Ngày tháng: 22/01/2025
Đang truy cập: 11

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH GIOAN (18,1 – 19,42) CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU (3)

B. TRÌNH THUẬT VỀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU (Ga XVIII – XIX)

Dựa trên quy luật đồng nhất về nơi chốn, chúng ta có thể phân bài trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu trong hai chương XVIII và XIX của Thánh Gioan làm năm phần :

1. Trong vườn : Đức Giêsu và các đối thủ của Người (18,1-11)

2. Tòa án Do Thái : Đức Giêsu đối diện với Hanna (18,12-27)

3. Tòa án Rôma : Đức Giêsu đối diện với Philatô (18,28 – 19,16a)

4. Đường lên Núi Sọ : Đức Giêsu bị đóng đinh thập giá (19,16b-37)

5. Trong vườn : Đức Giêsu được mai táng (19,38-42).

I. CHÚA GIÊSU TỎ MÌNH RA CHO CÁC MÔN ĐỆ VÀ ĐÓN NHẬN CUỘC KHỔ NẠN (18,1-11)

Nhiều nhà chú giải và dịch Thánh Kinh đã đề tựa đoạn này dưới danh nghĩa “Chúa Giêsu bị bắt”. Tuy nhiên, theo phân đoạn, Gioan chỉ nói về việc Chúa Giêsu bị bắt ở câu 12 : “Cơ binh và viên quản cơ cùng với bộ hạ của người Do Thái bắt lấy Đức Giêsu và trói Ngài lại”.

Vì thế, có lẽ Gioan muốn chúng ta cùng hiện diện trong vườn bên kia khe Kêđrôn để chứng kiến việc Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ và việc Người đón nhận một cách tự nguyện cuộc Khổ Nạn này, bởi lẽ Người đã nói : “Chén Cha đã ban cho Ta, Ta lại không uống sao ?” (Ga 18,11).

Để thấy rõ hơn chủ ý của Gioan ở đoạn này, chúng ta hãy vắn tắt so sánh với Tin Mừng nhất lãm.

Gioan cố tình bỏ qua một số chi tiết mà nhất lãm nhắc tới :

- cảnh hấp hối của Chúa tại vườn Ghetsêmani ;

- cái hôn của Giuđa ;

- những lời Chúa nói với những kẻ đến bắt Chúa : “Như thể đi đánh cướp sao mà các ông phải mang gươm giáo, gậy gộc đến bắt tôi ?” ;

- cảnh các môn đệ chạy trốn ;

Và đặc biệt, khi nói tới vai trò của Giuđa, Gioan nói rõ : “Giuđa, kẻ nộp Ngài”. Gioan trình bày Giuđa rõ ràng thực hiện công việc này dưới tác động của Satan. Ta hãy nhớ lại, ở chương 13 câu 30, khi Giuđa rời khỏi phòng Tiệc ly, Gioan đã ghi thêm : “Và trời đã tối”. Trời tối bên ngoài, điều đó chưa quan trọng. Ở đây trời tối trong tâm hồn Giuđa. Đối với Gioan, trong hành động nộp Chúa Giêsu, Giuđa đã thật sự là hiện thân của quyền lực bóng tối, đối lại với Chúa Giêsu là sự sáng tinh tuyền.

Gioan còn cho ta thấy Đúc Giêsu nổi bật trong uy quyền của Người. chính Người đi đến trong vườn ; chính Người lên tiếng hỏi cac đối thủ của Người ; chính Người ra lệnh cho họ ; chính Người thanh thản đón nhận Chén Cha đã ban. Thật đúng như nhà chú giải Strathaman đã nhận định : “Đức Giêsu là Vị Chúa của hoàn cảnh” (Der Herr der situation). Chính Người điều hành mọi việc, chứ không phải Giuđa hay các đối thủ của Người.

Ta có thể chia đoạn này thành hai tiểu đoạn :

Giới thiệu nhân vật (18,1-3)

Chúa Giêsu tỏ mình ra (18,4-11).

1. Giới thiệu nhân vật : Chúa Giêsu và các môn đệ ; Giuđa cùng cơ binh, nhóm bộ hạ của các Thượng tế và Biệt phái.

Gioan mở đầu bài trình thuật bằng câu :

– “Nói thế rồi, Đức Giêsu ra đi với các môn đồ …”

Đây là một kiểu liên ý của Gioan giữa một việc sắp làm với một việc trước đó, đồng thời nói lên mối tương quan mật thiết giữa hai công việc trước và sau.

Ở đây, Gioan cho chúng ta thấy, cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu có một mối tương quan mật thiết với Lời nguyện tế hiến ở chương 17, trong đó Chúa Giêsu hướng về Chúa Cha và nói :

“Lạy Cha, giờ đã đến ! xin hãy tôn vinh Con Cha, ngõ hầu Con Cha tôn vinh Cha !” (17,1).

Với sự liên ý này, Gioan mời gọi chúng ta nhìn vào cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu mà Gioan đang kể đây như là Giờ của Chúa Giêsu : Giờ Ngài được Chúa Cha tôn vinh, để qua đó chính Ngài tôn vinh Chúa Cha.

Cũng có tác giả liên ý câu “Nói thế rồi” ở Ga 18,1 với Ga 14,31 : “… để cho thế gian biết là Ta yêu mến Cha, và như Cha truyền dạy Ta sao, Ta làm như vậy. Đứng dậy, Ta đi khỏi đây !”

“Tota passio narratur sub aspectu gloriae Christi” (LOISY).

– “qua bên kia khe Kêđrôn”.

Tại sao Gioan không nói rõ đây là vườn Ghetsêmani như Mt 26,36 và Mc 14,32 ? Một số nhà chú giải như LOISY, LAGRANGE, WIKEN-HAUSER nghĩ rằng Gioan muốn ám chỉ việc Đức Giêsu và các môn đệ đến đây như thể trước khia Đavít đã đến để tránh Absalon, người con phản bội của mình (2 Sm 15,23).

Cha D. MOLLAT có ý kiến rằng : Gioan biết rất rõ khung cảnh địa lỳ Palestina, và khi Gioan gợi tới địa danh nào thì ngài đều gợi lên những điển tích biểu trưng, ví dụ : Giếng Giacob, giếng Siloam, Lithostrotos…

– “Ở đó có một thửa vườn”.

Trong khi Tin Mừng nhất lãm gọi đích danh là vườn Ghetsêmani thì Gioan chỉ nói nơi đó là “một thửa vườn”. Một số nhà chú giải cũng như một số giáo phụ đã đọc ra ẩn ý của Gioan muốn so sánh thửa vườn này với một thửa vườn ở St 3. Tại thửa vườn ở sách Sáng thể (Khởi nguyên), con người đã bất tuân lệnh Thiên Chúa và đã đem tội vào thế gian ; còn tại thửa vườn này, Đức Giêsu tuân phục ý Thiên Chúa và đem lại on tha tội cho con người.

– “Giuđa, kẻ nộp Ngài"

Đây là từ ngữ chuyên môn của Gioan để nói về Giuđa, và đây cũng là danh hiệu mà truyền thống của Hội Thánh tiên khởi đã hiểu về bản chất của Giuđa. Giuđa thực hiện công việc nộp Chúa Giêsu là hoàn toàn do sự thúc đây của Satan.

 “Giuđa dẫn theo một cơ binh"

Từ ngữ này khiến chúng ta phải đặt ra vấn đề lịch sử. Một cơ binh thời đó gồm 600 lính hoặc có khi gọi là cơ binh nhưng chỉ khoảng 200 lính. Vậy, để bắt Chúa Giêsu, có cần đến số lượng đông đảo như thế không ?  Rất có thể Gioan muốn nói đến sự hiện diện của một số lính thuộc cơ binh ở Giêrusalem. Và khi nói tới cơ binh tức là nói tới lính Rôma.

Như vậy, Gioan cho ta biết những người đến bắt Chúa Giêsu bao gồm quan lính Rôma kết hợp với nhóm bộ hạ của các Thượng tế và Biệt phái. Họ đã theo Giuđa.

– “cùng với đènđuốc và khí giới

Con người phải sử dụng đèn, đuốc … chứng tỏ họ đang ở trong bóng tối ; và phải sử dụng khía giới, tức là tựa vào sức mạnh và quyền lcự thế gian.

Với những từ ngữ này, Gioan giới thiệu họ như là biểu tượng của sức mạnh thế gian và quyền lực của bóng tối.

Như vậy Gioan đã giới thiệu với chúng ta hai nhân vật tiêu biểu trong cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu : một bên là Đức Giêsu, sự sáng thế gian ; và bên kia là Giuđa, hiện thân của bóng tối. Hai bên gặp nhau. Sự sáng đối diện với bóng tối. và tại đây, tại thửa vườn này : “sự sáng rạng trong tối tăm và tối tăm không triêt được sáng” (Ga 1,5).

2. Chúa Giêsu tỏ mình ra (18,4-11)

a) – “Đức Giêsu rõ biết mọi sự sắp xảy đến cho Ngài”.

Từ ngữ rõ biết (eidos, είδως) diễn tả một nhận thức rõ ràng, sáng suốt và đầy đủ. Khi dùng từ gnữ này, Gioan xác định một ý thức trọn vẹn của Chúa Giêsu về cuộc Khổ Nạn sắp xảy đến, hay đúng hơn, về tất cả những gì đang xảy ra cho Chúa Giêsu.

– “Các ngươi tìm ai ?”.

Với câu hỏi của Chúa Giêsu : “Các ngươi tìm ai ?”, Gioan cho thấy vai trò chủ động của Chúa Giêsu trong tất cả những gì sẽ xảy ra.

– “Giêsu Nazarét”.

Nêu rõ tên và nguyên quán Nazarét của Chúa Giêsu, điều đó nhấn mạnh đến đặc điểm Đức Giêsu là người thật và là một người có nguồn gốc ất khiêm tốn (x. Ga 1,46) : “Tự Nazarét, thì có thể xảy ra điều gì tốt được !”). Đồng thời, câu trả lời của các đối thủ của Đức Giêsu sẽ xác định rõ tội ác của họ chống lại Đức Giêsu và làm nổi bật tính tương phản với Lời mạc khải của Ngài về danh hiệu đích thực của Ngài là “Ego eimi – Chính là Ta”.

– “Chính là Ta ! Egô eimi, έγώ είμι”.

Đây là lời mạc khải uy nghiêm, trang trọng của Chúa Giêsu. Trong Cựu Ước, tại bản dịch LXX, êgô eimi chính là công thức tuyệt đối chỉ một mình Givê Thiên Chúa : “Ta có sao Ta có vậy” (Xh 3,14) ; “Cho đến tuổi già các ngươi, Ta vẫn là Ta” (Is 46,4) ; “Hãy nhớ lại những việc ban đầu xa xưa : chính Ta là Thiên Chúa. Không ai khác nữa : Thiên Chúa ! Chẳng có ai như Ta” (Is 46,9) ; “Ta, chứ chẳng còn ai khác nữa” (Is 47,8) ;  “Chính Ta, chính Ta là 9ấng an ui các ngươi” (Is 51,12).

Đối với người Cựu Ước, khi Giavê Thiên Chúa mạc khải danh tính của Ngài, tức là lúc Ngài trực tiếp can thiệp vào lịch sử để cứu giúp Dân Chúa và ban ơn cứu độ cho họ.

Như vậy, khi Chúa Giêsu công bố tước hiệu này của Ngài, Ngài tự mạc khải mình cho Dân Chúa, để Dân Chúa nhận ra Nài chính là Giavê Thiên Chúa. Chúng ta lưu ý đến việc Gioan nhấn mạnh đến 3 lần tước hiệu này của Chúa Giêsu (18,5.6.8).

– “Giuđa, kẻ nộp Ngài cũng đứng chung với họ”.

Nghe lời này, lẽ ra Giuđa phải hồi tâm. Nhưng ông vẫn đứng chung với họ, ông vẫn ở lỳ trong quyền lực của bóng tối, của sự dữ. Câu này của Gioan làm nổi bật sự lựa chọn dứt khoát của Giuđa là khước từ Đức Giêsu để ở hẳn bên phe đối thủ của Ngài.

– “Họ giật lùi đàng sau và nhào xuống đất”.

Phản ứng của các đối thủ của Chúa Giêsu trước Lời mạc khải êgô eimi. Đây là phản ứng của con người phủ phục và run sơ trước Thiên Chúa. Phản ứng này của đối thủ của Chúa Giêsu hoàn toàn tương tự như phản ứng của hạng người gian ác khi trực diện với người công chính bị bách hại mà các Thánh vịnh đã nói tới :

“Mọi kẻ thù tôi phải xấu hổ, rụng rời kinh khiếp,

trong chốc lát chúng phải xấu hổ tháo lui” (Tv 6,11).

“Cho chúng xấu hổ bẽ mặt,

những kẻ bách hại tôi,

cho chúng xéo lui then thuồng,

những kẻ mưu họa cho tôi” (Tv 35,4).

“Bấy giờ địch thù của tôi sẽ phải tháo lui” (Tv 56,10).

b) Chúa Giêsu hỏi lại lần nữa và họ cũng đáp lại như trước. Lần này, khi mạc khải tước hiệu của mình, Chúa Giêsu chỉ thị : “Vậy, nếu các ngươi tìm Ta, thì hãy để cho các kẻ này đi !”. Ngài không van xin họ, nhưng Ngài ra lệnh cho họ. có người đã nại tới câu này để biện minh cho việc chạy trốn của các môn đệ. Nhưng ở đây Chúa Giêsu không nói với các môn đệ, Ngài chỉ ra lệnh cho các đối thủ của Ngài. Và ý nghĩa của lệnh truyền này mang một tầm vóc thần học : “hầu nên trọn lời Ngài đã nói”. Như vậy, chỉ một mình Ngài đi vào cuộc Khổ Nạn và chỉ một mình Ngài phải chết mà thôi.

– “Các kẻ Cha đã ban cho Con, Con đã không để hư mất … ”.

Giải thoát các môn đệ khỏi chết phần xác, điều đó ám chỉ Đức Giêsu sẽ giải thoát họ khỏi chết về mặt thiêng liêng. Đúng như Thánh Tôma đã cắt nghĩa : Ở đây cái chết phần xác ám chỉ một mối nguy hiểm về đàng thiêng liêng đối với các môn đệ. Bởi lẽ, trong lúc này, họ chưa có đủ đức tin để chịu đựng thử thách đến chết, mà vì thế, nếu họ bị bắt, chắc chắn sẽ liên lụy đến đời sống thiêng liêng của họ. chúng ta sẽ hiểu rõ ý nghĩa câu này hơn trong việc Phêrô chối Thầy.

c) – Simon Phêrô rút gươm ra can thiệp và Chúa Giêsu đã ngăn cản Phêrô, bởi lẽ thái độ của Phêrô là đi ngược với ý của Chúa Cha trong cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Tương tự như trường hợp Phêrô trước kia đã có lần can ngăn Chúa Giêsu đi vào cuộc thương khó của Ngài và Chúa đã mắng Phêrô : “Xéo đi sau Ta, hỡi Satan ! vì ý tưởng của ngươi không phải là ý tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,31-33).

– “Chén Cha đã ban cho Ta, Ta lại không uống sao?”.

Chúa Giêsu đón nhận cuộc Khổ Nạn như một hồng ân của Chúa Cha. Ngài không xin Cha cất chén này đi, nhưng Ngài hoàn toàn và tự nguyện đón nhận.

Và kể từ đây bắt đầu cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu.

--- Còn tiếp ---

zalo
zalo