Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 68

TÌM HIỂU VÀ NGHIÊN CỨU TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ - Phần 7/15

TÌM HIỂU VÀ NGHIÊN CỨU TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ - Phần 7/15

Lm. Tôma Thiện Trần Minh Cẩm, OP.

----------

PHẦN II: CÁC HỌC THUYẾT KHÔNG CHÍNH THỐNG

CHƯƠNG I: HOÀI NGHI CHỦ NGHĨA – DUY VẬT CHỦ NGHĨA – TẤT ĐỊNH CHỦ NGHĨA

     I. HOÀI NGHI CHỦ NGHĨA

     Ngoài những hệ thống chính thống với những lập trường dứt khoát chúng ta cũng có những người chủ trương một thuyết bất khả tri. Đứng trước những vấn nạn siêu hình, ví dụ như về kiếp sau, về Thượng Đế vv… Họ chỉ đáp rằng: “Tôi không nói là như vậy, tôi không nói là như kia, tôi không nói là khácnhư thế, tôi không nói là không phải thế, tôi không nói là không không phải thế”. Nghĩa là họ không muốn trả lời dứt khoát theo lập trường nào cả. Thí dụ như về vấn đề có đời sau hay không, họ không trả lời có hay họ không trả lời không, họ cũng chẳng bảo là vừa có cừa không. Đó là thái độ của Sanõjaya Belatthiphutta, một nhân vật sống cùng thời với Đức Phật, o83 cùng Magadha mà kinh Samônquả có nói tới (Giâgha Nikâya), II,32 33), và đó hình như cũng là thái độ của những Sa môn và bàlamôn mà kinh Phạm võng nói là họ chủ trương ngụy biện, “trườn uốn như con lươn với 4 luận chấp”, khi bị chất vấn về vấn đề thiên ác thì họ trả lời: “Tôi không như  thật biết, đấy là thiện, tôi không như thật biết, đấy là bất thiện, và nếu tôi trả lời đấy là thiện, hoặc nếu tôi trả lời đây là bất thiện, thì dục tham, sân hoặc hân nổi lên trong tôi bị phiền muộn thì tôi sẽ thành một chướng ngai cho tôi”. Nói tóm lại, về bất cứ vấn đề gì họ cũng chỉ trả lời: “Tôi không nói là như vậy, tôi không nói là như kia, tôi không nói là khác như thế, tôi không nói lá không phải như thế, v.v… (Diâgha Nikâya, I,2, 23tt).

     Tất cả những người đó đều được gọi là Ajnõânika, nghĩa là những người chủ trương thuyết bất khả tri (Ajnõânavâda). Lập trường của họ có lẽ cũng giống với lập trường của triết gia Pyrrhon người Hy lạp, chủ trương rằng tất cả những quan điểm của nhân loạiđều bị chi phối bởi chủ quan, và nếu muốn tìm được sự bình an thư thái cho tâm hồn thì nên có thái độ gọi là époké, nghĩa là tránh tất cả mọi ý tư tưởng, mọi sự phán đoán (of.L.ROBIN, Pyrrhon et le scepticisme grec, 1944, tr.24).

     II. DUY VẬT CHỦ NGHĨA

     Chúng ta có dịp nói tới những người vô thần ở Ấn độ, chẳng hạn như những người thuộc phái Sâmkha ‘nguyên thuỷ’, và chúng ta biết rằng họ tuy vô thần, nghĩa là không tin có một thần linh tối cao, một Đấng sáng tạo và là chủ tể vạn vật, nhưng họ vẫn công nhận các thần linh và công nhận một nguyên lý tâm linh nơi con người, đó là Purusa, đối lại với Prakrti, nguyên lý vật chất. Một quan niệm duy vật rõ rệt được trình bày trong kinh Sa môn quả, theo đó, có người tên là Ajita Késakambali chủ trương rằng: “Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có cha không có mẹ, không có loại hóa sanh ở đời, không có những vị sa môn, những vị Bàlamôn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình chứng tri giác ngộ đời này đời khác và truyền dạy lại. Con người này do bốn đại hợp thành, khi mệnh chung địa đại trở về với địa giới, thủy đại trở về trả lại cho thủy giới, hỏa đại trở về trả lại cho hỏa giới, phong đại trở về trả lại cho phong giới, các căn sẽ nhập vào hư không. Bốn người gánh quan tài là năm, gánh người chết để mang đi đến chỗ hỏa táng, thốt ra những lời tán tụng, các xương trắng như mầu bố câu và những vật cúng dường trở thành tro bụi, chỉ có người ngu mới tán dương sự bố thí, lời nói chúng trống không, giả dối khi chúng chấp thuyết có sự sống. Kẻ ngu cũng như người hiền, sau khi thân hoại mạng chung sẽ đoan diệt tiêu thất, không còn tồn tại sau khi chết” (Digha Nika. II, 23, bản dịch của Thích minh Châu).

     Cũng có thứ thuyết duy vật chấp nhận hiện hữu một linh hồn, nhưng cho rằng linh hồn ấy hoàn toàn giới hạn trong không gian và thời gian với thân xác, thí dụ như trong tập Suyagada có đoạn nói rằng : “giới hạn bởi da, linh hồn hiện từ gót chân lên tới đỉnh đầu; bao lâu thân xác còn thì linh hồn cũng còn; nhưng sau nếu thân xác chết thì linh hồn không còn nữa, thân xác và linh hồn không thể phân ly được, như trường hợp thanh kiếm và bao kiếm hay trường hợp cây mía và nước ngọt của nó (id. 2, 1, 15).

     Thực ra, có nhiều người duy vật không phủ nhận một thứ nguyên lý tâm linh nào đó nơi con người, nhưng họ không quan niệm rằng nguyên lý đó sẽ tồn tại sau khi người ta chết. Nhưng vấn đề là phải xác định  bản tính của ‘linh hồn’ đó: Nó độc lập hoàn toàn với thân xác, hay liên hệ với thân xác như thế nào? Hoặc nếu nó chỉ là một với thân xác thì tại sao còn nói tới linh hồn ? Như những người mà trong Anh hùng ca Mahâbhânrata gọi là nastika chủ trương rằng linh hồn không là gì khác ngoài thân xác, bởi vì theo họ, người ta có thể giải thích tất cả mọi hiện tượng thiên nhiên mà không cần giải thích những sức mạnh tâm linh không vật chất : cây cỏ lớn lên, loài vật sinh ra, hấp lực do nam châm tạo ra nước bốc hơi, và cả ký ức những biến cố vật chất  nữa” (Moksadharma 12, 218, 8).

     Vì không có gì khác ngoài thân xác do bốn yếu tố (bhuta) tạo ra cho nên về tri thức luận người ta cũng không thể chấp nhận một phương tiện tri thức nào khác ngoài tri giác trực tiếp; tất cả những gì mà người ta gọi là suy tư, lý luận, đối với những người duy vật cũng chỉ là kết qủa trực tiếp của tri giác. Nhưng không biết họ sẽ trả lời thế nào khi người ta hỏi rằng nhân sinh quan và vũ trụ quan của họ cũng chỉ là do tri giác trực tiếp mà có hay sao? Và nếu như thế thì tại sao lại có sự khác biệt giữa nhân sinh quan và vũ trụ quan của họ với nhân sinh quan và vũ trụ quan của người khác?

     Phủ nhận yếu tố tâm linh nơi con người, phái duy vật cũng phủ nhận hiện hữu của một nguyên lý siêu nhiên trong vũ trụ. Không có một nguyên lý vũ trụ Nào khác ngoài vật chất; không có Thượng Đế, cũng không có một định luật luân thường đạo lý nào chi phối hành động và hậu qủa của hành động con người. Sự khác biệt giữa các sinh vật và định mệnh của chúng chỉ là truyện tự nhiên: con công có mầu sặc sỡ, con chim cu có giọng gáy dịu dàng cũng chỉ là do thân phận tự nhiên (svabhâva) của chúng. Bởi vậy, tất cả những học thuyết về Thượng Đế chỉ là lừa dối, tất cả những nghi lễ tế tự chỉ là chuyện các tư  tế bày đặt làm kế sinh nhai. Nếu một con vật hiến tế được siêu thoát lên trời thì tại sao người ta không hiến tế cha mẹ mình để các ngài được siêu thăng?

     Không có luật luân thường đạo lý, bởi đó cũng không có thưởng phạt sau khi chết. Tất cả những cố gắng đạt tới Dharma, sự kiện toàn đạo đức, chỉ là công dã tràng. Không có sự giải thoát nào khác ngoài sự chết, cái chết giải thoát mọi người, kẻ ác cũng như người thiện. Cứu cánh hữu lý nhất của con người chỉ còn là sự thoả mãn các giác quan. Không vó Trời, chẳng có Thiên thai hay Niết bàn. Cõi phúc chính là trần thế, và hạnh phúc chỉ có trong những bữa ăn ngon, trongquần áo đẹp, trong hương hoa, và trong ân ái với người đẹp. Hiện hữu của khổ đau lẫn lộn trong vui sướng không làm cho người duy vật thắc mắc và nản chí, họ vẫn mải miết gắng tìm khoái lạc. Cũnh như người ta loại trừ trấu ra một bên để chỉ còn hưởng thụ những hạt gạo.

     Ngoài học thuyết duy vật trên đây mà người Ấn gọi là ‘thô tục’ (dhurta), còn một thứ duy vật tinh vi (susiksita), công nhận một yếu tố tâm linh nào đó nơi con người, không phải là một cơ năng của thân xác, nhưng là một cái gì đặc biệt (sui generis). Tuy nhiên, yếu tố tâm linh này không tồn tại sau khi thân xác bị tiêu hủy. Ngoài ra, những người duy vật này không đồng ý với nhau để đưa ra một quan niệm nào rõ rệt về bản tính của thứ ‘linh hồn’ mà họ chấp nhận.

     Tất cả những người duy vật nói trên đây, truyền thống Ấn độ gọi là nâstika, những ‘người chối’, theo nghĩa rộng, thì danh từ này bao gồm tất cả những người chối quyền bính Veda, danh từ theo nghĩa hẹp nó chỉ định những người chủ trương hư vô chủ nghĩa, những người chối linh hồn hiện hữu hay sự trường tồn của linh hồn. Những người duy vật cũng còn gọi là Lokâyata, những người chủ trương học thuyến chỉ liên quan tới thế giới vật chất này. Ngoài ra, người ta còn gọi những người duy vật này là Cârvâka, vì truyền thống cho rằng ông tổ của thuyết duy vật là Cârvâka.

     III. THUYẾT TẤT ĐỊNH CỦA GOSÂLA

     Thuyết tất định là thuyết của những người chủ trương rằng tất cả số mệnh con người đã được ấn định bởi một quyền lực nào đó mà không ai có thể làm cách nào trống thoát hay đổi thay được: cái gì phải đến sẽ đến với ta ngoài ý muốn, ngoài sự chọn lực của ta. Một ý niệm về định mệnh bất di bất dịch (daiva disti vidhi), hay về sự tất yếu (niyati) thường gặp thấy nơi nhiều nhà tư tưởng Ấn độ, kể cả nơi những người thuộc phái chính thống. Thí dụ điển hình là Chí tôn ca (Bhagavadgitâ) trong số cũng có một vài đoạn cho thấy trình bày một quan niệm rõ rệt là của thuyết tất định. Bởi vì theo tác giải, Chúa định cho ai được giải thoát thì Ngài ban ơn cho họ được giải thoát, trái lại, Ngài đã định cho ai bị đày đoạ làm ma quỷ thì không ngừng đầy đoạ, và càng ngày càng đẩy sâu họ xuống vực thẳm ! (Gitâ 16, 1tt,19tt).

     Nhưng tất cả những tư tưởng trên dù có thật trong Chí tôn ca thì cũng vẫn chỉ là những tư tưởng thoáng qua, chưa tạo thành một lập trường rõ rệt, nhất là chưa tạo thành một hệ thống tư tưởng. Mãi vào thời của Mahâvira và thời của Đức Phật mới có một nhóm người gọi là âjivika chủ trương học thuyết của Gósâla Masksriputra mà theo kinh Sa mô qủa, nhân vật này nói rằng: “Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ố… không có tự tác, không có tha tác, không có nhân tác, không có lực, không có tinh tấn, không có nhân lực, không có sự cố gắng của người. Tất cả loài hữu tình, tất cả sanh vật, tất cả sinh mạng đều không tự tại, không lực, không tinh tấn. Chúng bị dắt dẫn, chi phối bởi định mệnh, bởi điều kiện bội loại của chúng, bởi cá tính của chúng. Chúng hưởng thọ, khổ lạc, y theo sáu loại thác sanh của chúng. Có tất cả là 1.000.000 chủng loại thác sanh, lại có thêm 6.000 và 600 nữa. Có 500 loại nghiệp và có 5 nghiệp (theo 5căn), lại có ba nghiệp (về thân, khẩu, ý) lại có toàn nghiệp (thân và khẩu), và bán nghiệp (ý), có 62 đạo, 62 trung kiếp, 6giai cấp, 8 nhâ địa, 4.900 sanh nghiệp, 4.900 kẻ du hành, 4.900 chỗ ở của loài Nâga (loài bán nhân  bán xà), 2.000 căn, 3.000 cảnh địa ngục, 36 trần giới, 7 tưởng thai, 7 vô tưởng thai, 7 tiết thai (sanh từ đốt), 7 loài thiên, 7 loài địa, 7 loài quỷ, 7 hồ nước, 7 pavutas, 7 pâpâtâs (vực thẳm), 700 vực thẳm, 7 mộng, 700 mộng, có 8 trăm 40 vạn đại kiếp, trong trần gian ấy, kẻ ngu và người hiền sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ trừ tận khổ đau. Không có lời nguyện: “với giới hạnh này, với kỷ luật này, với khổ hạnh này hay với phạm hạnh này, tôi sẽ làm cho chín mùi những nghiệp chưa được thuần thục, hoặc trừ diệt những nghiệp chưa được thuần thục, hoặc trừ diệt những nghiệp đã được thuầ thục bởi những nhẫn thọ liên tục, không thể đo lường khổ và lạc với những vật đo lường, trong khi luân hồi không có giảm tăng, không có thặng dư, thiếu thốn. Ví như một cuộn chỉ được tung ra sẽ được kéo dài đến một mức độ nào đó. Cũng vậy, kẻ ngu và người hiền sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ trừ tận khổ dau” (Digha  Nikâya II, 20. Bản dịch của Thích minh Châu).

     Chúng ta không được biết rõ nhiều hơn về nhóm Âjivika cũng như về học thuyết của họ. H.Zimmer (cf. Les Philosophies de l’Inde, Payot  Paris 1953, pg 208 212) nghĩ rằng có lẽ Go’sâla, ông tổ của họ, đã từng cộng tác lâu ngày với Mahâvira, nhưng sau vì bất đồng quan điểm nên đã ly khai. thực ra, đó cũng chỉ là một giả thuyết không có gì minh chứng được. Có điều đáng chú ý là cả hai bên, Jaina và Aâjivika cùng dùng một danh từ jiva để chỉ định nguyên tử của 4 đại yếu tố vũ trụ (đất, nước, lửa, gió) tạo thành vạn vật. Nhưng sự khác biệt căn bản giữa hai học thuyết là, theo phái Jaina, trật tự thế giới được điều kiện hoá bởi Karman của các đơn tử tinh thần, cũng chính Karman đó chi phối sự luân hồi của các Jiva; trái lại, theo Gosâla, thì như trên đã nói, không có định luật hay quyền bính siêu nhiên nào ngoài định mệnh. Tất cả mọi cái gì hiện hữu trên đời, cứ khi nào trải qua hết mọi kiếp sống, cộng lại tất cả thành 84.000, kể từ kiếp làm đơn tử của đất, nước, lửa, không khí đi lên qua kiếp bất động vật, thảo mộc, động vật, tới kiếp người qua tất cả bằng ấy kiếp sống, con người sẽ được giải thoát. Nhưng sự giải thoát này có vĩnh viễn hay chỉ là tạm bợ? Theo Glasenapp, dựa vào tài liệu gọi là Niolakési thì Gosâla chủ trương rằng thực ra không có gì được tạo ra bất cứ do nguyên nhân nào, nhưng chỉ có sự phát hiện mà thôi. Cũng như khi mặt trời mọc thì các ngôi sao biến đi, tuy rằng chúng vẫn còn đó; cũng thế, khi sự giải thoát này chỉ có tính cách tạm thời; nói cách khác, nó cũng có luân hồi, nghĩa là theo chu kỳ mà trở lại, bởi vì nếu có sự giải thoát vĩnh viễn thì làm gì còn vạn vật để mà giải thoát… Mặt trời mọc rồi lại lặn. Khi mặt trời mọc thì các ngôi sao biến đi… nhưng khi mặt trời lặn thì các ngôi sao lại hiện ra. Cũng thế, khi con người được giải thoát là lúc nó biến dạng trên 84.000 kiếp sống, để rồi có ngày lại xuất hiện lần lượt qua 84.000 kiếp sống khác.

     Thật là một học thuyết đen tối hãi hùng, nó bi đát hơn cả thuyết duy vật nữa, chính vì thế mà Đức Phật cho đó là học thuyết tệ nhất trong các học thuyết, và Ngài ví nó như cái áo bằng lông ngựa, nó tệ hơn hết mọi thứ áo, vì nó lạnh khi trời lạnh, nóng khi trời nóng, nó khó ngửi, và sờ vào thì thấy khó chịu. (cf. Anguttara 3, 135).

https://catechesis.net/hoai-nghi-chu-nghia-duy-vat-chu-nghia-tat-dinh-chu-nghia-3/ (cập nhật ngày 11.5.2023)

----------

---Còn tiếp---

zalo
zalo