Ngày tháng: 15/01/2025
Đang truy cập: 9

SẮC LỆNH VỀ ĐÀO TẠO LINH MỤC ( kết thúc )

V. TU CHỈNH CÁC MÔN HỌC CỦA GIÁO HỘI

13.

Trước khi bắt đầu các môn học chuyên biệt của Giáo Hội, các chủng sinh phải hoàn tất chương trình giáo dục nhân bản và khoa học với trình độ như các sinh viên trong nước phải có để theo học các bậc cao đẳng; ngoài ra, cần phải học La văn để có thể hiểu và sử dụng những tư liệu gốc của rất nhiều môn khoa học và các tài liệu của Giáo Hội27. Cũng cần biết ngôn ngữ phụng vụ riêng của từng Nghi chế, và khuyên nên có một kiến thức đầy đủ về các ngôn ngữ đã được sử dụng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền.

14.

Trong việc tu chỉnh các môn học của Giáo Hội, cần làm nổi bật mối tương quan giữa triết học và thần học, phải hoà hợp cả hai để mở rộng tâm trí chủng sinh đón nhận mầu nhiệm Chúa Kitô, một mầu nhiệm liên hệ đến toàn thể lịch sử nhân loại, hiện không ngừng tiếp diễn trong Giáo Hội và đang hoạt động cách chủ yếu qua thừa tác vụ linh mục28.

Để giúp các chủng sinh đạt được tầm nhìn đó ngay lúc khởi đầu việc đào tạo, trước khi bắt đầu dạy các môn học của Giáo Hội, cần có một giáo trình dẫn nhập kéo dài trong khoảng thời gian thích hợp. Trong giảng khoá nhập môn này, các giáo sư sẽ trình bày Mầu nhiệm Cứu độ để các chủng sinh nhận thức được ý nghĩa, chương trình và chủ đích mục vụ của các môn học, đồng thời giúp các thầy biết xây dựng và làm cho toàn bộ cuộc sống được thấm nhuần đức tin, để thêm kiên vững trong ơn gọi khi hân hoan sống đời tận hiến.

15.

Các bộ môn triết học phải được giảng dạy sao cho các chủng sinh tiếp thu được kiến thức vững chắc và có hệ thống về con người, về thế giới và về Thiên Chúa, dựa vào gia sản trường tồn của khoa triết lý29, đồng thời cũng phải quan tâm đến công trình nghiên cứu của nền triết học hiện đại, nhất là của những khuynh hướng triết học đang có ảnh hưởng mạnh nhất tại địa phương, dĩ nhiên cũng phải lưu tâm đến những tiến bộ mới nhất trong các ngành khoa học, để nhờ đó, khi đã hiểu rõ tâm thức thời đại, các chủng sinh sẽ được chuẩn bị cách thích hợp để đối thoại với con người đương thời30.

Môn triết sử phải được dạy để giúp các chủng sinh nắm được các nguyên lý tối hậu của các triết thuyết khác nhau, biết giữ lại những gì là chân thật, có thể khám phá và luận bác những sai lầm ngay tận cội nguồn của các chủ thuyết.

Phương thức giảng dạy phải gợi lên nơi chủng sinh tình yêu đối với chân lý, điều họ phải nghiêm túc tìm kiếm, nghiệm xét và minh chứng, trong khi vẫn luôn chấp nhận giới hạn của tri thức con người. Các giáo sư phải chú tâm đặc biệt đến mối liên hệ gần gũi giữa triết lý và những vấn đề thiết thực của cuộc sống hay những vấn nạn đang khuấy động tâm trí chủng sinh; các ngài phải giúp họ khám phá những mối tương quan giữa suy luận triết học và các mầu nhiệm cứu độ được học hỏi trong khoa thần học dưới ánh sáng cao vời của đức tin.

16.

Các môn thần học phải được trình bày trong ánh sáng đức tin, dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền Giáo Hội31, để các chủng sinh chuyên tâm kín múc từ nguồn mặc khải thần linh học thuyết công giáo, thấu hiểu tường tận và sử dụng làm lương thực cho đời sống thiêng liêng32, để sau này có thể rao giảng, trình bày và bảo vệ giáo thuyết ấy trong thời gian thi hành thừa tác vụ linh mục.

Môn học về Thánh Kinh, bộ môn được xem như linh hồn của toàn thể khoa thần học33, phải được giảng dạy thật chu đáo cho các chủng sinh; sau phần nhập môn thích hợp, họ cần được cẩn thận dẫn nhập vào phương pháp chú giải, thấu triệt các đề tài lớn của Mặc khải, cũng như được khích lệ và bồi dưỡng trong việc đọc và suy niệm Thánh Kinh hằng ngày34.

Môn Thần học Tín lý phải được sắp xếp theo một chương trình để trước tiên, trình bày các chủ đề Thánh Kinh; tiếp đến cho chủng sinh thấy được những điều các Giáo phụ Đông và Tây phương đã đóng góp vào việc trung thành truyền đạt và triển khai từng chân lý mặc khải, đồng thời cho biết diễn tiến lịch sử hình thành các tín điều được trình bày trong mối liên hệ với lịch sử chung của Giáo Hội35; sau đó, giúp các chủng sinh ngày càng thông hiểu các mầu nhiệm cứu độ, bằng cách suy luận, học hỏi nơi vị tôn sư Tôma, để tìm hiểu tường tận và nhận ra mối liên hệ nhất quán giữa các mầu nhiệm36; các chủng sinh cũng phải học hỏi để nhận thức được rằng các mầu nhiệm cứu độ này luôn hiện diện và tác sinh hiệu quả trong các cử hành phụng vụ37 và trong toàn thể đời sống Giáo Hội; đồng thời học biết cách giải đáp các vấn đề nhân sinh dưới ánh sáng Mặc khải, biết áp dụng chân lý vĩnh cửu vào những thực tại con người trong một thế giới luôn biến đổi, và biết thông truyền các chân lý ấy cách thích hợp cho con người thời đại38.

Những bộ môn thần học khác cũng phải được canh tân bằng cách thiết lập những tiếp xúc sinh động hơn với Mầu nhiệm Chúa Kitô và lịch sử cứu độ. Phải đặc biệt chú ý hoàn thiện môn thần học luân lý, nhờ cách trình bày mang tính khoa học và thấm nhuần giáo lý Thánh Kinh sâu đậm hơn, sẽ làm nổi bật tính cách cao cả nơi ơn gọi của các tín hữu trong Chúa Kitô, cũng như bổn phận phải mang lại hoa trái cho cuộc sống trần thế trong đức ái. Cũng thế, khi trình bày giáo luật và giáo sử, phải dựa trên mầu nhiệm Giáo Hội theo Hiến chế tín lý “về Giáo Hội” do Thánh Công Đồng này công bố. Môn Phụng vụ thánh phải được coi là nguồn mạch khởi phát và cần thiết cho tinh thần Kitô giáo đích thực, nên phải được giảng dạy đúng theo tinh thần của khoản 15 và 16 của Hiến chế về Phụng vụ thánh39.

Tuỳ theo hoàn cảnh đặc thù của những miền khác nhau, các chủng sinh phải được hướng dẫn để hiểu biết đầy đủ hơn về những Giáo Hội và các Cộng Đồng Giáo Hội đã ly khai khỏi Toà Thánh Rôma, để có thể góp phần xúc tiến việc tái lập sự hợp nhất giữa toàn thể các Kitô hữu theo những chỉ thị của Thánh Công Đồng này40.

Hơn nữa, phải khai mở cho các chủng sinh hiểu biết các tôn giáo khác đang phổ biến tại mỗi địa phương, để nhận ra cách rõ ràng hơn những điều chân thật và tốt lành do Thiên Chúa an bài đặt để nơi các tôn giáo ấy, để biết luận bác những sai lạc và có thể thông truyền đầy đủ ánh sáng cho những kẻ chưa đón nhận chân lý.

17.

Vì việc học hỏi về giáo thuyết không chỉ đơn thuần nhằm truyền thông các khái niệm, nhưng để đào tạo các chủng sinh cách đích thực và sâu xa, nên phải nhờ đến các phương pháp sư phạm, hoặc bằng cách tổ chức các khoá học, hội thảo và thực tập, hoặc khích lệ chủng sinh làm việc riêng hay từng nhóm nhỏ. Các giáo sư cũng phải chú tâm đến sự thống nhất và liên kết chặt chẽ trong toàn bộ chương trình giáo dục; nên tránh việc gia tăng quá nhiều các bộ môn hay khoá học, và cũng không cần đề cập đến những vấn đề hầu như không còn hợp thời, hay chỉ dành cho những nghiên cứu chuyên sâu hơn ở bậc cao học.

18.

Các Giám mục phải chú ý đến việc gửi các chủng sinh có tư cách, đạo đức và thông minh đến các Học viện chuyên ngành, các Phân khoa hay Đại học, để sau nay có thêm những linh mục có trình độ trí thức cao hơn và uyên thâm hơn về các khoa học tôn giáo cũng như các chuyên ngành cần thiết khác, để có thể đáp ứng những nhu cầu đa dạng trong sứ vụ tông đồ; dĩ nhiên bao giờ cũng phải chú trọng đến việc đào tạo thiêng liêng và mục vụ, nhất là đối với những người chưa chịu chức Linh mục.

VI. CỔ VŨ VIỆC ĐÀO TẠO MỤC VỤ

19.

Mối quan tâm về mục vụ phải chi phối tất cả công cuộc đào tạo41, vì thế chủng sinh phải được hướng dẫn chu đáo về những gì đặc biệt liên quan đến tác vụ thánh, chủ yếu là việc dạy giáo lý và giảng thuyết, cử hành phụng vụ và trao ban các bí tích, hoạt động bác ái, tìm gặp những người lầm lạc hay chưa đón nhận đức tin, và nhiều phận vụ mục tử khác. Các chủng sinh phải được học biết về phương thức dìu dắt các linh hồn, để có thể hướng dẫn tất cả những người con của Giáo Hội trước tiên biết thể hiện nếp sống Kiô hữu luôn ý thức và đầy nhiệt tình tông đồ, đồng thời cũng giúp họ chu toàn các bổn phận trong bậc sống; các chủng sinh cũng phải học biết cách ân cần trợ giúp các tu sĩ nam nữ sống trung thành với ơn gọi và tiến đức theo tinh thần của từng Hội dòng42.

Cách chung phải giúp triển khai nơi các chủng sinh những khả năng rất cần thiết cho việc đối thoại với mọi người, như biết lắng nghe kẻ khác, cũng như biết yêu thương bác ái mở rộng tâm hồn trước nhu cầu của con người trong nhiều hoàn cảnh khác nhau43.

20.

Các chủng sinh phải được hướng dẫn trong việc sử dụng sự hỗ trợ của các khoa sư phạm, tâm lý học và xã hội học44, dựa theo những phương pháp đúng đắn và phù hợp với những quy định do thẩm quyền Giáo Hội ấn định. Họ cũng cần được chuẩn bị chu đáo để biết khơi dậy và khích lệ hoạt động tông đồ giáo dân45, cũng như giúp phát huy những phương thức hoạt động tông đồ đa dạng và hữu hiệu. Cuối cùng, phải giúp họ thấm nhuần tinh thần công giáo đích thực, để biết hoạt động vượt khỏi ranh giới giáo phận, quốc gia hoặc Nghi chế, để hỗ trợ những nhu cầu của toàn thể Giáo Hội và sẵn sàng ra đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng46.

21.

Vì phải được đào tạo về hoạt động tông đồ không chỉ trên bình diện lý thuyết nhưng cả trong thực hành, và phải biết cách làm việc trong những trách vụ cá nhân cũng như trong các hoạt động tập thể, nên ngay trong kỳ học hay trong thời gian nghỉ hè, các chủng sinh cần được thực tập mục vụ với những công tác thích hợp; các công tác này phải được thực hiện cách có phương pháp, hợp với độ tuổi của chủng sinh và hoàn cảnh địa phương, dựa theo phán đoán cẩn trọng của các Giám mục, với sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn giàu kinh nghiệm về mục vụ, trong khi vẫn luôn nhắc nhớ các chủng sinh về tính cách ưu tiên của những phương tiện siêu nhiên47.

VII. KIỆN TOÀN VIỆC ĐÀO TẠO SAU KHI MÃN TRƯỜNG

22.

Trong hoàn cảnh của xã hội đương thời, việc đào tạo linh mục phải được tiếp tục và kiện toàn, ngay cả sau khi đã kết thúc quy trình học vấn trong chủng viện48, nên các Hội đồng Giám mục phải chú tâm đến những phương thế thích hợp nhất cho từng quốc gia, như thiết lập Học viện Mục vụ liên kết với những giáo xứ được chọn lựa kỹ lưỡng, tổ chức các buổi hội thảo định kỳ, những khoá thực tập chuyên biệt, nhờ đó, các linh mục trẻ sẽ dần dần hoà nhập cũng như liên lỉ canh tân và phát huy đời sống linh mục và hoạt động tông đồ trong các lãnh vực tu đức, tri thức và mục vụ.

 

KẾT LUẬN

Tiếp nối công trình đã được Công Đồng Trentô khởi xướng, các Nghị phụ tin tưởng trao phó cho các vị Giám Đốc và Giáo sư Chủng viện nhiệm vụ đào tạo các linh mục tương lai của Chúa Kitô trong tinh thần canh tân do Thánh Công Đồng này cổ vũ, đồng thời cũng tha thiết nhắn nhủ những người đang chuẩn bị lãnh nhận thừa tác vụ linh mục, hãy ý thức thật sâu sắc rằng chính họ được trao phó trọng trách thực hiện niềm hy vọng của Giáo Hội và ơn cứu rỗi của các linh hồn, và khi thành tâm đón nhận các chỉ thị trong Sắc lệnh này, mong rằng họ sẽ mang lại thật nhiều hoa trái vững bền.

 

Tất cả và từng điều được ban bố trong Sắc Lệnh này đều đã được các Nghị phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và, với thẩm quyền tông truyền nhận được từ Chúa Kitô, hợp nhất với các Nghị phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quyết nghị và xác lập, và những gì đã được xác lập theo thể thức Công Đồng, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 28 tháng 10 năm 1965
Tôi, PHAOLÔ, Giám mục Giáo Hội Công giáo
(Tiếp theo là chữ ký của các Nghị phụ)

---------------------------------------------------------------------------------------

[27] x. PHAOLÔ VI, Tông Thư Summi Dei Verbum, 4.11.1963: AAS 55 (1963), tr. 993.

[28] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 7 và 28.

[29] x. PIÔ XII, Thông điệp Humani Generis, 12.8.1950: AAS 42 (1950), tr. 571-575.

[30] x. PHAOLÔ VI, Thông điệp Ecclesiam Suam, 6.8.1964: AAS 56 (1964), tr. 637tt.

[31] x. PIÔ XII, Thông điệp Humani Generis, 12.3.1950: AAS 42 (1950), tr. 567-569; Diễn từ Si Diligis, 31.5.1954: AAS 46 (1954), tr. 314tt.; PHAOLÔ VI, Diễn văn đọc tại Đại học Grêgôriô, 12.3.1964: AAS 56 (1964), tr. 364; CĐ VATICANÔ II Hiến Chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 25.

[32] x. T. BÔNAVENTURA, Itinerarium mentis in Deum, Prol. số 4: “Ước gì đừng ai tự phụ nghĩ rằng mình chỉ cần đọc qua mà không cần thấm nhuần, chỉ cần tìm hiểu mà không cần sùng kính, chỉ cần khảo cứu mà không cần khâm phục, chỉ cần chú tâm mà không cần hân hoan, chỉ cần khéo léo mà không cần đạo hạnh, chỉ cần kiến thức mà không cần yêu thương, chỉ cần hiểu biết mà không cần khiêm tốn, chỉ cần nỗ lực mà không cần ơn thánh, chỉ cần ánh sáng mà không cần đức khôn ngoan thần linh” (Thánh Bônaventura, Opera Omnia, V, Quaracchi 1891, tr. 296).

[33] x. LÊÔ XIII, Thông điệp Providentissimus Deus, 18.11.1893: ASS 25 (1893-1894), tr. 283.

[34] x. ỦY BAN GIÁO HOÀNG VỀ THÁNH KINH, Instructio de Sacra Scriptura, 13.5.1950: AAS 42 (1950), tr. 502.

[35] x. PIÔ XII, Thông điệp Humani Generis, 12.8.1950: AAS 42 (1950), tr. 568tt.: “nhờ khảo cứu tận nguồn gốc mà khoa thần học luôn trẻ trung, trong khi đó, kinh nghiệm đã minh chứng rằng thuyết lý không chịu đào sâu vào kho tàng Mặc khải chỉ là một thuyết lý khô cằn”.

[36] x. PIÔ XII, Bài giảng cho các chủng sinh, 12.8.1950: AAS 31 (1939), tr. 247: “khuyến khích học thuyết của thánh Tôma không có nghĩa là bóp nghẹt, nhưng là thúc đẩy và hướng dẫn việc kiếm tìm và quảng bá chân lý”; PHAOLÔ VI, Diễn văn đọc tại Đại Học Grêgôriô, 12.3.1964: AAS 56 (1964), tr. 365: “các giáo sư nên chú tâm đến học thuyết của các vị Tiến Sĩ trong Giáo Hội, và đặc biệt là thánh Tôma Aquinô. Quả thật, vị Tiến sĩ thiên thần này với trí thông minh sâu sắc, lòng yêu chân lý trung thực, sự khôn ngoan phi thường, đã đào sâu, tổng hợp và trình bày những chân lý cao sâu nhất, đến nỗi học thuyết của ngài đã thành khí cụ hiệu nghiệm nhất, không những để xây nền vững chắc cho đức tin mà còn để thu lượm cách chắc chắn và hữu hiệu những kết quả của bước tiến triển lành mạnh”; x. Diễn văn đọc trước Đại Hội Quốc tế kỳ VI về học thuyết Tôma, 10.9.1965: AAS 57 (1965), tr. 788-792.

[37] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 7 và 16: AAS 56 (1964), tr. 100tt. và 104tt.

[38] x. PHAOLÔ VI, Thông điệp Ecclesiam Suam, 6.8.1964: ASS 56 (1964), tr. 640tt.

[39] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 10, 14, 15, 16; THÁNH BỘ NGHI LỄ, Instructio ad exsecutionem Constitution de Sacra Liturgia recte ordinandam, 26.9.1964, số 11 và 12: AAS 56 (1964), tr. 879tt.

[40] CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Đại kết Unitatis Redintegratio, 1, 9, 10.

[41] Hình ảnh trọn hảo của một chủ chăn có thể được tìm thấy trong những văn kiện của các vị Giáo Hoàng gần đây, đề cập đến đời sống, các đức tính và việc đào tạo linh mục, đặc biệt là các văn kiện: T. PIÔ X, Tông huấn cho hàng giáo sĩ H„rent animo, S. Pii X Acta IV, tr 237tt.; PIÔ XI, Thông điệp Ad catholici sacerdotii: AAS 28 (1936), tr. 5tt.; PIÔ XII, Tông huấn Menti Nostr„: AAS 42 (1950), tr. 657tt.; GIOAN XXIII, Thông điệp Sacerdotii Nostri primordia: AAS 51 (1959), tr. 545tt.; PHAOLÔ VI, Tông thư Summi Dei Verbum: AAS 55 (1963), tr. 979tt. Những ý tưởng về đào tạo linh mục còn thấy rải rác trong các thông điệp: Mystici Corporis (1943), Mediator Dei (1947), Evangelii Pr„cones (1951), Sacra Virginitas (1954), Music„ Sacr„ Disciplina (1955), Princeps Pastorum (1959) và Tông hiến cho các tu sĩ Sedes Sapienti„ (1956). Đức PIÔ XII, GIOAN XXIII và PHAOLÔ VI đã nhiều lần phác hoạ hình ảnh của vị chủ chăn nhân lành trong các diễn từ dành cho chủng sinh và linh mục.

[42] Về giá trị của bậc sống của những người khấn giữ những lời khuyên Phúc Âm, x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, ch. VI; Sắc lệnh về việc Canh tân thích nghi đời sống dòng tu Perfect„ Caritatis.

[43] x. PHAOLÔ VI, Thông điệp Ecclesiam Suam, 6.8.1964: AAS 56 (1964), nhất là tr. 635t. và 640tt.

[44] Nhất là x. GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 15.3.1961: AAS 53 (1961), tr. 401tt.

[45] Đặc biệt x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 33.

[46] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 17.

[47] Nhiều văn kiện của các Đức Giáo Hoàng nêu rõ nguy cơ xao lãng mục đích siêu nhiên trong hoạt động mục vụ hoặc thực tế coi rẻ việc trợ giúp siêu nhiên, đặc biệt xem những văn kiện ghi trong chú thích 41.

[48] Nhiều văn kiện mới đây của Toà Thánh tha thiết yêu cầu đặc biệt quan tâm đến các linh mục mới chịu chức. Có thể kể những văn kiện chính: PIÔ XII, Tự sắc Quandoquidem, 2.4.1949: AAS 41 (1949), tr. 165-167; Tông huấn Menti Nostr„, 23.9.1950: AAS 42 (1950); Tông hiến cho tu sĩ Sedes Sapienti„, 31.5.1956 và quy chế tổng quát đính kèm; Diễn từ cho các Linh mục “Convictus Barcionensis”, 14.6.1957: Discorsi e Radiomessagi XIX, tr. 271-273; PHAOLÔ VI, Diễn từ đọc trước các linh mục học viện “Gian Matteo Giberti”, giáo phận Verona, 11.3.1964: L'Osservatore Romano, 13.3.1964.

zalo
zalo