Ngày tháng: 30/04/2025
Đang truy cập: 12

SẮC LỆNH VỀ TÁC VỤ VÀ ĐỜI SỐNG CÁC LINH MỤC (3)

CHƯƠNG II

THỪA TÁC VỤ LINH MỤC

II. MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA LINH MỤC VÀ NHỮNG NGƯỜI KHÁC

7.

Tất cả các linh mục, cùng với các Giám mục, đều tham dự vào chức Tư tế và tác vụ duy nhất của Chúa Kitô, và chính tính cách duy nhất trong thánh chức và sứ mệnh đòi hỏi phải có sự hiệp thông phẩm trật giữa các linh mục và hàng Giám mục55, các linh mục biểu lộ mối hiệp thông đó rõ nét hơn mỗi khi cùng cử hành phụng vụ, và công khai thể hiện khi đồng tế với các Giám mục trong cử hành Thánh Thể56. Bởi thế, vì hồng ân thánh chức Chúa Thánh Thần đã ban cho các linh mục, các Giám mục hãy tiếp nhận các ngài như những trợ tá và cố vấn cần thiết trong thừa tác vụ cũng như trong các phận vụ giáo huấn, thánh hoá và chăn dắt đoàn Dân Chúa57. Ngay từ thời xa xưa trong Giáo Hội, các bản văn phụng vụ đã khẳng định rõ ràng điều đó khi long trọng cầu xin Thiên Chúa tuôn đổ trên người sắp thụ phong linh mục “thần trí chan hoà ân sủng và ơn minh luận, để ngài giúp đỡ và cai quản dân chúng với tâm hồn trong sạch”58, cũng như xưa trong sa mạc, thần trí của Môisen đã được thông ban cho tâm hồn của bảy mươi người khôn ngoan59 “để có họ làm trợ tá, ông dễ dàng cai quản đoàn dân đông đảo”60. Vì được thông dự cùng một chức tư tế và cùng một tác vụ, các Giám mục hãy đón nhận các linh mục như những người anh em và bạn hữu61, đồng thời cũng phải tận tâm chăm lo cho họ về phần thiện ích vật chất và nhất là về các nhu cầu thiêng liêng. Thật vậy, là người đảm nhận trọng trách thánh hoá các linh mục62, các Giám mục phải nỗ lực tối đa để thực hiện chương trình thường huấn dành cho các linh mục của mình63. Các ngài phải sẵn sàng lắng nghe, hơn nữa phải tham khảo ý kiến và cùng trao đổi với các linh mục về những nhu cầu trong công tác mục vụ và thiện ích của giáo phận. Để thực hiện điều đó, theo phương thức thích hợp tuỳ hoàn cảnh và nhu cầu hiện tại64, với hình thức và tiêu chuẩn do luật ấn định, phải thành lập một Ủy ban hay Hội đồng Linh mục65, đại diện cho Linh mục đoàn, để có thể tư vấn giúp đỡ Giám mục cách hữu hiệu hơn trong việc quản trị giáo phận.

Phần các linh mục, với ý thức về thánh chức sung mãn đã được trao ban cho các Giám mục, hãy tôn trọng nơi các ngài quyền bính của Chúa Kitô, vị Mục Tử tối cao. Vì thế, các linh mục luôn gắn kết với Giám mục của mình trong tình yêu thương và thái độ vâng phục chân thành66. Thái độ vâng phục của các linh mục, luôn gắn liền với tinh thần cộng tác, đặt nền tảng trên việc tham dự vào tác vụ Giám mục, một năng quyền được trao ban cho các linh mục qua bí tích Truyền Chức Thánh và sứ vụ được ủy thác chính thức theo luật định67.

Ngày nay, sự hợp nhất giữa các linh mục và Giám mục lại càng trở nên khẩn thiết, khi hoạt động tông đồ trong thời hiện đại, vì nhiều lý do khác nhau, vừa phải thực thi theo nhiều cách thức đa dạng, vừa phải vượt khỏi ranh giới giáo xứ hoặc giáo phận. Thật vậy, không một linh mục nào có thể chu toàn trọn vẹn sứ vụ cách tự lực hay đơn độc, nhưng phải hợp tác hành động cùng với các linh mục khác, dưới sự hướng dẫn của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội.

8.

Khi gia nhập hàng linh mục qua bí tích Truyền Chức Thánh, tất cả các linh mục đều đã được liên kết với nhau bằng tình huynh đệ do bí tích; nhưng khi được chỉ định phục vụ dưới quyền vị Giám mục trong một giáo phận, các ngài quy tụ cách đặc biệt thành một Linh mục đoàn duy nhất. Tuy giữ những chức vụ khác nhau, nhưng các ngài vẫn thi hành cùng một tác vụ linh mục để phục vụ con người. Thật vậy, tất cả các linh mục đều được sai đi để cộng tác vào cùng một công trình, hoặc thi hành tác vụ tại giáo xứ hay ngoài giáo xứ, tham gia công tác nghiên cứu khoa học hay dạy học, hoặc lao động tay chân để chia sẻ cuộc sống với các công nhân, khi được Giáo quyền hữu trách chấp nhận và xét là hữu ích, hoặc đảm nhận công tác nào khác liên quan đến hoạt động tông đồ. Tất cả đều phải hướng về mục đích duy nhất là xây dựng Thân Thể Chúa Kitô, một công trình đòi hỏi nhiều phận vụ đa dạng cũng như nhiều thích nghi mới mẻ, nhất là trong thời đại chúng ta ngày nay. Bởi thế, tất cả các linh mục, triều cũng như dòng, rất cần phải hỗ trợ nhau, để luôn mãi trở nên những cộng tác viên cùng phục vụ chân lý68. Tất cả các thành viên của Linh mục đoàn đều được liên kết với nhau bằng những mối dây đặc biệt của đức ái tông đồ, của thừa tác vụ và tình huynh đệ: ngay từ thời xa xưa, ý nghĩa này đã được diễn đạt trong nghi thức phụng vụ, khi các linh mục hiện diện cùng với Giám mục chủ phong đặt tay trên vị tiến chức, cũng như khi các ngài cùng hoà chung tâm tình cử hành Thánh lễ đồng tế. Khi tất cả anh em linh mục cùng liên kết với nhau trong tình yêu thương, qua lời cầu nguyện và thái độ sẵn sàng cộng tác, các ngài thể hiện sự hợp nhất theo như ý nguyện của Đức Kitô muốn các môn đệ Người được hoàn toàn nên một, để thế gian nhận biết là Chúa Con đã được chính Chúa Cha sai đến69.

Vì thế, những linh mục lớn tuổi hãy thực sự đón nhận các linh mục trẻ như những người em, hãy giúp đỡ họ trong những đề xuất mới cũng như trong những công tác đầu tiên của thừa tác vụ, nên cố gắng thông cảm tâm tư của họ, cho dù có khác với quan điểm của mình, và ân cần khích lệ các đề xướng của họ. Trong khi đó, các linh mục trẻ hãy tôn trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các vị cao niên, hãy bàn hỏi với các ngài về những vấn đề liên quan đến việc coi sóc các linh hồn và sẵn lòng chia sẻ công việc với các ngài.

Trong tinh thần huynh đệ đó, các linh mục đừng quên tỏ lòng hiếu khách70, thể hiện tình nhân ái và san sẻ của cải71, đặc biệt hãy quan tâm đến những vị đau yếu, phiền muộn, lao lực, cô đơn, bị đày ải và đang bị bách hại72. Các ngài cũng hãy thoải mái vui vẻ gặp gỡ nhau để thư giãn tâm trí, nhớ lại lời Chúa bảo các Tông đồ đang mệt mỏi: “Các con hãy đến nơi thanh vắng và nghỉ ngơi một chút” (Mc 6,31). Ngoài ra, nên để các linh mục giúp nhau vun đắp đời sống thiêng liêng và tri thức, để dễ dàng cộng tác với nhau hơn trong tác vụ, và, để tránh những nguy hiểm có thể xẩy đến do tình trạng cô đơn, các linh mục nên thực hiện nếp sống chung hoặc một lối sống cộng đoàn nào đó, với hình thức thay đổi tuỳ theo nhu cầu nhân sự hay mục vụ, hoặc cư trú chung một nhà nếu có điều kiện, hoặc dùng bữa chung, hoặc ít là gặp gỡ nhau thường xuyên hay theo định kỳ. Cũng nên trân trọng và quan tâm cổ vũ các hiệp hội linh mục, được thẩm quyền Giáo Hội công nhận, với ý hướng giúp các linh mục thánh hoá bản thân trong khi thi hành tác vụ, nhờ vào quy luật sống thích hợp được phê chuẩn hợp lệ cũng như nhờ sự tương trợ huynh đệ, để qua đó có thể phục vụ toàn thể hàng Linh mục.

Sau cùng, vì tình hiệp thông trong chức linh mục, các ngài biết rằng mình phải có trách nhiệm đặc biệt đối với những vị đang gặp khó khăn; phải kịp thời giúp đỡ, và nếu cần phải khuyên bảo cách tế nhị. Đối với những vị đang gặp thất bại trong lãnh vực nào đó, các ngài hãy luôn cư xử với tình bác ái huynh đệ và thái độ thông cảm, hãy tha thiết cầu nguyện cùng Chúa thật nhiều và chứng tỏ mình vẫn luôn là anh em và bạn hữu đích thực của họ.

9.

Các tư tế của Giao Ước mới đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh để thi hành phận vụ rất cao cả và cần thiết của một người cha và người thầy trong Dân Chúa và cho Dân Chúa, tuy nhiên, cùng với mọi Kitô hữu, các ngài cũng là môn đệ Chúa Kitô, được Thiên Chúa mời gọi tham dự vào vương quốc của Ngài73. Thật vậy, cùng với tất cả những ai đã được tái sinh trong dòng nước Thánh tẩy, các linh mục là những người anh em giữa các anh em74, như những chi thể trong cùng một Thân Thể duy nhất của Đức Kitô mà mọi người đều có nhiệm vụ xây dựng75.

Các linh mục là những người lãnh đạo, không phải để tìm tư lợi, nhưng tìm những điều thuộc về Đức Giêsu Kitô76; các ngài cùng làm việc và sống giữa giáo dân theo gương của Thầy chí thánh, Đấng đến với con người “không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhiều người” (Mt 20,28). Các linh mục phải chân thành nhìn nhận và phát huy phẩm giá và vai trò riêng của giáo dân trong sứ mệnh của Giáo Hội. Các ngài cũng hãy tôn trọng quyền tự do chính đáng mà mọi người đều được hưởng trong thành đô trần thế. Phải sẵn sàng lắng nghe, cứu xét các nguyện vọng của giáo dân trong tinh thần huynh đệ, đồng thời nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lãnh vực hoạt động nhân loại tự nhiên, để có thể cùng với họ nhận ra những dấu chỉ của thời đại. Trong khi nghiệm xét các thần khí xem có xuất phát từ Thiên Chúa hay không77, các ngài hãy dùng cảm thức đức tin để phát hiện, vui mừng tiếp nhận, và nhiệt tình phát huy những đặc sủng đa dạng của giáo dân, từ ơn nhỏ bé nhất đến ơn cao cả nhất. Trong những ân huệ mà Thiên Chúa tuôn tràn trên các tín hữu, cần lưu tâm đặc biệt đến những ơn giúp cho một số giáo dân tiến xa hơn trên đường thiêng liêng. Các ngài cũng hãy tin tưởng trao cho giáo dân các công tác trong việc phục vụ Giáo Hội, dành cho họ tự do và quyền hạn để hoạt động, hơn nữa, hãy tìm cách thích hợp để mời gọi họ tự ý đảm nhận công tác78.

Các linh mục được đặt giữa giáo dân để dẫn đưa mọi người đến hợp nhất trong đức ái, bằng cách “thương yêu nhau với tình bác ái huynh đệ, luôn coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,10). Vì thế, các ngài cần tìm cách hoà hợp các tâm tính khác nhau, để không ai cảm thấy mình là người xa lạ trong cộng đoàn tín hữu. Các linh mục phải nhân danh Giám mục để chăm lo và bảo vệ cho công ích, đồng thời cũng phải kiên quyết giữ vững chân lý để các tín hữu không bị trôi giạt theo những luồng gió học thuyết79. Các ngài phải đặc biệt lo lắng, và như những mục tử nhân lành, hãy ra đi tìm kiếm những người đã rời xa việc thực hành các bí tích, thậm chí là đã đánh mất đức tin.

Trong lúc vẫn lưu tâm đến những nguyên tắc về đại kết80, các ngài đừng lãng quên những anh em không cùng chúng ta thông hiệp trọn vẹn trong Giáo Hội.

Sau cùng, các ngài cũng có trách nhiệm đối với tất cả những ai chưa nhận biết Đức Kitô là Đấng Cứu Thế.

Phần các Kitô hữu hãy ý thức về những bổn phận đối với các linh mục, hãy thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các ngài như với chủ chăn và những người cha; cũng thế, họ phải chia sẻ những nỗi ưu tư của các ngài, hỗ trợ các ngài tối đa bằng lời cầu nguyện và các việc làm, để giúp các ngài thắng vượt khó khăn và chu toàn trách vụ của mình cách hữu hiệu hơn81.

III. VIỆC PHÂN BỔ CÁC LINH MỤC VÀ VẤN ĐỀ ƠN THIÊN TRIỆU LINH MỤC

10.

Trong ngày thụ phong, các linh mục lãnh nhận ân huệ thiêng liêng để sẵn sàng dấn thân không phải cho một sứ vụ giới hạn và thu hẹp, nhưng cho sứ mệnh cứu rỗi vô cùng rộng lớn và bao quát “đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8), vì tác vụ linh mục luôn mang tầm mức phổ quát của sứ mệnh đã được Đức Kitô ủy thác cho các Tông đồ. Thật vậy, chức Tư tế của Đức Kitô mà các linh mục được tham dự, nhất thiết phải hướng về mọi dân nước và mọi thời đại, không bị hạn chế bởi bất cứ một ranh giới, dân tộc hay thời đại nào, như đã được biểu trưng cách huyền nhiệm trong hình ảnh của Melkisêđê82. Các linh mục luôn nhớ mình phải quan tâm chăm lo cho tất cả các giáo đoàn. Vì thế, các linh mục thuộc những giáo phận hiện có dồi dào ơn gọi, khi được Đấng Bản quyền cho phép hoặc khích lệ, hãy sẵn sàng dấn thân phục vụ tại các địa hạt, trong các sứ vụ truyền giáo hay những lãnh vực hoạt động đang sa sút vì thiếu linh mục.

Ngoài ra, những tiêu chuẩn về việc nhập tịch và xuất tịch, một quy chế lâu đời vẫn phải duy trì, nhưng cần được tu chỉnh để đáp ứng cách tốt đẹp hơn cho những nhu cầu mục vụ ngày nay. Khi hoạt động tông đồ đòi hỏi, phải tạo điều kiện dễ dàng vừa để phân bổ các linh mục cách thích hợp, vừa để có người thi hành những công tác mục vụ chuyên biệt nơi các cộng đồng xã hội khác nhau trong địa hạt, quốc gia, hay trong bất cứ vùng đất nào trên thế giới. Để đạt mục đích đó, có thể thiết lập những chủng viện quốc tế, những giáo phận đặc biệt, những giáo hạt giám chức tòng nhân, hoặc những định chế tương tự, trong đó các linh mục có thể được bổ dụng hoặc nhập tịch để mưu cầu công ích cho toàn thể Giáo Hội, giữ theo thể thức được ấn định cho từng trường hợp, và luôn tôn trọng thẩm quyền các Đấng Bản quyền sở tại.

Khi gửi các linh mục đến một địa hạt mới, nhất là khi các ngài chưa biết rõ ngôn ngữ và phong tục bản xứ, hãy lưu ý đừng sai đi từng người đơn độc, nhưng như các môn đệ của Đức Kitô83, nên có ít là hai hay ba người cùng đi để có thể giúp đỡ lẫn nhau. Phải quan tâm chăm sóc đời sống thiêng liêng, sức khỏe tâm lý và thể lý của các ngài; và nếu có thể, chuẩn bị cho các ngài nơi cư ngụ và điều kiện làm việc tuỳ theo nhu cầu riêng của từng người. Đồng thời cũng phải chuẩn bị thật chu đáo cho những vị sắp ra đi đến một đất nước mới, chẳng những được học biết đầy đủ ngôn ngữ bản địa, nhưng cả những đặc tính tâm lý và xã hội của dân tộc mà các ngài muốn phục vụ trong khiêm tốn, để dễ dàng cảm thông với họ, theo gương thánh Phaolô Tông Đồ, người đã có thể nói về chính mình rằng: “Thật vậy, dù là người tự do không lệ thuộc ai, nhưng tôi đã trở thành tôi tớ của mọi người, để chinh phục được nhiều người. Với người Do Thái, tôi trở nên Do Thái, để chinh phục người Do Thái...” (1 Cr 9,19-20).

11.

Vị Mục tử tối cao cũng là Đấng chăn giữ linh hồn chúng ta84, khi thiết lập Giáo Hội của Người, đã muốn cho đoàn dân Người đã tuyển chọn và cứu chuộc bằng máu mình85, mãi cho đến tận thế vẫn luôn có các linh mục, để các Kitô hữu không bao giờ trở nên như những con chiên không có người chăn86. Nhận biết ý muốn của Đức Kitô và được Chúa Thánh Thần soi dẫn, các Tông đồ hiểu rằng mình có nhiệm vụ phải tuyển chọn những thừa tác viên “có khả năng dạy lại cho người khác” (2 Tm 2,2). Đây là một phận vụ gắn liền với chính sứ vụ linh mục, thúc đẩy linh mục luôn chia sẻ nỗi ưu tư của toàn thể Giáo Hội đó là không bao giờ muốn đoàn Dân Chúa ở trần gian phải thiếu người làm việc. Nhưng vì “thuyền trưởng và khách đi tàu... cùng chia sẻ chung một số phận”87, nên toàn dân Kitô giáo phải được hướng dẫn để nhận ra mình cũng có nghĩa vụ phải cộng tác bằng đủ mọi cách, bằng lời cầu nguyện tha thiết cũng như bằng những phương tiện hiện có88, sao cho Giáo Hội lúc nào cũng có đủ linh mục để thực thi sứ mệnh Chúa đã trao phó. Vì thế, các linh mục trước tiên phải chú tâm trình bày cho các tín hữu hiểu rõ giá trị cao quý và sự cần thiết của chức linh mục, qua lời giảng dạy và bằng chứng tá của một nếp sống luôn thể hiện rõ nét tinh thần phục vụ và niềm vui vượt qua đích thực, và sau khi thận trọng nhận định về khả năng thi hành tác vụ cao cả này nơi những người còn trẻ hoặc đã trưởng thành, các ngài hãy dành nhiều công sức và đừng ngại khó khăn để giúp họ chuẩn bị xứng đáng, dĩ nhiên với ý hướng hoàn toàn tự do bên trong cũng như bên ngoài, cho đến ngày được các Giám mục kêu gọi tiến chức. Để đạt đến mục đích ấy, họ rất cần nhận được sự linh hướng tận tình và khôn ngoan. Các bậc phụ huynh, các giáo viên và tất cả những ai dù với cấp độ nào, đang tham gia vào công tác giáo dục, phải tìm cách giúp các thiếu nhi và thanh thiếu niên nhận ra điều Chúa đang muốn thực hiện cho đoàn chiên của Người, và biết quan tâm đến những nhu cầu của Giáo Hội, nhờ đó, khi nghe tiếng Chúa gọi, họ sẵn sàng quảng đại đáp lại như vị ngôn sứ ngày xưa: “Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6,8). Nhưng đừng nghĩ rằng tiếng Chúa gọi sẽ vọng đến tai các linh mục tương lai theo một cách thức lạ thường. Thật ra, tiếng gọi đó phải được nhận biết và phân định qua những dấu chỉ hằng ngày vẫn giúp các Kitô hữu khôn ngoan nhận ra thánh ý Thiên Chúa; đây là những dấu chỉ cần được các linh mục chú tâm xét định89.

Các linh mục cần tích cực tham gia những tổ chức hoạt động cổ vũ ơn kêu gọi cấp giáo phận hay cấp quốc gia90. Trong các bài giảng, khi dạy giáo lý, hay trong sách báo, các ngài hãy giúp mọi người nhận thức được những nhu cầu của Giáo Hội địa phương cũng như Giáo Hội hoàn vũ, hãy làm sáng tỏ ý nghĩa và giá trị cao quý của tác vụ linh mục, một tác vụ với những trọng trách nặng nề nhưng đồng thời cũng tràn đầy niềm vui, và hơn nữa, như lời các thánh Giáo phụ, một tác vụ có thể nói lên chứng từ cao cả nhất về tình yêu đối với Đức Kitô.

--- Còn tiếp ---

--------------------------------------------------------------------

 

[55] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 28.

[56] x. Constitutionem Ecclesiasticam Apostolorum, XVIII: Các linh mục là những kẻ đồng tham dự các mầu nhiệm (symmystai) và đồng chiến đấu (synepímachoi) với các Giám mục: xb. Th. Schermann, Die allgemeine Kirchenordnung, I, Paderborn 1914, tr. 26; A. HARNACK, Die Quellen der sog. apostolischen Kirchenordnung, T. u. U., II, 5, tr. 13, số 18 và 19; PSEUĐÔ-HIÊRÔNYMÔ, De Septem Ordinibus Ecclesi„: “... trong lễ chúc tụng, họ là những người cùng với Giám mục tham dự các mầu nhiệm”: xb. A. W. Kalff, Wušrzburg 1937, tr. 45; T. ISIĐÔRÔ HISPAL, De Ecclesiasticis Officiis, II, ch. VII: “Họ đứng đầu Giáo Hội của Đức Kitô và tham dự với các Giám mục trong việc cử hành bí tích Thánh Thể, cũng như trong việc dạy dỗ dân và trong phận vụ rao giảng”: PL 83, 787.

[57] x. Didascalia, II, 28, 4: xb. F. X. Funk, tr. 108; Constitutiones Apostolorum, II, 28, 4; II, 34, 3: F. X. Funk, tr. 109 và 117.

[58] Const. Apost. VIII, 16, 4: F. X. Funk, I, 523, 13; x. Epistome Const. Apost., VI: F. X. Funk, II, tr. 80, 3-4; Testamentum Domini: “... xin Chúa ban cho người này Thánh Thần ân sủng, khuyến dụ, đại độ, và tinh thần linh mục... để hoạt động giúp đỡ và cai quản Dân Chúa với lòng kính sợ và tâm hồn trong trắng”: bản dịch Latinh của I. E. Rahmani, Mogunti„ 1899, tr. 69. Ý tưởng này cũng gặp trong Trad. Apost.: xb. B. Botte, La Tradition Apostolique de Saint Hippolyte, Mušnster i. W. 1963, tr. 20.

[59] x. Ds 11,16-25.

[60] Pontificale romanum, «Kinh Tiền Tụng lễ phong chức linh mục», những lời đã có trong Sacramentarium Leonianum, Sacramentarium Gelasianum và Sacramentarium Gregorianum. Những ý tưởng tương tự cũng gặp thấy trong Phụng vụ Đông phương: x. Trad. Apost.: “... xin nhìn đến tôi tớ Chúa đây và ban Thánh Thần ân sủng, khuyến dụ và tinh thần linh mục, để tôi tớ Chúa giúp đỡ và cai quản Dân Chúa với tâm hồn trong trắng, như xưa Chúa đã nhìn đến đoàn Dân Chúa chọn và đã truyền cho Môisen tuyển lựa các vị trưởng lão, những người được Chúa đổ tràn chính Thần trí Chúa đã ban cho tôi tớ Chúa”: theo bản dịch Latinh Verona, xb. B. Botte, La Tradition Apostolique de S. Hippolyte. Essai de reconstruction, Mušnster i. W. 1963, tr. 20; Const. Apost. VIII, 16, 4 : xb. F. X. Funk I, tr. 522, 16-17; Epist. Const. Apost. VI: xb. F. X. Funk II tr. 80, 5-7; Testamentum Domini: bản dịch latinh của I. E. Rahmani, Mogunti„ 1899, tr. 69; Euchologion Serapionis, XXVII: xb. F. X. Funk; Didascalia et Constitutiones, II, tr. 190, hàng 1-7; Ritus Ordinationis in ritu Maronitarum: bản dịch H. Denzinger; Ritus Orientalium, II, Wušrzburg, 1863, tr. 161; Trong số các Giáo phụ, có thể kể: THÊÔĐÔRÔ MOPSUESTENÔ, In 1 Tm. 3, 8: xb. Swete, II, tr. 119-121; THÊÔĐÔRÔ, Qu„stiones in Numeros, XVIII: PG 80, 369C-372B.

[61] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 28.

[62] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Sacerdotii Nostri primordia, 1.8.1959: AAS 51 (1959) tr. 576; PIÔ X, Huấn dụ giáo sĩ H„rent animo, 4.8.1908: S. Pii X Acta, vol. IV (1908), tr. 237tt.

[63] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục tử của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 15 và 16.

[64] Theo Giáo luật hiện hành, Hội Kinh sĩ Chính toà như là “nguyên lão viện và ban cố vấn” của Giám mục (GL, 391) hoặc nếu không có, thì Hội đồng cố vấn giáo phận thay thế (x. GL, 423-428). Tuy nhiên điều rất đáng mong ước là những tổ chức ấy phải được chỉnh đốn cho thích hợp hơn với những hoàn cảnh và nhu cầu hiện đại. Hội đồng Linh mục dĩ nhiên khác Ủy ban Cố vấn mục vụ: về vấn đề này có nói trong Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục tử của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 27, vì trong Ủy ban Cố vấn mục vụ có cả giáo dân, và chỉ có thẩm quyền trong những gì liên quan đến hoạt động mục vụ. Về việc các linh mục như là cố vấn của Giám mục có thể xem Didascalia, II, 28, 4: xb. F. X. Funk, I, tr. 108; Const. Apost. II, 28, 4: xb. F. X. Funk, I, tr. 109; T. IGNATIÔ TỬ ĐẠO, Magn. 6, 1: xb. F. X. Funk, tr. 194; Trall. 3, 1: xb. F. X. Funk, tr. 204; ÔRIGÊNÊ, Contra Celsum, III, 30: các linh mục là những cố vấn hay là boúleytai: PG 11, 957D-960A.

[65] IGNATIÔ TỬ ĐẠO, Magn., 6, 1: “Cha nài xin các con hãy chăm chú làm mọi việc trong sự đồng tâm thánh thiện, dưới quyền của vị Giám mục đại diện Thiên Chúa và của các linh mục đại diện Hội đồng các Tông đồ, và của các phó tế rất yêu quý của cha, những người đó đã được trao ban tác vụ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng ngự bên Thiên Chúa từ trước muôn đời, và đã xuất hiện vào thời buổi cuối cùng”: xb. F. X. Funk, tr. 195; T. IGNATIÔ TỬ ĐẠO, Trall. 3, 1: “Cũng vậy, mọi người hãy kính trọng các vị phó tế như đối với Chúa Kitô, như đối với Giám mục là hình ảnh Chúa Cha, với các linh mục là nguyên lão viện của Thiên Chúa và là Hội đồng các Tông đồ: vì không có các đấng ấy, không thể nói đến Giáo Hội”: xb. F. X. Funk, tr. 204; T. HIÊRÔNYMÔ, In Isaiam, II, 3: PL 24, 61D: “Trong Giáo Hội, chúng ta cũng có nguyên lão viện của chúng ta là Hội đồng Linh mục”.

[66] x. PHAOLÔ VI, Diễn từ tại đền Sixtine cho các cha xứ và các linh mục giảng thuyết mùa Chay ở Rôma, 1.3.1965: AAS 57 (1965), tr. 326.

[67] x. Const. Apost. VIII, 47, 39: “Các linh mục... không được làm gì mà không hỏi ý kiến Giám mục, vì chính Giám mục là người mà Chúa đã ủy thác Dân Chúa và là người phải trả lẽ về những linh hồn được các linh mục coi sóc”: xb. F. X. Funk, tr. 577.

[68] x. 3 Ga 8.

[69] x. Ga 17,23.

[70] x. Dt 13,1-2.

[71] x. Dt 13,16.

[72] x. Mt 5,10.

[73] x. 1 Ts 2,12; Cl 1,13.

[74] x. Mt 23,8; “Muốn trở thành chủ chăn, thành người cha và thầy của mọi người, chúng ta phải là anh em của họ”: PHAOLÔ VI, Thông điệp Ecclesiam Suam, 6.8.1964: AAS 58 (1964), tr. 647.

[75] x. Ep 4,7 và 16; Const. Apost. VIII, 1, 20: “Giám mục không nên đối nghịch với các phó tế hoặc linh mục, cũng như các linh mục không nên đối nghịch với dân chúng, vì tất cả đều làm thành một cộng đoàn”: xb. F. X. Funk, I, tr. 467.

[76] x. Pl 2,21.

[77] x. 1 Ga 4,1.

[78] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 37.

[79] x. Ep 4,14.

[80] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Đại kết Unitatis Redintegratio.

[81] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 37.

[82] x. Dt 7,3.

[83] x. Lc 10,1.

[84] x. 1 Pr 2,25.

[85] x. Cv 20,28.

[86] x. Mt 9,36.

[87] Pontificale romanum, Lễ phong chức linh mục.

[88] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về việc Đào tạo linh mục Optatam Totius, 2.

[89] “Tiếng Chúa gọi được biểu hiện bằng hai cách khác nhau, nhưng đều tuyệt diệu và quy về một hướng: có thể đó là tiếng nói bên trong, tiếng nói của ơn thánh, của Chúa Thánh Thần, của sức lôi cuốn nội tâm khôn tả, qua giọng nói âm thầm và quyền năng của Chúa vang lên nơi thâm tâm sâu thẳm trong con người; cũng có thể đó là tiếng nói từ bên ngoài, mang tính cách nhân loại, khả giác, xã hội, pháp lý và cụ thể, đó là tiếng nói của một thừa tác viên Lời Chúa, của một tông đồ, của phẩm trật được Đức Kitô thiết lập như một phương thế cần thiết và như trung gian diễn đạt sứ điệp của Ngôi Lời và của giới luật Thiên Chúa. Về điều này, giáo lý công giáo nhắc lại lời thánh Phaolô: “Làm sao nghe biết được nếu không có ai rao giảng? Đức tin có được là do nghe nói (Rm 10,14 và 17)”, PHAOLÔ VI, Huấn dụ ngày 5.5.1965: L'Osservatore Romano, 6.5.1965, tr. 1.

[90] x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về việc Đào tạo linh mục Optatam Totius, 2.

zalo
zalo