CHƯƠNG III
ĐỜI SỐNG LINH MỤC
I. CÁC LINH MỤC ĐƯỢC MỜI GỌI NÊN HOÀN THIỆN
12.
Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, các linh mục nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Linh mục, trở thành thừa tác viên của Đầu để kiến tạo và xây dựng toàn Nhiệm Thể của Người là Giáo Hội, với tư cách là những cộng tác viên của hàng Giám mục. Chắc chắn, khi được thánh hiến qua bí tích Rửa Tội, cũng như tất cả các tín hữu khác, các ngài đã lãnh nhận dấu chỉ trao ban hồng ân thánh sủng và ơn gọi Kitô hữu, để mọi người, dù bản tính nhân loại yếu hèn91, có thể và phải hướng đến sự hoàn thiện, như lời Chúa đã nói: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Tuy nhiên, các linh mục còn có lý do đặc biệt buộc phải đạt tới sự hoàn thiện này, vì khi được thánh hiến cho Thiên Chúa với một chiều kích mới nhờ việc lãnh nhận chức thánh, các ngài trở nên những khí cụ sống động của Đức Kitô Tư Tế vĩnh cửu, để tiếp tục thực hiện qua các thời đại công trình kỳ diệu của Đấng đã lấy quyền năng cao cả mà tái lập toàn thể xã hội con người92. Vì thế, khi trở thành hiện thân của Đức Kitô theo chức vụ của mình, mỗi linh mục cũng nhận được ơn ban đặc biệt, để khi phục vụ đoàn dân được trao phó cho ngài cũng như toàn thể Dân Chúa, các ngài có thêm khả năng vươn đến sự hoàn thiện của chính Đấng đã trao tác vụ cho các ngài, và để sự yếu đuối của xác thịt phàm nhân được chữa lành nhờ sự thánh thiện của Đấng vì chúng ta đã trở nên vị Thượng Tế “thánh thiện, vô tội, vẹn toàn, tách biệt khỏi các tội nhân” (Dt 7,26).
Đức Kitô, Đấng Chúa Cha đã thánh hoá, thánh hiến và sai xuống trần gian93, “đã tự hiến vì chúng ta, để cứu chúng ta khỏi mọi điều bất chính và để thanh luyện đoàn dân được Ngài tuyển nhận, dân nhiệt thành làm việc thiện” (Tt 2,14), và Người đã trải qua cuộc khổ hình để đi vào vinh quang94; cũng thế, khi đã được Chúa Thánh Thần xức dầu thánh hiến và được Đức Kitô sai đi, các linh mục hãm dẹp tính xác thịt nơi bản thân và trao hiến trọn vẹn chính mình để phục vụ nhân loại, và như thế, các ngài có thể tiến tới trên đường thánh thiện, được nên phong phú trong Đức Kitô để đạt đến con người hoàn thiện95.
Như vậy, khi phục vụ Thần Khí và đức công chính96, các ngài được vững mạnh trong đời sống thiêng liêng, với điều kiện biết ngoan ngoãn nghe theo Thánh Thần của Chúa Kitô, Đấng ban sự sống và đang dẫn dắt các ngài. Thật vậy, các ngài hướng tới đời sống hoàn thiện nhờ chính những thánh vụ được cử hành hằng ngày, cũng như nhờ tất cả những tác vụ được thực thi trong tình hiệp thông với Giám mục và các linh mục khác. Trong khi đó, chính sự thánh thiện của linh mục lại mang đến hoa trái dồi dào cho tác vụ của các ngài: thật vậy, dù ơn Chúa có thể hoàn tất công trình cứu rỗi qua những thừa tác viên bất xứng, nhưng Thiên Chúa vẫn thích bày tỏ kỳ công của Ngài qua những con người, nhờ sẵn sàng nghe theo sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, bằng sự kết hiệp mật thiết với Đức Kitô và bằng đời sống thánh thiện, có thể nói như Thánh Tông Đồ: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Vì thế, để đạt tới những hiệu quả mục vụ trong việc canh tân Giáo Hội, để truyền bá Tin Mừng trên toàn thể địa cầu cũng như để đối thoại với thế giới ngày nay, Thánh Công Đồng tha thiết mời gọi tất cả các linh mục hãy sử dụng những phương tiện thích hợp đã được Giáo Hội đề nghị97, để luôn nỗ lực vươn cao lên mãi trên đường thánh thiện, nhờ đó các ngài trở nên những khí cụ ngày càng hữu hiệu trong việc phục vụ toàn thể cộng đoàn Dân Chúa.
13.
Thành tâm và kiên trì thi hành phận vụ trong Thần Khí của Đức Kitô chính là phương thế dành riêng đưa các linh mục đạt đến sự thánh thiện.
Là thừa tác viên Lời Chúa, hằng ngày các ngài đọc và nghe chính Lời mà các ngài sẽ dạy lại cho người khác; nếu biết tận tâm đón nhận lời Chúa, các ngài sẽ ngày càng trở nên những môn đệ hoàn thiện hơn của Chúa Kitô, như lời Thánh Tông Đồ Phaolô nói với Timôthêô: “Con hãy chuyên cần, hãy chú tâm thực thi các điều đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của con. Hãy thận trọng trong cách sống và trong lời giảng dạy: hãy kiên trì trong những điều ấy. Vì như thế, con sẽ cứu được chính mình và cả những ai nghe lời con giảng dạy” (1 Tm 4,15-16). Thật vậy, khi tìm những phương cách thích hợp để có thể chuyển trao cho kẻ khác những điều mình đã chiêm niệm98, các ngài cảm nếm cách sâu sắc hơn “sự phong phú khôn lường của Chúa Kitô” (Ep 3,8) và sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa99. Bởi nhớ rằng chính Chúa là Đấng soi trí mở lòng cho người nghe100, và quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa chứ không phải từ chính mình101, nên khi trao ban Lời Chúa, các ngài liên kết mật thiết với Đức Kitô là Thầy và để cho Thánh Thần của Người hướng dẫn. Khi thông hiệp với Đức Kitô, các ngài thông dự vào tình yêu Thiên Chúa, mầu nhiệm được giấu kín từ muôn thuở102 nay đã được mặc khải trong Đức Kitô.
Là thừa tác viên của các mầu nhiệm thánh, cách đặc biệt trong Hiến tế Thánh lễ, các linh mục chính là hiện thân của Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến mình làm tế vật để thánh hoá nhân loại; vì thế, các ngài được mời gọi noi theo điều các ngài đang thực hiện, để khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết, các ngài khắc chế bản thân khỏi những khuyết điểm và dục vọng103. Công trình cứu độ được tiếp diễn104 nơi mầu nhiệm Hy tế Thánh Thể, trong đó các linh mục thực thi phận vụ trọng yếu nhất của mình, vì thế, Giáo Hội tha thiết khuyên bảo các ngài hãy cử hành Thánh lễ hằng ngày, vì cả khi không có tín hữu tham dự, đó vẫn là hành động của Đức Kitô và của Giáo Hội105. Như vậy, khi liên kết với hành động của Đức Kitô là Tư tế, hằng ngày các linh mục tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, và khi được Mình Thánh Chúa Kitô nuôi dưỡng, các ngài thành tâm thông dự vào tình yêu của Đấng đã trao ban chính mình làm lương thực cho các tín hữu. Cũng thế, khi trao ban các bí tích, các ngài kết hợp với ý hướng và tình yêu của Chúa Kitô; điều này được thể hiện cách đặc biệt nếu các ngài luôn sẵn sàng trong mọi trường hợp và bất cứ lúc nào, để trao ban bí tích Giải Tội mỗi khi các tín hữu thỉnh cầu cách hợp lý. Khi đọc kinh Thần vụ, các ngài thay lời cho Giáo Hội để không ngừng cầu nguyện nhân danh toàn thể nhân loại, và để kết hợp với Chúa Kitô, Đấng “hằng sống luôn chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 7,25).
Là những người cai quản và chăn dắt đoàn Dân Chúa, các ngài được tình yêu của vị Mục Tử nhân lành thúc đẩy để dám thí mạng vì đoàn chiên106, sẵn sàng hy sinh đến cùng, theo gương của những linh mục, ngay cả trong thời hiện đại, không quản ngại trao ban chính mạng sống mình; là những nhà giáo dục trong đức tin và “mạnh dạn bước vào cung thánh nhờ Máu Chúa Kitô” (Dt 10,19), các ngài đến gần Thiên Chúa “với tấm lòng chân thành tràn đầy niềm tin” (Dt 10,22); các ngài khơi niềm hy vọng vững vàng cho các tín hữu107, để khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, các ngài có thể nâng đỡ ủi an những ai đang gặp gian nan khốn khó108 ; là những người lãnh đạo cộng đoàn, các ngài thực hành việc khổ chế riêng của người chăn dắt các linh hồn, khi từ bỏ những tiện nghi dành cho bản thân, không tìm kiếm tư lợi nhưng mưu cầu lợi ích cho nhiều người, để giúp họ được cứu rỗi109, luôn nỗ lực thăng tiến để hoàn thiện hoá công tác mục vụ, và khi cần, sẵn sàng dấn bước vào những nẻo đường mục vụ mới, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần tình yêu, Đấng muốn thổi đâu thì thổi110.
14.
Trong thế giới ngày nay, do phải gánh vác quá nhiều công việc và phải bận tâm vì nhiều vấn đề, lắm khi cần phải giải quyết cấp tốc, nên thường xảy ra tình trạng con người bị phân hoá nơi chính bản thân. Phần các linh mục, thường phải vướng bận và bị chi phối bởi nhiều yêu cầu của phận vụ, nên có thể cũng ưu tư khi tìm cách kết hợp đời sống nội tâm với những đòi hỏi của hoạt động bên ngoài. Việc thống nhất đời sống không thể thực hiện được nếu chỉ chuyên lo tổ chức các hoạt động bên ngoài của tác vụ, hoặc chỉ chú tâm thực hành các việc đạo đức, tuy dù điều này cũng giúp ích nhiều cho việc thống nhất đời sống. Các linh mục chỉ có thể kiến tạo sự thống nhất đời sống khi thi hành tác vụ theo gương Đức Kitô, người đã dùng thứ lương thực là làm theo ý muốn và hoàn tất công trình của Đấng đã sai Người111.
Thật ra, để luôn mãi thực thi thánh ý của Chúa Cha trên trần gian qua Giáo Hội, Đức Kitô vẫn đang hành động qua các thừa tác viên của Người, và vì vậy Người vẫn là nguyên lý và là nguồn mạch sự thống nhất đời sống của các ngài. Vì thế, các linh mục phải thực hiện việc thống nhất đời sống bằng cách kết hợp với Đức Kitô trong sự nhận biết thánh ý Chúa Cha, và qua sự hiến thân cho đoàn chiên đã được trao phó cho các ngài112. Như thế, khi hành động với tư thế của vị Mục Tử nhân lành, qua việc thực thi đức ái mục tử, các ngài tìm thấy mối dây ràng buộc mọi điều toàn thiện trong đời sống linh mục, để từ đó có thể thống nhất đời sống và hoạt động của mình. Đức ái mục tử này113 tuôn trào mạnh mẽ từ Hy tế Thánh Thể, là trung tâm và là nguồn mạch của toàn thể đời sống linh mục, vì thế linh mục luôn nỗ lực tiếp nhận trong tâm hồn điều được cử hành trên bàn thờ tế lễ. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể thực hiện được khi chính các linh mục biết luôn cầu nguyện để ngày càng hoà nhập sâu xa hơn vào mầu nhiệm Chúa Kitô.
Để có thể xác nhận cách chính xác sự thống nhất đời sống, các ngài phải nghiệm xét mọi hoạt động của mình để nhận ra đâu là thánh ý Thiên Chúa114, để thấy hoạt động nào phù hợp với những tiêu chuẩn trong sứ mệnh Tin Mừng của Giáo Hội. Thật vậy, lòng trung thành với Đức Kitô không thể tách rời khỏi lòng trung thành với Giáo Hội. Do đó, đức ái mục tử đòi hỏi các linh mục, nếu không muốn chạy ngược chạy xuôi cách luống công115, phải luôn hành động trong tình hiệp thông với các Giám mục và những anh em linh mục khác. Đó là phương cách để các linh mục tìm được sự thống nhất của đời sống bản thân trong chính sự thống nhất của sứ mệnh Giáo Hội, và như thế, các ngài được hợp nhất với Chúa Giêsu, và qua Người, hợp nhất với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, để có thể tràn đầy an ủi và chan chứa niềm vui116.
--- Còn tiếp ---
----------------------------------------------------------
[91] x. 2 Cr 12,9.
[92] x. PIÔ XI, Thông điệp Ad catholici sacerdotii, 20.12.1935: AAS 28 (1936), tr. 10.
[93] x. Ga 10,36.
[94] x. Lc 24,26.
[95] x. Ep 4,13.
[96] x. 2 Cr 3,8-9.
[97] x. Các văn kiện: PIÔ X, Huấn dụ giáo sĩ H„rent animo, 4.8.1908: S. Pii X Acta, vol. IV (1908), tr. 237tt.; PIÔ XI, Thông điệp Ad catholici sacerdotii, 20.12.1935: AAS 28 (1936), tr. 5tt.; PIÔ XII, Tông huấn Menti Nostr„, 23.9.1950: AAS 42 (1950), tr. 657tt.; GIOAN XXIII, Thông điệp Sacerdotii Nostri primordia, 1.8.1959, AAS 51 (1959), tr. 545tt.
[98] x. T. TÔMA, Summa Theol. II-II, q. 188, a. 7.
[99] x. Ep 3,9-10.
[100] x. Cv 16,14.
[101] x. 2 Cr 4,7.
[102] x. Ep 3,9.
[103] x. Pontificale romanum, Lễ phong chức linh mục.
[104] x. Sách lễ Rôma, Lời nguyện trên lễ vật, Chúa Nhật IX sau Hiện Xuống.
[105] “Bất cứ Thánh lễ nào, dù linh mục cử hành một mình cũng không mang tính cách riêng tư, nhưng đều là hành động của Đức Kitô và của Giáo Hội; thật vậy, Giáo Hội đã học biết hiến dâng chính mình trong hy lễ mà Giáo Hội dâng như của lễ phổ quát và thể hiện quyền năng cứu độ duy nhất và vô hạn của hy lễ Thánh Giá vì phần rỗi của toàn thế giới. Mỗi Thánh lễ được cử hành, không phải chỉ dâng lên vì phần rỗi một vài người, nhưng cho toàn thế giới (...) Vì thế, Ta lấy tình hiền phụ tha thiết nhắn nhủ các linh mục là niềm vui lớn lao nhất và là triều thiên của Ta trong Chúa... các ngài hãy cử hành Thánh lễ hằng ngày cách xứng đáng và thành kính”: PHAOLÔ VI, Thông điệp Mysterium Fidei, 3.9.1965: AAS 57 (1965), tr. 761-762; x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 4.12.1963, 26 và 27.
[106] x. Ga 10,11.
[107] x. 2 Cr 1,7.
[108] x. 2 Cr 1,4.
[109] x. 1 Cr 10,33.
[110] x. Ga 3,8.
[111] x. Ga 4,34.
[112] x. 1 Ga 3,16.
[113] “Chăn dắt đoàn chiên của Chúa là chứng minh tình yêu của mình”: T. AUGUSTINÔ, Tract. in Jo., 123, 5: PL 35, 1967.
[114] x. Rm 12,2.
[115] x. Gl 2,2.
[116] x. 2 Cr 7,4.