Ngày tháng: 04/05/2024
Đang truy cập: 3

THÔNG DIỄN THẦN HỌC - Phần 2/8 - Lm. Phaolo Ngô Đình Sĩ

THÔNG DIỄN THẦN HỌC - Phần 2/8

Lm. Phaolo Ngô Đình Sĩ

-------------------------------

CHƯƠNG I: TỪ KIẾN THỨC ĐẾN DIỄN GIẢI

 

2. Các hệ quả đối với thực thi thần học theo hướng thần học thông diễn

Chúng ta cố gắng khám phá ra một số chuyển dịch nội tại của thực hành thần học. Ngay như tất cả các bề mặt kết nối chặt chẽ, chúng ta sẽ phân biệt cách xử lý mới các môi trường truyền thống của Thánh Kinh và Tín lý, một chuyển dịch hành vi thần học, sự phát sinh các nơi chốn mới, và các nơi chốn này sẽ thay đổi chức năng các môi trường thần học truyền thống.

a. Một cách xử lý mới các môi trường truyền thống

Các nhà thần học đã thay đổi cách nhìn và thái độ về các vị trí thần học như Thánh kinh hay Truyền thống. Nói cách khác, các văn bản được xem như các tài liệu quy chiếu hơn là "uy quyền". Về phần Thánh kinh, người ta không xem đó như một dữ liệu theo nghĩa nội dung chân lý chỉ cần chiếm hữu. Đó là một chứng tá dẫn đến các biến cố lịch sử. Như vậy, phải nói đến các diễn giải đức tin, không thể chối bỏ tính lịch sử, nghĩa là tương đối. Trong viễn cảnh cấu trúc, chúng ta có thể nói rằng không có "sự thật" bản văn. Khi đọc, chúng sản sinh ra nhiều ý nghĩa đa dạng.

Nhà thần học nhận bản văn đến từ một cộng đoàn, Giáo Hội; vì cộng đoàn này luôn nối kết liên tục với cộng đoàn nguyên thủy, cộng đoàn đã sản xuất bản văn. Như thế, không thể diễn giải tùy tiện một bản văn. Chính sự liên tục này là điều kiện khả thể của truyền thống.

Như thế, đối với chúng ta, cách đọc với tư cách người tin Thánh kinh luôn là thông diễn trong ý nghĩa là ngày nay chúng ta diễn giải bản văn ở trong lòng cùng một truyền thống với truyền thống trong đó bản văn đã được soạn thảo. Chúng ta có thể nói có một liên tục ý nghĩa nào đó liên quan đến liên tục lịch sử, ngay cả nếu biến cố Giê-su Ki-tô luôn gợi ra trong chúng ta một thông giải và trong các biểu đạt khác tùy theo hoàn cảnh lịch sử của chúng ta.

Quy chiếu vào nguyên thủy ý nghĩa, nguyên thủy của biến cố nền tảng, là chính yếu. Nhưng việc chuyển tải sứ điệp không phải là sự lập lại một kiến thức hình thành một lần cho tất cả: chính là việc cập nhật hóa luôn mới của những gì đã được diễn tả trong Đức Giê-su Ki-tô. Đó là lý do tại sao một thần học sống động luôn là một công trình thông diễn.

b. Khớp nối luân chuyển mới về Kinh Thánh và Tín lý

Xem thần học như một thông diễn, chính là bắt đầu đặt vấn đề lại phân biệt giữa dữ liệu và cấu trúc hình thành trong thần học truyền thống và vượt qua đối lập giữa một thần học gọi là tích cực và một thần học gọi là tư biện (suy luận); từ ba thế kỷ nay đã có tổn hại về tính thống nhất của tri thức thần học. Thực ra, sự phân biệt này góp phần cho việc "ly dị" giữa lý trí và lịch sử trong công trình thần học và trong sự trổi vượt đối với thần học kinh điển bị cắt đứt khỏi các nguồn Thánh kinh. Chủ nghĩa tích cực lịch sử và chủ nghĩa duy lý thần học có cùng một nguồn gốc, biết đó là thiếu tri thức hiểu biết thông diễn đích thực trong quá khứ. Chúng ta có thể minh chứng rằng làm sao sự thiếu tri thức này là di sản của phân biệt theo Kant giữa kiến thức các sự kiện và sự tìm kiếm ý nghĩa. Thần học gọi là tích cực bị giới hạn ở việc thâu nhận các tài liệu của quá khứ. Thần học tư biện đã có thể thực hiện công trình xây dựng lý thuyết, như thể người ta có thể hài lòng việc phân biệt ngây thơ giữa một dữ kiện mà người ta có thể đọc thấy ý nghĩa khi bỏ trong ngoặc đơn sự hiểu biết ngày nay và một xây dựng có lẽ chỉ có một tương quan xa xăm với dữ kiện này. Chúng ta biết rằng chúng ta không thể kiểm kê các nguồn đức tin mà không miệt mài hoàn toàn cho một công việc diễn giải.

Để vượt qua phân biệt giữa dữ kiện và xây dựng dẫn dắt chúng ta đi đến một chuyển dịch các chức năng đa dạng của thần học. Chúng ta đã bỏ sự phân chia 3 phần của thần học tín lý xuất phát từ việc chống Cải cách: trình bày giáo điều của Giáo hội, minh chứng giáo điều này qua Thánh kinh và Truyền thống, tư biện (suy luận) đào sâu. Các nhà thần học không đề cập đến Thánh kinh một cách đơn giản để chứng thực hay xác nhận giáo huấn của Giáo quyền như trong trường hợp thần học Công giáo mãi đến ngưỡng cửa của Công đồng Vaticanô II.

Chính việc đọc Thánh kinh hiện nay dẫn đưa chúng ta đến một diễn giải các phát biểu tín lý trong khi vẫn ý thức tình trạng của các câu hỏi và trả lời, tình trạng cho cơ hội hình thành các phát biểu đức tin. Ngôn ngữ tín lý là diễn đạt một ý thức của Giáo hội về những gì Giáo hội sống vào lúc đó. Cũng như thế, chúng ta không thể xác định căn tính Giáo hội và Vương quốc Thiên Chúa, cũng như nói về một căn tính thuần khiết và đơn giản của ngôn ngữ thần học và Lời của Thiên Chúa. Nếu chúng ta tránh nhận định hoặc Thánh kinh, hoặc Tín lý với Lời Thiên Chúa, như thế chúng ta hiểu được tính bổ sung của Thánh kinh và Tín lý trong việc Giáo Hội chiếm hữu dần dần các sự giàu có của Mầu nhiệm Thiên Chúa. Một cách cụ thể, chức năng thông diễn của thần học được đo lường bằng tương hợp hỗ tương các tín điều tuyên xưng đức tin và Thánh kinh. Chúng ta đọc Thánh kinh từ tầm nhận thức này, tầm nhận thức lập thành Truyền thống Giáo hội. Đó cũng chính là phương pháp ưu tiên của thần học tín lý công giáo. Nhưng chúng ta cũng phải làm một hành động ngược lại, nghĩa là đưa chúng ta đến việc đọc lại Kinh Thánh bắt đầu từ chân trời lịch sử riêng biệt của chúng ta, để phân biệt những gì được nhắm đến với một định nghĩa tín lý như thế với những gì nêu lên từ não trạng và các trình bày đột phát của một thời kỳ.

c. Hành vi thần học như intellectus fidei chuyển dịch

Từ những gì chcủa những gì được hiểu).úng ta vừa nói, chúng ta rút ra kết luận nói rằng hành vi thần học như intellectus fidei chuyển dịch. Có nghĩa là chúng ta không thể nhận định intellectus fidei qua hành vi lý lẽ tư biện, lý lẽ chuyển động theo lược đồ của chủ thể và của đối tượng và lý lẽ tìm cách giải thích những gì đưa đến cho chúng ta hiểu trong mặc khải, bắt đầu từ một số lý lẽ siêu hình học. Intellectus fidei có thể đồng hóa với hiểu biết thông diễn học, nghĩa là điều gì khác ngoài một hành vi kiến thức đơn thuần, một thể thức hiện hữu ở đó hiểu biết quá khứ không thể tách rời với diễn dịch tự thân. Điều này đối với chúng ta khá quan trọng với điều kiện thông diễn hiện sinh dừng lại ở mức độ tâm lý. Như Gadamer đã minh chứng điều này, hiểu không bao giờ là một thái độ ứng xử chủ quan đối với một đối tượng nào đó: "Le comprendre appartient à l'histoire dans son historiscité, c'est à dire à l'être même de ce qui est compris" (Hiểu thuộc về lịch sử trong tính lịch sử, nghĩa là chính hữu thể của những gì được hiểu).

Như thế, chúng ta được phép nói rằng đối tượng trực tiếp của công việc thần học không phải là một đối tượng theo nghĩa toàn bộ mệnh đề chúng ta tìm kiếm những điều thông minh nhưng là toàn bộ các bản văn được hiểu trong lãnh vực thông diễn mở ra bởi Mạc khải. Chúng ta tìm cách mở rộng hữu thể mới của Kinh Thánh và của các "đọc lại" của giáo hội. Để cho hữu thể mới của bản văn mặc khải có ích cho chúng ta, chúng ta phải vượt thắng khoảng cách văn hóa tách biệt chúng ta khỏi bản văn tái tạo trong sản sinh lịch sử. Nhưng đồng thời, chúng ta không nên xóa bỏ khác biệt ý nghĩa mới, vì chính khoảng cách này tạo ra khả năng ý nghĩa mới theo tình huống hiện tại của người đọc. Vậy thần học là chuyển động thông diễn không ngừng, ở đó, những câu hỏi mới đặt ra cho bản văn có thể có nguy cơ của những trả lời không thể dự kiến.

d. Phát sinh các môi trường thần học mới

Thần học Công đồng Vaticano II không còn sử dụng trung gian (medium) xây dựng các khái niệm triết học kinh viện. Nhưng nếu thần học sử dụng các khái niệm liên quan đến triết học hiện sinh hoặc từ vựng hoặc các kết quả của khoa học nhân văn như xã hội học và tâm lý học, thì luôn vì lý do ước muốn bí ẩn tái tạo diễn văn tổng thể về thế giới và về con người dưới ảnh hưởng của xu hướng biểu tượng Ki-tô giáo. Hôm nay chúng ta hiểu rõ hơn đó không phải đơn thuần là thay thế triết học Ki-tô giáo với các môi trường mới mà chúng ta gọi là các khoa học nhân văn (khi nói đến khoa học nhân văn, đây là những tên gọi khá rộng) mà không thay đổi một cách sâu sắc cách thức chúng ta làm thần học. Nói đúng hơn, các môi trường này là mới vì các lý tính mới, các tiếp cận khác nhau của thực tại cá nhân và tập thể.

Thần học như thông diễn phải kể đến trong diễn giải thông điệp Ki-tô giáo dù là Tin mừng hay tín lý, phân tích phê phán các điều kiện sáng tạo của mọi ngôn ngữ. Trước khi đón nhận các chủ đề mới, thần học thông diễn tự vấn về tương quan với ngôn ngữ riêng. Hơn nữa thông diễn không hài lòng với một diễn văn tự phát và tự khẳng định. Từ một phân tích xã hội chính trị, thông diễn thần học phải phân định chức năng ý thức hệ của diễn văn của riêng mình. Thông diễn cũng phải chú ý đến tiếp cận theo logic xã hội các thông điệp đa dạng của giáo hội bằng một phân tích nghiêm nhặt các cấu trúc truyền thông và sản sinh thông điệp trong xã hội. Thông diễn học cũng có thể đặt câu hỏi về chức năng biểu tượng của ngôn ngữ Kinh Thánh hay Tín lý bằng các kỹ thuật phân tích phân tâm học. Cuối cùng, phân tích cấu trúc bó buộc các nhà thần học đừng bao giờ tư duy trên các phát biểu khi bỏ qua hành vi phát biểu. Tất cả những điều vừa nói trên đây minh chứng cho chúng ta rằng cuộc đối thoại giữa thần học và các khoa học nhân văn giả định rằng chúng ta phải luôn có một bàn luận thuộc hệ khoa học luận (épistémologie). Thần học nên xây dựng công trình đối với thông minh đức tin Ki-tô giáo. Khi hoàn toàn muốn cứu tính đặc trưng bất khả quy, có nghĩa là thần học thông diễn không thể hình thành kiến thức bằng cách gián đoạn các tiếp cận khoa học mới trong thời đại của chúng ta, những tiếp cận ít mang tính tổng thể độc đoán nhưng là những tiếp cận kiểm định và sản sinh lý tính.

Điểm quan trọng cuối cùng trong chương mục này, chúng ta nói đến con đường thần học đi, với tư cách hiểu biết về thần học như một diễn giải không thể tách rời sự phát sinh một vị trí tư duy mới, đó là thực hành Ki-tô giáo, cả nơi chốn sản sinh ý nghĩa của thông điệp Ki-tô giáo lẫn nơi chốn kiểm chứng thông điệp này. Chúng ta có thể định nghĩa thần học như thông diễn cập nhật hóa Lời Thiên Chúa. Nói cách khác, chúng ta không thể có diễn giải lý thuyết Kinh Thánh bằng cách không quan tâm hay bỏ qua các thực thi đức tin và bác ái hiện nay của các tín hữu. Chúng ta cũng nên tránh những quan điểm rất sai lầm trong ngôn ngữ, thói dựa vào danh hiệu hão huyền và phù vân của những kẻ muốn phân biệt nghiên cứu chuyên Kinh Thánh với thần học Kinh Thánh, như thể muốn khoe khoang một cách sai lầm và thiếu hiểu biết về ý nghĩa đích thực khi chúng ta tiếp cận bất cứ bản văn Kinh Thánh. Chính Kinh Thánh, linh hồn của thần học sẽ dạy dỗ chúng ta chứ không phải dùng kiến thức gọi là các phương pháp khảo sát Kinh Thánh như một phô trương thô thiển trong cách phân biệt này.

Thần học không phải là một lý thuyết kiến thức hình thành trước việc sống đức tin và đức ái của các Ki-tô hữu. Chính trong những môi trường sống đức tin và đức ái Ki-tô giáo này chúng là những khí cụ diễn giải Kinh Thánh. Việc sống đạo và thực thi Lời Chúa của Giáo hội không gì khác hơn là điều kiện mới của một thông điệp duy nhất không lay chuyển: sống đức tin và thực thi bác ái đóng một vai trò hình thành và kiến tạo trong việc xây dựng thông điệp hay Tin mừng của Chúa Giê- su Ki-tô. Tầm quan trọng của việc thực hành sống đạo là một "nơi chốn" thần học kéo theo một chuyển dịch thần học quan trọng trong mỗi thời kỳ khác nhau. Đây là một chiều kích đích thực mà chúng ta chưa có thể đo lường được tất cả những hệ quả, những hệ quả dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, nhất là trong những gì liên quan đến những đóng góp tư duy đa dạng không thể không nhận biết của thần học Ki-tô giáo. Thần học xứng đáng được gọi là thần học thực tiễn không có diễn giải nào khác hơn ngoài thông điệp sống và trải nghiệm của giáo hội của những người Ki-tô giáo. Chúng ta có thể dùng một biểu đạt khác: thần học là sáng tạo những khả năng hiện hữu mới (thánh Phao-lô gọi là con người mới).

Nói như thế chúng ta bắt buộc phải đề cập đến tương quan biện chứng giữa Kinh Thánh và thực hành đức tin có ý nghĩa. Nếu chúng ta sử dụng Kinh Thánh để minh chứng bất kỳ thực hành Ki-tô giáo nào, chúng ta có nguy cơ làm mất ý nghĩa Kinh Thánh. Thần học trải nghiệm trong cuộc sống đức tin chấp nhận liều lĩnh dự kiến trước tương lai. Có nghĩa là thần học thông diễn không chỉ cập nhật hóa những gì đến trước, nhưng còn là thực thi niềm hy vọng hay đức cậy trông Ki-tô giáo, đức cậy trông không phải là một hiện hữu "vô gia cư" không nơi chốn và cũng không là hiện hữu quá khứ.

Chúng ta tạm kết luận phân đoạn này.

Chúng ta đã cố gắng trình bày những gì khá mới mẻ trong thực hành thần học. Chúng ta vừa minh chứng sự chuyển dịch hiện nay của thần học như lối đi từ kiến thức cố định đến hiểu biết thông diễn. Chúng ta đã chấp nhận thần học như một diễn giải cập nhật hóa Lời của Thiên Chúa. Mặc dù hiện nay chúng ta có nhiều lý thuyết mới đã thành công trong việc đọc các bản văn, nhưng chúng ta vẫn còn có khả năng có một cách đọc thông diễn các bản văn trình bày cho chúng ta "thông điệp Ki-tô giáo".

Nhiều nhà chú giải hiện nay thừa nhận việc cần thiết kêu nài đến tính bổ sung giữa phương pháp cấu trúc và phương pháp sử quan. Như thế trong thần học, chúng ta cũng không thể chối bỏ khả năng kêu nài đến nhiều lối tư duy thần học trong thần học Tín lý. Nói cách khác, chúng ta mở rộng cho giá trị triết học và khoa học nhân văn mới giúp chúng ta làm cho thần học như một thông minh đức tin với nhiều phương pháp khác nhau.

Thần học như khí cụ phục vụ đức tin Giáo hội, có trách nhiệm về thông điệp Tin mừng của Chúa Giê-su Ki-tô và nghiên cứu các chức năng của các bản văn được giao phó cho Giáo hội, và các nghiên cứu này phải có mục đích phục vụ việc truyền tải thông điệp của Chúa Ki-tô.

Chúng ta cũng ý thức rằng có những nhà thần học muốn bác bỏ cách đọc thông diễn hay diễn giải mới một bản văn không thể sửa đổi, không được chạm đến, liên quan đến thể thức tư duy siêu hình học và thể thức này là một thể thức đã hoàn chỉnh. Chúng ta cũng có thể tự hỏi là họ nhân danh tư duy siêu hình học nào? Có chăng một siêu hình học diễn đạt đúng hoàn toàn chân lý Thiên Chúa?

Chúng ta cũng không thể dừng lại nơi tiếp cận hoàn toàn cấu trúc của ngôn ngữ Kinh Thánh để đặt ra vấn đề thần học Mặc khải trong và qua các từ ngữ con người. Chúng ta có nguy cơ thu gọn, khép kín lại trong giới hạn các bản văn và không thể sắp xếp các điều kiện khả thi của Mặc khải, nghĩa là ý nghĩa đã cho, đã có và một cách đơn thuần là tái tạo lại ý nghĩa đó.

Trong triết học ngôn ngữ hiện nay, các triết gia đã chấp nhận rằng ngôn ngữ là một hệ thống các dấu hiệu, ngôn ngữ là biến cố của một lời. Điều này dẫn chúng ta đến tiếp cận hiện tượng học của ngôn ngữ. Ý NGHĨA CHỈ HIỆN HỮU TRONG GẶP GỠ GIỮA Ý THỨC VÀ THỰC TẠI. Nói, có nghĩa là nói một điều gì đó quy chiếu đến một thực tại. Nếu chỉ dùng một tiếp cận cấu trúc học chưa đủ, chúng ta phải chú ý và thừa nhận cấp độ hữu thể (ontologie) của ngôn ngữ như hữu thể tỏ hiện (onto-phanie), như sự biểu hiện của hữu thể, và đây chính là giả định cần thiết của Mặc khải và một thần học của Lời Thiên Chúa.

---------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo