Ngày tháng: 31/12/2024
Đang truy cập: 26

Thánh Ca Trong Phụng Vụ - Phần 5/9 - Lm. Giuse Đinh Quang Vinh

THÁNH CA TRONG PHỤNG VỤ LÀ GÌ? – PHẦN 5/9

Lm. Giuse Đinh Quang Vinh

-----------------------------

NO PHOTO

I. THÁNH NHẠC PHẢI LÀ THỨ NGHỆ THUẬT ĐÍCH THỰC VỀ LỜI (LOGOS)[36]

“Tư tưởng hy lễ của Logos (Lời) trở nên một thực tại trọn hảo chỉ xảy ra trong Ngôi Lời nhập thể - Logos incarnatus, Lời mặc lấy xác phàm và đem "mọi xác phàm” vào trong vinh quang của Thiên Chúa”.[37]

1. Ba nghĩa liên quan đến Logos

Âm nhạc trong việc thờ phượng Kitô giáo liên quan đến Logos theo ba nghĩa:[38]

1. Hành động cứu độ của Thiên Chúa

Phụng ca liên quan đến những biến cố thuộc về hành động cứu độ của Thiên Chúa tiếp tục diễn tiến trong lịch sử của Hội thánh, nhờ các mầu nhiệm: Vượt qua, Thánh giá, Phục sinh và việc lên trời của Đức Giêsu Kitô. Phụng ca đặt nền tảng trên đức tin Thánh Kinh nên Lời chiếm ưu thế trổi vượt. Phụng ca là lời bật dậy từ con tim yêu thương để đáp lại tình yêu Thiên Chúa làm người nơi Đức Kitô, tình yêu cho đến chết vì chúng ta, những lời Kyrie eleison tràn trề hy vọng. Phụng ca cũng là đặc ân được nếm trước, được kinh nghiệm thực tại của Phục sinh tỏa sáng niềm vui của con tim được yêu thương. Lời vì thế được ưu tiên hơn nhạc trong phụng ca.

2. Cầu nguyện là ân huệ của Chúa Thánh Thần

Vì Chúa Thánh Thần chuyển cầu cho chúng ta “bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26) nên lời cầu nguyện âm thầm hay đàn ca trước Thiên Chúa đều là ân huệ của Ngài. Thánh Thần là tình yêu và chính Ngài thắp lửa tình yêu, say mê mà êm dịu để thúc đẩy chúng ta ca hát những gì liên quan tới Đức Kitô; Đấng là Lời và là ý nghĩa cao cả đã sáng tạo và nâng đỡ tất cả đời sống. Ngôi Lời là chuẩn mực cho mọi thờ phượng Kitô giáo. Chính Thánh Thần thúc đẩy con người nâng tâm hồn lên cao (sursum corda) để tuyên xưng “Giêsu là Đức Chúa” (1Cr 12,3).

3. Ngôi Lời là nghệ thuật của Thiên Chúa

Lời nhập thể nơi Đức Kitô, Ngôi Lời, là ý nghĩa sáng tạo của vạn vật và vũ trụ. Lời này là chiều rộng cứu độ (Tv 31,8) mà Thiên Chúa đặt chúng ta vào trong đó. Khi hát lên “Thánh, Thánh, Thánh” (Is 6,1-3), chúng ta cùng hát với các cherubim, seraphim và với tất cả ca đoàn thiên quốc. Trong việc cử hành Thánh Lễ, chúng ta cài chính chúng ta vào trong phụng vụ luôn luôn đi trước chúng ta. Tất cả việc ca hát của chúng ta là ca hát và cầu nguyện với phụng vụ cao cả nối dài toàn thể tạo thành. Cái đẹp của âm nhạc dựa trên sự phù hợp với quy luật nhịp điệu và luật hài hòa của vạn vật. Nếu âm nhạc của con người càng thích nghi với quy luật âm nhạc của vạn vật, âm nhạc càng trở nên hay. Qua Thánh Thần, Ngôi Lời tạo thành thế giới vật chất theo những hình mẫu hài hòa này. Theo công việc của Người trong tạo thành, vì thế, Ngôi Lời được gọi là “nghệ thuật của Thiên Chúa” (ars = technè!). Chính Ngôi Lời là Nghệ sĩ vĩ đại, trong Người, mọi công trình nghệ thuật, cái đẹp của vạn vật, bắt nguồn. Hát ca với vạn vật có nghĩa là đi theo dấu vết của Ngôi Lời và đến gần Người hơn. Tất cả nghệ thuật của con người là sự đồng hóa với nghệ thuật này, với Đức Kitô, với tâm trí của Đấng Tạo hóa. Niềm vui trong Chúa và tiếp cận với hiện diện của Người trong phụng vụ có một sức linh hứng vô biên.

4. Phân loại Bản Văn Phụng Vụ:

 “Bản Văn Phụng Vụ chi phối âm nhạc chứ không phải âm nhạc chi phối Bản Văn Phụng Vụ” (TC 2/94, 4). Trong phụng vụ, nhất là trong Thánh Lễ, cần phân biệt các bản văn liên quan đến việc ca hát như sau:[39]

a. Bản văn cố định

 Không được thay đổi vì bất cứ lý do gì các bản văn thuộc nghi thức Thánh Lễ: Các lời cầu nguyện của chủ tế, bộ lễ, Thánh vịnh Đáp ca, các lời tung hô, các lời đối đáp giữa linh mục hoặc phó tế với cộng đoàn, kinh Tiền tụng, Kinh nguyện Thánh Thể, kinh Lạy Cha...

Lời ca và âm nhạc phải theo sát bản văn đã được Hội Đồng Giám Mục chuẩn nhận, được Tòa Thánh châu phê và được in trong sách lễ Rôma (năm 2005).

5. Bản văn được thích ứng

Được thay đổi từ ngữ, sắp xếp lại, đổi cách đặt câu nhưng vẫn giữ ý nghĩa. Những bản văn như: Ca Nhập lễ, Ca Dâng lễ, Ca Hiệp lễ “được thích ứng khi phiên dịch sao cho hợp với tinh thần của ngôn ngữ và đòi hỏi của sáng tác”.[40]

6. Bản văn được thay thế

Bằng những bài hát đã được Hội Đồng Giám Mục chuẩn nhận khi đạt tiêu chuẩn để hát trong phụng vụ.

VIII. Tiêu chuẩn về lời ca

Đúng và hay cả về nội dung lẫn hình thức.

1. Đúng về nội dung

Đúng với tin lý công giáo. Đây là yếu tố quan trọng cần lưu tâm. (sai: “Chúa ngự trong bánh rượu” ; đúng: “Chúa ngự trong hình bánh và hình rượu”. Sai khi gọi Chúa Giêsu với danh xưng là Cha ; đúng: Phải gọi Chúa Giêsu là ngôi Con. Sai: “Vắng bóng Mẹ con biết trông cậy ai”; đúng: “Có bóng Mẹ con vững thêm cậy trông”.v.v.); Sai: “Mẹ đồng công năm xưa cứu đời…”; đúng: “Mẹ hiệp công năm xưa cứu đời…”

2. Đúng về hình thức

Đúng về từ ngữ, văn phạm, hợp với tính cách của hoạt động phụng vụ, với khung cảnh nghi lễ, với tâm tình đạo đức của các tín hữu.

3. Hay về nội dung

Lời ca bắt nguồn từ Thánh Kinh, từ kinh nguyện của hội thánh (PV 121) vì từ đó gợi lên những tâm tình đạo đức thâm sâu và đích thực.

4. Hay về hình thức

Có giá trị văn chương, nhất là lời ca đi với nhạc phải mang chất thơ, hợp tiết tấu, có hình ảnh về từ ngữ đẹp.

IX. Lời ca đúng và hay cho Thánh nhạc Việt Nam[41]

1. Lời ca hướng đến Thiên Chúa

Hướng đến Thiên Chúa là thưa trực tiếp với Ngài, nói về Ngài, ngợi khen Ngài, thờ lạy Ngài, cảm tạ Ngài, xin ơn Ngài và giúp nhau hướng đến Thiên Chúa. Lời ca hướng đến Thiên Chúa cũng giúp các giáo hữu đạt tới điều Thiên Chúa muốn là nên thánh và được phần rỗi.

Ví dụ: Lạy Chúa, bao ngày tháng con hằng mơ ước; Ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương; Ta ca tụng Chúa vì uy danh Ngài cao cả; Con thờ lạy hết tình, Chúa ngự trong phép thánh; Xin dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la; Lạy Cha xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một; Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời

2. Lời ca hợp với thần học và Thánh Kinh

Trong các sáng tác, thường dễ gặp vi phạm về thần học tín lý về ba ngôi vị Thiên Chúa, về Thánh Thể và về Đức mẹ. Lời ca sẽ bị sai lạc, hàm hồ và phóng đại khi gọi Chúa Giêsu là “Cha”; viết là “Chúa” nhưng không biết đó là Thiên Chúa hay là Chúa Giêsu, hay là Chúa Thánh Thần;  Bánh trở nên Mình Đức Kitô và Rượu trở nên Máu Đức Kitô chứ không phải “Chúa cao vời ẩn thân trong tấm bánh". Khi hát "Lạy Mẹ uy quyền phép tắc khôn lường" thì quên mất quyền phép Thiên Chúa. Lưu ý: Không dùng tứ linh tự YHWH (Yavê) trong lời ca. “Yavê” đổi thành “Đức Chúa” (Lord).[42]

3. Lời ca nói lên cộng đoàn hơn là cá nhân

Phụng vụ là việc tôn thờ của toàn thể Hội Thánh, vì thế lời ca nên dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số nhiều hơn là dùng số ít. Tâm tình một bài ca phải thống nhất, vì thế tránh vừa dùng số ít, vừa dùng số nhiều trong cùng một bài ca. Ngay cả khi dùng ở số ít cũng vẫn phải nói lên tâm tình của cộng đoàn Dân Chúa. Ví dụ: "Xin cho con gặp Chúa, trong đời con nơi phố thị phồn hoa" (quá cá nhân); "Trên đôi môi dịu mềm là lời nguyện cầu e ấp" (chỉ có giới trẻ)…

4. Lời ca trang nghiêm, thành kính

Vì được dùng trong phụng vụ nên lời ca phải tránh lời lẽ phân bua kiểu tay đôi, kêu trách cách vô tín, từ ngữ mang nghĩa trần tục... Ví dụ: "Tôi đi kiếm tiền mà nuôi vợ chứ nuôi con, ai bảo tôi rằng là tôi đây bỏ Chúa?"; "Sao Chúa cứ lặng thinh khi loài người chìm trong khổ đau?"; "Chúa đã chết đi, để lại cho con cuộc tình tuyệt vời"; "Chúa là người tình tôi yêu trăm năm, Ngài cất tiếng nâng bước cuộc đời"; “Ái ân ngọt ngào”…

5. Lời ca đúng ngữ pháp, rõ nghĩa

Khi lời ca đi với giai điệu nhạc và cao độ, lời ca cần đúng ngữ pháp, bằng trắc, ngữ nghĩa, tâm tình… Ví dụ: "Bước vào đền thánh, hoa và nến chứa chan niềm vui tình yêu"; “Kính mến Chúa, hãy tỏ lòng mến với Người/người" …

6. Ca từ cần chính xác về ngữ nghĩa

Ca từ dùng cần chính xác, rõ ràng để chuyển tải được nội dung muốn nói. Ví dụ:"Một đời khấn nguyện, một lòng cơ cầu, xin ơn Chúa đỡ nâng, dìu đưa" (đói nghèo); "Với ánh sao dẫn đường, chúng con đi tìm chân lý vô thường" (không bền lâu); "Xin cho con biết sống với lòng thay đổi(phản bội); "Bánh con dâng trên bàn thờ, với khói hương bay vật v(không ổn định)…

7. Ca từ cần hợp lý

Ca từ dùng cần hợp tình hợp lý, không gượng ép, không tự tạo ra từ mới xa lạ với quần chúng. Ví dụ: "Dâng Chúa bánh rượu thơm nồng bánh thơm rượu nồng"; "Mẹ đẹp như huệ non; "Maria, vầng trăng ngày đêm soi sáng"; "Cảm tạ Thiên Chúa Trời"; "Thánh Giuse, một đời tịnh khiết khiết tịnh, khiêm nhường".

8. Lời ca mang nét văn chương

Vì thuộc lãnh vực nghệ thuật nên thánh nhạc cần đến nét đẹp của văn thơ, hình ảnh, màu sắc, gieo vần, đơn giản, dễ nhớ, thánh thiện, phân câu dứt ý chính xác, các ý tưởng phải có kết nối hợp lý giữa đặt vấn đề và giải quyết vấn đề… để giúp cộng đoàn tham gia tích cực vào phụng vụ. Ví dụ: “Chúa hiển trị trời xanh, hào quang Chúa long lanh (gượng ép)” "Tình Chúa cao vời như biển khơi", "Trong bóng tối đìu hiu (đồng nghĩa với bóng tối), Chúa dẫn con bằng ánh sáng dặt dìu (ánh sáng nhịp nhàng?)".

9. Âm nhạc hỗ trợ lời ca

Trong thánh nhạc, âm nhạc có nhiệm vụ hỗ trợ lời ca. Nói cách khác, nhạc phải theo lời, chứ lời không theo nhạc. Các yếu tố của nhạc phải phù hợp với lời được hát lên; chẳng hạn, tiết tấu nhạc phải diễn tả được dấu giọng, các từ ghép và các từ láy trong tiếng Việt; cung, thể và hợp âm phải nâng đỡ và làm rõ được ý lời ca muốn tỏ bày.  Về sự hòa hợp giữa nhạc và lời, trong thánh ca Việt Nam đã có rất nhiều trường hợp nốt nhạc đặt sai dấu giọng của lời ca, thậm chí đôi khi từ ngữ bị nhạc uốn sai dấu giọng mà vang lên thành lời khiếm nhã. Ví dụ: “Ban cho có đôi, Ngài ban cho có đôi” khi hát lên cao nghe ra “Bán chó có đôi”.

---Chú giải---

[36] TC 2/94,4

[37] Hồng y Joseph Ratzinger - Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, Tinh Thần Phụng Vụ, Biên dịch: Nguyễn Luật Khoa, OFM và Phạm Thị Huy, OP; NXB Tôn Giáo – 2007; Tr. 54.

[38] Hồng y Joseph Ratzinger - Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sđd; Tr. 166 – 175.

[39] HDTN số 189 - 190.

[40] Thư trả lời của TGM Gérard M. Agnelo, thư ký Thánh Bộ Phượng Tự gửi ĐGM Phaolô Nguyễn Văn Hòa, GM Nha Trang, phụ trách Thánh Nhạc HĐGMVN, ngày 08/02/1994.

[41] Nhạc sĩ Phanxicô, Imprimatur và Lời ca trong Thánh nhạc Việt Nam; WHĐ (23.10.2020).

[42] Các Rabbi Trưởng ở Rôma khi gặp gỡ Đức Bênêdictô XVI đã nói rằng việc phát âm tứ linh tự YHWH (Yavê) là một sự xúc phạm đến người Do Thái. Vì vậy năm 2008, Ủy Ban Thánh Kinh Giáo Hoàng đề nghị dịch và viết chữ YHWH sang chữ Đức Chúa (Lord). The Revised New Jerusalem Bible – Study Edition. Image Newyork. Foreword 1:1.

---Còn tiếp---

zalo
zalo