Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 231

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH GIOAN (18,1 – 19,42) CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU (4)

B. TRÌNH THUẬT VỀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU (Ga XVIII – XIX)

II. CHÚA GIÊSU ĐỐI DIỆN VỚI HANNA PHÊRÔ CHỐI THẦY (18,12-27)

Thoạt nhìn qua đoạn này, chúng ta ngạc nhiên vì thiếu liên tục, duy nhất, thiếu mạch lạc :

- Đức Giêsu bị bắt và bị điệu đến Hanna ;

- kế đó, Gioan thuật lại việc Phêrô chối Thầy ;

- rồi kể tiếp về cuộc chất vấn của vị Thượng tế về môn đệ và giáo huấn của Chúa Giêsu ;

- đoạn, Hanna sai điệu Người, vẫn bị trói, đến với Thượng tế Caipha ;

- và sau cùng là chuyện Phêrô chối Thầy lần thứ hai và lần thứ ba.

Cha LÉON DUFOUR cũng như cha I. DE LA POTTERIE cho rằng đây là chủ ý của Gioan để làm nổi bật sự tương phản giữa Đức Giêsu và môn đệ Phêrô : Phêrô chối Thầy mình trước mặt những người giúp việc, trong khi Đức Giêsu công khai tuyên bố về giáo huấn và môn đệ của Ngài trước mặt vị Thượng tế. như vậy, đoạn văn này không những có mạch lạc duy nhất, mà còn hàm chứa một chủ ý thần học theo cái nhìn của Gioan.

1. Họ điệu Chúa Giêsu đến cùng Hanna.

Phêrô đi theo Chúa Giêsu (18,12-16)

– Sau khi bắt và trói Đức Giêsu,

họ điệu Ngài đến cùng Hanna trước hết.

Hanna”. Làm thượng tế từ năm 6 đến 15 sau Công nguyên. Vì có những hành động không vừa lòng chính quyền Rôma, ông bị buộc ti hành chức vụ. Tuy nhiên, vai trò Thượng tế vẫn được hai người con trai ông tiếp tục đảm nhận. Và kể từ năm 28 đến năm 36, Cai pha được làm Thượng tế, ông này là con rể của Hanna.

Như vậy, tuy từ năm 15, Hanna không còn làm Thượng tế, nhưng ảnh hưởng và quyền lực của Hanna thời bấy giờ rất lớn.

Caipha, vị Thượng tế năm ấy”. Gioan thường nhắc đến vai trò của Caipha vào năm ấy, tức là năm xảy ra cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Hình như Gioan gợi lên yếu tố này để xác định thời điểm lịch sử về cái chết của Chúa Giêsu, đồng thời nói tới quyết định của Caipha liên quan đến cái chết này : “Cái lợi hẳn là chỉ một người chết thay cho cả dân” (18,14 ; xt. 11,50). Gioan không quy trách nhiệm cho Caipha, nên có lẽ vì thế ngài đã cố tình bỏ qua những diễn tiến của Công nghị Do thái, trong đó Đức Giêsu bị kết án và hạ nhục, như Tin Mừng nhất lãm ghi lại.

– Đi theo Đức Giêsu có Simon-Phêrô và một môn đồ khác.

Một môn đồ khác” là ai ? Các giáo phụ và truyền thống trong Hội Thánh đều xem đó là Gioan. Riêng Thánh Augustinô có nghi vấn và không muốn tìm hiểu đích danh người môn đồ đó là ai, vì cũng như các Giáo phụ khác, ngài nghĩ rằng Tác gia Tin Mừng thứ tư cố tình không nêu danh tính của người môn đồ đó vì lý do khiêm tốn.

“Môn đồ này là người quen thuộc với Thượng tế”. Theo nhiều tác giả, thì thật khó tưởng tượng việc một người ngư phủ bình thường như Gioan, con ông Giêbêđê, lại là người quen thuộc với Thượng tế. tuy nhiên, Polycrates người thành Êphêsô vào thế kỷ II, trong sách Sử ký Hội Thánh của Eusebius, quyển III chương 31, mục 3, có nói rằng Gioan là tư tế, xuất thân từ một gia đình thuộc chi tộc Lêvi. Có thể đó là lý do khiến Gioan quen thuộc với vị Thượng tế chăng ! Ngoài ra, chính trong bài tường thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, Gioan ghi lại cho chúng ta nhiều chi tiết quan trọng khác mà Tin Mừng nhất lãm không đề cập đến. điều đó có thể chứng minh thêm rằng Tác gia Tin mừng thứ tư phải là nhân chứng nhãn tiền về các sự kiện đó. Rất có thể là do mối tương quan quen thuộc với Thượng tế mà Gioan đã được diễm phúc này là : “Ông cùng vào với Đức Giêsu trong dinh Thượng tế”.

Dinh Thượng tế”. Từ hy lạp là Aulê, αΰλη ; từ la tinh là Atrium. Các từ đó có hai nghĩa : hoặc là chính biệt thự, hoặc là ở tiền đường trong khuôn viên. Ở đây có lẽ Gioan muốn nói tới sân trước biệt thự của vị Thượng tế, vì có đề cập đến cổng.

Trong khi đó Phêrô đang đứng ngoài cổng. và nhờ lời của người môn đồ quen thuộc với Thượng tế, chị giữ cổng đã để cho Phêrô cùng vào trong.

2. Phêrô chối Thầy trước mặt những người giúp việc (18,17).

Vừa trông thấy Phêrô bước vào qua lời giới thiệu của người môn đồ kia, người tớ gái giữ cổng liền nói với Phêrô : “Cả ông nữa, ông cũng thuộc nhóm môn đồ của người ấy sao ?”.

Theo nhiều nhà chú giải (LAGRANGE, WESCOTT, LOISY …), thì câu nói “Cả ông nữa” (mê kai su, μή και σύ, Numquid et tu) có ý so sánh Phêrô với người môn đồ kia mà người giữ cổng đã biết rõ là môn đệ của Đức Giêsu. Như vậy, câu hỏi đó có nghĩa là : “Cả ông nữa cũng là môn đệ của người ấy hay sao ?”, hoặc là : “Cả ông nữa cũng là môn đệ của người ấy như bao nhiêu người khác hay sao ?”. Chúng ta lưu ý thêm chủ ý của Gioan khi nhấn mạnh đến tước hiệu “môn đệ của Chúa Giêsu”. Trong những câu này, Ga 18,15-18, chúng ta gặp chữ “môn đồ” 3 lần để nói về Gioan, và 2 lần gắn liền với Phêrô. Và chính trong cuộc thẩm vấn của Hanna, Đức Giêsu cũng bị tra hỏi về môn đồ của Người.

Khi nhấn mạnh đến tước hiệu môn đệ, Gioan cho thấy ý nghĩa việc Phêrô chối Thầy : không những Phêrô phủ nhận việc mình quen biết Đức Giêsu, mà còn phủ nhận luôn tư cách môn đệ của mình.

3. Chúa Giêsu công khai tuyên bố về giáo huấn của Ngài (18,19-24).

– Theo cha Ignace DE LA POTTERIE, lời tra hỏi của Hanna và câu trả lời của Chúa Giêsu mang một ý nghĩa thần học : Ngài là Đấng mạc khải và là Vị Thầy mà các môn đệ là chứng nhân của Ngài.

Cấu trúc đoạn văn này theo lối đồng tâm (a b c b’ a’) :

a      Hanna

   b      Chúa Giêsu

      c       cái vả mặt

   b’     Chúa Giêsu

a’     Hanna

Hanna tra hỏi về môn đồ và giáo huấn của Chúa Giêsu. Điều này chứng tỏ mối bận tâm của Hanna xoay quanh vấn đề số người thụ giáo, theo Đức giêsu và về giáo huấn của Ngài.

Đáp lại, Đức Giêsu đã công khai tuyên bố về giáo huấn của Ngài cũng như về các môn đồ.

Gioan đã sử dụng động từ “nói” (lalêô, λαλέω) 3 lần :

“Tôi đã công khai nói với thế gian (= mạc khải) ;

tôi hằng giảng dạy (= vị Thầy)

hoặc trong Hội đường hoặc nơi Đền thớ,

tức là những nơi mọi người Do Thái đều tụ họp,

chứ tôi có nói chùng lén gì đâu ?

Ông hỏi tôi làm gì ?

Hãy hỏi những người đã nghe xem tôi đã nói gì với họ.

Kìa, họ biết tôi đã nói (eipon) những gì”.

Theo Gioan, Đức Giêsu luôn luôn giảng dạy trong các nơi chính thức của người Do Thái : Hội đường và Đền thờ (x. Ga 6,59 ; 7,14.28 ; 8,20) và Ngài luôn nói công khai, không chùng lén. Động từ “nói” (lalêô) là động từ chuyên biệt của Gioan để diễn tả việc mạc khải của Chúa Giêsu : Ngài hiện diện trong thế gian và đem đến cho thế gian Lời mạc khải (x. Ga 12,48-50).

– Cái vả mặt của một người trong nhóm bộ hạ túc trực ở đó được đặt ở giữa câu chuyện chính là thái độ trả lời một cách tàn nhẫn và phũ phàng của Do-thái-giáo đối với Lời mạc khải và giáo huấn của Chúa Giêsu. Không những họ khước từ giáo huấn của Ngài, mà họ còn sỉ nhục và vứt bỏ chính con người của Ngài.

4. Phêrô chối Thầy lần thứ hai và lần thứ ba (18,25-27).

– Trong Matthêô và Marcô thì một người tớ gái lại hỏi Phêrô và ông chối Đức Giêsu lần thứ hai, còn Gioan nói những người đứng sưởi với Phêrô đã hỏi ông : “Cả ông nữa, ông cũng thuộc nhóm môn đồ của người ấy hay sao ?”. Phêrô chối và nói : “Có đâu” (ouk eimi, ούκ είμι). Phêrô phủ nhận tư cách môn đệ của mình.

Lần thứ ba, “một người trong hàng tôi tớ của Thượng tế, bà con với người mà Phêrô đã cắt đứt tai, hỏi ông”. Chi tiết này càng làm rõ Gioan chính là nhân chứng nhãn tiền, đồng thời cũng cho ta biết Gioan thật sự quen thuộc với những người trong dinh của Thượng tế.

– Sau khi Phêrô chối lần thứ ba, Gioan ghi : “Và ngay đó thì gà gáy”. Chi tiết này gợi lại lời tiên báo trước của Chhúa Giêsu : “Ngươi sẽ thí  mạng sống ngươi vì Ta ư ? Quả thật, quả thật, Ta bao ngươi : gà sẽ không gáy, cho đến lúc ngươi đã chối Ta ba lần” (Ga 13,38).

Gioan không nói về việc Phêrô khóc lóc và ăn năn như Tin Mừng nhất lãm có ghi lại. Điều này có lẽ Gioan để dành cho 3 lần tuyên xưng sau này của Phêrô, khi Đức Kitô Phục Sinh hỏi ông : “Con có mến Thầy không ?” (Ga 21,15-17).

--- Còn tiếp ---

zalo
zalo