Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 83

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CHO CÁC THAM DỰ VIÊN HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ THÁNH MẪU HỌC : “MẸ LÀ MẸ CỦA TẤT CẢ MỌI NGƯỜI, KHÔNG PHÂN BIỆT SẮC TỘC VÀ QUỐC TỊCH”

Đức Maria là “điểm quy chiếu cho một nền văn hóa có khả năng vượt qua các rào cản vốn có thể tạo ra những chia rẽ”, Đức Phanxicô khẳng định như thế hôm 8/9/2021, trong một Sứ điệp gởi cho các tham dự viên của Hội nghị quốc tế lần thứ 25 về Thánh Mẫu học : “Mẹ là Mẹ của tất cả mọi người, không phân biệt sắc  tộc hay quốc tịch”.

Đức Thánh Cha đã gởi một sứ điệp, do ĐHY Ravasi đọc lúc khai mạc khóa họp, cho Hội nghị đang diễn ra từ ngày 8 đến 11/9/2021. Được tổ chức bởi Hàn Lâm Viện Tòa Thánh quốc tế về Thánh Mẫu học, cuộc hội thảo có tựa đề “Đức Maria, giữa các nền  thần học và văn hóa ngày nay. Các mô hình, truyền thông, viễn cảnh”.

Cuộc hội thảo được chủ trì bởi ĐHY Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, với sự tham dự của 300 đại biểu của các hội Thánh Mẫu học và của các chuyên viên của năm châu lục.

Đức Thánh Cha đã nhắc nhở rằng thần học và văn hóa với nguồn cảm hứng Kitô giáo phải sống “trên các biên giới”, ở đó “Mẹ của Chúa có một sự hiện diện riêng của mình : Mẹ là Mẹ của tất cả mọi người, không phân biệt sắc tộc hay quốc tịch”. Vì thế, Đức Maria trở thành “một điểm quy chiếu” để phát triển một “nền văn hóa về tình huynh đệ”.

Dưới đây là toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô :

Anh chị em thân mến,

Tôi tham dự bằng tâm hồn, tuy nhiên theo cách khác với thông thường, vào niềm vui cử hành Hội nghị quốc tế lần thứ 25 về Thánh Mẫu học, với chủ đề “Đức Maria, giữa các nền  thần học và văn hóa ngày nay. Các mô hình, truyền thông, viễn cảnh”. Ước gì niềm vui của chúng ta không làm cho chúng ta quên đi tiếng kêu thầm lặng của tất cả các anh chị em của chúng ta đang sống trong những điều kiện rất khó khăn, vốn đã trở nên tồi tệ hơn do đại dịch. Niềm vui đích thực đến từ Chúa luôn dành chỗ cho tiếng nói của những người bị quên lãng, để cùng với họ có thể  xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong vẻ đẹp bước theo Tin Mừng và trong việc phục vụ công ích của nhân loại và hành tinh, Đức Maria luôn dạy cho biết lắng nghe những  tiếng nói này và chính Mẹ trở thành tiếng nói cho những người không có tiếng nói để “sinh ra một thế giới mới, nơi tất cả chúng ta đều là anh chị em, nơi sẽ có chỗ cho mỗi người bị loại trừ trong xã hội của  chúng ta” (Thông điệp Fratelli tutti, số 278).

Trong hơn sáu mươi năm hoạt động, bằng việc phối hợp và quy tụ các chuyên viên về Thánh Mẫu học trên toàn thế giới, đặc biệt tại các cuộc họp mặt của Hội nghị quốc tế về Thánh Mẫu học, Hàn lâm viện Tòa Thánh quốc tế về Đức Maria đã mang lại những soi sáng, những trực giác, những ý tưởng và những đào sâu trong một giai đoạn biến động đang biến đổi “cách nhanh chóng cách sống, cách tương quan, cách truyền thông và xây dựng tư tưởng của mình, cách tương quan với các thế hệ con người khác và cách hiểu và sống đức tin” (Giáo hoàng Phanxicô, Diễn văn cho Giáo triều Rôma, ngày 21/12/2019). Các hội nghị này “chứng tỏ cách rõ ràng rằng Thánh Mẫu học là một sự hiện diện đối thoại cần thiết giữa các nền văn hóa, có khả năng nuôi dưỡng tình huynh đệ và hòa bình” (Sứ điệp cho các Hàn lâm viện Tòa Thánh, ngày 4/12/2019).

Quả thế, chúng ta biết rằng “thần học và văn hóa với nguồn cảm hứng Kitô giáo đã xứng tầm với sứ mạng của chúng khi chúng đã biết sống bằng cách chấp nhận rủi ro và cách trung thành trên các biên giới” (Tông hiến Veritatis gaudium, số 5). Và trên các biên giới, Mẹ của Chúa có một sự hiện diện riêng của mình : Mẹ là Mẹ của tất cả mọi người, không phân biệt sắc tộc hay quốc tịch, Vì thế, hình ảnh của Đức Maria trở thành điểm quy chiếu cho một nền văn hóa có khả năng vượt qua các rào cản vốn có thể tạo ra những chia rẽ. Đó là lý do tại sao, trên con đường của nền văn hóa về tình huynh đệ này, Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta đón nhận một lần nữa dấu chỉ an ủi và hy vọng chắc chắn vốn có danh xưng, dung mạo và tâm hồn Maria, người nữ, người môn đệ, người mẹ và là người bạn. Chính trên con đường này mà Chúa Thánh Thần tiếp tục nói với chúng ta “rằng thời gian chúng ta đang sống là thời gian của Đức Maria” (Diễn văn cho Phân khoa thần học “Marianum” của Tòa Thánh, ngày 24/10/2020). Hàn lâm viện Tòa Thánh quốc tế về Đức Maria, bằng việc kiên trì cam kết đổi mới, đang tìm cách đọc các dấu chỉ của thời đại, vì lợi ích của Giáo hội và của tất cả những người nữ và người nam thành tâm thiện chí.

Mầu nhiệm được chứa đựng nơi con người của Đức Maria là chính mầu nhiệm của Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Sự khích lệ của Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã khởi đi từ đó: “Tôi khuyến khích […] các nhà nghiên cứu đào sâu tối đa mối tương quan giữa Thánh Mẫu học và thần học về Lời. […] Trong Lời Thiên Chúa, Đức Maria thực sự ở nơi nhà của Mẹ, Mẹ đi ra và đi vào với một vẻ tự nhiên tuyệt vời. Mẹ nói và nghĩ nhờ Lời Thiên Chúa; Lời Thiên Chúa trở nên lời của Mẹ, và lời của Mẹ nảy sinh từ Lời Thiên Chúa. Hơn nữa,  từ đó cho thấy tư tưởng của Mẹ được hòa điệu với tư tưởng của Thiên Chúa, ý muốn của Mẹ hệ tại ước muốn với Thiên Chúa. Vì được thấm nhuần cách sâu xa bởi Lời Thiên Chúa, nên Mẹ có thể trở nên Mẹ của Ngôi Lời nhập thể” (Tông huấn Verbum Domini, số 27-28).

Chúng ta đừng quên rằng chính Lời này đã nuôi dưỡng lòng đạo đức bình dân, vốn tự nhiên kín múc nơi Đức Maria, diễn đạt và truyền đạt “đời sống đối thần hiện diện nơi lòng đạo của các dân tộc Kitô giáo, nhất là nơi người nghèo […]; một đời sống đối thần được thúc đẩy bởi hoạt động của Chúa Thánh Thần […], hoa trái của Tin Mừng được hội nhập văn hóa” (Tông huấn Evangelii gaudium, số 125-126). Tôi cảm ơn Hàn lâm viện Tòa Thánh quốc tế về Đức Maria đã chuẩn bị và tổ chức hội nghị này, vốn tạo nên một thời điểm quan trọng của cơ quan điều phối thần học về Thánh Mẫu được giao phó cho Hàn lâm viện. Khi nhớ lại thánh Phanxicô Assidi đã đến với Đức Trinh Nữ Maria “bằng một tình yêu bao la bởi vì Mẹ coi Thiên Chúa là người anh của chúng con” (thánh Bônavenrua de Bagnoregio, Đời sống thánh Phanxicô, IX, 3), bằng tất cả tấm lòng tôi gởi đến mỗi người trong anh chị em phép lành Tòa Thánh.

Tý Linh (theo Hélène Ginabat, ZENIT)

Nguồn: https://fr.zenit.org/2021/09/08/mariologie-la-vierge-marie-point-de-reference-pour-notre-temps-traduction-complete/

zalo
zalo