Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 68

TÔN GIÁO: LA BÀN THIÊNG LIÊNG CHO CON NGƯỜI - Phần 2/2 - Lm. Joseph Tân Nguyễn, OFM

TÔN GIÁO: LA BÀN THIÊNG LIÊNG CHO CON NGƯỜI - Phần 2/2

Lm. Joseph Tân Nguyễn, OFM

----------------------

 

     TÁCH BIỆT TÔN GIÁO HỌC RA KHỎI THẦN HỌC

Trong thế kỷ XVI, sau giai đoạn Phong Trào Cải Cách, từ những thất vọng triền miên về chiến tranh tôn giáo, người ta bắt đầu hoài nghi về bản chất thánh thiêng của tôn giáo và sự mâu thuẫn giữa các quan điểm thần học. Thời Khai Sáng nhìn tôn giáo như xuất phát từ các nhu cầu căn bản của con người, với lịch sử tự nhiên như các khoa học khác. Tâm lý học tiếp cận tôn giáo như những động lực tâm lý cá nhân, xã hội học nhìn tôn giáo như một diễn tiến xã hội. Nhiều học thuyết thế tục về nguồn gốc, bản chất và chức năng của tôn giáo được ra đời. Tuy khác nhau về quan điểm tiếp cận và cách thẩm định tôn giáo, nhưng các học thuyết này đều đồng ý là tôn giáo nên được nghiên cứu từ góc độ khách quan và ngoài phạm vi của thần học. Với sự trổi dậy của triết học duy lý, các Giáo hội Kitô phải tìm cách giải hòa và sống chung với nhau trong bối cảnh đa dạng chính trị. Từ đó, môn tôn giáo học ra đời, với mục tiêu giải thích một cách phê phán nguồn gốc của tôn giáo, và dùng khoa học để tránh sự cuồng tín về đức tin. 

Trước thế kỷ XVI hạn từ “tôn giáo” ám chỉ lối sống phù hợp với Kitô giáo chân chính, và như thế, đức tin ngoại giáo thì được xem như là “rối đạo”. Nhưng với phong trào Lãng Mạn ở thế kỷ XVIII, tôn giáo được xem như là thái độ cá nhân về thực tại tối hậu, đồng nghĩa với “niềm tin.” Một khi nhiều niềm tin tôn giáo khác biệt được khám phá, thì hạn từ “tôn giáo” được hiểu theo nghĩa đa dạng hay số nhiều. Ngày nay, xã hội học và tâm lý học định nghĩa tôn giáo theo chức năng hay vai trò của nó trong sự hình thành cơ cấu xã hội hay tâm lý con người. Các chủ thuyết duy thực khẳng định tôn giáo có bản chất hay yếu tính riêng của nó.  Nói chung, có hai khía cạnh được xem là chính yếu về tôn giáo: sự thâm nhập của thực tại thánh thiêng vào cuộc sống con người, và thái độ ưu tư tối hậu của con người trong cuộc sống hiện sinh. Cả hai khía cạnh này đều giả định thực tại siêu việt là yếu tố nền tảng của tôn giáo, gây ảnh hưởng lên mọi chiều kích của cuộc sống con người.

Sự tách biệt tôn giáo học ra khỏi thần học không xảy ra một sớm một chiều nhưng đã kéo dài gần hai thế kỷ. Tại Pháp, Hòa Ước Nantes (1598) giữa người Công Giáo và Tin Lành tại Huguenots đã tạm thời chấp dứt chiến tranh tôn giáo và cho phép con người chung sống với sự khác biệt về cách hiểu tôn giáo. Nhưng sự hoài nghi về khả năng thần học tự nó có thể giải quyết mọi tranh chấp chính trị xã hội vẫn tiếp tục. Jean Bodin đề nghị các tôn giáo chính yếu cùng ngồi lại và tìm một giải pháp chung. Ông đưa ra giả thuyết rằng tôn giáo tốt nhất phải là tôn giáo xưa nhất và gần nhất với “biến cố” Tạo Dựng. Nhưng đề nghị này đã không mang đến kết quả đáng kể nào, cho dù cuộc thảo luận vẫn tiếp tục.

Cũng vậy, Hòa Ước Augsburg (1555) tại Đức quốc tạm thời giải hòa các tranh chấp giữa giáo hội “Lutheran” và Công giáo, nhưng cách mạng của giáo phái “Calvinism” đã làm cho nền hòa bình mong manh này sớm tan vỡ. Kết quả là cuộc chiến “Ba Mươi Năm” (1618-1648) đã gây nhiều tổn hại và tàn phá cuộc sống thường ngày của xã hội châu Âu. Edward Herbert ở Cherbury đề nghị thay thế học thuyết tôn giáo của Bodin với năm tiêu chuẩn: chỉ có một Thiên Chúa; chúng ta phải tôn thờ Người; mọi tôn giáo phải tập sống nhân đức; con người phải thống hối cho tội lỗi của mình; có sự thưởng phạt đời sau. Như vậy, cả hai học thuyết tôn giáo của Bodin và Herbert đều giới hạn sự hiểu biết về mạc khải trong phạm vi được chấp nhận của truyền thống Kinh Thánh, mà không động đến thẩm quyền của Giáo hội.

Bernard Le Bovier de Fontenelle (1657-1757) người đầu tiên đề nghị một học thuyết tiến hóa về tôn giáo từ quan điểm của khoa học nhân văn. Ông phân tích các chuyện thần thoại và nghi thức văn hóa cổ xưa để tìm hiểu cơ cấu suy tư của con người cổ đại. Trái với quan điểm Khai Sáng vốn xem tôn giáo là sự cuồng tín dị đoan sai lầm về thế giới tự nhiên thì Fontenelle khẳng định rằng con người cổ đại đã cố gắng gia tăng tri thức qua những cách giải thích quyền lực thiên nhiên qua các chuyện thần thoại hay nghi thức tôn giáo. Sự giải thích khởi đầu thì dựa trên quyền lực thần thánh, nhưng từ từ được cập nhật hóa, cho đến khi tri thức khoa học được khám phá. Sự tiến hóa này vẫn còn thấy nơi các bộ lạc Âu châu tân thời. Sự đồng cảm của Fontenelle với cách người cổ đại giải thích vũ trụ đã giúp tôn giáo học vượt ra khỏi các ràng buộc thần học trong thế kỷ XVII.

Giambattista Vico (1668-1744) cũng nhận ra tính khoa học trong cách giải thích tôn giáo của thời cổ đại, nhưng ông khai triển chiều kích văn hóa và xã hội thay vì thiên nhiên. Vico cho rằng tôn giáo là hiện tượng văn hóa, bao gồm các yếu tố như nghi thức, hành vi, cơ cấu luật lệ. Con người cổ đại đã phóng chiếu hình ảnh của mình lên vũ trụ và biến sức mạnh của thiên nhiên thành thần thánh. Chính con người cổ đại đặt ra qui luật, thể chế và cơ cấu cho cuộc sống của họ. Niềm tin về sự quan phòng thánh thiêng làm cho nghi thức tôn giáo (nghi lễ cưới hỏi và tang chế), trở thành những điều kiện tất yếu cho tồn tại. Vico cho rằng con người cổ đại dùng chuyện thần thoại và cổ tích để giải thích thế giới của họ vì họ suy nghĩ theo cách huyền thoại. Nói chung, cho dù Fontenelle và Vico đã khai triển các nguồn gốc tự nhiên của tôn giáo, nhưng vẫn chưa tách biệt Kitô giáo ra khỏi nguồn gốc siêu nhiên. Đó là sứ mệnh của David Hume.

     DAVID HUME KHỞI ĐẦU CUỘC PHÂN LY

Trong khi các học giả trên đây vẫn giữ các mối tương quan giữa thần học và tôn giáo học thì David Hume (1711-76) đã tách biệt chúng hoàn toàn và khởi đầu cho hành trình nghiên cứu tôn giáo từ quan điểm thế tục. Các tác phẩm được xuất bản sau khi Hume qua đời cho thấy thực tại chỉ là “căn nhà một tầng”, không có gì là siêu việt hay thánh thiêng áp đặt lên nó. Hume xem tôn giáo như là hiện tượng xuất phát từ thế giới chúng ta đang sống và có thể được phân tích như mọi hiện tượng tự nhiên khác. Chủ thuyết “lịch sử tự nhiên” của Hume đã tạo nên cuộc cách mạng và gặp nhiều chống đối trong khoa nghiên cứu tôn giáo ở Anh quốc. Hume đã bị từ chối địa vị xã hội nhiều lần vì quan điểm thế tục của ông. Một số tác phẩm quan trọng của Hume chỉ được xuất bản vô danh mãi cho đến sau khi ông qua đời.

Hume từ chối mọi giải thích về tính bẩm sinh của tri thức hay chiều kích siêu nhiên của tôn giáo và cho rằng tất cả nhận thức phải đi qua kinh nghiệm. Tri thức về tôn giáo cần phải được giải thích tận nguồn từ trải nghiệm tự nhiên của chúng. Phép lạ là trái với luật tự nhiên, như thế muốn phép lạ được chấp nhận thì tính khả thi của chúng phải cao hơn tính khả thi của luật tự nhiên. Cho dù Hume không hoàn toàn loại bỏ phép lạ và vẫn để cửa cho lý luận dựa trên chứng cớ, nhưng từ quan điểm duy nghiệm, mặc khải siêu nhiên không thể được thiết lập trên nền tảng của các trình thuật tôn giáo. Luận cứ “thiết kế” (Design Argument), trong ngũ đạo của Tôma giả định sự tồn tại của một kiến trúc gia (Thượng Đế) trong việc tạo dựng vũ trụ. Nhưng đa số các trình thuật của Kinh Thánh về Tạo Dựng không đến từ kinh nghiệm thật sự của người nào cả, do đó không đáng là chứng cớ thật sự.

Theo Hume, tôn giáo xuất phát từ hai nguồn tự nhiên: (1) Con người đối đầu với sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên và tìm cách thống trị nổi lo sợ đó; (2) Sự đồng cảm và bị lôi cuốn bởi “gương sáng” của những bậc “anh hùng” và từ đó con người khai triển các nhân đức hay thói quen làm cho cuộc sống trở nên nhân đạo hơn. Các tôn giáo đa thần hay độc thần đều có điểm mạnh và yếu của nó. Tôn giáo độc thần thường trở nên giáo điều và cứng nhắc, bảo kê cho tính độc đoán và có nguy cơ bách hại các tôn giáo khác. Tôn giáo đa thần tuy thiếu hợp lý và lệ thuộc vào cảm xúc, nhưng lại có nhiều cách chú giải thông thoáng và uyển chuyển hơn.

Trong các bài kế tiếp, chúng ta sẽ tìm hiểu tôn giáo từ các nhãn quan: xã hội học, tâm lý học, nhân học, hiện tượng luận, biểu tượng học về sự dữ và cứu cánh học về thiên nhiên. Các nhãn quan bên ngoài thần học cổ điển có thể cho cho chúng ta một cái nhìn phong phú và phê phán hơn về đức tin. Và đây cũng là sự đóng góp vào hành trình “đức tin tìm kiếm sự hiểu biết” của thần học.

--------------------------

Tài liệu tham khảo:

Joseph Tân Nguyễn, Tôn Giáo: La Bàn Thiêng Liêng cho Con Người. NXB Tôn Giáo, 2023.

zalo
zalo