Ngày tháng: 21/11/2024
Đang truy cập: 19

SẮC LỆNH VỀ HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN (2)

CHƯƠNG III

CÁC LÃNH VỰC HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ

9.

Người giáo dân thực thi hoạt động tông đồ đa dạng của mình ngay trong lòng Giáo Hội cũng như giữa môi trường trần thế. Nhiều lãnh vực hoạt động tông đồ mở ra trong cả hai môi trường; trong số đó, chúng tôi muốn nhắc tới những lãnh vực chính yếu hơn cả, đó là các cộng đoàn Giáo Hội, gia đình, giới trẻ, môi trường xã hội, các hệ thống tổ chức quốc gia và quốc tế. Ngày nay, giới phụ nữ đang góp phần ngày càng tích cực hơn vào toàn bộ đời sống xã hội, vì thế phải ghi nhận tầm quan trọng của việc họ sẽ tham gia rộng rãi hơn vào các lãnh vực hoạt động tông đồ khác nhau của Giáo Hội.

10.

Bởi được thông dự vào chức năng Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Chúa Kitô, người giáo dân cũng giữ một vai trò tích cực trong đời sống và hoạt động của Giáo Hội. Nơi các cộng đoàn Giáo Hội, hoạt động của giáo dân thật cần thiết, đến nỗi nếu không có hoạt động đó, chính hoạt động tông đồ của các chủ chăn thường không thể đạt được kết quả trọn vẹn. Theo gương các tín hữu nam cũng như nữ đã trợ giúp thánh Phaolô trong việc rao giảng Tin Mừng (x. Cv 18,18-26; Rm 16,3), những giáo dân có tinh thần tông đồ đích thực cũng đang tiếp trợ những gì anh chị em của mình đang thiếu, và nâng đỡ tinh thần các chủ chăn cũng như nhiều tín hữu khác (x. 1 Cr 16,17-18). Được nuôi dưỡng nhờ tham dự tích cực vào đời sống phụng vụ của cộng đoàn, họ nhiệt thành góp phần vào các công tác tông đồ; họ dẫn đưa những người đang xa lạc trở về với Giáo Hội; cộng tác đắc lực vào việc loan truyền Lời Chúa, đặc biệt qua việc dạy giáo lý; họ cống hiến tài năng để giúp cho việc coi sóc các linh hồn và cả việc quản trị tài sản của Giáo Hội được hữu hiệu hơn.

Giáo xứ là một mô hình tông đồ cộng đồng đáng lưu ý, vì ở đó mọi người thuộc đủ mọi thành phần đều được liên kết nên một và được tiếp nhận trong tinh thần đại đồng của Giáo Hội17. Giáo dân nên thường xuyên cộng tác chặt chẽ với các linh mục trong các hoạt động tại giáo xứ18; trình bày với cộng đoàn Giáo Hội những khó khăn của cộng đoàn hay của xã hội, cũng như những vấn đề liên quan tới phần rỗi mọi người để cùng nhau góp ý, nghiên cứu và giải quyết; đồng thời cũng phải tuỳ khả năng hỗ trợ cho các hoạt động tông đồ và truyền giáo của toàn thể gia đình Giáo Hội.

Giáo dân phải luôn nuôi dưỡng cảm thức về giáo phận, trong đó giáo xứ có thể ví như một tế bào. Họ hãy luôn mau mắn đáp lại những lời mời gọi của vị Chủ chăn, và đem hết khả năng để tham gia vào những kế hoạch chung của giáo phận. Hơn nữa, để đáp ứng những nhu cầu nơi thành thị cũng như ở thôn quê19, họ đừng đóng khung sự cộng tác của mình trong giới hạn giáo xứ hay giáo phận, nhưng hãy cố gắng mở rộng tới phạm vi liên xứ, liên giáo phận, quốc gia hay quốc tế, hơn nữa, lượng di dân ngày càng nhiều, những mối tương giao gia tăng, và việc truyền thông dễ dàng, không còn cho phép một thành phần xã hội nào được sống đóng kín cho riêng mình. Vì thế, người giáo dân phải quan tâm đến những nhu cầu của đoàn Dân Thiên Chúa đang tản mác trên khắp thế giới. Đặc biệt họ phải xem công cuộc truyền giáo là việc của chính mình để đóng góp vào đó cả về vật chất lẫn nhân sự. Vì quả thật, phận vụ và vinh dự của người Kitô hữu là dâng lại cho Thiên Chúa một phần của cải họ đã nhận được từ nơi Ngài.

11.

Đấng Tạo Hoá đã thiết lập cộng đồng hôn nhân như là nguồn gốc và nền tảng cho xã hội loài người, và đã dùng ơn thánh nâng hôn nhân lên hàng bí tích cao cả trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội (x. Ep 5,32), vì thế, hoạt động tông đồ của các đôi vợ chồng và các gia đình có tầm quan trọng đặc biệt đối với Giáo Hội cũng như với xã hội dân sự.

Vợ chồng Kitô hữu là những người cộng tác với ơn thánh và là chứng nhân đức tin đối với nhau, cũng như đối với con cái và các thành viên khác trong gia đình. Chính họ là những người đầu tiên phải thông truyền và giáo dục đức tin cho con cái; phải dùng lời nói và gương sáng huấn luyện con cái sống đời Kitô hữu và làm việc tông đồ, khôn ngoan giúp đỡ con cái trong việc lựa chọn ơn kêu gọi, và dành mọi chăm sóc để nuôi dưỡng ơn thiên triệu được phát hiện nơi con cái.

Một bổn phận vẫn thuộc về định chế hôn nhân, nhưng riêng ngày nay lại trở thành điều quan trọng nhất trong việc tông đồ của đôi vợ chồng, đó là phải biểu lộ và minh chứng bằng cả cuộc sống tính cách bất khả phân ly và thánh thiện của dây hôn phối; phải kiên quyết khẳng định quyền lợi và nhiệm vụ dành cho bậc cha mẹ và những người bảo trợ trong việc giáo dục con cái theo Kitô giáo; phải bảo vệ phẩm giá và quyền tự trị hợp pháp của gia đình. Vì thế, chính đôi vợ chồng phải hợp tác hành động cùng với toàn thể tín hữu, cũng như với những người thiện chí, để những quyền trên đây luôn được pháp luật bảo vệ; để những nhu cầu của gia đình liên quan tới các vấn đề cư trú, giáo dục trẻ em, điều kiện lao động, an ninh xã hội và thuế khoá phải được chính phủ quan tâm khi điều hành cộng đồng xã hội; và để đời sống chung của các gia đình phải được các quy chế di dân bảo vệ toàn vẹn20.

Chính gia đình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa sứ mệnh trở nên tế bào đầu tiên và sống động của xã hội. Gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh đó nếu biết sống đạo đức và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, để nên như một đền thờ của Hội Thánh tại gia, nếu toàn thể gia đình cùng tham dự các nghi lễ phụng vụ của Giáo Hội, và sau cùng, nếu gia đình tỏ ra hiếu khách và phát huy đức công bình cũng như những việc thiện khác để giúp những người anh em đang túng thiếu. Trong hoạt động tông đồ đa dạng của gia đình, cần phải kể đến những việc như nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi, ân cần tiếp đón khách lạ, cộng tác với học đường, khuyên bảo và nâng đỡ thanh thiếu niên, giúp những người đã đính hôn chuẩn bị chu đáo cho đời sống hôn nhân, giúp dạy giáo lý, hỗ trợ các đôi vợ chồng và các gia đình gặp khó khăn về vật chất hay tinh thần, không chỉ cung cấp cho người cao tuổi những gì cần thiết, nhưng còn chia sẻ cách công bình những kết quả của tiến bộ kinh tế.

Ở mọi nơi và trong mọi lúc, nhất là trên những vùng đất vừa mới tiếp nhận hạt giống Tin Mừng, hoặc trong những nơi Giáo Hội mới được thành lập hay đang gặp những trở ngại lớn lao, các gia đình Kitô hữu luôn là những chứng từ quý giá nhất cho Chúa Kitô đối với thế gian, qua toàn bộ nếp sống gắn liền với Tin Mừng và nêu cao gương mẫu của hôn nhân Kitô giáo21.

Để dễ dàng đạt tới những mục đích tông đồ này, các gia đình nên quy tụ thành các hội đoàn22.

12.

Trong xã hội ngày nay, giới trẻ đang thể hiện một sức mạnh vô cùng quan trọng23. Các điều kiện sinh sống, những tập quán tinh thần và cả những tương quan của người trẻ với gia đình đã thay đổi rất nhiều. Thường họ hội nhập rất nhanh vào những môi trường mới về xã hội và kinh tế. Tuy nhiên, trong khi tầm quan trọng trong vai trò xã hội cũng như chính trị của họ ngày càng tăng, thì dường như họ vẫn chưa đủ năng lực tương xứng với những trách vụ mới này.

Việc đảm nhận thêm nhiều trọng trách trong xã hội đòi hỏi họ cần phải gia tăng hoạt động tông đồ, và thật ra chính bản tính tự nhiên của họ cũng đã sẵn sàng cho công việc đó. Nhờ trưởng thành trong ý thức về nhân vị, với sức sống nồng nhiệt và năng lực tràn trề, họ nhận lãnh trách nhiệm và khao khát muốn góp phần của riêng mình vào đời sống xã hội và văn hoá. Nếu được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, và được thể hiện với thái độ tuân phục và yêu mến các vị chủ chăn của Giáo Hội, nhiệt tình này có thể mang lại những thành quả phong phú dồi dào. Người trẻ phải trở nên những tông đồ đầu tiên và trực tiếp của giới trẻ, trong từng môi trường xã hội họ đang sống, hoạt động tông đồ cần được thực thi giữa giới trẻ bởi chính những người trẻ24.

Giới trưởng thành cần quan tâm chấp nhận đối thoại thân tình với giới trẻ, điều đó giúp cả hai có thể vượt qua khoảng ngăn cách về tuổi tác, để hiểu biết lẫn nhau và chuyển thông cho nhau sự phong phú đặc thù của mỗi giới. Người lớn hãy thúc đẩy giới trẻ hoạt động tông đồ, trước tiên bằng chính gương sáng, cũng như bằng ý kiến khôn ngoan và giúp đỡ thiết thực khi có cơ hội. Người trẻ cũng phải nuôi dưỡng lòng yêu kính và tín nhiệm đối với người lớn, và tuy dù tự nhiên vẫn thích hướng về những gì mới mẻ, họ cũng cần biết tôn trọng những truyền thống tốt đẹp luôn đáng quý chuộng.

Phần các thiếu nhi cũng có cách thức hoạt động tông đồ riêng. Tuỳ khả năng, các em thực sự chính là những chứng nhân sống động của Chúa Kitô giữa các bạn bè.

13.

Các hoạt động tông đồ trong môi trường xã hội tập trung vào nỗ lực làm cho tinh thần Kitô giáo thấm nhuần đến tận tâm thức, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đồng nơi mọi người đang sinh hoạt, đây chính là phận vụ và công tác mà không ai khác có thể chu toàn thay thế cho người giáo dân được. Đây là nơi người giáo dân có thể làm tông đồ cho người có cùng hoàn cảnh sinh sống. Ở đó, họ dùng chứng tá của đời sống làm cho chứng từ của lời nói trở nên trọn vẹn25. Cũng ở đó, họ dễ dàng giúp đỡ anh chị em trong môi trường lao động hay nghề nghiệp, trong khung cảnh học hành, cư trú, giải trí, cũng như trong sinh hoạt cộng đồng tại địa phương.

Người giáo dân thực thi sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội nơi trần gian trước tiên bằng đời sống phù hợp với đức tin để trở thành ánh sáng thế gian; bằng nếp sống lương thiện trong công ăn việc làm để khơi lên nơi mọi người lòng yêu mến điều chân thật, thiện hảo, và cuối cùng đưa họ đến với Chúa Kitô và Giáo Hội; bằng tình bác ái huynh đệ sẵn sàng chia sẻ với anh chị em trong cùng hoàn cảnh sống, trong lao động, đau khổ cũng như trong những khát vọng, để âm thầm chuẩn bị cho ơn cứu rỗi hoạt động nơi tâm hồn mọi người; bằng một ý thức tròn đầy về vai trò của mình trong việc xây dựng xã hội, từ đó nỗ lực chu toàn các bổn phận nơi gia đình, ngoài xã hội, trong nghề nghiệp với lòng quảng đại của người Kitô hữu. Với phương thức đó, phong cách hành động của họ dần dần thấm nhập vào môi trường nơi họ sinh sống và làm việc.

Hoạt động tông đồ phải hướng tới toàn thể những người đang cư ngụ trong địa bàn và không từ chối bất cứ việc gì có thể mang lại lợi ích thiêng liêng hay vật chất cho mọi người. Và người tông đồ đích thực không chỉ dùng việc làm, nhưng còn chú tâm dùng cả lời nói để rao giảng Chúa Kitô cho mọi người chung quanh. Quả thật, nhiều người chỉ có thể nghe Tin Mừng và nhận biết Chúa Kitô qua những người giáo dân sống gần bên họ.

14.

Môi trường hoạt động tông đồ trải rộng bao la trên bình diện quốc gia và quốc tế, trong đó, hơn ai hết, giáo dân là những người chuyển thông nền đạo lý Kitô giáo. Với lòng yêu nước và trung thành chu toàn các nghĩa vụ công dân, người công giáo cảm thấy mình có bổn phận cổ vũ cho công ích đích thực, và đóng góp ý kiến mạnh mẽ để quyền bính dân sự phải được thực thi đúng theo công lý, và luật pháp phải phù hợp với luật luân lý và những đòi hỏi của công ích. Những người công giáo có khả năng làm chính trị, có đức tin và kiến thức giáo lý vững chắc, đừng từ chối tham gia việc nước, vì khi thi hành nhiệm vụ cách tốt đẹp, họ có thể chăm lo cho công ích và đồng thời mở đường cho Tin Mừng.

Người công giáo phải sẵn sàng cộng tác với tất cả những người thiện chí để phát huy bất cứ những gì là chân thật, chính trực, thánh thiện và đáng quý chuộng (x. Pl 4,8). Hãy gặp gỡ họ với thái độ khôn ngoan và tế nhị để đi đến đối thoại, hãy tìm cách kiện toàn những định chế xã hội và quốc gia theo tinh thần Tin Mừng.

Trong các dấu chỉ của thời đại hôm nay, hãy đặc biệt lưu tâm đến cảm thức ngày càng gia tăng và không thể tránh né về tính liên đới giữa các dân tộc, và phận vụ của hoạt động tông đồ giáo dân là phải nỗ lực phát huy và biến cảm thức đó trở thành khát vọng chân thành và thiết thực về tình huynh đệ. Ngoài ra, giáo dân phải ý thức về những vấn đề và giải pháp mang tính lý thuyết hay thực hành đang được đề ra trong lãnh vực quốc tế, nhất là về những vấn đề liên quan tới các dân tộc đang trên đà phát triển26.

Tất cả những ai đang làm việc hay đang trợ giúp cho các quốc gia, hãy nhớ rằng mối bang giao giữa các dân tộc phải là cuộc trao đổi huynh đệ đích thực, trong đó, cả hai bên cùng cho và cùng nhận. Còn những người xuất ngoại để kinh doanh hay để giải trí phải nhớ rằng dù ở đâu họ cũng vẫn là sứ giả lưu động của Chúa Kitô và phải sống đúng với danh hiệu đó.

--- Còn tiếp ---

---------------------------------------------

[17] x. PIÔ X, Tông thư Creationis duarum novarum paroeciarum, 1.6.1905: AAS 38 (1905), tr. 65-67; PIÔ XII, Huấn từ cho giáo dân xứ S. Saba, 11.1.1953: Discorsi e Radiomessaggi di diocesi suburbicaria Albanesi, ad Arcem Gandulfi habita: 26.8.1962: AAS 54 (1962), tr. 656-660.

[18] x. LÊÔ XIII, Huấn từ, 28.1.1894: Acta 14 (1894), tr. 424-425.

[19] x. PIÔ XII, Huấn từ cho các cha xứ, v.v..., 6.2.1951: Discorsi e Radiomessaggi di S.S. Piô XII, 12 (1950-1951), tr. 437-443; 8.3.1952: Discorsi e Radiomessaggi di S.S. Piô XII, 14 (1952-1953), tr. 5-10; 27.3.1953: Discorsi e Radiomessaggi di S.S. Piô XII, 15 (1953-1954), tr. 27-35; 28.2.1954: Discorsi e Radiomessaggi di S.S. Piô XII, 15 (1953-1954), tr. 585-590.

[20] x. PIÔ XI, Thông điệp Casti Connubii: AAS 22 (1930), tr. 554; PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh, 1.1.1941: AAS 33 (1941), tr. 203; PIÔ XI, Huấn từ cho các đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế Bảo vệ quyền lợi các gia đình, 20.9.1949: AAS 41 (1949), tr. 552; PIÔ XI, Huấn từ cho các gia trưởng Pháp đang đi hành hương tại Rôma, 18.9.1951: AAS 43 (1951), tr. 731; PIÔ XI, Sứ điệp truyền thanh dịp lễ Giáng Sinh 1952: AAS 45 (1953), tr. 41; GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 15.5.1961: AAS 53 (1961), tr. 429, 439.

[21] x. PIÔ XII, Thông điệp Evangelii Pr„cones, 2.6.1951: AAS 43 (1951), tr. 514.

[22] x. PIÔ XII, Huấn từ cho các đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế Bảo vệ quyền lợi các gia đình, 20.9.1949: AAS 41 (1949), tr. 552.

[23] x. PIÔ X, Huấn từ cho Hiệp hội Công giáo Giới Trẻ Pháp về lòng đạo đức, tri thức và hành động, 25.9.1904: AAS 37 (1904-1905), tr. 296-300.

[24] x. PIÔ XII, Thư Dans quelques semaines, gởi Đức Tổng Giám Mục Montréal về việc tổ chức Đại hội Thanh Lao Công Canada, 24.5.1947: AAS 39 (1947), tr. 257; và Sứ điệp truyền thanh gửi Đoàn Thanh Lao Công Bruxelles, 2.9.1950: AAS 42 (1950), tr. 640-641.

[25] x. PIÔ XI, Thông điệp Quadragesimo Anno, 15.5.1931: AAS 23 (1931), tr. 225-226.

[26] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 15.5.1961: AAS 53 (1961), tr. 448-450.

 

zalo
zalo