Ngày tháng: 04/05/2024
Đang truy cập: 2

THÔNG DIỄN THẦN HỌC - Phần 5/8 - Lm. Phaolo Ngô Đình Sĩ

THÔNG DIỄN THẦN HỌC - Phần 5/8

Lm. Phaolo Ngô Đình Sĩ

-------------------------------

 

CHƯƠNG III: TỪ TÍN LÝ ĐẾN THÔNG DIỄN (Hoặc tình trạng chân lý trong thần học)

Cách đây không lâu, người ta đã nói về các xung đột giữa các nhà thần học tín lý và các nhà chú giải. Bây giờ có nên nói về xung khắc giữa các nhà thần học tín lý và các nhà thần học thông diễn? Điều này không có ý nghĩa, vì thông diễn học không phải là một môn học mới trong tri thức thần học. Chính toàn bộ thần học tín lý hướng tới việc được hiểu như một thông diễn của Lời Thiên Chúa. Tuy vậy, chúng ta không thể chối bỏ rằng các từ ngữ "tín lý" và "thông diễn" đã trở nên một thực tế của các nhà thần học, dấu chỉ hai khuynh hướng khác nhau; nói đúng hơn, hai mẫu thức của công việc nghiên cứu thần học.

- Thần học tín lý xem như một trình bày có hệ thống các chân lý Kitô giáo không mất đi tính chính đáng và thời sự của nó. Nhưng từ "tín lý" (dogmatique) có khuynh hướng chỉ lối cách "độc đoán" hay "giáo điều" của một thần học nào đó, nghĩa là, khuynh hướng này cho rằng trình bày các chân lý đức tin theo nguyên tắc giáo điều của giáo quyền như người thầy sẽ là đảm bảo duy nhất cho Kinh Thánh mà không phải lo lắng quá về việc kiểm soát phê phán liên quan đến các chân lý mà giáo hội đã làm chứng.

Quan điểm thần học này phải luôn bị lên án, trong trường hợp đường lối này chỉ quan tâm đến việc truyền tải chặt chẽ các tradita nghĩa là các nội dung truyền tải, nhưng không bao giờ suy nghĩ đến những gì gói ghém trong traditio như là các hành vi truyền tải.

Thông diễn nêu ra một hoạt động tư tưởng thần học qua đó nhà thần học muốn nối kết sống động giữa quá khứ và hiện tại, và dám đưa ra một thông diễn mới của Kitô giáo ngày nay. Sự kiện thông diễn thần học đưa chúng ta đến một khái niệm không độc đoán của giáo quyền, đến một khái niệm không mang tính nệ cổ của truyền thống, đến một ý niệm đa diện của chân lý Kitô giáo.

- Ngược với khoa học luận cũ (épistémologie), lãnh vực chân lý và ý nghĩa không nhất thiết phải trùng hợp và đồng nhất với nhau.

Thần học hiện đại trong thông diễn giúp chúng ta đặt lại giá trị đặc trưng của chân lý Ki-tô giáo.

1. Bước qua từ mô thức tín lý đến mô thức thông diễn

Ở mỗi thời kỳ lịch sử, thần học có nhiệm vụ đem khôn ngoan và ánh sáng, cũng như dùng ngôn ngữ trong sáng nhất để trình bày ý nghĩa Mặc khải. Ngôn ngữ này ở vị trí ưu tiên và mang tính chuẩn định cho tất cả đức tin của giáo hội. Nhưng chúng ta không thể lặp đi lặp lại nó một cách thụ động. Ngôn ngữ thần học phải luôn luôn cập nhật hóa một cách thật sống động tương ứng với hoàn cảnh lịch sử mới và luôn đối thoại với các nguồn chưa biết của một văn hóa nào đó.

- Thần học chính là hiện tượng viết lại từ một văn bản trước đây, không những chỉ qua diễn đạt mới các nguồn Kinh Thánh, Cựu và Tân ước, mà còn qua các diễn giải Kinh Thánh đến từ các truyền thống suốt trong đời sống giáo hội.

Từ những buổi đầu, thần học Ki-tô giáo có nhiều mô thức diễn đạt. Các giáo phụ đã đọc Kinh Thánh với phương pháp phúng dụ, thần học trung cổ đã rèn luyện mô hình khoa học thần học theo nghĩa triết học A-rít-tốt, thần học giáo hội cải cách chủ trương dành ưu tiên cho bình giải Kinh Thánh chống lại các nguồn biện chứng của thần học kinh viện. Nhưng ở đây mối quan tâm chúng ta là mô thức tín lý đã thống trị thần học công giáo từ công đồng Trentô cho đến công đồng Vaticanô II.

Thần học theo mô thức tín điều mà chúng ta đã thấy trong các sách giáo khoa kinh điển dùng cho các chủng sinh tiến hành theo ba bước sau đây:

a) Trước tiên, chúng ta có một phát biểu của một luận đề đức tin.

b) Tiếp đến, chúng ta giải thích tín điều, bằng cách nhắc lại các quyết định chính thức của giáo quyền, nhất là các quyết định của công đồng Trentô.

c) Cuối cùng, chúng ta cung cấp các luận chứng bằng cách trích dẫn Kinh Thánh, các giáo phụ và một vài nhà thần học. Chúng ta phải bác bỏ các luận đề đối kháng, đặc biệt nhất là các luận đề của giáo hội Cải cách (Tin lành).

Điều chúng ta nên chú ý ở đây, chính là điểm khởi đầu của công việc thần học, biểu đạt đầu tiên, nguyên tắc chính yếu luôn là giáo huấn cập nhật hóa của giáo quyền (magistère). Tiên đề này đóng vai trò diễn giải duy nhất; kế đến, quyết định lựa chọn giữa các bản văn trước đó: Tân ước, bản văn các giáo phụ, và các thần học trong quá khứ; và cuối cùng cho phép loại bỏ các ý kiến đối lập.

Như thế, thần học giáo điều tự định nghĩa như một bình giải trung thành các tín điều (hộ giáo), nghĩa là những gì Giáo hội đã luôn hiểu và dạy. Kinh Thánh chỉ can thiệp vào với tư cách luận chứng về những gì đã được hình thành.

Thế thì, nơi thần học thánh Thomas, các luận đề ngoài đức tin, luận đề của các công đồng, các nhà thần học và các giám mục, chỉ đúng khi các luận đề đó là biểu đạt chân lý Thiên Chúa trong biến cố tự do của mặc khải, ở đây chính là các luận đề đức tin. Các luận đề này làm tiến hành các lý luận thần học, và các lý luận thần học này đồng hành với các nguyên tắc chính yếu và chân lý của họ chỉ lệ thuộc vào uy quyền của giáo hội là thầy.

Chúng ta đứng trước một hệ thống độc tôn, ở đây giáo huấn đã lấy chỗ của uy quyền Thánh kinh. Và trước viễn cảnh này chúng ta hiểu rằng tại sao thần học "độc quyền" này phải luôn triển khai liên tục trích dẫn Kinh Thánh, các giáo phụ và giáo huấn hiện nay của giáo hội là thầy.

Đối với thần học theo mô thức tín lý, chúng ta thấy có đẳng cấp trong chân lý. Thần học phản chiếu trung thành của thể chế giáo hội, nhận thức theo sự phân biệt giữa giáo hội thầy dạy và giáo hội được dạy, phân biệt vẫn còn hiện hữu vào thời cổ của thần học trung cổ. Thần học chỉ có thể đóng vai trò của nó ở trong lãnh vực xã hội. Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây nằm ở trong câu hỏi sau đây:

- Có phải nhiệm vụ duy nhất của thần học sản xuất diễn văn cho thích đáng với giáo huấn chính thức một đẳng cấp như một cấp chính thống hay thần học, với ơn gọi của nó, mang một chức năng phê phán và ngay cả chức năng ngôn sứ đối với tất cả những ai nắm giữ quyền định nghĩa và quyền diễn giải? Nói cách khác, một nguy hiểm đang rình chờ thần học giáo điều, chính là tương quan với chân lý của sứ điệp được quyết định bởi tương quan với thể chế đẳng cấp. Như thế thần học có nguy cơ xuống cấp thành ý thức hệ phục vụ cho quyền bính thống trị trong giáo hội. Chuyện này đã xảy ra trong tất cả các xã hội tôn giáo và thần quyền, đẳng cấp uy quyền thường bị cám dỗ đòi hỏi ở thần học phải sản xuất diễn văn, và diễn văn đó hợp thức hóa họ có độc quyền diễn đạt một cách đích thực và có quyền loại bỏ các diễn văn đổi mới khi xem chúng như là ngoài lề hay lệch lạc.

Ngày nay, chúng ta chứng kiến một tan rã của hệ thống thần học giáo điều được xem như một hệ thống khép kín và độc đoán. Mô thức "tín lý" hay giáo điều bắt đầu nhường chỗ cho một mô thức diễn đạt mà chúng ta gọi là thông diễn.

- Khi chúng ta nói rằng thần học ngày nay được hiểu theo thông diễn không có nghĩa là trở nên không tín điều. Nhưng điều này muốn nói trước nhất là thần học thông diễn xem quan trọng tính lịch sử của tất cả chân lý, cả chân lý mặc khải, cũng như tính sử của con người như một chủ thể diễn đạt; và thần học thông diễn cố gắng cập nhật hóa ý nghĩa sứ điệp Ki-tô giáo cho hôm nay.

Sau đây là 4 điểm chủ yếu của lối diễn đạt thần học thông diễn:

1) Khởi điểm thần học như thông diễn, không phải là toàn thể các luận đề thần học không thay đổi mà chúng ta tìm cách làm sáng sủa và thông minh, nhưng chính là sự đa dạng và phong phú các bản văn khảo cứu trong cánh đồng thông diễn mở ra bởi biến cố mặc khải trong Giê-su Ki-tô.

2) Intellectus fidei (thông minh đức tin) của thần học thông diễn không phải là một hành vi của suy lý theo nghĩa cổ điển của tư tưởng hữu thể học. Chúng ta có thể đồng hóa nó vào "hiểu biết lịch sử" nơi đó việc hiểu biết quá khứ không thể tách rời với thông diễn nội tại và với việc cập nhật hóa sáng tạo hướng tới tương lai. Soạn thảo thần học, theo mô thức thông diễn, là một "hồi tưởng ký ức" (anamnèse) trong ý nghĩa là trong soạn thảo thần học luôn có một biến cố nền tảng và cùng một lúc, cũng có tính cách ngôn sứ trong ý nghĩa là thần học chỉ có thể cập nhật hóa biến cố nền tảng như một biến cố đương thời khi nhà thần học đưa ra một bản văn mới và các bề mặt lịch sử mới. Như thế, thần học như là chiều kích kiến tạo của truyền thống cần thiết phải là một sáng tạo trung thành.

3) Ngược với phương pháp cổ điển trong thần học giáo điều, thần học theo mô thức thông diễn không thỏa mãn với việc trình bày và giải thích các tín điều không lay chuyển của đức tin công giáo khi minh chứng rằng các tín điều này hợp với Thánh kinh, các giáo phụ và truyền thông thần học. Thần học thông diễn tìm cách làm tỏ hiện ý nghĩa luôn hiện thực của Lời Thiên Chúa, bất luận dưới hình thức Kinh Thánh, tín điều hay thần học, tùy theo kinh nghiệm lịch sử mới của Giáo hội và của con người ngày nay. Chính vì thế, thần học thông diễn không quan tâm đến sự khác biệt cơ bản giữa một thần học gọi là "thực chứng hay truy nguyên" (positive), thần học này kiểm soát các dữ liệu của đức tin trong lịch sử và đưa ra giải thích tri thức. Thần học thông diễn luôn làm việc với các đối tượng văn bản, qua đó nhà thần học tìm cách hiểu ý nghĩa cho ngày hôm nay và đi từ các điểm đó nhà thần học tiến hành một việc viết lại mới.

4) Thần học thông diễn được nuôi sống bằng một vòng luân chuyển không ngừng giữa Thánh kinh và Truyền thống, cả hai vẫn luôn là nơi chốn ưu ái của tất cả thần học. Thần học thông diễn tìm sự hiểu biết thông minh mới của sứ điệp ki-tô giáo khi tôn trọng chu kỳ thông diễn giữa Kinh Thánh và tín điều. Cả hai, cũng như nhau, đều làm chứng tá cho sự sung mãn của Lời Thiên Chúa, ngay cả khi Kinh Thánh vẫn luôn có uy quyền hơn (norma normans non normata, the latin phrase meaning: The Norm of norms which cannot be normed) đối với viết lại mới mà Kinh Thánh đã gợi ra trong Giáo hội.

Thần học tín lý đến từ việc chống Cải cách đã đọc Thánh kinh trước hết với các giải thích trước đó của truyền thống tín lý. Thần học theo mô thức thông diễn không sợ đi vào một diễn đạt các phát biểu tín lý với kiến thức tốt nhất về hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh đó đã là cơ hội cho hình thành thần học và cũng với ánh sáng của việc đọc hiểu Thánh kinh ngày nay, nghĩa là một lối đọc quan tâm đến các kết quả không thể bác bỏ được của chú giải hiện đại.

------------------------------

---Còn tiếp---

zalo
zalo