CHƯƠNG I
GIÁO THUYẾT CĂN BẢN
7.
Lý do của hoạt động truyền giáo gắn liền với ý định của Thiên Chúa, Đấng “muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất cũng như chỉ có một trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, đó là con người Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (1 Tm 2,4-6), “và ơn cứu độ không có nơi một người nào khác” (Cv 4,12). Vì thế, khi đã nhận biết Chúa Kitô nhờ lời Giáo Hội giảng dạy, mọi người phải thống hối và lãnh nhận ơn Thánh Tẩy để được thuộc về Chúa Kitô và Giáo Hội là Thân Thể Người. Thật vậy, “khi minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và phép Rửa Tội38, Chúa Kitô đã cùng lúc xác nhận sự cần thiết của Giáo Hội mà mọi người phải bước vào qua khung cửa bí tích Thánh Tẩy. Vì thế, nếu ai đã biết Giáo Hội Công giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô như phương thế cứu rỗi cần thiết, nhưng vẫn không muốn gia nhập hoặc trung thành sống trong Giáo Hội, thì không thể được cứu rỗi”39. Như vậy, dù Thiên Chúa có thể dùng những đường lối chỉ riêng Ngài biết để đưa những kẻ không vì lỗi mình mà chưa nhận được Tin Mừng đến với đức tin, điều kiện tối cần để làm đẹp lòng Ngài40, tuy nhiên, Giáo Hội vẫn có bổn phận, và có cả quyền bất khả xâm phạm, trong việc loan báo Tin Mừng41, do đó, hoạt động truyền giáo hôm nay và mãi mãi vẫn luôn thật sự cấp bách và cần thiết.
Nhờ hoạt động truyền giáo, Nhiệm Thể Chúa Kitô không ngừng liên kết và phối hợp mọi năng lực giúp cho toàn thân được tăng trưởng42. Các chi thể của Giáo Hội thực thi công cuộc truyền giáo dưới tác động của đức ái, động lực thúc đẩy họ yêu mến Thiên Chúa và ước ao chia sẻ cho mọi người các ơn phúc thiêng liêng đời này cũng như đời sau.
Sau nữa, nhờ hoạt động truyền giáo, Thiên Chúa sẽ được muôn đời tôn vinh, khi con người ý thức đón nhận trọn vẹn công trình cứu chuộc đã được hoàn tất trong Chúa Kitô. Như thế, việc truyền giáo hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa, đã được Chúa Kitô thực hiện trong sự vâng phục và lòng yêu mến để tôn vinh Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến43 để quy tụ toàn thể nhân loại thành đoàn Dân duy nhất của Thiên Chúa, kết thành thân thể duy nhất của Chúa Kitô, và xây nên đền thờ duy nhất của Chúa Thánh Thần: điều đó, khi gầy dựng mối đồng tâm huynh đệ, sẽ đáp ứng khát vọng sâu xa của toàn thể nhân loại. Sau cùng, việc truyền giáo thực sự hoàn tất ý định của Đấng Tạo Hoá, Đấng đã dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ngài, khi toàn thể nhân loại, được tái sinh trong Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa, cùng đồng thanh cất tiếng: “lạy Cha chúng con”44.
8.
Hoạt động truyền giáo cũng liên kết chặt chẽ với chính bản tính và những khát vọng của nhân loại. Thật vậy, khi bày tỏ Chúa Kitô, Giáo Hội đồng thời cũng khai mở cho con người nhận biết chân lý đích thực liên quan đến thân phận và ơn gọi toàn diện của họ, vì Chúa Kitô chính là nguyên lý và khuôn mẫu của nhân loại được đổi mới, thấm đẫm tình yêu thương huynh đệ, tâm tư chân thành và tinh thần hoà bình, một nhân loại mà mọi người đều khao khát. Vì là những chủ thể siêu việt, vượt trên mọi dị biệt chủng tộc hay quốc gia, nên Chúa Kitô cũng như Giáo Hội đang làm chứng cho Người qua việc rao giảng Tin Mừng, không thể bị coi là xa lạ đối với bất cứ ai hay tại bất cứ nơi nào45. Việc rao giảng Tin Mừng trình bày cho mọi người biết Chúa Kitô là đường và là sự thật, đồng thời nói với họ những lời của chính Người: “Hãy thống hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Ai không tin thì đã bị luận phạt46, vì thế lời Chúa Kitô vừa là lời luận tội vừa là lời ân sủng, lời liên quan đến cả sự chết và sự sống. Thật vậy, chỉ có cách hủy diệt cái cũ, chúng ta mới có thể tiến tới một đời sống mới: điều đó tuy trước tiên có giá trị khi nói về con người, nhưng cũng có thể áp dụng cho các thực tại trần thế, những thứ cùng lúc mang cả dấu ấn của tội lỗi nhân loại cũng như sự chúc lành của Thiên Chúa: “vì quả thật mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3,23). Không ai có thể nhờ sức riêng để tự giải thoát khỏi tội lỗi và thắng vượt chính mình, cũng không ai hoàn toàn thoát khỏi sự yếu đuối, nỗi cô đơn hay tình trạng nô lệ47, trái lại, mọi người đều cần đến Chúa Kitô là mẫu gương và là Thầy dạy, là Đấng giải thoát, Đấng cứu độ và là Đấng ban sự sống. Trong lịch sử nhân loại, cả về phương diện trần thế, Tin Mừng thật sự đã từng là nắm men cho tự do và tiến bộ, và mãi mãi vẫn luôn là chất men khơi dậy tình huynh đệ, hợp nhất và hoà bình. Vì thế, các tín hữu có lý khi suy tôn Chúa Kitô là “Đấng muôn người trông đợi và là Đấng cứu chuộc muôn dân”48.
9.
Hoạt động truyền giáo được thực thi trong thời gian giữa hai lần Chúa đến, và khi Chúa đến lần thứ hai, Giáo Hội nên như mùa lúa được thu gặt từ tứ phương thiên hạ đưa vào vương quốc Thiên Chúa49. Thật vậy, trước khi Chúa đến, Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi dân tộc50.
Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì đơn giản hơn là sự biểu lộ hay nói cách khác là sự hiển linh ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần gian và trong lịch sử nhân loại, trong đó rõ ràng Thiên Chúa đang hoàn thành lịch sử cứu độ nhờ việc truyền giáo. Qua lời rao giảng và việc cử hành các bí tích, có trung tâm và tột đỉnh là bí tích Thánh Thể, hoạt động truyền giáo tỏ bày sự hiện diện của Đấng tác thành công trình cứu rỗi là chính Chúa Kitô. Tất cả những gì là chân lý và ân sủng, do chính Thiên Chúa vẫn đang hiện diện cách ẩn khuất giữa con người đã trao ban cho các dân tộc, sẽ được thanh lọc khỏi những sai lạc có thể đã nhiễm vào, và được phục hồi nhờ Chúa Kitô, Đấng đã tác thành chúng, Đấng đã lật đổ quyền lực ma quỷ và chận đứng tác dụng độc hại đủ mọi cách thế của tội lỗi. Bởi vậy, tất cả những gì tốt đẹp đã được gieo vãi trong tâm hồn con người, hoặc trong những nghi lễ và văn hoá đặc thù của các dân tộc, sẽ không bị hủy bỏ, nhưng được chữa lành, thăng tiến và hoàn thiện để Thiên Chúa được tôn vinh, ma quỷ phải nhục nhã và con người được hạnh phúc51. Như thế, hoạt động truyền giáo hướng về sự viên mãn cánh chung52: đưa đoàn Dân Chúa phát triển vươn tới tầm mức và thời hạn do Chúa Cha toàn quyền đặt định53 như lời ngôn sứ đã nói: “Hãy mở rộng nơi con cắm trại, hãy căng rộng lều bạt, đừng thu cuốn lại” (Is 54,2)54, và cũng nhờ đó, Thân Thể nhiệm mầu được tăng trưởng đạt đến tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô55, và Đền thờ thiêng liêng, nơi Thiên Chúa được thờ phượng trong tinh thần và chân lý56, sẽ vươn cao và được xây dựng “trên nền móng là các Tông đồ và các ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Giêsu Kitô” (Ep 2,20).
--- Còn tiếp ---
------------------------------------------------------
[38] x. Mc 16,16; Ga 3,5.
[39] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 14.
[40] x. Dt 11,6.
[41] x. 1 Cr 9,16.
[42] x. Ep 4,11-16.
[43] x. Ga 7,18; 8,30 và 44; 8,50; 17,1.
[44] Về ý tưởng tổng hợp này, xem Học thuyết của thánh Irênêô về chủ đề “quy phục dưới quyền một Thủ Lãnh”; cũng xem HYPPÔLYTÔ, De Antichristo, số 3: “Thương yêu và ước ao cứu vớt tất cả mọi người, muốn làm cho mọi người trở nên con cái Thiên Chúa và kêu mời tất cả các thánh liên kết thành một con người hoàn hảo duy nhất...: PG 10, 732; GCS Hyppolyt I, 2, tr. 6; x. HYPPÔLYTÔ, Benedictiones Iacob, 7: TU 38-1, tr. 18, hàng 4tt; ÔRIGÊNÊ, In Ioann, bộ I, 16: “ Nơi những người sẽ đến với Thiên Chúa, nhận biết Thiên Chúa và được hướng dẫn bởi Ngôi Lời, Đấng ở nơi Thiên Chúa, chỉ là một hành động duy nhất: nhờ đó, tất cả đều được dạy dỗ để nhận biết Chúa Cha như những người con biết Cha mình, như chính Chúa Con, Đấng duy nhất hiện giờ đã biết Chúa Cha”: PG 14, 49; GCS ÔRIGÊNÊ, IV, 20; T. AUGUSTINÔ, De Sermone Domini in monte, I, 41: “Chúng ta hãy yêu thương những gì có thể cùng chúng ta được dẫn vào vương quốc, nơi mà không ai gọi Thiên Chúa duy nhất là “Cha tôi” nhưng tất cả đều gọi “Cha chúng tôi”: PL 34, 1250; T. CYRILLÔ ALEX, In Ioann. I: “Tất cả chúng ta đều ở trong Chúa Kitô và chính trong Người mà con người mang tính nhân loại của chúng ta được tác sinh. Vì thế Người được gọi là Ađam mới. Đấng tự bản tính là Con và là Thiên Chúa đã cư ngụ giữa chúng ta; nhờ đó, trong Thần Khí của Người, chúng ta được kêu lên: Abba, Cha ơi. Ngôi Lời cư ngụ nơi tất cả như trong một ngôi đền thờ, nghĩa là nơi những gì Người đã nhận lấy vì chúng ta và từ chúng ta, để, nói như Thánh Phaolô, khi mọi sự đã ở trong Người, Người sẽ giao hoà tất cả với Chúa Cha trong một thân thể duy nhất”: PG 73, 161-164.
[45] BÊNÊĐICTÔ XV, Thông điệp Maximum Illud, 30.11.1919: AAS 11 (1919), tr. 445: “vì Giáo Hội của Chúa là công giáo nên không xa lạ đối với bất cứ một dân tộc hay quốc gia nào...”; x. GIOAN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: “Theo lệnh Chúa, Giáo Hội mở rộng đến tất cả muôn dân... khi hoà nhập vào một dân tộc nào, như sức mạnh được truyền vào mạch máu, Giáo Hội không là cũng không tự cho là một tổ chức ngoại lai đối với dân tộc đó... Hơn nữa, tất cả những gì là tốt đẹp, thiện hảo nơi một dân tộc, thì những người đã được tái sinh trong Chúa Kitô cũng công nhận như thế, và còn làm cho nên hoàn hảo hơn nữa”. 25.5.1961: AAS 25.5.1961, tr. 444.
[46] x. Ga 3,18.
[47] x. T. IRÊNÊÔ, Adv. H„r., III, 15, số 3. PG 7, 919: “Họ đã là những người rao giảng chân lý và là những tông đồ mang lại tự do”.
[48] Kinh Nhật Tụng Rôma Tiền xướng “O” Kinh Chiều ngày 23.12.
[49] x. Mt 24,31; Didachè 10,5: Funk I, 32.
[50] x. Mc 13,10.
[51] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 17; T. AUGUSTINÔ, De Civ. Dei, 19, 17: PL 41, 646; THÁNH BỘ TRUYỀN BÁ ĐỨC TIN, Bài giáo huấn Collectanea I, số 135, tr. 42.
[52] Theo Ôrigênê, Tin Mừng phải được rao giảng trước khi tận thế: Hom. in Luc., XXI: GCS, Orig. IX 136, 21tt.; In Matth. comm. ser., 39: XI 75, 25tt.; 76, 4tt.; Hom. in Ierem. III, 2: VIII 308, 29t.; T. TÔMA, Summ. Theol., I-II, q. 106, a. 4, ad 4.
[53] x. Cv 1,7.
[54] T. HILARIÔ PICT., In Ps. 14: PL 9, 301; EUSEBIÔ C₡S., In Isaiam, 54, 2-3: PG 24, 426-463; T. CYRILLÔ ALEX., In Isaiam V, ch. 54, 1-3: PG 70, 1193.
[55] x. Ep 4,13.
[56] x. Ga 4,23.