Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật III Thường Niên - Năm C
SỨ VỤ CỦA ĐẤNG MÊSIAH NGÔN SỨ
(Lc 1,1-4; 4,14-21) (3)
6. “Một năm hồng ân”: Cuối cùng, Đấng được xức dầu công bố một năm ân thưởng của Chúa. “Năm hồng ân của Chúa” là một giai đoạn được Chúa thiết lập trong đó dân Ítrael và đặc biệt những người nghèo có thể lãnh nhận ân sủng, sự chúc lành và ơn cứu độ. Trong bối cảnh của Tin Mừng Luca, thuật ngữ này đề cập đến kỷ nguyên cứu độ được Đức Giêsu khai mạc với hình thức cứu độ mới được Đức Giêsu công bố và hiện thực hóa trong sứ vụ dạy dỗ và chữa lành của Người[20]. Như vậy, lời công bố này như lời kết bao quát cho toàn bộ sứ vụ của Đấng được xức dầu được giới thiệu từ đầu lời trích: “Loan báo Tin Mừng cho người nghèo; Công bố ơn giải thoát cho các tù nhân, sự phục hồi thị giác cho những người khiếm thị; Giải thoát cho những người cùng khổ. Năm hồng ân là năm mang lại ơn cứu độ và ơn giải thoát cho tất cả những thành phần kể trên. Một số tác giả liên kết “năm hồng ân” ở đây với “năm toàn xá” trong sách Lêvi (25,10-18), khi tất cả mọi nợ nần được xóa bỏ và nô lệ được trả tự do[21]. Trong bản văn gốc của sách Ngôn Sứ Isaiah, ngoài “công bố một năm hồng ân” còn có “công bố một ngày báo oán” nữa. Tuy nhiên, tác giả Luca đã bỏ phần sau, có lẽ ông muôn tập trung hoàn toàn vào chủ đề niềm vui ơn cứu độ phổ quát và tạm thời bỏ qua một bên chủ đề về sự phán xét cuối cùng[22].
7. “Ngồi xuống”: “Ngồi xuống” đối lại với phần đầu Đức Giêsu đứng và đọc sách. “Ngồi” cũng là vị thế của một thầy dạy.
8. “Hôm nay lời được viết văng vẳng bên tai quý vị đã được hoàn tất”. Với chỉ một câu ngắn gọn Đức Giêsu đã biến lời trích của ngôn sứ Isiah thành chính thông điệp về sứ vụ của Người. Người chính là Đấng được xức dầu. Người sẽ thi hành tất cả những điều đã được ngôn sứ nói đến. Thuật ngữ chỉ thời gian “hôm nay” (σήμερον) có thể có nghĩa là “chính ngày hôm nay” hoặc là “thời gian này”, “thời gian hiện tại”. Nghĩa sau có vẻ phù hợp hơn trong ngữ cảnh này vì lời này diễn tả toàn sứ vụ công khai của Đức Giêsu chứ không phải những gì Người xảy ra trong ngày ấy.
Bình luận tổng quát
Tin Mừng CN thứ III Thường Niên Năm C được trích ra từ ba đoạn khác nhau của Tin Mừng theo thánh Luca: Đoạn thứ nhất là Lời Tựa (Lc 1,1-4); Đoạn thứ hai là đoạn giới thiệu tổng quát về sứ vụ của Đấng Mêsiah tại Galilaia (Lc 4,14-15) và đoạn thứ ba kể về một buổi rao giảng cụ thể của Đấng Mêsiah tại quê nhà Nadadarét (Lc 4,16-21).
Lc 1,1-4 là “Lời Tựa” của Tin Mừng Luca. Trong thế giới văn chương lịch sử Hy Lạp, các tác giả thường viết lời tựa cho các tác phẩm hoặc các bài khảo luận của mình. Tác giả Luca, một người thấm nhuần văn chương Hy Lạp, cũng không ngoại lệ. Qua Lời Tựa, độc giả biết được, tác giả đề tặng cho một nhân vật tên là, Theophilos. Cách xưng hô của tác giả (thưa ngài!) cho thấy ông Theophilos có thể là một người có địa vị cao trong xã hội thời bấy giờ và có thể ông là người đạo mới. Dù ông đã được chỉ dạy ít nhiều về Giáo Lý, nhất là về cuộc đời và sứ vụ của Đấng Mêsiah, ông vẫn cần một nền tảng kiến thức bài bản và chắc chắn hơn. Tác giả Luca viết cuốn Tin Mừng này, cũng như sau đó, sách Công Vụ Tông Đồ nhằm giúp ông gia cố kiến thức của ông về Tin Mừng của Đức Giêsu. Thông điệp của tác phẩm này có tính chắc chắn và độ tin cậy cao vì tác giả đã dựa trên nguồn văn, cũng như nguồn truyền khẩu của những người đi trước, đã xem xét kỹ lưỡng và quyết định viết ra theo tuần tự. Tin Mừng Luca vì thế trở thành Tin Mừng có giá trị cao cho riêng ông Theophilos, cho các tín hữu thuộc cộng đoàn thánh Luca và cho các tín hữu qua mọi thời đại.
Lc 4,14-15 là “lời giới thiệu tổng quát về sứ vụ của Đức Giêsu”. Vào giai đoạn đầu của sứ vụ công khai của mình, Người thi hành sứ vụ tại vùng Galilaia. Thánh Linh luôn hiện diện và tác động trong cuộc đời Đức Giêsu. Thật vậy, Người đã được thụ thai do quyền năng Thánh Linh; Thánh Linh đi xuống trên Người trong lúc Người chịu Phép Rửa; Thánh Linh dẫn Người vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ; rồi Người trở về vùng Galilaia, khởi đầu sứ vụ với quyền năng Thánh Linh. Hoạt động đặc trưng của Người là “giảng dạy” và nơi giảng dạy của Người là “các hội đường”. Người được mọi người tôn vinh và danh tiếng lan rộng ra khắp các vùng lân cận. Tất cả những chi tiết này sẽ được thể hiện trong những phần tiếp theo của đoạn giới thiệu tổng quát này.
Lc 4,16-21 kể về một buổi giảng dạy của Đức Giêsu tại quê nhà Nadarét. Trong buổi giảng dạy này, Đức Giêsu giới thiệu về căn tính của mình và phác họa những hoạt động mà Người sẽ thực hiện trong suốt sứ vụ công khai của Người. Đoạn này cũng là đoạn giới thiệu tổng quát, nhưng rõ ràng và chi tiết cụ thể hơn đoạn trên. Qua lời ngôn sứ Isaiah, độc giả hiểu rằng Đức Giêsu giới thiệu mình như một Đấng Mêsiah ngôn sứ. Người đã được Chúa Cha xức dầu bằng Thánh Linh. Một lần nữa, Người khẳng định sự hiện diện và tác động của Thánh Linh trên thánh vụ của Người. Đấng được xức dầu, Đấng Kitô sẽ thi hành sứ vụ cụ thể: “Rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khổ”; “Công bố”: (i) Ơn giải thoát cho những người bị giam cầm; (ii) Ơn phục hồi thị giác cho những người khiếm thị; Giải thoát những người cùng khổ. Nói tóm lại, Người “công bố một năm hồng ân của Chúa”. Đó là thời kỳ cánh chung do Đấng Mêsiah công bố. Trong thời kỳ này, những người nghèo về kế sinh nhai, hay nghèo vì địa vị thấp kém trong xã hội; những người bị cầm tù trong những bệnh tật do ma quỷ gây nên, hay trong những thói hư tật xấu, tội lỗi của mình; những người cùng khổ về thể xác lẫn tinh thần, bị xã hội loại bỏ vì ô uế, hay vì hành nghề thu thuế, gái điếm, và những người tội lỗi, đều được giải thoát, được chia sẻ một sự sống mới vui vẻ hơn và hạnh phúc hơn.
Đấng Mêsiah ngôn sứ sẽ rao giảng và làm tất cả mọi điều có thể để xoa dịu những vết thương thể xác, tinh thần của những người cùng khổ trong thế gian, và cuối cùng Người sẽ dẫn họ đến hạnh phúc vĩnh cửu. Vấn đề là người ta có nhận ra và đón nhận lời dạy của Người cũng như những hoạt động trong sứ vụ của Người hay không. Trên thực tế, có nhiều người đã tin theo Người cách trọn vẹn; Cũng có những người chỉ theo Người cách nửa vời; Lại có không ít người chỉ đến với Người vì hiếu kỳ, nhằm tìm phép lạ; Thậm chí, có những người chống đối Người, xua đuổi và tìm cách loại bỏ Người. Câu chuyện Đức Giêsu giảng dạy tại quê nhà Nadarét kết thúc với chi tiết đáng buồn: Những người đồng hương “lôi
Người ra khỏi thành”, “kéo Người lên tận đỉnh núi để xô Người xuống vực” và Người đã phải “băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4,29-30). Đó là khởi đầu cho việc Người sẽ bị chối từ và không thể “công bố năm hồng ân của Chúa” cho nhiều người. Các Kitô hữu qua mọi thời đại được mời gọi nhìn thấy những mù lòa về tâm linh, những gông cùm của tội lỗi và đam mê bất chính của mình để có thể tìm thấy sự giải thoát nơi Đức Giêsu. Họ cũng được mời gọi phó dâng những nỗi cùng khổ về thể xác và tinh thần nơi Đấng Kitô để họ cũng được an tâm, vui tươi hơn trong hành trình trần thế và được cùng Người hưởng vinh phúc Nước Trời mai sau.
---Hết---
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Nguồn: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2022/01/su-vu-cua-ang-mesiah-ngon-su-chu-giai.html (cập nhật ngày 27/01/2025)
-------------------------------------------------------------------------------
[20] Ibid.
[21] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 81
[22] “but the latter (the day of vengeance of our God) is a deliberate suppression of a negative aspect of the Deutero-Isaian message” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 532).