THÁNH CA TRONG PHỤNG VỤ LÀ GÌ? – PHẦN 2/9
Lm. Giuse Đinh Quang Vinh
-----------------------------
"Tiệc rượu có hát có đàn, ví tựa nhẫn vàng có ấn kim cương".[2] Lời ca tiếng hát có một tầm quan trọng vì nó tác động trực tiếp đến giác quan, cách riêng là đôi tai và miệng lưỡi của con người. Lời ca tiếng hát khi là kết quả rung động của con tim, nó diễn tả tình yêu của thụ tạo với Đấng Tạo Hóa, của người đang yêu, của những con tim cùng một nhịp đập đang vỡ òa trong tâm tình tạ ơn, tin yêu và hy vọng. Lời ca không thể thiếu trong bản tình ca.
“Qua lời ca, những phần sâu kín nhất của tâm hồn ta có thể được rung động, và đó là công việc mà nội dung của các lời nói, các bài đọc, không thực hiện nổi” (Michel Veuthey). Lời ca tiếng hát trong phụng vụ cũng có một tầm quan trọng không kém trong đời thường. Trong phụng vụ, lời ca còn vượt xa một bản tình ca vì nó ca ngợi Lời (Logos) đem lại ơn cứu độ cho con người. Đó là chiều kích mới vươn tới những thực tại thần linh đòi hỏi sức rung cảm của con tim sống trong tình hiệp thông với Thiên Chúa và anh em. Ca nhạc gắn liền với lễ hội. Thánh Lễ là một cuộc tụ họp để cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm cứu độ được thực hiện một lần cho mãi mãi qua sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô. Lời ca hát của Hội Thánh đến từ tình yêu dành cho Đức Kitô. Đó là chiều sâu yêu thương vang lên thành lời ca dẫn chúng ta vào trong tình yêu dành cho Đức Kitô và dẫn chúng ta đến với Chúa Cha.[3] Cộng đoàn Kitô hữu không thể không bật lên lời ca của bài ca mới để hòa nhịp với lời ca của Dân Chúa sau khi vượt qua Biển Đỏ (Xh 15,1). “Bằng nhiều cách, lời ca phụng vụ đã trở thành dụng cụ tối hảo để loan truyền, lập lại, đào sâu và tiếp nối Lời Thiên Chúa, và nhờ đó, sau khi ở nhà thờ ra về, Lời Chúa vẫn âm vang trong cuộc đời của các tín hữu và tác động vào xã hội” (Michel Veuthey).
Tự sắc Motu Proprio của Thánh Giáo hoàng Piô X, được ban hành ngày 22/11/1903. Thánh nhạc là loại âm nhạc được sáng tác để thờ phượng Thiên Chúa, nên phải biểu lộ sự thánh thiện và diễn tả được hình thức nghệ thuật cao. Vì thế, chúng phải có nội dung tốt đẹp và lành mạnh, có giai điệu và tiết tấu phù hợp với tính chất của nghi lễ phụng vụ. Các ca sĩ và nhạc sĩ Thánh nhạc cần được đào tạo một cách bài bản, để họ có thể thực hiện Thánh nhạc một cách tốt đẹp và hiệu quả.
II. Musicae Sacrae Disciplina (1955)
Thông điệp Kỷ luật về thánh nhạc – Musicae Sacrae Disciplina do Đức giáo hoàng Piô XII ban hành ngày 25/12/1955 nhấn mạnh vai trò của Thánh nhạc trong phụng vụ. Thánh nhạc là thứ nghệ thuật cao quý và tế nhị giúp gia tăng việc thờ phượng Thiên Chúa và thăng tiến đời sống thiêng liêng của các tín hữu (số 1).
Hiến chế Phụng vụ (Sacrosanctum Concilium) được Công đồng Vaticanô II ban hành ngày 4/12/1963 là một văn kiện quan trọng về phụng vụ. Những quy định của Hiến chế Phụng vụ về Thánh nhạc (số 112 - 121) đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của Thánh nhạc trong Hội Thánh Công giáo, giúp cho Thánh nhạc trở thành một phương tiện hữu hiệu giúp cộng đoàn tín hữu tham gia tích cực hơn vào việc thờ phượng Thiên Chúa.
IV. Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ
Huấn thị về Âm nhạc trong Phụng vụ (Instructio De Musica In Sacra Liturgia) được Thánh bộ Nghi Lễ ban hành ngày 05/03/1967, là một văn kiện được soạn thảo dựa trên Hiến chế Phụng vụ (Sacrosanctum Concilium) nhằm mục đích hướng dẫn việc sử dụng Thánh nhạc trong các nghi lễ phụng vụ. Liên quan đến Thánh nhạc, Huấn thị đưa ra các định nghĩa, phân loại, cách thực hiện, ngôn ngữ, quy tắc được áp dụng trong phụng vụ nhằm giúp cộng đoàn tín hữu tham gia tích cực hơn vào việc thờ phượng Thiên Chúa.
Tông hiến Laudis Canticum của Đức giáo hoàng Phaolô VI Công Bố Sách Nguyện Mới, ban hành ngày 1/11/1970. Bên cạnh Tông hiến này là Văn Kiện Trình Bày và Quy Định Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Trong phần Hát kinh Nhật Tụng (267-284) quy định: Hát là hình thức thích hợp hơn cả để ca tụng Chúa cho Các Giờ Kinh Phụng Vụ; chỉ khi hát mới diễn tả được đầy đủ ý nghĩa, nhất là các thánh vịnh, thánh ca, thánh thi và các câu xướng đáp. Chính tiếng phát xuất từ thẳm sâu tâm hồn của người cầu nguyện và ca tụng Chúa diễn tả được đầy đủ và hoàn hảo đặc tính cộng đồng của việc thờ phượng trong Kitô giáo, được diễn ra thật hay, chói ngời vẻ đẹp và chân lý. Thánh thi là để hát, nên cố gắng hát các thánh thi.
VI. Giáo lý Hội thánh Công giáo (1992)
Dưới ánh sáng Công đồng Vaticanô II, cụ thể trong Hiến chế Phụng vụ, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (1992) tái khẳng định Bài ca và âm nhạc là một phần quan trọng của phụng vụ, giúp cộng đoàn tín hữu tham gia tích cực hơn vào việc thờ phượng Thiên Chúa. (số 1156 – 1158)
VII. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (2002)
Có những hướng dẫn cụ thể trong việc ca hát trong Thánh Lễ. Tầm quan trọng của bài hát trong Thánh Lễ được đề cao (từ số 39 - 41) vì đó là dấu chỉ niềm vui trong tâm hồn của người đang yêu, đang cầu nguyện. Quy chế cũng đề cao địa vị của điệu ca Gregôrianô trong phụng vụ.
VIII. Dẫn Nhập Tổng Quát Sách Bài Đọc
Quy định việc ca hát trong phần Phụng vụ Lời Chúa như sau: Có thể hát các bài đọc với điều kiện lời phải được dễ tiếp nhận hơn. Kể cả khi không hát bài Tin Mừng, vẫn nên hát lời chào, câu xướng để cộng đoàn cũng hát câu đáp nhằm làm nổi bật tầm quan trọng của bài Tin Mừng và khơi dậy đức tin nơi người nghe. Thánh vịnh đáp ca, vì là “thành phần cấu tạo của Phụng vụ Lời Chúa”, đúng theo ý nghĩa khi những thánh vịnh này thường nên được hát lên trong phụng vụ thánh; có thể hát xướng đáp và hát trực tiếp. Việc hát thánh vịnh hoặc chỉ hát câu xướng sẽ giúp nhiều cho việc hiểu ý nghĩa thiêng liêng của thánh vịnh, đồng thời cũng thúc đẩy việc suy niệm thánh vịnh. Mọi người đứng khi hát ‘Alleluia’ và câu xướng trước Tin Mừng. Cộng đoàn đứng tham dự lời nguyện chung, cùng đọc hoặc hát những lời kêu cầu chung sau khi ý nguyện được xướng.
IX. Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc
Đây là tài liệu của Ủy Ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam; Bản văn được cập nhật vào tháng 12 năm 2022. Với Hội Thánh Công giáo Việt Nam, đây là một văn bản quan trọng trong việc hướng dẫn mục vụ thánh nhạc mang tính quốc gia. Bản văn được soạn thảo dựa trên các văn kiện quan trọng của Tòa Thánh .v.v.
C. VAI TRÒ ÂM NHẠC TRONG PHỤNG VỤ
“Thánh nhạc sẽ mang tính thánh thiêng hơn nếu liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ, hoặc để diễn đạt lời cầu nguyện cách dịu dàng hơn hay để cổ vũ sự đồng tâm, hoặc để tăng thêm tính cách long trọng cho các nghi lễ.”[4] Âm nhạc mang tính thánh thiện, phù hợp với văn hóa địa phương và não trạng thời hiện tại (HCPV số 62), nhằm làm cho nghi thức hoặc hành vi phụng vụ thêm sáng tỏ, giúp chiều kích thiêng liêng trong việc cầu nguyện của cộng đoàn thêm sốt sắng, thánh thiện, hiệp nhất, trang trọng và nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa.[5]
Theo cha Chupungco, O.S.B.,[6] làm cho cộng đoàn hát phụng vụ Thánh Lễ là một thành tựu vĩ đại của cải cách Công đồng Vaticanô II. Âm nhạc phụng vụ có nghĩa là hát bản văn được chỉ định vào một thời điểm được chỉ định. Một trong những mục đích của âm nhạc phụng vụ là để phát triển một phụng vụ âm nhạc nơi mà hành động phụng vụ được thực hiện bằng bài hát, không chỉ được kết hợp với âm nhạc. Âm nhạc thánh thiêng (De Musica Sacra) là 'thánh’ đến mức độ nó được soạn thảo cho việc cử hành phụng thờ thần linh và có được tính toàn vẹn của thể loại (Musicam Sacram, số 4). Cần phân biệt âm nhạc trong phụng vụ và âm nhạc về phụng vụ; hát trong Thánh Lễ và hát Thánh Lễ. Âm nhạc phụng vụ là âm nhạc mà lời và bản văn của nó đều đến trực tiếp từ trật tự phụng vụ hay được chấp thuận cho việc sử dụng phụng vụ. “Âm nhạc phụng vụ như một thứ âm nhạc kết hợp chính mình với hành động phụng vụ, giúp tỏ lộ tầm quan trọng trọn vẹn của nghi lễ, và ngược lại, nó thu được ý nghĩa trọn vẹn từ phụng vụ”.[7]
J. Gélineau viết: "Điều đặc biệt đáng mơ ước là tại các quốc gia truyền giáo, các sáng tác bản địa nên được cổ võ hơn là các giai điệu du nhập của các thánh thi Âu châu, bởi chúng có thể thích hợp với cách biểu diễn âm nhạc của quốc gia mình và tính thơ ca thuộc về chính ngôn ngữ có liên quan.”
Ngay từ đầu Hội Thánh nhấn mạnh đến tính ưu việt của bản văn trên âm nhạc, âm nhạc phải phục vụ cho mục đích của các nghi lễ và kinh nguyện trong phụng tự Kitô giáo. Âm nhạc có một vai trò phụ thuộc trong việc thực hiện nghi lễ phụng vụ. Tuy nhiên, âm nhạc là một phần không thể thiếu của phụng vụ trang trọng, như Hiến chế Phụng vụ số 112 khẳng định.
Mục đích thật của thánh nhạc là nhằm tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Vì vậy, thánh nhạc là loại âm nhạc được sáng tác cho việc cử hành thờ phượng Thiên Chúa, nên phải biểu lộ sự thánh thiện và diễn tả được hình thức nghệ thuật cao.[8]
“Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5,19). Thánh nhạc khi liên kết chặt chẽ với hành động phụng vụ sẽ gia tăng tính thánh thiêng, diễn đạt lời cầu nguyện cách dịu dàng, cổ võ sự đồng tâm nhất trí và tính cách long trọng của cuộc cử hành.
“Chúa là sức mạnh, là khiên mộc chở che tôi, lòng tôi đặt tin tưởng nơi Người. Tôi đã được Người thương trợ giúp, nên lòng tôi vui mừng hoan hỷ, cất cao tiếng hát tạ ơn Người” (Tv 28,7). Bài ca và âm nhạc dự phần vào mục đích của các lời nói và các hành động phụng vụ: Đó là làm vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu. Với mục đích đó, cần chú trọng đến việc học hỏi và thực tập cách nghiêm túc về âm nhạc và phụng vụ; phát huy thánh ca cộng đồng và truyền thống âm nhạc đặc thù của mỗi dân tộc để toàn thể cộng đoàn tín hữu có thể tham gia cách đạo đức và tích cực vào các hoạt động phụng vụ. Vì vậy, cần có những bài ca có cung điệu thực sự mang tính thánh nhạc, lời ca trong các bài thánh ca phải phù hợp với giáo lý Công giáo và tốt nhất là nên được rút ra từ Thánh Kinh và từ các nguồn mạch phụng vụ. Vì thánh ca đi liền với lời ca nên là phần thiết yếu của phụng vụ trọng thể.
“Hát là cầu nguyện hai lần”. “Bao lần con đã rơi lệ khi nghe các thánh thi, thánh ca của Chúa, những âm thanh dịu dàng vang lên trong thánh đường của Chúa, con đã xúc động biết bao! Các âm thanh đó rót vào tai con, và chân lý được tinh luyện trong trái tim con, từ đó niềm hưng phấn đạo đức sục sôi lên và nước mắt tuôn tràn, những điều đó làm cho con hạnh phúc” (Thánh Augustinô).[9]
---Chú giải---
[1] Michel Veuthey, Cử hành với lời ca và âm nhạc; trích trong Joseph Gélineau, Họp nhau cử hành phụng vụ, tập I, chương 11. Người dịch: Trần Thái Đỉnh. Sở VHTT – TT Đồng Nai 1992. Tr. 354 – 386.
[2] “An amber seal on a precious stone, such is a concert of music at a wine feast - Một con dấu hổ phách trên một viên đá quý, đó là một bản hòa tấu trong một bữa tiệc rượu” (Hc 32,5).
[3] Hồng y Joseph Ratzinger - Đức giáo hoàng Benêđictô XVI, Tinh Thần Phụng Vụ, Biên dịch: Nguyễn Luật Khoa, OFM và Phạm Thị Huy, OP; NXB Tôn Giáo – 2007; Tr. 160.
[4] HCPV 112.
[5] HDTN 63-67
[6] Anscar J. Chupungco O.S.B., Phụng vụ là gì?. Học viện Đaminh – 2019. Tr. 392.
[7] Edward Foley, The New Dictionary of Sacramental Worship.
[8] TNtPV 4a
[9] SC 112-116; SGLC 1156-1158
---Còn tiếp---