Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 216

TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH GIOAN (18,1 – 19,42) CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU (8)

B. TRÌNH THUẬT VỀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU (Ga XVIII – XIX)

IV. CHÚA GIÊSU BỊ ĐÓNG ĐINH THẬP GIÁ (Ga 19,16b-30)

“Vậy họ đem Đức Giêsu đi”.

Họ ở đây là ai ? Thoạt nhìn qua, chúng ta có thể hiểu là người Do Thái. Nhưng tại câu 23 sau này, Gioan nói rõ: “lính tráng đã đóng đinh Ðức Yêsu rồi, thì họ…”, nên có lẽ phải hiểu những người đem Đức Giêsu đi đóng đinh phải là những người lính Rôma.

“Tự mình vác lấy khổ giá cho mình”.

Thao Gioan, Chúa Giêsu tự mình vác lấy khổ giá. Ông không nói tới vai trò của Simon người Kyrênê vác đỡ thập giá với Chúa. Yếu tố này có mâu thuẫn với Tin Mừng nhất lãm không ? Nhìn kỹ vào các bản văn trong nhất lãm, chúng ta thấy ông Simon người Kyrênê từ ngoài đồng về và bị binh lính bắt vác đỡ thập giá với Chúa Giêsu ; vì thế, giai đoạn đầu từ Phủ đường ra ngoài thành, chác chắn là chỉ có một mình Chúa Giêsu tự mình vác lấy khổ giá. Như thế, tưởng cũng không khác biệt với Tin Mừng nhất lãm.

Ta lưu ý thêm về điều Gioan ghi ở đây: “… vác lấy khổ giá cho mình”. Khổ giá là khí cụ gắn liền với việc chúc dữ, là đồ chúc dữ và gắn liền với cái chết (Gl 3,13 ; Đnl 21,23) ; thế nhưng “cho Đức Giêsu”“đối với Đức Giêsu”, khi khổ giá gắn liền với Đức Giêsu và được Ngài đón nhận, thì khổ giá sẽ trở nên khí cụ chiến thắng và là biểu trưng của sự sống (x. Gl 3,14).

Từ ý nghĩ này, các Giáo Phụ và Truyền thống của Hội Thánh đã nhận ra nơi thập giá của Đức giêsu là khí cụ chiến thằng. ngoài ra, nhiều Giáo Phụ đã giải thích sự kiện này liên hệ tới việc Isaac vác bó củi theo cha là Abrham tiến lên núi để tế lễ và thờ phượng Thiên Chúa (St 22,6).

Tại nơi gọi là Gò Sọ (Calvaria, Kranos, Κρανίου) tiếng Hipri gọi là Golgotha, Đức giêsu bị đóng đinh ở giữa hai người khác nữa. Gioan không cho thêm chi tiết nào về hai người cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Gioan chỉ nói Đức giêsu ở giữa để càng làm nổi bật thập giá của Chúa Giêsu. Nhìn vào khung cảnh này, LOISY đã thốt lên : “Thập giá của Đức Kitô trở nên một cái ngai” (La croix du Christ devient un trône).

1. Tấm biển đặt trên khổ giá (19,19-22)

Philatô cho viết tấm biển và đặt trên khổ giá. Tấm biển này kê tội danh và người tử tội phải mang trên mình từ nơi xử án đến nơi thi hành án.

Vậy, tội danh của Đức Giêsu là: “Giêsu Nazaret, Vua Do Thái” –“Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum”.

Cả 4 Phúc Âm đều nói tới tấm biển này :

Mt 27, 37: “Tên này là Giêsu, Vua Do Thái”

Mc 15, 26: “Vua dân Do Thái”

Lc 23, 38: “Tên này là Vua dân Do Thái”.

Như vậy, chỉ trong Tin Mừng Gioan có thêm chữ Nazaret kèm theo tên của Đức Giêsu. Nhìn lại Tin Mừng thứ tư, chúng ta thấy Gioan nhấn mạnh nhiều đến nguyên quán Nazaret của Đức Giêsu :

Ga 1,45-46: “Tự Nazareth thì có thể xảy ra gì tốt được !”

Ga 7,42-45: “Không có một tiên tri nào chỗi dậy từ Galilê cả !”

Ga 18,5-7: “Giêsu Nazaret”.

Đối với người Do Thái, khi nói tới một người nào có gốc gác ở Galilê hay Nazaret, tức là có ý khinh bỉ, chế giễu.

Cha D. MOLLAT cho rằng việc Gioan nhấn mạnh đến gốc gác Nazaret của Chúa Giêsu là nhằm làm nổi bật mầu nhiệm Nhập Thể của Ngài, xem như cớ vấp phạm đối với con người. Và từ đó, chúng ta sẽ nhận ra ý thần học của Gioan ngay từ trong bài Lời Tựa nổi tiếng của Tin Mừng thứ tư:

Đức Giêsu là Lời à xác phàm

       Đấng Mêsia à quê ở Nazaret.

Và như vậy, dưới hình dáng con người (xác phàm – quê ở Nazaret), Đức Giêsu bị khinh bỉ; còn dưới hình dáng Thiên Chúa (Ngôi Lời – Đấng Mêsia), Đức Giêsu chính là Ơn Cứu Độ.

“Tấm biển ấy, nhiều người Do Thái đã đọc…”

Tại sao Gioan ghi lại chi tiiết này? Tại sao nhiều người Do Thái đã đọc tấm biển ấy? – Có lẽ Gioan muốn nói lên sự bi đát mà cái chết của Chúa Giêsu đem lại và luôn ám ảnh người Do Thái! Họ muốn giết Đức Giêsu. Nhưng khi ý định của họ đã được thỏa mãn thì họ phải luôn nhìn vào Đức Giêsu Nazaret bị treo trên thập giá dưới danh hiệu là Vua Do Thái. Ngài thật là Vua của họ mà họ đã khước từ và đóng đinh. Nhưng đối với họ, Ngài mãi mãi là Vua Do Thái!

Tấm biển được viết bằng ba thứ tiếng: 1/ Hipri là ngôn ngữ của Dân; 2/ Latinh là ngôn ngữ của Rôma, ngôn ngữ của quyền lực thế gian thời bấy giờ; 3/ Hy Lạp là ngôn ngữ của nền văn hóa thời bấy giờ.

Tấm biển viết bằng 3 thứ tiếng chính là lời công bố trọng thể về Vường quyền của Chúa Giêsu. Ngài không những là Vua theo nghĩa tôn giáo, mà còn là Vua theo nghĩa hành chính và văn hóa, tức là Vua của vũ hoàn.

Các thượng tế thấy tấm biển này không đúng ý họ. Mà đúng làm sao được khi họ là đại diện và là những người đứng đầu của Dân Do Thái, lại đã can dự vào cái chết của Vua Do Thái! Vì thế, họ xin Philatô thay những chữ đề trên tấm biển: “Xin ngài đừng viết: Vua Do thái. Nhưng là: Tên này đã xưng mình: Ta là Vua Do Thái”.

Tại Lithostrotos, họ đã khước từ Đức Giêsu là Vua của họ; tại Gò Sọ, họ đã xin thay tấm biển trên thập giá.

Ở đây, lạ lùng làm sao! Philatô không tỏ ra nhu nhược như trước kia: “Ðiều ta đã viết, là đã viết!”. Do đó, tước hiệu này vĩnh viễn gắn liền với Đấng bị treo trên thập giá: “Giêsu Nazaret, Vua Do Thái”. Và cũng chính tại đây, cái chết của Đức Giêsu trên thập giá rõ ràng là dấu chỉ Người được giương cao, được tôn vinh.

2. Cảnh chia áo Chúa Giêsu: “Ta dừng xé ra” (19,23-24)

Trong cảnh chia áo Chúa Giêsu, Gioan nhấn mạnh đến chiếc áo chùng không có đường khâu của Người. Chiếc áo này từ trên xuống dưới dệt liền một tấm. Việc những người lính Rôma quyết định: “Ta đừng xé ra” đã được Gioan hiểu dưới ánh sáng của Thánh Kinh:

“Chúng chia nhau áo xống tôi,

và áo chùng của tôi, chúng đã bỏ thăm”.

Động từ “xé ra” (schizô, σχιξω) cho ta một danh từ là schisma, σχισμα có nghĩa là “phân rẽ”. Người Do Thái đã phân rẽ nhau về vấn đề Chúa Giêsu (x. Ga 7, 43 ; 9, 16 ; 10, 19). Trong câu chuyện về mẻ cá lạ lùng ở hồ Tibêria sau khi Chúa sống lại, Gioan ghi: “Tuy nhiều ngần ấy cá, lưới cũng không bị rách” (21,11).

Như vậy, việc chiếc áo chùng của Chúa Giêsu không bị xé ra, đối với Gioan, chính là biểu trưng cho sự duy nhất của Dân Chúa, một sự duy nhất mà cái chết của Chúa Giêsu đem lại, như chính Caipha đã nói tiên tri và đã được Gioan nhắc đến (x. Ga 11,52).

3. “Này là Mẹ con” (19,25-27)

Thánh Gioan là tác giả Tin Mừng duy nhất ghi lại sự hiện diện của Đức Maria, thân mẫu Chúa Giêsu, ở bên thập giá của Người. Và khi nghiên cứu cặn kẽ toàn bộ tác phẩm của Gioan, chúng ta sẽ thấy một sự tương đồng khá nổi bật giữa câu chuyện tiệc cưới ở Cana (2,1-11) và câu chuyện dưới chân thập giá ở Gò Sọ (19,25-27).

Tại tiệc cưới Cana cũng như ở Gò Sọ, khi bài viết về Đức Maria, Thánh Gioan cho ta thấy có 3 yếu tố đặc biệt này:

Ở Cana

tại tiệc cưới Cana :

có Mẹ Đức Giêsu (Mater Jesu)

Này Bà (Milier)

Giờ của tôi (Hora mea)

 

Ở Gò Sọ

đứng bên khổ giá Đức Giêsu,

có Mẹ Ngài (Mater ejus)

Này Bà (Mulier)

Từ giờ đó (Hora) …

 

 

Như thế, câu chuyện Đức Maria hiện diện dưới chân thập giá rất có thể có liên hệ mật thiết với câu chuyện Đức Maria hiện diện ở tiệc cưới Cana. Và theo cung cách trình thuật của Gioan, ta có thể xem: câu chuyện ở Cana là dấu chỉ, câu chuyện ở Gò Sọ là hiện thực điều mà dấu chỉ đã báo trước.

Ngoài ra, một chi tiết khác không kém quan trọng giúp ta xác định vai trò của đoạn này trong trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, đó là ở Ga 19, 28 Thánh Gioan viết: “Sau đó, Đức Giêsu biết rằng mọi sự đã hoàn tất…”, có nghĩa là : Sau việc đó.

Như vậy, từ ngữ “sau đó” diễn tả mối tương quan mật thiết giữa một việc sắp xảy ra với một việc vừa xảy ra. Và việc sắp xảy ra lại là lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Đã hoàn tất”.

Từ đó, ta phải hiểu rằng lời trối của Đức Giêsu trong đoạn này chính là hành vi cuối cùng của Chúa, và là hành vi có ý nghĩa trong công cuộc cứu thế của Người. hành vi cuối cùng này Người đã thực hiện trong Giờ của Người.

“Ðứng bên khổ giá Ðức Yêsu,

có Mẹ Ngài, và người chị em của Mẹ Ngài,

Maria (vợ) của Klôpa,

và Maria người Magđala”.

Việc ghi thêm tên Chúa Giêsu sau chữ “bên khổ giá” có ý nhấn mạnh: Đây là khổ giá của Chúa Giêsu! Điều này cho ta thấy không những thân mẫu của Ngài và những người phụ nữ kia đứng bên cạnh khổ giá (nghĩa là về nơi chôn), mà còn kết hợp, tham dự vào khổ giá của Ngài (nghĩa tinh thần).

Một vấn đề khác được các nhà chú giải quan tâm là có mấy người đứng bên khổ giá của Chúa : 3 hay 4 người nữ?

Một số tác giả và ngay cả bản dịch Vulgata thì cắt nghĩa là có 3 người: Mẹ Ngài, người chị em của mẹ Ngài (có tên là) Maria (vợ) của Klôpa, và Maria Magđala.

Thế nhưng, hiện nay hầu như tất cả đều hiểu là có 4 người: Mẹ Ngài, người chị em của mẹ Ngài, Maria (vợ) của Klôpas, Maria người Magđala, vì hai người sau được nêu đích danh và được xác định rõ ràng.

Vậy Ðức Yêsu thấy Mẹ Ngài,

và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh,

thì Ngài nói với Mẹ: “Hỡi bà, này là con bà!”.

Ðoạn lại nói với môn đồ: “Này là Mẹ con!”.

Căn cứ trên cấu trúc của đoạn văn, ta có thể phân tích như sau:

1o Cả hai lời trối được đặt song song với nhau. Nếu chỉ là lời trối có tính chất ký thác, giao phó Mẹ lại cho người môn đệ chăm sóc (chữ hiếu), thì chỉ cần nói với môn đệ là đủ: “Này là Mẹ con!”. Nhưng ở đây lại có thêm lời trối thân mẫu của Ngài, thì chắc hản không phải là lời ký thác, nhưng phải mang một ý nghĩa nào nữa.

2o Trong lời trối này, Đức Giêsu đã nói với Thân mẫu Ngài trước, điều đó cho thấy chủ ý của Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sứ mạng quan trọng mà Thân mẫu Ngài sẽ phải đảm nhận, khác với sứ mạng của người môn đệ.

3Hướng về Thân mẫu Ngài, Đức Giêsu đã nêu lên một danh hiệu: “Hỡi bà”, “Thưa bà” (gynar, γύναι, Mulier). Và đây là một danh hiệu rất trang trọng (x. St 3,20.23: gynê, γύνη).

4o Thánh Gioan viết: Mẹ Ngài đứng bên khổ giá Đức Giêsu, còn người môn đệ lại đứng bênh cạnh Thân mẫu của Ngài. Như thế, Đức Maria có mối tương quan trực tiếp với khổ giá Đức Giêsu, còn người môn đệ thì có tương quan với Đức Maria; Đức Maria đứng dưới bóng khổ giá, còn người môn đệ đứng dưới bóng Đức Mria!

5o Mạch văn đoạn này của Gioan hoàn toàn là một sơ đồ văn chương diễn tả sự mạc khải:

- khởi đầu bằng động từ “thấy

- tiếp theo là động từ “nói” kèm theo công thức: “Này là… Này …”

- sau cùng là xác định cụ thể con người và sứ mạng phải đảm nhận: “con của Bà! – Mẹ của con!

Đây là công thức mạc khải mà Thánh Kinh thường sử dụng: x. Is 49, 18; 60, 4; Br 4, 36; 5, 5; Ed 1, 4; 37, 8; Đn 2, 31.

Trong Tin Mừng thứ tư, chúng ta còn gặp thấy các ví dụ tương tự:

- trường hợp Gioan Tẩy Giả:

1, 29  “Hôm sau, ông thấy Đức Giêsu đến với ông, thì ông nóiNày là Chiên của Thiên Chúa, Đấng khử tội của thế gian …”

1, 36: “Ông ngó về phía Đức Giêsu đang ngang qua, mà nóiNày là Chiên của Thiên Chúa”.

- trường hợp của Chúa Giêsu:

1, 47: “Đức Giêsu thấy Nathanael đến với Ngài, thì Ngài nói về ông: Này đây đích thật một người Israel, trong mình không có gian dối”.

Phân tích các bản văn này cho thấy cả Gioan Tẩy Giả cũng như Chúa Giêsu đã mạc khải cho mọi người biết một điều từ trước đến nay vẫn chưa ai thấu hiểu được: a) Gioan thấy Đức Giêsu thì mạc khải cho mọi người biết Ngài là Đấng Mêsia, tức là Chiên của Thiên Chúa; b) Đức Giêsu thấy Nathanael thì mạc khải cho mọi người biết con người đích thật của ông.

Trở lại đoạn văn Ga 19,25-27 này, chúng ta có: Đức Giêsu từ trên khổ giá thấy Mẹ Ngài và người môn đệ Ngài yêu dấu đứng bên cạnh, thì Ngài đã mạc khải cho mọi người biết sứ mạng của mỗi người, sứ mạng mà từ trước tới này chưa ai thấu hiểu được. Đức Giêsu mạc khải cho biết vai trò của Đức Maria kể từ lúc này là Mẹ đối với người môn đệ, và người môn đệ kể từ lúc này là con đối với Đức Maria.

Như thế, ta không nên giải thích lời trối của Đức Giêsu ở đây như là một cử chỉ hiếu thảo của một người con sắp lìa trần đối với mẹ ruột của mình!

6o Công thức “môn đồ Ngài yêu mến”. như đã có dịp phân tích, căn cứ theo truyền thồng, người môn đệ này chính là Gioan, tác giả Tin Mừng thứ tư.

Nhưng công thức này còn có thể cho ta hiểu thêm nội dung nào nữa không? – Tác giả Tin Mừng thứ tư có khuynh hướng khi đề cập đến nhưng con người mà không nêu đích danh là nhằm trình bày “những mẫu người”, những con người tiêu biểu của từng giới hoặc từng hạng người. Từ đó, Gioan không có ý nói người môn đệ Chúa yêu mến để nhằm chỉ một người nhất định, nhưng để chỉ bất cứ ai được hưởng tình yêu của Ngài, được trở nên đối tượng tình yêu của Ngài. Vì thế, người môn đệ này chính là mẫu của mọi người môn đệ Chúa Giêsu.

Từ nay, Chúa Giêsu trao phó người môn đệ cho Đức Maria chăm sóc và Đức Maria trở nên người mẹ mới của người môn đệ. Tình mẫu tử mới này sẽ là tình mẫu tử thiêng liêng dựa trên căn bản của lời trối của Chúa Giêsu trên thập giá. Vì thế, nền tảng của mối quan hệ mẫu tử mới giữa Đức Maria người môn đệ Chúa yêu phải được xây dựng trên sự từ bỏ. Đức Giêsu sắp từ bỏ mạng ssống mình để hoàn thành công việc cứu độ và lời trối này là hành vi cuối cùng của Đức Giêsu. Đức Maria cũng sắp từ bỏ người Con theo huyết nhục của mình, vì người Con này sắp tắt thở. Chữ “Hỡi Bà” như kéo Đức Maria ra khỏi sự đau đớn theo nghĩa xác phàm, khác nào lưỡi gươm đâm vào trái tim huyết nhục của Người. Người được mời gọi phải thông phần với Đức Giêsu sắp từ bỏ mạng sống mình mà về cùng Cha, để từ này Người không còn sống trong huyết nhục nữa. Rõ ràng là Đức Maria phải chết đi, phải từ bỏ tư cách là Mẹ theo nghĩa huyết nhục. Do đó, tình mẫu tử mới được thực hiện bằng sự từ bỏ, bằng việc chết đi cho con người cũ của mình.

Cũng thế, người môn đệ Chúa yêu đón nhận lời trối này cũng phải sống trong sự từ bỏ, mà việc từ bỏ cái tên cũ của mình có thể là một dấu chỉ. Gioan, con của bà Zêbêđê đã một lần từ bỏ người mẹ ruột của mình khi muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu. Do đó, tại đây, ở bên khổ giá của Chúa Giêsu, không lý gì mà Chúa không muốn cho Gioan có thêm một người mẹ theo nghĩa thông thường nữa, như thể kéo Gioan trở lại sống mối tương quan mẹ–con như trước khi đi theo Chúa Giêsu! Vì thế, người môn đệ Chúa yêu, nhờ hành vi từ bỏ này, àm được trở nên con người mới, con người được tái sinh nhờ sự từ bỏ mạng sống mình của Chúa Giêsu, nhờ cái chết của Chúa Giêsu.

Những phân tích trên làm nổi bật tính chất hết sức thiêng liêng của lời trối. Đức Maria từ này trở nên Mẹ và là Mẹ thiêng liêng của người môn đệ Chúa yêu, Mẹ của các thế hệ môn đệ của Chúa Giêsu; vì bất cứ ai tin và đi theo Chúa Giêsu đều trở nên người môn đệ Chúa yêu. Và người môn đệ Chúa yêu được diễm phúc gọi Đức Maria là Mẹ của mình.

Tóm lại, lời trối này của Chúa Giêsu có một ý nghĩa quan trọng trong công cuộc cứu thế của Ngài. Từ thập giá, từ cái chết của mình, Chúa Giêsu thiết lập và trao ban sự sống mới mà Đức Maria được diễm phúc trở nên “Bà”, trở nên Mẹ của tình mẫu tử mới, tình mẫu tử thiêng liêng. Tất cả môn đệ của Chúa Giêsu – tức là những ai tiin và đi theo Chúa Giêsu – kể từ nay được đặt làm con của Đức Maria, con không theo nghĩa huyết nhục, nhưng là con thiêng liêng. Và đó chính là hành vi cao cả bộc lộ tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho người môn đệ : Ngài đã yêu thương họ và yêu thương cho đến cùng (Ga 13, 1).

Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, nhờ lời trối này, đã trở nên Mẹ của các tín hữu; và người môn đệ Chúa yêu chính là khuôn mặt của người môn đệ lý tưởng, người tín hữu lý tưởng của mọi thế hệ Kitô hữu.

“Và từ giờ đó, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình” (19, 27b)

Đứng trước thập giá của Chúa Giêsu, chúng kiến cái chết của Người và hiểu được lời trối thiêng liêng đó, người môn đệ đã lãnh lấy Đức Maria, người Mẹ thiêng liêng của mình mà Chúa Giêsu vừa mạc khải cho biết, để Mẹ Maria trở nên thực sự là của mình, là Đấng không thể thiếu được trong đời sống của mình; bởi vì, trong đời sống mới, thiêng liêng, Người là Mẹ của những ai mang danh là môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến.

--- Còn tiếp ---

zalo
zalo