CHƯƠNG III
CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
19.
Việc gầy dựng Giáo Hội nơi một cộng đồng nhất định được kể như đã đạt chỉ tiêu, khi cộng đoàn tín hữu đã bén rễ trong đời sống xã hội và đã hoà hợp phần nào với văn hoá địa phương, đồng thời cũng đã ổn định và vững mạnh, nghĩa là đã có nguồn nhân lực riêng khá dồi dào, tuy chưa hẳn là đầy đủ, gồm các linh mục, tu sĩ và giáo dân địa phương, đã có những thừa tác vụ và những tổ chức cần thiết cho việc lãnh đạo và tăng triển đời sống của đoàn Dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của vị Giám mục bản quyền.
Trong những Giáo Hội còn non trẻ đó, đời sống Dân Chúa phải đạt đến sự trưởng thành về mọi phương diện của đời sống Kitô hữu được canh tân theo những nguyên tắc đã được Công Đồng đề ra, đó là các cộng đoàn tín hữu ngày càng ý thức hơn rằng mình phải trở nên những cộng đoàn sống đức tin, cử hành phụng vụ và thực thi bác ái; qua các hoạt động dân sự và tông đồ, người giáo dân phải nỗ lực kiến tạo bác ái và công bình trong xã hội; phải sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội cách thích hợp và khôn ngoan; các gia đình phải sống đời Kitô hữu đích thực để trở nên vườn ươm cho ơn gọi tông đồ giáo dân, cũng như ơn gọi linh mục và tu sĩ. Sau cùng, đức tin phải được hướng dẫn nhờ chương trình giáo lý thích hợp, được cử hành trong phụng vụ phù hợp với sắc thái dân tộc, và được đưa vào các tổ chức đoàn thể cũng như các tập tục địa phương, theo đúng quy định của giáo luật.
Phần các Giám mục, luôn hợp nhất với Linh mục đoàn của mình và ngày càng thấm nhuần cảm thức của Chúa Kitô và Giáo Hội, phải biết đồng cảm và chia sẻ cuộc sống cùng với Giáo Hội toàn cầu. Các Giáo Hội trẻ phải duy trì mối hiệp thông mật thiết với toàn thể Giáo Hội, và phải liên kết những yếu tố của truyền thống Giáo Hội với nền văn hoá địa phương, để đời sống Nhiệm Thể được tăng trưởng nhờ cuộc trao đổi song phương về nguồn năng lực101. Vì thế, phải biết vận dụng những yếu tố thần học, tâm lý và nhân bản có thể góp phần giúp phát huy cảm thức hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ.
Tuy nhiên, thường các Giáo Hội trẻ lại thuộc những miền khá nghèo trên thế giới, nên nhiều khi vẫn còn thiếu, thậm chí thiếu rất nhiều, về số linh mục cũng như những viện trợ vật chất. Vì thế, tổ chức tiến hành truyền giáo của toàn thể Giáo Hội phải đảm nhận việc trợ cấp để ưu tiên giúp cho Giáo Hội địa phương phát triển và đời sống Kitô hữu được tăng trưởng. Tổ chức truyền giáo này cũng phải hỗ trợ các Giáo Hội tuy đã thành lập từ lâu, nhưng hiện đang rơi vào tình trạng thoái hoá và suy yếu.
Tuy nhiên, các Giáo Hội đó phải tìm cách phục hồi nhiệt tình mục vụ nơi mọi người và có những hoạt động thích ứng, để cổ vũ cho ơn gọi giáo sĩ giáo phận và ơn gọi tu sĩ được tăng số, được phân định cách xác đáng hơn và được huấn luyện cách hữu hiệu hơn102, để dần dần chính họ có thể tự túc và giúp đỡ các Giáo Hội khác nữa.
20.
Là phản ảnh hoàn hảo của Giáo Hội hoàn vũ, Giáo Hội địa phương phải xác tín rằng chính mình cũng được sai đến với những người chưa tin vào Chúa Kitô đang sống trong cùng địa hạt, để nhờ chứng tá đời sống của mỗi tín hữu và toàn thể cộng đoàn, họ trở nên dấu chỉ cho mọi người nhận biết Chúa Kitô.
Ngoài ra, tác vụ rao giảng Lời Chúa thật cần thiết để đem Tin Mừng đến với mọi người. Vì thế, Giám mục trước tiên phải là người loan truyền đức tin để đưa thêm nhiều môn đệ mới đến với Chúa Kitô103. Để chu toàn tốt đẹp phận vụ cao cả đó, Giám mục phải thấu hiểu tường tận hoàn cảnh sống của đoàn chiên, cũng như những quan điểm riêng tư của dân chúng địa phương về Thiên Chúa, đồng thời cũng phải đặc biệt quan tâm đến những chuyển biến phát sinh từ hiện tượng vẫn được gọi là đô thị hoá, di dân và thái độ lãnh đạm đối với tôn giáo.
Các linh mục bản xứ tại những Giáo Hội trẻ phải nhiệt thành dấn thân rao giảng Tin Mừng, bằng cách tiến hành hoạt động chung với những vị thừa sai ngoại quốc, họp nhau thành một Linh mục đoàn duy nhất, liên kết dưới quyền Giám mục, không những để chăn dắt các tín hữu và cử hành việc phụng tự, nhưng còn để loan báo Tin Mừng cho những người còn ở ngoài Giáo Hội. Các ngài phải luôn sẵn sàng, và khi được mời gọi, hãy hăng hái tình nguyện để được Giám mục sai đi truyền giáo tại những vùng xa xôi hẻo lánh, tại chính giáo phận nhà hoặc nơi các giáo phận khác.
Các tu sĩ nam nữ và cả giáo dân cũng hãy thể hiện nhiệt tâm truyền giáo đối với anh chị em đồng bào, nhất là những người nghèo khổ.
Các Hội đồng Giám mục nên quan tâm tổ chức những khoá tu nghiệp định kỳ về Thánh Kinh, thần học, tu đức và mục vụ, để giúp hàng giáo sĩ có được kiến thức đầy đủ hơn về thần học và phương pháp mục vụ, khi phải thi hành tác vụ giữa những phức tạp và biến chuyển của thế sự.
Đàng khác, cũng phải tuân giữ chu đáo những điều Công Đồng đã quyết nghị, đặc biệt trong Sắc lệnh về Tác vụ và đời sống linh mục.
Để công cuộc truyền giáo đạt được kết quả, Giáo Hội địa phương cần có những thừa tác viên đủ năng lực, được chuẩn bị kịp thời và thích hợp với hoàn cảnh của từng Giáo Hội. Con người ngày càng sống quy tụ thành những cộng đồng, vì thế các Hội đồng Giám mục nên có những kế hoạch chung để tiến hành đối thoại với các cộng đồng ấy. Trong trường hợp tại một nơi nào đó có những nhóm người không muốn đón nhận đức tin công giáo chỉ vì không thể thích ứng với dạng thức sinh hoạt đặc thù của Giáo Hội tại địa phương, cần tìm ra một phương thức đặc biệt thích hợp với hoàn cảnh104, cho đến khi tất cả các Kitô hữu có thể quy tụ thành một cộng đoàn duy nhất. Nếu Toà Thánh có được một số thừa sai dành riêng cho việc quy tụ cộng đoàn, các Giám mục nên ngỏ ý mời, hoặc sẵn lòng đón nhận vào giáo phận, và tích cực ủng hộ hoạt động của những nhà truyền giáo này.
Để nhiệt tâm truyền giáo được phát huy nơi chính những anh em bản xứ, các Giáo Hội trẻ nên tích cực tham gia vào công cuộc truyền giáo phổ quát của Giáo Hội, bằng cách gửi những vị thừa sai đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi trên hoàn cầu, ngay cả khi tại địa phương vẫn còn thiếu giáo sĩ. Thật vậy, tình hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ sẽ nên trọn hảo khi chính các Giáo Hội trẻ cũng tích cực tham gia và hoạt động truyền giáo nơi các dân tộc khác.
21.
Nếu như hàng Giáo dân chưa chính thức thành hình và chưa hoạt động bên cạnh hàng Giáo phẩm, lúc đó Giáo Hội vẫn chưa thực sự được thiết lập, chưa sống trọn vẹn, cũng như chưa trở nên dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người. Thật vậy, Tin Mừng không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Vì thế, ngay khi gầy dựng Giáo Hội, đã phải chú tâm tối đa đến việc đào tạo các Kitô hữu giáo dân trưởng thành.
Thật vậy, các tín hữu giáo dân trọn vẹn thuộc về Dân Chúa đồng thời cũng thuộc về xã hội trần thế: một đàng, họ thuộc về đất nước nơi họ sinh ra, được chia sẻ kho tàng văn hoá dân tộc nhờ nền giáo dục, liên kết với đời sống dân tộc bằng nhiều mối liên hệ xã hội khác nhau, cộng tác vào sự tiến bộ của quốc gia qua nghề nghiệp, cảm nhận và nỗ lực giải quyết những vấn đề của dân tộc như là những vấn đề của chính bản thân; đàng khác, họ là người của Chúa Kitô vì đã được tái sinh trong Giáo Hội bằng đức tin và phép Rửa, để nhờ đổi mới đời sống và các việc làm, họ trở nên những người thuộc về Chúa Kitô105, và cũng để mọi sự quy phục Thiên Chúa trong Chúa Kitô và như thế, Thiên Chúa nên tất cả trong mọi sự106.
Phận vụ chính của giáo dân, nam cũng như nữ, là làm chứng về Chúa Kitô bằng cách sống cũng như bằng lời nói, trong gia đình, trong các đoàn thể xã hội, cũng như trong môi trường nghề nghiệp. Thật vậy, họ phải biểu lộ con người mới đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, trong sự công chính và thánh thiện đến từ chân lý107. Họ phải thể hiện nếp sống mới đó trong môi trường xã hội và văn hoá của đất nước, hợp với truyền thống dân tộc. Họ phải nghiên cứu, hoàn chỉnh, bảo toàn, cập nhật, và sau cùng phải hoàn thiện nền văn hoá đó trong Chúa Kitô, để niềm tin vào Chúa Kitô và đời sống Giáo Hội không còn xa lạ với cộng đồng họ đang sống, nhưng bắt đầu thấm vào và biến đổi xã hội. Họ phải sống gắn bó với mọi người chung quanh bằng tình bác ái chân thành, để trong mối tương giao giữa cộng đồng, hình thành mối dây liên kết mới của sự hiệp nhất và tình liên đới đại đồng khởi phát từ mầu nhiệm Chúa Kitô. Họ cũng phải gieo rắc niềm tin vào Chúa Kitô nơi những người có chung môi trường sống hay cùng chung ngành nghề; đây là một nhiệm vụ khẩn thiết vì nhiều người chỉ có thể nghe Tin Mừng và nhận biết Chúa Kitô nhờ những giáo dân sống gần bên họ. Hơn nữa, nơi nào có thể, giáo dân phải được chuẩn bị để cộng tác trực tiếp hơn với hàng Giáo phẩm trong việc thực thi sứ mệnh đặc biệt là loan báo Tin Mừng và truyền thông giáo lý Kitô giáo, để Giáo Hội mới khai sinh được thêm vững mạnh.
Các thừa tác viên của Giáo Hội phải đánh giá cao việc tông đồ đầy khó khăn của người giáo dân. Các ngài phải đào tạo cho người giáo dân, với tư cách là chi thể của Chúa Kitô, luôn ý thức về trách nhiệm của họ đối với tất cả mọi người; phải giúp họ thấu hiểu sâu xa về mầu nhiệm Chúa Kitô, chỉ dẫn họ những phương pháp thực hành, và đồng hành với họ trong những lúc khó khăn, theo tinh thần của Hiến chế về Giáo Hội và Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân.
Vì thế, trong khi Chủ chăn và giáo dân vẫn giữ đúng phận vụ và trách nhiệm riêng của mình, tất cả mọi người trong Giáo Hội mới thiết lập phải trở thành lời chứng duy nhất, sống động và kiên định về Chúa Kitô, để trở nên dấu chỉ rõ ràng của ơn cứu rỗi đã được trao ban cho chúng ta trong Chúa Kitô.
22.
Hạt giống Lời Chúa, vừa nẩy mầm trong thửa đất màu mỡ thấm nhuần sương trời tuôn đổ, đang tiếp nhận, chuyển biến và tiêu hoá dòng nhựa sống, để sau cùng mang lại hoa trái dồi dào. Thật vậy, theo cùng cách thức của mầu nhiệm Nhập Thể, các Giáo Hội trẻ, khi đã cắm rễ sâu trong Chúa Kitô và được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ, nhờ cuộc trao đổi kỳ diệu, tiếp nhận tất cả gia sản phong phú của các dân tộc đã được trao cho Chúa Kitô làm cơ nghiệp108. Từ các tập quán và truyền thống, từ sự khôn ngoan và nền đạo lý, từ những nghệ thuật và khoa học của dân tộc, các Giáo Hội trẻ phải biết chắt lọc tất cả những gì có thể góp phần vào việc tuyên xưng vinh quang của Đấng Tạo Hoá, làm rạng ngời ân sủng của Đấng Cứu Chuộc và thể hiện tốt đẹp đời sống Kitô hữu109.
Để đạt tới kết quả đó, tại mỗi địa hạt văn hoá-xã hội, như vẫn thường gọi, cần thúc đẩy việc suy tư thần học, để trong khi vẫn dõi theo Truyền thống của Giáo Hội hoàn vũ, sẽ nghiên cứu sâu rộng hơn những gì đã được mặc khải qua hành động và ngôn từ của Thiên Chúa, được ghi chép trong Sách Thánh và đã được các Giáo Phụ và Huấn Quyền giải thích. Như thế sẽ giúp nhận thấy rõ ràng hơn những lối đi mở đường cho đức tin có thể tìm gặp lý trí, sau khi đã tiếp thu nền triết lý hay lẽ khôn ngoan của các dân tộc, đồng thời cũng tìm ra những phương thức để các phong tục, quan điểm sống và trật tự xã hội có thể hoà hợp với những chuẩn mực đời sống do Chúa mặc khải. Từ đó sẽ mở ra những con đường để thích nghi sâu xa hơn nữa trong mọi lãnh vực của đời sống Kitô hữu. Nhờ nguyên tắc hành động đó, những hình thức chủ nghĩa hoà đồng và chủ nghĩa duy cá thể sai lạc sẽ bị loại trừ, đời sống Kitô hữu sẽ được thích nghi với tinh hoa và đặc tính của từng nền văn hóa110, đồng thời những truyền thống đặc thù và những phẩm cách cá biệt của mỗi gia đình dân tộc, sau khi đã được ánh sáng Tin Mừng chiếu soi, sẽ được tiếp nhận trong sự hiệp nhất mang tính công giáo của Giáo Hội. Như thế, các Giáo Hội mới tại các địa phương, cùng với những truyền thống tốt đẹp đặc thù, vẫn có chỗ đứng trong tình hiệp thông Giáo Hội, dĩ nhiên vẫn bảo toàn quyền tối thượng của ngai toà Phêrô với tư cách chủ sự toàn thể cộng đoàn đức ái111.
Vì thế, điều đáng ước mong và cũng rất thích hợp, là những Hội đồng Giám mục ở các địa hạt văn hoá-xã hội luôn liên kết với nhau, để có thể đồng tâm hợp ý thực hiện lâu dài công cuộc thích nghi đó.
--- Còn tiếp ---
------------------------------------------------------
[101] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Princeps Pastorum, 28.11.1959: AAS 51 (1959), tr. 838.
[102] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Tác vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis, 11; Sắc lệnh về việc Đào tạo linh mục Optatam Totius, 2.
[103] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 25.
[104] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Tác vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis, 10: để sinh hoạt mục vụ đặc biệt cho những cộng đồng xã hội khác nhau được dễ dàng, phải tiên liệu việc thiết lập các giáo hạt Giám chức tuỳ theo đòi hỏi của việc tổ chức hoạt động tông đồ.
[105] x. 1 Cr 15,23.
[106] x. 1 Cr 15,28.
[107] x. Ep 4,24.
[108] x. Tv 2,8.
[109] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Tác vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis, 13.
[110] x. PHAOLÔ VI, Diễn từ đọc trong lễ phong thánh cho các vị Tử đạo Uganda: AAS 56 (1964), tr. 908.
[111] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 13.