Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 74

SẮC LỆNH VỀ ĐẠI KẾT ( kết thúc )

CHƯƠNG III
CÁC GIÁO HỘI VÀ CÁC CỘNG ĐỒNG GIÁO HỘI
ĐÃ LY KHAI KHỎI TÔNG TOÀ RÔMA

13.

Giờ đây, chúng ta hướng nhìn đến hai loại hình chia rẽ chính làm tổn hại chiếc áo liền một tấm của Đức Kitô.

Những chia rẽ đầu tiên đã xảy ra tại Đông phương, hoặc vì phản đối những định tín của các Công đồng Êphêsô và Calcêđônia, hoặc sau này vì cắt đứt hiệp thông Giáo Hội giữa các Giáo Chủ Đông phương và Toà Thánh Rôma.

Tiếp đến, hơn bốn thế kỷ sau, những cuộc ly khai khác phát sinh ở Tây phương do những sự kiện được gọi chung là phong trào Cải Cách. Từ đó, nhiều Cộng Đồng, quốc gia hoặc giáo đoàn đã tách rời khỏi Toà Thánh Rôma. Trong số những Cộng Đồng còn duy trì phần nào những truyền thống và cơ cấu Công Giáo, đáng kể nhất là Cộng Đồng Anh Giáo.

Tuy nhiên, các mối chia rẽ ấy lại rất khác nhau, không chỉ về nguồn gốc, không gian và thời gian, nhưng nhất là về bản chất và tầm quan trọng của các vấn đề liên hệ đến đức tin và cơ cấu Giáo Hội.

Vì thế, trong khi vẫn luôn lưu tâm đến những hoàn cảnh đa dạng của các Cộng đồng Kitô giáo ly khai, đồng thời cũng không bỏ qua sự kiện là, mặc dù đã có chia rẽ, nhưng vẫn còn những mối liên hệ đang nối kết họ với nhau, thánh Công Đồng quyết nghị đưa ra những nhận định sau đây để tiến hành việc thực hiện đầy thận trọng cho công cuộc đại kết.

I. NHẬN ĐỊNH ĐẶC BIỆT VỀ CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG

14.

Trong nhiều thế kỷ, các Giáo Hội Đông và Tây phương đã đi theo con đường riêng của mình, nhưng vẫn liên kết với nhau nhờ tình hiệp thông huynh đệ trong đức tin và đời sống bí tích; qua những thỏa thuận chung, Toà Thánh Rôma can thiệp mỗi khi các Giáo Hội ấy bất đồng quan điểm với nhau về đức tin hay về kỷ luật. Thánh Công Đồng vui mừng nhắc lại cho mọi người một trong những nhận định quan trọng là có nhiều Giáo Hội riêng biệt hay địa phương đang phát triển ở Đông phương, đứng đầu là các Giáo Hội có Toà Thượng phụ, trong đó không ít Giáo Hội vẫn đáng hãnh diện vì được chính các Tông đồ thiết lập. Vì thế, nơi các tín hữu Đông phương, như đã từng thực hiện, và đến nay vẫn luôn phải dành mối quan tâm chăm lo đặc biệt cho việc duy trì, trong tình hiệp thông đức tin và đức ái, những mối liên lạc thân tình cần phải có giữa các Giáo Hội địa phương như là giữa những chị em với nhau.

Cũng đừng quên rằng, các Giáo Hội Đông phương ngay từ khởi đầu đã có được một kho tàng, trong đó Giáo Hội Tây phương đã kín múc được nhiều yếu tố về phụng vụ, truyền thống tu đức và luật pháp. Một sự kiện khác cũng đáng chú ý là những tín điều căn bản trong đức tin Kitô giáo như Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria đã được định tín trong các Công Đồng Chung khai diễn tại Đông phương. Các Giáo Hội ấy đã và đang còn phải chịu nhiều khổ đau để giữ gìn đức tin ấy.

Di sản do các Tông đồ truyền lại đã được đón nhận qua nhiều hình thức và cách thế khác nhau, và ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, di sản ấy đã được giải thích nhiều cách khác nhau do những dị biệt về hướng tư duy và điều kiện sinh hoạt. Đó là những yếu tố, cộng với các nguyên nhân bên ngoài, lại thêm vào thái độ thiếu bác ái và thông cảm lẫn nhau, đã tạo nên cơ hội đưa đến chia rẽ.

Vì vậy, Thánh Công Đồng khuyến khích mọi người, đặc biệt là những ai muốn góp phần tái lập sự hiệp thông trọn vẹn đang được kỳ vọng giữa các Giáo Hội Đông phương và Giáo Hội Công giáo, hãy nghiên cứu kỹ lưỡng về hoàn cảnh cá biệt đã khai sinh và phát triển các Giáo Hội Đông phương, cũng như về bản chất của những mối liên hệ đã từng có với Toà Thánh Rôma trước thời ly khai, đồng thời cũng hãy nêu lên những nhận định chính xác về tất cả những sự kiện ấy. Thực hiện những điều đó là đã đóng góp rất nhiều cho cuộc đối thoại đang được mọi người mong đợi.

15.

Ai cũng đều biết các Kitô hữu đông phương rất mộ mến việc cử hành Phụng vụ thánh, nhất là bí tích Thánh Thể, nguồn sống của Giáo Hội và bảo chứng cho vinh quang đời sau, nhờ đó, khi hợp nhất với Giám mục, được đến gần Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng đã chịu khổ nạn và được tôn vinh, được đầy Chúa Thánh Thần, các tín hữu thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, được “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4). Như vậy, nhờ việc cử hành Thánh Thể trong từng Giáo Hội địa phương, Giáo Hội Thiên Chúa được xây dựng và tăng trưởng26, đồng thời qua việc đồng tế, tình hiệp thông giữa các Giáo Hội được thể hiện thật rõ ràng.

Trong nghi lễ phụng vụ này, các tín hữu đông phương đã dùng những bài thánh thi tuyệt diệu để ca ngợi Đức Maria trọn đời đồng trinh, Đấng đã được Công Đồng Chung Êphêsô long trọng tuyên xưng là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa, để Đức Kitô được thực sự nhận biết cách đích xác là Con Thiên Chúa và là Con Người theo Thánh Kinh, cùng lúc, họ cũng tôn kính nhiều vị thánh, trong số đó có các thánh Giáo phụ của toàn thể Giáo Hội.

Mặc dù ly khai, các Giáo Hội ấy vẫn có những bí tích đích thực, đặc biệt là bí tích Truyền Chức Linh Mục và bí tích Thánh Thể do sự kế vị tông truyền, nên vẫn liên kết chặt chẽ với chúng ta, vì thế, trong những trường hợp thuận lợi và với sự chuẩn nhận của giáo quyền, việc thông dự vào phụng tự thánh chẳng những có thể thực hiện mà còn đáng được khuyến khích.

Đông phương cũng có nhiều truyền thống tu đức phong phú, tiêu biểu nhất là đời sống đan tu. Thật vậy, tại đây, ngay từ thời vàng son của các thánh Giáo phụ, nền tu đức đan viện đã phát triển, sau đó mới lan truyền sang Tây phương, nên như mạch suối khởi phát nếp sống tu trì và từ đó mang lại nguồn sinh lực mới cho các dòng tu trong Giáo Hội latinh. Vì thế, người công giáo được tha thiết mời gọi hãy năng tìm đến kho tàng tu đức của các thánh Giáo phụ Đông phương với nguồn ơn phúc dồi dào giúp nâng cao con người toàn diện để chiêm ngưỡng những mầu nhiệm thánh thiêng.

Mọi người phải biết rằng, thông hiểu, kính trọng, giữ gìn và phát triển di sản phụng vụ và tu đức vô cùng phong phú của các tín hữu đông phương, là việc rất quan trọng để trung thành bảo toàn nguyên vẹn truyền thống Kitô giáo và để thực hiện sự hoà giải các Kitô hữu Đông phương với Tây phương.

16.

Ngoài ra, ngay từ buổi đầu, các Giáo Hội Đông phương đã có những kỷ luật riêng, được các thánh Giáo phụ và các Công Nghị, kể cả các Công Đồng Chung phê chuẩn. Như đã nói ở đoạn trên, những khác biệt về phong tục và tập quán không hề cản trở sự hợp nhất, nhưng đúng hơn lại làm tăng thêm vẻ đẹp của Giáo Hội và mang lại những hỗ trợ quý báu giúp Giáo Hội chu toàn sứ mệnh của mình, vì thế, để đánh tan mọi nghi ngờ, Thánh Công Đồng tuyên bố: các Giáo Hội Đông phương, trong khi luôn ý thức về sự hợp nhất cần phải xây dựng nơi toàn thể Giáo Hội, vẫn có quyền tự trị theo những kỷ luật riêng, vốn thích hợp hơn với tính cách của các tín hữu và có thể mưu ích cho các linh hồn nhiều hơn. Việc tuân giữ trọn vẹn nguyên tắc truyền thống này, điều không phải lúc nào cũng được thi hành, chính là một trong những điều kiện tiên quyết vô cùng cần thiết để tái lập sự hợp nhất.

17.

Những gì đã nói trên đây về sự khác biệt chính đáng, cũng được áp dụng cho sự đa dạng trong cách trình bày về thần học liên quan đến giáo lý. Thật vậy, Đông phương cũng như Tây phương đã sử dụng những phương pháp và cách thức khác nhau trong việc tìm hiểu chân lý mặc khải, để nhận biết và tuyên xưng những điều thuộc về Thiên Chúa. Do đó, không lạ gì khi thấy có một vài khía cạnh của mầu nhiệm mặc khải đôi lúc được một bên hiểu đúng và trình bày rõ ràng hơn bên kia, vì thế, những công thức thần học khác nhau ấy phải được coi là bổ túc cho nhau hơn là đối lập nhau. Điều phải công nhận là những truyền thống thần học chính thức của Giáo Hội Đông phương đã bám rễ cách tuyệt hảo trong Thánh Kinh, được khai triển và biểu lộ trong đời sống phụng vụ, được nuôi dưỡng bằng Truyền thống Tông đồ sống động và bằng những tác phẩm của các thánh Giáo phụ Đông phương cũng như của các tác giả tu đức, góp phần xây dựng một nếp sống chính trực, và nhất là giúp chiêm ngưỡng trọn vẹn chân lý Kitô giáo.

Trong tâm tình tạ ơn Chúa vì nhiều tín hữu Đông phương là con cái thuộc Giáo Hội Công giáo, những người đang giữ gìn và mong muốn hưởng dùng phần gia sản ấy cách tinh ròng và sung mãn hơn, vẫn sống hoàn toàn hiệp thông với các anh em thuộc truyền thống Tây phương, Thánh Công Đồng tuyên bố rằng, toàn bộ di sản tu đức và phụng vụ, kỷ luật và thần học trong các truyền thống khác biệt, đều gắn liền với đặc tính công giáo và tông truyền trọn vẹn của Giáo Hội.

18.

Với tất cả các nhận định trên, Thánh Công Đồng này lập lại điều đã được các Thánh Công Đồng trước cũng như các Đức Giáo Hoàng Rôma tuyên bố: để tái lập và duy trì sự thông hảo và hợp nhất, “đừng đặt thêm những gánh nặng không cần thiết” (Cv 15,28). Công Đồng cũng tha thiết ước mong rằng từ nay, mọi nỗ lực đều tập trung vào việc thực hiện dần dần sự hợp nhất trong những định chế và hình thức khác nhau của đời sống Giáo Hội, nhất là trong kinh nguyện và đối thoại huynh đệ về giáo lý, cũng như về các nhu cầu mục vụ khẩn thiết của thời đại chúng ta. Cũng thế Công Đồng khuyến khích các chủ chăn và tín hữu của Giáo Hội Công giáo hãy thiết lập mối giao hảo với những người không còn ở Đông phương, nhưng sống xa quê nhà, để gia tăng sự cộng tác huynh đệ trong tinh thần bác ái, và loại trừ những hình thức ganh đua, tranh tụng. Nếu mọi người thành tâm xúc tiến công cuộc này, Thánh Công Đồng hy vọng rằng, sau khi bức tường ngăn cách Giáo Hội Đông Tây bị phá đổ, sẽ chỉ còn ngôi nhà duy nhất được củng cố trên tảng đá góc là Chúa Giêsu Kitô, Đấng sẽ liên kết cả hai nên một27.

II. CÁC GIÁO HỘI VÀ CÁC CỘNG ĐỒNG GIÁO HỘI LY KHAI TÂY PHƯƠNG

19.

Các Giáo Hội và các Cộng Đồng Giáo Hội đã tách rời khỏi Tông Toà Rôma trong thời kỳ khủng hoảng trầm trọng nhất phát sinh ở Tây phương vào cuối thời Trung Cổ hoặc về sau này, vẫn luôn nối kết với Giáo Hội Công giáo bằng một mối tương quan và những liên hệ đặc biệt nhờ vào việc đoàn dân Kitô giáo đã sống trong tình hiệp thông Giáo Hội lâu dài suốt những thế kỷ trước.

Các Giáo Hội và Cộng Đồng Giáo Hội ấy chẳng những khác với chúng ta, mà còn khác cả với nhau, do những dị biệt về nguồn gốc, giáo lý và đời sống tu đức, nên rất khó trình bày cho đúng về các Giáo Hội ấy, và ở đây chúng tôi không có ý thực hiện điều đó.

Mặc dù phong trào Đại Kết và ước vọng giao hoà với Giáo Hội Công giáo chưa được đề cao khắp nơi, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng tất cả mọi người sẽ dần dần cảm nhận sâu xa hơn về ý thức đại kết và thái độ tôn trọng lẫn nhau.

Phải nhìn nhận rằng giữa các Giáo Hội và Cộng Đồng Giáo Hội ấy với Giáo Hội Công giáo có nhiều khác biệt quan trọng, không chỉ về đặc tính lịch sử, xã hội, tâm lý, văn hoá, nhưng nhất là về cách thức giải thích chân lý mặc khải. Để dễ dàng khởi xướng cuộc đối thoại đại kết, dù những khác biệt vẫn còn đó, sau đây chúng tôi muốn đưa ra một vài điều có thể và phải là nền tảng cũng như khởi điểm cho cuộc đối thoại ấy.

20.

Chúng tôi đặc biệt nghĩ đến những Kitô hữu đang công khai tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Thiên Chúa, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, để làm vinh danh một Thiên Chúa duy nhất là Cha, Con và Thánh Thần. Thật ra chúng tôi biết có những khác biệt không nhỏ đối với giáo lý của Giáo Hội Công giáo, cả về Đức Kitô Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, về công trình cứu chuộc, và do đó, về mầu nhiệm và tác vụ của Giáo Hội, cũng như về vai trò của Đức Maria trong công cuộc cứu độ. Tuy nhiên, chúng tôi vui mừng khi thấy các anh em ly khai vẫn hướng về Đức Kitô như là nguồn mạch và trung tâm của sự hiệp thông Giáo Hội. Chính ước vọng kết hiệp với Đức Kitô đã tác động và thúc đẩy họ càng ngày càng tìm về hợp nhất và làm chứng cho niềm tin của mình giữa các dân tộc.

21.

Lòng yêu mến, kính trọng và gần như tôn sùng Thánh Kinh đã thúc đẩy những người anh em của chúng ta kiên tâm và chuyên cần học hỏi các Bản Văn Thánh: vì Tin Mừng “là quyền năng Thiên Chúa để cứu rỗi mọi người tin theo, trước tiên là người Do Thái, kế đến là người Hy Lạp” (Rm 1,16).

Trong khi khẩn cầu Chúa Thánh Thần, họ kiếm tìm Thiên Chúa nơi chính Thánh Kinh, Đấng đang nói với họ trong Đức Kitô, Đấng đã được các tiên tri loan báo và là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể vì chúng ta. Trong Thánh Kinh, họ chiêm ngưỡng cuộc đời Đức Kitô và những gì Thầy Chí Thánh đã dạy và đã làm để cứu rỗi loài người, nhất là mầu nhiệm về sự chết và sự phục sinh của Người.

Tuy nhiên, trong khi các Kitô hữu đã tách rời khỏi chúng ta xác nhận uy thế thần linh của Sách Thánh, họ vẫn cảm nghĩ khác chúng ta - và khác cả với nhau - về sự liên quan giữa Thánh Kinh và Giáo Hội; trong vấn đề này, theo đức tin công giáo, huấn quyền chính thức giữ một vai trò đặc biệt trong việc giải thích và rao giảng Lời Chúa đã được ghi chép.

Nhưng dù sao đi nữa, trong chính việc đối thoại, Lời Chúa là dụng cụ tuyệt hảo nơi bàn tay toàn năng của Thiên Chúa, giúp đạt tới sự hợp nhất mà Đấng Cứu Thế đã bày tỏ cho mọi người.

22.

Nhờ bí tích Thánh Tẩy, được trao ban đúng nghi thức như Chúa đã thiết lập và được lãnh nhận với điều kiện cần thiết của tâm hồn, con người được thật sự tháp nhập vào Đức Kitô chịu đóng đinh và được tôn vinh, đồng thời được tái sinh để thông phần sự sống Thiên Chúa theo lời Thánh Tông Đồ: “Anh em được mai táng với Người trong phép Rửa, anh em cũng sẽ được chỗi dậy với Người, bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng đã cho Người sống lại từ cõi chết” (Cl 2,12)28.

Vậy phép Rửa tạo nên mối dây bí tích hợp nhất tất cả những người đã được tái sinh. Tuy nhiên, phép Rửa, tự bản chất, mới chỉ là thời điểm bắt đầu và là bước khởi hành, vì đích điểm của bí tích này chính là đạt tới sự sống sung mãn trong Đức Kitô. Như thế, phép Rửa hướng đến việc tuyên xưng trọn vẹn đức tin, gắn kết trọn vẹn vào kế hoạch cứu rỗi như chính Đức Kitô mong muốn và sau cùng hoà nhập trọn vẹn vào sự hiệp thông Thánh Thể.

Những Cộng đồng Giáo Hội đã tách rời khỏi chúng ta, mặc dù không cùng chúng ta hưởng nhận sự hợp nhất đầy đủ khởi sinh từ phép Rửa, và mặc dù chúng ta tin rằng, chủ yếu vì thiếu bí tích Truyền Chức Thánh, họ đã không bảo toàn được bản chất đích thực và nguyên vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể, nhưng khi tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa trong nghi thức Tiệc Thánh, họ vẫn tuyên xưng rằng sự sống chỉ có ý nghĩa nhờ hiệp thông với Đức Kitô và luôn mong đợi ngày Người trở lại trong vinh quang. Vì thế, trong cuộc đối thoại, cần thảo luận những chủ đề giáo lý về Tiệc Thánh của Chúa, về các bí tích, việc phụng tự cũng như các thừa tác vụ của Giáo Hội.

23.

Đời sống Kitô hữu của các anh em ly khai được nuôi dưỡng bằng đức tin vào Chúa Kitô, được duy trì nhờ ân sủng của phép Rửa và nhờ lắng nghe Lời Chúa. Đời sống ấy được biểu lộ trong kinh nguyện riêng, trong việc suy niệm Thánh Kinh, trong đời sống gia đình Kitô hữu, trong việc phụng tự của cộng đoàn cùng tụ họp để ngợi khen Thiên Chúa. Ngoài ra, đôi khi việc phụng tự của họ cũng mang những yếu tố nổi bật thuộc nền phụng vụ cổ kính chung.

Đức tin vào Chúa Kitô đã kết sinh hoa trái trong lời ngợi khen và cảm tạ vì các ơn phúc thiêng liêng đã lãnh nhận; thêm vào đó là ý thức mạnh mẽ về đức công bình và tình bác ái chân thành đối với tha nhân. Đức tin sống động ấy cũng làm phát sinh không ít những tổ chức nhằm xoa dịu nỗi khổ đau tinh thần và thể xác, giáo dục giới trẻ, cải thiện những hoàn cảnh xã hội của cuộc sống được nên nhân đạo hơn và củng cố nền hoà bình thế giới.

Mặc dù nhiều Kitô hữu không phải lúc nào cũng hiểu Tin Mừng theo cùng một nghĩa như người công giáo trong những vấn đề luân lý, cũng như không chấp nhận cùng những giải quyết giống nhau về những vấn đề khó khăn của xã hội hiện đại, tuy nhiên, như chúng ta, họ cũng muốn gắn bó với lời của Đức Kitô như là nguồn sức mạnh của đời Kitô hữu và tuân theo lời Thánh Tông Đồ dạy: “Bất cứ điều gì anh em làm, trong lời nói hay trong hành động, anh em hãy làm tất cả nhân danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3,17). Đây chính là điểm có thể bắt đầu cuộc đối thoại đại kết về việc áp dụng luân lý của Tin Mừng.

24.

Sau khi đã trình bày vắn tắt những điều kiện và nguyên tắc hướng dẫn cho việc thực hiện công cuộc đại kết, chúng tôi tin tưởng hướng nhìn tới tương lai. Thánh Công Đồng khuyên các tín hữu hãy tránh bất cứ thái độ nhẹ dạ và nhiệt thành thiếu khôn ngoan nào có thể phương hại đến tiến trình hợp nhất. Thật vậy, hoạt động đại kết chỉ có thể thành tựu được, nếu hoàn toàn và thực sự mang tính công giáo, nghĩa là trung thành với chân lý chúng ta đã lãnh nhận từ các Tông đồ và các Giáo phụ, cũng như phù hợp với đức tin đang được Giáo Hội Công giáo tiếp tục tuyên xưng, đồng thời hướng tới sự sung mãn, nhờ đó Chúa muốn cho Thân Thể Người được tăng trưởng qua các thời đại.

Thánh Công Đồng luôn khẩn khoản nguyện ước cho những sáng kiến của con cái Giáo Hội Công giáo được hoà nhập với những sáng kiến của các anh em ly khai, cùng tiến hành mà không cản trở đường lối của Thiên Chúa Quan Phòng, cũng như không tạo thiên kiến về những tác động sau này của Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, Thánh Công Đồng vẫn ý thức xác tín rằng, ước nguyện thánh thiện muốn hoà giải để hợp nhất toàn thể các Kitô hữu trong một Giáo Hội duy nhất của Đức Kitô, vượt quá sức lực và khả năng loài người. Vì thế, Thánh Công Đồng đặt trọn niềm hy vọng vào lời Đức Kitô nguyện cầu cho Giáo Hội, vào tình thương của Chúa Cha dành cho chúng ta, và vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. “Niềm cậy trông không làm cho thất vọng: vì tình yêu của Thiên Chúa đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

 

Tất cả và từng điều được ban bố trong Sắc Lệnh này đều đã được các Nghị phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và, với thẩm quyền tông truyền nhận được từ Chúa Kitô, hợp nhất với các Nghị phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quyết nghị và xác lập, và những gì đã được xác lập theo thể thức Công Đồng, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 21 tháng 11 năm 1964
Tôi, PHAOLÔ, Giám mục Giáo Hội Công giáo
(Tiếp theo là chữ ký của các Nghị phụ)

-------------------------------------------------------------------------------------

 

[26] x. T. GIOAN KIM KHẨU, In Ioannem Homelia, XLVI: PG 59, 260-262.

[27] x. CĐ FIRENZÊ, Khoá 6 (1439), Định tín L„tentur C„li: Mansi 31, 1026E.

[28] x. Rm 6,4.

zalo
zalo