PHAOLÔ GIÁM MỤC
TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA
HỢP NHẤT VỚI CÁC NGHỊ PHỤ CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG
ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ
SẮC LỆNH
VỀ NHIỆM VỤ MỤC TỬ
CỦA CÁC GIÁM MỤC TRONG GIÁO HỘI
CHRISTUS DOMINUS
Ngày 28 tháng 10 năm 1965
LỜI MỞ ĐẦU
1.
Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến để giải cứu đoàn dân của Người khỏi tội lỗi1 và để thánh hoá mọi người, như Chúa Cha đã sai Người, Người cũng sai các Tông đồ2, và thánh hoá các ngài khi trao ban Chúa Thánh Thần để các ngài tôn vinh Chúa Cha nơi trần gian và cứu độ loài người, khi “xây dựng Thân Thể Chúa Kitô” (Ep 4,12) là Giáo Hội.
2.
Trong Giáo Hội của Chúa Kitô, vì là đấng kế vị thánh Phêrô, người được Chúa Kitô trao phó chiên mẹ và chiên con để chăn dắt, nên Đức Giáo Hoàng Rôma, do Thiên Chúa thiết lập, có quyền tối cao, toàn diện, trực tiếp và phổ quát trong việc chăm sóc các linh hồn. Bởi thế, với tư cách là Chủ chăn của toàn thể tín hữu, ngài được ủy thác sứ mạng chăm lo cho thiện ích chung của toàn thể Giáo Hội cũng như của từng Giáo Hội địa phương, và nắm giữ thường quyền tối thượng trên tất cả các Giáo đoàn.
Phần các Giám mục, các ngài được Chúa Thánh Thần cắt cử để kế vị các Tông đồ làm mục tử chăn dắt các linh hồn3, đồng thời, hợp nhất với Đức Giáo Hoàng và dưới quyền ngài, các Giám mục được ủy thác sứ mạng duy trì luôn mãi công trình của Chúa Kitô, vị Mục tử vĩnh cửu4. Thật vậy, Chúa Kitô đã trao cho các Tông đồ và những đấng kế vị mệnh lệnh và quyền dạy dỗ muôn dân, thánh hoá mọi người trong chân lý và hướng dẫn họ. Do đó, nhờ Chúa Thánh Thần mà các ngài đã lãnh nhận, các Giám mục trở nên những thầy dạy đức tin, thượng tế, và những mục tử chân chính, đích thực5.
3.
Trong sự hiệp thông và dưới quyền Đức Giáo Hoàng, các Giám mục họp thành một Hiệp đoàn Giám mục hay Giám mục Đoàn, cùng chia sẻ những thao thức ưu tư của tất cả các Giáo Hội, các ngài thi hành trách vụ đã nhận lãnh do việc tấn phong6, trong lãnh vực giáo huấn cũng như điều hành mục vụ, đối với Giáo Hội phổ quát của Thiên Chúa.
Mỗi Giám mục thi hành trách vụ trên phần đoàn chiên đã được trao phó, mỗi vị coi sóc một Giáo Hội địa phương, hoặc đôi khi một số vị cùng nhau lo cho các nhu cầu chung của nhiều Giáo Hội.
Do đó, vì đặc biệt quan tâm đến những hoàn cảnh của cộng đồng nhân loại hiện nay đang tiến đến một trật tự mới7, và cũng muốn xác định tác vụ mục tử của các Giám mục cách minh bạch hơn, Thánh Công Đồng đã xác lập những quy tắc sẽ được trình bày trong những phần sau.
CHƯƠNG I
CÁC GIÁM MỤC VỚI GIÁO HỘI PHỔ QUÁT
I. VAI TRÒ CỦA CÁC GIÁM MỤC TRONG GIÁO HỘI PHỔ QUÁT
4.
Do ơn thánh hiến, nhờ bí tích và sự hiệp thông phẩm trật với vị Thủ Lãnh cũng như với các thành viên trong Hiệp đoàn, các Giám mục là thành viên của Giám mục đoàn8. “Hàng Giám mục, với tư cách kế nhiệm Tông đồ đoàn trong phận vụ huấn giáo và điều hành mục vụ, nhất là làm cho cộng đoàn Tông đồ được trường tồn, khi hợp nhất với vị Thủ lãnh là Giáo Hoàng Rôma, và không bao giờ được thiếu vắng Thủ lãnh này, cộng đoàn Giám mục ấy cũng là chủ thể có quyền hành trọn vẹn và tối cao trên Giáo Hội phổ quát, đây là quyền bính chỉ có thể được thực thi khi có sự ưng thuận của Giáo Hoàng Rôma”9. Tuy nhiên, quyền này “được thi hành cách long trọng trong Công Đồng Chung”10: do đó, Thánh Công Đồng quyết định rằng tất cả các Giám mục, vì là thành viên của Giám mục đoàn, đều có quyền tham dự Công Đồng Chung.
“Hợp nhất với Giáo Hoàng, các Giám mục cư ngụ trên khắp thế giới có thể thi hành quyền cộng đoàn ấy khi vị Thủ Lãnh mời gọi các ngài thực hiện một hành động tập thể, hay ít ra phê chuẩn hoặc sẵn lòng chấp nhận hành động mang tính liên kết của những Giám mục đang ở nhiều nơi khác nhau, xem đó thực sự là một hành động tập thể”11.
5.
Những vị Giám mục được tuyển chọn từ các miền khác nhau trên thế giới, theo cách thức và tiêu chuẩn đã hoặc sẽ được Giáo Hoàng Rôma ấn định, sẽ hỗ trợ vị Chủ chăn Tối cao của Giáo Hội cách đắc lực hơn qua một hội đồng có tên riêng là “Thượng Hội đồng Giám mục”12, Thượng Hội Đồng hoạt động nhân danh toàn thể hàng Giám mục Công giáo, nên cùng lúc cũng cho thấy rằng tất cả các Giám mục, trong sự hiệp thông phẩm trật, đều tham gia vào việc chăm lo cho Giáo Hội phổ quát13.
6.
Các Giám mục, những người kế vị hợp pháp của các Tông đồ và là thành viên của Giám mục đoàn, phải hiểu rằng các ngài đã được liên kết chặt chẽ với nhau và phải ưu tư chăm sóc cho tất cả các Giáo đoàn, chính Thiên Chúa đã đặt định và tác vụ tông đồ cũng đòi hỏi mỗi vị phải cùng với các Giám mục khác đảm nhận trách nhiệm đối với toàn thể Giáo Hội14. Đặc biệt, các ngài phải quan tâm đến những miền trên thế giới chưa được nghe rao giảng Lời Chúa, hay những nơi vì thiếu linh mục, các tín hữu có nguy cơ xa lìa các giới luật của đời sống Kitô giáo, thậm chí có thể đánh mất cả đức tin.
Vì thế các Giám mục phải tận tình nỗ lực thúc đẩy các tín hữu nhiệt thành ủng hộ và phát huy công cuộc rao giảng Tin Mừng và hoạt động tông đồ. Hơn nữa, các ngài phải quan tâm đào tạo thật chu đáo những thừa tác viên có chức thánh cũng như các phụ tá, là tu sĩ hoặc giáo dân, không chỉ cho những miền truyền giáo, nhưng còn cho những nơi đang thiếu giáo sĩ. Và các ngài cũng hãy bố trí để tuỳ khả năng gửi các linh mục đến thi hành tác vụ tại những xứ truyền giáo và các giáo phận nói trên, với chương trình lâu dài hay ít là trong một thời gian hạn định.
Ngoài ra, trong việc sử dụng tài sản Giáo Hội, các Giám mục hãy quan tâm đến những nhu cầu không chỉ của giáo phận mình, nhưng còn của các Giáo Hội địa phương khác, vì tất cả đều thuộc về Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô. Sau cùng, các ngài cũng phải lưu tâm để tuỳ khả năng giúp đỡ cho các giáo phận hay những nơi đang gặp thiên tai hoạn nạn.
7.
Nhất là các ngài hãy yêu thương và ân cần hỗ trợ với cả thân tình huynh đệ đối với những Giám mục, vì danh Chúa Kitô, đang phải đau khổ bởi vu khống và phiền muộn, đang bị giam cầm hay bị ngăn cấm không được thi hành tác vụ, để nỗi đau khổ của các ngài được xoa dịu và vơi đi nhờ lời cầu nguyện và sự nâng đỡ thiết thực của những người anh em đồng sự.
II. CÁC GIÁM MỤC VÀ TOÀ THÁNH
8.
a) Các Giám mục, với tư cách là những người kế vị các Tông đồ, đương nhiên là Đấng bản quyền, có thẩm quyền riêng và trực tiếp theo như phận vụ mục tử đòi hỏi, trong giáo phận được ủy thác cho các ngài, tuy nhiên Giáo Hoàng Rôma, do phận vụ của ngài, luôn luôn và trong mọi vấn đề, vẫn có quyền dành lại một số quyền hạn cho mình hay cho một Thẩm quyền khác.
b) Trong trường hợp đặc biệt, mỗi Giám mục giáo phận có năng quyền miễn chuẩn luật chung của Giáo Hội cho các tín hữu thuộc quyền theo luật định, khi xét thấy điều đó mang lại lợi ích thiêng liêng cho họ, trừ những trường hợp dành riêng cho Thẩm quyền tối cao của Giáo Hội.
9.
Trong khi thi hành quyền tối cao, trọn vẹn và trực tiếp trên Giáo Hội phổ quát, Giáo Hoàng Rôma được các Thánh Bộ thuộc Giáo Triều Rôma hỗ trợ, các Thánh Bộ này hoạt động nhân danh Giáo Hoàng và được ngài ủy quyền để thi hành phận vụ vì thiện ích chung của các Giáo Hội và phục vụ cho các mục tử.
Các Nghị phụ Công Đồng mong ước rằng các Thánh Bộ này, tuy đã hỗ trợ rất đắc lực cho Đức Giáo Hoàng Rôma và các Chủ chăn của Giáo Hội, nhưng cũng cần canh tân hệ thống tổ chức cho thích hợp hơn với nhu cầu của thời đại, của từng khu vực và từng Nghi chế, nhất là trong những vấn đề liên quan đến số lượng thành viên, danh xưng, thẩm quyền, định hướng hoạt động riêng cũng như chương trình phối kết công tác của các Thánh Bộ15. Các Nghị phụ cũng ước mong rằng, xét vì bản chất của hoạt động mục vụ đặc thù của các Giám mục, nên phận vụ các Đặc Sứ của Đức Giáo Hoàng Rôma cần phải được xác định cách rõ ràng hơn.
10.
Ngoài ra, vì các Thánh Bộ được thành lập vì thiện ích của Giáo Hội toàn cầu, nên Thánh Công Đồng ước mong các thành viên, viên chức và cố vấn cũng như các Đặc Sứ của Đức Giáo Hoàng, sẽ được thâu nhận từ những miền khác nhau trong Giáo Hội càng nhiều càng tốt, sao cho các văn phòng hay cơ quan trung ương của Giáo Hội Công giáo thật sự có tính cách phổ quát.
Công Đồng cũng mong ước trong số thành viên các Thánh Bộ nên có một số Giám mục, nhất là các Giám mục giáo phận, những vị có thể giúp cho Đức Giáo Hoàng nhận biết cách đầy đủ hơn những cảm nghĩ, nguyện vọng và nhu cầu của tất cả các Giáo Hội.
Sau cùng các Nghị phụ nhận định rằng thật ích lợi nếu các Thánh Bộ biết lắng nghe nhiều hơn nữa ý kiến của những giáo dân trổi vượt về nhân đức, kiến thức và kinh nghiệm, sao cho chính giáo dân cũng góp phần thích hợp của mình vào các công việc của Giáo Hội.
--- Còn tiếp ---
---------------------------------------------------------------------------
[1] x. Mt 1,21.
[2] x. Ga 20,21.
[3] x. CĐ VATICANÔ I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô, Pastor „ternus, c. 3, DS 828 (3061).
[4] x. CĐ VATICANÔ I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô, Pastor „ternus, Lời mở đầu, DS 821 (3050).
[5] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 21, 24, 25.
[6] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 21.
[7] x. GIOAN XXIII, Tông hiến Human„ salutis, 25.12.1961: AAS 54 (1962), tr. 6.
[8] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 22.
[9] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 22.
[10] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 22.
[11] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 22.
[12] x. PHAOLÔ VI, Tự sắc Apostolica Sollicitudo, 15.9.1965: AAS 57 (1965), tr. 775-780.
[13] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 23.
[14] x. PIÔ XII, Thông điệp Fidei Donum, 21.4.1957: AAS 49 (1957), tr. 237; x. BÊNÊĐICTÔ XV, Tông thư Maximum Illud, 30.11.1919: AAS 11 (1919), tr. 440; PIÔ XI, Thông điệp Rerum Ecclesi„, 28.2.1926: AAS 18 (1926), tr. 68tt.
[15] x. PHAOLÔ VI, Diễn từ cho các Hồng Y, các vị Lãnh đạo, các Giám chức và các Nhân viên thuộc Giáo triều Rôma, 21.9.1963: AAS 55 (1963), tr. 793tt.