PHAOLÔ GIÁM MỤC
TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA
HỢP NHẤT VỚI CÁC NGHỊ PHỤ CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG
ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ
SẮC LỆNH
VỀ HOẠT ĐÔNG TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI
AD GENTES
Ngày 7 tháng 12 năm 1965
1.
Được Thiên Chúa sai đến với muôn dân để nên “bí tích cứu độ phổ quát”1, đồng thời vì những đòi hỏi căn bản của đặc tính công giáo, và vì mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập2, Giáo Hội dành mọi nỗ lực để loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người. Thật vậy, chính các Tông đồ, nền móng của Giáo Hội, đã theo chân Chúa Kitô, “rao giảng lời chân lý và khai sinh các giáo đoàn”3. Những người kế vị các Tông đồ có nhiệm vụ tiếp nối công trình này, để “lời Chúa được lan rộng và toả sáng” (2 Ts 3,1), để Nước Chúa được công bố và thiết lập khắp trần gian.
Nhưng tình trạng thế giới hiện nay đặt nhân loại vào một hoàn cảnh mới, vì thế Giáo Hội, là muối đất và ánh sáng trần gian4, càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu rỗi và canh tân mọi loài thụ tạo, để mọi sự được tái lập trong Chúa Kitô, và nơi Ngài mọi người họp thành một gia đình và một đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa.
Bởi vậy, trong tâm tình cảm tạ Thiên Chúa vì những công trình đã được toàn thể Giáo Hội nhiệt thành quảng đại thực hiện, Thánh Công Đồng muốn đề ra những nguyên tắc cho hoạt động truyền giáo và tập trung năng lực của toàn thể các tín hữu, để khi bước đi trên lối đường hẹp của thập giá, Dân Chúa trải rộng khắp nơi vương quyền Đức Kitô, là Chúa và là Đấng nhìn thấu muôn thời đại5, đồng thời dọn đường cho Người ngự đến.
CHƯƠNG I
GIÁO THUYẾT CĂN BẢN
2.
Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là người được sai đi, vì cội nguồn của Giáo Hội gắn liền với việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha6.
Ý định này tuôn trào từ “mạch suối yêu thương” nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa Cha, Đấng chính là Nguyên lý tối thượng, bởi Ngài, Chúa Con được sinh ra, đồng thời cũng bởi Ngài và qua Chúa Con, nhiệm xuất Chúa Thánh Thần, cũng là Đấng vì lòng nhân từ thương xót vô biên nên khi tạo dựng và hơn nữa khi ưu ái mời gọi chúng ta tham dự vào sự sống và vinh quang của Ngài, đã rộng rãi tuôn ban và còn không ngừng tuôn ban lòng nhân từ, đến độ Đấng tác tạo muôn loài, cuối cùng trở nên “tất cả trong mọi loài” (1 Cr 15,28), để Ngài được vinh hiển và đồng thời chúng ta được hạnh phúc. Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn mời gọi mọi người tham dự vào sự sống của Ngài, không chỉ từng cá nhân không liên quan gì đến nhau, nhưng còn liên kết họ thành một đoàn dân duy nhất, trong đó con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi được quy tụ về một mối7.
3.
Ý định của Thiên Chúa muốn cứu rỗi toàn thể nhân loại không chỉ được thực hiện cách thầm kín trong tâm trí con người, hoặc bằng các tôn giáo như là phương thế để giúp con người tìm kiếm Thiên Chúa qua nhiều nẻo đường, may ra sẽ đến gần hoặc gặp được Ngài, mặc dù Ngài không ở xa mỗi người chúng ta (x. Cv 17,27); tuy nhiên những phương cách đó cần phải được soi dẫn và tu chỉnh, dù đôi khi, trong ý định nhân lành của Chúa Quan Phòng, cũng có thể được coi như những lối đường hướng về Thiên Chúa chân thật hoặc chuẩn bị cho Tin Mừng8. Nhưng để đem lại bình an, nghĩa là hiệp thông với Thiên Chúa, và để xây dựng một xã hội huynh đệ giữa những con người tội lỗi, Thiên Chúa đã quyết định đi vào lịch sử loài người theo một cách thức mới và mang tính chung quyết, bằng cách sai Con của Ngài mặc lấy xác phàm, để nhờ Người, Ngài giải thoát nhân loại khỏi quyền lực tối tăm và Satan9, đồng thời trong Người, Ngài hoà giải trần gian với chính mình10. Thật vậy, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ nhờ Chúa Con11, Ngài cũng đặt Người thừa hưởng muôn loài, để phục hồi vạn vật trong Người12.
Chúa Giêsu Kitô được sai đến trần gian làm vị trung gian đích thực giữa Thiên Chúa và nhân loại. Vì Người là Thiên Chúa, nên “nơi Người, cả thần tính trọn vẹn đã hoà nhập trong xác thể” (Cl 2,9); theo nhân tính, Người là Ađam mới, “đầy ân sủng và chân lý” (Ga 1,14), được đặt làm đầu nhân loại đã được đổi mới. Như thế, bằng con đường nhập thể đích thực, Con Thiên Chúa đã đến để làm cho loài người được thông phần vào bản tính Thiên Chúa, vốn giàu sang, Người đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để lấy sự nghèo khó của Người làm cho chúng ta trở nên giàu có13. Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người, nghĩa là mọi người14. Các thánh Giáo phụ luôn quả quyết rằng, sự gì không được Chúa Kitô tiếp nhận vào Người thì không được chữa lành15. Quả thật, Chúa Kitô đã nhận lấy trọn vẹn nhân tính của chúng ta là những kẻ khốn khổ và nghèo hèn, ngoại trừ tội lỗi16. Chúa Kitô, “Đấng được Chúa Cha thánh hoá và sai xuống trần gian” (x. Ga 19,36) đã nói về chính mình rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó, chữa lành những tâm hồn đau khổ, loan báo sự giải thoát cho những người bị giam cầm, và cho những kẻ đui mù được nhìn thấy” (Lc 4,18), Người còn nói: “Con Người đến tìm kiếm và cứu vớt điều gì đã hư mất” (Lc 19,10).
Những gì Chúa đã một lần rao giảng hay đã thực hiện để cứu rỗi nhân loại, phải được công bố và loan truyền, bắt đầu từ Giêrusalem17 cho đến tận cùng trái đất18, như thế những gì đã được thực hiện chỉ một lần để cứu rỗi mọi người, sẽ có hiệu lực cho toàn thể nhân loại qua mọi thời đại.
4.
Để hoàn tất điều đó, Chúa Kitô đã cử Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha đến để thực hiện công trình cứu độ trong các tâm hồn và làm cho Giáo Hội tăng triển thêm mãi. Chắc chắn là Chúa Thánh Thần đã hành động nơi trần gian trước khi Chúa Kitô được tôn vinh19, nhưng trong ngày lễ Ngũ Tuần, Ngài đã ngự xuống trên các Tông đồ để ở lại với họ luôn mãi20, ngày đó Giáo Hội công khai xuất hiện trước dân chúng, Tin Mừng bắt đầu được loan truyền giữa muôn dân nhờ lời giảng dạy, và sau cùng sự hợp nhất các dân tộc trong đức tin công giáo cũng đã được tiên báo, nhờ Giáo Hội của Tân ước, một cộng đoàn có khả năng nói mọi thứ tiếng, thấu hiểu và tiếp nhận mọi ngôn ngữ trong tình bác ái, và như thế đã xóa bỏ tình trạng phân tán từ tháp Babel21. Thật vậy, “công vụ các Tông đồ” được bắt đầu ngay vào ngày Hiện Xuống, giống như vào chính lúc Chúa Thánh Thần đến ngự trên Đức Trinh Nữ Maria thì Chúa Kitô được thụ thai, và như khi Chúa Thánh Thần vừa ngự xuống trên Chúa Kitô đang cầu nguyện thì Người được thúc đẩy bắt đầu thi hành sứ vụ22. Chính Chúa Giêsu trước khi tự nguyện hiến mạng sống mình cho thế gian, đã xếp đặt tác vụ tông đồ và hứa sai Chúa Thánh Thần, làm cho cả hai liên kết với nhau để công trình cứu độ luôn luôn đem lại kết quả khắp nơi23. Qua mọi thời đại, Chúa Thánh Thần hợp nhất toàn thể Giáo Hội “trong tình hiệp thông và qua thừa tác vụ, ban phát ơn thánh và đặc sủng khác nhau”24, Ngài nên như linh hồn làm sống động các tổ chức trong Giáo Hội25 và đổ vào tâm hồn các tín hữu cũng chính tinh thần truyền giáo đã tác động nơi Chúa Kitô. Đôi khi Chúa Thánh Thần chuẩn bị cách tỏ tường cho hoạt động truyền giáo26, cũng như không ngừng dùng những phương thế khác nhau để đồng hành và hướng dẫn hoạt động tông đồ27.
5.
Ngay từ đầu, Chúa Giêsu “đã gọi đến với Người những kẻ Người muốn và lập thành nhóm mười hai để họ ở với Người và để Người sai họ đi rao giảng” (Mc 3,13). Như thế, các Tông đồ là hạt mầm của Israel mới, đồng thời cũng là nguồn gốc của hàng Giáo phẩm. Sau đó, khi Chúa Giêsu đã hoàn tất nơi Người, chỉ một lần là đủ, những mầu nhiệm cứu rỗi chúng ta và canh tân vũ trụ bằng cái chết và sự sống lại, khi đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất28 và trước khi về trời29, Người đã thiết lập Giáo Hội như bí tích cứu độ, và sai các Tông đồ đi khắp thế gian như chính Người đã được Chúa Cha sai đi30: “Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ tất cả những điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20). “Các con hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu rỗi, còn ai không tin sẽ bị luận phạt” (Mc 16,15). Từ đó, Giáo Hội nhận nhiệm vụ truyền bá đức tin và ơn cứu rỗi do Chúa Kitô mang đến, một đàng dựa trên sự ủy thác rõ ràng của các Tông đồ cho hàng Giám mục với sự trợ giúp của các linh mục, hợp nhất với Đấng kế vị thánh Phêrô cũng là Mục Tử Tối Cao của Giáo Hội, đàng khác do đòi hỏi của chính sự sống Chúa Kitô muốn thông ban cho các chi thể, “nhờ Người, toàn thân thể được gắn liền và liên kết chặt chẽ với nhau nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng, mỗi chi thể hoạt động tuỳ theo chức năng của mình, làm cho toàn thân triển nở và được xây dựng trong đức ái” (Ep 4,16). Vì thế, vâng lệnh Chúa Kitô đồng thời được ân sủng và tình yêu Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Giáo Hội thực thi sứ mệnh, khi thực sự hiện diện giữa mọi người và mọi dân tộc, bằng cách hoạt động để nhờ gương mẫu đời sống, lời giảng dạy, các bí tích và những phương thế trao ban ân sủng khác, dẫn đưa tất cả đến với đức tin, đón nhận ơn giải thoát và bình an của Chúa Kitô, nhờ đó mở ra con đường thông suốt và vững chắc giúp họ thông dự trọn vẹn vào mầu nhiệm Chúa Kitô.
Sứ mệnh của Giáo Hội tiếp nối và triển khai qua dòng lịch sử sứ mệnh của chính Chúa Kitô, Đấng đã được sai đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, vì thế được Thánh Thần Chúa Kitô thúc đẩy, Giáo Hội cũng phải tiến bước trên chính con đường Chúa Kitô đã đi, con đường của nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến thân mình đến độ sẵn lòng chịu chết, để rồi toàn thắng nhờ sự sống lại của Người. Chính các Tông đồ cũng đã bước đi trên con đường đó trong niềm hy vọng, đã chịu nhiều bách hại và đau khổ để làm trọn những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn mà Chúa Kitô đã chịu vì thân thể Người là Giáo Hội31. Và máu tử đạo thường lại là hạt giống trổ sinh các Kitô hữu32.
6.
Phận vụ này phải được chu toàn bởi hàng Giám mục, cùng với người đứng đầu là Đấng kế vị thánh Phêrô, nhờ vào lời cầu nguyện và sự cộng tác của toàn thể Giáo Hội, đây là sứ vụ duy nhất và không thay đổi, tại bất cứ nơi đâu và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù có thể không được thực hiện theo cùng một cách thức như nhau. Như thế, những khác biệt vẫn thấy trong hoạt động của Giáo Hội không phát sinh từ bản chất của sứ mệnh, nhưng từ những điều kiện thực tế khi thi hành sứ vụ.
Các điều kiện đó liên quan đến Giáo Hội, hoặc các dân tộc, các cộng đồng, hay những người là đối tượng của hoạt động truyền giáo. Thật vậy, mặc dù nơi chính Giáo Hội đã có tất cả và đầy đủ mọi phương thế mang ơn cứu rỗi, tuy nhiên không phải lúc nào Giáo Hội cũng hành động hay có thể hành động tức khắc với những phương tiện đó, nhưng phải qua những bước đầu dò dẫm, rồi tiến hành theo từng giai đoạn, để nỗ lực thực hiện hữu hiệu ý định của Thiên Chúa; hơn nữa, đôi lúc sau khi có những tiến bộ tốt đẹp ban đầu, Giáo Hội lại phải đau đớn lùi bước, hay ít ra dừng lại trong một tình trạng chưa được như mong muốn. Giáo Hội tiếp xúc và thấm nhập dần dần những gì liên quan đến con người, các cộng đồng hay dân tộc, để tiếp nhận họ trong ơn phúc viên mãn dành cho mọi người. Những hoạt động chuyên biệt hay những phương thức thích nghi phải tương ứng với từng hoàn cảnh hay từng đối tượng.
Tất cả những đề xướng, đặc biệt qua đó các sứ giả Tin Mừng được Giáo Hội sai đi khắp thế gian để thực thi phận vụ rao giảng Phúc Âm và gầy dựng Giáo Hội nơi các dân tộc, hoặc nơi những cộng đồng chưa tin vào Chúa Kitô, được gọi chung là “sứ vụ thừa sai”, thường được thực hiện qua hoạt động truyền giáo tại những địa hạt nhất định đã được Toà Thánh công nhận. Chủ đích của hoạt động truyền giáo là rao giảng Tin Mừng và gầy dựng cộng đoàn nơi các dân tộc hay những cộng đồng chưa có sự hiện diện của Giáo Hội33. Nhờ đó, từ hạt giống Lời Chúa, các Giáo đoàn địa phương bản xứ sẽ mọc lên khắp nơi trên thế giới, được xây dựng và khi đã có được khả năng tự túc và trưởng thành, với hàng Giáo phẩm riêng và cộng đoàn tín hữu cũng như những phương tiện thích hợp cho nếp sống Kitô hữu, sẽ góp phần vào lợi ích của toàn thể Giáo Hội. Rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô là phương thế chủ yếu để gầy dựng giáo đoàn, chính vì vậy Chúa đã sai các môn đệ đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng, để những người được tái sinh do lời Thiên Chúa34, sẽ nhờ bí tích Thánh Tẩy mà gia nhập Giáo Hội, là thân mình của Ngôi Lời nhập thể, được nuôi dưỡng và sống nhờ lời Chúa và bánh Thánh Thể35.
Trong hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, có nhiều giai đoạn đôi khi hoà lẫn vào nhau: trước hết là giai đoạn khởi lập hay gieo trồng, sau đó là thời kỳ sơ khai hay non trẻ. Tuy nhiên, sau khi đã trải qua các giai đoạn đó, hoạt động truyền giáo của Giáo Hội vẫn không ngưng nghỉ, trái lại, các Giáo đoàn địa phương vừa được thiết lập có nhiệm vụ tiếp tục hoạt động truyền giáo và rao giảng Tin Mừng cho những người vẫn đang còn ở bên ngoài Giáo Hội.
Ngoài ra, nơi những cộng đồng có Giáo Hội đang hiện diện, cũng thường xảy ra những chuyển biến sâu xa vì nhiều lý do khác nhau, đưa đến những thực trạng cũng hoàn toàn đổi khác. Khi ấy Giáo Hội sẽ xét đến nhu cầu tái truyền giáo cho những nơi đó. Hơn nữa, đôi khi có những tình huống gây trở ngại trong một thời gian nào đó đối với việc đích thân rao giảng trực tiếp sứ điệp Tin Mừng: lúc đó, các nhà truyền giáo có thể và phải luôn tin tưởng phó thác để kiên trì, khôn ngoan làm chứng cho Chúa Kitô, ít nữa là bằng các việc bác ái và từ thiện, đó cũng là một cách dọn đường cho Chúa và giới thiệu về Người.
Như thế, hoạt động truyền giáo thật sự gắn liền mật thiết với bản tính của Giáo Hội, hoạt động nhằm truyền bá đức tin mang ơn cứu rỗi, khai triển để đưa đến thành toàn đặc tính vừa duy nhất vừa công giáo, được giữ vững trong nguồn mạch tông truyền, thể hiện tính cách cộng đoàn của hàng Giáo phẩm, minh chứng, truyền đạt và phát huy sự thánh thiện của Giáo Hội. Như thế, hoạt động truyền giáo giữa lương dân khác với hoạt động mục vụ dành cho các tín hữu, cũng như khác với công cuộc tái lập sự hợp nhất các Kitô hữu. Tuy nhiên, hai công tác này lại liên quan rất nhiều đến hoạt động truyền giáo của Giáo Hội36: thật vậy, sự phân rẽ giữa các Kitô hữu làm mất đi ý nghĩa cao cả của sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo37, và còn khép kín con đường đưa tới đức tin đối với nhiều người. Như thế, sứ mệnh truyền giáo mời gọi tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy hãy hợp nhất trong một đoàn chiên duy nhất, để có thể cùng nhau đồng tâm làm chứng cho Chúa Kitô, Chúa của họ, trước mặt muôn dân. Trong khi tìm cách nêu rõ chứng từ trọn vẹn về một đức tin duy nhất, hãy cùng hành động với thái độ tôn trọng và yêu thương nhau.
--- Còn tiếp ---
--------------------------------------------------------------
[1] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 48.
[2] x. Mc 16,15.
[3] T. AUGUSTINÔ, Enar. in Ps. 44, 23: PL 36, 508; CChr 38, 510.
[4] x. Mt 5,13-14.
[5] x. Hc 36,19.
[6] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 2.
[7] x. Ga 11,52.
[8] x. T. IRÊNÊÔ, Adv. H„r. III, 18, 1: “Ngôi Lời ở nơi Thiên Chúa, nhờ Người muôn vật được tạo thành và Người hằng ở giữa nhân loại…”: PG 7, 932; T. IRÊNÊÔ, Adv. H„r., IV, 6, 7: “Từ nguyên thủy, Chúa Con hiện diện trong công trình tạo dựng, đã mặc khải Chúa Cha cho tất cả những kẻ Người muốn, khi nào Người muốn và theo cách Chúa Cha muốn”: PG 7, 990; x. T. IRÊNÊÔ, Adv. H„r., IV, 20, 6 và 7: PG 7, 1037; x. T. IRÊNÊÔ, Demonstratio, số 34: PO XII, 773: Sources Chrét., 62, Paris 1958, tr. 87; CLEMENTÊ ALEX., Protrep. 112, 1: GCS Clemens I, 79; Strom. VI, 6, 44, I: GCS Clemens II, 453; 13, 106, 3 và 4: GCS Clemens II, 485; Về giáo thuyết này, x. PIÔ XII, Sứ điệp truyền thanh 31.12.1952; CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 16.
[9] x. Cl 1,13; Cv 10,38.
[10] x. 2 Cr 5,19.
[11] x. Dt 1,2; Ga 1,3 và 10; 1 Cr 8,6; Cl 1,16.
[12] x. Ep 1,10.
[13] 2 Cr 8,9.
[14] x. Mc 10,45.
[15] x. T. ATHANASIÔ, Ep. ad Epictetum, 7: PG 26, 1060; T. CYRILLÔ GIÊRUSALEM, Catech. 4, 9: PG 33, 465; MARIÔ VICTORINÔ, Adv. Arium, 3, 3: PL 8, 1101; T. BASILIÔ, Epist. 261, 2: PG 32, 969; T. GRÊGÔRIÔ NAZ., Epist. 101: PG 37, 181; T. GRÊGÔRIÔ NYSS., Antirrheticus, Adv. Apollin., 17: PG 45, 1156; T. AMBRÔSIÔ, Epist. 48, 5: PL 16, 1153; T. AUGUSTINÔ, in Ioan. Ev. tr. XXIII, 6: PL 35, 1585; CChr 36, 236; Hơn nữa, điều chứng tỏ Chúa Thánh Thần đã không cứu chuộc chúng ta, đó là vì Ngài đã không nhập thể: De Agone Christ. 22, 24: PL 40, 302; T. CYRILLÔ ALEX., Adv. Nestor, I, I: PG 76, 20; T. FULGENTIÔ, Epist. 17, 3, 5: PL 65, 454; Ad Trasimundum, III, 21: PL 65, 284: de tristitia et timore.
[16] x. Dt 4,15; 9,28.
[17] Lc 24,47.
[18] Cv 1,8.
[19] Chính Chúa Thánh Thần đã dùng các tiên tri mà phán dạy: Symb. Constantinopol.: DS 150; T. LÊÔ CẢ, Sermo 76: PL 54, tr. 405-406: “Trong ngày Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đã ban ơn tràn ngập trên các môn đệ Chúa Kitô, đây không phải là bắt đầu ban ơn, nhưng là tuôn đổ thêm ân huệ: vì các tổ phụ, các tiên tri và tư tế, cũng như toàn thể các thánh nhân sống trong những thời đại xa xưa, cũng đã được chính Chúa Thánh Thần thánh hoá dưỡng nuôi, mặc dù mức độ ân phúc có khác nhau”. Cũng xem Sermo 77, 1: PL 54, 412; LÊÔ XIII, Thông điệp Divinum Illud, 9.5.1897: ASS 29 (1897), tr. 650-651; Thánh Gioan Kim Khẩu cũng nói như thế, nhưng nhấn mạnh hơn về tính cách mới mẻ của sứ mệnh Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần: In Ep. ch. 4, Hom. 10, 1: PG 62, 75.
[20] x. Ga 14,16.
[21] Các Giáo phụ thường nói về tháp Babel và ngày lễ Ngũ Tuần: ÔRIGÊNÊ, in Genesim, ch. 1: PG 12, 112; T. GRÊGÔRIÔ NAZ., Oratio 41, 16: PG 36, 449; T. GIOAN KIM KHẨU, Hom. 2 in Pentec., 2: PG 50, 467; In Act. Apost.: PG 60, 44; T. AUGUSTINÔ, Enn. in Ps. 54, 11: PL 36, 636; CChr 39, 664t.; Sermo 271: PL 38, 1245; T. CYRILLÔ ALEX., Glaphyra in Genesim II: PG 69, 79; T. GRÊGÔRIÔ CẢ, Hom. in Evang., quyển II, Hom. 30, 4: PL 76, 1222; T. BÊĐA, In Hexaem., quyển III: PL 91, 125; Ngoài ra, xem bức hoạ nơi tiền đường của Vương Cung Thánh Đường Marcô ở Venezia. Giáo Hội nói mọi thứ tiếng, và như thế hợp nhất mọi người trong tính cách đại đồng của đức tin: T. AUGUSTINÔ, Sermones 266, 267, 268, 269: PL 38, 1225-1237; Sermo 175, 3: PL 38, 946; T. GIOAN KIM KHẨU, In Epist. 1 ad Cor., Hom. 35: PG 61, 296; T. CYRILLÔ ALEX., Fragm. in Act.: PG 74, 758; T. FULGENTIÔ, Sermo 8, 2-3: PL 65, 743-744. Về lễ Hiện Xuống như là cuộc thánh hiến các Tông đồ cho sứ mệnh; x. J.A. CRAMER, Catena in Acta Ss. Apostolorum, Oxford 1838, tr. 24t.
[22] x. Lc 3,22; 4,1; Cv 10,38.
[23] x. Ga 14-17; PHAOLÔ VI, Huấn từ đọc tại Công Đồng, 14.9.1964: AAS 56 (1964), tr. 807.
[24] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 4.
[25] T. AUGUSTINÔ, Sermo 267, 4: PL 38, 1231: “Linh hồn làm gì trong các chi thể của một thân thể, thì Chúa Thánh Thần cũng làm như thế trong toàn thể Giáo Hội”; x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 7 và ghi chú 8.
[26] x. Cv 10,44-47; 11,15; 15,8.
[27] x. Cv 4,8; 5,32; 8,26.29.39; 9,31; 10; 11,24-28; 13,2.4.9; 16,6-7; 20,22-23; 21,11 v.v...
[28] x. Mt 28,18.
[29] x. Cv 1,4-8.
[30] x. Ga 20,21.
[31] x. Cl 1,24.
[32] TERTULLIANÔ, Apologeticum, 50, 13: PL 1, 534; CChr 1, 171.
[33] T. TÔMA AQ. đã nói về hoạt động tông đồ để xây dựng Giáo Hội: x. Sent., quyển I, dist. 16, q. 1, a. 2 ad 2 và ad 4; a. 3 sol.; Summa Theol. I, q. 43, a. 7 ad 6; I-II, q. 106, a. 4 ad 4; x. BÊNÊĐICTÔ XV, Thông điệp Maximum Illud, 30.11.1919: AAS 11 (1919), tr. 445 và 453; PIÔ XI, Thông điệp Rerum Ecclesi„, 28.2.1926: AAS 18 (1926), tr. 74; PIÔ XII, 30.4.1939, nói với các vị Giám Đốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo; PIÔ XII, 24.6.1944, nói với các vị Giám Đốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo: AAS 36 (1944), tr. 210, đăng lại trong AAS 42 (1950), tr. 727, và 43 (1951), tr. 508; PIÔ XII, 29.6.1948, nói với các giáo sĩ bản xứ: AAS 40 (1948), tr. 374; PIÔ XII, Evangelii Pr„cones, 2.6.1951: AAS 43 (1951), tr. 507; PIÔ XII, Fidei Donum, 15.1.1957: AAS 49 (1957), tr. 236; GIOAN XXIII, Thông điệp Princeps Pastorum, 28.11.1959: AAS 51 (1959), tr. 835; PHAOLÔ VI, Bài giảng ngày 18.10.1964: AAS 55 (1964), tr. 911.
Các Đức Giáo Hoàng cũng như các Giáo phụ và các học giả kinh viện thường nói đến việc mở rộng Giáo Hội: T. TÔMA AQ., Comm. in Mt 16,28; LÊÔ XIII, Thông điệp Sancta Dei Civitas, 3.12.1880: AAS 13 (1880), tr. 241; BÊNÊĐICTÔ XV, Thông điệp Maximum Illud, 30.11.1919: AAS 11 (1919), tr. 442; PIÔ XI, Thông điệp Rerum Ecclesi„, 28.2.1926: AAS 18 (1926), tr. 65.
[34] x. 1 Pr 1,23.
[35] x. Cv 2,42.
[36] Hoạt động truyền giáo dĩ nhiên cũng bao gồm cả các phần đất thuộc Châu Mỹ Latinh, nơi chưa có hàng Giáo phẩm riêng, chưa có sinh hoạt Kitô giáo lớn mạnh, cũng như chưa được rao giảng Tin Mừng đầy đủ. Ở đây Công Đồng không đặt vấn đề về việc Toà Thánh có công nhận những địa hạt đó là xứ truyền giáo hay không. Vì thế, khi nói về hoạt động truyền giáo liên hệ đến một địa hạt nào đó, thì đúng ra là đề cập đến một hoạt động “thông thường” được thực hiện trong những địa hạt nhất định mà Toà Thánh đã công nhận.
[37] CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Đại kết Unitatis Redintegratio, 1.