Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 81

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH GIOAN (18,1 – 19,42) CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU (6)

B. TRÌNH THUẬT VỀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU (Ga XVIII – XIX)

III. CHÚA GIÊSU ĐỐI DIỆN VỚI PHILATÔ (18,28 – 19,16a)

4. Chúa Giêsu nhận Vương quyền (19,1-3).

Dựa trên cấu trúc văn chương thì đoạn này là trung tâm bài tường thuật của Gioan (a b c d c’ b’ a’) về cuộc đối diện giữa Đức Giêsu và Philatô  :

a                        Philatô và người Do Thái

   b               Philatô và Chúa Giêsu

      c                Philatô và người Do Thái

         d                         Chúa Giêsu nhận Vương quyền

      c’                        Philatô và người Do Thái

   b’               Philatô và Chúa Giêsu

a’               Philatô và người Do Thái

Và nếu trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn, bức tranh vẽ lại cảnh Đức Giêsu đối diện với Philatô đã được ta xem như một tuyệt tác, thì tầm quan trọng của phần này thật là lớn lao. Thật vậy, như đã thấy, hướng thần học của Gioan trong bài trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu là : - Giờ của Chúa Giêsu ; - Con Người được tôn vinh ; - báo trước việc hoàn tất chương trình cứu độ.

Cả ba chủ đề này gặp nhau trong bức tranh diễn tả Chúa Giêsu nhận Vương quyền của Ngài qua các dấu hiệu bên ngoài dành cho giờ đăng quang của Đức Vua : - triều thiên ; - áo choàng cẩm điều ; - lời tung hô của thần dân.

Chắc chắn những người lính Rôma không nghĩ như thế ! Tuy nhiên, vì biết vụ án Đức Giêsu là vụ án về “Vua Do Thái”, nên những điều họ đã thực hiện một cách vô tình, ngay cả vì ác ý, lại được Thiên Chúa dùng để mạc khải vinh quang của Đức Giêsu trong kế hoạch cứu độ trần gian.

“Lính tráng lấy gai tết một triều thiên mà đặt trên đầu Ngài,

và khoác cho Ngài áo choàng cẩm điều,

rồi chúng tiến lại bên Ngài mà nói : "Kính chào Vua Do Thái!"

Gioan chủ ý ghi lại bức tranh này một cách trang trọng khác thường ; có lẽ vì thế mà Gioan chủ tâm bỏ qua một số chi tiết ta gặp thấy trong Tin Mừng nhất lãm : cảnh lính tráng lột áo Ngài ra, quỳ gối trước mặt Ngài mà chế giễu, khạc nhổ vào Ngài, lấy cây sậy khỏ vào đầu Ngài, cởi chiếc áo nhung đi sau khi đã diễn xong trò chơi chế giễu (x. Mt 2,27-31 ; Mc 15,16-20).

Tuy nhiên, trong bức tranh này, Gioan cho ta thấy cảnh “chúng tạt vả Ngài”. Chúng tạt vả Ngài sau khi đã đặt triều thiên gai trên đầu Ngài, khoác cho Ngài áo choàng cẩm điều và nói lời kính chào Ngài. Cái tạt vả đó là một hành vi tàn nhẫn xúc phạm đến con người Ngài. Hành vi này diễn tả sự lựa chọn của chúng là khước từ cương vị Vương quyền của Chúa Giêsu. Và đối với Gioan, đây chính là cử chỉ khước từ của những người không chấp nhận quyền Vua của Đức Giêsu.

5. Philatô và người Do Thái : “Này, Người đó” (19,4-7).

Philatô lại ra ngoài và công bố một lần nữa về sự vô tội của Chúa Giêsu : “Này, ta dẫn ông ấy ra cho các người để các người biết là ta không tìm ra tội trạng nào nơi ông ấy”.

Gioan mời gọi mọi người nhìn vào Đức Giêsu : “Ðức Yêsu ra ngoài, đội triều thiên gai, mình khoác áo cẩm điều”. Ngài ung dung, chững chạc trong tư cách Đức Vua. Khác với Tin Mừng nhất lãm, ở đây Gioan cho ta thấy Chúa Giêsu vẫn xuất hiện công khai trong tư cách “đội triều thiên gai, mình khoác áo cẩm điều”.

Và Philatô công bố một câu nổi tiếng : “Này, Người đó !” (Ecce Homo). Câu nói này không phải phát xuất từ lòng thương xót của Philatô, như có mộ số người giải thích, như thể bảo rằng Philatô muốn đánh động lòng từ tâm của người Do Thái : Này, các người nhìn coi, Người này cũng là một con người đáng thương !

Trong chủ ý của Philatô, có lẽ ông muốn trấn an người Do Thái : Này, các người nhìn cho kỹ, các người không có gì phải sợ người này !

Tuy nhiên, trong cái nhìn của Gioan, lời tuyên bố này của Philatô mang một ý nghĩa hết sức sâu xa.

BULTMANN giải thích lời tuyên bố đó là một ám chỉ về sự tự hạ thẳm sâu của Đức Giêsu. Ông xem đây như hệ quả tất yếu về màu nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu, khi ông so sánh lời này với bài thánh thi trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Philip :

“Ngài đã hủy mình ra không

là lĩnh lấy thân phận tôi đòi,

trở thành giống hẳn người ta ;

đem thân đội lốt người phàm” (Pl 2,7).

Lời giải thích trên của Bultmann cũng có giá trị đáng lưu tâm.

Cha DE LA POTTERIE mời gọi ta đặt lời tuyên bố này trong mạch văn của Gioan, và ngài cho thấy chủ đích của Gioan là làm nổi bật con người của Chúa Giêsu xuất hiện trong quyền năng siêu việt. ngài dẫn chứng :

1Ở những đoạn trước, khi sử dụng từ ngữ “người” (anthrôpos, άνθρωπος) để nói về Đức Giêsu, thì Philatô dã dùng từ ngữ “người ấy” (anthrôpos houtos, άνθρωπος ούτος – x. Ga 18,29 so sánh với 18,17). Còn ở đây, Philatô lại công bố : “Này, Người đó !” (Idou ho anthrôpos, ίδού ό άνθρωπος – Ecce homo, Voici l’homme) không một xác định cụ thể nào khác.

2o Gioan tả Chúa Giêsu “đội triều thiên gai, mình khoác áo cẩm điều”. Với chi tiết này, Gioan cố ý nhấn mạnh – như chúng ta đã phân tích – để giới thiệu Đức Giêsu trong tư cách là Vua.

3o Ở cuối đoạn này, Gioan ghi lại tước hiệu của Chúa Giêsu mà người Do Thái nại vào đó để kết án : “…vì nó đã cho mình là Con Thiên Chúa” (19,7).

4o Dựa trên cấu trúc văn chương, chúng ta thấy có sự tương đồng giữa hai lời tuyên bố của Philatô : “Này, Người đó !” (Ecce homo, Ga 19,5) và “Này là Vua các người !” (Ecce Rex vester, 19,14).

Như vậy, chúng ta có thể kết luận về lời tuyên bố này là nhằm làm nổi bật đặc tính siêu việt của Chúa Giêsu.

Từ đó, nhiều tác giả như LOISY, LAGRANGE, BLANK… đã liên hệ từ ngữ “Này, Người đó !” với tước hiệu “Con người mà ta thường gặp trong Thánh Kinh, đặc biệt trong Đn 7,13 :

“Tôi mải nhìn các thị kiến ban đêm, thì này :

Với mây, trời, như thể một Con Người đi đến.

Ngài tiến lại Đấng Cao Niên,

và người ta cho Ngài xích lại trước nhan Người.

Ngài được ban tặng quyền bính, vinh dự, vương triều.

Tất cả các dân, các nước, các tiếng nói phải làm tôi Người.

Quyền bính của Người sẽ không bị hủy” (Đn 7,13-14).

Chính Gioan trong một số đoạn khác cũng đã sử dụng từ ngữ này : “Và Người đã ban cho Ngài quyền làm thẩm phán, vì Ngài là Con Người” (Ga 5,27) ; “Có ai giống như Con Người” (Kh 1,13).

Tóm lại,

1o vừa nói lên thân phận con người của Đức Giêsu ;

2o vừa gợi tới quyền năng siêu việt và quyền thẩm phán của Đức Giêsu. Ý này sẽ được lặp lại trong lời tuyên bố sau này “Ecce Rex vester”, trong đó ta sẽ gặp được hai chủ đề quan trọng của Gioan là : - quyền vương đế của Chúa Giêsu ; và – quyền thẩm phán của Chúa Giêsu.

Gioan viết tiếp :

“Vừa thấy Ngài, các thượng tế cùng bộ hạ kêu lên rằng: Ðóng đinh, đóng đinh thập giá !”.

Đây là lần đầu tiên trong bài trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, Gioan cho thấy chủ tâm sâu xa của các thượng tế là muốn khai trừ Đức Giêsu bằng bản án tử hình đóng đinh vào thập giá. Và Philatô cũng nhận ra thâm ý của các thượng tế : họ muốn giao Đức Giêsu cho ông là nhằm đưa tới bản án này.

Lần trước, khi đối diện với các thượng tế, Philatô đã có ý kiến : “Các người hãy đem ông ấy đi mà xét xử chiếu theo luật pháp của các người” (18,31), và lúc đó, họ đã nói quanh là họ không có quyền xử tử ai cả !

Giờ đây, khi hiểu thâm ý của họ, Philatô tỏ vẻ bực tức và hầu như mất hết kiên nhẫn, ông nói rõ : “Thì các người hãy đem ông ấy đi mà đóng đinh! Vì ta đây, ta không tìm ra tội trạng nào cả nơi ông ấy”.

Vấn đề thật rõ ràng ! Chỉ có Philatô mới có quyền ra án tử hình đóng đinh thập giá, trong khi các thuọng tế lại nêu lên lý do để luận tội và kết án Đức Giêsu !

Lý do họ nêu ra là tội phạm thượng để buộc cho Đức Giêsu. Theo họ, Đức Giêsu đã không tuân giữ Luật Môsê :

“Kẻ lộng ngôn đến Danh Giavê, tất phải chết :

toàn thể cộng đồng sẽ ném đá nó.

Dù là khách ngụ cư hay là bản hương,

đã lông ngôn đến Danh, tất phải chết” (Lc 24,16).

Trong quá khứ, Đức Giêsu đã nhiều lần đụng chạm với người Do Thái và họ đã khép Ngài vào tội phạm thượng :

Sau lần chữa người bất toại ở Bêthesđa vào ngày hưu lễ, Đức Giêsu đã tranh luận với người Do Thái. Và trước lời tuyên bố của Người : “Cha Ta đến nay hằng làm việc, thì Ta cũng làm việc” (Ga 5,17), thánh Gioan đã kết luận :

“Bởi vậy, người Do Thái cố tìm cách giết Ngài, vì chẳng những Ngài phá ngày Hưu lễ, mà còn dám gọi Thiên Chúa là chính Cha của mình, cho mình bằng Thiên Chúa” (Ga 5,18).

Lần khác vào dịp mừng lễ Cung hiến ở Giêrusalem, khi đi lại trong Ðền thờ, nơi trụ lăng Salômôn, Đức Giêsu nói với người Do Thái : “Ta và Cha là một” (10,30) thì :

“Người Do Thái đáp lại Ngài: "Không phải vì một việc trọn hảo mà chúng tôi ném đá ông ; nhưng vì một lời phạm thượng ! ông là một người phàm mà dám cho mình là Thiên Chúa".

Ðức Giêsu đáp lại họ: "Trong Luật của các ngươi lại đã không viết sao: Ta bảo: các ngươi là thần. Nếu được gọi là thần, những kẻ có lời Thiên Chúa xảy đến cho – vả lại không thể hủy bỏ lời Kinh thánh – thì sao người đã được Cha tác thánh và sai đến trong thế gian, các ngươi lại bảo: Ông phạm thượng ! vì Ta đã nói : Ta là Con Thiên Chúa ?" …” (Ga 10,33-36).

Như vậy, lý do để các thượng tế luận tội và muốn kết án tử hình cho Đức Giêsu, chính là điều mà họ gọi là phạm thượng, vì Đức Giêsu đã xưng mình là Con Thiên Chúa.

--- Còn tiếp ---

zalo
zalo