhất là trong lãnh vực báo chí, vì đó là điều rất cần thiết cho sự tiến bộ của xã hội ngày nay; phải phát huy những giá trị tôn giáo, văn hoá và nghệ thuật, đồng thời cũng bảo đảm cho người sử dụng có thể tự do hưởng thụ những quyền lợi chính đáng. Ngoài ra phải hỗ trợ những đề xuất, nhất là những công trình đặc biệt hữu ích cho giới trẻ, nhưng lại không thể thực hiện được nếu không có sự trợ giúp của chính quyền.

Sau cùng, chính công quyền, với tư cách là cơ quan chính thức đảm trách về phúc lợi của dân chúng, có bổn phận phải xem xét công minh và cẩn thận, đồng thời ban hành các luật lệ và nghiêm chỉnh thi hành, để tránh những thiệt hại nặng nề cho thuần phong mỹ tục và sự tiến bộ xã hội do việc lạm dụng những phương tiện truyền thông. Thái độ cẩn trọng đó không hề hạn chế quyền tự do cá nhân hay đoàn thể, đặc biệt trong trường hợp những người vì nghề nghiệp phải sử dụng các phương tiện này, nhưng lại không có được những bảo đảm hợp luật.

Cũng phải có những biện pháp đặc biệt để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi những tác hại do báo chí và kịch ảnh.

 CHƯƠNG II

13.

Tất cả những người con của Giáo Hội phải đồng tâm nhất trí để nhanh chóng và nỗ lực tối đa tìm cách sử dụng hữu hiệu những phương tiện truyền thông xã hội vào các công việc tông đồ, tuỳ theo nhu cầu của từng hoàn cảnh và thời điểm cụ thể, trong khi vẫn phải ngăn ngừa những hoạt động gây nguy hại, nhất là tại những vùng đang cần đến sự can thiệp khẩn cấp để đạt được sự tăng triển về phương diện luân lý và tôn giáo.

Vì thế, các Chủ chăn phải tận tâm chu toàn phận vụ của mình trong lãnh vực này, một phận vụ có liên hệ chặt chẽ với chức năng rao giảng của các ngài; những giáo dân đang tham gia công tác trong lãnh vực truyền thông, phải nhiệt thành làm chứng cho Chúa Kitô, trước tiên bằng cách chu toàn tốt đẹp các công việc với tinh thần tông đồ, và hơn nữa, góp phần trực tiếp trợ giúp hoạt động mục vụ của Giáo Hội bằng tất cả khả năng của mình về kỹ thuật, kinh tế, văn hoá và nghệ thuật.

14.

Trước hết, cần phải cổ vũ cho một hoạt động báo chí lành mạnh. Tuy nhiên, để độc giả có thể thấm nhuần trọn vẹn tinh thần Kitô giáo, phải gầy dựng và phát triển báo chí chính thức của công giáo, nghĩa là hoặc trực tiếp do giáo quyền, hoặc do người công giáo đề xướng và điều hành, được xuất bản với mục đích rõ ràng là để hình thành, hỗ trợ và thăng tiến công luận cho phù hợp với luật tự nhiên, với giáo lý và lề luật công giáo, cũng như để phổ biến và giải thích đúng đắn những sự kiện liên quan đến đời sống Giáo Hội. Các tín hữu được khuyến khích đọc và quảng bá báo chí công giáo, để có thể phân định các biến cố theo quan điểm Kitô giáo.

Phải vận dụng tất cả những phương thế hữu hiệu để phát động và ủng hộ việc sản xuất và trình chiếu những phim ảnh hữu ích đối với việc giải trí lành mạnh, văn hoá và nghệ thuật của nhân loại, nhất là những phim ảnh dành cho giới trẻ: điều đó có thể thực hiện được bằng cách nâng đỡ và tham gia vào những kế hoạch và đề xướng của các nhà sản xuất cũng như những nhà phân phối có lương tâm, tán thưởng và ủng hộ những bộ phim có giá trị, nâng đỡ và liên kết các phòng rạp do người công giáo và người đứng đắn khai thác.

Hãy dành những trợ giúp hữu hiệu cho những chương trình phát thanh và truyền hình lành mạnh, nhất là những chương trình thích hợp với gia đình. Cần phát huy những chương trình công giáo, để nhờ đó giúp khán thính giả tham gia vào đời sống Giáo Hội và được thấm nhuần các chân lý tôn giáo. Nơi nào có thể, cũng nên thành lập các cơ sở truyền thanh truyền hình công giáo; tuy nhiên, phải quan tâm thực hiện những chương trình có chất lượng và hiệu quả tốt đẹp.

Hơn nữa cũng phải nỗ lực làm cho nền kịch nghệ cao quý và cổ truyền, một nghệ thuật được phổ biến sâu rộng nhờ những phương tiện truyền thông xã hội, có thể phục vụ cho việc giáo dục nhân bản và luân lý nơi các khán giả.

15.

Để đáp ứng những nhu cầu vừa trình bày, phải đào tạo kịp thời những linh mục, tu sĩ và giáo dân có đầy đủ kinh nghiệm thích hợp trong việc sử dụng những phương tiện truyền thông vào mục đích tông đồ.

Trước hết phải hướng dẫn giáo dân về nghệ thuật, giáo thuyết và phong hoá, bằng cách tăng thêm số trường học, phân khoa và học viện, để các nhà báo, nhà làm phim, người soạn thảo chương trình phát thanh và truyền hình, và những người liên hệ, có thể được huấn luyện đầy đủ, thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, nhất là các học thuyết xã hội của Giáo Hội. Cũng phải đào tạo và nâng đỡ để các diễn viên có thể dùng tài nghệ của mình giúp ích nhiều hơn nữa cho xã hội nhân loại. Sau cùng, phải quan tâm đến những nhà phê bình văn chương, phim ảnh, phát thanh, truyền hình v.v... giúp họ nâng cao kiến thức nghề nghiệp, hướng dẫn và khuyến khích họ luôn nêu rõ khía cạnh luân lý trong những nhận định của mình.

16.

Việc sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông xã hội đòi hỏi phải có những hướng dẫn về lý thuyết và thực hành thích hợp dành riêng cho từng lứa tuổi và văn hoá khác nhau của người sử dụng cũng như cho từng thể loại truyền thông; vì thế, cần phải cổ vũ, gia tăng và dùng các nguyên tắc luân lý Kitô giáo để điều hành những chương trình đào tạo, nhất là những chương trình dành cho giới trẻ, trong các trường công giáo thuộc mọi cấp, trong các chủng viện và cả trong những nhóm tông đồ giáo dân. Để mau đạt được kết quả, chương trình giáo lý cũng nên có phần trình bày và giải thích giáo thuyết và quy luật công giáo về vấn đề truyền thông.

17.

Thật đáng buồn vì thái độ thờ ơ của con cái Giáo Hội đã làm cho lời cứu rỗi như còn bị trói buộc và gặp trở ngại do những khó khăn về kỹ thuật hay tài chánh, thường là đòi hỏi rất nhiều trong những phương tiện truyền thông xã hội. Vì thế Thánh Công Đồng nhắc lại cho họ bổn phận phải ủng hộ và trợ giúp các nhật báo công giáo, các tạp chí, các tổ chức phim ảnh, các cơ sở và các chương trình phát thanh, truyền hình, được thực hiện với mục đích chính là để phổ biến và bảo vệ sự thật, và cung cấp nền giáo dục Kitô giáo cho xã hội loài người. Đồng thời Thánh Công Đồng khẩn khoản mời gọi các đoàn thể và cá nhân có nhiều năng lực trong lãnh vực kinh tế và kỹ thuật, hãy tự ý và quảng đại dùng tài lực và kinh nghiệm của mình để hỗ trợ những phương tiện truyền thông đang phục vụ nền văn hoá đích thực và việc tông đồ.

18.

Để việc tông đồ đa dạng của Giáo Hội được thực thi cách hữu hiệu hơn qua những phương tiện truyền thông xã hội, tất cả các giáo phận trên thế giới, tuỳ theo quyết định của các Giám mục, hằng năm sẽ cử hành một ngày đặc biệt để hướng dẫn các tín hữu về bổn phận đối với vấn đề truyền thông, kêu gọi mọi người hợp ý cầu nguyện và dành những đóng góp tài chánh sẽ được sử dụng cho việc phát động, hỗ trợ và phát triển những tổ chức và đề án của Giáo Hội trong lãnh vực truyền thông theo nhu cầu của giới công giáo.

19.

Toà Thánh cần thành lập một Ủy Ban đặc biệt để giúp Đức Giáo Hoàng thực thi bổn phận mục vụ tối thượng liên quan đến những phương tiện truyền thông xã hội1.

20.

Các Giám mục cần quan tâm đến các công trình và tổ chức về truyền thông trong giáo phận, đồng thời phải cổ vũ, và nếu liên quan đến việc tông đồ dành cho công chúng, nên huy động toàn bộ, kể cả những tổ chức thuộc quyền các tu sĩ miễn trừ.

21.

Trên bình diện quốc gia, cần thống nhất kế hoạch và năng lực để đem lại nhiều kết quả cho việc tông đồ, vì thế Thánh Công Đồng quyết định và truyền phải thiết lập khắp nơi cũng như phải vận dụng mọi phương thế để giúp đỡ các cơ quan cấp quốc gia về báo chí, điện ảnh, truyền thanh và truyền hình. Nhiệm vụ chủ yếu của các cơ quan này là nỗ lực đào tạo lương tâm các tín hữu trong việc sử dụng những phương tiện truyền thông, đồng thời cổ vũ và phối hợp các hoạt động của người công giáo trong lãnh vực này.

Trong mỗi quốc gia, việc điều hành các tổ chức trên phải được ủy thác cho một Giám mục đặc trách, hoặc một Ủy ban Giám mục, đặc biệt, trong đó có sự tham gia của những giáo dân thông thạo giáo lý công giáo và kỹ năng truyền thông.

22.

Hơn nữa, những phương tiện truyền thông xã hội có tác động vượt khỏi ranh giới các quốc gia, và biến mỗi người trở thành công dân của toàn thể xã hội nhân loại, vì thế, phải phối hợp các tổ chức cấp quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên, những Cơ quan đã nêu ở số 21 phải tích cực cộng tác với Hiệp Hội Công Giáo Quốc Tế theo từng ngành. Những Hiệp Hội Công Giáo Quốc Tế này chỉ được chính thức chuẩn nhận do Toà Thánh và trực thuộc Toà Thánh.

 KẾT LUẬN

23.

Để thực hiện các nguyên tắc và tiêu chuẩn Thánh Công Đồng đã nêu ra liên quan đến những phương tiện truyền thông xã hội, Thánh Công Đồng trực tiếp trao cho Cơ quan Toà Thánh đã nói ở số 19 nhiệm vụ phải xuất bản một quyển chỉ dẫn mục vụ, với sự giúp đỡ của các chuyên viên tại các quốc gia.

24.

Ngoài ra, Thánh Công Đồng tin tưởng rằng tất cả những người con của Giáo Hội sẽ tự nguyện đón nhận và tuân giữ chu đáo những giáo huấn và tiêu chuẩn trong Sắc lệnh này, để khi sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội, họ không bị tác hại, trái lại, sẽ trở thành muối ướp trái đất và ánh sáng chiếu soi trần gian; hơn nữa, Thánh Công Đồng mời gọi mọi người thiện chí, nhất là những người điều hành các phương tiện truyền thông, hãy nỗ lực quy hướng tất cả về mục tiêu duy nhất là giúp ích cho xã hội loài người, vì vận mệnh của xã hội nhân loại ngày càng lệ thuộc vào việc sử dụng đúng đắn những phương tiện ấy. Nhờ đó, như trước đây, Danh Chúa đã được tôn vinh qua những công trình nghệ thuật cổ kính, thì nay, Người cũng được vinh danh qua những phát minh mới, đúng như lời Thánh Tông Đồ: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8).

 

Tất cả và từng điều được ban bố trong Sắc Lệnh này đều đã được các Nghị phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và, với thẩm quyền tông truyền nhận được từ Chúa Kitô, hợp nhất với các Nghị phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quyết nghị và xác lập, và những gì đã được xác lập theo thể thức Công Đồng, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 4 tháng 12 năm 1963
Tôi, PHAOLÔ, Giám mục Giáo Hội Công giáo
(Tiếp theo là chữ ký của các Nghị phụ)

------------------------------------------------------------------

[1] Các Nghị phụ Công Đồng vui lòng tiếp nhận ý nguyện của “Văn phòng Báo chí và Kịch ảnh” thành kính xin Đức Giáo Hoàng nới rộng nhiệm vụ và thẩm quyền của ủy ban này đối với tất cả các phương tiện truyền thông xã hội, kể cả báo chí, với sự trợ giúp của những chuyên viên - trong đó có cả giáo dân - thuộc các quốc gia khác nhau.

 

 

zalo
zalo