THÔNG DIỄN THẦN HỌC - Phần 1/8
Lm. Phaolo Ngô Đình Sĩ
-------------------------------
CHƯƠNG I: TỪ KIẾN THỨC ĐẾN DIỄN GIẢI
Dẫn nhập
Thông Diễn Học (viết tắt là TDH) dịch từ thuật ngữ Hermeneutics vốn là một môn học, một phương pháp để thấu hiểu văn bản tuy rất cũ kỹ, nhưng cũng rất mới mẻ. Từ đầu thế kỷ thứ 20, TDH cũng đại biểu cho một nền triết học mà Hans-Georg Gadamer (1900-2002) gọi là Thông Diễn Triết Học (philosophische Hermeneutik). Rất cũ, bởi vì TDH đã bắt nguồn ngay từ khi con người có ngôn ngữ (language), và nhất là ngôn từ (words) và ngôn tự (written language).
TDH thường đồng nghĩa với môn học về ngôn ngữ, ngôn từ và ngôn tự, tức môn học giúp chúng ta hiểu được văn bản (texts), cũng như truyền đạt ý mình cho người khác.
Nói cách khác, TDH bao gồm hai phần: phần thứ nhất xác định ý nghĩa xác thực của nội dung câu nói hay văn bản, truyền thống, giá trị, vân vân; trong khi phần thứ hai giúp ta khám phá ra những huấn đạo hàm chứa hay tiềm ẩn trong những hình thức ngụ ngôn, dụ ngôn, biểu tượng, vân vân.
Trong lịch sử văn học Tây phương, TDH đã từng được sử dụng trong tôn giáo, đặc biệt để giải thích Thánh Kinh. Do đó, hình thức cũ và căn bản nhất của TDH vẫn là môn chú giải (Biblical exegesis).
Đầu thế kỷ thứ 20, TDH xuất hiện theo đúng nghĩa mà chúng ta hiểu ngày nay. Nó không chỉ bao gồm môn chú giải (Exegesis) mà thôi. Thực ra, TDH bao quát ba nghệ thuật: Diễn giải hay giải thích (ars explanandi), Diễn nghĩa hay Giải nghĩa (ars explicandi), Chuyển nghĩa hay Thuyên thích hay Diễn dịch (ars interpretandi).
Chỉ theo một mạch văn như vậy nên ta có thể nói, TDH cũng là một môn học mới nhất, nó bao gồm tất cả các bộ môn trên, dưới cái tên chung là Hermeneutics hay Theory of Interpretation (Auslegungslehre).
Khi học thần học, chúng ta đã biết một chuyển dịch vào thế kỷ thứ 16 với việc hệ thống hóa các điểm thần học và vào thế kỷ 19 với ảnh hưởng của phương pháp lịch sử trong thần học.
Trong bài viết này, dựa trên tư tưởng nhà thần học Pháp Claude Greffé, chúng ta cố gắng nêu ra những nét đặc trưng của sự chuyển dịch đã được nhận thấy trong thần học từ 30 năm nay. Nói đúng hơn, chính là việc chuyển dịch từ nền thần học dựa trên các kiến thức được thiết lập tới thần học xem như "diễn giải" hoặc nói cách khác, đi từ thần học tín lý đến thần học thông diễn.
Chúng ta cũng ý thức rằng cụm từ "diễn giải" vẫn còn xem như một "cấm kỵ" của một số người. Nhưng với các chuyển dịch thần học hiện nay chúng ta phải nhắc đến sự chuyển dịch triệt để gây ra bởi khủng hoảng "thông diễn học".
1. Nguyên nhân chuyển dịch hiện nay của thần học
Các nguyên nhân dẫn đến sự chuyển dịch hiện nay của thần học.
- Đối với Mặc khải, thời đại hôm nay chúng ta có 3 nhận xét:
1) Tín lý và Kinh Thánh hình thành một phần chứng tá có chức năng làm sung mãn Tin Mừng và chúng ta biết Tin Mừng mang tính cánh chung.
2) Mặc khải không phải là một truyền đạt đến từ một kiến thức xác định một lần cho tất cả. Mặc khải chỉ ý Thiên Chúa tác động trong lịch sử và kinh nghiệm đức tin của dân Thiên Chúa, kinh nghiệm được diễn dịch trong những biểu đạt diễn giải các hành động của Thiên Chúa. Có nghĩa là, Thánh Kinh tự bản chất đã là một diễn giải. Và việc trả lời của đức tin thuộc về nội dung của Mặc khải.
3) Mặc khải chỉ đạt đến sung mãn, ý nghĩa tràn đầy và hiện thực trong đức tin đón nhận. Chính vì thế, Mặc khải, với tư cách là Lời của Thiên Chúa trong hình thức lời nhân loại hay dấu vết Thiên Chúa trong lịch sử, không thuộc phạm vi phương pháp khoa học, phương pháp phê phán sử quan. Đức tin, theo nhận thức của nó, luôn là một kiến thức diễn giải được ghi dấu bởi các điều kiện lịch sử của thời kỳ đó. Thần học, như là một diễn văn diễn giải, không chỉ là biểu đạt khác của nội dung đức tin luôn đồng nhất và thoát khỏi tính cách lịch sử; Thần học chính là diễn giải cập nhật hóa của cùng một nội dung đức tin.
Sau một vài sáng tỏ như thế, chúng ta có thể nói rằng hiểu thần học theo thông diễn học, chính là coi trọng tính lịch sử với tất cả sự thật, ngay cả sự thật được mặc khải và cũng nghiêm túc xem lịch sử tính con người trong tư cách là một chủ thể diễn giải.
Thay vì xóa bỏ tính cách ngẫu nhiên của sự thật theo cách siêu hình học, tư tưởng hiện đại có lẽ sẽ nói rằng lịch sử tính chính là điều kiện cho tất cả khôi phục ý nghĩa. Thần học hiện đại tìm cách rút ra tất cả hệ quả của trực giác này.
Như thế, một tư duy minh bạch dựa trên Mặc Khải dẫn chúng ta hiểu rằng thần học luôn là một công trình thông diễn, ít ra trong ý nghĩa thần học là một diễn giải ý nghĩa hiện nay của biến cố Giê-su Ki-tô từ các ngôn ngữ khác nhau của đức tin.
Quả thật, Chúa Giê-su là chủ của tất cả thời gian, và chúng ta phải lập lại những gì thể hiện trong Chúa Giê-su thành Na-da-rét để quy kết với kinh nghiệm của con người và thế giới.
Nói tóm lại, chuyển dịch thần học, hay bước đi từ kiến thức cố định đến diễn giải thì liên hệ đến lịch sử gần đây của vấn đề thông diễn học. Chúng ta chú ý đến 2 điểm sau đây của thần học: a) sự tranh cãi về kiến thức lịch sử theo nghĩa chính lịch sử, b) tranh cãi về kiến thức tư biện hay suy lý.
a. Tranh cãi trên kiến thức lịch sử
Chúng ta đã thấy tác động của phương pháp lịch sử trong thần học. Phương pháp này, trước tiên, đã giải thoát cho thần học mang nặng tính kinh điển và hoàn toàn cắt đứt với các nguồn lịch sử của đức tin. Sau đó, chú giải có tính khoa học và lịch sử có tính khoa học dựa trên các nguồn gốc Ki-tô giáo đã góp phần vào việc tạo ra hố ngăn cách giữa lịch sử và tín điều, giữa sự thật của các nhà chú giải và sự thật của các nhà thần học.
Giả định hàm ý của các nhà chú giải cho rằng sự thật của Ki-tô giáo nằm trong nội dung một bản văn, đó là Kinh Thánh, và người ta có thể khôi phục sự thật đó nhờ các phương pháp khoa học. Chú giải trở thành một nơi bắt buộc phải đi qua để tiến vào sự thật, chính sự thật nguyên vẹn như là nội dung của một bản văn trước đây. Từ đó, xảy ra hệ quả kém hiểu biết về kinh nghiệm của các cộng đoàn hiện tại và để có thể thắp lên một ngọn nến báo hiệu vấn đề riêng của thần học trên ý nghĩa các bản văn soi sáng cho ngày nay.
Thông diễn thật xứng đáng, từ khi Dilthey đặt nghi vấn cho kiến thức lịch sử theo chủ nghĩa duy thực nghiệm và ông ta đã minh chứng rằng không thể khôi phục được quá khứ mà không có một diễn giải sống động điều kiện hóa bởi tình trạng hiện tại.
Từ khi Karl Barth xuất hiện, thần học chính là một thông diễn, thông diễn có chức năng làm cho Lời Thiên Chúa sống động và có ý nghĩa cho ngày nay. Và ngay cả khi người ta trách cứ Barth vì ông ta đã dễ dàng với nghiên cứu phê phán các bản văn. Bullman cũng chống chủ nghĩa lịch sử duy thực nghiệm; với chủ nghĩa này, người ta tưởng mình sẽ đạt đến một kiến thức chính xác của quá khứ theo cách của các khoa học chính xác. Kiến thức hiện hữu - nghĩa là kiến thức diễn giải, và thứ kiến thức không thể tách biệt với diễn giải của chính chủ thể - là kiến thức lịch sử duy nhất và đích thực khác với kiến thức cho là khách quan của chủ thuyết lịch sử.
Tuy vậy, ngày nay, chúng ta biết nhiều hơn, từ khi xuất hiện các công trình của Gadamer và Pannenberg: nếu chúng ta phản bác chủ nghĩa lịch sử bằng thông diễn, chúng ta sẽ tự giam mình vào trong vấn đề của triết gia Kant, theo ông Kant này, phải tách riêng hệ thống các dữ kiện (đối tượng của các khoa học kinh nghiệm) với hệ thống ý nghĩa hay giá trị (đối tượng của luân lý và siêu hình học).
Thần học Tin lành, để thoát khỏi các tác hại của chủ nghĩa lịch sử, đã phát triển phong phú thêm uy quyền siêu nhiên của Lời Thiên Chúa mà không nhờ các tiêu chuẩn lịch sử. Và từ việc này, người ta đi đến một phân biệt tổn hại giữa chú giải lịch sử và chú giải thông diễn thần học. Chú giải lịch sử tìm ý nghĩa của biến cố từ bối cảnh lịch sử. Chủ nghĩa thông diễn thần học cố gắng cập nhật hóa ý nghĩa của biến cố quá khứ cho chúng ta ngày nay.
Tuy nhiên, người ta chống lại loại thông diễn tâm lý, thông diễn này hiểu bản văn như là một biểu đạt của đời sống chủ quan của tác giả. Cho nên, thông diễn mới, chính là thông diễn tìm ý nghĩa bản văn và luôn tôn trọng sự khác biệt lịch sử của bản văn.
b. Tranh cãi trên kiến thức tư biện
Tranh cãi trên kiến thức lịch sử theo nghĩa chủ nghĩa lịch sử đã làm lung lay thần học nệ cổ (fondamentalisme), thần học cho rằng có thể nối kết một cách trực tiếp với Lời Thiên Chúa trong lắng nghe những lời của Sách Thánh qua văn chương. Một cách chung hơn, người ta không thể đề cập chuyển dịch từ kiến thức đến thông diễn và việc làm lung lay Tín lý mà không nói đến tranh cãi kiến thức tư biện (suy lý) trong triết học hiện đại.
a) Quan điểm Hữu thể học mới của Heidegger, người đã cố gắng khôi phục tư tưởng hữu thể và cùng một lúc phá đổ thần học hữu thể cũ. Nền thần học siêu hình học đã có một thành công tuyệt vời. Nhưng ngày nay chúng ta không thể tư duy thần học theo mô thức siêu hình học: thần học Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, thần học thiên nhiên, hoàn toàn ở cấp độ hữu thể học. Hơn nữa, triết học hiện nay đã biết từ bỏ việc tự cho mình nắm kiến thức tuyệt đối. Thần học Kitô giáo cũng phải đưa ra các hệ quả đối với tri thức riêng của mình bằng cách phân biệt triết học thông diễn và triết học tri thức.
b) Tiếp đến, khi một thần học tự cho mình là một hệ thống hoàn hảo và mang sứ điệp Kitô giáo phổ quát, thần học sẽ đụng phải phê phán hiện đại trên các ý thức hệ trên tính cách tổng thể không biện chứng, trên việc khinh thường sự phức tạp lịch sử, và trên sự cố chấp chống lại hiện thực.
Triết gia người Đức Nietzsche đã nghi ngờ đối với vấn đề sự thật. Sự thật tuy không phải là "viễn cảnh", nhưng chúng ta phải chấp nhận rằng chỉ có thể đạt đến sự thật trong một viễn cảnh. Tất cả diễn văn đều tạm thời và tương đối.
- Diễn văn không phải là một tri thức, nhưng là một ngôn ngữ thông diễn, liên quan đến triển vọng của diễn giả.
- Sự thật nhận thức trong nhiều trường hợp thực ra là đa dạng. Ý thức này sẽ không dẫn đến việc phá bỏ đức tin tín điều theo ý nghĩa Kitô giáo của từ ngữ, nhưng ý thức này khiến chúng ta phải luôn thận trọng trước một thần học tín lý nào đó khi thần học này được xem là một diễn đạt duy nhất đích thực của sứ điệp Kitô giáo.
- Chúng ta ý thức rằng thần học luôn ở trong "trạng thái thông diễn", như thế thần học khiêm tốn và đặt vấn đề hơn.
c) Chuyển dịch thần học xuất hiện dưới định nghĩa như một vượt qua tri thức đến thông giải là hệ quả của chuyển dịch các cấu trúc mang tính khả tin của con người hiện đại.
- Các diễn văn của giáo hội ngày nay đã trở nên không ý nghĩa đối với phần đông con người đương thời, những người không phải chỉ vì thờ ơ vô cảm tôn giáo và buông thả thuần phong, nhưng chính họ cảm nhận sâu sắc sự khác biệt giữa đức tin Kitô giáo và tình trạng lương tâm của nhân loại:
* Độc lập của lương tâm
* Nội dung sự thật của một giáo huấn không được chấp nhận vì uy quyền của giáo quyền, nhưng được chấp nhận vì chính nội dung đó thích đáng và đáng chấp nhận. Chính vì thế, tự quyết định là bất khả ngộ đối với một kiến thức thần học nhân danh một quyền bính, thì bất khả ngộ của quyền bính sẽ không được thừa nhận.
* Các thần học "có uy" như thần học của Lời Thiên Chúa theo nghĩa của Barth (chỉ có Thiên Chúa nói đúng về Thiên Chúa) hoặc các thần học công giáo như thần học kinh điển không tương hợp nữa với thể thức tinh thần hiện đại. Như các thời kỳ khác của lịch sử, thần học hiện đại không thể từ chối trung gian hóa các các tương quan của lý trí và đức tin. Trong ý nghĩa này, thần học thông diễn như thần học của Pannenberg (Ki-tô học đến từ dưới thế) cố gắng phản ứng chống lại chủ nghĩa siêu tự nhiên của các thần học Lời Thiêng để lấy căn nguyên tin tưởng của sứ điệp Ki-tô giáo trong các biến cố nền tảng.
------------------------
---Còn tiếp---