Ngày tháng: 21/11/2024
Đang truy cập: 20

ĐGH Gioan Phaolo II, Sứ Điệp Ơn Gọi lần 41 - 2004

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo IINgày Thế Giới Cầu Nguyện Ơn Gọi Lần thứ 41 năm 2004 

"Anh em hãy cầu nguyện"

 

     Quý huynh khả kính thuộc hàng giáo phẩm,

     Anh chị em thân mến,

     1. “Vậy các con hãy xin cùng chủ mùa sai thợ đến làm mùa cho Ngài” (Lk 10:2).

     Những lời Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ ấy cho thấy Vị Mục Tử Nhân Lành luôn chú ý tới chiên của Người. Người làm mọi sự để chúng “được sự sống và được một sự sống viên mãn” (Jn 10:10). Sau khi sống lại, Chúa đã trao phó cho các môn đệ của Người trách nhiệm tiếp tục sứ vụ ấy, để Phúc Âm được loan báo cho con người nam nữ thuộc tất cả mọi thời đại. Nhiều người trong họ đã quảng đại đáp ứng và tiếp tục đáp ứng lời mời gọi liên lỉ này của Chúa Giêsu: “Hãy theo Thày!” (Jn 21:22); họ là những con người nam nữ chấp nhận hiến cuộc đời sống của họ để hoàn toàn phục vụ cho Vương Quốc của Người.

Nhân dịp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi lần thứ 41 theo truyền thống được cử hành vào Chúa Nhật Thứ Bốn Phục Sinh, tất cả mọi tín hữu cùng nhau thiết tha nguyện cầu cho ơn gọi linh mục, cho đời sống tận hiến và cho công việc truyền giáo. Thật vậy, nhiệm vụ căn bản của chúng ta là cầu nguyện cùng “Chủ mùa” cho những ai đã theo Chúa Kitô khít khao trong thiên chức linh mục và đời sống tu trì, cũng như cho những ai Người tiếp tục xót thương kêu gọi sống đời phục vụ giáo hội quan trọng này.

     2. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các ơn gọi!

     Trong Tông Thư “Novo Millennio Ineunte”, Tôi đã nhận định “trong thế giới ngày nay, mặc dù bị tục hóa sâu rộng, vẫn thấy đang phát triển một nhu cầu tìm kiếm cái gì linh thiêng, một đòi hỏi được thể hiện phần lớn như là nhu cầu cần phải nguyện cầu” (số 33). Lời kêu cầu nhất trí của chúng ta dâng lên Chúa được bao gồm nơi “nhu cầu cầu nguyện” này để Người “sai thợ đến làm mùa của Người”.

     Tôi hân hoan nhận thấy rằng nơi nhiều Giáo Hội riêng, các hội cầu nguyện cho ơn gọi đang được thành hình. Ở các đại chủng viện cũng như ở các nhà đào luyện của các hội dòng tu và truyền giáo, có những cuộc hội họp nhắm đến mục đích này. Nhiều gia đình trở thành những “hội” cầu nguyện bé nhỏ, giúp cho giới trẻ biết can đảm và quảng đại đáp lại tiếng gọi của Vị Tôn Sư Thần Linh.

     Phải! Ơn gọi phục vụ một mình Chúa Kitô trong Giáo Hội là một tặng ân khôn sánh của sự thiện hảo thần linh, một tặng ân cần phải được liên lỉ và khiêm nhượng tin tưởng kêu xin. Kitô hữu lúc nào cũng phải cởi mở để đón nhận tặng ân này, cẩn thận đừng làm phí phạm “thời ân sủng” và “thời điểm được viếng thăm” (x Lk 19:44).

     Việc cầu nguyện được liên kết với hy sinh và đau khổ có một giá trị đặc biệt. Đau khổ, được chịu đựng nơi thân xác của con người như để hoàn tất những gì còn thiếu “nơi những khổ đau của Chúa Kitô vì thân mình của Ngài là Giáo Hội” (Col 1:24), trở thành một hình thức chuyển cầu rất hiệu nghiệm. Nhiều bệnh nhân khắp thế giới liên kết những nỗi đớn đau của họ với Thập Giá của Chúa Kitô, để nài xin Chúa ban cho có các ơn gọi thánh hảo. Họ cũng hỗ trợ tôi về phần thiêng liêng nữa, trong thừa tác vụ Thánh Phêrô Thiên Chúa đã ký thác cho Tôi, và góp phần quí hoá rất nhiều cho Phúc Âm, mặc dù thường hoàn toàn trong âm thầm kín đáo.

     3. Chúng ta hãy cầu nguyện cho thiên chức linh mục cũng như cho đời sống tu trì!

     Tôi thành thực ước muốn thấy được nhu cầu cần phải gia tăng cầu nguyện cho ơn gọi; việc cầu nguyện bao gồm tác động tôn thờ mầu nhiệm Thiên Chúa và tạ ơn về những “điều trọng đại” Ngài đã hoàn thành và không ngừng thực hiện bất chấp bản chất yếu hèn của con người. Việc cầu nguyện chiêm niệm là tác động được thấm nhập bởi niềm cảm mến và tri ân về tặng ân ơn gọi.

     Thánh Thể là tâm điểm của tất cả mọi tác động nguyện cầu. Bí tích Bàn Thờ này có một giá trị quan trọng trong việc phát sinh ơn gọi cũng như trong việc bền đỗ ơn gọi, vì từ hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô những ai được kêu gọi mới lấy được sức mạnh để hoàn toàn tự hiến cho việc rao giảng Phúc Âm. Như thế, việc tôn thờ Thánh Thể cần phải đi liền với việc Cử Hành Thánh Thể, ở một nghĩa nào đó, kéo dài mầu nhiệm Thánh Lễ.

     Việc chiêm ngắm Chúa Kitô, Đấng thực sự và chính thực hiện diện dưới các hình bánh rượu, có thể khơi dậy nơi tâm can của con người được kêu gọi lãnh chức linh mục hay thực hiện sứ vụ truyền giáo đặc biệt trong Giáo Hội cùng một lòng nhiệt thành đã khiến Thánh Phêrô trên núi Biến Hình thốt lên: “Lạy Thày, chúng con được ở đây thì tốt quá đi” (Mt 17:4; x Mk 9:5; Lk 9:33). Đây là cách đặc biệt để chiêm ngưỡng dung nhan Chúa kitô cùng với Mẹ Maria và tại học đường của Mẹ Maria, Đấng có một tâm hồn đáng được gọi là “nữ nhân của Thánh Thể” (Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia”, 53).

     Chớ gì tất cả mọi cộng đồng Kitô hữu trở thành “những học đường thực sự của việc nguyện cầu”, nơi người ta nguyện xin để các thợ làm mùa không bị thiếu hụt trong cánh đồng hoạt động tông đồ mênh mông. Bởi vậy Giáo Hội cần phải liên lỉ hỗ trợ về thiêng liêng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi và là những người “theo Con Chiên đến bất cứ nơi nào Con Chiên tới” (Rev 14:4): Tôi muốn nói đến các linh mục, Tu Sĩ, ẩn sĩ, những trinh nữ tận hiến, những phần tử thuộc các tu hội đời, tóm lại, tất cả những ai đã lãnh nhận tặng ân ơn gọi và đang chứa đựng “kho tàng này trong những bình sành” (2Cor 4:7).

     Trong Nhiệm Thể của Chúa Kitô có nhiều thừa tác vụ và đặc sủng khác nhau (x 1Cor 12:12), tất cả những điều này đều nhắm đến việc thánh hóa dân Kitô giáo. Trong việc chú trọng hỗ tương đối với sự thánh thiện, một sự thánh thiện cần phải tác động hết mọi phần tử của Giáo Hội, cần phải nguyện cầu để cho những ai “được kêu gọi” trung thành với ơn gọi của họ và tiến đến trình độ cao nhất có thể của sự trọn hảo phúc âm.

     4. Cầu nguyện cho những ai đã được kêu gọi.

     Trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Giám Mục “Pastores Dabo Vobis”, Tôi đã nhấn mạnh rằng “một đòi hỏi cần thiết của đức ái mục vụ đối với Giáo Hội riêng của con người và thừa tác vụ tương lai của giáo hội ấy là mối quan tâm mà vị linh mục thực sự cần phải tìm kiếm một người nào đó thay thế mình trong chức vụ linh mục” (đoạn 74). Vẫn biết rằng Thiên Chúa kêu gọi những ai Ngài muốn (x Mk 3:13), nhưng hết mọi thừa tác viên của Chúa Kitô cũng cần phải kiên tâm nguyện cầu cho ơn gọi nữa. Không ai hơn ngài trong việc hiểu được tính cách khẩn trương của một cuộc trao đổi liên thế hệ hầu bảo đảm có những con người quảng đại và thánh thiện dấn thân loan báo Phúc Âm cũng như để ban phát các Phép Bí Tích.

     Chính vì hiểu được như thế mà hơn bao giờ hết cần phải “chặt chẽ gắn bó với Chúa cũng như với ơn gọi và sứ vụ của bản thân” (Vita Consecrata, 63). Sức mạnh của chứng từ phát xuất từ thành phần được kêu gọi cũng như của khả năng lôi kéo người khác cùng thôi thúc mỗi người ký thác đời sống của mình cho Chúa Kitô tùy thuộc vào thánh đức của thành phần được kêu gọi này. Đó là đường lối để đương đầu với việc suy giảm ơn gọi sống đời tận hiến đang đe dọa đến việc liên tục của nhiều hoạt động tông đồ, nhất là ở những xứ truyền giáo.

     Hơn nữa, việc cầu nguyện cho những ai được kêu gọi, linh mục cũng như những người sống đời tận hiến, có một giá trị đặc biệt, vì nó là một phần nơi lời nguyện tư tế của Chúa Kitô. Qua họ, Người cầu cùng Cha để Cha thánh hóa và gìn giữ họ trong tình yêu của Ngài những ai dù ở trong thế gian song không thuộc về thế gian (x Jn 17:14-16).

     Chớ gì Thánh Thần làm cho toàn thể Giáo Hội trở thành một dân nguyện cầu, thành phần vang lên giọng nói của mình lên Cha trên trời để van xin Ngài ban những ơn gọi thánh hảo cho thiên chức linh mục và đời tận hiến. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện để những ai được Chúa tuyển chọn và kêu gọi trở thành những chứng nhân trung thành và hoan hỉ cho một Phúc Âm mà họ đã hiến trót cả cuộc sống của mình.

5. Lạy Chúa, chúng con tin tưởng hướng về Chúa!

Lạy Con Thiên Chúa,
đã được Cha sai đến
với những con người nam nữ ở mọi thời đại
và ở các phần đất trên thế giới!

Chúng con nhờ Mẹ Maria kêu lên Chúa,
Người là Mẹ của Chúa cũng là Mẹ của chúng con:
Chớ gì Giáo Hội
không hụt thiếu ơn gọi,
nhất là những ơn gọi dấn thân
một cách đặc biệt cho Vương Quốc của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế duy nhất của loài người!

Chúng con cầu cùng Chúa cho
anh chị em của chúng con
những người đã thưa “vâng”
theo ơn Chúa gọi
sống thiên chức linh mục,
sống đời tận hiến
và truyền giáo.

Chớ gì đời sống của họ hằng ngày
được canh tân đổi mới thành một Phúc Âm sống động

Lạy Chúa nhân hậu và thánh hảo,
xin hãy tiếp tục sai các thợ mới đến
làm mùa cho Vương Quốc của Chúa!

Xin hãy hỗ trợ những ai Chúa đã kêu gọi
để theo Chúa trong thời đại của chúng con đây;
bằng việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa,
chớ gì họ hân hoan đáp ứng
sứ vụ truyền giáo lạ lùng
Chúa đã ủy thác cho họ
vì thiện ích của Dân Chúa
cũng như của tất cả mọi con người nam nữ.

Chúa là Thiên Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị
cùng với Chúa Cha và Thánh Thần
đến muôn thuở muôn đời. Amen.

 

Tại Vatican, ngày 23/11/2003

Gioan Phaolô II

 

Chuyển ngữ: Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-nhan-ngay-the-gioi-cau-nguyen-cho-on-goi-lan-thu-41-nam-2004-anh-em-hay-cau-nguyen-50686 (cập nhật 26/4/2023)

 

 

zalo
zalo