25. Trong việc điều hành giáo phận, lợi ích của đoàn chiên Chúa luôn là quy tắc tối thượng cho việc thực thi chức năng mục vụ của các Giám mục. Để đạt đến mục tiêu đó, nhiều giáo phận cần có các Giám mục Phụ tá, hoặc vì Giám mục giáo phận không thể đích thân chu toàn mọi nhiệm vụ Giám mục như lợi ích của các linh hồn đòi hỏi, hoặc vì giáo phận quá rộng lớn, nhân số quá đông, hoặc do những hoàn cảnh đặc biệt của hoạt động tông đồ, hoặc do những lý do khác. Hơn nữa, đôi khi nhu cầu đặc biệt đòi hỏi, phải đặt một Giám mục Phó để giúp đỡ Giám mục giáo phận. Các Giám mục Phó và Giám mục Phụ tá cần nhận được những năng quyền thích hợp để hoạt động hiệu quả hơn, và phẩm cách Giám mục của các ngài cũng được bảo toàn, trong khi vẫn duy trì sự duy nhất của việc điều khiển giáo phận cũng như quyền bính của Giám mục giáo phận.
Ngoài ra, vì được kêu gọi để dự phần vào những lo toan của Giám mục giáo phận, nên các Giám mục Phó và Giám mục Phụ tá phải luôn đồng tâm nhất trí với ngài khi thực thi nhiệm vụ của mình trong tất cả các công việc. Hơn nữa, các ngài phải luôn tuân phục và tôn trọng Giám mục giáo phận là người cũng được mời gọi phải yêu thương và quý mến các Giám mục Phó và Giám mục Phụ tá như những người anh em.
26. Khi lợi ích của các linh hồn đòi hỏi, Giám mục giáo phận đừng ngần ngại thỉnh nguyện Thẩm quyền thiết đặt một hay nhiều Giám mục Phụ tá phục vụ cho giáo phận và không có quyền kế vị.
Nếu văn thư bổ nhiệm không ấn định điều gì khác, Giám mục giáo phận hãy đặt một hay các Giám mục Phụ tá của mình làm Tổng Đại Diện, hoặc ít ra làm Đại Diện Giám mục, trực thuộc quyền ngài và cũng là những người mà ngài sẽ tham khảo ý kiến khi cần cân nhắc những vấn đề quan trọng, nhất là trong lãnh vực mục vụ.
Trừ khi Thẩm quyền quyết định cách khác, những quyền hành và năng quyền do luật định cho các Giám mục Phụ tá sẽ không chấm dứt cùng với nhiệm vụ của Giám mục giáo phận. Cũng mong ước rằng lúc giáo phận trống tòa, nhiệm vụ điều hành giáo phận được trao cho Giám mục Phụ tá, hay ở đâu có nhiều, thì trao cho một trong các Giám mục Phụ tá, trừ khi có những lý do quan trọng khuyên nên làm cách khác.
Giám mục Phó, là người được bổ nhiệm với quyền kế vị, luôn luôn phải được Giám mục giáo phận đặt làm Tổng Đại Diện. Trong những trường hợp đặc biệt, vị này còn có thể được Thẩm quyền ban cho những năng quyền rộng hơn.
Để phát huy thêm hơn lợi ích hiện tại và tương lai của giáo phận, Giám mục và Giám mục Phó đừng quên tham khảo ý kiến lẫn nhau trong những vấn đề quan trọng.
27. Tổng Đại Diện là chức vụ cao nhất trong Giáo phủ của giáo phận. Tuy nhiên, khi công việc điều hành giáo phận đòi hỏi, Giám mục có thể thiết đặt một hay nhiều Đại Diện Giám mục. Do chức vụ, các vị này đương nhiên được hưởng những quyền mà luật chung ban cho vị Tổng Đại Diện, hoặc trong một miền được xác định của giáo phận, hoặc trong một số công việc đích xác, hoặc đối với các tín hữu thuộc một Nghi chế nhất định.
Trong số các cộng sự viên giúp Giám mục điều hành giáo phận, phải kể tới các linh mục họp thành hội đồng hay ủy ban của ngài, như Hội Kinh sĩ chánh tòa, Hội đồng Tư vấn hay những Uỷ ban khác, tùy theo hoàn cảnh và đặc tính của các địa phương khác nhau. Những tổ chức này, đặc biệt các Hội Kinh sĩ, nếu vẫn còn cần thiết, phải canh tân cho thích hợp với những nhu cầu hiện nay.
Các linh mục và giáo dân thuộc về Giáo phủ giáo phận, hãy ý thức rằng mình đang trợ giúp cho thừa tác vụ mục vụ của Giám mục.
Giáo phủ giáo phận phải được tổ chức thế nào để có thể thật sự hỗ trợ cho Giám mục, không những để điều hành giáo phận, nhưng còn để thực thi các hoạt động tông đồ.
Tha thiết mong ước rằng mỗi giáo phận nên thành lập một Hội đồng Mục vụ, do chính Giám mục giáo phận làm chủ tịch, với sự tham dự của các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, được tuyển chọn cách đặc biệt. Hội đồng này có nhiệm vụ nghiên cứu và cân nhắc cẩn thận những gì liên quan đến công việc mục vụ, để rồi đưa ra những kết luận thực hành.
28. Tất cả các linh mục, hoặc là linh mục giáo phận hoặc là linh mục dòng, đều cùng với Giám mục, tham dự và thực thi chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô, và vì vậy, các ngài họp thành những cộng sự viên tốt lành của hàng Giám mục. Tuy nhiên, trong việc chăm sóc các linh hồn, các linh mục giáo phận giữ vai trò chính yếu, vì là những người đã nhập tịch hoặc gia nhập vào một Giáo Hội địa phương, các ngài dấn thân trọn vẹn để phục vụ trong việc chăn dắt một phần đoàn chiên Chúa; vì thế các ngài liên kết thành một linh mục đoàn và nên một gia đình, trong đó Giám mục chính là người cha. Để có thể sắp đặt các thừa tác vụ thánh giữa các linh mục cách thích hợp và bình đẳng hơn, Giám mục phải có được sự tự do cần thiết trong việc trao phó các nhiệm vụ hoặc phong ban ân lộc; vì vậy, phải hủy bỏ những đặc quyền hay đặc ân khiến cho sự tự do đó bị hạn chế bằng bất cứ cách nào.
Những liên hệ giữa Giám mục và các linh mục giáo phận phải được thắt chặt nhờ mối dây bác ái hoàn toàn siêu nhiên, để sự đồng tâm nhất trí của các linh mục với Giám mục làm cho hoạt động mục vụ của các ngài mang lại kết quả dồi dào hơn. Vì vậy, để ngày càng đem lại thêm nhiều lợi ích cho các linh hồn, Giám mục nên mời gọi các linh mục trao đổi ý kiến riêng cũng như chung, nhất là về các vấn đề mục vụ, không chỉ khi có cơ hội, nhưng nếu có thể nên theo định kỳ thường xuyên.
Ngoài ra, ước gì tất cả các linh mục giáo phận sống hợp nhất với nhau và luôn được thúc đẩy để chăm lo cho lợi ích thiêng liêng của toàn giáo phận. Các ngài cũng nên nhớ rằng, những bổng lộc nhận được do chức vụ trong Giáo Hội, đều liên hệ với nhiệm vụ thánh thiêng của mình, vì thế, tuỳ khả năng và theo sự điều động của Giám mục, các ngài hãy tự nguyện hỗ trợ cho các nhu cầu vật chất của giáo phận.
29. Những cộng sự viên thân cận hơn của Giám mục là những linh mục đã được ngài ủy thác trách nhiệm mục vụ hay công tác tông đồ vượt khỏi bình diện giáo xứ, có liên quan đến một khu vực được xác định trong giáo phận, hoặc những cộng đoàn tín hữu đặc biệt, hoặc một hoạt động biệt loại.
Các linh mục cũng góp phần cộng tác rất quý báu khi được Giám mục trao phó những nhiệm vụ tông đồ khác nhau như làm việc ở các trường học, hay trong các tổ chức hoặc các hiệp hội. Những linh mục tham gia các công tác bên ngoài giáo phận, do tầm mức quan trọng của các hoạt động tông đồ, đáng nhận được sự chăm sóc ân cần, đặc biệt của vị Giám mục tại giáo phận nơi họ đang làm việc.
30. Những cộng sự viên đặc biệt của Giám mục chính là các linh mục chánh xứ, những người được ủy thác nhiệm vụ chăm sóc các linh hồn, với tư cách là những mục tử riêng thuộc quyền Giám mục tại một khu vực nhất định trong giáo phận.
1) Trong việc chăm sóc các linh hồn, các linh mục chánh xứ, cùng với các vị phụ tá, phải chu toàn phận vụ giáo huấn, thánh hóa và cai quản, sao cho các tín hữu và cộng đoàn giáo xứ cảm thấy họ thật sự là những thành viên của giáo phận cũng như của Giáo Hội phổ quát. Vì vậy, các ngài cũng phải cộng tác với những linh mục chánh xứ khác, và với những linh mục thực thi nhiệm vụ mục vụ trong khu vực (chẳng hạn như các linh mục Hạt trưởng, Niên trưởng), hoặc với những vị phụ trách các công tác ở những cấp cao hơn, để hoạt động mục vụ trong giáo phận không đánh mất tính cách duy nhất và trở nên hữu hiệu hơn.
Ngoài ra, việc chăm sóc các linh hồn cần phải được thấm nhuần tinh thần truyền giáo để lan rộng tới mọi người cư ngụ trong giáo xứ. Nếu các linh mục chánh xứ không thể đến với một cộng đồng nào đó, các ngài hãy kêu gọi sự trợ giúp đặc biệt của những người khác, kể cả giáo dân, để họ có thể hỗ trợ các ngài trong việc Tông đồ.
Để có thể chăm sóc các linh hồn cách hữu hiệu hơn, các linh mục, đặc biệt là những vị làm việc trong cùng một giáo xứ, được khuyến khích nên ở chung với nhau, vừa giúp phát huy hoạt động tông đồ, vừa nêu gương bác ái và đoàn kết cho các tín hữu.
2) Khi thi hành phận vụ giáo huấn, các linh mục chánh xứ có bổn phận phải rao giảng lời Chúa cho mọi Kitô hữu, để nhờ đâm rễ sâu trong đức tin, đức cậy và đức mến, họ lớn lên trong Chúa Kitô, và cộng đoàn Kitô hữu trở nên chứng tá về đức ái Chúa đã truyền dạy32; các ngài phải dạy giáo lý để giúp các tín hữu, tuỳ theo từng lứa tuổi, được hiểu biết đầy đủ về mầu nhiệm cứu độ. Trong công tác giảng dạy giáo lý, các ngài không chỉ nhờ đến sự trợ lực của các tu sĩ, mà cả sự cộng tác của giáo dân, cũng như việc thiết lập Hiệp hội Giáo lý Kitô giáo.
Khi thi hành phận vụ thánh hóa, các linh mục chánh xứ hãy quan tâm để việc cử hành Hy Tế Thánh Thể phải trở nên trung tâm và đỉnh cao của toàn thể đời sống cộng đoàn Kitô hữu; các ngài cũng hãy nỗ lực để các tín hữu luôn được lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng, nhờ sốt sắng siêng năng lãnh nhận các Bí tích, cũng như nhờ tham dự Phụng vụ cách ý thức và tích cực. Các ngài cũng hãy nhớ rằng bí tích Giải Tội hỗ trợ rất nhiều cho đời sống Kitô hữu; vì thế các ngài phải sẵn sàng giúp các tín hữu trong việc xưng tội, và nếu cần, phải mời các linh mục biết những ngôn ngữ khác tới giúp đỡ.
Khi thi hành phận vụ mục tử, trước tiên các linh mục chánh xứ hãy quan tâm tìm hiểu đoàn chiên riêng của mình. Vì là người phục vụ tất cả các con chiên, các ngài hãy giúp cho đời sống Kitô hữu được thăng tiến nơi từng tín hữu cũng như trong các gia đình, nơi các hội đoàn tham gia đặc biệt vào hoạt động tông đồ cũng như trong toàn thể cộng đoàn giáo xứ. Vì thế, các ngài hãy thăm viếng các gia đình và trường học, theo như phận vụ mục tử đòi hỏi; hãy nhiệt thành lo cho các thanh thiếu niên, lấy tình phụ tử bao bọc những người nghèo khổ, bệnh tật, và sau cùng hãy đặc biệt chăm sóc các công nhân, và nỗ lực động viên các tín hữu hỗ trợ cho các hoạt động tông đồ.
3) Các linh mục phụ tá là những cộng sự viên của linh mục chánh xứ, hằng ngày tích cực góp phần cộng tác quý báu vào việc thực thi thừa tác vụ mục tử, dưới quyền linh mục chánh xứ. Vì thế, linh mục chánh xứ và các linh mục phụ tá hãy thể hiện mối tương giao huynh đệ, luôn yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, nâng đỡ nhau bằng những lời khuyên nhủ, sự trợ lực và gương sáng, trong khi đồng tâm nhất trí và cùng nhau nhiệt thành chăm sóc giáo xứ.
31. Để thẩm định khả năng của một linh mục trong việc điều hành giáo xứ, Giám mục hãy nhận xét không chỉ về kiến thức giáo lý, nhưng cả về đời sống đạo đức, lòng nhiệt thành tông đồ, và các tài năng cũng như những đức tính khác, đây là những yếu tố cần thiết cho việc thực thi trọn vẹn nhiệm vụ chăm sóc các linh hồn.
Ngoài ra, lợi ích của các linh hồn là tất cả lý do tồn tại của các phận vụ tại giáo xứ, vì thế, để Giám mục có thể tiến hành việc sắp xếp nhân sự tại các giáo xứ cách dễ dàng và thích hợp hơn, phải bãi bỏ bất cứ quyền giới thiệu, bổ nhiệm hay dành riêng nào, ngoại trừ quyền dành riêng cho các linh mục Dòng, cũng như phải bãi bỏ luật tuyển dụng chung hoặc riêng, nếu nơi nào còn có luật đó.
Trong giáo xứ của mình, vì lợi ích của các linh hồn đòi hỏi, linh mục chánh xứ được hưởng quyền ổn định tại chức. Do đó, sau khi bãi bỏ việc phân biệt các linh mục chánh xứ có thể thuyên chuyển và không thể thuyên chuyển, nên duyệt xét lại và đơn giản hóa thể thức thuyên chuyển và thay đổi các linh mục chánh xứ, để với sự công bằng theo nghĩa tự nhiên và theo giáo luật, Giám mục có thể đáp ứng cách thích hợp hơn cho lợi ích của các linh hồn.
Các linh mục chánh xứ, vì tuổi tác hoặc vì lý do nghiêm trọng khác, không thể chu toàn nhiệm vụ đúng mức và hữu hiệu, được tha thiết kêu gọi từ nhiệm, hoặc tự ý, hoặc theo ý kiến của Giám mục. Giám mục hãy trợ cấp xứng đáng cho những vị đã từ nhiệm.
32. Cuối cùng, lợi ích của các linh hồn cũng chính là lý do để ấn định hoặc thừa nhận việc thiết lập hay giải thể các giáo xứ, và những thay đổi tương tự khác, được thực hiện do thẩm quyền riêng của Giám mục.
33. Tất cả các tu sĩ mà những điều sau đây bàn đến, kể cả thành viên của những Tu Hội có tuyên khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, mỗi người tùy theo ơn gọi riêng của mình, có bổn phận phải nhiệt thành và chuyên chăm cộng tác vào việc xây dựng và phát triển toàn bộ Nhiệm Thể Chúa Kitô, và mưu cầu lợi ích cho các Giáo Hội địa phương.
Họ quyết tâm theo đuổi những mục tiêu đó trước hết bằng lời cầu nguyện, bằng các việc hãm mình và bằng gương mẫu đời sống cá nhân, đây là những việc mà Thánh Công đồng hết sức khuyến khích họ không ngừng gia tăng lòng mộ mến và chuyên tâm thực hành. Tuy nhiên, tùy theo bản chất đặc thù của mỗi Hội dòng, các tu sĩ cũng phải nhiệt thành tham gia các hoạt động tông đồ bên ngoài.
34. Những linh mục dòng, được thánh hiến trong chức vụ linh mục để trở thành những cộng sự viên tốt của Hàng Giám mục, ngày nay có thể giúp đỡ các Giám mục nhiều hơn, trước nhu cầu đang gia tăng của các linh hồn. Vì thế, xét về một phương diện nào đó, phải nói rằng các ngài thật sự có liên hệ với hàng giáo sĩ giáo phận, theo nghĩa các ngài dự phần vào việc chăm sóc các linh hồn và thực hành các việc tông đồ trực thuộc thẩm quyền của các vị Lãnh đạo giáo phận.
Phần các nam nữ tu sĩ, những người thuộc về gia đình giáo phận theo một ý nghĩa đặc biệt, cũng đang hỗ trợ rất nhiều cho Hàng Giáo Phẩm; và vì các nhu cầu tông đồ ngày càng gia tăng, nên họ có thể và phải trợ lực càng ngày càng nhiều hơn.
35. Để hoạt động tông đồ trong mỗi giáo phận luôn được thực hiện cách đồng bộ và để tính cách duy nhất của kỷ luật giáo phận được bảo toàn, Thánh Công đồng quy định những nguyên tắc căn bản sau đây:
1) Tất cả các tu sĩ phải luôn thành tâm tuân phục và tôn trọng các Giám mục là những người kế vị các Tông đồ. Ngoài ra, mỗi khi được chính thức mời gọi tham gia hoạt động tông đồ, họ phải chuyên chăm thực thi nhiệm vụ của mình như là những cộng sự viên cần mẫn và biết tùng phục các Giám mục33. Hơn nữa, các tu sĩ hãy sẵn sàng và trung tín đáp trả những đề nghị và nguyện vọng của các Giám mục để tham gia nhiều hơn nữa trong thừa tác vụ cứu độ con người, trong khi vẫn bảo toàn đặc tính của Hội dòng và theo đúng Hiến pháp; Hiến pháp này, nếu cần, phải được tu chỉnh cho phù hợp với mục tiêu nói trên, theo các nguyên tắc trong Sắc Lệnh này của Công Đồng.
Đặc biệt, vì nhu cầu khẩn thiết của các linh hồn và vì thiếu các giáo sĩ giáo phận, các Giám mục có thể kêu gọi những Hội dòng không hoàn toàn sống đời chiêm niệm, để nhờ họ hỗ trợ trong các công tác mục vụ, trong khi vẫn tôn trọng bản chất đặc thù của mỗi Hội dòng; các bề trên hãy tuỳ theo khả năng ủng hộ cho công việc này bằng cách đảm nhận các giáo xứ, dù chỉ tạm thời.
2) Phần các tu sĩ được sai đi hoạt động tông đồ bên ngoài tu viện, vẫn phải thấm nhuần tinh thần của Hội dòng, trung thành giữ luật dòng cũng như vâng phục các bề trên liên hệ; các Giám mục đừng quên nhắc nhở các Tu sĩ về nghĩa vụ này.
3) Quy chế miễn trừ, với ý nghĩa là các tu sĩ trực thuộc quyền Đức Giáo Hoàng hay một Thẩm quyền khác trong Giáo Hội, chứ không thuộc quyền tài phán của các Giám mục, chủ yếu liên quan đến tổ chức nội bộ của các Hội dòng: mục đích của luật miễn trừ là để cho các sinh hoạt trong Hội dòng được điều phối cách thích hợp hơn, và để phát huy sự tăng trưởng cũng như sự trọn lành của đời sống tu dòng34; đồng thời cũng để cho Đức Giáo Hoàng có thể điều động các tu sĩ phục vụ cho thiện ích của Giáo Hội phổ quát35, hoặc một Thẩm quyền khác sắp xếp các tu sĩ theo thiện ích của các Giáo Hội thuộc quyền tài phán của Thẩm quyền đó.
Nhưng quy chế miễn trừ đó không ngăn cản việc các tu sĩ trong mỗi giáo phận tùy phục quyền tài phán của các Giám mục theo giáo luật, theo như đòi hỏi của công tác mục vụ phải chu toàn cũng như của việc hoạch định phận vụ chăm sóc các linh hồn36.
4) Tất cả các tu sĩ, miễn trừ và không miễn trừ, đều phải tuỳ phục các Đấng Bản Quyền địa phương trong những gì liên quan tới nghi thức cử hành công khai việc phụng thờ Thiên Chúa (ngoại trừ những khác biệt về các Nghi chế), việc chăm sóc các linh hồn, việc thuyết giảng cho dân chúng, việc giáo dục tôn giáo và luân lý cho các Kitô hữu, đặc biệt là cho các thiếu nhi, việc dạy giáo lý và huấn luyện phụng vụ, kể cả những gì liên quan đến tư cách của hàng giáo sĩ và những công tác trong hoạt động tông đồ. Những trường học công giáo của các Tu sĩ cũng phải thuộc quyền các Đấng Bản Quyền địa phương trong những điều liên quan đến việc tổ chức và giám sát tổng quát, tuy việc điều hành các trường đó vẫn thuộc quyền các tu sĩ. Các tu sĩ cũng buộc phải thực thi tất cả những gì các Công Đồng hay Hội Đồng Giám mục chính thức ban hành để mọi người tuân giữ.
5) Phải khuyến khích việc hợp tác có tổ chức giữa các Hội dòng với nhau cũng như giữa các Hội dòng với hàng giáo sĩ giáo phận. Ngoài ra, mọi công việc và hoạt động tông đồ cần phải được phối hợp chặt chẽ, chủ yếu dựa vào ý hướng siêu nhiên nơi tâm trí, đặt nền tảng và đâm rễ sâu trong đức ái. Chương trình phối kết hoạt động tông đồ thuộc về nhiệm vụ của Tòa Thánh đối với Giáo Hội phổ quát; của mỗi Mục tử nơi từng giáo phận; của các Công nghị Thượng phụ và các Hội Đồng Giám mục trong phần lãnh thổ của mình.
Các Giám mục hay các Hội Đồng Giám mục và các bề trên Dòng, hoặc Hội Đồng các bề trên thượng cấp nên tiến hành việc thảo luận chung về những dự án cho các hoạt động tông đồ do các tu sĩ đảm trách.
6) Để cùng nhất tâm phát huy hữu hiệu mối tương quan giữa các Giám mục và các tu sĩ, các Giám mục và các bề trên Dòng nên có những phiên họp định kỳ và thường xuyên hơn nếu thuận tiện, để thảo luận về những vấn đề liên quan đến toàn bộ hoạt động tông đồ trong khu vực.
--- Còn tiếp ---
----------------------------------------------------------------------------
[32] x. Ga 13,35.
[33] x. PI-Ô XII, Huấn từ 8.12.1950: AAS 43 (1951), 28; PHAO-LÔ VI, Huấn từ 23.5.1964: AAS 56 (1964), 571.
[34] x. LÊ-Ô XIII, Tông hiến Romanos Pontifices, 8.5.188: Acta Leonis XIII, vol. II (1882), 234tt.
[35] x. PHAO-LÔ VI, Huấn từ 23.5.1964: AAS 56 ( 1964), 570-571.
[36] x. PI-Ô XII, Huấn từ 8.12.1950: 1. c.