Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật III Thường Niên - Năm C
SỨ VỤ CỦA ĐẤNG MÊSIAH NGÔN SỨ
(Lc 1,1-4; 4,14-21) (2)
3. “Thần Khí ở trên tôi”: Nội dung Đức Giêsu đọc trong lần giảng dạy này là một đoạn sách ngôn sứ Isaiah. Như đã nói trên, Thần Khí luôn hiện diện trong cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu. Với quyền năng Thần Khí, Đức Giêsu trở về miền Galilaia (Lc 4, 14). Chắc chắn, Người đến Nadarét nơi Người đã trải qua thời thơ ấu cũng với sự đồng hành của Thánh Linh. Đoạn Is 61,1-2 là lời tự bạch của ngôn sứ Isaiah về ơn gọi của mình. Đoạn này được Đức Giêsu đọc lại và sau đó long trọng công bố: “Hôm nay, lời đã được viết, văng vẳng trong tai quý vị đã được hoàn tất” (Lc 4, 21). Thần Khí ngự xuống, trong bối cảnh Chúa xức dầu Đấng Mêsiah có lẽ là cảnh Đức Giêsu chịu Phép Rửa. Tác giả Luca kể rằng, sau khi Đức Giêsu chịu Phép Rửa, đang khi Người cầu nguyện, Thánh Linh ngự xuống trên Người dưới hình dáng con chim bồ câu, kèm theo đó là “tiếng từ trời”: “Con là Con của Ta, người Con yêu dấu, với Con, Ta hài lòng” (Lc 3,21-22). Đó là hình ảnh tượng trưng cho việc Chúa xức dầu Đức Giêsu nhằm khai mạc sứ vụ ngôn sứ của Đấng Mêsiah[12]. Việc Đức Giêsu được Thiên Chúa xức dầu bằng Thánh Thần được ông Phêrô làm chứng tại nhà ông Cornelio: “Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Đi tới đâu Người thi ân giáng phúc đến đó và chữa lành mọi kẻ bi ma quỷ kiềm chế bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10, 38). Các Tông Đồ cũng xác tín Đức Giêsu là Đấng mà Chúa đã xức dầu (Cv 4,26.27). Khi ghép đoạn sách ngôn sứ Isaiah nói về ơn gọi của mình, tác giả Luca muốn diễn tả Đức Giêsu là Mêsiah ngôn sứ[13]. Người có vai trỏ giảng dạy và công bố Tin Vui cho những người bất hạnh như sẽ thấy sau.
Is 61,1-2 (LXX) | Lc 4,18-19 |
1 Thần khí của Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai đi loan báo tin mừng cho những người nghèo khổ, chữa lành những cõi lòng tan vỡ, công bố sự giải thoát cho những tù nhân, sự phục hồi thị giác cho những người khiếm thị 2 công bố một năm hồng ân của Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than | 18 Thần Khí Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khổ. Người đã sai tôi đi để công bố sự giải thoát cho những tù nhân, sự phục hồi thị giác cho những người khiếm thị, để giải thoát cho những người cùng khổ. 19 công bố một năm hồng ân của Chúa. |
4. “Loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ”[14]: Một loạt hành động được liệt kê đóng vai trò như là giới thiệu cho những điều mà Đấng được xức dầu sẽ thi hành. Hành động đầu tiên của Người được xức dầu là loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ. Đây là lối diễn tả về sứ vụ của Đức Giêsu chỉ có trong Tin Mừng Luca. Động từ “loan báo Tin Mừng” (euvaggeli,sasqai) là động từ đặc trưng của tác giả Luca. Tác giả Máccô không bao giờ dùng động từ này và tác giả Mátthêu chỉ dùng một lần duy nhất. Thiếu sinh kế thường có thể được coi là “nghèo”. Tuy nhiên, “người nghèo” có thể bao gồm cả những người có địa vị thấp kém, những người bị loại trừ ra khỏi xã hội theo luật bất thành văn về cách đánh giá danh dự. Vì thế, khi nói người nghèo, ngoài tình trạng kinh tế ra, tác giả Luca còn nhắm tới ý nghĩa rộng lớn hơn về sự đánh mất danh dự, địa vị trong xã hội Địa Trung Hải cổ xưa[15]. Trong mối phúc đầu tiên, Đức Giêsu đã công bố phúc lành dành cho các môn đệ là những người nghèo khổ: “Phúc cho anh em là những người nghèo vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6, 20). Khi trả lời cho các môn đệ của Gioan, Đức Giêsu cũng ngụ ý rằng họ đã thấy người nghèo được đón nhận Tin Mừng: “Hãy đi và nói với Gioan điều mà các anh đã nghe và thấy: Người mù nhìn thầy, người què đi được, người cùi được sạch, và người điếc được nghe, người chết được sống lại và người nghèo được đón nhận Tin Mừng” (Lc 7, 22). Người nghèo là người được ưu tiên được mời đầu tiên trong những thực khách của bữa tiệc: “Khi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo, người què, người cụt và người mù” (Lc 14, 13). Câu chuyện người nghèo khó Ladarô (Lc 16,19-31) là câu chuyện độc quyền của tác giả Luca, với kết cục là người nghèo được “ở trong lòng tổ phụ Ápraham”. Dĩ nhiên, tác giả Luca không muốn nói rằng chỉ có người nghèo được nghe Tin Mừng mà thôi. Điều ông muốn nhấn mạnh là, những người nghèo khó, khốn khổ, bị xã hội bỏ rơi là đối tượng được Đức Giêsu quan tâm đặc biệt trong sứ vụ loan báo Tin Mừng mình. Rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người là nhiệm vụ bắt buộc của Đức Giêsu khi đến trần gian: “Tôi phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho những thành khác nữa; vì tôi được sai đi là cho mục đích này” (Lc 4,43)[16]. Động từ “sai đi” và “loan báo Tin Mừng” được lặp lại giống như trong bản văn này.
5. “Tù nhân, người mù, người bị áp bức”: Đây là ba loại người tượng trưng tiếp theo mà Đấng được xức dầu hướng đến. “Những người bị giam cầm” và “những người cùng khổ” đều có chung một hồng phúc. Đó là “sự giải thoát” (a;fesin). Trong khi “những tù nhân” được giải thoát khỏi xích xiềng, hay tù ngục, “những người cùng khổ” thoát khỏi cảnh khốn cùng của họ, được trở nên sướng hơn, hạnh phúc hơn. “Những người mù” được phục hồi thị giác.
▪ Người mù được phục hồi thị giác: Tác giả Luca ghi lại rằng trong bối cảnh hai môn đệ của ông Gioan đến hỏi xem Đức Giêsu có phải là Đấng phải đến không, Đức Giêsu đã ban ơn cho nhiều người mù được nhìn thấy (Lc 7, 21). Cũng như các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, tác giả Luca ghi lại câu chuyện Đức Giêsu chữa người mù thành Giêrikhô (Lc 18,35-43; Mt 20,29-34; Mc 10,46-52). Phép lạ phục hồi thị giác cho người mù được tìm thấy nơi những Tin Mừng khác: “Phép lạ chữa lành người mù từ thuở mới sinh” (Ga 9,1-41); Chữa lành người mù ở Bếtsaiđa (Mc 8,22-26); Chữa lành hai người mù (Mt 9,27-31). Dĩ nhiên, Đức Giêsu không chỉ phục hồi thị giác thể lý cho những người mù. Người là ánh sáng thế gian. Điều mà người nhắm đến cuối cùng là họ phải vươn đến ánh sáng Đức Tin, chứ không chỉ dừng lại ở ánh sáng thể lý. Đáp trả của anh mù thành Giêrikhô: “Nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10, 52; Lc 18, 43). Tương tự anh mù từ thuở mới sinh cuối cùng cũng tuyên xưng niềm tin vào Đấng đã chữa lành đôi mặt thể lý của anh: “Thưa Ngài, tôi tin!” (Ga 9, 38).
▪ Người bị giam cầm được phóng thích: Các tác giả sách Tin Mừng không kể lại một câu chuyện nào về việc Đức Giêsu giải thoát một tù nhân khỏi ngục tù thể lý. Tuy nhiên, có nhiều trình thuật nói về việc Đức Giêsu giải thoát các bệnh nhân khỏi quỷ dữ[17]. Tù ngục đáng sợ nhất là tù ngục của ma quỷ. Câu chuyện Đức Giêsu giải thoát người bị quỷ ám ở Ghêrasa (Lc 8,26-39; Mt 8,28-34; Mc 5,1-20) đưa ra những hình ảnh sống động về cảnh tù ngục của những người bị quỷ ám. Anh ta ở trong đám mồ mả. Nhiều lần người ta dùng “gông cùm, xiềng xích mà trói buộc và giữ anh”; “quỷ đưa anh ta vào nơi hoang vắng”. Quả thật, quỷ đã trói buộc và khống chế bệnh nhân, không cho nó sống như con người, và không thể ở chung với con người. Khi Đức Giêsu giải thoát anh ta, anh “xin được ở với Đức Giêsu” và “rao truyền cho cả thành biết mọi điều Đức Giêsu đã làm cho anh”. Đó là tư thế của một người được giải thoát khỏi quỷ. Anh sống với Chúa và nói về Chúa cho người khác. Tật câm cũng được các tác giả Tin Mừng diễn tả như là một hậu quả của sự khống chế của quỷ. Tên quỷ này được gọi là quỷ câm. Khi Đức Giêsu trục xuất quỷ rồi, người câm mới nói được (Lc 11, 14). Trong phép lạ chữa người “vừa điếc và vừa ngọng” Mc 7,31-37), tác giả Máccô còn diễn tả hình ảnh sống động rằng lưỡi của người câm bị quỷ “buộc lại”. Sau khi Đức Giêsu nói: “Épphata”, “lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng”. Đức Giêsu cũng diễn tả bệnh “còng lưng” của một người phụ nữ là “bị Satan trói buộc”: “Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm, lại không được tháo cởi khỏi gông cùm này trong ngày Sabát hay sao?” (Lc 13, 16). Bệnh tật con người cách nào đó được hiểu như là bị quỷ khống chế. Tuy nhiên, tình trạng bị giam cầm đáng sợ nhất là tình trạng nô lệ tội lỗi (Ga 8, 34), vì tội lỗi dẫn người ta đến cái chết đời đời (Rm 6, 16). Chính vì thế, Đức Giêsu đến để giải thoát con người “khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 21).
▪ Người cùng khổ được giải thoát: Nhìn vào bảng đối chiếu bản văn của Isaiah và Luca trên đây, chúng ta có thể thấy rằng tác giả Luca bớt đi ý tưởng “chữa lành những con tim tan vỡ” của sách Isaiah, nhưng lại thêm vào câu “giải thoát những người cùng khổ”. Suy cho cùng, hai ý tưởng này cũng không khác nhau là mấy “chữa lành” là phương thức để “giải thoát”[18], và “những con tim tan vỡ” là những con tim của “những người cùng khổ” về thể xác lẫn tinh thần. Tất cả đều nhắm đến việc xoa dịu những thương đau của những người cùng khổ và giúp họ vượt ra khỏi tình cảnh éo le để sống vui vẻ, hạnh phúc hơn. “Những người cùng khổ” trong Tin Mừng có thể là những bệnh nhân, hay những người bị quỷ ám. Những người bị quỷ câm ám, hay quỷ làm cho động kinh (Lc 9,37-43; Mc 9,14-27) là những người đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần vì bị quỷ khống chế. Những người bị chứng bệnh như là bệnh phong hủi (Lc 17,11-19) hay bệnh rong huyết (Lc 8,43-48), cũng chịu đau khổ về thể xác và tinh thần khi phải sống xa dân chúng vì tình trạng ô uế theo Luật. Họ cần được Đức Giêsu chữa lành và giải thoát họ khỏi nỗi khốn cùng. Hơn nữa, trong xã hội Do Thái có những người đau đớn về tinh thần như người tội lỗi và những người thu thuế. Họ luôn bị những người đồng hương xem thường và xa cách. Đức Giêsu đã gọi Lêvi, một người thu thuế làm Tông Đồ (Lc 5,27-28; Mc 2,13-14). Điều đó có nghĩa là Người giải thoát ông khỏi mặc cảm và đau đớn về tinh thần để tái hòa nhập vào xã hội vì sứ vụ cao cả. Hơn nữa, Người đã đến thăm và ban ơn cứu độ cho Giakêu, một thủ lãnh thu thuế, và cả nhà ông (Lc 19,1-10). Người thường lui tới qua lại và ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi, để tìm cách cứu họ (Lc 5, 32; 7,36-50; 15, 1). Loạt dụ ngôn ba trong một: “Con chiên lạc”; “Đồng bạc bị mất”; “Người cha nhân hậu” (Lc 15,4-32) là bức tranh sống động về tình yêu, sự chữa lành, tha thứ và giải thoát của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Đức Giêsu giải thoát những người cùng khổ qua những hành động như chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, tha thứ tội lỗi[19] và qua lời dạy “uy quyền” mang lại sự hoán cải thật sự.
---Còn tiếp---
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Nguồn: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2022/01/su-vu-cua-ang-mesiah-ngon-su-chu-giai.html (cập nhật ngày 27/01/2025)
--------------------------------------------------------------
[12] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 186; “The descent of the Spirit upon him is a preparation for the ministry, the “beginning” of which is noted in the immediately following context” (3,23) (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 481).
[13] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 81.
[14] “Second Isaiah was announcing the Consolation of Zion to various groups in the postexilic Jerusalem community. Luke includes four of them in his quotation. The first is the “poor” (ptōchoi), a foreshadowing of a Lucan emphasis on this social class” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 532).
[15] J.B. Green, The Gospel of Luke, 221.
[16] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 79.
[17] “Jesus’ paradigmatic reference to a ministry of providing “release” is exemplified immediately in accounts of exorcism and healing” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 203).
[18] “to send forth the oppressed in release, has been added to draw special attention to the word “release” as a characteristic activity of Jesus’ ministry” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 210).
[19] “it should be recalled that Luke also uses it in the sense of “forgiveness” (especially of sins)” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 533).