PHAOLÔ GIÁM MỤC
TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA
HỢP NHẤT VỚI CÁC NGHỊ PHỤ CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG
ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ
SẮC LỆNH VỀ ĐẠI KẾT
UNITATIS REDINTEGRATIO
Ngày 21 tháng 11 năm 1964
LỜI MỞ ĐẦU
1.
Cổ vũ việc tái lập sự hợp nhất giữa toàn thể các Kitô hữu là một trong những mục tiêu chính của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II. Quả thực, Đức Kitô đã thiết lập một Giáo Hội và chỉ một Giáo Hội duy nhất, thế nhưng nhiều cộng đồng Kitô giáo tự xưng với mọi người rằng chính mình mới là di sản đích thực của Đức Kitô; thật vậy, tất cả đều tuyên xưng mình là môn đệ của Chúa, nhưng lại khác biệt nhau về quan điểm và đi theo những đường lối xa cách nhau, như thể chính Đức Kitô đã bị chia cắt1. Quả thực, sự phân rẽ này vừa trái ngược tỏ tường với ý muốn của Đức Kitô, vừa là cớ vấp phạm cho thế giới và gây tổn hại cho sứ mạng rất cao cả là rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo.
Tuy nhiên, Chúa các thời đại, Đấng luôn khôn ngoan và nhẫn nại tiếp tục ý định trao ban ân sủng của Người cho chúng ta là những kẻ tội lỗi, trong thời gian gần đây đã bắt đầu tuôn đổ dồi dào trên các Kitô hữu đang tách rời nhau, tinh thần thống hối và ước vọng hợp nhất. Ân sủng này đã thúc đẩy rất nhiều người ở khắp nơi, và nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động, phong trào tái lập sự hợp nhất tất cả các Kitô hữu đã được khởi phát, ngày càng lan rộng hơn nơi những anh em đang tách rời khỏi chúng ta. Phong trào tìm về hợp nhất này cũng được gọi là phong trào Đại Kết, nhận được sự tham gia của những người tôn thờ Chúa Ba Ngôi và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Thế, không chỉ từng cá nhân riêng rẽ, nhưng còn quy tụ thành những cộng đoàn, trong đó họ được nghe Tin Mừng, và mỗi nhóm gọi đó là Giáo Hội của mình và cũng là Giáo Hội của Thiên Chúa. Mặc dầu bằng những cách thức khác nhau, nhưng gần như tất cả đều khao khát nhìn thấy một Giáo Hội duy nhất và hữu hình của Thiên Chúa, một Giáo Hội thực sự phổ quát và được sai đi khắp trần gian, để thế giới quay về với Tin Mừng và nhờ đó được cứu rỗi để Thiên Chúa được vinh hiển.
Vì thế, khi vui mừng ghi nhận tất cả những điều ấy, và sau khi công bố học thuyết về Giáo Hội, đồng thời được thôi thúc bởi ước nguyện tái lập sự hợp nhất giữa tất cả các môn đệ Đức Kitô, Thánh Công Đồng muốn đề ra cho mọi người công giáo những phương thức hỗ trợ, những đường hướng và cách thế hành động để có thể đáp trả lời mời gọi và ân sủng của Thiên Chúa.
CHƯƠNG I
NHỮNG NGUYÊN TẮC CÔNG GIÁO VỀ ĐẠI KẾT
2.
Tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta đã tỏ hiện trong việc Thiên Chúa Cha sai Con Một Ngài đến trần gian, làm người và tái sinh toàn thể nhân loại bằng hồng ân cứu chuộc và quy tụ tất cả nên một2. Chính Người, trước khi tự hiến làm lễ vật tinh tuyền trên bàn thờ Thánh giá, đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho những kẻ đã tin vào Người: “Xin cho tất cả được nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ được nên một trong Chúng Ta và để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21). Và Người đã thiết lập trong Giáo Hội của Người bí tích Thánh Thể kỳ diệu, vừa diễn tả vừa thực hiện sự hợp nhất của Giáo Hội. Người ban cho các môn đệ Người giới răn mới về tình yêu thương nhau3 và hứa ban Thánh Thần Phù Trợ4, là Chúa và là Đấng ban sự sống, để ở với họ luôn mãi.
Sau khi chịu treo trên Thập giá và được tôn vinh, Chúa Giêsu ban Thánh Thần Người đã hứa, nhờ Chúa Thánh Thần, Người kêu gọi đoàn dân của Giao Ước Mới chính là Giáo Hội, và quy tụ họ trong cùng một đức tin, đức cậy và đức mến, như Thánh Tông Đồ dạy: “Chỉ có một thân thể và một Thánh Thần, cũng như anh em được kêu gọi trong một niềm hy vọng của ơn kêu gọi anh em. Chỉ có một Chúa, một đức Tin, một phép Rửa” (Ep 4,4-5). “Thật vậy, bất kỳ ai trong anh em được rửa tội trong Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô... Vậy, tất cả anh em chỉ là một trong Chúa Giêsu Kitô” (Gl 3,27-28). Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong các tín hữu, cũng là Đấng làm sung mãn và hướng dẫn toàn thể Giáo Hội, chính Ngài thực hiện sự thông hiệp kỳ diệu nơi các tín hữu, và liên kết tất cả trong Đức Kitô cách mật thiết đến nỗi Ngài trở thành Nguyên Lý hợp nhất Giáo Hội. Chúa Thánh Thần phân phối các ân sủng và các tác vụ5 để Giáo Hội Đức Kitô được nên phong phú nhờ có nhiều phận vụ khác nhau, “từ đó các thánh được chuẩn bị để thực thi tác vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô” (Ep 4,12).
Tuy nhiên, để gầy dựng Giáo Hội thánh thiện của Người khắp nơi trên mặt đất cho đến tận thế, Đức Kitô đã ủy thác cho Nhóm Mười Hai nhiệm vụ giáo huấn, hướng dẫn và thánh hóa6. Trong số các Tông đồ, Chúa đã chọn Phêrô như là nền đá, trên đó, sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin, Người đã quyết định xây dựng Giáo Hội của Người. Người hứa trao cho ông chìa khoá nước trời7 và sau khi Phêrô xác quyết tình yêu của mình, Người đã trao phó cho ông toàn thể đoàn chiên để ông củng cố trong đức tin8 và chăn dắt trong sự hợp nhất vẹn toàn9, tuy nhiên chính Chúa Giêsu Kitô vẫn là tảng đá góc10 và là chủ chăn linh hồn chúng ta11 cho đến muôn đời.
Qua các Tông đồ và các Giám mục kế vị các ngài, cùng với thủ lãnh là người kế vị Thánh Phêrô, nhờ việc các ngài trung thành rao giảng Phúc Âm, trao ban các bí tích và cai quản trong yêu thương, Chúa Giêsu Kitô muốn cho đoàn dân của Người, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, được luôn tăng trưởng và kiện toàn sự thông hiệp trong tình hợp nhất: cùng tuyên xưng một đức tin, cùng cử hành một nghi lễ phụng tự, cùng hoà hợp huynh đệ trong một gia đình của Thiên Chúa.
Như thế, là đoàn chiên duy nhất của Thiên Chúa, được đặt lên như dấu chỉ trước mặt muôn dân12, được ủy thác sứ vụ đem Tin Mừng bình an cho toàn thể nhân loại13, Giáo Hội thực hiện cuộc lữ hành trong niềm hy vọng tiến về cùng đích là quê trời14.
Đó là mầu nhiệm thánh thiêng của sự hợp nhất Giáo Hội, trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, cùng với Chúa Thánh Thần đang hành động trong nhiều phận vụ khác nhau. Khuôn mẫu và nguyên lý cao vời của mầu nhiệm này chính là sự hợp nhất trong Ba Ngôi của một Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con trong Thánh Thần.
3.
Trong Giáo Hội duy nhất đó của Thiên Chúa, ngay từ buổi sơ khai đã xuất hiện ít nhiều rạn nứt15 mà Thánh Tông Đồ đã nghiêm khắc khiển trách như một điều cần ngăn chặn16; rồi trong các thời đại kế tiếp, lại nảy sinh nhiều phân rẽ trầm trọng hơn và nhiều Cộng đồng lớn đã tách khỏi sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công giáo, đôi khi do sai lỗi của những người ở cả hai bên. Tuy nhiên, ngày nay, những người được sinh ra và tiếp nhận niềm tin vào Chúa Kitô trong các Cộng đồng ấy, không thể bị kết tội chia rẽ và Giáo Hội Công giáo vẫn kính trọng, yêu thương họ như anh em. Thật vậy, những người tin vào Chúa Kitô và đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy thành sự, vẫn hiệp thông cách nào đó với Giáo Hội Công giáo cho dù không được trọn vẹn. Chắc chắn những khác biệt trong nhiều cấp độ giữa họ và Giáo Hội Công giáo về giáo thuyết, hoặc về kỷ luật hay cơ cấu tổ chức, đã là những trở ngại, đôi khi cũng khá nghiêm trọng đối với tình hiệp thông trọn vẹn trong Giáo Hội, phong trào Đại Kết đang cố gắng vượt qua những trở ngại ấy. Nhưng dù sao đi nữa, bởi đã được công chính hoá nhờ đức tin khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, họ đã được tháp nhập vào Chúa Kitô17 và vì thế có quyền mang danh Kitô hữu, và đáng được con cái của Giáo Hội Công giáo nhìn nhận là anh em trong Chúa18.
Hơn nữa, trong các yếu tố hoặc gia sản đã góp phần xây dựng và tác sinh Giáo Hội, có một số điều, thậm chí rất nhiều và là những điều thật cao quý, có thể nằm ngoài phạm vi hữu hình của Giáo Hội Công giáo, như Lời Chúa trong Sách Thánh, đời sống ân sủng, đức tin, đức cậy, đức mến, các ân huệ thiêng liêng của Chúa Thánh Thần, và những yếu tố hữu hình khác nữa: tất cả những điều đó, xuất phát từ Đức Kitô và dẫn đưa về chính Người, đương nhiên cũng thuộc về Giáo Hội duy nhất của Người.
Cũng vậy, nơi các anh em đã tách rời khỏi chúng ta, một số nghi lễ thánh thiêng của Kitô giáo vẫn được cử hành; tuy cách thức có khác nhau tuỳ hoàn cảnh của mỗi Giáo Hội hay Cộng Đồng, những nghi lễ ấy chắc chắn có hiệu năng làm phát sinh đời sống ân sủng và phải được đón nhận như những lối mở dẫn đến sự hiệp thông mang lại ơn cứu rỗi.
Do đó, các Giáo Hội19 và các Cộng Đồng ly khai ấy vẫn không hoàn toàn mất đi ý nghĩa và giá trị trong mầu nhiệm cứu rỗi, dù chúng ta tin rằng nơi họ vẫn còn một số điều khiếm khuyết. Thật vậy, Thánh Thần của Chúa Kitô vẫn dùng họ như những khí cụ mang lại ơn cứu rỗi, nhờ vào năng lực phát xuất từ chính sự sung mãn của ân sủng và chân lý đã được trao ban cho Giáo Hội Công giáo.
Nhưng các anh em đã tách rời khỏi chúng ta, cá nhân cũng như Cộng Đồng và các Giáo Hội của họ, không được hưởng sự hợp nhất mà Chúa Giêsu Kitô đã muốn trao ban cho những kẻ Người đã tái sinh và thông truyền sự sống mới trong một thân thể duy nhất, sự hợp nhất mà Thánh Kinh và Truyền Thống đáng kính của Giáo Hội đều tuyên xưng. Thật vậy, các phương thế cứu rỗi chỉ có thể được tìm thấy đầy đủ nơi trợ tá phổ quát của ơn cứu rỗi là Giáo Hội Công giáo của Chúa Kitô. Thật vậy, chúng ta tin rằng Chúa đã ủy thác tất cả ơn phúc của Giao ước mới cho một Tông Đồ Đoàn duy nhất, với thánh Phêrô là người đứng đầu, để làm cho tất cả những ai đã thuộc về Dân Chúa theo một cách thức nào đó, cũng được tháp nhập trọn vẹn vào Thân Thể duy nhất của Đức Kitô đã được thiết lập nơi trần gian này. Trên đường lữ thứ trần gian, mặc dù các thành viên có thể vẫn còn sa ngã phạm tội, nhưng đoàn dân ấy vẫn lớn lên trong Đức Kitô và được Thiên Chúa dịu dàng hướng dẫn theo ý định nhiệm mầu của Ngài, cho đến khi họ vui mừng đạt tới vinh quang vĩnh cửu và sung mãn nơi thành thánh Giêrusalem trên trời.
4.
Ngày nay tại nhiều nơi trên thế giới, nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, nhiều nỗ lực đang được thực hiện trong kinh nguyện, lời nói và hành động, nhằm tiến tới sự hợp nhất trọn vẹn theo như ý muốn của Chúa Giêsu Kitô, vì thế, Thánh Công Đồng khuyến khích tất cả các tín hữu công giáo hãy nhận ra những dấu chỉ thời đại để tích cực tham gia vào công cuộc đại kết.
Phải hiểu “phong trào Đại Kết” là những hoạt động và sáng kiến được khởi xướng và tổ chức, dựa vào nhiều nhu cầu khác nhau của Giáo Hội và những thời cơ thuận tiện, nhằm cổ vũ sự hợp nhất các Kitô hữu: trước tiên đó là mọi nỗ lực loại bỏ những lời nói, xét đoán và hành vi thiếu công bình và không đúng sự thật về các anh em ly khai, những điều chỉ làm cho mối tương giao càng thêm khó khăn; thứ đến là việc “đối thoại” giữa những chuyên viên đã nắm vững các vấn đề, được thực hiện trong các buổi hội họp được tổ chức với tinh thần đạo đức giữa các Kitô hữu thuộc nhiều Giáo Hội hay Cộng Đồng khác nhau, qua đó mỗi người sẽ giải thích cặn kẽ và trình bày minh bạch những nét độc đáo về giáo lý của từng Cộng Đồng. Nhờ đối thoại như thế, mọi người sẽ hiểu biết chính xác hơn và có thái độ tôn trọng thích đáng hơn đối với giáo thuyết cũng như nếp sống của mỗi Cộng Đồng; cũng nhờ đó các Cộng Đồng sẽ hợp tác với nhau rộng rãi hơn trong những hoạt động mưu tìm thiện ích chung theo như đòi hỏi của lương tâm Kitô hữu, và khi hoàn cảnh cho phép, mọi người cùng quy tụ lại trong những buổi cầu nguyện chung. Sau cùng, tất cả cần kiểm điểm về thái độ trung thành thực hiện ý muốn của Đức Kitô về Giáo Hội, đồng thời luôn kiên trì nỗ lực tiến hành việc canh tân và cải tổ.
Tất cả những điều đó, nếu được các tín hữu trong Giáo Hội Công giáo khôn ngoan và kiên nhẫn thực hiện dưới sự giám sát của các Chủ chăn, sẽ góp phần mang lại công bình và chân lý, đưa đến thái độ đồng tâm và hiệp lực, phát huy tinh thần huynh đệ và hợp nhất; nhờ đó, sau khi đã vượt qua những trở ngại ngăn cản sự hiệp thông trọn vẹn trong Giáo Hội, dần dần tất cả các Kitô hữu sẽ đoàn tụ trong cùng một cử hành bí tích Thánh Thể, trong sự hợp nhất của một Giáo Hội duy nhất, sự hợp nhất do Đức Kitô rộng ban cho Giáo Hội của Người ngay từ ban đầu, sự hợp nhất mà chúng ta tin rằng vẫn luôn tồn tại trong Giáo Hội Công giáo và hy vọng ngày càng phát triển thêm mãi cho đến ngày tận thế.
Dĩ nhiên, việc chuẩn bị và thực hiện hoà giải đối với những cá nhân ao ước hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công giáo, tự bản chất khác với sáng kiến đại kết; tuy nhiên, những tiến trình đó không đối lập nhau vì cả hai đều khởi phát từ sự an bài kỳ diệu của Thiên Chúa.
Trong khi hoạt động cho đại kết, chắc chắn các tín hữu công giáo phải tỏ ra ân cần đối với các anh em ly khai, bằng cách cầu nguyện cho họ, trao đổi với họ về những điều liên quan đến Giáo Hội, và đi bước trước để gặp gỡ họ. Điều cần hơn cả là phải thành tâm và chú ý nghiệm xét những gì phải canh tân và thực hiện trong chính Gia đình Công giáo, để đời sống Giáo Hội trở nên chứng tá trung thành và trong sáng hơn về giáo lý và những định chế do Đức Kitô truyền lại qua các Tông đồ.
Mặc dù Giáo Hội Công giáo đã đón nhận cách sung mãn toàn bộ chân lý do Chúa mặc khải cũng như tất cả những phương tiện trao ban ân sủng, nhưng các phần tử của Giáo Hội lại không sống những ơn phúc đó với tất cả lòng nhiệt thành cần phải có, nên khuôn mặt của Giáo Hội chưa toả sáng cho những anh em đã tách rời khỏi chúng ta cũng như cho toàn thế giới, và việc phát triển nước Thiên Chúa cũng còn gặp trở ngại. Vì thế, tất cả mọi người công giáo phải hướng đến sự hoàn thiện Kitô hữu20, và trong từng hoàn cảnh, mỗi người phải cố gắng làm cho Giáo Hội, trong khi vẫn mang nơi thân thể mình sự khiêm hạ và hy sinh của Chúa Giêsu21, càng ngày càng được thanh tẩy và canh tân cho tới khi Đức Kitô có được trước mặt Người một Giáo Hội rạng rỡ, không tì ố, không vết nhăn22.
Trong khi luôn gìn giữ sự hợp nhất trong những điều thiết yếu, tất cả mọi người trong Giáo Hội, tuỳ theo phận vụ được giao phó, vẫn được tự do trong những dạng thức khác nhau về đời sống thiêng liêng và kỷ luật, cũng như trong các lễ nghi phụng tự và ngay cả trong việc khảo cứu thần học về các chân lý mặc khải; tuy nhiên trong tất cả mọi sự, hãy thực thi đức bác ái. Khi hành động như thế, họ sẽ làm cho đặc tính công giáo và tông truyền đích thực của Giáo Hội ngày càng được biểu lộ trọn vẹn hơn.
Ngoài ra, người công giáo phải vui mừng nhìn nhận và tôn trọng những giá trị thực sự mang tính cách Kitô giáo, phát xuất từ cùng một gia sản chung, được tìm thấy nơi các anh em đã tách rời khỏi chúng ta. Nhìn nhận những ơn phúc dồi dào và sức mạnh của Đức Kitô đang tác động trong đời sống của những kẻ đang làm chứng về Người đôi khi đến phải đổ máu, việc đó thật là chính đáng và có giá trị cứu rỗi, vì Thiên Chúa là Đấng đáng ca tụng và phải được ca tụng trong những việc Ngài làm.
Cũng đừng quên rằng, tất cả những gì ơn Chúa Thánh Thần đang thực hiện nơi các anh em ly khai, đều có thể góp phần trong việc xây dựng cho chính chúng ta. Bất cứ điều gì thực sự mang tính cách Kitô giáo không bao giờ đối nghịch với đức tin chân thật, trái lại luôn có thể giúp nhận thức trọn vẹn hơn chính mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội.
Tuy nhiên, sự chia rẽ giữa các Kitô hữu đang ngăn cản Giáo Hội thể hiện đầy đủ đặc tính công giáo nơi chính những người con của mình, tuy đã thuộc về Giáo Hội nhờ bí tích Thánh Tẩy, nhưng lại tách rời khỏi sự thông hiệp trọn vẹn với Giáo Hội. Hơn nữa, đối với chính Giáo Hội, việc diễn tả đầy đủ tính cách công giáo dưới mọi khía cạnh trong đời sống thực tế cũng trở thành khó khăn hơn.
Trong niềm vui khi nhận thấy các tín hữu công giáo ngày càng tham gia nhiều hơn vào hoạt động đại kết, Thánh Công Đồng trao phó công việc ấy cho các Giám mục ở khắp nơi trên thế giới, để các ngài tích cực cổ vũ và khôn ngoan hướng dẫn.
--- Còn tiếp ---
--------------------------------------------------------------------------------
[1] x. 1 Cr 1,13.
[2] x. Ga 4,9; Cl 1,18-20; Ga 11,52.
[3] x. Ga 13,34.
[4] x. Ga 16,7.
[5] x. 1 Cr 12,4-11.
[6] x. Mt 28,18-20, so sánh với Ga 20,21-23.
[7] x. Mt 16,19, so sánh với Mt 18,18.
[8] x. Lc 22,32.
[9] x. Ga 21,15-17.
[10] x. Ep 2,20.
[11] x. 1 Pr 2,25; CĐ VATICANÔ I, Hiến chế Pastor „termus; Coll. Lac. 7, 482a.
[12] x. Is 11,10-12.
[13] x. Ep 2,17-18, so sánh với Mc 16,15.
[14] x. 1 Pr 1,3-9.
[15] x. 1 Cr 11,18-19; Gl 1,6-9; 1 Ga 2,18-19.
[16] x. 1 Cr 1,11tt; 11,22.
[17] x. CĐ FIRENZÊ, Khoá 8 (1439), Sắc lệnh Exultate Deo: Mansi 31, 1055A.
[18] x. T. AUGUSTINÔ, In Ps. 32, Enarr. II, 29: PL 36, 299.
[19] x. CĐ LATÊRANÔ IV (1215), Hiến chế IV: Mansi 22, 990; CĐ LYON II (1274), Tuyên xưng đức tin của Michael Pal„ologi: Mansi 24, 71E; CĐ FIRENZÊ, Khoá 6 (1439), Định tín L„tentur c„li: Mansi 31, 1026E.
[20] x. Gc 1,4; Rm 12,1-2.
[21] x. 2 Cr 4,10; Pl 2,5-8.
[22] x. Ep 5,27.