Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 236

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH GIOAN (18,1 – 19,42) CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU (5)

B. TRÌNH THUẬT VỀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU (Ga XVIII – XIX)

III. CHÚA GIÊSU ĐỐI DIỆN VỚI PHILATÔ (18,28 – 19,16a)

Đoạn trình thuật này có thể đucợ xem như một kiệt tác của Gioan và chỉ có Gioan mới vẽ lại được bức tranh tuyệt diệu này. Cấu trúc văn chương của đoạn này giới thiệu với chúng ta những khung cảnh thật sống động tùy theo sự di chuyển của Philatô : hoặc ở ngoài phủ đường hoặc ở trong phủ đường.

Theo cái nhìn của Gioan, phiên tòa này sẽ làm nổi bật chủ đề Vương quyền của Chúa Giêsu, một Vương quyền không mang sắc thái chính trị quyền lực theo kiểu thế gian ; bởi thế, Gioan sẽ cho chúng ta thấy không có sự đối kháng giữa Philatô, người đang nắm trong tay mọi quyền lực chính trị, với Vị Vua Giêsu. Ngược lại, Philatô chỉ là nhân vật trung gian giữa Đức Giêsu Nazarét, Vua Do Thái, với những người Do Thái. Vì thế, chúng ta sẽ thấy : Đức Giêsu là Vua, nhưng không theo khía cạnh chính trị của thế gian, mà chỉ theo khía cạnh tôn giáo và siêu nhiên (= không thuôc về thế gian này).

Câu chuyện Chúa Giêsu đối diện với Philatô được Gioan vẽ lại trong 7 bức tranh sau đây :

1. Philatô và người Do Thái : họ đòi án khổ giá cho Chúa Giêsu.

2. Philatô và Chúa Giêsu : “Tôi là Vua”.

3. Philatô và người Do Thái : Giêsu hay Barabba ?

4. Chúa Giêsu nhận Vương quyền : triều thiên bằng gia, áo cẩm điều, “Kính chào Vua Do Thái”.

5. Philatô và người Do Thái : “Này, Người đó !” (Ecce homo).

6. Philatô và Chúa Giêsu : “Ông bởi đâu mà đến ?”.

7. Philatô và người Do Thái : “Này là Vua các người !” (Ecce Rex vester).

Sau cuộc tra hỏi tại dinh Hanna, Chúa Giêsu bị điệu đến với Thượng tế Caipha trong tình trạng bị trói (Ga 18,24). Gioan không ghi nhận một chi tiết nào về những gì xảy ra tại dinh Caipha, và chỉ cho chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu phải đối diện với Hội đồng tối cao Do Thái (Sanédrin) do Thượng tế Caipha chủ tọa.

Rồi, Người bị điệu đến Phủ đường.

Và Gioan ghi : “Trời đã sáng” (18,28).

– “Phủ đường” (praitôrion, πραιτώριον, praetorium – dinh của vị Tổng trấn Rôma). Thời bấy giờ, Philatô thường ở Kaisaria ; nhưng vào dịp lễ lớn, ông lên Giêrusalem vì có tập trung đông dân chúng. Bởi thế, nơi Philatô ở tại Giêrusalem cũng được gọi là Phủ đường.

Tới nay chưa ai xác định rõ Phủ đường của Philatô tại Giêrusalem là ở chỗ nào ! Có người nói đó chính là Dinh vua Hêrôđê nằm về phía Tây thành Giêrusalem, ngay tại cổng thành mở ra hướng đi về Jaffa. Nơi đó ngày nay gọi là “Tháp Đavít (ABEL, BENOÎT). Người khác thì dựa trên những dấu tích tìm được qua những công trình của khoa khảo cổ (ví dụ : những nền đá lớn, trên đó có khắc các trò chơi của lính Rôma), thì cho rằng Phủ đường nơi Philatô ở tại Giêrusalem chính ngay trong doanh trại của lính Rôma. Nền đá này có thể phù hợp với “Lithostrotos” (Λιθόστρωτον) của Ga 19,13. Và nếu giả thuyết này đúng, thì Phủ đường nơi Đức Giêsu đối diện với Philatô chính là Tháp Antonia ở vào phía Bắc thành Giêrusalem.

– “Trời đã sáng”. Xét về thời gian theo cách tính của người Rôma, thì đó là tuần canh thứ tư, từ 3 đến 6 giờ buổi sáng. Cũng có thể cắt nghĩa câu này khi ta đối chiếu :

Giuđa lập tức đi ra. Và trời đã tối” (Ga 13,30).

Đức Giêsu đến Phủ đường. Trời đã sáng” (18,28).

 Như thế, câu “trời đã sáng” diễn tả ngày chiến thắng của Chúa Giêsu đã bắt đầu : sự sáng xuất hiện đẩy lùi bóng tối.

– “Họ không vào Phủ đường…”. Người Do Thái không vào Phủ đường của Philatô, kẻo mắc uế không ăn lễ Vượt Qua được. theo sách Mishna quy định : vào nhà một người lương dân thì mắc ô uế trong thời gian 7 ngày (x. Cv 10,28)  .

1. Phêrô và người Do Thái. Họ đòi án khổ giá cho Chúa Giêsu (18,29-32).

Mở đầu phiên tòa, Gioan cho ta thấy án tử hình thập giá đã ló dạng đối với Chua Giêsu. Việc chấp thuận cho cơ binh Rôma đi bắt Chúa Giêsu và chút nữa đây, khi đối diện với Ngài, Philatô nêu ngay câu hỏi : “Ông mà lại là Vua dân Do Thái ?” chứng tỏ lý do Philatô quyết định bắt Đức Giêsu là vì ông được người ta cho biết Ngài là Vua dân Do Thái. Nhưng tự việc đó mà thôi thì chưa đủ để kết án tử hình ! vì vậy, Philatô đã ra ngoài gặp người Do Thái và hỏi họ : “Các ngươi tố cáo ông này về tội gì ?”, tức là về hành động tội ác nào. Người mà các ngươi vừa điệu đến Phủ đường cho ta, mà các ngươi đã cho biết đó là Vua dân Do Thái, người ấy đã phạm những tội ác nào ?

Họ đáp lại một cách mông lung, không kê ra một tội nào. Điều đó nói lên trong đầu óc của người Do Thái chỉ có một ước muốn là giết Đức Giêsu. Nhưng làm thế nào để buộc tội, họ phải “nhờ đến” Philatô :

“Nếu tên này không làm gì ác,

thì chúng tôi đã không đem nộp cho ngài”.

Với tư cách từng trải của vị Tổng trấn Rôma, Philatô nhận thấy đây chỉ là vấn đề nội bộ của người Do Thái. Ông chỉ quan tâm và chỉ muốn xét xử những người đe dọa Chính quyền Rôma.

Mà vì không thấy trong vụ án này có điều gì liên hệ đến thẩm quyền của ông, nên Philatô tuyên bố : “Các người hãy đem ông ấy đi mà xét xử chiếu theo luật pháp của các người”. Họ trả lời : “Chúng tôi không có quyền xét xử ai cả”.

Cau này diễn tả lý do vì sao mà họ chuyển Đức Giêsu từ phiên tòa Do Thái sang phiên tòa Rôma.

Vấn đề được đặt ra ở đây là luật pháp Do Thái có cho phép Hội đồng tối cao của họ quyền kết án tử hình người nào không !

Nhiều nhà nghiên cứu – như BLINGER, BENOÎT – cho rằng Hội đồng tối cao Do Thái có quyền lên án tử hình, nhưng phải trình lại thẩm quyền Rôma và phải được thẩm quyền này thông qua bản án. Chính vì lý do này mà vụ án của Chúa Giêsu mang hai tính chất, vừa tôn giáo, vừa chính trị. Một số nhà nghiên cứu khác – như LIETZMANN, WINTER và nhiều học giả Do Thái – thì cho rằng Hội đồng tối cao Do Thái có quyền lên án tử hình, và án lệnh được thi hành bằng cách ném đá, diển hình là trừng hợp Stêphanô mà Cv 6,8tt đã thuật lại.

Đối với Gioan, như vậy là Hội đồng tối cao Do Thái đã có thể thi hành án tử hình bằng cách ném đá Chúa Giêsu. Nhưng việc họ không dùng quyền của mình mà chuyển giao cho thẩm quyền Rôma là để “nên trọn lời Đức Giêsu đã ám chỉ : Ngài sẽ phải chết cái chết nào”.

Chính câu này của Gioan là chìa khóa giúp ta hiểu rõ ý nghĩa của bức tranh thứ nhất này : người Do Thái muốn Đức Giêsu phải chết, nhưng là cái chết bị đóng đinh trên thập giá, chứ không phải cái chết bằng cách ném đá. Gioan nhắc ta nhớ lại lời tiên báo của Chúa Giêsu :

“Và Ta, một khi Ta được giương cao khỏi đất,

Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta”.

Ngài nói vậy để ám chỉ Ngài sẽ phải chết cái chết nào (12,32-33).

2. Philatô và Chúa Giêsu : “Tôi là Vua" (18,33-38a).

Sau cuộc trao đổi với người Do Thái ở ngoài Phủ đường, Philatô đi vào trong và truyền gọi Chúa Giêsu đến. Ông hỏi :

“Ông mà lại là Vua dân Do Thái ?

Su ei ho basileus tôn Ioudaiôn (σύ εί ό βασιλεύς τών Ίουδαίων).

Trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn, đây là lần đầu tiên tước hiệu VUA được đề cập đến. Tước hiệu này đều được cả Tin Mừng nhất lãm ghi lại. điều này chứng tỏ tất cả đều bắt nguồn từ một truyền thống iên khởi. và rất có thể đây chính là lời thốt ra từ miệng Philatô.

Câu hỏi này của Philatô minh chứng ông biết từ trước điều mà người Do Thái cáo tội Đức Giêsu. Đối với Philatô cũng như trong cáo trạng mà người Do Thái đã nói với ông, thì tước hiệu “Vua Do Thái” mang ý nghĩa chính trị.

Ga 1,49 : “Vua Israel” với ý nghĩa tôn giáo ;

Ga 19,34 : “Vua dân Do Thái” mang ý nghĩa chính trị.

Đáp lại, Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho Philatô : “Tự mình ông, ông nói thế, hay có ai khác đã nói với ông về tôi ?”.

Câu hỏi này của Chúa Giêsu nhằm làm rõ nghĩa câu hỏi cũng như ý nghĩ sâu xa của Philatô. Nếu Philatô trả lời là “tự mình, ông đã nghĩ thế” thì đối với vị Tổng trấn Rôma này, tước hiệu “Vua Do Thái” phải mang ý nghĩa chính trị ; còn nếu trả lời “do những người khác nói”, tức là do người Do Thái nói, thì tước hiệu “Vua Do Thái” mang ý nghĩa tôn giáo.

Đức Giêsu muốn phân biệt rõ điều này, để nếu Philatô hiểu theo ý nghĩa chính trị, thì Chúa Giêsu sẽ phủ nhận ; còn nếu ông hiểu theo nghĩa tôn giáo, tức là Vua Mêsia của dân Do Thái, thì Ngài sẽ nhận.

Philatô có vẻ tức giận, ông không muốn xen vào vấn đề của người Do Thái, tức ông không muốn hiểu tước hiệu “Vua Do Thái theo nghĩa tôn giáo : “Tôi là người Do Thái hay sao ?”. Vì thế, Philatô hỏi câu này la tự ý mình.

Vậy, “Ông đã làm gì ?” (19,35).

Chúa Giêsu nói rõ cho Philatô biết Ngài có một Nước, nhưng Nước của Ngài không thuộc về thế gian này : có nghĩa là Nước của Chúa Giêsu không bắt nguồn, không phát xuất từ những sự việc của thế gian này ; vì thế Nước này không mang sắc thái chính trị như Philatô nghĩ, không tổ chức theo cung cách các nước ở trần gian. Ta lưu ý đến từ ngữ Đức Giêsu dùng trong câu trả lời :

Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này,

thì bộ hạ của tôi đã cố chiến đấu

không để tôi bị nộp cho người Do Thái”

Bộ hạ, gia nhân (hoi hypêretai, οί ύπηρέται) : không thể là từ ngữ chỉ các thiên thần hay là môn đệ của Đức Giêsu, vì không có ai là hypêretai của Chúa. Bởi thế : “Nước tôi không thuộc chốn này”.

Tới đây, Chúa Giêsu vẫn chưa trực tiếp trả lời câu hỏi của Philatô : “Ông mà lại Vua dân Do Thái ?”. Thế nhưng, khi nghe nói tới Nước của Ngài, thì Ngài là gì ? nên Philatô hỏi lại : “Vậy thì ông là Vua sao ?”.

– “Ông nói đó : Tôi là Vua” (19,37).

su legeis oti basileus eimi (êgô) - σύ λέγεις ότι βασιλεύς είμι [έγώ]

Đây là lời khẳng định hết sức long trọng của Chúa Giêsu : “Tôi là Vua”.

Không thể có quan niệm đồng nhất về Vương quyền giữa Philatô và Chúa Giêsu : Philatô hiểu theo nghĩa chính trinh ; Chúa Giêsu hiểu theo nghĩa tôn giáo. Do đó, không nên dịch : Đúng như ông nói : “Tôi là Vua”. Làm sao đúng được ! vì từ ngữ Vua trong cách hiểu của Philatô khác hẳn Chúa Giêsu.

Ngài bắt đầu giải thích cho Philatô biết ý nghĩa của Vưởng quyền của Ngài :

“Chính vì lẽ mà tôi đã sinh ra,

và chính vì lẽ này mà tôi đã đến trong thế gian :

ấy là để làm chứng cho sự thật.

Phàm ai thuộc về sự thật, thì nghe được tiếng tôi”.

Bản văn Hy Lạp để chữ tôi ở đầu câu, có ý nhấn mạnh, lôi kéo sự chú ý đến chính con người của Chúa Giêsu.

Chính vì lẽ này” được nhắc tới hai lần diễn tả mục đích, sứ mạng của Chúa Giêsu ;

“sinh ra” : nói lên bản tính nhân loại của Chúa Giêsu, sinh ra như mọi người ;

“đến trong thế gian” : nói lên sự hiện diện của Chúa Giêsu trong thế gian, gắn liền với sứ mạng của Ngài.

Lời tuyên bố này nhằm làm rõ bản chất Vua của Đức Giêsu :

Ngài sinh ra để làm Vua,

Ngài hiện diện trong thế gian với sứ mạng là Vua

và cách thức làm Vua của Ngài làm làm chứng cho sự thật.

Chứng từ mà Ngài đem đến cho thế gian là mạc khải cho thế gian biết về sự thật. Và sự thật chính là Ngài, chính là mầu nhiệm của Ngài : “Đàng và sự thật, sự sống, chính là Ta” (Ga 14,6).

Sự mạc khải này là nền tảng của Vương quyền của Chúa Giêsu. Ngài là Vua trên những ai thuộc về sự thật, tức là tin vào mầu nhiệm của Ngài. Ngài thật sự là Vua đối với những ai nghe Lời của Ngài.

Như vậy, Ngài thi hành quyền Vua của mình trên con người, không phải bằng sức mạnh của thế gian, nhưng bằng Lời của Ngài, bằng sự thật của Ngài mà chỉ có những ai thực sự là môn đệ của Ngài mới hiểu ra và mới thuộc về Ngài.

Tóm lại, với lời tuyên bố này, Chúa Giêsu xác định Vương quyền của Ngài. Ngài đến trong thế gian là để mạc khải và làm chứng về sự thật. Và sự thật mà Ngài nói tới chính là Ngài, là mầu nhiệm của Ngài, là sứ mạng của Ngài. Phàm ai đón nhận Ngài, tin vào Ngài, thì thuộc về sự thật ; bởi vì họ tin rằng Ngài là sự thật và là Đấng mạc khải. ai sống theo sự thật thì nghe Lời Ngài và trở thành môn đệ của Ngài.

Việc mạc khải và làm chứng về sự thật của Chúa Giêsu sẽ tỏ hiện hoàn toàn trong mầu nhiệm thập giá, bởi tại đó Đức Giêsu đã cho nhân loại biết :

“Quả vì Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế (đó),

đến nỗi đã thí ban người Con Một,

ngõ hầu phàm ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi,

nhưng được có sự sống đời đời” (Ga 3,16).

Philatô nói với Ngài : “Sự thật là gì ?”.

Philatô không hỏi : sự thật đó là gì ? Điều này có lẽ có ý diễn tả Philatô không hiểu, không nắm bắt được mạc khải của Chúa Giêsu ; vì thế ông không quan tâm tới Vương quyền của Chúa Giêsu. Có thể đó là lý do cho thấy ông xét thấy Vương quyền của Chúa Giêsu không đe dọa quyền lực của Rôma, uy quyền của ong, nên ông sẽ tìm mọi cách để tha Đức Giêsu.

3. Philatô và người Do Thái : Giêsu hay Barabba (18,38b-40).

Ông ra ngoài gặp người Do Thái và tuyên bố về sự vô tội của Đức Giêsu : “Ta không tìm ra tội trạng nào nơi ông ấy”, nơi người mà các ngươi đã nộp cho ta với cáo trạng là “Vua Do Thái”.

Và để có thể tha Đức Giêsu, Philatô đã đưa ra cho người Do Thái xem một tù nhân, một tội phạm đúng nghĩa là Barabba. Nhưng họ đã kêu lên : “Không phải tên này, nhưng là Barabba”.

“Barabba là một tên cướp” (lestês, ληστής). Tên cướp, người phản loạn thuộc khuynh hướng bạo động (zélote). Chỉ có Gioan sử dụng từ ngữ này.

- Mt 27,16 : một phạm nhân khét tiếng tên là Barabba ;

- Mc 15,7 : có người tên là Barabba bị giam với quân phiến loạn ; tong một vụ dấy loạn, bọn này đã có giết người ;

- Lc 23,18 : Tên này, nhân một vụ dấy loạn xảy ra trong thành và vì đã giết người, thì đã bị tống ngục.

Sự lựa chọn này của người Do Thái thật là bi đát. Ở đây họ đã chọn Barabba. Và sau này, tại Lithostrotos, họ sẽ chọn hoàng đế Caesar. Trong cả hai lần lựa chọn, họ đã hoàn toàn phũ phàng từ chối “Vua Do Thái”.

--- Còn tiếp ---

zalo
zalo