Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 63

Thánh Ca Trong Phụng Vụ - Phần 3/9 - Lm. Giuse Đinh Quang Vinh

THÁNH CA TRONG PHỤNG VỤ LÀ GÌ? – PHẦN 3/9

Lm. Giuse Đinh Quang Vinh

-----------------------------

NO PHOTO

E. THINH LẶNG THÁNH[10]

I. Thần học về sự thinh lặng

Theo Đức Bênêđictô XVI, ngoài việc tung hô và ca hát, chiều sâu về tinh thần phụng vụ đòi hỏi nhận thức cách rõ ràng rằng thinh lặng là một phần của phụng vụ.

Bằng cách ca hát và cầu nguyện, chúng ta đáp lại Thiên Chúa, Đấng đang nói với chúng ta. Nhưng mầu nhiệm càng cao cả, càng vượt trên mọi từ ngữ, càng mời gọi chúng ta thinh lặng. Nội dung của sự thinh lặng ở đây là thời gian ngừng lại để hồi tâm, để có sự bình an nội tại, để lấy hơi và tái khám phá điều cần thiết duy nhất mà chúng ta đã quên. Thinh lặng để cảm nhận được sự hiện diện chứ không phải sự gặp gỡ của hữu thể ngay trong hiện tại của phụng vụ. Vượt lên trên việc dừng một hành động phụng vụ, thinh lặng phải là phần tích hợp vào trong biến cố phụng vụ.

Sự thinh lặng sau khi Rước lễ thì phù hợp cách thiêng liêng và hữu ích hơn thinh lặng sau bài giảng. Đây là giây phút cho cuộc đối thoại hay cầu nguyện nội tâm giữa tín hữu với Chúa, Đấng ban chính mình cho chúng ta, vì sự “hiệp thông” chính yếu này mà đi vào tiến trình hiệp thông. Không có hiệp thông, việc lãnh nhận Bí tích bên ngoài chỉ là nghi thức và vì thế, không sinh hiệu quả. Thinh lặng Dâng Lễ vật có ý nghĩa tốt và đem lại hiệu quả, nếu chúng ta thấy đây chủ yếu là một tiến trình nội tại, chúng ta chia sẻ hành động tự dâng hiến của Đức Giêsu Kitô cho Chúa Cha để được biến đổi, để ra khỏi đời sống thường ngày để đến với Thiên Chúa, hướng tới sự tháp nhập thời gian của chúng ta với thời gian của Người. Sự thinh lặng lúc Truyền phép khi nâng cao bánh và rượu đã được thánh hiến là lời mời gọi hướng nhìn về Đức Kitô, nhìn lên Người từ bên trong, trong cái nhìn này nói lên lòng biết ơn, tôn thờ và cầu xin cho sự biến đổi của riêng chúng ta. Trong một lúc, thế giới thinh lặng, mọi sự đều thinh lặng, và trong sự thinh lặng ấy, chúng ta chạm tới vĩnh cửu, vì từng nhịp đập trong trái tim, chúng ta bước ra khỏi thời gian đi vào trong Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Sự thinh lặng là một phần của hành vi phụng vụ. Những lời cầu nguyện thinh lặng của linh mục, liên quan đến nhiệm vụ chủ sự một cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa hằng sống và như một con người đang trên đường đến với Thiên Chúa. Sự thinh lặng trong lời nguyện Thánh Thể là cần thiết, để không đánh mất Lời Chúa.[11]

Quá hiển nhiên, càng tăng thêm chữ nghĩa cũng chẳng giúp ích được gì. Một cách đặc biệt, sự thinh lặng có thể làm thành sự hiệp thông trước Thiên Chúa. Giáo dục phụng vụ phải nhắm tới việc giúp cho tín hữu làm quen với ý nghĩa chính yếu và đường hướng nền tảng của Lễ Quy.[12]

II. Cần phải có những giây phút thinh lặng thánh (HCPV 30)

1. Nghệ thuật cử hành phụng vụ (ars celebrandi),

Tông thư Desiderio Desideravi nói về sự thinh lặng với nội dung như sau: Trong số các hành vi nghi lễ thuộc về toàn thể cộng đoàn, sự thinh lặng chiếm một vị trí quan trọng tuyệt đối. Sự thinh lặng trong phụng vụ là một điều vĩ đại vì nó là biểu tượng của sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm sinh động toàn bộ hoạt động cử hành. Vì lý do này, sự thinh lặng tạo thành một điểm đến trong trình tự phụng vụ. Chính vì nó là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, nên nó có sức mạnh nói lên hành động nhiều mặt của Ngài: việc thống hối vì tội lỗi, ước muốn được hoán cải, sẵn sàng nghe Lời Chúa và cầu nguyện, chuẩn bị tôn thờ Mình và Máu Chúa Kitô, gợi nhắc sống tình thân mật hiệp thông…[13]

2. Cảm nghiệm Thiên Chúa hiện diện

Theo cha Chupungco, mầu nhiệm bao la của thập giá hoàn toàn tự động lôi cuốn các tín hữu đến sự thinh lặng nguyện cầu trong chiêm niệm. Ở đây thinh lặng thế chỗ cho tính nghi thức của phụng vụ. Sự thinh lặng được đề cao vì tạo cơ hội để tận hưởng trong sâu thẳm con tim sự hiện diện của Thiên Chúa qua việc cử hành. Thinh lặng là một yếu tố thể hiện sự tham dự tích cực sau những lời tung hô hay đối đáp (HCPV 30). Thinh lặng là một hình thức hoạt động phụng vụ khi tâm trí và con tim suy nghĩ về những mầu nhiệm cao vời. Thinh lặng là ngôn ngữ của cầu nguyện chiêm niệm. Đó là thái độ của một người tôn sùng, kính cẩn ngước mắt nhìn lên Đức Kitô, Đấng Toàn Năng, trong kinh nguyện của Hội Thánh Rôma, hay với sự hiền dịu nơi Hài Nhi trong vòng tay của Mẹ. Thinh lặng là lời đáp trả đúng đắn duy nhất cho những lời mầu nhiệm của Đức Kitô “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em." Kính sợ khiến ta biết thinh lặng và biết vào phòng riêng âm thầm cầu nguyện cùng Chúa Cha.[14]

3. Diễn tiến thinh lặng trong Thánh Lễ

Âm nhạc phát sinh từ thinh lặng và rồi trở về thinh lặng. Thiên Chúa được biểu lộ vừa trong vẻ đẹp của âm nhạc vừa trong sức mạnh của thinh lặng. Phụng vụ thánh là sự hòa điệu nhịp nhàng giữa các bản văn, những hành động, những bài ca và thinh lặng. Thinh lặng trong phụng vụ cho phép cộng đoàn suy tư về những gì họ được nghe và cảm nghiệm, và mở lòng ra trước mầu nhiệm được cử hành. Các tác viên và những người phụ trách âm nhạc nên chăm lo cho các nghi lễ được tỏ hiện bằng cách để âm thanh và thinh lặng lên xuống đúng lúc. Thinh lặng trong phụng vụ có tầm quan trọng đặc biệt. Cũng cần thông báo và giải thích cho cộng đoàn phụng vụ biết ý nghĩa và những lúc thinh lặng thánh.[15]

Theo hướng dẫn của Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma: “Thinh lặng thánh là một thành phần của việc cử hành; vì thế phải được giữ vào đúng lúc của nó. Tính chất của sự thinh lặng tùy thuộc vào lúc phải giữ trong mỗi cử hành. Nhờ sự thinh lặng và các bài hát, cộng đoàn làm cho lời Chúa thành của mình” (Số 45, 55). Diễn tiến của sự thinh lặng diễn ra vào những lúc như sau:

a. Ngay trước khi cử hành Thánh Lễ

Rất nên giữ thinh lặng trong nhà thờ, trong phòng thánh và trong những nơi gần cận, để mọi người dọn lòng cử hành các mầu nhiệm thánh cách sốt sắng và đúng phép (số 45).

b. Sau lời mời mọi người thống hối

Linh mục và cộng đoàn thinh lặng trong giây lát để hồi tâm lại (số 45, 51).

c. Sau lời mời cho Lời nguyện nhập lễ

Mọi người cùng linh mục thinh lặng trong giây lát để ý thức mình đang ở trước thánh nhan Thiên Chúa và có thể nói lên trong lòng những nguyện ước của mình (số 54, 127).

d. Phụng vụ lời Chúa

Trong phụng vụ lời Chúa, nên có những lúc thinh lặng ngắn, phù hợp với cộng đoàn đang hiện diện, nhờ đó, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, lời Chúa thấm nhập lòng người và chuẩn bị họ đáp lại bằng lời cầu nguyện. Tùy nghi và tùy hoàn cảnh, có thể giữ thinh lặng một lát sau bài đọc thứ nhất và thứ hai, cũng như sau bài giảng, để mọi người suy gẫm những lời đã nghe. (số 56, 66, 128, 130, 136).

e. Lời nguyện chung

Ngoài những câu đáp, cộng đoàn có thể cầu nguyện trong thinh lặng (số 71).

f. Kinh nguyện Thánh Thể

Kinh nguyện Thánh Thể đòi mọi người cung kính và liên kết với linh mục trong đức tin và trong thinh lặng lắng nghe. (Số 78, 147)

g. Hiệp lễ

Thinh lặng thánh sau khi rước lễ để ca ngợi và cầu xin Thiên Chúa trong lòng (số 45). Lúc linh mục chuẩn bị rước Mình và Máu Thánh thì tín hữu cũng thinh lặng cầu nguyện để chuẩn bị (số 84). Sau khi cho rước lễ, linh mục và cộng đoàn tùy nghi ngồi thinh lặng cầu nguyện ít phút (số 43, 88, 164).

Tráng chén xong, linh mục phải giữ thinh lặng một chút, rồi đọc Lời nguyện Hiệp lễ (số 271).

h. Sau lời mời cho Lời nguyện Hiệp lễ.

Sau lời mời cầu nguyện cho Lời nguyện Hiệp lễ, có thể giữ thinh lặng trong giây lát nếu chưa giữ thinh lặng ngay sau khi rước lễ. (số 165)

III. Sức mạnh của sự thinh lặng

Sự thinh lặng tạo chiều sâu cho lời ca tiếng hát. Theo Đức hồng y Robert Sarah, thinh lặng là điều quan trọng hơn tất cả mọi công trình khác của nhân loại vì nó diễn tả Thiên Chúa, nó giúp ta khám phá ra Ngài, nó là điều cần để gặp được Ngài. Không có thinh lặng, Thiên Chúa mất hút trong sự ồn ào, con người xa rời Thiên Chúa. Trong thinh lặng, chúng ta phát xuất từ Thiên Chúa và chúng ta trở về với Thiên Chúa. Thánh Gioan Thánh Giá nói thật tuyệt vời: “Ngôn ngữ mà Thiên Chúa thích nghe nhất là ngôn ngữ của tình yêu lặng thầm”. Vì vậy, tiếng ca và điệu nhạc làm vui thỏa lòng Thiên Chúa là chính tình yêu lặng thầm và đón nhận. Thinh lặng là điều kiện của tình yêu và nó dẫn đến tình yêu. Trong phụng vụ, thinh lặng với niềm vui vừa bày tỏ lòng tôn kính thánh thiêng và tình yêu dành cho Thiên Chúa, vừa loan báo và biểu lộ sự hiện diện tôn kính của Thiên Chúa.[16]

F. PHÂN LOẠI THÁNH NHẠC

I. Nhạc Bình ca (Ca điệu Grêgôriô)

Có bình ca với hình thức đơn sơ bình dân (cantus planus) và cả Grêgôriô với hình thức ngân nga hoa mỹ (cantus Gregorianus).[17]

 “Giáo Hội nhìn nhận bình ca là gia sản riêng của phụng vụ Rôma: vì thế, trong các hoạt động phụng vụ, bình ca phải giữ địa vị chính yếu giữa những loại hình thánh ca khác.” [18] Bình ca là dấu chỉ hiệp thông với Hội Thánh hoàn vũ, là sự liên kết hiệp nhất các nền văn hóa, là phương thế cho các cộng đoàn khác biệt cùng nhau tham gia ca hát, và là lời mời gọi cùng tham gia suy niệm trong phụng vụ. Thật đáng hoan nghênh và hết sức cổ vũ khi những người hữu trách trong việc ca hát cho việc cử hành phụng vụ giúp cộng đoàn có thể cùng ca hát những phần thường lễ bằng tiếng Latinh[19] các Kinh như: Kyrie, Gloria, Sanctus và Agnus Dei, Credo, Pater Noster[20]

II. Nhạc đa âm kim cổ được thừa nhận

 Gồm có đa âm điệu cổ điển có k thuật hoàn bị nghiêm túc về đến âm điệu hiện đại có kỹ thuật nới lng hoặc có đệm đàn.[21]

III. Nhạc soạn cho đại quản cầm và các nhạc khí được công nhận.[22]

IV. Các ca khúc bình dân, phụng vụ và tôn giáo:

1. Phụng ca - Hát Thánh Lễ (sing the Mass)

Âm nhạc trong việc thờ phượng Kitô giáo là những bài ca dùng trong phụng vụ, lời ca là bản văn phụng vụ.[23] Bản văn phụng vụ của Thánh Lễ bao gồm: Các lời nguyện thuộc chủ tế, kinh tiền tụng, ca nhập lễ, ca hiệp lễ, các câu tung hô; Các Bài Đọc Sách Thánh.

2. Hát trong phụng vụ - Hát trong Thánh Lễ (sing at the Mass)

 Đây là một kẽ hở trong phụng vụ![24] Những bài ca dùng trong phụng vụ, đã được giáo quyền cho phép sử dụng (imprimatur), lời ca do tác giả ngẫu hứng dệt nên (nhập lễ, dâng lễ, hiệp lễ...) (ca khúc bình dân).[25]

“Đức tin của vô số các tín hữu đã được những giai điệu nuôi dưỡng, những giai điệu tuôn tràn từ trái tim của các tín hữu khác, và cũng được đưa vào phụng vụ hoặc được sử dụng như là một trợ giúp cho việc thờ phượng trang nghiêm. Trong ca hát, đức tin được cảm nghiệm như một niềm vui sống động, một tình yêu thương, và lòng mong đợi phó thác vào sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa.” [26]

"Tiêu chuẩn đem lại cảm hứng cho mọi tác phẩm thánh nhạc và mọi lần thể hiện tác phẩm thánh nhạc là vẻ đẹp gọi mời tâm hồn cầu nguyện".[27]

3. Giáo ca

Những bài ca dùng ngoài phụng vụ; lời ca diễn tả chân lý trong đạo được rút ra từ Thánh Kinh, Thánh Truyền và cả cảm hứng cá nhân. Giáo ca dùng cho các sinh hoạt tôn giáo như: Học giáo lý, hội học, cắm trại, văn nghệ...[28] Việc các Ca trưởng đưa Giáo ca hay nhạc Vào Đời (Les Alléluias) vốn dùng trong những sinh hoạt đời thường "từ cửa nhà thờ trở ra" (Lm. Kim Long) vào hát trong Phụng vụ là điều sai lầm và vô cùng đáng tiếc (ví dụ: Bước Người Đi Qua, Bờ Đá Xanh Tạ Tội…) vì phá mất bầu khí thờ phượng Kitô giáo![29]

“Các bài hát tôn giáo bình dân đó giúp ích rất nhiều cho việc Tông đồ Công giáo, vì thế ta phải vun trồng, khuyến khích, và ân cần chăm sóc những bài hát đó với tất cả khả năng có được.”[30]

 G. THÁNH NHẠC PHẢI LÀ THÁNH

Mục đích cao cả của Thánh nhạc là “Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá các tín hữu” (Piô X, Tra le Sollecitudini, 1-2). Tiêu chuẩn của bài ca phải đạt về mặt phụng vụ, âm nhạc và mục vụ. Hội Thánh đề ra những tiêu chuẩn rõ ràng để phân biệt và lựa chọn.

I. Những nguyên tắc thực hành

1. Chỉ dùng phụng ca và thánh ca trong phụng vụ

Chỉ sử dụng trong phụng vụ những nhạc phẩm được sáng tác với mục đích phụng vụ (Phụng ca và Thánh ca) (TC2/94,3a).

2. Chỉ dùng nhạc phẩm tôn giáo thánh thiện

Chỉ sử dụng những nhạc phẩm tôn giáo đích thực; những nhạc phẩm gồm được tính thánh thiện về lời ca, âm nhạc, dòng ca:

a. “Lời thánh ca phải thích hợp với đạo lý Công Giáo và tốt hơn cả là rút ra từ Thánh Kinh và các nguồn mạch phụng vụ” (HCPV 121). Do đó: “Phải loại ra ngoài phụng vụ những tác phẩm làm tổn thương đến tinh thần tôn giáo” (HCPV 124). “Các bản thánh ca phải phù hợp với vẻ tôn nghiêm của nơi thánh về việc phụng tự, chẳng những trong lời ca, mà còn cả trong âm hưởng, nhịp điệu và cách sử dụng các nhạc cụ nữa” (Để thi hành SC, 05/11/1970, số 3).

b. “Tiếng hát trong phụng vụ chiếm ưu thế nên luôn phải rõ ràng, các nhạc cụ khác chỉ là đệm theo nên không bao giờ được lấn át tiếng hát” (Piô X, TS, 16; TNtPV 63). “Âm thanh của các nhạc khí phải làm sao gợi lên được vẻ trang trọng, tinh khiết, đạo hạnh, tránh mọi phát hiện nhạc đời và phải hun đúc được lòng sốt sắng của giáo dân” (HTTN 68b). “Nhạc Jazz không thể có chỗ đứng trong cử hành phụng vụ của hội thánh” (ĐHY Lercaro, Epistula Concilii, 25/01/66). “Khi sử dụng các nhạc khí (organ điện tử, guitar, dàn trống...), không được dùng các điệu Jazz và các điệu phát xuất từ đó để đệm cho người khác khi cử hành phụng vụ; không được vuốt tay trên các phím đàn, nhất là organ và piano” (TC1/94).

c. “Thánh nhạc càng liên kết chặt chẽ với Phụng vụ bao nhiêu thì càng Thánh bấy nhiêu” (HCPV 112). Đó là tiêu chuẩn ưu tiên để chọn lựa những bài thánh ca (TC 56/88).

II. Để một bài ca được Imprimatur

Imprimatur là việc Đấng Bản Quyền chuẩn nhận các bài ca được phép dùng trong Phụng vụ sau khi đạt các tiêu chuẩn nêu trên. Cung dành cho chủ tế và thừa tác viên gồm: Lời chào của chủ tế và lời thưa của dân chúng; các lời nguyện (nhập lễ, dâng lễ, hiệp lễ); cung hát các bài đọc và Tin Mừng; các lời đối đáp và kinh Tiền Tụng; lời tung hô tưởng niệm, kết kinh Tạ Ơn, kinh Lạy Cha cùng với lời mở đầu và lời tiếp diễn; lời chúc bình an; công thức giải tán, phải được thẩm quyền địa phương chuẩn nhận. Thẩm quyền địa phương ở đây là Hội đồng Giám mục. Các bài ca khác phải được giám mục chuẩn nhận.[31]

Các nhạc sĩ cần lưu ý đến mục đích và tiêu chuẩn của Thánh Nhạc, cần trau dồi phẩm hạnh trước khi sáng tác, cần có ý thức về Hội Thánh (Thánh Phaolô VI). Nếu có mục đích sử dụng bài ca mình sáng tác trong phụng vụ, bài ca đó nên được Imprimatur trước khi phổ biến trên các phương tiện đại chúng. Để được Imprimatur, các bài ca cần đạt được những tiêu chuẩn về nhạc và về lời.

1. Luôn biết ý thức về Hội Thánh

Bản thân nhạc sĩ phải bám rễ sâu trong đức tin Kitô giáo và sống đức tin ấy trong cộng đoàn Hội Thánh. Họ cần có một đời sống nhân bản và Kitô giáo gương mẫu, được nhiều người yêu mến, có tinh thần Kitô giáo, có tinh thần khiêm tốn và cầu tiến về mặt Thánh nhạc theo hướng dẫn của Hội Thánh.

2. Sáng tác trong cầu nguyện

Một nhạc phẩm trước khi trở thành một bản thánh ca nó phải được cưu mang trong bầu khí cầu nguyện nhằm vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu; được viết ra với tất cả cảm xúc và trí tuệ của một thọ tạo dâng lời thờ lạy, cảm tạ, nguyện xin và thống hối trước Đấng Tạo Hóa, trước ân huệ vô song do Đức Giêsu Kitô thực hiện trong cuộc Vượt Qua của Người… Tóm lại, đó phải là lời ca hát của người đang yêu như thánh Augustinô nói: “Cantar amantis est.

3. Khả năng chuyên môn

“Sáng tác âm nhạc, trước hết là sự hiểu biết, cảm thấu và rung động của tâm hồn về một ý tưởng một tâm tình nào đó rồi vận dụng năng khiếu nghệ thuật cũng như sự khéo léo về kỹ thuật sử dụng âm thanh để truyền đạt nó tới người khác(Lm. Kim Long).  Nhạc sĩ vừa cần năng khiếu vừa cần kỹ thuật chuyên môn để hoàn thành tác phẩm âm nhạc. Với nhạc sĩ Công giáo, họ cần hiểu biết đầy đủ về Thánh Kinh, tín lý, luân lý, phụng vụ, nghệ thuật thánh nhạc… Với sáng tác âm nhạc sử dụng trong Phụng vụ, ở mọi tâm tình thờ, tạ, đền và xin thì chúng phải nhằm tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa tín hữu.

4. Một vài đặc tính trong bài Thánh ca

Bài thánh ca trước hết phải là kết quả của lời cầu nguyện và giúp cộng đoàn cầu nguyện, giúp xây dựng một Hội Thánh hiệp nhất và bình an. Điệu nhạc thánh đi liền với lời ca góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong Phụng vụ trọng thể. Lời Chúa tự bản chất có sức thánh hóa mọi tâm hồn, nên những bài ca có lời từ chính Thánh Kinh để dệt nhạc, thì cũng có sức thánh hóa như vậy. Nhạc phụng vụ càng đi liền với tác động Phụng vụ càng thánh thiện. Nhạc Phụng vụ thánh thiện do việc sử dụng cung điệu thánh, cung điệu Bình ca như trong bài Exsultet thật bất hủ! Một bài thánh ca cần có tính phổ cập, không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng có thể ca hát và thưởng thức được vẻ thẩm mỹ của nó.

5. Lời của một bài thánh ca

Các nhạc sĩ tìm được cảm hứng của mình nơi Thánh Kinh, và đặc biệt nơi các bản văn Phụng Vụ, để những tác phẩm của họ tuôn tràn từ chính Phụng Vụ. Hơn nữa, thật thích hợp để sử dụng trong Phụng Vụ, một bản văn được hát lên không phải chỉ đúng về giáo thuyết, mà tự bản văn phải là cách diễn tả đức tin công giáo. Vì thế, những bài hát trong Phụng Vụ không bao giờ được phép có những lời lẽ khẳng định về đức tin không đúng hay sai lạc. Chỉ trong bầu khí Kinh Thánh, Phụng Vụ và tôn giáo, người sáng tác là người ý thức được hành trình lâu dài của Hội Thánh qua dòng lịch sử con người, và là người đắm mình trong cảm thức của Hội Thánh (sensus Ecclesiae). (HDTN 78)

III. Ca trưởng chọn bài hát

Ca trưởng chọn các bài hát trong phụng vụ phải là những bài đã được chuẩn nhận (Imprimatur).[32] Phải xét đến các đặc tính phụng vụ, mục vụ và âm nhạc (kỹ thuật, mỹ thuật và biểu cảm) của bài thánh ca sao cho thích hợp với cuộc cử hành phụng vụ cụ thể, theo nguyên tắc về bậc lễ, theo ích lợi đức tin và khả năng âm nhạc của cộng đoàn.[33]

---Chú giải---

 

[10] QCSL 45, 51, 54-56; 66, 71, 78, 84, 88, 127-128, 130, 136, 147, 164-165, 271; HDTN 13, 86, 106, 140, 182, 188, 200, 228-229.

[11] ĐHY Robert Sarah, Nicolas Dias, Sức mạnh của sự thinh lặng – chống lại sự độc tôn của một thế giới ồn ào; Dòng Phaolô thành Chartres Sài Gòn dịch; Sept-Fons hiệu đính; NXB Đông Phương – 2019. Tư tưởng 249.

[12] Hồng y Joseph Ratzinger - Đức giáo hoàng Benêđictô XVI, Tinh Thần Phụng Vụ, Biên dịch: Nguyễn Luật Khoa, OFM và Phạm Thị Huy, OP; NXB Tôn Giáo – 2007. Tr. 236 - 243.

[13] Desiderio Desideravi số 57

[14] Anscar J. Chupungco, O.S.B., Phụng vụ là gì? Dịch giả: Giuse Nguyễn Thế Lân, O.P.; Hiệu đính: Giuse Nguyễn Cao Luật. Học viện Đa Minh – 2019. Tr. 74-76.

[15] QCTQ 45

[16] ĐHY Robert Sarah, Nicolas Dias, Sức mạnh của sự thinh lặng – chống lại sự độc tôn của một thế giới ồn ào; Dòng Phaolô thành Chartres Sài Gòn dịch; Sept-Fons hiệu đính; NXB Đông Phương – 2019. Tư tưởng 32, 68, 3, 5, 70, 142,166, 58, 82, 83, 98, 265.

[17] Đức Piô XII, Thông điệp Kỷ luật về thánh nhạc – Musicae Sacrae Disciplina; 25/12/1955; Số 8-10.

[18] HCPV 116

[19] HCPV 54

[20] QCSL 41

[21] Đức Piô XII, SĐD; Số 11-13; 52-55.

[22] Đức Piô XII, SĐD; Số 56 -58.

[23] HDTN 63-67.

[24] Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS; Thánh Lễ Và Thánh Nhạc: Phần Thường Lễ & Phần Riêng Của Thánh Lễ. Nguồn: WHĐ (04/5/2022). Mục I.b.

[25] Đức Piô XII, SĐD; Số 59-64

[26] Gioan Phaolô II, Thư gửi các nghệ sĩ, 1999, số 12; HDTN 80.

[27] Thánh Gioan Phaolô II, Diễn từ  với các giáo sư và sinh viên Giáo hoàng Học viện Thánh nhạc, ngày 19/1/2001.

[28] KLTN 38-55; TNtPV 4b; TC 41/97,II

[29] Đỗ Vĩ Hạ, Nói với các bạn tôi về nhạc vào đời, 09/11/2003;   http://dovyha.com/chiase02.shtml

[30] Đức Piô XII, SĐD; Số 36.

[31] HDTN số 114 và 115

[32] HDTN số 116 – 125.

[33] Lm. Rôcô Nguyễn Duy, Việc chuẩn nhận các bài thánh ca (Imprimatur) & chỉ sử dụng những bài thánh ca đã chính thức “imprimatur”. WHĐ (23/10/2020).

---Còn tiếp---

zalo
zalo