Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 83

SẮC LỆNH VỀ HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI (4)

CHƯƠNG II

CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO

Mục 3

VIỆC THÀNH LẬP CỘNG ĐOÀN KITÔ GIÁO

15.

Nhờ hạt giống Lời Chúa và việc rao giảng Tin Mừng, Chúa Thánh Thần kêu gọi mọi người đến với Chúa Kitô và thúc đẩy họ vâng phục đức tin, và khi tái sinh những kẻ tin Chúa Kitô trong giếng nước Rửa Tội để sống đời sống mới, Ngài tập họp họ thành đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa, nên “dòng dõi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa” (1 Pr 2,9)80.

Vì thế, các vị thừa sai, những cộng sự viên của Thiên Chúa81, phải gầy dựng những cộng đoàn tín hữu biết sống xứng đáng với ơn phúc được Thiên Chúa kêu gọi82, để có thể thi hành các chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế Thiên Chúa đã trao ban. Đó chính là cách thế để cộng đoàn Kitô hữu trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian: thật vậy, nhờ Hiến Tế Thánh Thể, họ không ngừng đến với Chúa Cha cùng với Chúa Kitô83, và khi đã được ân cần nuôi dưỡng bằng Lời Chúa84, họ làm chứng cho Chúa Kitô85, và sau cùng dấn bước trong đức ái và nên nhiệt thành trong tinh thần tông đồ86.

Ngay từ lúc hình thành, cộng đoàn Kitô hữu cần được gầy dựng sao cho có được khả năng tự túc tối đa về những nhu cầu thiết yếu.

Cộng đoàn tín hữu, đã tiếp nhận kho tàng văn hoá đặc thù của đất nước, phải luôn bám rễ sâu trong lòng dân tộc: ở đó, các gia đình luôn thăng tiến nhờ được thấm nhuần tinh thần Tin Mừng87, và được nâng đỡ bởi các trường học có chất lượng; phải tổ chức các hội đoàn và các nhóm hoạt động tông đồ giáo dân để làm cho tinh thần Tin Mừng thấm nhập vào toàn thể cộng đồng xã hội. Sau cùng, những người công giáo thuộc các Nghi chế khác nhau hãy thể hiện mối giao hảo toả sáng tình bác ái yêu thương88.

Cũng phải quan tâm nuôi dưỡng tinh thần đại kết nơi các tân tòng, để họ nhận thức rõ rằng những anh em tin vào Chúa Kitô cũng là môn đệ Chúa Kitô, đã được tái sinh nhờ phép Rửa, được chia sẻ nhiều ơn phúc với đoàn Dân Chúa. Trong mức độ điều kiện về tín ngưỡng cho phép, phải tìm cách phát động công cuộc đại kết, để khi đã gạt bỏ những thái độ dửng dưng, nhầm lẫn, hay đối kháng vô lối, người công giáo sẽ nỗ lực tối đa trong thái độ hợp tác huynh đệ với những anh em ly khai theo các nguyên tắc trong Sắc lệnh về Đại kết, qua việc cùng nhau tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô trước mặt muôn dân, và cùng cộng tác hoạt động trong các lãnh vực xã hội, kỹ thuật cũng như văn hoá và tôn giáo. Họ cộng tác với nhau trước tiên vì Đức Kitô, Chúa chung của mọi người: xin cho Thánh Danh Người đưa họ lại gần nhau! Việc cộng tác này nên được thực hiện không chỉ giữa các cá nhân với nhau, nhưng còn giữa các Giáo Hội hoặc những cộng đồng Giáo Hội trong các công trình chung, tuỳ theo sự phân định của Đấng Bản quyền địa phương.

Các Kitô hữu được quy tụ từ giữa Lương dân vào trong Giáo Hội, “không có gì khác biệt với những người khác xét về thể chế xã hội, về ngôn ngữ, hay về tư cách công dân”89, nên họ phải sống cho Thiên Chúa và cho Chúa Kitô với chính phong cách sống tốt lành của dân tộc mình; là công dân tốt, họ phải thực sự và tích cực vun đắp lòng yêu nước, tuy nhiên phải tuyệt đối tránh xa thái độ phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa quốc gia quá khích, phải cổ vũ tình yêu thương đại đồng nơi mọi người.

Trong hoạt động nhắm tới những mục tiêu trên, giáo dân, nghĩa là các Kitô hữu đã thuộc về Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy và đang sống giữa thế gian, giữ một vai trò rất quan trọng và đáng được đặc biệt lưu tâm. Thật vậy, được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, bổn phận của họ là nên như nắm men vùi trong bột để tác động từ bên trong và điều hướng các thực tại trần thế luôn tiến hành theo ý Chúa Kitô90.

Tuy nhiên, không phải chỉ cần hiện diện và được thiết lập trong một dân tộc nào đó, hay chỉ cần làm việc tông đồ bằng gương lành là đã đủ, nhưng đoàn dân Kitô hữu được thiết lập và hiện diện chính là để dùng lời nói và việc làm loan báo Chúa Kitô cho anh chị em đồng bào ngoài Kitô giáo, và giúp họ đón nhận Chúa Kitô cách trọn vẹn.

Ngoài ra, việc gầy dựng Giáo Hội và phát triển cộng đoàn Kitô hữu cần đến các tác vụ đa dạng, hình thành do ý Chúa ngay tại chính cộng đoàn tín hữu, nên phải được mọi người đặc biệt quan tâm phát huy và quý trọng, trong đó có chức linh mục, phó tế và giảng viên giáo lý cũng như công giáo tiến hành. Cũng thế, nhờ vào lời cầu nguyện hay những hoạt động tích cực, các tu sĩ nam nữ phải thi hành một phận vụ thiết yếu là làm cho Vương quốc Chúa Kitô được thiết lập và củng cố nơi các tâm hồn và luôn tăng triển thêm mãi.

16.

Giáo Hội hân hoan cảm tạ Thiên Chúa đã rộng ban hồng ân vô giá là ơn thiên triệu linh mục cho rất nhiều người trẻ trong các dân tộc vừa mới trở lại với Chúa Kitô. Thật vậy, Giáo Hội càng bén rễ vững chắc hơn nơi cộng đồng địa phương, khi chính các thành viên của cộng đoàn tín hữu trở thành thừa tác viên của ơn cứu độ, thuộc hàng Giám mục, Linh mục cũng như Phó tế, để phục vụ anh chị em mình, và như thế, tại các Giáo Hội mới thành lập, dần dần hình thành cơ cấu giáo phận với hàng giáo sĩ riêng.

Những quyết định của Công Đồng liên quan đến vấn đề ơn gọi và đào tạo linh mục, phải được tuân giữ nghiêm túc tại những nơi Giáo Hội mới được gầy dựng, cũng như trong những Giáo Hội còn non trẻ. Phải đặc biệt chú trọng đến các chỉ thị về yêu cầu phối kết chặt chẽ chương trình đào tạo trong các lãnh vực tu đức, giáo thuyết và mục vụ, về ý hướng sống theo chuẩn mực Tin Mừng chứ không tìm lợi lộc cho bản thân hay cho gia đình, về nỗ lực tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Giáo Hội. Từ đó, họ học biết cách tận hiến toàn thân để phục vụ Nhiệm Thể Chúa Kitô và rao giảng Tin Mừng, biết liên kết với Giám mục như những cộng sự viên trung thành, đồng thời cộng tác với các anh em đồng sự91.

Để đạt tới mục tiêu này, toàn bộ chương trình đào tạo chủng sinh phải được xây dựng dưới ánh sáng của mầu nhiệm cứu rỗi như đã được trình bày trong Thánh Kinh. Các chủng sinh phải tìm hiểu và sống mầu nhiệm Chúa Kitô, cũng như mầu nhiệm cứu độ nhân loại được thực hiện trong Phụng vụ92.

Những đòi hỏi chung đối với việc đào luyện các ứng viên linh mục trong lãnh vực mục vụ và thực hành, theo như tiêu chuẩn của Công Đồng93, phải được phối hợp với nỗ lực tiếp cận lối suy tư và hành xử đặc thù của từng dân tộc. Vì thế, tâm trí chủng sinh phải uyên bác và tinh tế để có thể hiểu biết và phán đoán đúng đắn về nền văn hoá dân tộc; trong các môn triết học và thần học, chủng sinh phải tìm hiểu thấu đáo những luận điểm tạo nên khác biệt giữa truyền thống và tôn giáo dân tộc với Kitô giáo94. Cũng thế, việc đào luyện phải hướng đến những nhu cầu mục vụ của từng miền: chủng sinh phải học biết lịch sử, mục tiêu và phương pháp hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, cũng như những hoàn cảnh đặc biệt về xã hội, kinh tế và văn hoá của dân tộc. Họ phải được giáo dục trong tinh thần đại kết và cần được chuẩn bị đầy đủ để có thể đối thoại trong tình huynh đệ với những người ngoài Kitô giáo95. Tất cả điều đó đòi hỏi phải tạo điều kiện tối đa để việc học tập hướng đến chức linh mục được thực hiện tại chính khung cảnh sống và trong mối liên hệ gắn bó với dân tộc96. Sau nữa, cũng phải lưu tâm đào tạo khả năng quản trị trong lãnh vực tổ chức giáo đoàn, và cả trong lãnh vực kinh tế.

Ngoài ra, phải chọn một số linh mục có năng lực, sau một thời gian hoạt động mục vụ, sẽ theo học các cấp cao hơn tại các Đại Học, kể cả ở ngoại quốc, nhất là ở Rôma, và tại các Học Viện khoa học khác, nhằm cung ứng cho hàng giáo sĩ địa phương, nơi các Giáo Hội trẻ, những linh mục có kiến thức và kinh nghiệm tương xứng để đảm trách những giáo vụ khó khăn hơn.

Nếu xét thấy thích hợp, Hội đồng Giám mục nên tái xác lập bậc sống phó tế vĩnh viễn theo tiêu chuẩn của Hiến Chế “về Giáo Hội”97. Quả thật, đối với những người đang đảm nhận một tác vụ đúng ra thuộc về các phó tế, hoặc đang dạy Lời Chúa với tư cách là giảng viên giáo lý, hoặc đang thay mặt cha xứ và Giám mục điều hành các cộng đoàn Kitô hữu ở những vùng xa, hoặc đang hoạt động bác ái trong các tổ chức xã hội hay từ thiện, định chế này sẽ giúp họ được kiên vững hơn nhờ việc đặt tay do các Tông đồ truyền lại, được liên kết gần gũi hơn với bàn thánh, để thi hành thừa tác vụ cách hữu hiệu hơn nhờ ân sủng bí tích của thánh chức phó tế.

17.

Cũng thế, liên quan đến việc truyền giáo cho lương dân, phải thật sự đề cao công lao to lớn của đội ngũ giảng viên giáo lý, nam cũng như nữ, những người thấm nhuần tinh thần tông đồ, đã vất vả rất nhiều để mang lại sự hỗ trợ đặc biệt và vô cùng cần thiết cho việc truyền bá đức tin và mở rộng Giáo Hội.

Hiện nay, vì số giáo sĩ không đủ để đáp ứng cho việc rao giảng Tin Mừng cũng như thi hành mục vụ cho lượng người quá đông, nên phận vụ của các giảng viên giáo lý lại càng trở nên quan trọng hơn. Do đó, chương trình đào tạo giảng viên giáo lý phải được tiến hành, đồng thời cũng phải thích ứng với đà tiến bộ văn hoá, giúp các cộng tác viên đắc lực này của hàng Linh mục có thể thực thi cách tốt đẹp nhất phận vụ họ đang đảm trách, một phận vụ ngày càng thêm nặng nề với những trọng trách mới và rộng lớn hơn.

Vì thế, phải tăng thêm nhiều cơ sở cấp giáo phận và cấp vùng, trong đó các giảng viên giáo lý tương lai vừa được hướng dẫn về giáo lý công giáo, nhất là về môn Thánh Kinh và Phụng vụ, vừa được học hỏi về phương pháp sư phạm Giáo lý và thực hành mục vụ, đồng thời cũng tự đào luyện trong nếp sống luân lý Kitô giáo98, bằng cách không ngừng cố gắng trau dồi phẩm chất đạo đức và thánh thiện trong cuộc sống. Ngoài ra, nên có những buổi hội thảo hay những khoá học định kỳ, để các giảng viên giáo lý có thể cập nhật kiến thức về những môn học hay các kỹ năng hữu ích cho tác vụ, cũng như để nuôi dưỡng và củng cố đời sống thiêng liêng. Hơn nữa, đối với những người dấn thân hoàn toàn cho việc dạy giáo lý, hãy cấp cho họ một khoản thù lao cân xứng để có được mức sống xứng đáng và được bảo đảm về mặt an sinh xã hội99.

Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin sẽ cung ứng tương xứng những khoản trợ cấp đặc biệt cho công cuộc đào tạo và hỗ trợ các giảng viên giáo lý. Nếu thấy cần và thích hợp, cũng nên thành lập một Tổ chức tài trợ cho các giảng viên giáo lý.

Ngoài ra các Giáo Hội cũng tri ân sự hỗ trợ quảng đại và vô cùng cần thiết của các trợ tá giảng viên giáo lý. Chính họ chủ sự các buổi đọc kinh chung và dạy giáo lý trong cộng đoàn. Vì thế, phải đặc biệt lo cho họ được đào tạo về giáo lý và đời sống tu đức. Ngoài ra, nếu có điều kiện thuận lợi, nên cử hành công khai một nghi thức phụng vụ để ủy thác sứ vụ theo giáo luật cho các giảng viên giáo lý đã được đào tạo chính quy, để họ có thêm uy tín đối với dân chúng trong công tác phục vụ đức tin.

18.

Ngay từ giai đoạn bắt đầu gầy dựng Giáo Hội, hãy quan tâm cổ vũ nếp sống tu trì, một bậc sống không những đem lại sự hỗ trợ quý báu và vô cùng cần thiết cho hoạt động truyền giáo, nhưng còn bày tỏ và diễn đạt rõ ràng bản tính sâu xa của ơn gọi Kitô hữu qua việc thánh hiến mật thiết hơn cho Thiên Chúa trong Giáo Hội100.

Khi tận tụy hoạt động để gầy dựng Giáo Hội, và thấm đẫm nguồn ơn phúc huyền nhiệm đã từng làm vẻ vang truyền thống tu trì của Giáo Hội, các Hội dòng phải nỗ lực diễn tả và chuyển thông nguồn ơn phúc đó hợp với năng lực và đặc tính của mỗi dân tộc. Phải quan tâm tìm ra phương thức để đời sống tu trì Kitô giáo có thể tiếp nhận những truyền thống khổ hạnh và chiêm niệm, đôi khi đã được Thiên Chúa gieo mầm trong các nền văn hoá cổ truyền trước khi Tin Mừng được rao giảng.

Những dạng thức phong phú của đời sống tu trì phải được vun trồng nơi các Giáo Hội trẻ, để vừa cho thấy các khía cạnh khác nhau trong sứ mệnh của Chúa Kitô và đời sống của Giáo Hội, vừa nhiệt thành dấn thân phục vụ trong những công tác mục vụ đa dạng, đồng thời cũng chuẩn bị cho thành viên của các Hội dòng sẵn sàng thực thi các công tác đó. Tuy nhiên, Hội đồng Giám mục phải thận trọng, không nên nhận thêm nhiều Tu hội có mục tiêu hoạt động tông đồ giống nhau, để tránh gây thiệt hại cho đời sống tu trì và chính công việc tông đồ.

Cũng cần đặc biệt nhắc tới những đề xướng liên quan đến việc gieo trồng đời sống chiêm niệm, có người chủ trương vẫn bảo toàn những yếu tố căn bản của định chế đan tu và nỗ lực gầy dựng truyền thống phong phú của Hội dòng, có người lại muốn trở về với những dạng thức đơn sơ hơn của nếp sống đan tu cổ truyền: nhưng trong mọi trường hợp, tất cả đều phải cố gắng tìm cách để thực sự thích nghi với những hoàn cảnh địa phương. Nên thiết lập khắp nơi đời sống chiêm niệm, vì điều đó giúp cho sự hiện diện của Giáo Hội được thêm trọn vẹn.

--- Còn tiếp ---

------------------------------------------------------

[80] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 9.

[81] x. 1 Cr 3,9.

[82] x. Ep 4,1.

[83] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 10, 11, 34.

[84] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Mặc khải Dei Verbum, 21.

[85] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 12, 35.

[86] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 23, 26.

[87] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 11, 35, 41.

[88] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về các Giáo Hội Công giáo Đông phương Orientalium Ecclesiarum, 4.

[89] x. Epist. ad Diognetum, 5: PG 2, 1173; x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 38.

[90] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 32; x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân Apostolicam Actuositatem, 5-7.

[91] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về việc Đào tạo linh mục Optatam Totius, 4, 8, 9.

[92] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 17.

[93] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về việc Đào tạo linh mục Optatam Totius, 1.

[94] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Princeps Pastorum, 28.11.1959: AAS 51 (1959), tr. 843-844.

[95] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Đại kết Unitatis Redintegratio, 4.

[96] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Princeps Pastorum, 28.11.1959: AAS 51 (1959), tr. 842.

[97] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 29.

[98] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Princeps Pastorum, 28.11.1959: AAS 51 (1959), tr. 855.

[99] Ở đây nói về những người vẫn được gọi là “giáo lý viên chuyên ngạch”.

[100] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 31, 44.

zalo
zalo