Ngày tháng: 09/11/2024
Đang truy cập: 17

Sơ Lược Triết Học Ngôn Ngữ - Joseph Tân Nguyễn, OFM

SƠ LƯỢC TRIẾT HỌC NGÔN NGỮ

Joseph Tân Nguyễn, OFM

NO PHOTO

Triết học ngôn ngữ là bộ môn nghiên cứu về bốn vấn đề chính yếu sau đây. (1) Thứ nhất, làm thế nào xác định “ý nghĩa” của ngôn ngữ? Bản chất của ý nghĩa nằm trong nguồn gốc hay điển tích của ngôn từ, tùy thuộc ý định của tác giả hay sự vật được ám chỉ, hay trong thành phần và cấu trúc của bản văn?  (2) Thứ đến, triết học ngôn ngữ lưu tâm đến cách dùng ngôn ngữ trong tiến trình truyền thông, qua cách chúng ta học ngôn ngữ, tạo ra ngôn ngữ và tham dự vào hành vi ngôn ngữ. (3) Thứ ba, vì ngôn ngữ là trung gian của sự thông hiểu giữa hai chủ thể, cho nên triết học ngôn ngữ muốn tìm hiểu không chỉ quá trình từ tư tưởng ra ngôn ngữ mà còn cả sự chuyển tải từ ngôn ngữ ngày sang ngôn ngữ khác, tức là cách ta chuyển dịch và nhận diện ngôn ngữ.  (4) Cuối cùng, ngôn ngữ cũng là ký hiệu về thế giới và chân lý mà ta muốn biểu đạt, do đó triết học ngôn ngữ cần khai thác các tiêu chuẩn phổ quát để xác định tính chân thực của mối tương quan giữa ngôn ngữ và thế giới.

Tại Âu châu, triết ngôn ngữ thường được xem như là phần của logic học.  Trong các thế kỷ cận đại, từ việc khám phá về các ngôn ngữ tượng hình như Hoa ngữ và Ai Cập, người ta bắt đầu lưu tâm về một loại ngôn ngữ siêu hình hay phổ quát cho tất cả ngôn ngữ của nhân loại. Các động lực này đã làm cho việc phân tích ngôn ngữ đóng một vai trò trung tâm và dần dần thay thế cho những gì siêu hình học và tri thức luận đã cố gắng thiết lập trong lịch sử triết học Tây phương

BẢN CHẤT CỦA NGÔN NGỮ

Một cách thông thường, có ba cách nhận diện ngôn ngữ: ngôn ngữ là về ký hiệu (morpheme), ngôn ngữ là về cấu trúc (syntax), và ngôn ngữ là về ý nghĩa (semantics). Trước tiên, rất nhiều loại sinh vật có khả năng dùng ký hiệu để truyền thông (âm thanh, đáng điệu, mùi vị, màu sắc, cảm xúc, sự vật trong tự nhiên, etc.), nhưng chỉ có loài người có khả năng thao túng các ký hiệu trên để tạo ra thực tại phức tạp và trừu tượng mà không thể có trong tự nhiên. Chỉ có loài người mới có thể đưa ký hiệu lên mức độ ẩn dụ và biểu tượng, và giải thích ký hiệu theo cách loại suy hoặc tiên trưng. Thứ nhì, khi dùng ngôn ngữ, chúng ta nhận ra là ngôn ngữ không chỉ là tập hợp ngẫu nhiên của các từ nhưng phải theo một cấu trúc hay quy luật (ngữ pháp) nào đó đã có sẳn và giúp ta phân biệt giữa ngôn ngữ này với ngôn ngữ khác (syntax). Như thế dùng ngôn ngữ là hiểu và tham dự vào một hình thức sự sống nào đó đã có sẳn. Điều này nói lên tính phổ quát và công cộng của ngôn ngữ. Cuối cùng, ngôn ngữ là về sự ám chỉ, nhưng yếu tố nào xác định chân lý của sự ám chỉ này, ngữ nghĩa (sense)? hay ý vị (reference) của một từ? “Sao Mai” và “Sao Hôm” là hai ngữ nghĩa khác nhau, nhưng có cùng một “ý vị.” Một khi ngôn ngữ là công cụ để diễn đạt ý nghĩa, nếu ta không nắm bắt được ý nghĩa chân thực của nó thì ngôn ngữ trở nên vô dụng.

BẢN CHẤT CỦA Ý NGHĨA

Một cách  đơn giản nhất, ý nghĩa của một từ là “nội dung” của từ đó khi ta dùng ngôn ngữ để truyền thông. Khi ta nhắn tin, đối thoại, sáng tác hay diễn tả cái gì đó, ta phải dùng ngôn ngữ nhưng ý nghĩa của việc dùng ngôn ngữ chính là nội dung muốn truyền đạt qua các ký hiệu, cấu trúc và sự ám chỉ đó. Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của ý nghĩa. Thuyết duy tâm (idealism) cho rằng ngôn ngữ chỉ là ký hiệu bên ngoài của nội dung của tiến trình tư duy bên trong. Thuyết “điều kiện chân lý” (truth condition) khẳng định rằng ý nghĩa của ngôn ngữ thuộc về điều kiện ta dùng để xác định chân lý của một mệnh đề. Thuyết ý vị (reference) nhấn mạnh vào sự vật hay bối cảnh mà chúng ta đang ám chỉ chính là biểu hiện của ý nghĩa của ngôn ngữ. Thuyết thực chứng logic (logical positivism) đi xa hơn khi giới hạn ý nghĩa của ngôn ngữ tùy thuộc vào khả năng kiểm chứng tính chân thực của một mệnh đề. Cuối cùng, theo thuyết thực dụng (pragmatism) ý nghĩa của ngôn ngữ được quyết định bởi hiệu quả của sự áp dụng của nó vào đời sống thực tế.

KẾT NỐI GIỮA Ý NGHĨA VÀ NGÔN NGỮ

Có ba cách chúng ta có thể nhận diện sự nối kết giữa ngôn ngữ và ý nghĩa, đó là: ý định, ý vị và cấu trúc của mệnh đề. Trước tiên, thuyết ý định cho rằng ngôn ngữ là công cụ để biểu đạt ý định của hoạt động tư duy.  Mọi trạng thái tinh thần: niềm tin, nổi lo âu, hy vọng, khao khát, etc., đều luôn luôn hướng về cái gì đó.  Do đó, ngôn ngữ chỉ là “hành vi” cho sự “hướng về” hay “ý định” này.  Hành vi ngôn ngữ có thể được biểu đạt bằng nhiều cách khác nhau, không nhất thiết phải là ngôn từ.

Mặc khác, nếu ngôn ngữ là ký hiệu được tạo ra để nói về thực tại thế giới bên ngoài thì ý nghĩa của ngôn ngữ có thể được “chỉ ra” trong thế giới chung quanh ta. Từ đó, ta có thể phân biệt được hai loại ngôn ngữ: (a) ngôn ngữ mà ngữ nghĩa của nó được kết nối với “ý vị” bên ngoài, và (b) ngôn ngữ mà ngữ nghĩa không thể liên kết với thực tại nào bên ngoài cả. Theo trường phái thực chứng logic, chỉ có ngôn ngữ mà ngữ nghĩa được kết nối với ý vị thì chính xác và minh bạch, tức là việc kiểm định tính chân thực của nó là khả thi. Loại ngôn ngữ còn lại thì mơ hồ và cần phải làm sáng tỏ hoặc nên loại bỏ hoàn toàn (ngôn ngữ siêu hình, tôn giáo).

Thuyết thứ ba về sự kết nối giữa ngôn ngữ và ý nghĩa nhấn mạnh vào cấu trúc của một mệnh đề. Ý nghĩa của một từ (morpheme) thì tùy thuộc vào chức năng (syntax) hay vai trò của từ đó trong cú pháp của một câu. Chúng ta có thể xác định ý nghĩa của ngôn ngữ tùy theo ý nghĩa của ngôn từ theo ngữ cảnh của nó, hoặc chức năng theo quan điểm cú pháp vốn cấu thành nên mệnh đề.

VÒNG TRÒN: TƯ TƯỞNG-NGÔN NGỮ-THẾ GIỚI

Nếu ngôn ngữ đóng vai trung gian giữa tư tưởng và thế giới thì chúng ta có thể nói là trí khôn đầu tư tư tưởng về thế giới qua ngôn ngữ. Mặc khác, thế giới chỉ có thể đến với chúng ta qua hình ảnh của nó chính là ngôn ngữ. Hai khía cạnh “đầu tư tư tưởng qua ngôn ngữ” và ”thế giới đến với chúng ta qua hình ảnh” tạo nên vòng tròn giải thích của ngôn ngữ. Muốn hiểu biết thế giới chúng ta phải đi qua con đường của ngôn ngữ, và ngôn ngữ cũng là hình ảnh đầu tiên chúng ta có về thế giới. Khi nhấn mạnh về mối tương quan giữa trí khôn và ngôn ngữ thì chúng ta đang nhắm vào khía cạnh “hiểu” của triết học ngôn ngữ. Hiểu chính là biết cách chúng ta tồn tại qua ngôn ngữ. Trong lịch sử, cách tồn tại qua ngôn ngữ này được lý giải bằng nhiều mô hình triết học khác nhau như “bản thể luận” (Heidegger), “trò chơi ngôn ngữ” (Wittgenstein), hoặc qua thói quen gọi tên thực tại (Quine). Hơn nữa, qua cách dùng ngôn ngữ như là sự đầu tư của hiểu biết về thế giới, ta cũng có thể lần mò ra nguồn gốc và sự chuyển tải của não trạng đối xử phân biệt và cách dùng ngôn ngữ về giới tính, chủng tộc, hay giai cấp xã hội, etc.

Mặc khác, khi nhấn mạnh về ngôn ngữ như là hình ảnh của thế giới, thì chúng ta đang cân nhắc về khả năng trung thực của ngôn ngữ như là hình ảnh của thực tại.  Chúng ta muốn biết ngôn ngữ có thực sự phản ảnh thực tại trong thế giới hay không. Ý nghĩa của một mệnh đề tùy thuộc vào sự tương tác giữa ngôn ngữ và thế giới bên ngoài. Có tác giả cho rằng sự tương tác này là logic hay cú pháp chứ không nhất thiết phải là bối cảnh xã hội hay sự vật. Ưu điểm của quan niệm này là ý nghĩa của ngôn ngữ  không lệ thuộc vào chủ thể hay sự kiện bên ngoài mà là khả năng nối kết của tình tiết và cấu trúc của ngôn ngữ qua đó nó có thể mở ra thực tại hay chân trời mới như trong tiểu thuyết hay trình thuật (Ricoeur).

LỊCH SỬ TRIẾT NGÔN NGỮ

Thời Cổ đại

Ý thức về cách dùng ngôn ngữ đã có ở Ấn Độ từ truyền thống tôn giáo Vệ Đà nhấn mạnh vào tính thần hóa của “lời” (vak) và vai trò của ngôn ngữ (shabda) trong nghi thức phụng tự. Các qui luật cú pháp về Sanskrit của các trường phái Nyaya và Minamsa cũng cho thấy có sự phân biệt triết lý về ngôn ngữ. Trong nền triết học cổ đại Tây Phương, Socrates, Plato, Aristote và trường phái Stoic cũng đều có bàn đến vai trò cùa ngôn ngữ trong việc xác định tri thức.  Plato muốn phân biệt giữa nguồn gốc tự nhiên hay thói quen xã hội của một tên gọi. Plato có khuynh hướng nghiêng về nền tảng tự nhiên và phê bình tính xã hội của ngôn ngữ như là thiếu chính xác và hay bị thay đổi, trong lúc đó âm thanh căn bản của ngôn ngữ thì phản ảnh trung thực hơn cảm xúc tự nhiên của con người.

Aristote có công đóng góp vào triết học ngôn ngữ qua cách ông dùng các phạm trù bản thể và tùy thể cùng với logic để phân loại mọi hữu thể thành loài và chủng, etc.  Qua khả năng trừu tượng của ngôn ngữ, con người có thể nắm bắt các khái niệm phổ quát như là những hình thức chung cho các sự vật cụ thể

Trường phái Stoic đẩy triết ngôn ngữ thêm một bước tiến xa hơn nữa qua cách phân biệt chức năng cú pháp của các thành phần trong câu nói. Một từ có thể có chức năng như là danh từ, động từ, tĩnh từ, liên từ hoặc mạo từ. Nhóm này cũng phân biệt giữa “mệnh đề” với câu, và cho thấy tính logic của mệnh đề. Cùng một câu có thể được trình bày thành một mệnh lệnh, một nghi vấn hay lời ca tụng tùy theo cách chúng ta sắp xếp chức năng cú pháp (lexicon) của các từ.

Thời Trung đại

Ở thời Trung đại, vì nhu cầu chuyển dịch các tài liệu triết Hy lạp và Hồi giáo sang Latin, các học giả Kinh Viện cần phải chú tâm đến các vấn đề trong triết học ngôn ngữ vốn là nền tảng cho các khai triển sâu sắt hơn ở thời Cận và Hiện đại. Tác phẩm “Summa Logicae” của Ockham là công trình nghiên cứu nghiêm túc đầu tiên về dự án thiết lập một loại ngôn ngữ tâm linh (mental language) mà các triết gia ngôn ngữ hiện đại cũng đã có hoài bảo muốn xây dựng.   Cả Scotus và Okham đều xem logic như là một khoa học về ngôn ngữ.  Họ tra cứu về khái niệm phổ phát và đã đóng góp nhiều cho cuộc tranh luận giữa quan điểm duy thực và duy danh trong triết học ngôn ngữ.  Một khai triển quan trọng khác trong giai đoạn này là chủ thuyết “supposition,” tức là sự ám chỉ của một từ tùy thuộc vào ý nghĩa “hình thức” hay ý nghĩa “vật chất”, như trong sự khác biệt giữa “Tuấn là  một sinh viên giỏi” và “Tuấn  có 5 chữ cái.”  Lối phân biệt này đã mở đường cho tranh luận giữa “ý nghĩa” (sesnse) và “ý vị” (reference) trong triết học ngôn ngữ hiện đại.

Thời Cận đại

Với sự khám phá và nghiên cứu mới về các ngôn ngữ tượng hình như Hoa ngữ và tiếng Ai-cập, học giả thời Cận đại bắt đầu suy tư về khả năng có thể có một ngôn ngữ phổ quát, chung cho loài người tương tự như âm nhạc? Mặc khác, có những triết gia như Kierkegaard đặt lại vấn đề về tính phổ quát của các khẳng định của mọi triết thuyết. Nếu lý luận triết học đều phải dùng ngôn ngữ mà ngôn ngữ thì không hoàn toàn độc lập khỏi những cấu trúc của tư duy thì liệu có cách nào đo lường sự tiến bộ của triết học không? Kierkegaard kêu gọi chúng ta cần phải nghiên cứu nghiêm túc hơn về vai trò của ngôn ngữ trong suy tư triết học. Như thế, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, phong trào triết phân tích ở Anh và cấu trúc luận ở Pháp (Saussure) bắt đầu khai mở việc chuyển hướng nghiên cứu triết học sang phân tích ngôn ngữ.

Thời Hiện đại

Trong thế kỷ 20 tại Âu Châu, sự chuyển hướng nghiên cứu triết học sang phân tích ngôn ngữ đã khai mở ra thành nhiều trường phái rất đa dạng, và được khởi động bởi các triết thuyết mới như hiện tượng luận, ký hiệu học, giải thích học, bản thể học (Heidegger), triết hiện sinh, cấu trúc luận, giải giới cấu trúc (deconstructionism) và thuyết phê bình xã hội (Frankfurt school). Một trong những phát triển phong phú và đa dạng nhất trong thế kỷ 20 là giải thích học hay thông diễn học (hermeneutics).  Với đóng góp của Dilthey, Heidegger và Gadamer, ngôn ngữ không chỉ trở thành con đường để khai triển triết học mà còn là ngôn ngữ của của tồn tại. Heidegger áp dụng phương pháp hiện tượng luận của Dilthey để phân tích thể hiện sinh của tồn tại và khai triển cơ cấu ngôn ngữ của tồn tại trước khi nó trở thành ngôn từ.  Gadamer đi xa hơn qua cách ông ta thiết lập ngôn ngữ như là môi trường không chỉ cho tồn tại mà còn là điều kiện thiết yếu cho mọi hành vi tiến trình hiểu và thông diễn.

Trong  các thập  niên 1950  và 1960,  trường phái  “Ngôn  Ngữ Thường Ngày” qua các sáng tác của P.F. Strawson (1919 - 2006), John Austin (1911 - 1960) and Gilbert Ryle, đã đưa triết học ngôn ngữ gần hơn với hình thức và cách dùng ngôn ngữ thường ngày trong cuộc sống. Họ chủ trương rằng các nổ lực hình thức hóa ngôn ngữ hay tạo nên một ngôn ngữ logic lý tưởng dựa trên các điều kiện chân lý của mệnh đề hay ý vị chỉ là một ảo tưởng trước sau cũng sẽ sụy đổ. Austin có công khai triển thuyết “hành vi ngôn ngữ” (speech-act theory) nhấn mạnh vào bối cảnh thực dụng của ngôn ngữ và tính công cộng của nó dựa trên tính hữu hiệu của một mệnh đề, i.e. khẳng định, mệnh lệnh, câu hỏi, tuyên phán, v.v. Strawson lỳ luận rằng việc xác định đúng/sai của ngữ nghĩa không thật sự nắm bắt được ý nghĩa của cách dùng ngôn ngữ đa dạng trong cuộc sống thường ngày.

CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA TRIẾT NGÔN NGỮ HIỆN ĐẠI

Phong trào này triết học phân tích hay triết học ngôn ngữ tin rằng phương pháp tiếp cận triết học chính xác nhất là phân tích, trong đó vấn đề ngôn ngữ là chủ đề chính.  Mặc dù các triết gia phân tích đề nghị nhiều lý thuyết khác nhau về ngôn ngữ, họ đều theo ba luận thuyết căn bản sau: (1) trên thế giới không có những câu nói rắc rối, những vấn đề và những mâu thuẫn về triết lý; (2) các vấn đề triết học có thể được phân loại trước hết, sau đó giải quyết hoặc bỏ đi bằng biện pháp phân tích hay cải tạo cách thức ngôn ngữ được dùng; và (3) nếu có vấn đề nào không thể giải quyết theo phương pháp kể trên-chúng là vấn đề giả tạo, không đáng quan tâm.  Triết học phân tích có thể chia thành năm giai đoạn hay phong trào.

Giai đoạn 1: là thuyết duy thực ban đầu và phân tích được G.E. Moore và Bertrand Russell đưa ra. Đây là phản ứng của họ trước học thuyết siêu hình đồ sộ của trường phái Hegel và đưa triết học Anh đi tìm sự trong sáng trong ngôn ngữ.

Giai đoạn 2: học thuyết nguyên tử logic do Russell phát triển trong các năm 1914-1919 và có công trong công trình ban đầu của Ludwig Wittgenstein, quyển Chuyên luận logic – triết học (Logical Investigations, 1921). Trong thời gian này Russell và Wittgenstein thấy có nhiệm vụ xây dựng một ngôn ngữ logic hợp với cú pháp phản ánh cấu trúc siêu hình học trên thế giới. Áp dụng các kỹ thuật mới, họ hy vọng tìm ra những đơn vị “nguyên tử” cơ bản liên hệ với những đơn vị khác để diễn tả các sự kiện.

Giai đoạn 3: thuyết thực chứng logic ra đời, khoảng năm 1920- 1930, lan rộng rất nhanh và thu hút đông đảo người theo. Giống như những nhà tư tưởng theo thuyết nguyên tử, các triết gia thực chứng logic cũng muốn xây dựng một ngôn ngữ hoàn chỉnh. Trong khi hai nhóm triết gia trên quan tâm chủ yếu đến siêu hình học thì các triết gia thực chứng logic tuyên bố những luận cứ siêu hình học không có ý nghĩa.  Họ nói ngôn ngữ lý tưởng phải có khả năng giải thích tất cả các chân lý khoa học và logic, và không dùng bất kỳ luận cứ siêu hình nào.

Giai đoạn 4: trong phong trào triết học phân tích có thể được gọi tên là ngôn ngữ triết học thông thường: kiểu mẫu Wittgenstein. Phong trào này hình thành tự sự chuyển hướng cấp tiến của Wittgenstein trong những năm cuối cuộc đời. Gạt bỏ những quan niệm có trong các giai đoạn 2 và 3 kể cả những ý tưởng của mình, ông nghĩ không thể nào có cái gọi là ngôn ngữ hoàn chỉnh logic. Ngôn ngữ thường dùng cũng đủ khả năng đáp ứng nhu cầu. Điểm độc đáo của giai đoạn phân tích này là Wittgenstein cho rằng nhà phân tích ngôn ngữ, giống như thầy thuốc chữa bệnh, “chữa” những lệch lạc trong tư tưởng triết gia. Các vấn đề triết học không thể chỉ được giải quyết mà phải làm tan biến bằng cách xem xét kỹ lưỡng các ngôn từ sử dụng. Nếu làm được việc này thì triết học không còn cần thiết nữa.

Giai đoạn 5: chúng ta gọi là ngôn ngữ triết học thông thường: phân tích khái niệm, do Gilbert Ryle và John Austin khởi xướng. Họ và những đồ đệ phong trào phân tích biến những “phương thuốc” của Wittgenstein thành một phương pháp thực dụng để làm triết học. Không như Wittgenstein, họ không nghĩ việc phân tích ngôn ngữ đơn thuần là biện pháp “chữa bệnh triết lý” cho các triết gia. Họ nghiên cứu có hệ thống những chủ đề triết lý truyền thống, sử dụng loại ngôn ngữ bình thường để diễn giải những luận cứ triết học.

zalo
zalo