Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 204

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH GIOAN (18,1 – 19,42) CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU (7)

B. TRÌNH THUẬT VỀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU (Ga XVIII – XIX)

III. CHÚA GIÊSU ĐỐI DIỆN VỚI PHILATÔ (18,28 – 19,16a)

6. Philatô và Chúa Giêsu : “Ông bởi đâu mà đến ?” (19,8-12).

Đoạn này là của riêng Gioan, không có trong Tin Mừng nhất lãm : “Nghe lời ấy” (êkousen touton logon, ήκουσεν τούτον λόγον)…

Động từ nghe với túc từ trực tiếp ở accusatif có nghĩa là nghe được lời nói nhưng không hiểu nội dung. Điều đó chứng tỏ Philatô nghe lời buộc tội của các thượng tế, tố cáo Đức Giêsu đã xưng mình là Con Thiên Chúa, nhưng ông không hiểu nội dung của lời đó, khác với sau này ở câu 13, khi ông “vừa nghe những lời ấy”, tức là : Nếu ông tha cho tên ấy là ông thất nghĩa với Hoàng đế ! Ai xưng mình là Vua, tất làm thoán nghịch cùng Hoàng đế ! Trong câu này, Gioan ghi đông từ nghe với túc từ trực tiếp ở génitif, có nghĩa là : Philatô nghe và hiểu rõ nội dung lời buộc tội của các thượng tế : Ai xưng mình là Vua, tất làm thoán  nghịch cùng Hoàng đế !

Như vậy, khi nghe các thượng tế nêu rõ Đức Giêsu xưng mình là Con Thiên Chúa, dầu không hiểu được nội dung này, nhưng phản ứng của Philatô là “thêm kinh sợ hơn”. Đây là nỗi sợ hãi của con người đối diện với vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, đối diện với Đáng Thần Linh. Và điều này sẽ bộc lộ qua câu hỏi của ông với Chúa Giêsu, sau khi ông đã đem Chúa Giêsu trở vào trong Phủ đường : “Ông bởi đâu đến ?”.

Câu hỏi này không phải là lời hỏi cung, mà là một lời hỏi tổng quát, mơ hồ. Ông nhận ra Đức Giêsu quả là con người đầy bí ẩn và ông muốn biết gốc gác bí ẩn của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu không ban lời đáp lại, bởi lẽ Philatô không thể hiểu được nguồn gốc sâu xa của Nười, cũng như ttrước kia ông đã không thể lĩnh hội được lời mạc khải về sự thật.

Sự im lặng của Chúa Giêsu khiến Philatô kinh ngạc và ông đã dùng quyền để buộc Chúa Giêsu trả lời : “Ông không nói với ta sao ?”. cha Nguyễn Thế Thuấn dịch rất chỉnh chữ “ta” ở đây, vì trong nguyên bản, chúng ta có : “Với ta, ông không nói sao ? Đối diện với ta là người có quyền tối cao trong vùng này mà ông không nói sao ?”.

Rõ ràng Philatô sốt ruột. Ông cố tìm mọi lý do và cơ hội để tha Chúa Giêsu.

“Ông không có quyền gì trên tôi,

nếu từ trên không ban xuống cho”

Lời nói của Chúa Giêsu xác định rõ cho Philatô thấy giới hạn của ông trong điều mà ông nói là ông có quyền tha hoặc đóng đinh Chúa Giêsu. Có thể quảng diễn câu nói của Chúa Giêsu như sau : “Thưa ngài Philatô, điều mà ngài gọi là quyền tha hoặc dóng đinh tôi, thật ra điều đó đã đượng ấn định bởi thánh ý của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài ; bởi Thiên Chúa muôn tôi phải chết cái chết đóng đinh trên thập giá, nên tôi mới bị các thuọng tế Do Thái nộp cho Thẩm quyền Rôma. Bởi nếu tôi bị Tòa án Do Thái xử, thì tôi sẽ bị ném đá ; còn bị Tòa án Rôma xử, mà ngài là đại diện, thì tôi sẽ bị đóng đinh thập giá. Tất cả điều đó nằm trong ý định của Thiên Chúa. Bởi thế, nếu ngài có quyền gì để quyết định về số mạng của tôi, th2 đều do Thiên Chúa đã ấn định rồi. tuy nhiên, trong vụ án này, người bị trách nhiệm chính là kẻ nộp tôi cho ngài”.

Kẻ nộp Chúa Giêsu chính là Giuđa, và tiếp nối công việc cả Giuđa là các thượng tế và người Do Thái.

Philatô lại tìm cách tha Chúa Giêsu. Ông nghĩ rằng ông có quyền tối cao để làm việc này, nhưng thực tế cho thấy ông bị ràng buộc, giằng co bởi hai mối sợ :

- mối sợ đối với Chúa Giêsu, bởi ông nhận ra hình như Người là con người có nguồn gốc bí ẩn, sâu xa ;

- mối sợ đối với người Do Thái.

Và chính lúc này, Philatô phải trực diện với một áp lực lớn lao liên hệ đến chính mạng sống của ông :

“Nếu ông tha cho tên ấy là ông thất nghĩa với Hoàng đế !

Vì ai xưng mình là Vua, tất làm thoán nghịch cùng Hoàng đế !”.

Tước hiệu “thiết nghĩa với Hoàng đế” là một tước hiệu danh dự dành cho vị Tổng trấn. vì thế, họ đe dọa Philatô : “Nếu ông tha cho kẻ thoán nghịch cùng Hoàng đế, thì chính ông sẽ không còn là kẻ thiết nghĩa của Hoàng đế, nghĩa là sẽ không còn ghế Tổng trấn nữa, mà sẽ bị liệt vào hàng kẻ đôi thủ của Hoàng đế !”.

7. Philatô và người Do Thái : “Này là Vua các người” (19,13-15)

Đây là bức tranh cuối cùng, đồng thời là bức tranh vĩ đại nhất diễn tả cuộc diện kiến giữa Chúa Giêsu và Philatô.

Đứng về phương diện chú giải, từ ngữ then chốt định hướng cho nội dung bức tranh này là động từ ekathisen (έκάθισεν) mà cha Nguyễn thế Thuấn dịch là “đặt ngồi”. Philatô “đặt Ngài ngồi trên tòa ở nơi gọi là Nền Ðá (Lithostrotos), tiếng Hipri là Gabatha”.

Thật vậy, tùy theo cách hiểu tiếng ekathisen, nội dung của bức tranh sẽ thay đổi.

Xét về nguyên tự, động từ kathizein (κάθισειν) có hai nghĩa : - ngồi (sens intransitif) ; - đặt ngồi (sens transitif). Từ ngữ la tinh dịch là “sedere” cũng có thể hiểu theo hai nghĩa : ngồi hay đặt ngồi.

Khá nhiều bản dịch ngoại ngữ cũng như Việt ngữ dịch là Philatô ngồi trên tòa. Nhưng cũng có một số học giả phân tích kỹ động từ này, kết hợp với toàn văn mạch và ngữ pháp của đoạn văn, đã dịch : Philatô đặt Ngài ngồi trên tòa …

- TOB : Pilate fit mener Jésus à l’extérieur et l’installa sur une tribune à la place qu’on appelle Lithostrotos.

- E. OSTY : Pilate fit mener Jésus dehors et le fit asseoir au tribunal, en un lieu appellé Lithostrotos.

- BIBLE JERUSALEM : Pilate fit mener Jésus dehors et s’assit à son tribunal, en un lieu appellé Lithostrotos.

[Bible OSTY, TOB dịch là đặt ngồi ; Bible de JERUSALEM dịch là ngồi, nhiều bản dịch Anh, Ý, Đức … đều hiểu theo hướng này].

Tiếp theo phân tích của HARNAK, LOISY, CORSEN DIBELIUS, SMITH, BONSIRVEN, v.v…, cha DE LA POTTERIE đã quảng diễn một cách sâu xa ý nghĩa tác động (sens transitif) của động từ kathizein ở đoạn văn này (cf. I. de la Potterie, Biblica 41 -1960-, p. 217-247).

Các ý kiến của các học giả thiên về ý nghĩa tác động của từ ekathisen có thể tóm lại như sau :

1o hiểu rằng Philatô đặt Chúa Giêsu ngồi trên tòa mới phù hợp với lời tuyên bố của ông : “Này là Vua các người !” ;

2theo truyền thồng cựu trào, thời Thánh Justinô hay trong “Phúc âm của Phêrô” thì động từ ekathisen được hiểu theo nghĩa tác động ;

3o nếu Philatô ngồi trên tòa, thì ông phải công bố lời phán quyết về bản án, và như thế ông đã phải kết án Chúa Giêsu ; nhưng ở đây, khôgn thấy có lời tuyên án của Philatô ;

4o nếu Philatô ngồi trên tòa, thì không thể hiểu được sự trang trọng khác thường mà Gioan mô tả lại ở 19,13-14.

Cha I. DE LA POTTERIE nêu ra 3 lý do xét về phương diện ngữ học để chứng minh động từ ekathisen ở đây phải hiểu theo nghĩa tác động, tức là : “Philatô đặt Ngài ngồi trên tòa” :

1o Tiếng “ở nơi” eis topon chỉ định hướng về nơi chốn và có nghĩa chuyển động. Vì thế, không thể dịch là “in loco” (ở nơi), nhưng phải dịch là “ad locum” (đến nơi) bởi vì giới từ eis chỉ phương hướng (ad quem). Do đó, đứng về phương diện văn phạm, phải hiểu từ “đến nơi” hợp với động từ chuyển động là “điệu ra ngoài” :

“Philatô cho điệu Đức Giêsu ra ngoài …

đến nơi gọi là Nền Đá …”

2o Hai động từ đặt liền nhau và được nối kết bằng liên từ “và” (kai) thì nếu động từ trước đã có túc từ trực tiếp, động từ sau không cần phải lặp lại túc từ đó. Như vậy, ở đây ta có : “Philatô cho điệu Đức Giêsu ra ngoài và đặt Ngài ngồi trên tòa…”.

cho dẫn ngoài (êgagen exô, ήγαγεν έξω)

 đặt ngồi (kai ekathisen, και έκάθισεν)

Trong toàn bộ Tin Mừng thứ tư, chúng ta gặp được 17 trường hợp Gioan sử dụng động từ liền nhau được nối kết bằng liên từ “và” như thế : x. Ga 5,21 ; 6,11 ; 10,12 ; 12,47 ; 18,31 ; 19,6.19 v.v…

3o Một chi tiết khác hết sức tinh tế mà cha I. de la Potterie phân tích, đó là việc Gioan không sử dụng mạo từ (article) cho danh từ “tòa” : epi bêmatos (έπι βήματος, pro tribunali). Qua phân tích tỉ mỉ, chúng ta biết :

Tiếng bêma (βήμα, Tòa) có mạo từ, chỉ một nơi cố định ; và nơi đó là nơi chính thức, tức là tòa án. Còn tiếng bêma không có mạo từ – như trường hợp ở đây – thì không chỉ một nơi cụ thể, nhưng chỉ gợi lên tính chấtđặc điểm của việc xét xử của nơi ấy. Do đó, epi bêmatos phải địch là “pro tribunali” để xét xử, hay dịch trổng như cha Thuấn là “trên tòa”.

“Philatô đặt Ngài ngồi trên tòa” có nghĩa là “đặt Ngài ngồi trong cương vị người xét xử”.

Kết hợp tiếng epi bêmatos với ekathisen, chúng ta có :

- kathizein + bêma có mạo từ, có nghĩa là vị thẩm phán ngồi ở một nơi cụ thể, nơi chính thức để làm phận sự của mình, tức là xét xử và ra phán quyết ;

- kathizein + bêma không có mạo từ, thì có nghĩa là vị thẩm phán ngồi trên tòa, ngồi tòa ; vị đó ngồi trong cương vị là Thẩm phán.

Như vậy, nếu động từ kathizein với nghĩa instransitif thì phải hiểu là Philatô gnồi thi hành phận sự xử án” ; còn nếu hiểu theo nghĩa transitif thì : Philatô đặt Chúa Giêsu ngồi làm Thẩm phán”.

Tóm lại, chính vì không có mạo từ trước danh từ bêma mà chúng ta hiểu là không phải chính Philatô ngồi tòa để xử án – và đó là lý do cho thấy tại sao ông không tuyên án Đức Giêsu – nhưng theo cái nhìn của Gioan, Đức Giêsu đã được đặt ngồi trên tòa và như thế Ngài đã công khai xuất hiện như là Vị Thẩm Phán ngay trong cuộc Khổ Nạn của Ngài.

Gioan xác định cho ta biết nơi chốn và thời gian diễn ra biến cố trọng đại này : tại Lithostrotos, tiếng Hipri là Gabbatha, vào ngày dọn lễ Vượt Qua, lối giờ thứ sáu.

Lithostrotos, Λιθόστρωτου (tiếng Hy Lạp), Nền Đá. Theo cha VINCENT, có lẽ hiện nay ở dưới Tu viện “Đức Bà Sion” tại Giêrusalem, nơi trước kia là trại lính Antonia.

Gabbatha (tiếng Hipri), Nơi cao. Cha MOLLAT đã nói : “TẠi nơi cao này, Philatô đã công bố vương quyền Chúa Chúa Giêsu”.

Ngày dọn lễ Vượt Qua, tức ngày áp lễ Vượt Qua. Lễ này luôn luôn được cử hành nhằm ngày 15 tháng Nisan. Vào năm Chúa Giêsu chịu khổ nạn, Lễ Vượt Qua nhằm vào ngày Hưu lễ.

Giờ thứ sáu, theo cách tính của người Do Thái. Giờ thứ sáu là khoảng trưa, tức khoảng 12 giờ trưa. Từ trưa ngày dọn lễ Vượt Qua, mọi gia đình Do Thái phải vứt bỏ mọi thứ có men ra khỏi nhà, bắt đầu đi vào nghi lễ Vượt Qua.

Tại nơi đó, vào giờ đó của Ngày dọn lễ Vượt Qua, Phialtô đặt Chúa Giêsu ngồi trên tòa trước mặt người Do Thái, và ông công bố : “Này là Vua các người !” (Ecce Rex vester).

Khi làm hành vi và công bố lời này, có lẽ chủ ý của Philatô là thử lần cuối cùng để cố gỡ vụ án Đức Giêsu, hầu có thể tha Ngài : “Này là Vua mà các người muốn kết án, ta thấy Ngài không có gì khiến các ngươi phải lo sợ đâu !”.

Trong khi đó, đối với Gioan, lời tuyên bố này của Philatô thật là quan trọng, bởi Gioan nhận ra ở đây một ý nghĩa biểu trưng, đầy tính thần học rất sâu xa. Đối với Gioan, những lời tuyên bố này của Philatô là cao điểm của chủ đề về Vương quyền của Chúa Giêsu. Chủ đề này như bao trùm toàn bộ cuộc diện kiến giữa Chúa Giêsu và Philatô (18,28 – 19,16a) :

Từ câu hỏi : “Ông mà lại là Vua Do Thái” (18,33) cho đến lời khẳn định của Chúa Giêsu : “Tôi là Vua” (18,37) ;

Từ cảnh hành hạ của những người lính mà Gioan cố tình giữ lại những chi tiết cốt yếu nói lên đặc điểm Vua của Chúa Giêsu, như : triều thiên gai, áo choàng cẩm điều, lời “Kính chào Vua Do Thái” (19,2-3), đến lời tuyên bố của Philatô : Này, Người đó !” (19,5),

Gioan đưa ta đồi diện với Đức Giêsu trong lời trọng đại : “Này là Vua các người !” (19,14). Chủ ý của Gioan thật hết sức rõ ràng.

Lời tuyên bố này của Philatô quả là một lời tiên tri – dầu ông không ý thức – như thể lời phán quyết trước kia của Caipha về cái chết của Đức Giêsu.

Đứng trước Vua Giêsu, người Do Thái đã bộc lộ sự lựa chọn dứt khoát của mình : “Lôi đi ! Lôi đi ! Ðóng đinh nó đi !”. Philatô cố gắng một cách tuyệt vọng để cứu Đức Giêsu : “Ta lại đóng đinh Vua các người sao ?”.

Lần này, các thượng tế nói lên lập trường dứt khoát của họ : “Chúng tôi không có Vua nào cả, ngoài đức Hoàng đế !”.

Lời tuyên bố này chính là sự lựa chọn phũ phàng của những nngười đứng đầu Dân riêng của Chúa : họ hoàn toàn đừng về phía thế gian, và khai trừ Vương quyền của Thiên Chúa ra khỏi đời sống của họ !!!

– “Bấy giờ ông phó nộp Ngài cho họ đóng đinh”.

Nhiều học giả xem câu này như là lời tuyên bố của Philatô phê chuẩn bản án tử hình mà người Do Thái đòi Chúa Giêsu phải chịu. tuy nhiên, không hiểu vì sao Gioan không ghi rõ biến cố này. Có lẽ đối với Gioan, không ai có thể ra một bản án cho Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chịu chết vì Ngài đã đón nhận điều đó theo Thánh Ý của Chúa Cha ; Chúa Giêsu chịu đóng đinh thập giá, vì Ngài đã tiên báo Ngài phải chết cái chết nào ! Họ chỉ có thể hoặc chọn Ngài hoặc khước từ Ngài mà thôi. Chọn Ngài thì sẽ có Ngài là Vua trong đời sống của mình ; khước từ Ngài thì sẽ mãi mãi phải đối diện với Ngài là Vị Thẩm Phán. Và đứng trước sự lựa chọn dứt khoát của họ, Philatô sau cùng đã nhượng bộ và quyết định chiều theo ý họ, tức là “phó nộp Ngài cho họ đóng đinh”.

--- Còn tiếp ---

zalo
zalo