Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 69

SẮC LỆNH VỀ ĐẠI KẾT (2)

 

CHƯƠNG II

THỰC HÀNH ĐẠI KẾT

5.

Toàn thể Giáo Hội, tín hữu cũng như chủ chăn, đều phải quan tâm đến công cuộc tái lập sự hợp nhất, và tất cả đều phải tham gia tuỳ theo khả năng mỗi người, trong đời sống Kitô hữu hằng ngày hay trong các công trình nghiên cứu thần học và sử học. Thái độ quan tâm này cách nào đó chứng tỏ mối liên kết huynh đệ vẫn tiềm tàng giữa các Kitô hữu và đang dẫn tới sự hợp nhất trọn vẹn và hoàn hảo theo như ý định nhân lành của Thiên Chúa.

6.

Tất cả công cuộc canh tân23 cốt yếu hệ tại ở việc Giáo Hội càng ngày càng sống trung thành với ơn gọi của mình, vì thế nỗ lực đổi mới chính là lý do giải thích tại sao có phong trào tìm về hợp nhất. Trên đường lữ hành, Giáo Hội được Đức Kitô mời gọi phải đổi mới liên lỉ, đây là điều luôn luôn cần thiết vì Giáo Hội là một định chế nhân loại tại thế; vì vậy, trong phong hoá, hoặc trong kỷ luật, hoặc cả trong cách trình bày giáo lý – dĩ nhiên phải phân biệt cách trình bày với chính nội dung đức tin – nếu vì hoàn cảnh mà một số điểm nào đó đã không được tuân giữ chu đáo, Giáo Hội phải kịp thời và nghiêm túc sửa đổi.

Vì thế, việc đổi mới có giá trị đặc biệt đối với công cuộc đại kết. Nhiều cách thức đổi mới đã được thực hiện trong đời sống Giáo Hội - chẳng hạn như phong trào Thánh Kinh và Phụng vụ, việc rao giảng lời Chúa và dạy giáo lý, hoạt động tông đồ giáo dân, những hình thức mới trong đời tu trì, linh đạo hôn nhân, học thuyết và hoạt động xã hội của Giáo Hội - đó là những hoạt động được đánh giá như là những bảo chứng và điềm lành báo trước những tiến bộ trong tương lai của công cuộc đại kết.

7.

Tiến trình đại kết đích thực luôn đòi hỏi phải có hoán cải nội tâm. Thật vậy, những ước vọng hợp nhất khởi phát và thành tựu được chính là nhờ vào sự đổi mới tâm hồn24, từ bỏ chính mình và quảng đại thực thi bác ái. Vì thế, cần phải cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn biết thành thật từ bỏ, khiêm nhường và hiền hoà trong khi phục vụ, quảng đại trong tình huynh đệ đối với tha nhân. Vị Tông Đồ dân ngoại đã nói: “Đang bị xiềng xích trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy tiến bước cho xứng với ơn kêu gọi anh em đã được, với tất cả lòng khiêm nhường và hiền hậu, hãy nhẫn nại chịu đựng lẫn nhau trong đức ái; hãy lo lắng duy trì sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần trong mối dây hoà thuận” (Ep 4,1-3). Lời khuyên nhủ này trước hết gửi đến những người được nâng lên chức thánh để tiếp tục sứ mạng của Đức Kitô, Đấng đến giữa chúng ta “không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20,28).

Lời chứng sau đây của Thánh Gioan vẫn còn giá trị đối với những sai lỗi chống lại sự hợp nhất: “Nếu chúng ta nói rằng mình không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối và lời của Người không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,10). Vì thế chúng ta hãy khiêm nhường xin Chúa và những anh em ly khai tha lỗi cho chúng ta, như chúng ta cũng tha những kẻ có nợ chúng ta.

Tất cả các Kitô hữu hãy luôn nhớ rằng, khi nỗ lực sống trọn vẹn theo Phúc Âm, họ sẽ cổ vũ, hơn nữa sẽ thực hiện sự hợp nhất các Kitô hữu cách tốt đẹp hơn. Thật vậy, khi càng kết hiệp mật thiết với Chúa Cha, Ngôi Lời và Chúa Thánh Thần, họ lại càng dễ dàng thắt chặt tình huynh đệ với nhau hơn.

8.

Sự hoán cải tâm hồn và đời sống thánh thiện, liên kết với những lời cầu khẩn chung hay riêng cho sự hợp nhất các Kitô hữu, phải được coi như là linh hồn của tất cả phong trào đại kết, và có thể gọi đó là “công cuộc đại kết thiêng liêng”.

Người công giáo vẫn thường họp nhau để dâng lời cầu nguyện cho Giáo Hội được hợp nhất, lời cầu nguyện mà chính Đấng Cứu Thế, vào ngày trước khi chịu chết, đã khẩn khoản dâng lên Chúa Cha: “Xin cho tất cả nên một” (Ga 17,21).

Trong một số trường hợp đặc biệt, như khi tổ chức những ngày cầu nguyện “cho sự hợp nhất” và trong các buổi hội họp đại kết, người công giáo không những được phép mà còn được khuyến khích cùng cầu nguyện chung với những anh em ly khai. Những giờ kinh nguyện chung như thế là phương cách rất hữu hiệu để cầu xin ơn hiệp nhất, đồng thời cũng nêu lên ý nghĩa đích thực của những mối dây còn đang liên kết người công giáo với những anh em ly khai: “Vì ở đâu có hai hay ba người nhân danh Thầy hội họp lại, thì Thầy sẽ ở giữa họ” (Mt 18,20).

Tuy nhiên không được phép coi việc “thông dự vào các hành vi phụng tự thánh” như một phương cách có thể tuỳ tiện sử dụng trong việc tái lập hợp nhất các Kitô hữu. Việc thông dự ấy tuỳ thuộc chủ yếu vào hai nguyên tắc: biểu lộ đặc tính duy nhất của Giáo Hội và tham dự vào các phương tiện trao ban ân sủng. Nhiều khi, ý nghĩa của đặc tính duy nhất không cho phép thực hiện việc thông dự, nhưng đôi khi ân sủng đang cầu xin lại khuyến khích sự thông dự ấy. Về phương cách hành động cụ thể, tuỳ theo hoàn cảnh thời gian, không gian và nhân sự, sẽ được Đức Giám mục bản quyền địa phương khôn ngoan định đoạt, trừ khi Toà Thánh hay Hội đồng Giám mục theo quy chế riêng ấn định cách khác.

9.

Phải hiểu biết tâm ý của các anh em ly khai. Vì thế, cần phải nghiên cứu tìm hiểu với thái độ trung thực và thân tình. Những người công giáo có kiến thức chuyên môn, cần tìm hiểu sâu rộng hơn về học thuyết và lịch sử, về đời sống tu đức và phụng tự, về tâm thức tôn giáo và văn hoá riêng của các anh em ly khai. Những buổi hội họp giữa hai bên sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tìm hiểu lẫn nhau, nhất là khi bàn về các vấn đề thần học, trong đó mọi người được bình đẳng bàn luận, với điều kiện là những người tham dự thật sự là những chuyên viên, làm việc dưới sự giám sát của các vị giáo trưởng. Qua cách thức đối thoại đó, lập trường của Giáo Hội Công giáo sẽ được trình bày rõ ràng hơn. Phương thế này cũng giúp chúng ta có thể am hiểu tâm tư của các anh em ly khai và trình bày đức tin cho họ cách thích hợp hơn.

10.

Thần học và các môn học khác, nhất là sử học, cũng phải được trình bày theo chiều hướng đại kết để đáp ứng chính xác hơn với hoàn cảnh thực tế.

Vì thế, các chủ chăn tương lai và các linh mục phải am tường khoa thần học được triển khai nghiêm túc theo ý hướng đó, chứ đừng theo lối luận chiến, nhất là trong các vấn đề liên hệ đến những mối tương quan giữa Giáo Hội Công giáo và các anh em ly khai.

Chính việc đào tạo linh mục sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với nhu cầu giáo dục và đào tạo tu đức cho các tín hữu và tu sĩ.

Cũng vậy, những người công giáo đang dấn thân hoạt động truyền giáo trong những miền đất chung với các Kitô hữu khác, đặc biệt trong thời buổi hiện nay, phải am tường các vấn đề cũng như các thành quả do công cuộc đại kết đem đến cho việc tông đồ của họ.

11.

Phương pháp và cách thức diễn tả đức tin công giáo phải làm sao để đừng gây trở ngại cho việc đối thoại với những người anh em. Tuyệt đối phải trình bày thật rõ ràng một hệ thống giáo thuyết toàn vẹn. Không gì phá hỏng công cuộc đại kết cho bằng chủ trương hoà đồng sai lạc, vừa làm tổn thương vừa làm lu mờ ý nghĩa đích thực và chắc chắn của giáo lý công giáo thuần túy.

Đồng thời phải sử dụng những cách thức và ngôn từ để giải thích sâu sắc và chính xác hơn, giúp cho các anh em ly khai có thể hiểu thật đúng về đức tin công giáo.

Ngoài ra, trong cuộc đối thoại đại kết, các nhà thần học công giáo, trong khi vẫn luôn theo sát giáo thuyết của Giáo Hội, phải cùng với các anh em ly khai tiến hành việc tìm hiểu các mầu nhiệm linh thánh trong thái độ yêu mến chân lý, bác ái và khiêm nhường. Khi phải đối chiếu các giáo thuyết với nhau, nên nhớ rằng có một trật tự hay một “phẩm trật” trong các chân lý của giáo thuyết công giáo, tuỳ theo mức độ liên hệ giữa các chân lý ấy với nền tảng đức tin Kitô giáo. Như thế, lối đường đã được vạch ra, trên đó tất cả mọi người đều được thúc đẩy cùng nhau thi đua trong tình anh em để tìm hiểu sâu xa và biểu lộ rõ ràng hơn sự phong phú khôn lường của Chúa Kitô25.

12.

Trước mặt muôn dân, toàn thể các Kitô hữu hãy tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất và có ba ngôi, tuyên xưng Con Thiên Chúa nhập thể là Đấng Cứu chuộc và là Chúa chúng ta; đồng thời bằng một nỗ lực chung trong thái độ tôn trọng lẫn nhau, hãy làm chứng cho niềm trông cậy không bao giờ thất vọng của tất cả chúng ta. Ngày nay, sự hợp tác trong lãnh vực xã hội đang được mở rộng rất nhiều, vì thế tất cả mọi người, nhất là những người tin vào Thiên Chúa, và đặc biệt các Kitô hữu, những người được mang danh hiệu của Đức Kitô, đều được mời gọi thực hiện công trình chung này. Sự hợp tác của toàn thể các Kitô hữu diễn tả cách sống động tình liên đới đang nối kết họ lại với nhau và biểu lộ khuôn mặt của Đức Kitô Tôi Tớ cách sáng tỏ hơn. Sự hợp tác này đã được thiết lập nơi nhiều quốc gia, vẫn đang cần được triển khai ngày càng hoàn thiện hơn, nhất là tại những vùng đang có những chuyển biến trong lãnh vực xã hội cũng như kỹ thuật, hoặc về vấn đề tôn trọng nhân phẩm, hoặc trong việc cổ vũ cho hoà bình, hay trong nỗ lực áp dụng Tin Mừng vào đời sống xã hội, hoặc về chương trình phát triển khoa học và nghệ thuật trong tinh thần Kitô giáo, hay trong cố gắng áp dụng các phương dược thích hợp để chữa lành những nỗi thống khổ của con người ngày nay, như tình cảnh đói khổ và thiên tai, nạn mù chữ, tình trạng nghèo túng, vô gia cư và phân chia của cải không đồng đều. Nhờ sự hợp tác ấy, tất cả những người tin vào Đức Kitô có thể dễ dàng tìm được cách để hiểu biết, tôn trọng nhau hơn và dọn đường tiến tới sự hợp nhất các Kitô hữu.

--- Còn tiếp ---

------------------------------------------------------------------

[23] x. LATÊRANÔ V, Khoá 12 (1517), Hiến chế Constituti: Mansi 32, 988B-C.

[24] x. Ep 4,23.

[25] x. Ep 3,8.

zalo
zalo