THẦN HỌC CĂN BẢN [1]
FrancisSchussler Fiorenza
Trong tiếng Anh, hai từ “căn bản” (fundamental) và “nền tảng” (foundational) đều được dịch ra từ tiếng Latin “fundamentalis.” Hai từ này hay được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng có một số thần học gia phân biệt giữa hai từ này. Cụm từ “thần học căn bản” được dùng để chỉ truyền thống chính thống theo phong cách Tân Kinh Viện. Thần học căn bản còn hàm ý với sự độc lập với thần học hệ thống. Thần học căn bản mang ý nghĩa trung dung về mặt lịch sử và triết học. Tuy nhiên, cụm từ “thần học nền tảng” nói về các hướng đi mới và ngược lại với cách phân biệt rõ ràng giữa thần học căn bản và thần học hệ thống. Điểm nhấn về bản tính và phương pháp thần học của môn học này.
Có thể hiểu thuật ngữ “căn bản” theo nhiều nghĩa khác nhau. Thuật ngữ này có thể được hiểu là “căn bản” hay “thiết yếu”. Như vậy, thần học căn bản xử lý những điểm căn bản hay thiết yếu của thần học. Hoặc thuật ngữ này cũng có thể được hiểu theo nghĩa “nền tảng”, “nâng đỡ”, hoặc “cơ sở”. Thần học căn bản có thể được so sánh như nền móng để nâng đỡ một tòa nhà. Như thế, thần học căn bản lý giải những cơ sở nền tảng của thần học.
Có hai hình ảnh khác nhau về nền tảng. Có thể hình dung nền tảng như nền móng của một thành phố mà nhà khảo cổ học đang nổ lực khám phá ra. Hoạc nền tảng được xem như cơ sở mà kiến trúc sư muốn xây dựng để tạo ra sự nâng đỡ. Sự khác biệt giữa hai hình ảnh này cho thấy các khái niệm tương phản về chức năng và bản tính của thần học căn bản.
1. NGUỒN GỐC VÀ LỊCH SỬ
Trong lịch sử, môn thần học căn bản ra đời theo ba giai đoạn:
a. Tiền Lịch Sử: Công Đồng Trentô tuyên bố rằng các chủng viện phải dạy một môn học căn bản gồm những môn tập trung vào các chân lý tâm điểm trong đức tin Ki-tô Giáo. Dưới ảnh hưởng của thời kì Phục Hưng, người ta tìm cách trở về nguồn. Môn “Thần học truy nguyên” đã phát triển để nghiên cứu các chân lý đức tin chứa đựng trong Thánh Kinh và các tác giả Ki-tô thời đầu. Môn học này là giáo trình cơ sở tại một số nơi và cũng được gọi là thần học căn bản.
Thời kỳ Phục Hưng quan tâm đến bản chất của tôn giáo. Cuốn “De Christiana Religione” của Marsilio Ficino đã diễn tả mối quan tâm này và tìm cách trình bày Ki-tô giáo như một tôn giáo đích thật. Bố cục trong khảo luận này đã ảnh hưởng đến các tác phẩm hộ giáo của Vies, DuplessiMornay, Charon, Grotius và nhiều tác giả khác. Bước khởi đầu này khá quan trọng vì hình thành môn thần học căn bản.
b. Thời kỳ ánh sáng: Thuyết duy tâm và duy lý của phong trào Ánh Sáng đã chỉ trích các tôn giáo có tính lịch sử và thực chứng cùng với ý niệm về một tôn giáo siêu nhiên, các phép lạ và lời sấm như là bằng chứng của các tôn giáo được mạc khải. Sự chỉ trích này đã dẫn tới sự bảo vệ mạc khải siêu nhiên trong một khảo luận về tôn giáo. Khảo luận này gồm có ba phần: Tôn giáo mạc khải, Ki-tô giáo và Công giáo, và làm thành bố cục căn bản cho môn thần học căn bản. Phương pháp của khảo luận này mang tính ngoại tại vì chứng minh dựa trên các dấu chỉ chuẩn bên ngoài, như các phép lạ và lời tiên báo. Phương pháp ngoại tại này tồn tại trong hai thế kỷ sau đó trong nền thần học căn bản Tân Kinh Viện.
c. Thế Kỷ Mười Chín: Vào cuối thế kỷ 19, càng ngày môn thần học càng có chỗ đứng cao trong các đại học đã làm sáng lên những biện minh coi thần học như môn học mang tính khoa học. Như vậy, thần học nhận thêm một nhiệm vụ nền tảng nữa. Ngoài việc cung cấp cho đức tin Ki-tô giáo, thần học còn nhận thêm nhiệm vụ thiết lập nền tảng trên lý giải khoa học hay học thuật của môn thần học như các môn học tại đại học.
Do ảnh hưởng của các triết gia Descartes và Kant, nền triết học siêu việt đã lấy tính duy lý khoa học làm chuẩn. Hơn thế nữa, điểm khởi đầu từ tính chủ thể của con người tạo nên nền tảng để nối kết bản chất của đức tin với tính chủ thể của con người tự do. Trong giai đoạn này, học trò của Anton Gunther là Johann Nepomenk Ehrlich giữ ghế đầu. Năm 1859, tại Praha ông xuất bản cuốn sách đầu tay có nhan đề “Fundamentaltheologie.” Ehrlich nối kết đức tin và lý trí bằng cách cho thấy mối quan hệ giữa mạc khải và chủ thể tính của con người. Khi chú tâm tới nền triết học siêu nghiệm hiện đại, ông tìm cách trình bày các nền tảng không chỉ riêng cho đức tin Ki-tô giáo, mà cho cả nền thần học Ki-tô giáo nữa. Phong trào Tân Kinh viện hồi sinh ngay khúc quanh của thế kỷ đã ngăn chặn lại ảnh hưởng của trào lưu này. Trong thế kỷ 20, Maurice Blondel và phong trào Tân Thần học, nouvelle Théologie, cũng như thần học căn bản siêu nghiệm đã điều chỉnh và làm hồi sinh môn học này. Các thần học gia như Sohngen, Lonergan, Tracy và Peukert cũng triển khai thêm chức năng của môn thần học căn bản để luận về bản chất “khoa học” hay chuyên ngành của thần học.
2. NỘI DUNG
Nọi dung truyền thống của môn học được chia thành ba khảo luận. Khảo luận đầu tiên là tôn giáo mạc khải. Khảo luận này nhận định thuyết hữu thần bằng cách giới thiệu khả năng về tính xác thực của một tôn giáo mạc khải. Khảo luận thứ hai là Ki-tô giáo gồm các luận cứ lịch sử cho thấy các lời ngôn sứ trong Cựu Ước và các phép lạ của Đức Giêsu. Đặc biệt sự phục sinh của Ngài đã chứng minh rằng Ngài đại diện Thiên Chúa cách hợp pháp. Khảo luận thứ ba về Công giáo lập luận rằng Đức Giêsu đã thiết lập Giáo hội với Phê-rô là vị Giáo hoàng đầu tiên. Cách lập luận chủ yếu mang tính triết học và lịch sử. Điểm khác biệt đã xuất hiện trong các luận văn thần học căn bản của Rôma về các bản văn tại Đức. Tại Roma, đức tin và các nguồn tín lý thường được đưa vào trong các khảo luận của thần học căn bản nhưng lại không có mặt trong các bản văn tại Đức. Trường phái phê bình lịch sử và các trào lưu triết học mới chất vấn cách triệt để sự tập trung vào nội dung này của thần học căn bản.
3. QUAN HỆ VỚI MÔN HỘ GIÁO
Thần học cơ bản và môn hộ giáo là hai môn học có tương quan chặt chẽ với nhau, nhưng không đồng nhất với nhau. Ở một cấp độ nhất định, môn hộ giáo là một phần thần học căn bản truyền thống. Thí dụ: thần học căn bản cách giới thiệu sứ mạng thiêng liêng của Đức Giêsu và Giáo hội. Môn thần học căn bản tìm cách chứng minh tính khả tín của mạc khải của Giáo hội. Và để bảo vệ cho đức tin Công giáo về mặt lý trí, thần học căn bản truyền thống đang thực hiện nhiệm vụ hộ giáo. Mỗi môn học đều làm việc với các nguồn giáo lý chứ không phải với một chủ đề thuộc về môn hộ giáo. Tuy nhiên, môn hộ giáo bao gồm cả những vấn đề không thuộc về thần học căn bản. Chẳng hạn, chứng cứ về sự hiện hữu của Thiên Chúa, tính bất tử của linh hồn, khả năng hiểu biết khách quan về chân lý. Nói tóm lại, bước dẫn nhập đức tin thời Trung Cổ được xem là đối tượng của môn hộ giáo hơn là của môn thần học căn bản. Hơn nữa, trong vài chủ đề, môn hộ giáo cung cấp những nghiên cứu bao quát hơn môn thần học căn bản. Chẳng hạn, việc phân tích hoàn cảnh văn hóa lịch sử và đối chiếu tôn giáo, tính độc nhất của Ki-tô giáo, v.v.
4. CÁC LUỒNG HIỆN NAY
Hiện nay, thần học căn bản có khuynh hướng nhấn mạnh đến chức năng thần học của môn học và mở rộng các vấn đề phương pháp luận. Hiện tại, có ba luồng tiếp cận khác nhau:
a. Hiện Sinh Siêu Nghiệm: Chịu ảnh hưởng bởi Heidegger và Kant, Karl Rahner sử dụng các phạm trù hiện sinh về siêu nghiệm để trình bày nền “thần học căn bản hình thức” bổ túc cho cách tiếp cận truyền thống. Rahner phân biệt cấp độ phản tỉnh thứ nhất và thứ nhì. Ở cấp độ thứ nhất, có sự biện minh mang tính phản tỉnh kết hợp cả thần học căn bản và thần học tín lý vào một mối. Cấp độ này phân biệt với cấp độ thứ hai của đức tin. Trong cấp độ thứ hai, các môn thần học chuyên ngành sử dụng các phương pháp của riêng chúng. Quan niệm của Rahner ủng hộ một khóa học căn bản về thần học. Trong đó, Rahner cổ võ sự tin tưởng vào chính nội dung niềm tin Ki-tô giáo đến độ nối kết nội dung đức tin với vấn đề của con người như một câu hỏi tận căn.
b. Giải Thích Học: Thần học cơ bản đã phát triển cùng với việc xem xét đến phần lý thuyết của khoa giải thích học đương thời. Điều này minh họa niềm tin Ki-tô giáo có liên hệ với kinh nghiệm không đơn thuần như sự minh nhiên với các mặc nhiên. Niềm tin ấy được diễn tả trong những trình thuật của ẩn dụ. Các trình thuật này diễn tả một thế giới ý nghĩa. Thế giới này làm cho kinh nghiệm mở ra và hướng tới những chân trời mới, bằng cách mở rộng, lật đổ hoặc phê bình kinh nghiệm ấy. Vì thế, thần học căn bản lấy niềm tin Ki-tô giáo làm điểm khởi đầu và qua việc tái xây dựng mang tính giải thích học, nền thần học căn bản tìm cách cho thấy sức mạnh về mẫu mã và lý tưởng về đời sống con người. Từ đó, nền thần học căn bản liên kết sức mạnh này với các lý thuyết nền tảng của khoa học hiện đại.
c. Chính Trị và Thực Hành: Johann Baptist Metz lý luận rằng thời đại ánh sáng không chỉ thách đố về lý thuyết nhưng còn thách đố tính thực hành về chính trị nữa. Thách đố này đòi hỏi thần học chính trị như môn thần học căn bản thực hành. Thực hành không chỉ có nghĩa là hành động, nhưng còn có tương quan với căn tính của chủ thể người. Trong khi niềm tin vào tiến trình lịch sử như chủ thể của lịch sử bỏ qua các nạn nhân, những người bị áp bức và bị giết chết trong lịch sử, ý tưởng về Thiên Chúa đặt những chủ thể người ấy trong căn tính của họ.
Trong khi thần học căn bản của thần học mang tính chính trị mang tính mô thức và tổng quát hơn, thần học giải phóng làm sáng tỏ các tư duy của thần học căn bản từ các kinh nghiệm cụ thể về sự áp bức. Nền thần học căn bản cho rằng phải làm thần học từ kinh nghiệm cá nhân và xã hội. Các truyền thống phải được xem xét trong khả năng chúng là ý thức hệ hay có tính giải phóng. Tính khả tín của đức tin đối diện với đau khổ của con người, và vì thế đòi hỏi nền thần học căn bản như là một thần học giải phóng dám phê bình.
5. CÁC VẤN ĐỀ NGÀY NAY
a. Nội Dung: Mối liên hệ giữa thần học căn bản và đức tin đưa ra vấn đề về nội dung. Trong quan hệ của trường phái Tân Kinh Viện về thần học căn bản, thần học căn bản tách rời khỏi thần học hệ thống. Chất liệu chính của môn học liên quan đến tính khả tín và các dấu hiệu khả tín của mạc khải trước cả đức tin. Sự hạn chế này bị tấn công từ nhiều phía khác nhau.
Henri Bouillard cho rằng thần học căn bản hình thành trong thời kỳ của thuyết phiếm thần. Thuyết này phủ nhận sự hiện hữu của mạc khải chứ không phải Thiên Chúa. Ngày nay, người ta đem sự hiện hữu của Thiên Chúa ra để tranh luận. Do đó, thần học căn bản không nên chú trọng đến mạc khải cho bằng đến Thiên Chúa. Khái niệm của Rahner về một “thần học căn bản hình thức” nhằm giải thích mọi chủ đề của thần học hệ thống. Nội dung của mọi niềm tin Ki-tô giáo được liên kết với cuộc tìm kiếm ý nghĩa tối hậu của con người. Một khái niệm có tính chính trị và thần học về thần học căn bản đem các chủ đề về tôn giáo, xã hội và chủ thể tính của con người vào trong tâm điểm của thần học căn bản, và bàn đến các vấn đề của phê bình ý thức hệ.
b. Tương Quan Với Niềm Tin: Một chức năng của thần học căn bản là đặt nền móng cho niềm tin tôn giáo. Một số người cho rằng tốt nhất việc đặt nền này cung cấp việc dùng đến kinh nghiệm chung của nhân loại, hay một triết học tự nhiên, một lý do siêu việt phổ quát. Những người khác lại cho rằng những điều trên đây bỏ qua giới hạn mà kinh nghiệm con người bị ràng buộc về mặt lịch sử và ngôn ngữ. Vì thế, họ đề nghị thần học căn bản nên bắt đầu với việc dấn thân ban đầu về đức tin và tìm cách biện minh cho sự dấn thân này qua giải thích học và hồi tưởng. Nền tảng đức tin của nền thần học căn bản không loại trừ đức tin ra khỏi điểm xuất phát.
c. Tương Quan Với Thần Học: Thần học căn bản giải nghĩa không chỉ về nền tảng đức tin, nhưng về thần học nữa. Thần học căn bản không chỉ bảo vệ đức tin Ki-tô giáo, nhưng cũng tìm cách làm sáng tỏ bản chất, mục đích, nguồn mạch và các tiêu chuẩn của thần học. Là một môn học mang tính lý thuyết, thần học không chỉ là đức tin nhưng còn kéo theo những chương trình nghiên cứu, các phương pháp luận và quy phạm tri thức luận. Một trong những nhiệm vụ của thần học căn bản là suy tư một cách có phê bình về những điều này.
d. Phương Pháp: Hiện nay, có nhiều đề nghị khác nhau về phương pháp. Một số người theo phương pháp chủ yếu mang tính triết học, theo mức độ thuộc chiều kích triết học của những khoa học riêng lẻ khác nhau như lịch sử, xã hội học và tâm lý học. Đó là lãnh vực có thể đưa ra các vấn đề tôn giáo và liên hệ với các lời đáp trả của thần học. Hoặc một thần học căn bản siêu nghiệm có thể tìm cách trở nên một cấp độ phản tỉnh đầu tiên cách trực tiếp hơn. Từ đó, đức tin tự chứng tỏ mình. Hoặc thần học căn bản nên khởi đầu với kinh nghiệm về bị áp bức và đau khổ. Từ đó, người ta đưa ra một khoa giải thích về sự nghi ngờ về truyền thống, trước khi phục hồi truyền thống. Hoặc một khái niệm giải thích – thực tiễn về thần học căn bản sẽ tìm một sự quân bình phản tỉnh rộng rãi ở nhiều yếu tố khác nhau: Tái tạo giải thích học, đảm bảo tính hồi cố, và các lý thuyết nền tảng. Nhờ đó, thần học căn bản đặt nền cho đức tin không qua việc xây dựng một nền móng, nhưng qua việc giải thích và luận cứ hồi cố.
--------------------------------------
TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU THÊM
VỀ LỊCH SỬ THẦN HỌC
Congar, Yves, A History of Theology. Garden City, N.Y.: Doubleday, 1968. Có vẻ hơi xưa, nhưng tác phẩm này vẫn còn là một cuốn sách dẫn nhập có giá trị để tìm về hiểu lịch sử của việc nghiên cứu thần học. Tập sách đã lấy lại nội dung một đề mục được xuất bản trước đó trong bộ Bách Khoa Từ Ðiển Thần Học của Pháp (Dictionaire de Théologie.)
Cunliffe-Jones, Hubert, ed. A History of Christian Doctrine. Philadelphia: Fortress Press, 1978. Là tác phẩm của nhiều tác giả hợp tác, nên bộ sách này có vẻ không được nhất quán cho lắm. Cũng có nhiều phần rất hay. Các soạn giả đã chú tâm đến giai đoạn cổ điển nhiều hơn là giai đoạn hiện đại.
Evans, Gillian R. et al. The Science of Theology. Cuốn một trong bộ The History of Christian Theology. Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1986. Ðó là một cuốn dẫn nhập thần học, có tính cách đại chúng: tác giả là một trong những học giả hiện đại người Anh đã từng viết nhiều về thần học thời Trung cổ.
Harnack, Adolf von. History of Dogma, 7 cuốn. New York: Dover, 1961; nguyên bản tiếng Ðức, 1900. Tuy hơi xưa, nhưng đó là một tác phẩm cổ điển với đầy đủ chi tiết hữu ích cho việc học hỏi. Quan niệm của Von Harnack coi giáo lý như là một quá trình phát triển hậu Kinh thánh, nặng nợ với ảnh hưởng nền văn hóa Hy lạp, đã được sửa chữa lại nhờ các tác phẩm nghiên cứu gần đây về giai đoạn Hy lạp hóa trong lịch sử văn hóa Do Thái.
Pelikan Jaroslav. The Christian Tradition. 5 cuốn. Chicago: Univeristy of Chicago Press, 1971-88. Một thống kê đầy đủ của bậc thầy. Viết để trình bày chủ hướng đối nghịch lại với luận thuyết của von Harnack, các cuốn sách này lưu ý nhiều đến vai trò của phụng vụ và lòng đạo đức, coi đó là những cội nguồn của thần học. Thiên thư mục có ghi chú kỹ lưỡng, đặt ở trong cuốn I, trang 358-76, là một bản cẩm nang quan trọng.
VỀ PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC
Braaten, Carl E., và Robert W. Jensen. Lutheran Dogmatics. 2 cuốn. Philadelphia: Fortress Press, 1984. Ðây là một thiên nghiên cứu hiện đại về thần học hệ thống của giáo phái Lutheran, do các thần học gia Lutheran thực hiện theo quan niệm cổ điển về “các nguồn cứ liệu” (loci).
Fiorenza, Francis Schuessler. Foundational Theology: Jesus and the Church. New York: Crossroad, 1984: bàn về một số vấn đề trong thần học căn bản, về sự sống lại của Ðức Giêsu, về việc sáng lập Giáo hội và bản chất của thần học căn bản trong tương quan với các phương pháp nghiên cứu thần học theo đường hướng Tân kinh viện, tiên nghiệm, chú giải, cũng như với các phương pháp hiện đại khác.
Kasper, Walter. The Methods of Dogmatic Theology. Shannon, Ireland: Ecclesia Press, 1969. Một tập sách nhỏ với những nét phác họa về hiện tượng chuyển đổi từ phương thức nghiên cứu thần học theo chủ hướng Tân kinh viện, đến phương pháp nghiên cứu hiện đại, quy hướng nhiều hơn về với chiều kích lịch sử.
Kung, Hans, Theology for the Third Millennium. New York: Doubleday, 1988. Tập này thu góp các thiên khảo luận về bản chất của thần học và về phương pháp thần học.
Latourelle, René. Theology and Salvation.New York: Alba House, 1970. Latourelle cố tìm cách liên kết việc các tác giả hiện đại nhấn mạnh đến lịch sử cứu độ, với các chủ đề cổ điển về bản chất và nền tảng.
Lauret, Bernard, và François Refoulé. Initiation à la pratique de la théologie. 6 cuốn. Paris: Éditions du Cerf, 1982. Một bộ sách nhiều cuốn của Pháp, cảm nhạy đối với những bước phát triển về mặt lịch sử, triết lý, và thực tiễn hiện đang diễn ra trước mắt, và cố gắng nối kết lý thuyết với thực hành. Ðây là bộ sách tiêu biểu nhất cho trào lưu thần học Công giáo hiện nay tại Pháp.
Lindbeck, George. The Nature of Doctrine.Philadelphia: Westminster Press, 1985. Tập sách đơn sơ này chứa đựng một nội dung quảng bác hơn là những gì ngụ ý dưới nhan đề. Tác phẩm đề xuất một phương thức nghiên cứu thần học dựa trên văn hóa và ngôn ngữ, thay cho các phương pháp biểu đề (propositional) và diễn đạt (expressive).
Pannenberg, Wolfhart. Theology and Philosophy of Science. Philadelphia: Westminster Press, 1976. Pannenberg, một thần học gia Luthêrô người Ðức, là người đã đề xuất một số khái niệm về khoa học và lịch sử, đã trình bày một thiên lịch sử của những quan niệm về thần học, và quan niệm của riêng ông coi thần học là một bộ môn lịch sử về tôn giáo.
Rahner, Karl. Foundations of Christian Faith. New York: Seabury Press, 1978. Tập sách viết về thần học căn bản, tiêu biểu cho phương pháp tiên nghiệm của Rahner, được khai triển trong tương quan với ý niệm căn bản về Kitô giáo và với nội dung của đức tin kitô.
Ratzinger, Joseph. Principles of Catholic Theology: Building Stones for a Fundamental Theology. San Francisco: Ignatius Press, 1987. Tập các thiên khảo luận về Kinh Thánh và truyền thống, về giáo hội và thần học, về đức tin và thần học.
Tracy, David. Blessed Rage for Order. New York: Seabury, 1975. Idem. The Analogical Imagination. New York: Crossroad, 1981. Hai cuốn sách quan trọng viết về bản chất của thần học và của phương pháp thần học. Ðặc biệt quan trọng là phần bàn về việc phát triển của phương pháp tương quan liên đới, và về cách hiểu thần học theo nhãn quan chú giải.
VỀ CÁCH PHÂN CHIA TRONG THẦN HỌC
Ebeling, Gerhard. The Study of Theology.Philadelphia: Fortress Press, 1978. Ebeling, một thần học gia Luthêrô người Ðức, là người đã đề xướng một kiểu quan niệm về thần học, đặt nặng việc chú ý tới các bộ môn khác nhau trong thần học.
Farley, Edward. Theologia: The Fragmentation and Unity of Theological Education. Philadelphia: Fortress Press, 1983. Một cách trình bày lịch sử về nguồn gốc của việc phân chia thần học thành bốn phần mục: kinh thánh, lịch sử, hệ thống và thực tiễn.
Lonergan, Bernard. Method in Theology. New York: Crossroad, 1972. Qua cuốn sách này, Lonergan giải thích về tầm quan hệ của cấu trúc tri thức con người đối với việc dùng phương pháp vào trong thần học, và đối với việc phân chia các bộ môn thần học ra thành tám ngành chuyên môn
--------------------------------------
Chú thích:
[1] Francis Schussler Fiorenza, Foundational Theology. Crossroad, NY, 1986 ( Joseph Tan Nguyen phien dich).