Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 234

THÔNG DIỄN THẦN HỌC - Phần 3/8 - Lm. Phaolo Ngô Đình Sĩ

THÔNG DIỄN THẦN HỌC - Phần 3/8

Lm. Phaolo Ngô Đình Sĩ

-------------------------------

CHƯƠNG II: CHUYỂN DỊCH THÔNG DIỄN HỌC HIỆN NAY VÀ HỆ QUẢ CHO THẦN HỌC MẶC KHẢI

Như trong trường hợp Do thái giáo và Hồi giáo, Ki-tô giáo quy chiếu nhất thiết đến bản văn thánh, một bản văn nền tảng. Bản văn mà chúng ta nói đến, chính là Kinh Thánh, có nghĩa là toàn bộ sách được Giáo hội Công giáo đưa vào thư quy, Cựu ước và Tân ước, tất cả là Mặc khải, Lời của Thiên Chúa cho tất cả những ai mang danh Ki-tô hữu. Lề luật trao ban cho ông Mô-sê và lề luật trở thành quy luật của Dân Thiên Chúa. Chỉ khẳng định như thế trong và thông qua sự vững chắc của một bản văn chúng ta có thể luôn kêu nài đến, vì bản văn được ký gởi một Lời có giá trị quy chiếu tuyệt đối. Chúng ta cũng có như thế các chứng cứ Tông đồ dành cho Chúa Giê-su Ki-tô được khách quan hóa trong các văn bản đa dạng của Tân ước.

Kinh Thánh là trung gian thông qua đó giọng nói của Thiên Chúa trở nên Văn viết. Giọng nói vắng mặt, chính là Hành vi mặc khải của Thiên Chúa luôn được ngầm hiểu. Nhưng nói theo định nghĩa, sự vắng mặt nguồn gốc đã thoát khỏi trí tuệ của chúng ta hay thoát khỏi truy tìm nghiên cứu văn bản của chúng ta. Trong Đức tin, chúng ta đặt vấn đề Thiên Chúa như điều kiện thuộc khả tín của bản văn, nhưng chúng ta đối diện với một bản văn đòi hỏi nhiều phương pháp đọc được xây dựng cho việc đọc bất cứ bản văn nào.

Tất cả thần học của Mạc khải có sứ mệnh tất yếu là tìm hiểu làm thế nào bản văn linh thánh chứa đựng nền tảng và quy chuẩn cho đức tin của chúng ta trong bối cảnh đồng thời lời con người và Lời của Thiên Chúa. Trong thần học Công giáo, chúng ta tìm kiếm trả lời cho vấn đề như sau: thông qua lý thuyết linh hứng theo đó tác giả thánh chỉ là nguyên nhân khí cụ hoàn toàn dưới tác động của Thiên Chúa như tác giả chính. Nhưng khái niệm linh hứng không thể tách rời ý tưởng một bản văn được đọc từng câu một như đọc chính tả, ý tưởng này gây ra một vài khó khăn diễn giải ngày nay. Thật vậy, ngày nay các nhà thần học tư duy rằng chúng ta không thể chấp nhận khái niệm tưởng tượng có một "Thiên Chúa đọc từng lời cho con người viết. Mặc khải hiểu như một kiến thức hình thành toàn bộ một lần cho tất cả và tác giả sách thánh chỉ đóng một vai trò hoàn toàn thụ động viết theo những gì thiên Chúa đọc.

Ở thời kỳ chủ nghĩa Hiện đại (Modernisme) vào cuối thế kỷ XIX, người ta tự hỏi làm thế nào để hòa giải sự siêu việt của Lời Thiên Chúa và tính hoàn toàn con người của Kinh Thánh. Nhưng ngày nay, vấn đề cũ này đã xuất hiện trở lại mãnh liệt, vì muốn tìm sự minh bạch sinh động của những gì bao hàm trong khi đọc một bản văn. Thực vậy, chúng ta biết không có ý nghĩa khách quan của bản văn chỉ với cách giải thích từng từ ngữ của bản văn, nhưng chúng ta có nhiều ý nghĩa tương ứng với các người đọc. Vấn đề thường hằng các tương quan giữa công trình của Thiên Chúa và tác phẩm của con người trong Mặc khải được đặt ra như thế trong bối cảnh của tư tưởng hiện đại: làm thế nào hòa giải sự hiện hữu của một ý nghĩa nào đó, là thánh ý của Thiên Chúa, với sự nhận biết của con người như nơi chốn duy nhất của sự sản sinh ý nghĩa?

Khi chúng ta nói đến các phương pháp mới để đọc một bản văn trong xu hướng văn học Âu châu vào cuối thể kỷ XX, phong trào tư tưởng gọi là chủ nghĩa cấu trúc học phản đối Thông diễn. Trong bài viết ngắn gọn này chúng ta sẽ không thể làm rõ tình trạng các triết học làm nền móng làm điều kiện cho tranh luận giữa những người chủ trương cấu trúc học với những người theo thông diễn truyền thống. Trong chương II này, chúng ta cần nên biết để hiểu tầm quan trọng của vụ kiện bên Thông diễn là bị cáo. Đương nhiên là chúng ta không bị bắt buộc phải từ bỏ Thông diễn với sự tấn công của nhóm cấu trúc học; nhưng ngược lại vụ kiện này giúp chúng ta chú ý đến sự chuyển dịch không thể tránh khỏi của Thông diễn dưới "cú đấm" của Cấu trúc học. Và sự chuyển dịch Thông diễn kéo theo một số hệ quả đối với thần học Mặc khải mà chúng ta đã nói trong chương I.

1. Tranh luận (phản kháng) hiện nay về thông diễn học

Khi chúng ta nói đến Cấu trúc học, không chỉ là một phương pháp đọc, nhưng là một ý thức hệ, thế thì chúng ta phải nói rằng, ý thức hệ muốn cắt đứt triết học nhân bản được định nghĩa với sự ưu tiên dành cho chủ thể. Ý thức hệ chống nhân bản tìm thấy trong chủ nghĩa tân mác xít của L. Althusser, tân phân tâm học của Lacan, tân chủ nghĩa thực chứng (néo-positivisme) của Cl. Lévi- Strauss và khảo cổ kiến thức (archéologie du savoir) của M. Foucault.

Như thế mọi tiếp cận diễn giải một bản văn bao hàm khả năng khám phá ý nghĩa nguồn gốc, ẩn giấu dưới các chữ của bản văn, phân tích cấu trúc các bản văn không thỉnh cầu bất cứ lý thuyết hai nghĩa nào cả, ngoài gắn kết duy nhất vào cấu trúc nội tại của một bản văn. Diễn giải yêu cầu sự liên tục ý nghĩa và ưu tiên chủ thể, người giải mã du hành thám hiểm ý nghĩa như cuộc thám hiểm duy nhất và luôn giống nhau dù có nhũng khác biệt ngữ cảnh hay bối cảnh lịch sử. Đối với Cấu trúc học, vấn đề không phải là vấn đề liên tục ý nghĩa nhưng vấn đề của việc sản sinh ý nghĩa và chức năng của chúng trong nội tại một bản văn khép kín được tổ chức như một hệ thống ý nghĩa.

Đây là định nghĩa ngôn ngữ như một hệ thống các dấu hiệu và không như dấu hiệu hay biểu đạt một tư tưởng. Các từ có một ý nghĩa đối với các từ khác trong một câu, nhưng không đối với một thực tại ở bên ngoài. Chúng ta nên chú ý nghiêm túc ván bài hàng ngang các năng biểu (signifiants) không yêu cầu một sở biểu (signifié) của năng biểu liên quan. Chúng ta nói rằng ngôn ngữ như Lời nói, như biểu hiện ý nghĩa và như biến cố cuộc gặp gỡ được ngôn ngữ hấp thu như một hệ thống. Con người xem như một chủ thể ngôn ngữ để đi vào vùng câm lặng, vùng các cấu trúc và các dấu hiệu phân tán và không thể quy chiếu đến một ý nghĩa tổng thể của thế giới và của con người.

Phân tích cấu trúc các bản văn áp dụng cho cách đọc Kinh Thánh, đặt nghi vấn cho chính tiền giả định một tiếp cận thông diễn, biết đó là quy chiếu đến một ý nghĩa sở biểu (signifié) của Kinh Thánh và như thế chạm đến tác giả Thiên Chúa. Chúng ta vẫn luôn nói ở cấp độ ván bài giữa các năng biểu và chính phân biệt năng biểu và sở biểu làm mất sự thích đáng của cấu trúc học. Người ta loại bỏ yêu cầu của Thông diễn, thông diễn của ý nghĩa khác, nguồn gốc hiểu được qua phương tiện ý nghĩa thứ nhất. Trong khi đó cách đọc thông diễn một biểu tượng thỉnh cầu ưu tiên của sở biểu hay chúng ta thường gọi là khái niệm, cách đọc cấu trúc học của biểu tượng sẽ nói rằng tất cả sở biểu (signifié) luôn ở trong vị trí của năng biểu (signifiant). Và chính Thiên Chúa không thể được định căn (identifier) với sở biểu hay khái niệm. Thiên Chúa phải được xem như một năng biểu quy cho các năng biểu phụ thuộc.

Chúng ta cũng phải nói rõ rằng cách đọc cấu trúc học phản đối trực tiếp giả định hàm ý của tất cả hiểu biết thông diễn của bản văn quá khứ, mà truyền thống là chân trời cần thiết của sự hiểu biết của chúng ta về quá khứ. Ngược lại với phương pháp lịch sử, phương pháp tìm sự hiểu biết một bản văn bắt đầu từ lúc phát sinh và việc "đọc lại" cập nhật hóa trong truyền thống. Cấu trúc học muốn phải ở lại trong lòng bản văn và sản sinh ý nghĩa khi tự để hướng dẫn bởi cuộc chơi phân biệt các năng biểu. Trong khi đó thông diễn học truyền thống, khoảng cách lịch sử, thay vì là một trở ngại, là phương tiện chắc chắn nhất để hiểu quá khứ; ở đây, thông diễn trở nên một nơi chốn mở rộng không thể thu giảm được, một môi trường gọi là "sự phát tán căn gốc", như J. Derrida đã từng nói. Nếu người ta muốn diễn giải Ki-tô giáo trong truyền thống, chúng ta phải đưa ra ưu tiên cho sự gián đoạn hơn là sự liên tục, cho các khác biệt hơn là các giống nhau, cho tính khác biệt hơn là tính đồng dạng. Thật là phù vân khi yêu cầu một ý nghĩa duy nhất và vĩnh viễn cho Kinh Thánh; để nhận làm điều này chúng ta chỉ cần thu góp và lập lại xuyên suốt các thế kỷ.

2. Chuyển dịch thông diễn học hiện nay

Chúng ta vừa lược qua một cách cô đọng vấn đề tại sao và vì điều gì cách đọc "cấu trúc học" các bản văn, phản đối trực tiếp Thông diễn học như một cách đọc diễn giải liên quan đến hai ý nghĩa (double sens), như lối dẫn vào ý nghĩa qua phương tiện của ý nghĩa thứ nhất. Điều này luôn làm mới thực hành Kinh Thánh của chúng ta.

Có lẽ, luôn có khả năng trong Chú giải dùng phân tích cấu trúc như một phương pháp đến bổ sung cho phương pháp phê phán sử quan. Nhất thiết không có sự tương đồng tuyệt đối giữa hai phương pháp này. Cũng vậy, khi chúng ta đề cập đến các ý thức hệ ẩn dưới hai phương pháp này, chúng ta phải nói đến sự bất tương đồng căn rễ và đối chọi nhau đến chết. Chính J. Derrida đã đưa ra hình thức cực đoan nhất của vụ kiện dành cho Thông diễn như một trào lưu tư tưởng. "Grammatologie ou Herrméneutique" (Ngữ pháp học hay Thông diễn học): ở đây chính là vấn đề luân phiên thay thế mà không thể xâm hại. Nơi Derrida, khủng hoảng của Thông diễn trở nên khủng hoảng của tất cả tư tưởng tây phương.

Trong hình thức căn rễ nhất, sự phản đối tất cả dự án thông diễn dẫn đến tự vấn nghiêm túc trên chính khả thể của một diễn văn thần học. Khủng hoảng Thông diễn là khủng hoảng của chính thần học như thu thập và diễn giải ý nghĩa của Kinh Thánh.

Nhưng dù sao đi nữa, khủng hoảng Thông diễn này không những trùng hợp với khủng hoảng của ngôn ngữ, nhưng cùng với khủng hoảng của tư tưởng. Nhưng chúng ta biết rằng tất cả thông diễn đều phải bị kết án thất bại.

Phân tích cấu trúc thực sự đã đặt chúng ta vào chốn ẩn trú các tầm nhìn chủ quan phóng túng, tâm lý, hộ giáo trong sự diễn giải một bản văn. Thật rất khó cho một nhà thần học muốn đứng vững như một nhà ngôn ngữ học trong khái niệm ngôn ngữ. Ngôn ngữ không chỉ phát sinh duy nhất từ phân tích cấu trúc. Nhà thần học không thể tránh ngôn ngữ theo quan điểm ngữ nghĩa. Ngôn ngữ theo triết học hiện tượng luận ở đó người ta nắm bắt lại ý định năng biểu ý nghĩa chủ trì diễn văn. Ngôn ngữ là trung gian, khí cụ truyền thông và giao tiếp giữa các cá nhân. Và chính giao tiếp này là "biến cố" (sự kiện) đích thực của lời nói: tôi-anh-và những điều họ nói với nhau.

Người ta không thể ở lại nơi cấp độ phân tích cấu trúc để thể hiện sự diễn giải của các từ khóa trong ngôn ngữ Kinh Thánh, trong tương quan của chúng với từ "Thiên Chúa", từ nói lên sự thật hơn là từ "hữu thể". Việc đọc Kinh Thánh của các Ki-tô hữu luôn là thông diễn, ít ra là trong ý nghĩa mà chúng ta diễn giải bản văn đã được viết. Cũng có thể có sự đa dạng diễn giải tuỳ theo các tình huống lịch sử khác nhau. Nhưng truyền thống sống động mà chủ thể là cộng đồng diễn giải được khoanh vùng trong một lãnh vực thông diễn và loại trừ tất cả các diễn giải vô lý, điên rồ, tùy tiện không lô-gic.

Chúng ta thấy có những điều cho rằng đọc thông diễn đã trở nên không thể, những điều khác khẳng định rằng số phận của thông diễn học cần thiết sửa đổi bởi biến cố văn hóa trình bày trong chủ nghĩa cấu trúc học, như là một phương pháp đọc, cũng như là một ý thức hệ. Chúng ta nên nói bằng cụm từ: "sự chuyển dịch của Thông diễn học". Và sự chuyển dịch này chắc chắn có những hệ quả đối với thần học Mặc khải.

Sau đây, một cách ngắn gọn và cô đọng, chúng ta cố gắng nêu lên 3 nhận xét sau đây minh chứng sự chuyển dịch này.

a. Thông diễn học lấy khoảng cách với thông diễn lãng mạn

Dưới cú sốc gây ra bởi ý thức hệ Cấu trúc học, tân Thông diễn lấy khoảng cách đối với Thông diễn lãng mạn và tâm lý hóa, dành ưu tiên cho ý tưởng của sự tinh tế, của sự đồng bản tính (công đồng Nicée) giữa người đọc bản văn và tác giả. Tham vọng của Thông diễn lãng mạn là muốn "comprendre son auteur mieux qu'il ne s'est compris lui-même" (hiểu tác giả hơn là chính ông ta hiểu ông ta). Ngược lại, tân Thông diễn học tìm cách nối lại các tìm kiếm thăm dò nền tảng của ý thức hệ Cấu trúc học, khi ý thức hệ này muốn thăng tiến một kiểu đọc từ chối nối kết điều muốn nói của tác giả, để tập trung đến khách quan của bản văn và tìm thấy các điều kiện sản sinh. Đối diện với người đọc không phải là tác giả, nhưng là điều muốn nói của bản văn như Gadamer đã nói.

Một mặt, tân Thông diễn học này không từ chối sự hiểu biết bản văn, từ chối việc tìm kiếm chân lý. Và trong điều đó, tân Thông diễn học tự kháng trước sự phá đổ xây dựng ý nghĩa thực hiện bởi chữ nghĩa Cấu trúc học. Nhưng mặt khác, tân Thông diễn nghiêm túc rất nhiều cho sự khách quan của bản văn. Chính vì bản văn như tác phẩm, hay hơn nữa như thế giới của bản văn đặt chúng ta trên con đường chân lý để hiểu và không phải tự cho là hài hòa với tác giả. Theo ngôn từ của Paul Ricoeur: "Une nouvelle époque de l'Herrméneutique est ouverte par le succès de l'analyse structurale; l'explication est désormais le chemin obligé de la compréhension" (Một thời kỳ mới của Thông diễn học đã mở ra nhờ thành công của phân tích cấu trúc; giải thích từ nay là con đường bắt buộc của sự hiểu biết).

b. Đặt vấn đề trên ý nghĩa khách quan của bản văn

Tân Thông diễn học phản đối thái độ của Thông diễn truyền thống tự cho mình có thể thu thập ý nghĩa khách quan của bản văn khi tìm thấy điều muốn nói của tác giả. Ý thức hệ Cấu trúc học mời gọi chúng ta đặt vấn đề ý tưởng chân lý của bản văn hay của ý nghĩa phải khám phá. Không có ý nghĩa có sẵn ở đó trong bản văn, chỉ cần phục hồi lại là đủ. Ý nghĩa không "đi trước" cũng như "ở dưới" bản văn. Nhưng đồng thời, Thông diễn cũng tìm cách lấy khoảng cách đối diện với Cấu trúc học; đối với họ, ý nghĩa để hiểu không ngoài điều gì khác là cấu trúc của bản văn và cơ chế chức năng của nó. Bản văn giữ tư cách cung cấp vài điều gì đó về thực tại. Bản văn thể hiện một thế giới nào đó.

Những gì phải diễn giải trong một bản văn, chính là đề nghị thể thức, một thế giới như tôi có thể cư ngụ để dự phóng trong đó một trong các khả năng riêng biệt nhất của tôi. Đối tượng của Thông diễn, chính là sự việc, điều, những gì thuộc bản văn; và điều của bản văn, chính là thế giới mà bản văn trình bày đằng trước chúng. Nhưng khi nói về "un déploiement du monde devant le texte" (một triển khai của thế giới trước bản văn), chính là ưu tiên ngôn ngữ thi ca đối với chức năng mô tả của ngôn ngữ hằng ngày. Chính đây là cái riêng của tác phẩm văn chương mang tầm tỏ lộ một thể loại thế giới nhất định. Cái riêng của hiểu biết thông diễn, chính là sự nối kết với thế giới mới này, phải được cập nhật hóa một khả năng hiện hữu mới chưa có trong con người chúng ta.

c. Quay về ngôn ngữ trong tính cách đặc trưng nhất của nó

Thông diễn hiện đại tìm con đường của mình bắt đầu từ một từ chối nhân đôi: sự từ chối Thông diễn lãng mạn yêu cầu sự hài hòa lý tưởng giữa người đọc hôm nay và tác giả quá khứ, và người của ý thức hệ lịch sử, dưới hình thức hiện đại, tiếp tục định dạng các sự kiện quá khứ với sự thật. Chuyển dịch này của Thông diễn dưới ảnh hưởng của Cấu trúc học là một hệ quả của sự nghi ngờ đè nặng triết học vị nhân bản hôm nay, được định nghĩa bởi ưu tiên cho chủ thể. "L'événement de vérité le plus important de notre temps est le décentration de l'homme par rapport à toute fausse subjectivité centrale" (A. Vergote) (Biến cố sự thật quan trọng nhất của thời đại chúng ta là việc làm lệch tâm con người đối với tất cả tính chủ quan trung tâm sai lầm).

Phải từ bỏ tham vọng của ý thức trở thành sự tự hình thành và trở nên nguồn gốc của ý nghĩa để quay về ngôn ngữ trong những gì là nguyên thủy nhất. Người ta có thể quở trách Thông diễn hiện sinh của Bultman đã hy sinh tính khách quan của bản văn để dành cho người đọc thuần hóa chủ quan bản văn. Khoảng cách của bản văn kết nối với tất cả khách quan trở nên con đường hiểu biết. "Thế giới bản văn", đứng trước nó, con người đón nhận chính mình rộng hơn liên kết một cách chặt chẽ với sự từ bỏ của ý thức. Thực sự nếu từ nay Thông diễn chiếm lấy càng lúc càng nghiêm túc tính khách quan của bản văn, thông diễn không từ chối tìm kiếm ý nghĩa. Thông diễn không hủy bỏ quy chiếu của bản văn, nhường chỗ cho ý nghĩa duy nhất hiểu trong "ván bài" tương quan hoàn toàn nội tại của bản văn. Phản kháng lại Cấu trúc học, Thông diễn luôn chủ trương rằng sự khác biệt giữa lời và văn viết không thể hủy bỏ chức năng thường hằng của diễn văn là nói điều gì với một ai đó về điều gì đó.

---------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo