Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 24

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH GIOAN (18,1 – 19,42) CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU (2)

II. CON NGƯỜI ĐƯỢC TÔN VINH

Có lẽ đây là nét đặc sắc nhất của Gioan trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu. Gioan đã nhìn thấy, đã hiểu và truyền đạt lại cho chúng ta cuộc Khổ Nạn và cái chết của Đức Giêsu dưới ánh sáng của chủ đề “CON NGƯỜI ĐƯỢC TÔN VINH”.

Trong Tin Mừng nhất lãm, Chúa Giêsu đã loan báo trước về cuộc khổ nạn, tử nạn và phục sinh của Người ba lần (Mt 16,21 ; 17,22tt ; 20,18tt cũng như những đoạn song song trong Mc và Lc). Gioan cũng ghi lại ba lời loan báo này của Đức Giêsu, nhưng bằng những ngôn từ cá biệt :

“Như Môsê giương cao con rắn trong sa mac,

Con Người cũng phải bị giương cao như vậy” (Ga 3,14)

“Khi các ngươi nhắc Con Người lên cao,

Bấy giờ các ngươi sẽ biết : chính là Ta” (Ga 8,28)

“Và Ta, một khi được giương cao khỏi đất,

Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta.

Ngài nói vậy để ám chỉ Ngài sẽ phải chết cái chết nào.

Dân chúng thưa lại : ‘Do Lề Luật, chúng tôi nghe biết rằng Đức Kitô còn mãi đời đời, vậy làm sao ông nói : Con Người phải được giương cao ! Con Người đó là ai vậy ?’” (Ga 12,32-34).

Tìm hiểu nguồn gốc chủ đề này, chúng ta gặp thấy trong bài ca thứ tư của Người Tôi Tớ mà Isaia đã loan báo :

“Này, tôi tớ của Ta sẽ thành đạt,

Người sẽ được bạt cử, nhắc cao và tuyệt vời tôn dương” (Is 52,13).

Hội Thánh ngay từ buổi sơ khai đã nhận ra lời tiên tri này được thực hiện trong biến cố lên trời của Chúa Giêsu :

“Vậy, được nhắc lên bên hữu Thiên Chúa,

Ngài đã lĩnh lấy nơi Cha ơn đã hứa là Thánh Thần mà đổ xuống”

(Cv 2,33).

“Người ấy, như Vị Khơi Nguồn, như Đấng Cứu Tinh,

Thiên Chúa đã nhắc lên bên hữu Ngài,

để ban cho Isral ơn hối cải và tha tội” (Cv 5,31).

Thánh Phaolô cũng viết trong bài thánh thi bất hủ :

“Bởi vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài !

và ban cho Ngài Danh hiệu

vượt quá mọi danh hiệu,

hầu trước Danh hiệu của Đức Giêsu,

mọi gối đều phải quỳ xuống bái lạy,

chốn hoằng thiên, trên địa cầu, dưới gầm đất” (Pl 2,9-10).

Đối với Gioan, việc Đức Giêsu được siêu tôn, được nhắc lên bên hữu Thiên Chúa đã được thể hiện ngay trong mầu nhiệm thập giá :

“Ngài nói vậy để ám chỉ sẽ phải chết cái chết nào” (Ga 12,33).

Và như trong ba đoạn văn ghi lại lời tiên báo của Đức Giêsu về cái chết của Ngài, chúng ta đã thấy rõ chủ ý của Gioan khi sử dụng từ ngữ “bị giương cao” (hypsô – ύψωσε – élever, 3,14), “nhắc lên cao” (8,28), “được giương cao khỏi đất” (12,32).

“Được giương cao” gắn liền với cái chết trên thập giá của Đức Giêsu mở ra cho ta thấy hướng thần học thật sâu xa của Gioan.

Thật vậy, từ bản văn của Is 52,13 đến Cv 2,33.5,31 và Pl 2,9-10 đề cập đến việc vinh thăng của Đức Giêsu khi Người được Thiên Chúa cho ngự bên hữu Ngài, đặt Người làm Chúa, làm Vua trên mọi loài, chúng ta thấy sự kiện này được thể hiện trong biến cố lên trời của Đức Giêsu. Gioan xác tín điều đó. Nhưng Gioan đã nhận ra biến cố trọng đại đó ngay tại Núi Sọ : việc Đức Giêsu được giương cao trên khổ giá thể hiện trước điều mà các bản văn Thánh Kinh khác ghi nhận và tuyên xưng trong mầu nhiệm lên trời của Đức Giêsu. Đó là :

1o Được giương cao trên khổ giá, Chúa Giêsu lôi kéo mọi người đến cùng Ngài để ban ơn tha tội, chứng tỏ Ngài là Đấng Mêsia.

“Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc,

Con Người cũng phải bị giương cao như vậy,

ngõ hầu kẻ nào tin,

thì nhờ Ngài mà được sự sống đời đời” (Ga 12,33).

Con Người bị giương cao trở nên dấu chỉ ơn cứu độ cho mọi người : những ai tin mà nhìn lên Đức Kitô trên thập giá (Ga 19,37) sẽ lãnh nhận sự sống đời đời.

“Khi các ngươi nhắc Con Người lên cao,

bấy giờ các ngươi sẽ biết : Chính là Ta (êgô eimi)” (Ga 8,28).

Nhờ vậy các ngươi sẽ nhận ra :

“Các ngươi thuộc bên dưới ;

Ta thuộc bên trên !

Các ngươi thuộc về thế gian này ;

Ta không thuộc về thế gian này” (Ga 8,23).

Đó chính là lời mạc khải về nguồn gốc siêu việt của Đức Giêsu. Ngài là Đấng Mêsia do Chúa Cha sai đến. và trước thập giá của Ngài, không ai còn có thể mơ hồ về nguồn gốc của Ngài nữa, vì Ngài chính là Đấng “êgô eimi”. Từ đó, con người được mời gọi phải hoán cải và tin vào Đấng Mêsia.

2o Được giương cao trên khổ giá, Chúa Giêsu thực hiện Vương quyền của Ngài :

“Chính bây giờ cuộc phán xét thế gian này :

chính bây giờ đầu mục thế gian này sẽ bị đuổi ra ngoài !

Và Ta, một khi Ta được giương cao khỏi đất,

Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta” (Ga 12,31-32).

Thập giá của Đức Giêsu đánh dấu giai đoạn mới trong Lịch sử Cứu độ : đầu mục thế gian này bị đuổi ra ngoài ; Satan không còn đóng vai trò thống trị nữa, nhưng phải nhường chỗ cho vương quyền của Đức Giêsu. Từ này, từ trên thập giá được xem như Ngai của Vua Giêsu, Ngài sẽ lôi kéo mọi người đến cùng Ngài.

Gioan khám phá ra tầm quan trọng của chủ đề này và đã triển khai một cách sâu xa và phong phú trong bài tường thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Ngày trong cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu, Gioan đã nhận ra cách thức Chúa Giêsu nhận quyền Vua và thi hành vương quyền của Ngài ; vì với cái nhìn đức tin, Gioan đã thấy được những kết quả về ơn cứu độ mà cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu đã đem đến cho thế gian.

III. BÁO TRƯỚC VIỆC HOÀN TẤT CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ

Một điểm nổi bật nữa trong hướng thần học của Gioan khi đề cập đến cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, đó là việc Giaon nhận ra chương trình cứu độ của Chúa Giêsu đã hoàn tất ngay trong mầu nhiệm thập giá.

Thật vậy, những dữ kiện quan trọng của Lịch sử Cứu độ mà khoa Cánh-chung-luận cho rằng sẽ được thực hiện trong ngày sau hết, thì Gioan tin rằng đã thể hiện nơi thập giá của Đức Giêsu. Đó là : cuộc chung thẩm và việc quy tụ Dân Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối duy nhất.

1. Xét xử thế gian. Trước khổ giá của Chúa Giêsu, thế gian tách làm hai nhóm : chọn Ngài hoặc khước từ Ngài.

Trong khi Tin Mừng nhất lãm và Thánh Phaolô đặt việc xét xử thế gian trong ngày chung thẩm, thì ngay trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, Gioan đã cho ta thấy diễn ra công việc này. Đó là quyết định và sự lựa chọn của con người rước sự sáng và sự thật của Chúa Giêsu.

Đứng trước Chúa Giêsu là Sự Sáng, con người tự tách ra làm hai nhóm :

“Chính là để phán xét (eis krima, είς κριμα)

mà Ta đã đến trong thế gian,

ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy,

và kẻ thấy được lại hóa đui mù !” (Ga 9,39).

Cuộc phán xét hệ tại sự lựa chọn của con người : nhận hay khước từ

sự sáng

“Án xử là thế này :

Sự sáng đã đến trong thế gian,

mà người ta đã yêu mến tối tăm hơn sự sáng,

vì việc họ làm là điều xấu” (Ga 3,19)

Lời của Đức Giêsu

“Kẻ nghe lời Ta và tin vào Đấng đã sai Ta,

thì có sự sống đời đời, và khỏi phải đến Tòa phán xét,

nhưng đã ngang qua sự chết mà vào sự sống” (Ga 5,24).

Gioan cũng có đoạn đề cập đến ngày chung thẩm, nhưng điều quan trọng xét xử con người, chính là sự chọn lựa của họ đối với Đức Kitô và đối với Lời của Người :

“Kẻ thảy bò Ta đi và không lĩnh chịu các lời của Ta,

thì có người xét xử nó rồi : ấy là Lời Ta đã nói,

chính Lời ấy sẽ xét xử nó trong ngày sau hết” (Ga 12,48).

Phàm ai tin Đức Giêsu, thì không bị xử án ; còn ai không tin Ngài, thì đã lình lấy án xử rồi :

“Kẻ tin vào Ngài, thì không bị án xử,

kẻ không tin thì đã bị án xử rồi,

bởi vì không tin vào Danh Con Một của Thiên Chúa” (Ga 3,18).

Con người liên tục phải đối diện với Đức Giêsu để có một quyết định và lựa chọn. và điều này kéop dài cho đến ngày sau hết.

Tuy nhiên, đối với Gioan, việc xét xử thế gian đã xảy ra vào một thời điểm nhất định của Lịch sử Cứu độ ; và thời điểm đó chính là “Giờ của Chúa Giêsu” :

“Chính bây giờ cuộc phán xét thế gian này :

chính bậy giờ đầu mục thế gian sẽ bị đuổi ra ngoài” (Ga 12,31).

“Về án xử : vì đầu mục thế gian này đã bị lên án rồi” (Ga 16,11).

Đứng trước một Đức Giêsu được giương cao trên khổ giá, thế gian tách làm hai nhóm. Chủ đề này sẽ được triển khai cụ thể trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu : chính trong cuộc Khổ Nạn và Tử Nạn, chúng ta sẽ thấy một đàng là hình ảnh của Đức Vua – Mêsia được giương cao lên (được tôn vinh), đàng khác chúng ta lại thấy việc kết án thế gian tội lỗi.

2. Quy tụ Dân Thiên Chúa trong sự duy nhất. Đây cũng là một chủ đề liên hệ đến thời cánh chung : Thiên Chúa đã hứa sẽ quy tụ Dân Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối duy nhất.

Chính trong lời loan báo về Giao Ước Mới và sự phục hưng Dân Chúa vào thời Đấng Mêsia, ngôn sứ Giêrêmia đã viết :

“Đấng phân tán Israel sẽ thâu họp nó …

Người sẽ canh giữ nó như mục tử canh giữ đàn chiên” (Gr 31,10).

Như vậy, sáng kiến quy tụ Dân Chúa, đem lại sự duy nhất cho Dân Chúa phải phát xuất từ Thiên Chúa. Và Dân Chúa sẽ quy tụ quanh Người. Ngay từ thời Giao Ước Sinai, Giavê Thiên Chúa đã phán :

“Ta đã nhắc các ngươi lên … mà đem đến cùng Ta” (Xh 19,4).

Rồi xuyên qua dòng lịch sử, Lời hứa đó luôn vang vọng trong tâm khảm của Dân Chúa :

“Ta đã yêu ngươi, một tình yêu muôn đời,

bởi thế với ngươi, Ta đã giữ bền lòng ân nghĩa” (Ga 31,3).

Niềm khát vọng được quy tụ thành một mối duy nhất đã làm triển nở trong tâm hồn Dân Chúa một cách đặc biệt qua các đại lễ hành hương tiến về Giêrusalem :

“Hết thảy mọi nước sẽ tuôn đến,

và đông đảo các dân đổ về. Chúng nói :

Nào ! Ta hãy lên núi Giavê,

đến nhà của Thiên Chúa Giacob (thờ) …” (Is 2,2-3).

Và đây cũng chính là lời đáp trả của Dân Chúa đang tản mác khắp nơi đối với Lời hứa và lời kêu gọi của Thiên Chúa.

Nhìn vào Tân Ước, chúng ta nhận thấy việc thực hiện Lời hứa trọng đại này đã được các tác giả Thánh Kinh trình bày với những nhận định không hoàn toàn giống nhau.

Theo Công vụ các Tông Đồ, thì sự quy tụ đó được thực hiện vào ngày lễ Hiện Xuống :

“Cư ngụ ở Giêrusalem có những người Do Thái đạo đức, từ muôn dân thiên hạ về. Thoạt tiếng ấy vang ra, thì cả đám đông cùng nhau tuôn đến và sững người ra, vì ai nấy đều nghe họ nói tiếng quê mình. Họ đứng chưng hửng và kinh ngạc mà rằng : Này, những người nói kia, hết thảy lại không phải là dân Galilê ư ? Làm sao chúng ta mỗi người lại nghe tiếng quê ta sinh ra ? (Ta là người) Parthi, Mêđi, Êlam, Lưỡng hà địa, Giuđê, Kappađôkia, Pontô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai Cập, vùng Lybi giáp giới Kyrênê, và người Rôma thiên cư đến đây, Do Thái và tòng giáo, người Krêta và người Á Rập – ta đều nghe họ dùng tiếng của ta mà cao rao những việc lớn lao của Thiên Chúa …

Vì lời hứa được ban cho các người, và con cái các người, cùng mọi kẻ xa gần, hết mọi người, Chúa, Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi” (Cv 2,5-11.39).

Còn Gioan lại nhận ra việc quy tụ Dân Chúa về một mối duy nhất quanh Đức Kitô được giương cao trên thập giá. Gioan ghi lại lời phán quyết của Thượng tế Caipha như một lời tiên tri về số phận của Đức và Gioan muốn lưu ý chúng ta về ý nghĩa sâu xa của cái chết của Chúa Giêsu :

“Điều ấy, ông đã nói ra, không phải tự mình,

nhưng vì là Thượng tế năm ấy,

ông đã nói tiên tri

là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho cả dân tộc ;

và không chỉ thay cho dân tộc mà thôi,

nhưng còn để thâu họp con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một” (Ga 11,51-52).

Ngay Đức Giêsu cũng đã công bố điều đó :

“Và Ta, một khi Ta được giương cao khỏi đất,

Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta” (Ga 12,32).

Từ trên thập giá, Đức Giêsu kéo mọi người đến cùng Ngài để hình thành nên một Cộng Đoàn Mới của Dân Thiên Chúa.

Ba chủ đề lớn trong hướng thần học của Gioan trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu : Giờ của Chúa Giêsu – Con Người được tôn vinh – báo trước việc hoàn tất chương trình cứu độ, sẽ soi sáng và giúp chúng ta chiêm ngưỡng Đức Giêsu tiến đến cái chết trên thập giá. Và tại nơi đó, Gioan sẽ cho chúng ta bắt gặp được chân lý này : đó là mạc khải tột cùng về lòng yêu thương của Chúa Cha :

“Quả vì Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế đó,

đến nỗi đã thí ban người Con Một …” (Ga 3,16).

“Đức Giêsu biết rằng đã đến giờ Ngài qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha, …thì Ngài đã yêu mến họ đến cùng” (Ga 13,1).

Chính vì lẽ đó mà Gioan sẽ cho ta thấy sự tự do tuyệt đối và ý thức hoàn toàn của Chúa Giêsu trong suốt cuộc Khổ Nạn và Tử Nạn. Ngài thực hiện công việc cứu độ với thái độ uy nghiêm trang trọng của Đấng biết rõ ý nghĩa sâu xa của các sự kiện sẽ xảy ra và hoàn toàn tự do chấp nhận những sự kiện đó.

--- Còn tiếp ---

zalo
zalo