TÌM HIỂU VÀ NGHIÊN CỨU TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ - Phần 4/15
Lm. Tôma Thiện Trần Minh Cẩm, OP.
----------
PHẦN I: TRIẾT HỌC BÀ LA MÔN
CHƯƠNG II: CÁC DARSANA
V. HỆ THỐNG MIMÂMSÂ
1. Nguồn gốc
Danh từ Mimâmsâ đã có nhiều trong văn chương Ấn, và từ thời Atharva và Yajurveda, có nghĩa là “tham cứu, suy tầm”. Nguyên thủy, người ta chú tâm tham cứu, suy tầm để hiểu rõ các nghi lễ, sau đó là tìm hiểu Thánh Kinh. Bởi đó, Mimâmsâ có hai đối tượng: hoặc là Dharma, hoặc là Brahman. Dharma ở đây trước hết là bổn phận tế tự và ân lộc bởi tế lễ mà ra. Vì có hai đối tượng cho nên Mimâmsâ trở thành hai hình thức: Purvamimâmsâ “tham cứu thứ nhất” cũng còn gọi là Karmamimâmsâ, tham cứu về những hành vi tế tự; và những hình thức thứ hai là Uttaramimâmsâ (hậu Mimâmsâ) hay là Vedânta mà chúng ta sẽ nói tới sau này. Cà hai hình thức đều ăn rễ sâu vào nền tảng Véda. Chúng vừa dị biệt, vừa bổ túc lẫn nhau cũng như Brahmana và Upanisad. Người ta có thể nghĩ rằng có một thứ Mimâmsâ nguyên thủy rất thô sơ được xuất phát trong môi trường Sâmaveda.
Chúng ta không thể xác định rõ Mimâmsâ được hệ thống hóa vào thời nào. Có thể vào cuối thời Véda, nếu quả thực mục đích nguyên thủy của phái này là thiết lập một Kalpasutra (luật lệ, qui tắc), và một Prayoga (chỉ dẫn , thực hành) về tế lễ. Nhưng cứ theo khảo luận của Jaimini, khảo luận cổ nhất của phái Mimâmsâ, thì ngay từ đầu cũng đã có khuynh hướng lý thuyết chứ không chỉ hướng về thực hành. Nhưng về khảo luận của Jaimini người ta cũng không biết rõ xuất hiện vào thời nào… Jacobi cho rằng, nó được viết vào khoảng 300-200 trước Tây lịch, Keith lại cho rằng có trước thế kỷ thứ III trước tây lịch.
2. Yếu tính của Mimâmsâ.
Mục đích của Mimâmsâ là tra cứu các Mantra (công thức), và các lời chú giải (Brahmana) lập thành toàn bộ nghi lễ Véda, để đặt ra những nghi lễ tổng quát, giải quyết những chỗ khúc mắc ngõ hầu sự thức hiện tế lễ được hoàn hảo. Mimâmsâ khảo sát các mệnh lệnh (Codanâ) trong Véda làm nên nội dung của Dharma “luật tự nhiên”, lập ra một học thuyết về các mệnh lệnh đó, sắp xếp lại thành từng loại. Vấn đề về giải thoát hầu như không được đề cập tới trong Mimâmsâ cổ, cũng như nó cũng chưa được đề cập tới trong Véda. Những đoạn văn có liên quan tới kỹ thuật giải thoát đều là những phụ diễn được thêm vào sau này, còn Mimâmsâ nguyên thủy chỉ có tính cách thực tiễn. Những quãng diễn có tính cách tư duy dần dần được thêm vào đó có thể bắt đầu bằng việc phân tích, giải thích một danh từ, rồi những suy tư có tính cách tâm lý, siêu hình và một học thuyết giải thoát được đưa vào.
3. Tác phẩm, tác giả.
Tác phẩm căn bản của phái Mimâmsâ là Mimâmsâsutra được gán cho Jaimini, nhưng người ta cho rằng, tên Jaimini nếu không là một tên huyền thoại thì cũng chỉ là một tên người ta tạo ra mà thôi, còn sự thực thì tác phẩm là công trình của cả trường phái.
Ngoài tác phẩm nguyên thủy đó, chúng ta còn có nhiều tác phẩm khác, mà nội dung là bình giải Mimâmsâsutra. Trong số các tác phẩm này có 3 được biết đến nhiều hơn cả, đó là những tập bình giải của Sabara Prabhâkara, và nhất là của Kumârila, chính hai tác giả sau này đã đem nhiều yếu tố tư duy vào học thuyết Mimâmsâ. Sau hết, cũng phải nói đến những tác phẩm của Prabhâkara và Kumârila, các tác phẩm ấy cứ kế tiếp nhau xuất hiện cho đế thế kỷ XVII.
4. Học thuyết Mimâmsâ.
a) Khái niệm về Dharma là khái niệm khởi đầu của Mimâmsâ, Dharma ở đây có nghĩa là tất cả cái gì (Artha) có mang tính chất một Prayojana (motivation) phán quyết lý do tạo thành một đối tượng duy nhất của Véda. Như chúng ta sẽ thấy học thuyết của Vedânta, Véda xuất hiện từ Brahman, trái lại, theo học thuyết Mimâmsâ, Véda là một thứ bản thể độc lập, vĩnh cửu, vô vị thể. Cũng chính vì quan niệm này mà phái Mimâmsâ sẽ gặp nhiều chỉ trích bắt buộc họ phải giải đáp một số vấn nạn triết lý, trong đó trước hết phải kể đến vấn đề tự hữu và hằng hữu của Véda. Nhưng học thuyết Mimâmsâ không biết đến quan niệm một Tạo Hóa: vật chất khôn gdc tạo dựng mà cũng chẳng bị hủy diệt. Nói tóm lại, học thuyết Mimâmsâ không đi xa hơn phạm vi thực tiễn của lễ tế là bao nhiêu. Cái Dharma đúng ra chỉ là một thứ bổn phận tôn giáo liên quan đến lễ tế mà thôi.
b) Sabda: Nếu Véda là tự hữu và hằng hữu thì mỗi âm thanh, mỗi chữ, nghĩa là mỗi Sabda cũng phải tự hữu và hằng hữu, đó là lý luận của mệnh đề trên. Mỗi âm thanh, mỗi chữ luôn hằng hữu và luôn hiện hữu trong tiềm thể, khi ta đọc hay phát âm lên thì chỉ làm cho chúng biểu hiện ra ngoài mà thôi, chứ khôn gtạo ra chúng. Còn về cường độ âm thanh hay sự phát âm cùng một lúc do nhiều người đó cũng chỉ là chuyện ngoại diện, còn thực ra trong bản chất âm thanh hay chữ không bao giờ biến đổi.
Giữa chữ và sự vật chữ đó chỉ định có một liên hệ cũng hằng hữu, không có thần thánh nào mà cũng chẳng có người nào đã can thiệp vào việc này. Đàng khác, mỗi chữ chỉ định chủng loại chứ không chỉ định cá thể, Âkrti, Jâti chứ không phải Dravya, do đó chủng loại cũng là thực thể siêu việt vĩnh cửu, thể hiện cụ thể và khách quan trong các cá thể.
c) Codanâ: Trung tâm điểm của Véda là Codanâ, những mệnh lệnh được diễn tả bằng động từ ở thể truyền khiến. Thí dụ, Yajeta: nó phải lễ tế. Chính phần chót của động từ (e) ta mang theo nó một hiệu năng (bhâvanâ). Hiệu năng đây là thể hiện điều mà người hành lễ mong ước. Vậy, Yajeta theo nghĩa đen là ‘nó phải đem đến hiện hữu (làm cho hiện hữu) bằng (nhờ) tế lễ’. Chẳng hạn, ai muốn được Trời thì phải tế lửa. Agnihotram juhuyât svargakâmah: Trời ở đây là cứu cánh, Agnihotram là phương tiện.
d) Sự phân chia Véda: Như trên đã nói: Mimâmsâ chủ trương phân chia, sắp xếp Véda lại thành từng loại. Theo Mimâmsâsútra thì Véda sẽ chia thành 5 loại: Codanâ hay Vidhi: mệnh lệnh; Mantra, các công thức Mânadheya các tên; Pratisedha các điều cấm, và Arthavâda các sự diễn tả.
Những mệnh lệnh này có liên quan hoặc tới bản chất của lễ tế hoặc cách thức thực hành lễ tế hay thứ tự các thành phần lễ phải theo đó mà thực hiện hay xác định những điều kiện, theo đó, người ta hành lễ có thể hưởng nhờ những hiệu quả của lễ tế.
Các công thức: có mục đích nhắc nhở trí nhớ những gì liên hệ đến lễ tế.
Các tên: đó là những danh từ kỹ thuật dùng để chỉ các nghi thức.
Các điều cấm kỵ: có mục đích ngăn ngừa những hành vi mà hậu quả có hại, đặc biệt là có hại cho lễ tế.
Phần diễn tả: cắt nghĩa thêm những mệnh lệnh hay những điều cấm kỵ.
e) Tri thức luận
Tri thức là khái niệm rõ về khách thể. Có 6 phương tiện tri thức namâna:
Pratyaksa: Tri giác, thấy hiển nhiên.
Anumâna: Suy lý.
Upamâna: Loại suy.
Sabda: truyền thống (Thánh kinh) nhờ chứng tích của Thánh kinh.
Arthâpatti: Giả định, ức đoán.
Abhâva: Khiếm diện, phủ định. Hay Ampalabathi: giảm trừ vào bội lý.
f) Các phạm trù:
Phái Mimâmsa cũng chủ trương số phạm trù như phái Nyâya-Vaicesika- Kumârila duy trì 5 bản thể (substance), đặc tính (qualité), sự chuyển động, tổng loại (généralité), vô hữu. Trong khi đó, Prabhânara lại chủ trương có 8 , bằng cách thêm vào: khả năng (tạo ra một hiệu quả), sự giống như và số lượng. Đàng khác, phạm trù vô hữu lại được thay thế bằng Anumâna (inhérence) nội thuộc.
Có ba phạm trù hằng hữu: thời gian, không gian và các phân tử.
Cũng như phái Vaicesika, phái Mimâmsa công nhận sự quan trọng của khái niệm về Jâti loại, đối lại với cá thể. Bởi vì cá thể có thể biến mất mà “loài, loại” vẫn còn. Tuy nhiên phái Mimâmsa không cho rằng “loài, loại” hoàn toàn tách biệt khỏi cá thể.
Phương pháp trình bày một vấn đề theo phái Mimâmsa có 5 giai đoạn:
1. Nêu vấn đề (Visaya)
2. Nêu những nghi vấn (Sam’saya hay Vi’saya)
3. Trình bày một quan điểm có thể có (Púrvapaksa)
4. Bác quan điểm trên bằng một quan điểm khác (Uttarapaksa)
5. Kết luận (Siddhânta)
Uttarapaksa thường cũng là quan điểm chính nghĩa, là quan điểm cần bênh vực và coi như hợp lý nhất.
g) Khái niệm về siêu việt thể.
Nguyên thủy, học thuyết Mimâmsâ bắt nguồn từ những tranh luận về những nghi thức tế tự, cho nên không phải là một hệ thống siêu hình. Tuy nhiên trong một giới hạn nào đó những vấn đề siêu hình cũng được đề cập tới. Chẳng hạn như vì thực tại mà thế giới khách quan, vì nguyên lý tàng linh. Phái Mimâmsâ cũng như phái Nyâya, Vaisesika, vì phản ứng chống lại học thuyết Phật giáo chủ trương thế giới khách quan hữu thực và Kymâvila và Prabhâkara công nhận có nhiều linh hồn tách biệt thân thể, hiện diện khắp nơi và hằng hữu.
Phái Mimâmsâ không đặt vấn đề về Thượng Đế nhưng công nhận một nghị lực siêu cảm, chỉ huy hành động đó là Apúrva, nghĩa đen là “cái không có cái đi trước” đó là một thứ năng lực, khía cạnh siêu việt mà codâna hay Vidhi “mệnh lệnh nó thể hiện khi lễ tế được thực hiện theo đúng những điều kiện đòi hỏi và làm cho người ta đạt được hiệu quả của lễ tế: đó là một thứ bản thể tự hữu, không có một thứ vật chất nào chi phối.
h) Quan niệm giải thoát.
(Moksa) vấn đề giải thoát chỉ được nhóm Prathâkara nêu ra, theo đó, thân xác chỉ được giải thoát khỏi tái sinh khi mà những hậu quả tốt cũng như xấu của lễ tế đã bị hủy diệt. Bởi đó, ai muốn được giải thoát cần phải tránh không những các hành vi mà hậu quả là làm cho tái sinh vào thế giới khác, nói cách khác phải lo chấm dứt Karman, nhưng thật ra đó là những tư tưởng người ta đã ghép vào sau này để cho Mimâmsâ đủ màu sắc là một Darsana, và có lẽ để tránh cho hệ thống này khỏi bị coi như là một hệ thống duy vật.
5. Kết luận.
Nếu nói rằng phái Mimâmsâ chỉ chuyên lo về những nghi thức tế tự thì không đúng. Thực ra, hệ thống này cũng đã tạo cho ta những gì quí giá như một phương pháp học chính xác, một biện chứng mềm dẻo, một phương pháp khảo sát ngữ vựng và văn phạm. Chính vì thế mà nó ảnh hưởng đến những hệ thống khác cũng như sẽ ảnh hưởng đến học thuyết Sankara, nhất là ảnh hưởng đến Dharmasastra trong suốt thời Trung cổ, đã tìm cách ứng dụng các mệnh lệnh, Codâna, của phái Mimâmsâ vào việc phê bình cũng như vào chính thủ tục tố tụng theo pháp luật.
Nhưng cũng như hầu hết các hệ thống tư tưởng Ấn độ, Mimâmsâ đã tàn lụi, và nếu so sánh với các hệ thống khác thì Mimâmsâ quả thực đã không tồn tại lâu dài là bao nhiêu.
----------
---Còn tiếp---