Ngày tháng: 11/05/2025
Đang truy cập: 22

SẮC LỆNH VỀ TÁC VỤ VÀ ĐỜI SỐNG CÁC LINH MỤC (2)

CHƯƠNG II

THỪA TÁC VỤ LINH MỤC

I. PHẬN VỤ CỦA LINH MỤC

4.

Dân Chúa được quy tụ trước tiên là nhờ lời Thiên Chúa hằng sống24, lời này phải được đặc biệt tìm thấy nơi miệng lưỡi các linh mục25. Không ai có thể được cứu rỗi nếu không có lòng tin26, do đó, các linh mục, vì là cộng sự viên của các Giám mục, nên trước tiên có nhiệm vụ loan báo cho mọi người Tin Mừng của Thiên Chúa27, để khi thi hành mệnh lệnh Chúa truyền: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16,15)28, các ngài kiến lập và làm cho đoàn Dân Thiên Chúa ngày thêm đông số. Thật vậy, chính lời cứu rỗi khơi dậy niềm tin nơi tâm hồn những người chưa tin và nuôi dưỡng đức tin trong tâm hồn những người đã tin, nhờ đó cộng đoàn tín hữu được khởi sinh và phát triển, như lời Thánh Tông Đồ: “Đức tin có được nhờ nghe rao giảng, nhưng điều nghe được phải là lời Chúa Kitô” (Rm 10,17). Như thế các linh mục mắc nợ mọi người về phận vụ phải thông truyền cho họ chân lý Tin Mừng29 các ngài đã nhận được nơi Chúa. Vì thế, khi nêu gương sống tốt lành giữa các dân ngoại để kêu mời họ tôn vinh Thiên Chúa30, hay khi công khai giảng thuyết để loan truyền mầu nhiệm Đức Kitô cho những người chưa tin, khi dạy giáo lý Kitô giáo hay trình bày giáo thuyết của Giáo Hội, hay khi chú tâm nghiên cứu những vấn đề thời đại dưới ánh sáng Chúa Kitô, không bao giờ các ngài truyền dạy sự thông biết của mình, nhưng là rao giảng Lời Chúa và khẩn thiết mời gọi mọi người thống hối và sống thánh thiện31. Nhưng trong bối cảnh thế giới ngày nay, việc giảng thuyết của linh mục thường gặp rất nhiều khó khăn, vì thế để có thể lay động tâm hồn người nghe, lời giảng không chỉ trình bày lời Chúa cách tổng quát và trừu tượng, nhưng phải áp dụng chân lý ngàn đời của Tin Mừng vào các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống.

Như thế, thừa tác vụ Lời Chúa được thực thi theo nhiều cách thức khác nhau, dựa theo nhu cầu của thính giả và tuỳ vào đặc sủng của người giảng thuyết. Nơi những miền hay những cộng đồng ngoài Kitô giáo, chính việc loan báo Tin Mừng đưa con người đến với đức tin và lãnh nhận các bí tích ban ơn cứu rỗi32, trong khi đó tại cộng đoàn các Kitô hữu, việc giảng dạy Lời Chúa lại không thể thiếu trong tác vụ trao ban bí tích, đặc biệt đối với những người còn kém lòng tin hay thiếu hiểu biết về những điều họ vẫn quen thực hành, vì đây là những bí tích đức tin, và đức tin lại cần được khởi sinh và nuôi dưỡng bằng Lời Chúa33; điều này đặc biệt phải được thực hiện trong phần Phụng vụ Lời Chúa khi cử hành Thánh lễ, trong đó, việc loan truyền Chúa chịu chết và sống lại, lời đáp trả của cộng đoàn đang lắng nghe, cuộc hiến tế của Chúa Kitô để ký kết Giao ước mới trong máu của Người, cũng như việc các tín hữu thông phần vào hiến lễ đó bằng lời cầu nguyện và lãnh nhận Thánh Thể, tất cả không được tách rời, nhưng phải luôn liên kết chặt chẽ với nhau34.

5.

Thiên Chúa là Đấng Thánh và là Đấng thánh hoá duy nhất đã muốn nhận một số người làm cộng sự viên và trợ tá, những người khiêm tốn phục vụ công việc thánh hoá. Các linh mục được Thiên Chúa hiến thánh qua tay Đức Giám mục, để nhờ được tham dự cách đặc biệt vào chức tư tế của Chúa Kitô, các ngài cử hành việc phụng tự thánh với tư cách là thừa tác viên của Đấng không ngừng thực thi trong phụng vụ tác vụ tư tế của Người, nhờ Chúa Thánh Thần, để mưu ích cho chúng ta35. Thật vậy, nhờ bí tích Thánh Tẩy, các ngài dẫn đưa nhiều người vào đoàn Dân Chúa; nhờ bí tích Giải Tội, các ngài hoà giải tội nhân với Thiên Chúa và Giáo Hội; với dầu bệnh nhân, các ngài xoa dịu nỗi khổ của người đau ốm; đặc biệt nhờ việc cử hành Thánh lễ, các ngài hiến dâng Hy Tế của Chúa Kitô theo thể thức bí tích. Và như thánh Ignatiô Tử Đạo36 đã xác quyết ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, khi cử hành bí tích, các linh mục liên kết trong phẩm trật với Giám mục theo nhiều ý nghĩa, và như thế các ngài thể hiện cách nào đó sự hiện diện của Giám mục trong mỗi cộng đoàn tín hữu37.

Những bí tích khác cũng như tất cả các thừa tác vụ trong Giáo Hội và các hoạt động tông đồ đều gắn liền và quy hướng về bí tích Thánh Thể38. Thật vậy, nhiệm tích Thánh Thể cực thánh chứa đựng trọn vẹn nguồn ơn phúc thiêng liêng của Giáo Hội39, chính là Chúa Kitô, Chiên Vượt qua của chúng ta và là bánh trường sinh trao ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt được tác sinh bởi Chúa Thánh Thần và Thịt mang lại sự sống, nhờ đó, con người được mời gọi và sẵn sàng kết hiệp với Người để hiến dâng chính mình cùng với những lao công vất vả và toàn thể tạo vật. Vì thế, bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể công cuộc loan báo Tin Mừng, trong khi các người dự tòng được dẫn đưa dần dần đến việc tham dự bí tích Thánh Thể, thì các tín hữu, những người đã mang ấn tích Rửa tội và Thêm sức, sẽ được kết hợp trọn vẹn với Thân Mình Đức Kitô nhờ việc lãnh nhận Thánh Thể.

Vì thế, cộng đoàn Thánh Thể do linh mục chủ sự chính là tâm điểm của cộng đoàn tín hữu. Trong Hy tế Thánh lễ, các linh mục hãy dạy cho các tín hữu biết dâng lên Chúa Cha lễ vật chí thánh và hợp dâng vào đó lễ vật đời mình; trong tinh thần của vị Mục tử nhân lành, các ngài khuyên nhủ họ thành tâm thống hối xưng thú lỗi lầm với Giáo Hội qua bí tích Giải Tội để ngày càng quay về gần Chúa hơn, bằng cách luôn nhớ lời Người bảo: “Hãy thống hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17). Cũng thế, các ngài hãy dạy bảo họ tham dự những buổi cử hành Phụng vụ thánh với lời cầu nguyện chân thành; hãy hướng dẫn họ thực thi trong suốt cuộc sống tinh thần cầu nguyện ngày thêm hoàn hảo, để lãnh nhận ân sủng tuỳ theo nhu cầu của mỗi người, và khuyên dạy mọi người biết chu toàn bổn phận trong từng bậc sống, riêng với những người hoàn thiện hơn, hãy khích lệ họ thực thi những lời khuyên Phúc Âm theo cách thức thích hợp nhất. Sau cùng, các ngài dạy cho tín hữu biết dùng những bài thánh thi và thánh ca để chúc tụng Thiên Chúa trong lòng, biết luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi sự, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta40.

Những lời ca tụng và tạ ơn mà các linh mục dâng lên khi cử hành Thánh lễ còn được kéo dài suốt ngày trong các giờ Kinh Nhật Tụng, khi các ngài nhân danh Giáo Hội khẩn cầu cùng Thiên Chúa cho đoàn dân đã được trao phó cho các ngài, đồng thời cũng cầu cho toàn thể thế giới.

Nhà cầu nguyện, nơi để cử hành và lưu giữ Thánh Thể, nơi các tín hữu tụ họp và đón nhận ơn nâng đỡ ủi an khi tôn thờ sự hiện diện của Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Đấng được dâng hiến vì chúng ta trên bàn thờ hy tế, vì thế phải khang trang, xứng hợp với việc cầu nguyện và những lễ nghi long trọng41. Chính nơi đây, chủ chăn và tín hữu được kêu mời thể hiện tâm tình tri ân đối với Đấng đã dùng nhân tính của Người để không ngừng đổ tràn sự sống siêu nhiên vào các chi thể của Thân Thể Người42. Các linh mục phải chú tâm trau giồi kiến thức và nghệ thuật phụng vụ, để nhờ tác vụ của các ngài, cộng đoàn Kitô hữu biết ca ngợi Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần ngày càng hoàn hảo hơn.

6.

Khi thi hành phận vụ của Đức Kitô là Đầu và Mục tử trong quyền hạn của mình, các linh mục nhân danh Giám mục, tụ họp gia đình Thiên Chúa như một cộng đoàn huynh đệ duy nhất, và dẫn đưa họ đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần43. Để thi hành tác vụ này cũng như các phận vụ khác, các linh mục được trao ban quyền thiêng liêng để xây dựng Giáo Hội44. Trong công trình xây dựng này, các linh mục phải noi gương Chúa để cư xử thật nhân hậu đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, các ngài không tìm cách làm đẹp lòng người đời45, nhưng phải hành động theo những đòi hỏi của giáo thuyết và đời sống Kitô giáo, khi dạy dỗ và khuyên bảo mọi người như những người con rất yêu quý46, theo lời Thánh Tông Đồ: “Hãy thuyết phục, khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, hãy luận bác, khiển trách, khích lệ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2)47.

Vì thế, với tư cách là những nhà giáo dục đức tin, các linh mục có nhiệm vụ, hoặc đích thân hoặc nhờ người khác, lo cho từng tín hữu được hướng dẫn trong Chúa Thánh Thần, để biết làm triển nở ơn gọi của mỗi người theo Tin Mừng, để sống đức bác ái chân thành và thiết thực, để được tự do như ý Đức Kitô muốn khi đến giải thoát chúng ta48. Những nghi lễ dù đẹp mắt, những hội đoàn dù phát triển rầm rộ, cũng sẽ thành vô ích, nếu không hướng đến mục tiêu giáo dục mọi người trở nên những Kitô hữu trưởng thành49. Để đạt được mục tiêu này, linh mục phải giúp các tín hữu sáng suốt nhận ra đâu là việc phải làm, đâu là điều Chúa muốn trong từng biến cố lớn nhỏ của cuộc sống. Các ngài cũng phải dạy các Kitô hữu đừng chỉ biết sống cho riêng mình, nhưng mỗi người hãy dùng ơn đã nhận được mà phục vụ lẫn nhau50, theo như đòi hỏi của giới luật mới về tình yêu thương, và như thế, toàn thể tín hữu sẽ chu toàn các bổn phận trong cộng đồng nhân loại theo đúng tinh thần Kitô giáo.

Tuy mắc nợ với tất cả mọi người, nhưng các linh mục phải biết rằng những người nghèo khổ và hèn kém lại được trao phó cho các ngài cách đặc biệt hơn, vì chính Chúa đã tự đồng hoá với họ51 và coi việc rao giảng Tin Mừng cho họ như là dấu chỉ của công trình cứu thế52. Các ngài phải đặc biệt ân cần chăm sóc các thanh thiếu niên, những người sống đời hôn nhân và các bậc phụ huynh, khuyến khích họ họp thành những nhóm bạn hữu, cùng giúp nhau để có thể dễ dàng thực thi tinh thần Kitô hữu cách trọn vẹn hơn trong cuộc sống đầy khó khăn này. Các linh mục cũng hãy nhớ rằng các tu sĩ nam nữ, những thành viên ưu tú trong nhà Chúa, xứng đáng được nâng đỡ đặc biệt để thăng tiến trên đường thiêng liêng vì thiện ích cho toàn thể Giáo Hội. Sau cùng, các ngài phải ân cần thăm viếng, tận tâm chăm sóc những người yếu đau và hấp hối và củng cố họ trong Chúa53.

Quả thật, phận vụ của chủ chăn không chỉ thu hẹp trong việc coi sóc tín hữu trên bình diện cá nhân, nhưng phải mở rộng tới việc đào tạo một cộng đoàn Kitô hữu đích thực. Tuy nhiên, tinh thần cộng đoàn cần được vun đắp không chỉ nơi Giáo Hội địa phương, nhưng phải lan toả đến cả Giáo Hội phổ quát. Vì thế, cộng đoàn địa phương không chỉ chú tâm chăm sóc các tín hữu của mình, nhưng phải tràn đầy nhiệt tâm truyền giáo để dọn đường cho mọi người đến với Chúa Kitô. Phải quan tâm đặc biệt đến các dự tòng và tân tòng đang cần được hướng dẫn từng bước để hiểu biết và thực hành nếp sống Kitô hữu.

Không cộng đoàn Kitô hữu nào được xây dựng mà lại không có nguồn gốc khởi phát và tâm điểm quy tụ là việc cử hành bí tích Thánh Thể, vì thế đây luôn phải là khởi điểm của tiến trình giáo dục về tinh thần cộng đoàn54. Để có được hiệu năng thực sự và trọn vẹn, việc cử hành Thánh Thể phải đưa đến hành vi bác ái và tương thân tương trợ, đồng thời cũng phải hướng đến các hoạt động truyền giáo và những chứng từ khác nữa của đời Kitô hữu.

Ngoài ra, nhờ bác ái, kinh nguyện, gương lành và những thực hành sám hối, cộng đoàn Giáo Hội thực thi tình mẫu tử chân thực trong việc đưa các linh hồn đến với Chúa Kitô. Thật vậy, cộng đoàn Giáo Hội chính là khí cụ hữu hiệu để chỉ lối hoặc dọn đường cho những kẻ chưa tin đến với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, cũng như để khích lệ, hỗ trợ và củng cố các tín hữu trong cuộc chiến đấu thiêng liêng.

Trong việc kiến tạo cộng đoàn Kitô hữu, các linh mục không bao giờ phục vụ cho một ý thức hệ hay một đảng phái nhân loại nào, nhưng với tư cách là sứ giả của Tin Mừng và mục tử của Giáo Hội, các ngài kiên trì nỗ lực hoạt động vì sự phát triển thiêng liêng của Thân Thể Chúa Kitô.

--- Còn tiếp ---

---------------------------------------------------------------------

[24] x. 1 Pr 1,23; Cv 6,7; 12,24. “Các Tông đồ đã rao giảng lời chân lý và đã khai sinh các Giáo Hội”: T. AUGUSTINÔ, Enarr. in Ps., 44,23: PL 36, 508.

[25] x. Ml 2,7; 1 Tm 4,11-13; 2 Tm 4,5; Tt 1,9.

[26] x. Mc 16,16.

[27] x. 2 Cr 11,7. Những gì nói về các Giám mục cũng có giá trị cho các linh mục với tư cách là cộng tác viên của Giám mục; x. Statuta Ecclesi„ Antiqua, ch. 3 (xb. Ch. Munier, Paris 1960 tr. 79); Decretum Gratiani, C. 6, D. 88 (xb. Friedberg, I, 307); CĐ TRENTÔ, Sắc lệnh De reform., Khoá 5, ch. 2, số 9 (Conc. Oec. Decreta, xb. Herder, Roma 1962, tr. 645), Khoá 24, ch. 4, tr. 739; CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 25.

[28] x. Constitutiones Apostolorum, II, 26, 7: “(Các linh mục) hãy trở nên những vị tiến sĩ thông thạo khoa học về Thiên Chúa, vì chính Chúa đã ra lệnh truyền cho chúng ta: Các con hãy đi giảng dạy v.v...”: xb. F. X. Funk; Didascalia et Constitutiones Apostolorum, I, Paderborn, 1905, tr. 105; Sacramentarium Leonianum và những sách lễ nghi khác cho tới Pontificale romanum; Kinh Tiền Tụng lễ phong chức linh mục: “Lạy Chúa, với sự quan phòng ấy, Chúa đã cho các Tông đồ của Con Chúa có những phụ tá là thầy dạy đức tin, để nhờ những người rao giảng trong cấp bậc nhị phẩm, các Tông đồ hiện diện trên toàn thế giới”; Liber Ordinum Liturgi„ Mozarabic„, Kinh Tiền Tụng lễ phong chức linh mục: “Là thầy dạy của dân và là người lãnh đạo cộng đoàn, ước gì các ngài giữ gìn chính xác đức tin công giáo và rao giảng ơn cứu rỗi đích thực cho mọi người”: xb. M. Férotin, Le Liber Ordinum en usage dans l'Eglise Wisigothique et Mozarabe d’Espagne: Monumenta Ecclesi„ Liturgica, vol. V, Paris 1904, cột 55, dòng 4-6.

[29] x. Gl 2,5.

[30] x. 1 Pr 2,12.

[31] x. Nghi lễ phong chức linh mục trong Giáo Hội Giacobit tại Alexandria: “... Hãy tập họp dân chúng đến nghe lời giáo lý, như người mẹ nâng niu con cái mình”: H. DENZINGER, Ritus Orientalium, bộ II, Wušrzburg 1863, tr. 14.

[32] x. Mt 28,19; Mc 16,16; TERTULLIANÔ, De baptismo, 14, 2 (Corpus Christianorum, Series latina, I, tr. 289, 11-13); T. ATHANASIÔ, Adv. Arianos, 2, 42: PG 26, 237A-B; T. HIÊRÔNYMÔ, In Mt., 28, 19: PL 26, 226D: “Trước hết các ngài dạy dỗ muôn dân, tiếp đến lấy nước rửa tội cho những kẻ đã được giáo huấn. Thật vậy, không được để cho thể xác nhận lãnh bí tích Rửa Tội khi linh hồn chưa nhận lãnh chân lý đức tin”; T. TÔMA, Expositio prim„ Decretalis, §1: “Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Đấng Cứu Thế của chúng ta đã trao cho họ ba mệnh lệnh. Trước nhất là rao giảng đức tin, thứ đến là ban các bí tích cho những kẻ có lòng tin”: xb. Marietti, Opuscula Theologica, Taurini - Rom„ 1954, 1138.

[33] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 35, 2.

[34] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 33, 35, 48, 52.

[35] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 7; PIÔ XII, Thông điệp Mystici Corporis, 29.6.1943: AAS 35 (1943), tr. 230.

[36] T. IGNATIÔ TỬ ĐẠO, Smyrn., 8, 1-2: xb. F. X. Funk, tr. 240; Constitutiones Apostolorum, VIII, 12, 3: xb. F. X. Funk, tr. 496; VIII, 29, 2: xb. F. X. Funk, tr. 532.

[37] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 28.

[38] Bí tích Thánh Thể là sự đúc kết tất cả đời sống thiêng liêng và là cứu cánh của tất cả các bí tích khác: T. TÔMA, Summa Theol. III, q. 73, a. 3c: x. Summa Theol. III, q. 65, a. 3.

[39] x. T. TÔMA, Summa Theol. III, q. 65, a. 3, ad 1; q. 79, a. 1, c, và ad 1.

[40] x. Ep 5,19-20.

[41] x. T. HIÊRÔNYMÔ, Epist. 114, 2: “...chén thánh, khăn thánh và những vật dụng liên quan đến việc tôn sùng cuộc Tử nạn của Chúa, phải được cung kính cùng với Mình và Máu Chúa”: PL 22, 934; x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 122-127.

[42] “Hơn nữa, các tín hữu đừng xao lãng việc siêng năng viếng Mình Thánh Chúa được cung kính cất giữ tại một vị trí xứng đáng nhất trong nhà thờ theo đúng luật phụng vụ, việc kính viếng Chúa Kitô hiện diện nơi đây là một dấu chỉ của lòng biết ơn, là bảo chứng tình yêu và là việc tôn thờ thích đáng dâng lên Người”: PHAOLÔ VI, Thông điệp Mysterium Fidei, 3.9.1965: AAS 57 (1965), tr. 771.

[43] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 28.

[44] x. 2 Cr 10,8; 13,10.

[45] x. Gl 1,10.

[46] x. 1 Cr 4,14.

[47] x. Didascalia II, 34, 3; II, 46, 6; II, 47, 1; Constitutiones Apostolorum, II, 47, 1: xb. F. X. Funk, Didascalia et Constitutiones, I, tr. 116, 142 và 143.

[48] x. Gl 4,3; 5,1 và 13.

[49] x. T. HIÊRÔNYMÔ, Epist., 58, 7: “Thành quách chói sáng ngọc ngà nào có ích chi, nếu Đức Kitô chết đói trong thân phận một người nghèo khổ?”: PL 22, 584.

[50] x. 1 Pr 4,10tt.

[51] x. Mt 25,34-45.

[52] x. Lc 4,18.

[53] Có thể kể đến những hạng người khác, ví dụ những người di cư, dân du mục v.v... Vấn đề này được đề cập đến trong Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục tử của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 18.

[54] x. Didascalia, II, 59, 1-3: “Khi dạy dỗ, hãy truyền bảo và khuyến dụ dân chúng siêng năng đến với giáo đoàn, đừng bao giờ vắng mặt, nhưng hãy luôn cùng nhau tụ họp, và đừng lìa bỏ cộng đoàn, vì như thế sẽ làm cho Giáo Hội bị giảm thiểu và bớt mất một chi thể nơi Thân Thể Chúa Kitô... Vì thế, là chi thể Chúa Kitô, anh em đừng làm phân tán giáo đoàn khi không cùng quy tụ với nhau; anh em có Chúa Kitô là Đầu, Người đang hiện diện và thông hiệp với anh em theo như lời Người hứa; vì thế anh em đừng thờ ơ và khiến Đấng Cứu Thế trở nên xa lạ với các chi thể Người, đừng chia rẽ cũng đừng phân tán Thân Thể Người...”: xb. F. X. Funk, I, tr. 170; PHAOLÔ VI, Diễn văn trước một số giáo sĩ Ý tham dự Đại Hội XIII tại Urbiveti «di aggiornamento pastorale», 6.9.1963: AAS 55 (1963), tr. 750tt.

zalo
zalo