Ngày tháng: 02/05/2025
Đang truy cập: 16

SẮC LỆNH VỀ TÁC VỤ VÀ ĐỜI SỐNG CÁC LINH MỤC (5)

CHƯƠNG III

ĐỜI SỐNG LINH MỤC

II. NHỮNG ĐÒI HỎI ĐẶC BIỆT TRONG ĐỜI SỐNG TU ĐỨC CỦA LINH MỤC

15.

Trong những nhân đức cần thiết hơn cả cho tác vụ linh mục, phải kể đến thái độ luôn sẵn sàng hành động không phải theo ý riêng nhưng theo ý Đấng đã sai mình117. Thật vậy, các linh mục đã được Chúa Thánh Thần tuyển chọn118 để thực thi một phận vụ thánh thiêng vượt quá mọi năng lực và khôn ngoan nhân loại; quả thật, “Thiên Chúa đã chọn những yếu kém trong thế gian để hạ nhục những gì là hùng mạnh” (1 Cr 1,27). Vì thế, thừa tác viên đích thực của Đức Kitô, bởi ý thức mình hèn kém, nên luôn khiêm tốn hành động trong ý hướng tìm kiếm những điều đẹp lòng Thiên Chúa119, và như bị Thánh Thần trói buộc120, ngài hoàn toàn tuân theo thánh ý của Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi; ngài có thể khám phá và thi hành thánh ý Chúa trong công việc hằng ngày, khi khiêm tốn phục vụ tất cả những người được Thiên Chúa ủy thác cho ngài, trong phận vụ đã lãnh nhận cũng như qua những biến cố trong đời.

Tuy nhiên, tác vụ linh mục, vì là tác vụ của chính Giáo Hội, nên chỉ có thể được chu toàn trong sự hiệp thông phẩm trật của toàn thân thể. Bởi thế, đức ái mục tử thúc giục các linh mục, khi hành động trong tình hiệp thông, biết hy sinh ý riêng khi phục vụ Thiên Chúa và anh chị em với thái độ vâng phục, lấy tinh thần đức tin để đón nhận và tuân theo những gì được Đức Giáo Hoàng, Đức Giám mục giáo phận, cũng như các Bề trên truyền dạy và khuyên bảo; biết sẵn lòng chi tiêu tiền của và cả đến tiêu hao chính mình121 trong bất cứ phận vụ nào đã được trao phó, dù là bé nhỏ và hèn kém. Đó chính là cách thế để các linh mục bảo toàn và củng cố sự hợp nhất cần phải có với những người anh em trong thừa tác vụ, nhất là với những vị được Chúa đặt làm người lãnh đạo hữu hình của Giáo Hội, đồng thời cũng để các ngài hoạt động cho công trình xây dựng Thân Thể Chúa Kitô được lớn lên “nhờ tất cả các gân mạch hỗ trợ”122. Thái độ vâng phục này, thái độ đưa đến sự tự do trưởng thành của con cái Thiên Chúa, tự bản chất đòi buộc các linh mục, nhờ đức ái thúc đẩy trong lúc thi hành phận vụ, luôn thận trọng nghiên cứu những phương thức mới nhằm mang lại thêm nhiều thiện ích cho Giáo Hội, đồng thời cũng tin tưởng đưa ra những đề xướng và cặn kẽ trình bày các nhu cầu của đoàn chiên được trao phó, nhưng vẫn luôn sẵn sàng phục tùng quyết định của những vị có phận vụ lãnh đạo trong việc cai quản Giáo Hội Chúa.

Nhờ thái độ khiêm nhường và vâng phục trong tinh thần trách nhiệm và tự nguyện, các linh mục nên giống Đức Kitô, có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu, Đấng “tự hủy mình khi nhận lấy thân nô lệ…, đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,7-9), và nhờ vâng phục, Người đã vượt thắng và chuộc lại tội bất phục tùng của Ađam, như Thánh Tông Đồ đã minh chứng: “vì một người không vâng phục mà muôn người hoá thành tội nhân, thì cũng thế, vì một Đấng phục tùng mà nhiều người được trở nên công chính” (Rm 5,19).

16.

Sự tiết dục trọn vẹn và vĩnh viễn vì Nước Trời như Đức Kitô khuyên dạy123, điều đã được một số đông Kitô hữu trong các thời đại và ngay cả ngày nay tự nguyện chấp nhận và tuân giữ cách đáng khâm phục, vẫn luôn được Giáo Hội quý trọng như một đặc điểm của đời sống linh mục. Thật vậy, đó vừa là dấu chỉ vừa là động lực của đức ái mục tử, đồng thời cũng là nguồn mạch đặc biệt của sự phong nhiêu thiêng liêng trong thế giới124. Thật ra, chức linh mục tự bản chất không đòi buộc điều đó như đã thấy trong thực hành thời Giáo Hội sơ khai125 và nơi truyền thống của các Giáo Hội Đông phương, trong đó, ngoài các Giám mục và những người nhờ ơn thánh đã chọn sống đời độc thân, vẫn có những linh mục rất đức độ đã lập gia đình; khi biểu dương nếp sống độc thân của hàng giáo sĩ, Thánh Công Đồng không hề có ý định thay đổi kỷ luật tuy khác biệt nhưng vẫn có hiệu lực cách chính đáng trong các Giáo Hội Đông phương, và thân ái khuyên nhủ tất cả những ai đã lãnh nhận chức linh mục và hiện đang sống trong bậc hôn nhân, hãy bền chí trong ơn gọi thánh thiện và tiếp tục trao hiến đời sống mình cách trọn vẹn và quảng đại cho đoàn chiên được trao phó126.

Tuy nhiên, nếp sống độc thân rất thích hợp với chức linh mục. Thật vậy, sứ mệnh của linh mục là tận hiến hoàn toàn để phục vụ một nhân loại mới đã được Đức Kitô, Đấng chiến thắng sự chết, phục hồi nhờ Thánh Thần của Người trong thế gian, một nhân loại được sinh ra “không bởi khí huyết, không bởi ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của nam nhân, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1,13). Nhờ đức khiết tịnh hay nếp sống độc thân vì Nước Trời127, các linh mục được thánh hiến cho Đức Kitô cách mới mẻ và tuyệt hảo, kết hợp với Người cách dễ dàng hơn bằng một trái tim không chia sẻ128, tự hiến cách tự do hơn trong Người và nhờ Người để phục vụ Thiên Chúa và loài người, thanh thản hơn trong việc phục vụ cho Nước Chúa và cho công cuộc tái sinh siêu nhiên, và như thế cũng thích hợp hơn để thể hiện rộng rãi hơn tình phụ tử trong Chúa Kitô. Qua nếp sống độc thân, các linh mục cho mọi người thấy rằng, các ngài muốn hoàn toàn dấn thân để thực thi phận vụ đã được trao phó, đó là đính ước các tín hữu với vị Phu Quân duy nhất và hiến dâng họ cho Đức Kitô như một trinh nữ thanh sạch129, và như thế các ngài gợi nhớ đến cuộc hôn nhân mầu nhiệm đã được Thiên Chúa thiết lập và sẽ được tỏ bày trọn vẹn ở đời sau, trong đó Giáo Hội chỉ có một vị Hôn phu duy nhất là Đức Kitô130. Ngoài ra, các ngài còn trở nên dấu chỉ sống động về thế giới mai sau, đã được kiến tạo ngay ở đời này nhờ đức tin và đức ái, trong đó con cái sự sống lại không còn dựng vợ gả chồng nữa131.

Được đặt nền trên chính mầu nhiệm và sứ mệnh của Chúa Kitô, nếp sống độc thân trước tiên được cổ vũ nơi các linh mục, sau đó đã trở thành điều luật buộc trong Giáo Hội latinh đối với tất cả những ai muốn chịu chức thánh. Thánh Công Đồng chuẩn duyệt và xác nhận điều luật này một lần nữa đối với những ai muốn lãnh nhận thánh chức linh mục, với niềm tin tưởng trong Chúa Thánh Thần rằng ơn sống độc thân, ơn vô cùng thích hợp với chức linh mục của thời Tân ước, sẽ được Chúa Cha rộng tay ban phát, miễn là những người đang tham dự vào chức Tư Tế của Đức Kitô qua bí tích Truyền Chức, và hơn nữa toàn thể Giáo Hội, luôn khiêm tốn và khẩn khoản nài xin. Thánh Công Đồng cũng khuyên tất cả các linh mục, những người vì tin tưởng vào ơn Chúa, đã tự nguyện chấp nhận nếp sống độc thân cao quý theo gương Chúa Kitô, hãy can đảm, nhiệt tâm gắn bó và trung thành trong bậc sống này, hãy nhận ra giá trị cao vời của một hồng ân được chính Chúa Cha trao ban và được Chúa Giêsu công khai tán dương, cũng như hãy chiêm ngắm132 những mầu nhiệm cao cả được biểu lộ và thực hiện qua ân phúc này. Tuy nhiên, nhiều người trong thế giới ngày nay nghĩ rằng sự tiết dục trọn vẹn là điều không thể thực hiện, đây lại là lý do để các linh mục cùng hợp ý với Giáo Hội thêm khiêm tốn và kiên trì cầu xin ơn trung thành, ơn luôn được ban cho những ai biết kêu xin, đồng thời các ngài cũng hãy sử dụng các phương thế siêu nhiên cũng như tự nhiên mà mọi người sẵn có. Đặc biệt, các ngài hãy tuân thủ các quy tắc khổ hạnh đã được thừa nhận theo kinh nghiệm của Giáo Hội và vẫn còn cần thiết trong thế giới ngày nay. Vì vậy Thánh Công Đồng kêu gọi không chỉ các linh mục nhưng cả các tín hữu, hãy yêu chuộng ơn độc thân cao quý của đời linh mục, và hãy cầu xin Thiên Chúa luôn rộng tay ban phát dồi dào ân huệ này cho Giáo Hội của Ngài.

17.

Khi sống tình thân hữu huynh đệ với nhau và với những người khác, các linh mục biết được cách vun trồng những giá trị nhân bản và đón nhận các phúc lộc trần thế như là ân huệ Chúa ban. Tuy sống giữa thế gian nhưng các ngài phải luôn nhớ mình không thuộc về thế gian, như lời Chúa là Thầy chúng ta đã phán dạy133. Vì thế, khi sử dụng trần gian như không sử dụng134, các ngài đạt đến sự tự do có thể giải thoát các ngài khỏi những mối bận tâm không chính đáng, và giúp các ngài dễ dàng nghe theo tiếng Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Thái độ tự do và ngoan thuần này sẽ làm tăng triển khả năng phân định thiêng liêng, nhờ đó các ngài sẽ biết được cách hành xử thích đáng đối với thế gian và các thực tại trần thế. Điều này rất quan trọng đối với các linh mục, vì trần gian chính là nơi Giáo Hội phải thi hành sứ mệnh, và các thực tại trần thế lại vô cùng cần thiết cho sự phát triển bản thân con người. Vì thế các ngài hãy cảm tạ Cha trên trời vì tất cả những gì Ngài đã rộng ban để các ngài có được cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, các ngài phải nghiệm xét dưới ánh sáng đức tin tất cả những gì gặp thấy trong cuộc sống, để biết sử dụng của cải trần gian hợp theo thánh ý Thiên Chúa, cũng như biết loại bỏ những gì phương hại đến sứ vụ đang thi hành.

Thật vậy, vì có Chúa là “sản phần và là gia nghiệp” (Ds 18,20), nên các linh mục phải hưởng dùng của cải trần gian theo cách thức phù hợp với giáo huấn của Chúa Kitô và đúng như quy luật Giáo Hội ấn định.

Đối với những tài sản thực sự thuộc về Giáo Hội, các linh mục phải biết quản trị cách thích đáng và theo đúng giáo luật, có thể nhờ những giáo dân có khả năng chuyên môn hỗ trợ, và phải luôn sử dụng đúng với ý hướng của Giáo Hội khi sở hữu của cải trần gian, nghĩa là dùng để tổ chức việc phượng tự, để chu cấp mức sống xứng đáng cho hàng giáo sĩ, cũng như để thực hiện các công tác tông đồ hay những việc bác ái, nhất là đối với những người túng nghèo135. Đối với những của cải nhận được khi thi hành một số phận vụ nào đó trong Giáo Hội, ngoài việc tuân thủ các quy định theo luật riêng136, các linh mục cũng như các Giám mục trước tiên hãy dùng để cấp dưỡng cho mình một mức sống xứng đáng và để chu toàn các bổn phận đang đảm trách, phần còn lại, hãy dùng để phục vụ Giáo Hội hoặc để thực thi bác ái. Các ngài đừng dùng chức vụ trong Giáo Hội để thu lợi, cũng đừng tích luỹ tài sản riêng137. Vì thế, các linh mục đừng bao giờ để tâm hồn dính bén của cải138 nhưng phải luôn tránh thói tật tham lam và khước từ mọi hình thức thương mại.

Hơn nữa, các ngài được mời gọi tình nguyện sống nghèo khó để nên giống Đức Kitô cách rõ nét hơn và sẵn sàng dấn thân hơn trong tác vụ thánh. Thật vậy, Đức Kitô vốn giàu sang phú quý nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để nhờ sự nghèo khó của Người chúng ta được trở nên giàu có139. Cũng thế, chính các Tông đồ đã cho thấy mẫu gương của những người đã lãnh nhận ơn Chúa cách nhưng không, nên cũng ban phát cách nhưng không140, những người đã từng biết sống thế nào khi sung túc cũng như khi túng thiếu141. Việc sử dụng chung tài sản, noi gương cách thức đặt để mọi sự làm của chung đã được tán dương trong lịch sử Giáo Hội sơ khai142, sẽ mở rộng lối đường dẫn tới đức ái mục vụ, qua đó các linh mục có thể sống trọn hảo tinh thần nghèo khó như lời khuyên dạy của Đức Kitô.

Vì thế, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã xức dầu cho Chúa Cứu Thế và sai đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó143, các linh mục cũng như Giám mục hãy xa tránh tất cả những gì, bằng cách này hay cách khác, có thể làm các ngài xa rời người nghèo, hãy cố gắng nhiều hơn các môn đệ khác của Đức Kitô để từ khước những vật dụng xa hoa hào nhoáng. Các ngài đừng làm cho nơi mình cư ngụ trở thành quá xa cách, để bất cứ ai, dù nghèo hèn đến đâu, cũng không cảm thấy ái ngại khi đến gặp các ngài.

--- Còn tiếp ---

------------------------------------------------------------------

[117] x. Ga 4,34; 5,30; 6,38.

[118] x. Cv 13,2.

[119] x. Ep 5,10.

[120] x. Cv 20,22.

[121] x. 2 Cr 12,15.

[122] x. Ep 4,11-16.

[123] x. Mt 19,12.

[124] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 42.

[125] x. 1 Tm 3,2-5; Tt 1,6.

[126] x. PIÔ XI, Thông điệp Ad catholici sacerdotii, 20.12.1935: AAS 28 (1936), tr. 28.

[127] x. Mt 19,12.

[128] x. 1 Cr 7,32-34.

[129] x. 2 Cr 11,2.

[130] x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 42 và 44; Sắc lệnh về việc Canh tân thích nghi đời sống tu trì Perfect„ Caritatis, 12.

[131] x. Lc 20,35-36; PIÔ XI, Thông điệp Ad catholici sacerdotii, 20.12.1935: AAS 28 (1936), tr. 24-28; Thông điệp Sacra Virginitas, 25.3.1954: AAS 46 (1954), tr. 169-172.

[132] x. Mt 19,11.

[133] x. Ga 17,14-16.

[134] x. 1 Cr 7,31.

[135] x. CĐ ANTIÔKIA, điều 25: Mansi 2, 1327-1328; Decretum Gratiani, c. 23, C. 12, q. 1: xb. Friedberg I, tr. 684-685.

[136] Ở đây, trước tiên hiểu về những quyền lợi và tập quán hiện có nơi các Giáo Hội Đông phương.

[137] CĐ PARIS, năm 829, điều 15: M.G.H, Legum sectio III, Concilia, bộ 2, tr. 662; CĐ TRENTÔ, Khoá 25, De reform. Điều 1: Conc. Oec. Decreta, xb. Herder, Rom„ 1962, tr. 760-761.

[138] x. Tv 62,11: bản Phổ Thông 61.

[139] x. 2 Cr 8,9.

[140] x. Cv 8,18-25.

[141] x. Pl 4,12.

[142] x. Cv 2,42-47.

[143] x. Lc 4,18.

zalo
zalo