Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 230

TÌM HIỂU VÀ NGHIÊN CỨU TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ - Phần 13/15

TÌM HIỂU VÀ NGHIÊN CỨU TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ - 13/15

Lm. Tôma Thiện Trần Minh Cẩm, OP.

----------

PHẦN III:NHỮNG QUAN NIỆM TRIẾT LÝ VÀ ĐẠO ĐỨC CĂN BẢN CỦA ẤN ĐỘ

CHƯƠNG III: TRIẾT LÝ CHÍNH TRỊ CỦA ẤN ĐỘ GIÁO

     I. KAUTILYA VỚI ARTHASASTRA

     Triết lý chính trị mà chúng ta sẽ trình bày tổng quát dưới đây được rút tỉa từ những tác phẩm khác nhau và nhiều khi không phải là những tác phẩm trực tiếp nói về những vấn đề chính trị. Tuy nhiên, khi đề cập đến quan niệm chính trị của Ấn Độ, người ta không thể không nói tới người mà các học giả Âu Châu thường so sánh với Machiavel, đó là Kautilya. Kautilya cũng còn được gọi là Kautalya hay là Cânakya hoặc là Visnugupta. Theo tục truyền là Thượng Thư của Candragupta vào thế kỷ thứ IV trước tây lịch. Tuy nhiên, cũng có những nhà bình luận cho rằng tác phẩm chỉ có thể xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ III hay thứ IV sau tây lịch và là một tác phẩm cho thấy có nhiều sự chắp nối và những đoạn được thêm vào mãi về sau này, bởi đó không thể được coi là của Kuatilya, là người mà truyền thống không hay biết gì đến sự nghiệp văn chương. Đằng khác, Arthasâstra chỉ được biết đến trong truyền thống văn chương Ấn Độ sau những tập Nâyabhasya, Tantrâkhyâyikâ, Dasaku, mâra. Có thể Arthasâstra bao gồm một số châm ngôn của Kuatilya do người ta góp nhặt lại rồi quảng diễn thêm ra. Điều chắc chắn là tác phẩm trong tình trạng hiện tại không thể được coi là đã được viết vào thế kỷ thứ IV trước tây lịch và do một tác giả duy nhất là Kautilya. Nhưng việc xác định rõ rệt xuất xứ của nó là một việc làm khó khăn, có thể nói không thể làm được.

     1. Đặc tính của tác phẩm

     Đặt trong truyền thống văn chương Ấn Độ, Arthasâstra có một sắc thái đặc biệt là nó hoàn toàn có tính cách “thế tục”, không giống với những tác phẩm khác luôn chú trọng tới cái Dharma. Những vấn đề đạo pháp, những luật lệ và những vấn đề có liên quan tới các giai cấp và những đặc quyền tôn giáo không nặng ký ở đây. Trái lại, chỉ có những vấn đề thuộc lãnh vực chính trị, tư pháp và công an mới được cẩn thận cứu xét. Nhờ đó mà chúng ta được biết đến cả một lãnh vực lớn lao của đời sống thực của Ấn Độ mà các tác phẩm khác ,vì quá say sưa với những vẫn đề triết lý và tôn giáo không để ý tới.

     2. Tổng quát nội dung

     Arthasâstra gồm có 15 phần, hay là quyển, tất cả cộng lại là 150 chương đề cập tới 180 vấn đề.

– Quyển 1 nói về việc giáo dục Hoàng Tử. Khởi đầu bằng việc phân biệt tứ khoa: triết học được gọi là nền tảng của ba khoa khác là Veda, kinh tế và chính trị. Sau đó nói đến vấn đề chọn lựa các quan lại và các công chức cao cấp, việc đặt các nhân viên tình báo mà tác giả kể ra tất cả 29 loại. Vấn đề tình báo được trình bày rất tỉ mỉ, tổ chức tình báo ở đây được coi như có mục đích không những để tìm biết những hoạt động của địch, mà còn để kiểm soát các công chức cũng như dò xét tình cảm của nhân dân. Kế đó là bàn đến Hội Đồng quốc vương, đến các đại sứ. Người ta dạy cho các Thái Tử phải biết nghi ngờ, đề phòng chính các con cái mình. Các bổn phận cũng như thời khóa biểu của vua được nghi chú rõ ràng. Sau hết, còn đề cập tới khuê phòng của vua, cũng như những biện pháp phải dùng tới để bảo đảm an ninh cho nhà vua.

– Quyển 2 nói đến các vị thanh tra Adhyaksa của quốc vương và chức vụ của họ. Nhiệm vụ của các vị thanh tra này là phải xem xét tất cả từ tổ chức làng mạc cũng như thành thị, đến việc phân phối ruộng đất,việc xây đắp các chiến lũy, đường xá và kênh đào; rồi đến việc kiểm tra thếu khoá, tài sản quốc gia, trong đó không bỏ quên cả những nơi ăn chơi và gái điếm.

– Quyển 3 đề cập đến dân luật Dharmasthiya, gồm có những mục như là cheo cưới, quyền nối ngôi,việc mua bán ,bồi thường nợ nần,tồn kho tư sản và những vấn đề liên quan đến các nô lệ.

– Quyển 4 có nhan đề là Kantakasodhana “loại trừ gai góc”, nói về những cách thức canh chừng những phần tử nguy hại cho quốc gia (thương gia, kỹ nghệ gia bất tuân luật pháp, những cá nhân nguy hiểm hay khả nghi). Đó là phải dùng đến công an mật vụ để dò xét,khi cần phải dùng những hình phạt nặng,tra tấn, cũng có khi tạo ra sự phỉ báng công cộng đối với những người cần phải loại trừ.

– Quyển 5 có tựa đề là Yoga, nói về những thủ đoạn nhà vua phải dùng hoặc để bí mật thủ tiêu các kẻ phản quốc hay những thù địch, hoặc để tăng thâu cho ngân quỹ quốc gia trong thời khủng hoảng (tịch thâu trưng dụng, thuế phụ, cưỡng đoạn tài sản,….). vấn đề luơng bổng công chức cũng được đề cập đến trong quyển này.

– Quyển 6 là quyển bàn về chính trị theo nghĩa hẹp. Chính trong đó nói về chính sách đối nội và đối ngoại mà chúng ta sẽ nói tới trong phần hai của chương này. Đó là 7 căn bản (prakriti) ngoại giao, và những vòng Mandala ấn địa lý ngoại giao.

– Quyển 7 tiếp nối quyển 6,bàn về 6 phương pháp chính trị (Sâdgunya); hoà chiến , đợi thời, chuẩn bị tấn công, liên minh, đi nước đôi.

– Quyển 8 nói về các tính sấu (Vyasana) của nhà vua và các tệ đoan có thể tai hại cho quốc gia.

– Quyển 9 bàn về việc chuẩn bị một chiến dịch (Abhiyasyatkarma) quân sự.

– Quyển 10 nói về việc thi hành chiến dịch nói trên.

– Quyển 11 nói về thái độ với các phe nhóm (samghavrtta),trong đó có nói đến cách thức chia rẽ các nhóm binh sĩ bằng cách dùng đàn bà.

– Quyển 12 (abaliyasa) nói về cách thức giúp cho một ông vua yếu thế có thể thắng được đối thủ nhờ phương pháp gián điệp hoặc những thủ đoạn khác, trong đó có cả việc lợi dụng nghi lễ tôn giáo.

– Quyển 13 cũng giống như quyển 12 ,nói về những phương pháp để đạt được sức mạnh (Durgalambha): tất cả những phương pháp phản gián và lừa lọc được trình bầy ở đây. Sau đó nói đến cách thức duy trì thế mạnh đã chiếm được, và việc tái lập an ninh trong những vùng đã bị chinh phục.

– Quyển 14 nói về những độc dược cũng như những phương pháp ma thuật, mà các gián điệp phải dùng để tiêu diệt hoặc làm cho thù địch trở thành bất lực, hay trái lại, để làm cho chính mình trở nên bất khả xâm phạm.

– Quyển 15 là một thứ mục lục, nhắc lại các chương mục của Arthasastra và kê khai 32 nguyên tắc đã được dùng trong phương pháp biện chứng của Arthasastra.

     3. Ảnh hưởng của Arthasastra

     Ngoài Arthasastra thì Ấn Độ xưa không còn có tác phẩm nào giá trị hơn nói về chính trị. Các tác phẩm hậu sinh chỉ trích dẫn và bình luận Arthasastra mà thôi. Người đầu tiên làm công việc này là Kâmamdaki đã viết tập Nitisara, “bản chất chính trị”, cũng được gọi là Kâmamdaka mà nội dung chỉ là tóm luợc Arthasastra, nhưng bỏ qua phần hành chánh và luật pháp, cũng như hai tập cuối cùng. Nitisara được coi như xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ VIII sau Tây Lịch. Vào thế kỷ X, trong các nhóm tín đồ Jaina cũng có những người nghiên cứu Kautilya. Một vài tác phẩm của những nhóm người này còn xót lại, đó là Nitivakyâmrta, “tinh hoa của các mệnh lệnh chính trị” của Somadeva, tập sách này thực ra chỉ rút ra từ Arthasastra một số tư tưởng để quảng diễn với mục đích giáo dục và luân lý. Sau cuốn Nitivâkyâmrta; thì có cuốn Laghvarhanni Tisastra của Kemacandra, đặc biệt chú trọng đến phần luật pháp, và được đặt vào trong tương quan với luật Manu.

     Một tác phẩm khác mới hơn là Sukraniti, mà truyền thống gán cho Sukra, cũng có tên là Uùsanas. Skranniti chia làm 5 chương (Adhyâya), không đồng đều, bao gồm những tiết mục như là: các trách nhiệm của nhà vua; hoàng thái tử và các đại thần; các luật luân lý; bạn và thù; công khố; nghệ thuật, khoa học; các định chế; sự công chính của nhà vua; quân đội; chiến luỹ;… Ngoài ra, còn có cuốn Nitiprakâsikâ của Vaisampâyana, cuốn Yuktikalpatara của Bhoja, cuốn Nitirat nâkara: của Candesvara. Sau hết, cũng phải kể đến những đoạn nói về Niti, chính trị, trong nhiều Purâna (Agni p; Visnudharma p). là những tác phẩm đã được lan truyền sang những nước Miến Điện và Tây Tạng. Ngưới ta cũng nói đến cuốn Mânasollâna, cũng có tên là Abhilasitârthacintâmani được gán cho vua Somesvara cũng gọi lá Somadeva hay là Bhulokamalla,là một tác phẩm xuất hiện vào khoảng năm 1131. Đây là một loại từ điển bách khoa nói về 100 tiết mục liên quan tới vấn đề giáo dục và hoạt động của nhà vua, triều đình cũng như hoàng cung; ngoài ra, cũng còn đề cập tới những vấn đề khác như kiến trúc, âm nhạc.v…v…

     Ảnh hưởng của Arthasastra còn được ghi nhận trong những khảo luận khác mà nội dung không biết đến chính trị, thí dụ như những tập sách nói về ma thuật, thiên văn hay là khoa khảo cứu các đá quí.v…v…Nhưng chúng ta không thể nào đi sâu vào những tác phẩm đó được.

     II. TRIẾT LÝ CHÍNH TRỊ CỦA ẤN ĐỘ

     Danh từ Niti, chính trị, trong tiếng Sanscrit, theo nghĩa đen là “cách cư xử”, bởi đó, nói đến “triết lý chính trị”của Ấn Độ là nói tới những thái độ, những hành động cụ thể mà người làm chính trị, theo quan niệm Ấn Độ xưa, phải có, hơn là nói tới những lý thuyết trừu tượng.

     Nếu hiểu nghĩa “chính trị” là một kỹ thuật cai trị, điều khiển quốc gia cho phải lẽ, sao cho chính đáng (cf . Thiện Cẩm “con người và chính trị”, trong nhà Chúa số 11 (01-10-1969,tr 26-47), nếu hiểu “chính trị” là nghệ thuật tổ chức và hòa điệu mối quan hệ giữa các sự vật trong trần thế sao cho thực hiện được sự Thiện hảo của tất cả, thì chắc đó không phải là Nìtì của Ấn Độ ngày xưa. Thực ra, ‘chính trị’ theo quan niệm xưa của Ấn Độ có lẽ có nghĩa là cách xử thế để đạt thành công (cá nhân) hơn là cách thức mưu tìm và thực hiện công ích. Điều đó dễ hiểu bởi vì quan niệm xưa của Ấn Độ cho rằng cái Dharma, trật tự hay luật tự nhiên của vũ trụ và vạn vật là cái gì nội tại vũ trụ vạn vật, cái gì phải đến sẽ đến, và cái gì mà con người làm được là tùy cơ ứng biến sao cho đạt được thành công, hay nói đúng ra, làm sao cho cái Dharma được thực hiện.

     Người Việt ta thường nói: “Thời thế tạo anh hùng”, nhưng cũng nói ngược lại: “Anh hùng tạo thời thế”, đó là cái nhìn có tính cách biện chứng. Người Ấn Độ xem ra chỉ chấp nhận quan niệm thứ nhất, nghĩa là cho rằng ‘thời thế tạo anh hùng’. Thật vậy, Kâla, thời gian là cái gì quyết định tất cả. Thời gian đây là những chu kỳ đem đến vận mạng cho mỗi sự vật, nó cũng như nước thủy triều lên rồi lại xuống đem theo mọi sự với nó. Chính thần thánh cũng không thoát khỏi sức mạnh của Kâla ấy. Mỗi thần thánh, mỗi con người đều có thời để làm nên, nhưng trái lại, cũng có thời nghiêng ngửa điêu linh. Khi thời thế thuận lợi thì không cần cố gắng, cũng như không có gì có thể ngăn cản họ thành công. Trái lại, lúc thời vận không còn thì không sức mạnh nào có thể cứu vãn được nữa. Nhưng sở dĩ cũng trong một thời gian mà kẻ gặp hên, người phải xui, ấy là tại cái Daiva, định mệnh của mỗi người một khác. Daiva có nghĩa là ‘cái tương quan với thần linh’. Đó là một sức mạnh vô hình ngoài tầm với của con người. Đó là cái khía cạnh lạnh lùng bạc bẽo của cuộc đời, mà mỗi vương tướng Ấn Độ đều phải chấp nhận. Bởi thế Râma – người hùng của anh hùng ca Ramayana, sau khi đã tự ý đi đày để cho vua cha khỏi khổ tâm trước một vấn đề nan giải là theo lý phải truyền ngôi cho Râma là đông cung thái tử, nhưng vì đã trót hứa với bà vợ ba những đặc ân, trong đó có việc cho con bà là Bharata kế vị , đến khi nhà vua băng hà Bharata không chịu làm lễ đăng quang nhưng mời Râma về nhà năn nỉ xin anh kế vị cha trên ngai vàng, thế mà Râma vẫn nhất quyết từ chối và nói với Bharata rằng: “Con người ở đời này không hành động theo sở thích của mình, nó không là chủ mình, định mệnh kéo nó theo ngả này hay ngả khác… không sự vật nào trên đời này tránh khỏi định mệnh của mình” (Ramâyana II, 105, 15tt).

     Định mệnh! Chính Napoléon đệ nhất, giữa lúc có thể nói là đạt tới tuyệt đỉnh của vinh quang, vào năm 1810, cũng tâm sự với Charles Auguste, quận công Saxe Weimar, sau đại hội các vua chúa đồng minh của Napoléon họp tại Erfurt, Napoléon nói đại ý: “Trong cuộc đời, một người định mệnh như ông, có một thời nào đó không có gì có thể cản trở nổi sự thăng tiến của ông;nhưng bỗng dưng có thể xảy đến một khúc quanh ở đó tất cả có thể đổi thay, và khi đó chỉ cần một cọng cỏ do một đứa bé ném xuống đủ để làm ông ngã qụy”.

     Định mệnh đã đưa Napoléon lên, định mệnh đã hạ Napoléon xuống. Tất cả những chiến thắng lẫy lừng rồi kết cuộc cũng đưa Napoléon về trong cô đơn trên hoang đảo Saint Hélène! Nếu phải người Trung Hoa hay Do Thái thì họ sẽ nói rằng Trời hay Yavê đã cất khỏi vua uy quyền và đức hạnh, hay trái lại, Trời hay Yavê đã ban cho vua quyền oai chiến thắng. Bởi vì theo quan niệm Trung Hoa, vua là Thiên Tử. Và theo quan niệm Do Thái, vua là người Chúa chọn và xức dầu phong vương cho. Ở Ấn Độ, không có ai là Thiên Tử cả, nhưng trái lại, ai cũng có thể nói, hơn nữa ai cũng phải ý thức được rằng, mình là Âtman, mình là Brahman. Không có ai nhận sứ mạng ở Trời, cũng chẳng có ai nhân danh Trời, thay mặt Trời để làm gì cả: tất cả đều là do nghiệp báo. Làm vua cũng do nghiệp, làm dân cũng do nghiệp, sướng cũng do nghiệp, khổ cũng do nghiệp, thành, bại đều do nghiệp cả. Bởi đó, lý tưởng Ấn Độ không phải là tạo nên sự nghiệp mà chính là dứt nghiệp, cho nên trong xã hộiẤn Độ, người được sùng mộ và kính nể nhất không phải là các vương tướng tài ba, nhưng là các đạo sĩ, những con người siêu thoát khỏi danh vọng trần thế.

     Các vương tướng Ấn Độ hầu hết đều thuộc giai cấp Ksatriya mà nguồn gốc nhiều khi chẳng có gì cao đẹp, trái lại có khi chỉ là những …tướng giặc, tướng cướp, hay là những kẻ phản bội. Họ tranh đấu, chém giết để làm vua, và họ làm vua cho họ, nghĩa là để làm giàu, để hưởng thụ, bởi vậy mối bận tâm chính yếu của họ trên ngai vua là giữ vững ngai vàng, đó là tìm cách trở nên giàu có hùng mạnh thêm.

     Trong một viễn tượng như thế, chúng ta sẽ không lạ lùng bỡ ngỡ trước một thứ chính trị thủ đoạn, dã man, mà các vương chúa Ấn Độ xưa đã chủ trương và đã được truyền thống Ấn Độ, đặc biệt là anh hùng ca Mahâbharata kể lại.

----------

---Còn tiếp---

 

zalo
zalo