PHAOLÔ GIÁM MỤC
TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA
HỢP NHẤT VỚI CÁC NGHỊ PHỤ CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG
ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ
SẮC LỆNH
VỀ ĐÀO TẠO LINH MỤC
OPTATAM TOTIUS
Ngày 28 tháng 10 năm 1965
LỜI MỞ ĐẦU
Thánh Công Đồng ý thức rõ ràng việc canh tân toàn thể Hội Thánh như mọi người mong đợi tuỳ thuộc phần lớn vào thừa tác vụ linh mục1 được Thánh Thần của Chúa Kitô tác động; vì thế, Thánh Công Đồng khẳng định tính cách vô cùng quan trọng của việc đào tạo linh mục, nêu lên một số nguyên tắc căn bản, xác nhận những quy luật do kinh nghiệm từ bao thế kỷ và thêm vào những quy luật mới thích ứng với các hiến chế và sắc lệnh của Thánh Công Đồng này, cũng như với những biến chuyển của thời đại. Do tính chất duy nhất của chức Linh mục Công giáo, việc đào tạo này rất cần thiết đối với tất cả linh mục thuộc hàng giáo sĩ triều và dòng cũng như những linh mục thuộc các Nghi chế khác. Vì thế, những chỉ thị này, dù trực tiếp nhắm vào hàng giáo sĩ giáo phận, nhưng cũng có giá trị cho tất cả các linh mục với những thích nghi cần thiết.
I. SOẠN THẢO ĐƯỜNG HƯỚNG ĐÀO TẠO LINH MỤC TẠI MỖI QUỐC GIA
1.
Vì sự khác biệt quá lớn giữa các dân tộc và địa phương, nên Công Đồng chỉ có thể nêu lên những quy luật tổng quát, do đó, trong mỗi quốc gia hay mỗi Nghi chế, cần phải có riêng một “Đường hướng đào tạo linh mục”, được Hội đồng Giám mục quyết nghị2, được thử nghiệm trong một thời gian và được Toà Thánh phê chuẩn. Như thế, những quy luật phổ quát sẽ được thích nghi với hoàn cảnh đặc thù của từng địa phương và từng thời điểm, để việc đào tạo linh mục luôn đáp ứng những nhu cầu mục vụ của từng miền, nơi các linh mục phải thi hành thừa tác vụ.
II. ÂN CẦN CỔ VŨ ƠN THIÊN TRIỆU LINH MỤC
2.
Toàn thể cộng đồng Kitô hữu có trách nhiệm cổ vũ ơn thiên triệu3, và phải thực thi nghĩa vụ này trước tiên bằng một nếp sống Kitô hữu trọn vẹn; phần đóng góp nhiều nhất trong nghĩa vụ này trước tiên thuộc về các gia đình, nơi nhờ tinh thần đức tin, đức mến và lòng đạo đức tác động sẽ trở thành như một chủng viện sơ khởi, đồng thời cũng thuộc về các giáo xứ, nơi các thanh thiếu niên được dự phần vào một cuộc sống phong phú dồi dào. Các giáo viên và tất cả những ai ít nhiều có trách nhiệm giáo dục thiếu nhi và giới trẻ, nhất là những hội đoàn công giáo, phải chú tâm đào tạo các thanh thiếu niên được trao phó cho họ, để các em có thể nhận ra ơn thiên triệu và quảng đại đáp trả. Tất cả các linh mục phải nêu cao lòng nhiệt thành tông đồ để vun trồng thật nhiều ơn thiên triệu và lôi cuốn tâm hồn người trẻ đến với chức linh mục, bằng chính đời sống khiêm nhường, cần mẫn, vui tươi của các ngài, cũng như bằng tình tương thân tương ái và cộng tác huynh đệ giữa các linh mục.
Các Giám mục có nhiệm vụ thúc đẩy đoàn chiên và phối hợp chặt chẽ các năng lực cũng như mọi cố gắng để cổ vũ ơn thiên triệu; quả thật, các ngài như những người cha không quản ngại hy sinh, giúp đỡ những ai các ngài xét thấy là được kêu gọi để trở nên người của Chúa.
Như thế, việc toàn thể Dân Chúa tích cực hợp lực cổ vũ cho ơn thiên triệu là cách đáp trả cho hoạt động của Chúa Quan Phòng, Đấng ban những tài đức thích hợp và trợ lực bằng ân sủng cho những người được Ngài tuyển chọn để tham dự vào chức tư tế phẩm trật của Đức Kitô, đồng thời trao cho các thừa tác viên hợp pháp của Giáo Hội nhiệm vụ chọn gọi và thánh hiến với ấn tín của Chúa Thánh Thần, những ứng viên đã được xác nhận là có tư cách xứng hợp, có ý hướng ngay lành, cũng như hoàn toàn tự do trong việc xin lãnh nhận tác vụ linh mục cao cả ấy, để họ phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh4.
Trước hết, Thánh Công Đồng đề nghị những phương thế truyền thống để mọi người có thể hợp tác, đó là kiên trì cầu nguyện, hãm mình theo tinh thần Kitô hữu, đào tạo giáo dân ngày càng tiến lên trình độ cao hơn bằng việc rao giảng và dạy giáo lý, cũng như bằng nhiều phương tiện truyền thông xã hội khác nhau, nhờ đó mọi người hiểu được sự cần thiết, bản chất và sự cao quý của ơn thiên triệu linh mục. Ngoài ra, Công Đồng yêu cầu các chương trình liên quan đến ơn gọi, đã hoặc sẽ được thành lập dựa trên các văn kiện của Toà Thánh tại mỗi giáo phận, mỗi miền hoặc mỗi quốc gia, phải được tổ chức có phương pháp và liên hệ chặt chẽ với toàn bộ các hoạt động mục vụ cổ vũ cho ơn thiên triệu, phải được thực hiện cách nhiệt thành và thận trọng, đồng thời không nên bỏ qua các hỗ trợ thiết thực từ những nhận thức hữu dụng của khoa tâm lý và xã hội học hiện đại5.
Xuất phát từ con tim rộng mở, việc cổ vũ ơn thiên triệu cần phải vượt khỏi ranh giới của các đơn vị giáo phận, quốc gia, dòng tu hoặc nghi chế, và bởi quan tâm đến nhu cầu của toàn thể Giáo Hội, nên phải đặc biệt hỗ trợ cho những miền đang cấp thiết cần có những người thợ làm vườn nho cho Chúa.
3.
Trong các Tiểu Chủng viện được thiết lập để vun trồng mầm non ơn thiên triệu, qua một chương trình đào tạo tu đức đặc biệt, nhất là nhờ sự linh hướng thích hợp, các chủng sinh được chuẩn bị để bước theo Chúa Kitô Cứu Thế với tinh thần quảng đại và tấm lòng thanh khiết. Với sự dìu dắt đầy tình phụ tử của các bề trên, cùng với sự cộng tác thiết thực của phụ huynh, các chủng sinh sẽ có được cuộc sống thích hợp với từng giai đoạn, khả năng tinh thần và mức độ phát triển của tuổi thiếu niên, hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn tâm lý lành mạnh, đồng thời cũng vẫn có được những kinh nghiệm cần thiết về những thực tại nhân văn và những liên hệ thường xuyên với gia đình6. Ngoài ra, các tiêu chuẩn được nêu lên trong các đoạn sau đây dành cho các Đại Chủng viện, cũng phải được thích nghi để áp dụng trong mức độ phù hợp với mục đích và quy chế của các Tiểu Chủng viện. Chương trình học phải được tổ chức sao cho các chủng sinh, khi chọn một bậc sống khác, có thể dễ dàng tiếp tục việc học hành ở những nơi khác.
Phải dành sự chăm sóc tương tự đối với các mầm non ơn gọi nơi thanh thiếu niên tại những cơ sở đặc biệt, do hoàn cảnh địa phương, được thành lập với cùng một mục đích như Tiểu Chủng viện, và cả với ơn gọi của những người đang theo học tại các trường hay cơ sở giáo dục khác; việc lập học viện hay những đề xướng giúp cho những người đã lớn tuổi muốn bước theo tiếng Chúa gọi cũng được đặc biệt khuyến khích.
III. TỔ CHỨC CÁC ĐẠI CHỦNG VIỆN
4.
Các Đại Chủng viện rất cần thiết cho việc đào tạo linh mục. Chương trình giáo dục toàn diện phải hướng đến việc huấn luyện cho các đại chủng sinh trở thành những người chủ chăn đích thực của các linh hồn, theo gương Chúa Giêsu Kitô là Tôn sư, là Tư tế và là Mục tử7; vì thế, các thầy phải được chuẩn bị cho thừa tác vụ rao giảng Lời Chúa: để biết tìm hiểu Lời mặc khải của Thiên Chúa ngày càng sâu sắc hơn, biết năng suy niệm để được tinh thông cũng như biết dùng lời rao giảng và chính cuộc sống để trình bày Lời Chúa; các thầy cũng được chuẩn bị cho thừa tác vụ thờ phượng và thánh hoá: để trở nên những người thực hiện công trình cứu độ nhờ Hy tế Thánh Thể và các Bí tích, qua việc cầu nguyện và chuyên chăm cử hành Phụng vụ thánh; các thầy còn được chuẩn bị cho thừa tác vụ Mục tử: để biết làm cho mọi người nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô, Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,46; x. Ga 13,12-17) và cũng để chinh phục được thêm nhiều người, khi trở nên tôi tớ mọi người (x. 1 Cr 9,19).
Vì thế, chương trình huấn luyện trong các lãnh vực tu đức, tri thức và kỷ luật, đều phải hoạt động đồng bộ hướng đến chủ đích mục vụ này, và để đạt được mục tiêu đó, Ban Giám đốc và các giáo sư phải nhiệt tình và đồng tâm nhất trí, trong khi vẫn luôn vâng phục thẩm quyền Giám mục.
5.
Việc huấn luyện chủng sinh cần dựa trên những quy định thích hợp nhưng vẫn tuỳ thuộc nhiều nhất vào khả năng của các nhà giáo dục. Vì thế, các giám đốc và giáo sư chủng viện phải được chọn lựa trong những người ưu tú nhất8, và phải được chuẩn bị chu đáo với một kiến thức giáo lý vững chắc, với kinh nghiệm mục vụ thích hợp và sự am hiểu đặc biệt về tu đức và sư phạm. Vì thế, để thực hiện mục tiêu này, cần phải mở những học viện hay ít là những khoá học được tổ chức với đường hướng thích hợp, cũng như những cuộc hội thảo định kỳ cho các Giám đốc Chủng viện.
Ban Giám đốc và các giáo sư phải luôn xác tín rằng kết quả của việc đào tạo chủng sinh tuỳ thuộc rất nhiều vào cách suy nghĩ và hành động của các ngài. Dưới sự hướng dẫn của vị Giám đốc, các ngài phải kết thành một khối thống nhất trong tinh thần và hành động, đồng thời tạo lập giữa các ngài với nhau và với các chủng sinh thành một gia đình, để sống theo như lời cầu nguyện của Chúa “Xin cho họ nên một” (Ga 17,11) cũng như để nuôi dưỡng niềm vui ơn thiên triệu nơi các chủng sinh. Về phần Đức Giám mục, hãy luôn tận tình ưu ái chăm sóc để khích lệ những người đang phụ trách các công tác trong chủng viện, và đối với các chủng sinh, Đức Giám mục phải nên như người cha đích thực trong Chúa Kitô. Sau cùng, tất cả các linh mục phải xem chủng viện như trái tim của giáo phận và chủ động đóng góp vào đó những giúp đỡ thiết thực9.
6.
Phải nghiệm xét cẩn thận nơi các ứng viên, tuỳ theo độ tuổi và khả năng tiến bộ của mỗi người, về ý hướng ngay lành và ý chí tự do, về tư cách xứng hợp trong các lãnh vực tu đức, luân lý và tri thức, về sức khỏe thể lý và tâm lý thích hợp, kể cả những yếu tố di truyền của gia đình. Đồng thời cũng phải lượng xét về khả năng của các ứng viên trong việc đảm đương các trách vụ linh mục cũng như khả năng thực thi các công tác mục vụ sau này10.
Trong toàn bộ việc tuyển chọn và xét duyệt các chủng sinh, luôn phải giữ thái độ kiên quyết, dù có phải chịu tình trạng thiếu linh mục11, vì Thiên Chúa sẽ không để Giáo Hội thiếu thừa tác viên, những ai xứng đáng sẽ được phong chức, còn những người không thích hợp sẽ được các bề trên dùng tình phụ tử hướng dẫn kịp thời để đảm nhận những phận vụ khác, đồng thời cũng được giúp đỡ, để với ý thức về ơn gọi Kitô hữu, họ hăng say dấn thân trong việc tông đồ giáo dân.
7.
Trong trường hợp mỗi giáo phận không đủ khả năng lập chủng viện riêng, phải xây dựng và hỗ trợ các chủng viện chung cho nhiều giáo phận, cho toàn miền hoặc toàn quốc để thực hiện cách hữu hiệu việc giáo dục nghiêm túc cho các chủng sinh, vì đây là điều không thể thiếu sót trong việc đào tạo. Những chủng viện toàn miền hay toàn quốc phải được điều hành theo quy chế do các Giám mục liên hệ ấn định12 và được Toà Thánh phê chuẩn.
Trong các chủng viện có đông chủng sinh, phải luôn duy trì sự thống nhất về thể thức hướng dẫn và chương trình học vấn; có thể phân chia các chủng sinh thành từng nhóm nhỏ để giúp cho việc đào luyện bản thân của từng người được tốt đẹp hơn.
IV. QUAN TÂM ĐẶC BIỆT ĐẾN VIỆC ĐÀO TẠO TU ĐỨC
8.
Việc đào tạo tu đức phải gắn liền với việc học hỏi về giáo thuyết và mục vụ, đồng thời, với sự giúp đỡ của vị Linh hướng13, các chủng sinh phải tập sống kết hợp liên lỉ và thân tình với Chúa Cha, nhờ Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần. Được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Tư Tế nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, họ luôn sống gắn bó với Người như những người bạn tâm giao14 trong mối liên kết mật thiết trọn đời. Họ phải sống thật sâu xa mầu nhiệm Vượt Qua của Người để có thể đưa cả đoàn chiên được trao phó cùng đi vào mầu nhiệm ấy. Các chủng sinh phải học biết tìm gặp Chúa Kitô trong việc trung thành suy niệm Lời Chúa, trong việc thông hiệp tích cực các mầu nhiệm thánh của Giáo Hội, nhất là bí tích Thánh Thể và kinh nguyện thần vụ15; họ nhận ra Chúa nơi vị Giám mục đã sai họ đi, và nơi những con người họ được sai đến, nhất là những người nghèo khổ, những người hèn mọn, đau yếu, tội lỗi và chưa có niềm tin. Với tình con thảo, họ yêu mến và tôn kính Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria, người Mẹ mà Chúa Kitô khi hấp hối trên Thánh giá đã trao ban cho môn đệ yêu dấu.
Phải nỗ lực thực hành các việc đạo đức theo như tập quán tốt lành của Giáo Hội, nhưng phải lưu tâm đừng để việc đào tạo tu đức chỉ hạn hẹp trong những thực hành đạo đức hay chỉ đáp ứng về mặt tình cảm tôn giáo. Trước tiên, các chủng sinh phải học sống theo mẫu mực Phúc Âm, kiên vững trong đức tin, đức cậy và đức mến, để nhờ việc thực hành các nhân đức này, họ có được tinh thần cầu nguyện16, củng cố và bảo vệ ơn gọi của mình, tăng cường những nhân đức khác và thêm nhiệt thành để chinh phục mọi người về cho Chúa Kitô.
9.
Các chủng sinh phải thấm nhuần mầu nhiệm Giáo Hội đã được Thánh Công Đồng này đặc biệt minh giải, sao cho luôn biết gắn bó với vị Đại Diện Chúa Kitô bằng một tình yêu khiêm tốn và hiếu thảo, và khi đã trở thành linh mục17, họ sẽ là những cộng sự viên tín cẩn luôn liên kết với Giám mục của mình, và cộng tác với các anh em linh mục khác trong tình hiệp nhất, qua đó có thể lôi kéo mọi người về với Chúa Kitô. Phải dạy cho họ biết mở rộng tâm hồn tham gia cuộc sống của toàn thể Giáo Hội, như lời Thánh Augustinô đã nói: “Kẻ nào càng yêu mến Giáo Hội của Chúa Kitô, càng có Chúa Thánh Thần”18. Các chủng sinh phải hiểu thật rõ mục đích của họ không là đi tìm quyền lực hay danh vọng, nhưng để hoàn toàn phụng sự Thiên Chúa và thực thi tác vụ mục tử. Họ phải được hướng dẫn đặc biệt để có đức vâng phục của đời linh mục, nếp sống khó nghèo và tinh thần từ bỏ19, đến độ biết tự nguyện từ bỏ ngay cả những gì được phép nhưng không thích hợp, và chuyên tâm làm cho mình nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chịu đóng đinh.
Các chủng sinh phải được hướng dẫn để hiểu rõ về những phận vụ họ sẽ phải đảm nhận, cũng như về những khó khăn của đời linh mục; tuy nhiên cũng đừng để các chủng sinh nghĩ rằng, công tác sau này của họ hầu như chỉ toàn là nguy hiểm, nhưng tốt hơn nên giúp họ biết củng cố thật vững mạnh đời sống thiêng liêng chính ngay trong lúc hoạt động mục vụ.
10.
Đối với các chủng sinh đang noi giữ truyền thống đáng kính của nếp sống độc thân linh mục, theo các quy luật thánh thiện và bền vững trong Nghi chế của mình, họ cần được hướng dẫn cẩn thận cho bậc sống độc thân, trong đó, khi chấp nhận khước từ đời sống hôn nhân vì Nước Trời (x. Mt 19,12), họ gắn bó với Chúa bằng một tình yêu không san sẻ20 hoàn toàn phù hợp với Giao Ước mới, làm chứng cho cuộc sống lại trong thế giới tương lai (x. Lc 20,36)21, và nhận được sự trợ lực vô cùng thích hợp cho việc thực thi không ngừng đức ái toàn hảo, nhờ đó họ trở nên mọi sự cho mọi người trong thừa tác vụ linh mục22. Họ cần cảm nhận rằng mình phải đón nhận bậc sống này với cả tâm tình tri ân cảm tạ, không như một quy định của giáo luật, nhưng như một ân huệ quý báu của Thiên Chúa mà họ luôn khiêm tốn nài xin và mau mắn đáp trả cách tự do và quảng đại, nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy và giúp đỡ.
Các chủng sinh phải hiểu biết chính xác các bổn phận và phẩm giá của hôn nhân công giáo, là biểu trưng cho tình yêu của Chúa Kitô và Giáo Hội (x. Ep 5,22-23); họ cũng phải nhận thức tính cách ưu việt của đức khiết tịnh dâng hiến cho Chúa Kitô23, để tận hiến trọn vẹn hồn xác cho Chúa bằng một quyết định chín chắn và quảng đại.
Các chủng sinh cũng cần được cảnh báo về những hiểm nguy đe dọa đức khiết tịnh, nhất là trong xã hội hiện đại24; được nâng đỡ nhờ những trợ giúp siêu nhiên cũng như tự nhiên, họ phải được đào luyện để có thể thực thi hoàn toàn việc khước từ hôn nhân, sao cho nếp sống độc thân không hề gây tổn hại cho cuộc sống và hoạt động, nhưng trái lại giúp họ biết làm chủ hồn xác vững vàng hơn, trưởng thành hơn, và cảm nghiệm trọn vẹn hơn mối phúc thật đã được Chúa nói đến trong Tin Mừng.
11.
Các tiêu chuẩn giáo dục Kitô giáo phải được tuân hành cách hoàn hảo, và cần được bổ túc thích đáng nhờ những khám phá mới của khoa tâm lý và sư phạm đúng đắn lành mạnh. Vì thế, với một kế hoạch thích hợp trong chương trình đào tạo, phải chú tâm vun trồng nơi các chủng sinh sự trưởng thành nhân bản cần thiết, chủ yếu được nhận biết qua sự ổn định tinh thần, qua khả năng quyết định chín chắn và qua cách nhận định chính xác về các biến cố và về con người. Các chủng sinh phải học biết luôn làm chủ bản thân; phải được đào tạo để có tinh thần quả cảm, và cách chung họ phải biết quý chuộng những đức tính được mọi người đánh giá cao và làm cho thừa tác viên của Đức Kitô được quý mến25, như trung thực, luôn bảo vệ công lý, trung tín giữ lời hứa, lịch thiệp, khiêm tốn và nhân ái trong giao tiếp.
Kỷ luật trong nếp sống chủng viện phải được coi không những như một trợ lực vững vàng cho đời sống cộng đoàn và đức bác ái, nhưng còn là yếu tố cần thiết cho việc đào tạo toàn diện, để đạt được khả năng tự chủ, vươn đến mức trưởng thành vững bền của nhân cách, rèn luyện những thái độ tinh thần cần thiết để hoạt động ổn định và hiệu quả cho Giáo Hội. Kỷ luật phải được thực thi sao cho các chủng sinh biết đón nhận quyền bính của bề trên với thái độ xác tín nội tâm, nghĩa là vì lương tâm (x. Rm 13,5) và vì những lý do siêu nhiên. Những quy định kỷ luật cần được áp dụng tuỳ theo lứa tuổi, để khi thực tập dần dần làm chủ bản thân, các chủng sinh quen sử dụng tự do cách khôn ngoan, hành động cách tự nguyện và nhiệt tình, cũng như biết cách làm việc chung với anh em và với giáo dân26.
Toàn bộ đường hướng đào tạo trong chủng viện phải được thực hiện trong khung cảnh đạo đức, với bầu khí thinh lặng và thái độ quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, để nên như giai đoạn khởi nhập dẫn vào đời sống linh mục sau này.
12.
Để việc đào tạo tu đức được vững chắc hơn, và để các chủng sinh có thể chọn lựa chín chắn trong việc theo đuổi ơn gọi, các Giám mục có bổn phận ấn định thời gian thích hợp cho một chương trình nghiêm huấn đặc biệt dẫn vào đời sống thiêng liêng. Các ngài cũng phải xét xem, nếu thuận tiện, có thể gián đoạn việc học trong một thời gian, hoặc tổ chức kỳ thực tập mục vụ thích ứng, để thử luyện cách đầy đủ hơn các ứng viên xin chịu chức linh mục. Các Giám mục có thể tuỳ theo hoàn cảnh từng miền mà quy định nâng cao mức tuổi chịu chức thánh do luật chung hiện thời ấn định, cũng có thể quyết định cho các chủng sinh, sau khi mãn ban thần học, thi hành chức vụ phó tế trong một thời gian thích hợp, trước khi được thụ phong linh mục.
--- Còn tiếp ---
-----------------------------------------------------------------------------------------
[1] Chính Chúa Kitô đã muốn cho việc thi hành tác vụ linh mục gắn liền với việc phát triển đoàn Dân Chúa. Điều này thấy rõ trong lời Chúa phán khi đặt các Tông đồ cũng như những người kế vị và cộng tác với các ngài làm sứ giả Tin Mừng, làm thủ lãnh đoàn dân ưu tuyển mới được thành lập và làm quản lý phân phát các mầu nhiệm Thiên Chúa. Hơn nữa những ngôn từ của các Giáo Phụ, các Thánh, và những tài liệu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần của các Đức Giáo Hoàng đều xác quyết như thế; x. nhất là: T. PIÔ X, Huấn dụ cho các giáo sĩ H„rent animo, 4.8.1908: S. Pii X Acta IV, tr. 237-264; PIÔ XI, Thông điệp Ad catholici sacerdotii, 20.12.1935: AAS 28 (1936) nhất là tr. 37-52; PIÔ XII, Tông huấn Menti Nostr„, 23.9.1950: AAS 42 (1950) tr. 657-702; GIOAN XXIII, Thông điệp Sacerdotii Nostri primordia, 1.8.1959: AAS 51 (1959), tr. 545-579; PHAOLÔ VI, Tông thư Summi Dei Verbum, 4.11.1963: AAS 55 (1963), tr. 979-995.
[2] Tất cả việc đào tạo linh mục, nghĩa là việc tổ chức chủng viện, huấn luyện đời sống thiêng liêng, phương thức học hành, đời sống chung và kỷ luật của chủng sinh, thực tập mục vụ đều phải thích nghi với hoàn cảnh khác nhau của địa phương. Những điểm chính yếu trong việc thích nghi này phải được thực hiện theo những quy tắc chung do Hội Đồng Giám mục đề ra để áp dụng cho giáo sĩ triều, và tuỳ trường hợp, có thể do các vị bề trên có thẩm quyền đưa ra để áp dụng cho giáo sĩ dòng (x. Thánh Bộ Dòng tu, Tông hiến Sedes Sapienti„ và bản đính phụ Statuta Generalia tiết mục 19, xb. lần 2, Rôma (1957), tr. 38tt.
[3] Một trong những mối lo âu chính yếu của Giáo Hội ngày nay là hầu như khắp nơi đều thấy số ơn thiên triệu giảm sút rất nhiều; x. PIÔ XII, Tông Huấn Menti Nostr„: “ … Ở các miền công giáo cũng như nơi các xứ truyền giáo; con số linh mục hầu như không đủ để đáp ứng những nhu cầu càng ngày càng tăng”: AAS 42 (1950), tr. 682; GIOAN XXIII: “Vấn đề ơn thiên triệu giáo sĩ và tu sĩ là mối lo âu hằng ngày của Giáo Hoàng…, đó là lời khẩn cầu của Giáo Hoàng khi cầu nguyện, là ước vọng mãnh liệt trong tâm hồn Giáo Hoàng.” [Trích Huấn từ cho Đại Hội Quốc Tế I về ơn gọi tiến tới bậc trọn lành, 16.12.1961: AAS 54 (1962), tr. 33].
[4] PIÔ XII, Tông hiến Sedes Sapienti„, 31.5.1956: AAS 48 (1956), tr. 357; PHAOLÔ VI Tông thư Summi Dei Verbum, 4.11.1963: AAS 55 (1963), tr. 984tt.
[5] x. PIÔ XII, Tự sắc Cum Nobis “Về việc thành lập Hiệp hội Giáo Hoàng cổ vũ ơn thiên triệu linh mục tại Thánh bộ Chủng viện và Đại học”, ngày 4.11.1941: AAS 33 (1941), tr. 479; với các điều lệ và nội quy cũng do Thánh bộ này phổ biến ngày 8.9.1943. Tự sắc Cum Suprem„ “Về Hiệp hội Giáo Hoàng cổ vũ ơn thiên triệu tu sĩ”, ngày 11.2.1955: AAS 47 (1955), tr. 266; với các Điều lệ và nội quy do Thánh bộ Dòng tu phổ biến (AAS 47 (1955), tr. 298-301); CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về việc Canh tân thích nghi đời sống tu trì Perfect„ Caritatis, 24; Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục tử của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 15.
[6] x. PIÔ XII, Tông huấn Menti Nostr„, 23.9.1950: AAS 42 (1950), tr. 685.
[7] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 28.
[8] x. PIÔ XI, Thông điệp Ad catholici sacerdotii, 20.12.1935: AAS 28 (1936), tr. 37: “Trước hết, mối ưu tư lớn lao nhất là chọn lựa ban Giám đốc và giáo sư… Hãy bổ nhiệm vào chủng viện những linh mục ưu tú nhất, đừng vì tiếc mà dành họ lại cho bất cứ chức vụ nào khác, kể cả những chức vụ có vẻ danh giá nhưng thực sự không sao sánh được với sứ mệnh thiết yếu và không thể thay thế kia”. Đức Piô XII cũng đã đề cập đến nguyên tắc phải chọn những vị ưu tú nhất; x. Tông thư gởi các Đấng bản quyền Brasil, 23.4.1947, Discorsi e Radiomessaggi IX, tr. 579-580.
[9] Về bổn phận giúp đỡ chủng viện; x. PHAOLÔ VI, Tông thư Summi Dei Verbum, 4.11.1963: AAS 55 (1963), tr. 984.
[10] Theo các đề nghị tu chỉnh, các trách vụ linh mục phải hiểu đặc biệt về sự độc thân, các bổn phận mục vụ như có thể nghe, hiểu, đối thoại, và hướng dẫn người khác.
[11] x. PIÔ XI, Thông điệp Ad catholici sacerdotii, 20.12.1935: AAS 28 (1936), tr. 41.
[12] Để các Giám mục liên hệ có thể tham gia việc dự thảo quy chế cho các chủng viện toàn miền hay toàn quốc, khoản Giáo luật 1357, §4 đã bị hủy bỏ.
[13] x. PIÔ XII, Tông huấn Menti Nostr„, 23.9.1950: AAS 42 (1950), tr. 675; THÁNH BỘ CHỦNG VIỆN VÀ ĐẠI HỌC, La Formazione spirituale del candidato al sacerdozio, Città del Vaticanô, 1965.
[14] x. T. PIÔ X, Huấn dụ hàng Giáo sĩ H„rent animo, 4.8.1908: S. Pii X Acta IV, tr. 242-244; PIÔ XII Tông huấn Menti Nostr„, 23.9.1950: AAS 42 (1950), tr. 659-651; GIOAN XXIII, Thông điệp Sacerdotii Nostri primordia, 1.8.1959: AAS 54 (1959), tr. 550tt.
[15] x. PIÔ XII, Thông điệp Mediator Dei, 20.11.1947: AAS 39 (1947), tr. 547tt. và 572tt.; GIOAN XXIII, Tông huấn Sacr„ Laudis, 6.1.1962: AAS 54 (1962), tr. 69; CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 16 và 17: AAS 56 (1964), tr. 104tt.; THÁNH BỘ NGHI LỄ, Instructio ad exsecutionem Consititutionis de sacra liturgia recte ordinandam, 26.9.1964, số 14-17: AAS 56 (1964), tr. 880tt.
[16] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Sacerdotii Nostri primordia: AAS 51 (1959), tr. 559t.
[17] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 28.
[18] T. AUGUSTINÔ, In Ioanem tract., 32, 8: PL 35, 1646.
[19] x. PIÔ XII, Tông huấn Menti Nostr„: AAS 42 (1950), tr. 662tt, 685, 690; GIOAN XXIII, Thông điệp Sacerdotii Nostri primordia: AAS 51 (1959), tr. 551, 553, 556; PHAOLÔ VI, Thông điệp Eclesiam Suam, 6.8.1964: AAS 56 (1964), tr. 634tt.; CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 8.
[20] x. PIÔ XII, Thông điệp Sacra Virginitas, 25.3.1954: AAS 46 (1954), tr. 165tt.
[21] x. PIÔ XII, Thông điệp Sacra Virginitas, 25.3.1954: AAS 46 (1954), tr. 165tt.
[22] x. PIÔ XII, Tông huấn Menti Nostr„: AAS 42 (1950), tr. 663.
[23] x. PIÔ XII, Thông điệp Sacra Virginitas: AAS 42 (1950), tr. 170-174.
[24] x. PIÔ XII, Tông huấn Menti Nostr„: AAS 42 (1950), tr. 664 và 690tt.
[25] x. PHAOLÔ VI, Tông thư Summi Dei Verbum, 4.11.1963: AAS 55 (1963) tr. 991.
[26] x. PIÔ XII, Tông huấn Menti Nostr„: AAS 42 (1950), tr. 686.