Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 71

SẮC LỆNH VỀ HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI (3)

CHƯƠNG II

CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO

10.

Giáo Hội được Chúa Kitô sai đi để bày tỏ và thông ban tình yêu Thiên Chúa cho tất cả mọi người và mọi dân tộc, nhận thức rằng công cuộc truyền giáo mình đang thực hiện vẫn còn rất bao la. Thật vậy, vẫn còn hai tỷ người, và con số này vẫn đang ngày càng tăng cao, những người đang sống trong những cộng đồng đông đảo nơi những địa điểm nhất định, được hình thành do những mối liên hệ cố định trong đời sống văn hoá, với truyền thống tôn giáo lâu đời, trong những tương giao chặt chẽ về các nhu cầu xã hội, họ chưa từng được nghe hay chỉ mới thoáng nhận được sứ điệp Tin Mừng; trong số đó có người đang theo một trong những tôn giáo lớn, nhưng có người vẫn còn xa lạ với ý niệm về Thiên Chúa, một số khác phủ nhận và đôi khi còn công khai đả kích sự hiện hữu của Thiên Chúa. Để có thể chuyển thông cho mọi người mầu nhiệm cứu độ và sự sống Chúa muốn trao ban, Giáo Hội phải hội nhập vào các cộng đồng ấy với cùng một động lực như chính Chúa Kitô, Đấng khi nhập thể đã hoà mình vào những hoàn cảnh nhất định về xã hội và văn hoá của những cộng đồng nơi Người cùng chung sống.

Mục 1

CHỨNG TỪ KITÔ HỮU

11.

Giáo Hội phải hiện diện qua chính những người con của Giáo Hội đang chung sống hay được sai đến với những cộng đồng nhân loại đó. Thật vậy, tất cả các Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải dùng chứng tá và gương mẫu đời sống để thể hiện con người mới họ đã tiếp nhận qua bí tích Thánh Tẩy, đồng thời biểu dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã củng cố họ qua bí tích Thêm Sức, để những người chung quanh nhìn thấy các việc lành họ làm mà ngợi khen Chúa Cha57, và nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa đích thực của cuộc sống nhân sinh cũng như mối dây liên kết toàn thể cộng đồng nhân loại.

Để có thể làm chứng cho Chúa Kitô cách hữu hiệu, các Kitô hữu phải tìm đến mọi người chung quanh với thái độ tôn trọng và yêu thương, phải ý thức về tư cách là thành viên của cộng đồng đang chung sống, tham gia đời sống văn hoá, xã hội qua những giao tiếp và hoạt động nhân văn; phải thân thiết với các truyền thống dân tộc và tôn giáo; hãy khám phá với niềm vui và trân trọng những hạt mầm của Lời Chúa đang tiềm ẩn trong đó; đồng thời cũng phải quan tâm đến những chuyển biến sâu xa đang diễn ra giữa các dân tộc, hãy nỗ lực giúp cho con người thời nay đừng vì quá chú tâm đến khoa học và kỹ thuật của thế giới hiện đại mà xa rời những thực tại tâm linh, nhưng biết khao khát mãnh liệt hơn nữa để đạt đến chân lý và tình thương như Chúa đã mặc khải. Chính Đức Kitô đã thấu suốt tâm tư con người và dùng cuộc đối thoại mang đầy tính nhân bản để dẫn đưa nhân loại đến với ánh sáng thần linh, cũng thế, những môn đệ đã thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô, cũng phải hiểu biết những người họ đang chung sống, hãy gặp gỡ trao đổi để qua cuộc đối thoại chân thành và kiên nhẫn, họ nhận ra những gia sản phong phú đã được Thiên Chúa trao ban cho các dân tộc; đồng thời cũng nỗ lực dùng ánh sáng Tin Mừng để chiếu soi, nâng cao và thu phục các gia sản đó vào chủ quyền của Thiên Chúa, Đấng cứu độ con người.

12.

Sự hiện diện của các Kitô hữu giữa các cộng đồng nhân loại phải được tác động bằng chính tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương chúng ta và muốn chúng ta cũng biết thương yêu nhau58. Đức ái Kitô giáo phải thực sự lan toả đến tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giai cấp xã hội hay tôn giáo; đức ái không vụ lợi cũng không cầu mong được đáp đền. Như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu vô vị lợi, các tín hữu cũng phải lấy tình bác ái để yêu thương con người với cùng một ý hướng như chính Ngài đã thể hiện khi đến tìm gặp con người. Như Chúa Kitô ngày xưa đã rảo qua khắp các thị thành và làng mạc, chữa lành mọi kẻ tật nguyền, bệnh hoạn, nêu rõ dấu chỉ Nước Thiên Chúa đã đến59, Giáo Hội cũng nhờ con cái của mình để liên kết với mọi người trong mọi hoàn cảnh, nhất là những kẻ nghèo hèn đau khổ, và sẵn sàng hiến mình vì họ60. Thật vậy, Giáo Hội chia vui sẻ buồn với họ, biết rõ những khát vọng và các vấn đề của họ về cuộc sống, cảm thông với họ trong nỗi lo âu về sự chết. Đối với những ai tìm kiếm hoà bình, Giáo Hội muốn đưa ra lời giải đáp qua việc đối thoại huynh đệ, mang đến cho họ sự bình an và ánh sáng phát xuất từ Tin Mừng.

Các Kitô hữu phải hoạt động và cộng tác với mọi người để điều hành cách tốt đẹp các sinh hoạt kinh tế xã hội. Họ phải quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục thiếu nhi và thanh thiếu niên nhờ các loại hình trường học khác nhau, không chỉ được coi như phương thế tối ưu để đào tạo và phát huy giới trẻ Kitô hữu, nhưng đồng thời còn là cách thức tuyệt hảo để phục vụ con người – nhất là đối với các quốc gia đang phát triển – để nâng cao nhân phẩm và chuẩn bị những điều kiện sống hợp nhân bản hơn. Ngoài ra, họ cũng hãy góp phần vào nỗ lực của các dân tộc đang đấu tranh chống lại đói nghèo, dốt nát và bệnh tật, để cố gắng kiến tạo những điều kiện sinh sống tốt đẹp hơn và củng cố hoà bình thế giới. Trong hoạt động này, các tín hữu hãy tích cực tham gia với thái độ cẩn trọng vào những công cuộc đã được khởi xướng do các tổ chức tư cũng như công, các chính phủ, các cơ quan quốc tế, các cộng đoàn Kitô hữu, hay các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

Tuy nhiên, Giáo Hội không bao giờ muốn can dự vào việc cai trị xã hội trần thế. Giáo Hội không đòi cho mình một quyền hành nào khác ngoài quyền phục vụ con người, với ơn Chúa trợ giúp, trong tình bác ái và trung thành phục vụ61.

Qua việc liên kết chặt chẽ với nhân loại trong cuộc sống và trong hoạt động, các môn đệ Chúa Kitô hy vọng sẽ trở nên những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô, và dấn thân hoạt động vì phần rỗi nhân loại, kể cả ở những nơi họ vẫn chưa được tự do trọn vẹn để rao giảng về Chúa Kitô. Thật vậy, họ không mưu tìm sự tiến bộ và thịnh vượng thuần túy vật chất cho con người, nhưng chủ tâm nâng cao nhân phẩm và tình hợp nhất huynh đệ, bằng cách giảng dạy những chân lý về tôn giáo và luân lý đã được Chúa Kitô soi tỏ, để dần dần mở rộng hơn nữa lối đường dẫn đến Thiên Chúa. Như thế, họ giúp con người đạt tới ơn cứu rỗi nhờ yêu mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người chung quanh, và làm toả sáng mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng tác tạo con người mới được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa62, và cũng là Đấng mặc khải tình yêu của Thiên Chúa.

Mục 2

RAO GIẢNG TIN MỪNG VÀ QUY TỤ DÂN CHÚA

13.

Tại những nơi Thiên Chúa đã mở rộng lối vào cho việc rao giảng mầu nhiệm Chúa Kitô63, phải tin tưởng và bền chí64 loan báo65 cho tất cả mọi người66 nhận biết Thiên Chúa hằng sống và Đấng Ngài sai đến cứu chuộc mọi người là Chúa Kitô67, để những người ngoài Kitô giáo được Chúa Thánh Thần mở lòng68 tự ý trở về với Chúa trong niềm tin, và thành tâm gắn bó với Đấng là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), Đấng không chỉ đáp ứng, mà đúng hơn, còn vượt quá đến vô cùng những ước vọng thiêng liêng của con người.

Dĩ nhiên phải hiểu việc thống hối mới chỉ là bước đầu, nhưng cũng đủ để con người nhận thức rằng, khi đã từ bỏ tội lỗi, họ sẽ được dẫn đưa vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, Đấng đang mời gọi họ bước vào mối tương giao với Ngài trong Chúa Kitô. Thật vậy, nhờ ơn Chúa tác động, các dự tòng bắt đầu cuộc hành trình thiêng liêng, qua đó, khi thông dự vào mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh nhờ đức tin, họ biến đổi từ con người cũ thành con người mới toàn hảo trong Chúa Kitô69. Sự chuyển biến này, vốn có năng lực làm thay đổi dần dần cách suy nghĩ và nếp sống, phải được chứng tỏ qua những thể hiện thiết thực trong đời sống xã hội và phải tiến triển dần dần trong thời gian học giáo lý dự tòng. Khi tin vào Chúa, Đấng là dấu chỉ của sự chống đối70, người dự tòng thường phải trải qua cảm nghiệm của những cắt đứt và phân cách, nhưng cũng nếm được niềm vui vô tận Chúa ban71.

Giáo Hội nghiêm cấm việc ép buộc hoặc dùng những cách thế bất chính để dụ dỗ hay lôi kéo người khác tin đạo, đồng thời cũng cương quyết phản đối việc dùng các phương sách ngược đãi bất công để buộc người khác phải rời bỏ niềm tin72.

Ngay từ xa xưa, Giáo Hội vẫn luôn quan tâm nghiệm xét và nếu cần, phải thanh luyện các động lực tòng giáo.

14.

Đối với những người đã được Thiên Chúa ban cho niềm tin vào Chúa Kitô qua Giáo Hội73, hãy cử hành những lễ nghi phụng vụ tiếp nhận họ vào lớp dự tòng; đây không chỉ giản đơn là một giảng khoá để trình bày về giáo thuyết và các giới răn, nhưng là chương trình đào tạo cho toàn bộ đời sống Kitô hữu, đồng thời cũng là thời gian tập sự cần thiết, để giúp các môn sinh sống mối tương giao với Thầy của mình là Chúa Kitô. Vì thế, các dự tòng phải được khai tâm đầy đủ về mầu nhiệm cứu độ, thực tập nếp sống theo Tin Mừng, và qua các nghi lễ thánh được cử hành theo từng giai đoạn nối tiếp nhau74, họ được dẫn nhập vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của đoàn Dân Thiên Chúa.

Sau đó, khi đã được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm nhờ việc lãnh nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo75, cùng chết, cùng được mai táng và cùng sống lại với Chúa Kitô76, họ lãnh nhận Thánh Thần làm cho họ trở nên nghĩa tử77, và cùng với toàn thể Dân Chúa, họ cử hành lễ tưởng niệm việc Chúa chịu chết và sống lại.

Phụng vụ mùa Chay và mùa Phục sinh cần được tu chỉnh để giúp các dự tòng chuẩn bị tâm hồn cử hành mầu nhiệm Vượt qua với những nghi thức long trọng, trong đó họ được tái sinh nhờ Chúa Kitô qua bí tích Thánh Tẩy.

Việc khai tâm Kitô giáo trong thời gian dự tòng không chỉ là phận vụ riêng của các giảng viên giáo lý hay các linh mục, nhưng còn là trách nhiệm của cả cộng đoàn tín hữu, nhất là những người đỡ đầu, phải giúp các dự tòng ngay từ những ngày đầu tiên có thể cảm thấy mình được thuộc về Dân Chúa. Và vì đời sống của Giáo Hội gắn liền với sứ vụ tông đồ, nên các dự tòng cũng cần được hướng dẫn để tích cực cộng tác vào việc rao giảng Tin Mừng cũng như xây dựng Giáo Hội bằng chứng tá đời sống và lời tuyên xưng đức tin.

Sau cùng, bộ Giáo Luật mới phải xác định rõ ràng tình trạng pháp lý của các dự tòng. Vì vào lúc này họ đã được kết nạp vào Giáo Hội78, đã thuộc về gia đình Chúa Kitô79 và thường thì họ cũng đã thực thi đời sống tin, cậy, mến.

--- Còn tiếp ---

----------------------------------------------------

[57] x. Mt 5,16.

[58] 1 Ga 4,11.

[59] x. Mt 9,35tt; Cv 10,38.

[60] x. 2 Cr 12,15.

[61] x. PHAOLÔ VI, Diễn văn đọc tại Công Đồng, 21.11.1964: AAS 56 (1964) tr. 1013. x. Mt 20,26; 23,11.

[62] x. Ep 4,24.

[63] x. Cl 4,3.

[64] x. Cv 4, 13.29.31; 9,27-28; 13,16; 14,3; 19,8; 26,26; 28,31; 1 Ts 2,2; 2 Cr 3,12; 7,4; Pl 1,20; Ep 3,12; 6,19-20.

[65] x. 1 Cr 9,16; Rm 10,14.

[66] x. Mc 16,15.

[67] x. 1 Ts 1,9-10; 1 Cr 1,18-21; Gl 1,31; Cv 14,15-17; 17,22-31.

[68] x. Cv 16,14.

[69] x. Cl 3,5-10; Ep 4,20-24.

[70] x. Lc 2,34; Mt 10,34-39.

[71] x. 1 Ts 1,6.

[72] x. CĐ VATICANÔ II, Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo Dignitatis Human„, 2, 4, 10; CĐ VATICANÔ II, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes, 21.

[73] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 17.

[74] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 64-65.

[75] Về việc giải thoát khỏi ách nô lệ ma quỷ và tối tăm: trong Phúc Âm, x. Mt 12,28; Ga 8,44; 12,31 (x. 1 Ga 3,8; Ep 2,1-2): trong Phụng vụ về bí tích Rửa Tội, x. Sách Nghi Lễ Rôma. x. Cl 1,13

[76] x. Rm 6,4-11; Cl 2,12-13; 1 Pr 3,21-22; Mc 16,16.

[77] x. 1 Ts 3,5-7; Cv 8,14-17.

[78] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 14.

[79] x. T. AUGUSTINÔ, Tract. in Ioann. 11, 4: PL 35, 1476.

 

zalo
zalo