36. Ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, các Giám mục, những vị được đặt đứng đầu các Giáo Hội địa phương, được thôi thúc bởi sự hiệp thông trong tình bác ái huynh đệ và lòng nhiệt thành đối với sứ vụ phổ quát được uỷ thác cho các Tông đồ, đã đồng tâm hiệp lực phát triển thiện ích vừa chung vừa riêng của từng Giáo Hội. Do đó, các Công nghị, Công đồng giáo tỉnh, và Công đồng chung đã được triệu tập, trong đó các Giám mục quyết nghị những nguyên tắc đồng nhất phải tuân giữ trong các Giáo Hội khác nhau, hoặc về việc giảng dạy các chân lý đức tin, hoặc về việc quy định kỷ luật Giáo Hội.
Thánh Công Đồng Chung này tha thiết ước mong định chế cao đẹp là các Thượng Hội Đồng và Công Đồng sẽ được củng cố với một năng lực mới, để hoạt động cách thích hợp hơn và hữu hiệu hơn, giúp cho đức tin được gia tăng và kỷ luật được tuân thủ trong các Giáo Hội, tuỳ theo hoàn cảnh của từng thời đại.
37. Đặc biệt ngày nay, các Giám mục thường không thể chu toàn nhiệm vụ của mình cách thích đáng và có hiệu quả, nếu không liên kết ngày càng chặt chẽ hơn và hợp tác ngày càng mật thiết hơn với các Giám mục khác. Vì các Hội Đồng Giám mục đã được thiết lập tại nhiều quốc gia cho thấy bằng chứng rõ ràng về sự phát triển phong phú hơn của hoạt động tông đồ, nên Thánh Công Đồng xét rằng thật hữu ích nếu khắp nơi trên thế giới, các Giám mục trong cùng một quốc gia hay cùng một miền quy tụ thành một Hội Đồng, nhóm họp theo những kỳ hạn nhất định để nhờ việc chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm, cũng như trao đổi ý kiến, các ngài đồng tâm hiệp lực mang lại lợi ích chung cho các Giáo Hội.
Vì thế, Thánh Công Đồng quy định những điều sau đây về các Hội Đồng Giám mục:
38. 1) Hội Đồng Giám mục là một tập thể quy tụ các vị lãnh đạo Giáo Hội trong một quốc gia hay một địa phương, liên đới thực thi phận vụ mục tử để những thiện ích Giáo Hội muốn trao ban cho con người được thêm phong phú, nhất là nhờ các hình thức hoạt động tông đồ và những phương pháp thích hợp với hoàn cảnh hiện đại.
2) Trừ các vị Tổng Đại Diện, tất cả các Đấng Bản Quyền địa phương thuộc bất cứ Nghi chế nào, các Giám mục Phó, Giám mục Phụ tá và các Giám mục hiệu tòa đang đặc trách một nhiệm vụ do Tòa Thánh hay Hội Đồng Giám mục giao phó, đều là những thành viên của Hội Đồng Giám mục. Các Giám mục hiệu tòa khác, các vị Đặc Sứ của Đức Giáo Hoàng Rô-ma đang thi hành một nhiệm vụ đặc biệt tại địa phương, không phải là thành viên theo luật của Hội Đồng Giám mục.
Các Đấng Bản Quyền địa phương và các Giám mục Phó có quyền biểu quyết; còn các Giám mục Phụ tá và các Giám mục khác là những đấng có quyền tham dự Hội Đồng, thì nội quy của Hội Đồng sẽ ấn định là các vị này có quyền biểu quyết hoặc chỉ có ý kiến tham khảo.
3) Mỗi Hội Đồng Giám mục phải soạn thảo bản nội quy, được Tòa Thánh công nhận, trong đó – ngoài những phương tiện khác – phải tiên liệu các cơ quan chức năng giúp đạt đến mục tiêu cách hữu hiệu hơn, chẳng hạn như Ban thường trực của các Giám mục, các Uỷ ban Giám mục, Văn phòng Tổng Thư Ký.
4) Các quyết định của Hội Đồng Giám mục, khi đã được biểu quyết hợp pháp và ít nhất hội đủ hai phần ba số phiếu của các thành viên có quyền biểu quyết trong Hội Đồng, và khi các quyết định đó được Tòa Thánh công nhận, thì có hiệu lực pháp lý, nhưng chỉ trong những trường hợp hoặc được ấn định bởi luật chung, hoặc được xác định do một chỉ thị đặc biệt của Tòa Thánh, được ban hành do ý Toà Thánh hay theo lời thỉnh cầu của Hội Đồng Giám mục.
5) Tại những nơi có yêu cầu do hoàn cảnh đặc biệt, các Giám mục của nhiều quốc gia, với sự chấp thuận của Tòa Thánh, có thể họp thành một Hội Đồng.
Hơn nữa, mối tương quan giữa các Hội Đồng Giám mục của các quốc gia khác nhau cần phải được phát huy để có thể thăng tiến cũng như bảo vệ công ích nhiều hơn.
6) Thánh Công Đồng tha thiết ước mong các vị Lãnh đạo các Giáo Hội Đông phương, khi họp Công Nghị để củng cố kỷ luật của Giáo Hội mình và phát huy cách hữu hiệu hơn những công cuộc nhằm thiện ích tôn giáo, cũng nên lưu ý tới công ích của toàn lãnh thổ, nơi có nhiều Giáo Hội thuộc các Nghi chế khác nhau cùng hiện diện, bằng cách tham khảo ý kiến lẫn nhau trong những hội nghị liên Nghi chế, theo những tiêu chuẩn đã được Thẩm quyền quy định.
39. Lợi ích của các linh hồn đòi hỏi phải phân chia ranh giới thích hợp, không những cho các giáo phận mà cả cho các giáo tỉnh, hơn nữa cũng nên thiết lập những giáo miền để đáp ứng hiệu quả hơn cho những nhu cầu Tông đồ tùy theo hoàn cảnh xã hội và địa phương, cũng như để việc liên lạc của các Giám mục được dễ dàng và hữu hiệu hơn, hoặc giữa các ngài với nhau, hoặc với các Giám mục Trưởng Giáo tỉnh, và với các Giám mục khác trong cùng một quốc gia, cũng như giữa các Giám mục với Chính quyền dân sự.
40. Vì thế, để đạt được các mục tiêu kể trên, Thánh Công Đồng quyết định như sau:
1) Ranh giới các giáo tỉnh cần phải được duyệt xét lại cách thích hợp và thẩm quyền cũng như đặc ân của các Tổng Giám mục phải được xác định theo những tiêu chuẩn mới và thích đáng.
2) Phải coi đây là quy luật: tất cả các giáo phận và các địa hạt tương đương một giáo phận theo luật, phải thuộc về một giáo tỉnh nào đó. Vì vậy, các giáo phận hiện nay đang trực thuộc Tòa Thánh và không liên kết với một giáo tỉnh nào khác, thì hoặc là, nếu có thể được, phải hợp lại với nhau thành một giáo tỉnh mới, hoặc là phải sáp nhập vào một giáo tỉnh gần hơn hay thuận tiện hơn, và phải tùy thuộc quyền của Tổng Giám mục Trưởng giáo tỉnh theo tiêu chuẩn của luật chung.
3) Nơi nào lợi ích đòi hỏi, các giáo tỉnh hãy hợp lại thành giáo miền, được tổ chức theo các điều khoản quy định do luật.
41. Các Hội Đồng Giám mục có thẩm quyền phải cứu xét vấn đề ranh giới các giáo tỉnh hay vấn đề thiết lập các giáo miền, theo những tiêu chuẩn về ranh giới các giáo phận đã được quy định ở các số 23 và 24, và phải đệ trình những ý kiến cũng như nguyện vọng của mình lên Tòa Thánh.
42. Nhu cầu mục vụ ngày càng đòi hỏi một số công tác mục vụ phải được điều hành và phát huy cách đồng nhất, vì thế rất nên thiết lập một số cơ quan chức năng, có thể do các Giám mục đảm trách,để phục vụ tất cả hay nhiều giáo phận trong cùng một miền hay một nước.
Thánh Công Đồng mong muốn giữa các Giám Chức hay Giám mục đảm nhận những phận vụ đó và các Giám mục giáo phận cũng như các Hội Đồng Giám mục, luôn có sự hiệp thông huynh đệ và đồng tâm hiệp lực chăm lo mục vụ dựa trên những tiêu chuẩn được xác định do bộ luật chung.
43. Việc chăm sóc phần thiêng liêng cho các quân nhân cũng rất đáng lưu tâm, do những hoàn cảnh đặc biệt của nếp sống quân ngũ, vì thế trong mỗi quốc gia phải tùy khả năng thiết lập một Nha Tuyên úy Công Giáo. Vị Tổng Tuyên úy cũng như các tuyên úy đừng tiếc công sức dành cho công việc khó khăn này, trong tinh thần đồng tâm cộng tác với các Giám mục giáo phận37.
Các Giám mục giáo phận hãy cung cấp cho vị Tổng Tuyên úy đủ số linh mục thích hợp với công tác nặng nhọc đó, đồng thời các ngài cũng hãy ủng hộ những sáng kiến nhằm phát triển lợi ích thiêng liêng cho các quân nhân38.
44. Thánh Công Đồng quyết định: trong việc duyệt lại Bộ Giáo Luật, phải xác lập những khoản luật thích hợp, theo các nguyên tắc đã được quy định trong Sắc Lệnh này, sau khi đã cân nhắc những nhận định do các Uỷ Ban hoặc các Nghị phụ đã đưa ra.
Hơn nữa, Thánh Công Đồng cũng truyền phải biên soạn những văn bản Hướng Dẫn tổng quát về việc chăm sóc các linh hồn, để các Giám mục cũng như các linh mục chánh xứ sử dụng, giúp các ngài có những quy tắc chắc chắn để có thể chu toàn phận vụ mục tử của mình cách dễ dàng và thích hợp hơn.
Cũng cần phải biên soạn một sách Hướng Dẫn riêng về việc chăm sóc mục vụ cho từng nhóm tín hữu đặc biệt, tùy theo những hoàn cảnh khác nhau của mỗi nước hay mỗi miền, đồng thời phải biên soạn một bản Hướng Dẫn về việc dạy giáo lý cho dân Kitô giáo, trong đó đề cập tới các nguyên tắc căn bản của việc dạy giáo lý, cách điều hành và việc biên soạn các sách liên hệ. Trong khi biên soạn những Thủ bản Hướng Dẫn nói trên, cần phải quan tâm đến những nhận định do các Ủy Ban hoặc do các Nghị phụ đã đưa ra.
Tất cả và từng điều được ban bố trong Sắc Lệnh này đều đã được các Nghị phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và, với thẩm quyền tông truyền nhận được từ Chúa Ki-tô, hợp nhất với các Nghị phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quyết nghị và xác lập, và những gì đã được xác lập theo thể thức Công Đồng, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.
Rô-ma, tại Đền Thánh Phê-rô, ngày 28 tháng 10 năm 1965
Tôi, PHAO-LÔ, Giám mục Giáo Hội Công giáo
(Tiếp theo là chữ ký của các Nghị phụ)
--- Còn tiếp ---
-------------------------------------------------------------
[37] x. S. C. CONSISTORIALIS: Instructio de Vicariis Castrensibus, 23.4.1951: AAS 43 (1951), 562-565; Formula servanda in relatione de statu Vicariatus Castrensis conficienda, 20.10.1956: AAS 49 (1957), 150-163; Decr. De Sacrorum Liminum Visitatione a Vicariis Castrensibus peragenda, 28.2.1959: AAS 51 (1959), 272-74; Decr. Facultas audiendi confessiones militum Cappellanis extenditur, 27.11.1960: AAS 53 (1961), 49-50. Xem thêm S. C. DE RELIGIOSIS: Instructio de Cappellanis militum religiosis, 2.2.1955: AAS 47 (1955), 93-97.
[38] x. S. C. CONSISTORIALIS: Epistula ad Em.mos PP. DD. Cardinales atque Exc.mos PP. DD. Archiepiscopos, Episcopos ceterosque Ordinarios Hispanicae Ditionis, 21.6.1951: AAS 43 (1951), 566.