Ngày tháng: 18/10/2024
Đang truy cập: 12

SẮC LỆNH VỀ HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN ( kết thúc )

CHƯƠNG VI

ĐÀO TẠO TÔNG ĐỒ

28.

Hoạt động tông đồ chỉ có thể đạt được hiệu quả trọn vẹn khi được chuẩn bị bằng một chương trình đào tạo đa dạng và toàn diện, đây là việc phải thực hiện, không những vì người giáo dân cần được thăng tiến liên lỉ trong đời sống thiêng liêng cũng như về kiến thức giáo lý, nhưng còn vì hoạt động tông đồ luôn cần được thích nghi với những khác biệt về hoàn cảnh thực tế, về nhân sự cũng như về những nhiệm vụ phải thi hành. Việc đào tạo này phải dựa trên các nền tảng đã được Thánh Công Đồng đề xướng và công bố trong nhiều văn kiện khác44. Ngoài chương trình đào tạo chung dành cho mọi tín hữu, có thể nói đa số các đoàn thể tông đồ, do có những đoàn viên và hoàn cảnh khác biệt, đều cần phải có thêm lớp đào tạo chuyên biệt.

29.

Vì giáo dân tham gia sứ mệnh của Giáo Hội theo một cách thức riêng biệt, nên việc đào tạo tông đồ phải có những hướng dẫn đặc biệt thích ứng với tính cách đặc thù của người giáo dân là sống giữa đời, cũng như với định hướng đời sống thiêng liêng phù hợp.

Việc đào tạo tông đồ cũng bao hàm việc đào tạo nhân bản toàn diện, phù hợp với nhân cách và hoàn cảnh của mỗi người. Thật vậy, với một kiến thức sâu sắc về thế giới đương đại, giáo dân phải là một phần tử luôn thích ứng với xã hội và nền văn hoá địa phương.

Nhưng trước tiên, người giáo dân phải học biết chu toàn sứ mệnh của Chúa Kitô và của Giáo Hội bằng cách sống niềm tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, Đấng làm cho Dân Chúa được sống và thôi thúc mọi người yêu mến Thiên Chúa là Cha, cũng như yêu thương thế giới và nhân loại trong Ngài. Việc đào tạo này chính là nền tảng và là điều kiện để các hoạt động tông đồ sinh hoa kết trái.

Bên cạnh chương trình đào tạo tu đức, cần phải cung cấp một kiến thức vững chắc về giáo lý, về thần học, luân lý, triết học tuỳ theo tuổi tác, hoàn cảnh và khả năng của từng người. Cũng không thể coi thường việc giáo dục văn hoá tổng quát cũng như đào tạo về kỹ thuật và thực hành.

Để có được mối tương giao tốt đẹp với tha nhân, cần phải phát huy các giá trị nhân bản đích thực, nhất là cách sống chung trong tình huynh đệ, biết cộng tác và đối thoại với mọi người.

Việc đào tạo tông đồ không thể chỉ là những hướng dẫn về lý thuyết, vì thế ngay từ đầu, người giáo dân phải từng bước thận trọng học cách nhận thức, suy xét và hành động trong mọi tình huống theo ánh sáng của đức tin, tự đào tạo và hoàn thiện bản thân nhờ cùng hoạt động với những người chung quanh, và như thế họ sẽ tích cực dấn thân phục vụ Giáo Hội45. Chương trình đào tạo phải luôn được tu chỉnh, vì bản thân mỗi người ngày càng trưởng thành và các vấn đề vẫn không ngừng chuyển biến, đòi hỏi một kiến thức ngày càng sâu rộng, cũng như những hành động luôn phải thích nghi. Trong khi tìm cách đáp ứng những yêu cầu trong tiến trình đào tạo, phải luôn lưu tâm tới tính chất thống nhất và toàn vẹn của nhân cách, để duy trì và gia tăng sự hài hoà cũng như thế quân bình trong con người.

Nhờ đó người giáo dân sẽ hoà nhập cách tích cực và sâu xa vào chính thực tại trần thế, cũng như đảm đương cách hữu hiệu vai trò của mình trong việc điều hành trật tự trần thế; đồng thời, là phần tử sống động và chứng nhân của Giáo Hội, họ làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động ngay giữa lòng trần thế46.

30.

Việc đào tạo tông đồ phải được khởi sự ngay trong chương trình giáo dục thiếu nhi. Nhưng phải đặc biệt lưu tâm dạy cho các thanh thiếu niên biết làm việc tông đồ và thấm nhuần tinh thần tông đồ. Việc đào tạo này phải được tiếp tục trong suốt cả đời tuỳ theo đòi hỏi của những phận vụ mới đảm nhận. Như vậy, rõ ràng những ai có trách nhiệm trong việc giáo dục Kitô giáo đều phải lưu tâm đến phận vụ đào tạo tông đồ.

Bậc cha mẹ phải quan tâm dạy cho con cái ngay từ tuổi ấu thơ, trong chính khung cảnh gia đình, biết nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi người, và dần dần, nhất là bằng gương sáng, sẽ dạy cho chúng biết quan tâm đến các nhu cầu vật chất cũng như tinh thần của những người lân cận. Như vậy, toàn thể các thành viên và chính đời sống chung của gia đình phải nên như môi trường thực tập đầu tiên cho việc tông đồ.

Hơn nữa, trẻ em cần phải được giáo dục để biết vượt ra khỏi phạm vi gia đình, mở rộng tâm hồn hướng đến các cộng đồng khác như Giáo Hội và xã hội. Các em phải được tham gia vào đời sống cộng đồng của giáo xứ địa phương, để ý thức được mình là một thành phần sống động và hoạt động của toàn thể Dân Thiên Chúa. Các linh mục hãy luôn lưu tâm đến ý hướng đào tạo tông đồ này trong những giờ dạy giáo lý, trong các bài giảng, trong việc coi sóc linh hồn cũng như trong tất cả các hoạt động mục vụ khác.

Các trường học, trường cao đẳng, các cơ sở giáo dục công giáo cũng có trách nhiệm cổ vũ nơi giới trẻ tinh thần công giáo và hoạt động tông đồ. Nếu việc đào tạo này không thực hiện được, hoặc vì thanh thiếu niên không học ở các trường đó, hoặc vì một lý do nào khác, thì bậc cha mẹ và các vị chủ chăn cũng như các đoàn thể lại càng phải nỗ lực chu toàn phận vụ giáo dục tông đồ. Do ơn gọi và trách vụ, các thầy dạy và các nhà giáo dục đang thực thi một hình thức cao quý của hoạt động tông đồ giáo dân, vì thế, họ phải có kiến thức giáo lý cần thiết và thông thạo khoa sư phạm để có thể thực thi hữu hiệu phận vụ giáo dục.

Các đoàn thể hay hiệp đoàn giáo dân, dù được thành lập để hoạt động tông đồ hay theo định hướng siêu nhiên nào khác, phải luôn quan tâm hỗ trợ cho việc đào tạo tông đồ theo những cách thế phù hợp với tôn chỉ và phương thức hoạt động riêng của mình47. Những tổ chức này thường vẫn có sẵn những phương tiện thích hợp cho việc đào tạo tông đồ. Thật vậy, khi gia nhập, các đoàn viên đã được đào tạo về giáo lý, về đời sống thiêng liêng và cả về thực hành. Cùng với những người đồng hội hay bạn bè trong các tiểu tổ, họ họp bàn kiểm điểm về phương pháp cũng như kết quả các hoạt động tông đồ, và cùng nhau đối chiếu nếp sống hằng ngày với chính Tin Mừng.

Phải thực hiện chương trình đào tạo với nội dung bao gồm tất cả các đường hướng hoạt động tông đồ của người giáo dân, một hoạt động không chỉ được thực thi giữa những nhóm nhỏ trong các đoàn thể, nhưng còn trong mọi hoàn cảnh của cả cuộc đời, nhất là trong nếp sống nghề nghiệp và xã hội. Hơn nữa, bất kỳ người giáo dân nào cũng đều phải tích cực tự trang bị khả năng làm tông đồ, đòi hỏi này lại càng thúc bách hơn nơi những người trưởng thành. Thật vậy, trải qua năm tháng, với tâm trí ngày thêm sâu sắc, mỗi người càng có điều kiện thể hiện tốt đẹp hơn nữa những tài năng Chúa ban, cũng như có thể sử dụng hữu hiệu hơn nữa những đoàn sủng đã lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần để mưu ích cho anh chị em trong cộng đoàn.

31.

Cần có những chương trình đào tạo đặc biệt, tương ứng với từng dạng thức hoạt động tông đồ:

a) Để tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng và thánh hoá mọi người, giáo dân phải được đào tạo đặc biệt để có thể đối thoại với người khác, cả những người có đức tin cũng như những người không tin, để trình bày sứ điệp Chúa Kitô cho mọi người48.

Trong thời hiện đại, nhiều hình thức duy vật chủ nghĩa đang lan tràn khắp nơi, ngay cả giữa những người công giáo, vì thế giáo dân vừa phải chuyên cần tìm hiểu sâu xa hơn về giáo lý công giáo, đặc biệt là những điểm đang cần biện luận, vừa phải thể hiện nếp sống đúng theo Tin Mừng như một lời chứng chống lại tất cả các kiểu sống duy vật.

b) Đối với việc canh tân trật tự trần thế theo tinh thần Kitô giáo, người giáo dân phải được học hỏi về ý nghĩa và giá trị đích thực những của cải trần gian, xét theo chính bản chất của chúng, hoặc theo mối tương quan giữa chúng với cứu cánh của con người; phải học biết cách sử dụng đúng đắn mọi sự và được hướng dẫn trong việc tổ chức các đoàn hội, trong khi vẫn luôn quan tâm đến công ích theo những nguyên tắc của học thuyết luân lý và xã hội của Giáo Hội. Đặc biệt, giáo dân phải tìm hiểu thấu đáo các nguyên tắc và định đề của học thuyết xã hội, để có thể hoặc góp phần vào việc triển khai học thuyết, hoặc đưa vào áp dụng thích ứng cho từng trường hợp cá biệt49.

c) Các hành vi thể hiện đức bác ái và lòng nhân hậu là chứng từ rõ nét nhất của đời sống Kitô hữu, vì thế việc đào tạo tông đồ cũng phải khuyến khích để các môn đệ Chúa Kitô, ngay từ thiếu thời, đã biết chia sẻ nỗi đau khổ của anh chị em và quảng đại giúp đỡ những người thiếu thốn50.

32.

Người tông đồ giáo dân hiện nay có được nhiều phương tiện, chẳng hạn những khoá học tập, những kỳ đại hội, những cuộc tĩnh tâm, linh thao, những ngày họp mặt thường xuyên, những buổi thuyết trình, sách báo và tài liệu chú giải, cho phép họ nâng cao kiến thức về Thánh Kinh và giáo lý công giáo, đồng thời nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng cũng như giúp họ nhận thức rõ hiện trạng của thế giới, để có thể tìm ra và áp dụng những phương pháp thích hợp cho hoạt động tông đồ51.

Nên thích ứng những phương thế hỗ trợ đào tạo nêu trên với các dạng thức tông đồ khác nhau trong từng môi trường hoạt động.

Nhiều trung tâm và học viện cao đẳng dành cho việc đào tạo tông đồ đã được thành lập và đem lại nhiều kết quả tốt đẹp.

Thánh Công Đồng vui mừng khi thấy đề xướng này đã được triển khai tại nhiều nơi và mong muốn nhiều cơ sở khác cũng sẽ được xây dựng tại những nơi đang có nhu cầu.

Ngoài ra, cũng nên thiết lập những trung tâm thu thập tài liệu và nghiên cứu, không chỉ về thần học, nhưng cả về các ngành nhân chủng học, tâm lý học, xã hội học, phương pháp luận, liên quan đến tất cả các lãnh vực tông đồ, để giúp anh chị em giáo dân thuộc mọi lứa tuổi có thể phát huy tốt đẹp hơn nữa khả năng hoạt động tông đồ.

 LỜI KÊU GỌI

33.

Vì thế, Thánh Công Đồng khẩn thiết gửi đến toàn thể các tín hữu giáo dân lời kêu gọi trong Chúa, hãy tự nguyện, nhiệt tình và thành tâm đáp trả tiếng Chúa Kitô đang tha thiết mời gọi, và hành động theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Giới trẻ hãy hiểu rằng lời mời gọi này được đặc biệt gởi đến cho họ, ước gì được họ hân hoan và quảng đại đón nhận. Quả thật, qua Thánh Công Đồng này, một lần nữa chính Chúa mời gọi tất cả giáo dân hãy kết hợp với Người ngày càng mật thiết hơn và biết cảm nhận nơi bản thân mình những tâm tình của chính Người (x. Ph 2,5), hãy tham gia vào sứ mệnh của Đấng Cứu Thế; một lần nữa, Người lại sai họ đi tới các thành và những nơi Người sẽ đến (x. Lc 10,1); như thế, trong cùng một sứ vụ tông đồ của Giáo Hội, nhưng bằng nhiều hình thái và phương thức khác nhau không ngừng thích nghi với những nhu cầu mới của thời đại, giáo dân hãy chứng tỏ mình là những cộng tác viên của Giáo Hội, luôn tận tình tham gia công việc của Chúa, bởi biết rằng, trong Chúa, sự khó nhọc của mình không trở nên vô ích (x. 1 Cr 15,58).

Tất cả và từng điều được ban bố trong Sắc Lệnh này đều đã được các Nghị phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và, với thẩm quyền tông truyền nhận được từ Chúa Kitô, hợp nhất với các Nghị phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quyết nghị và xác lập, và những gì đã được xác lập theo thể thức Công Đồng, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 18 tháng 11 năm 1965
Tôi, PHAOLÔ, Giám mục Giáo Hội Công giáo
(Tiếp theo là chữ ký của các Nghị phụ)

-----------------------------------------------------------------------------

[44] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, ch. II, IV, V: xem thêm Sắc lệnh về Hiệp nhất Unitatis Redintegratio, 4, 6, 7, 12; xem thêm số 4 của chính Sắc lệnh này.

[45] x. PIÔ XII, Huấn từ gửi Hội nghị Quốc tế lần thứ VI của Hướng Đạo Sinh, 6.6.1952: AAS 44 (1952), tr. 579-580; GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 15.5.1961: AAS 53 (1961), tr. 456.

[46] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 33.

[47] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 15.5.1961: AAS 53 (1961), tr. 455.

[48] x. PIÔ XII, Thông điệp Sertum L„titi„, 1.11.1939: AAS 31 (1939), tr. 635-644; xem PIÔ XII, Ad “laureati” Act. Cath. It, 24.5.1953: AAS 45 (1953), tr. 413-414.

[49] x. PIÔ XII, Huấn từ gửi Đại hội toàn cầu của Liên đoàn Thanh nữ Công giáo thế giới, 18.4.1952: AAS 44 (1952), tr. 414-419; xem PIÔ XII, Huấn từ gửi Hiệp hội Công nhân Kitô hữu Italia (A.C.L.I), 1.5.1955: AAS 47 (1955), tr. 403-404.

[50] x. PIÔ XII, Huấn từ gửi các Đại biểu tham dự Hội nghị Tương trợ Bác ái, 27.4.1952: AAS 44 (1952), tr. 470-471.

[51] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 15.5.1961: AAS 53 (1961), tr. 454.

zalo
zalo