Ngày tháng: 04/12/2024
Đang truy cập: 8

TÔN GIÁO QUA NHÃN QUAN XÃ HỘI HỌC (I) - COMTE & MARX - Joseph Tân Nguyễn, OFM

TÔN GIÁO QUA NHÃN QUAN XÃ HỘI HỌC (I)

 COMTE & MARX

Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM

NO PHOTO

Dưới nhãn quan xã hội học, chúng ta sẽ sơ lược qua năm học thuyết (Comte, Marx, Durkheim, Weber và Berger) giải thích tôn giáo như chức năng xã hội, đóng góp một khía cạnh nào đó trong sự cấu kết của đời sống tập thể. Bài này sẽ tìm hiểu hai quan điểm xem tôn giáo là ảo tưởng của Auguste Comte và Karl Marx. Đối với Comte, tôn giáo là ảo tưởng thiết yếu và cung cấp một sức mạnh thiêng liêng để xã hội hoạt động; vì thế, nếu muốn tránh khủng hoảng thì cần phải thiết lập một tôn giáo tôn thờ Đấng Siêu Việt, thích ứng với xã hội tân thời. Trái lại, Marx cho rằng tôn giáo là một ảo tưởng tiêu cực và lên án nó như là sự cản trở cho tiến bộ xã hội, và được dùng như một công cụ để biện minh cho cơ chế thống trị cũng như bóc lột giới lao động. Một khi cơ cấu đó bị sụp đổ thì tôn giáo sẽ tự đào thải, và không cần phải tốn công sức tiêu diệt nó.

AUGUSTE COMTE: TÔN GIÁO LÀ ẢO TƯỞNG CẦN THIẾT

Auguste Comte (1798 – 1857) là người đầu tiên nâng tôn giáo học lên mức độ nghiên cứu hàn lâm. Ông là một trong những người sáng tạo ngành xã hội học và để lại nhiều ảnh hưởng lên các học giả hậu thời. Tuy đồng ý với Hume và truyền thống Anh Quốc - vốn cho rằng tôn giáo là một loại khoa học “dởm”, Comte vẫn không hoàn toàn loại trừ niềm tin tôn giáo qua nhãn quan khoa học thực chứng. Trái lại, Comte nghiên cứu khía cạnh xã hội của tôn giáo và nhận ra tôn giáo có chức năng củng cố sự gắn bó trong xã hội qua cách nó lôi cuốn các cá nhân lại với nhau bằng nghi thức. Comte lo lắng rằng một khi khoa học càng tiến bộ thì khả năng hữu dụng của tôn giáo sẽ bị phai mờ, và từ từ chức năng đặc thù này sẽ bị đánh mất. Như thế, Comte không chỉ mô tả về tôn giáo mà còn đã phác họa ra một loại tôn giáo phù hợp hơn cho não trạng khoa học tân thời. 

Trường phái thực chứng trong bối cảnh xã hội Pháp

NO PHOTO

Comte sinh ra dưới thời cách mạng công nghệ và khủng hoảng tôn giáo ở Âu châu. Học thuyết duy nghiệm của Hume thống trị lối suy tư của giới tri thức, trong khi niềm tin tôn giáo thì càng ngày càng suy tàn. Sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật làm xói mòn giá trị của những lý giải mang tính siêu hình. Cách mạng Pháp hạ bệ sự thống trị của Giáo Hội và nhượng bộ cho những làn sóng lý luận chính trị mới mang tính thế tục và cách mạng triệt để.

Tuy lớn lên trong một gia đình Công giáo, nhưng ở tuổi dậy thì Comte đã từ bỏ niềm tin vào Giáo Hội. Trong khi đi học, ông theo đuổi các phong trào cách mạng ý thức hệ thời đó, có tên là “Ideologues”. Comte chính thức kết hôn với một cô gái hành nghề “ăn sương”. Cùng với người phụ nữ này, Comte đã trải nghiệm những cuộc hoang tưởng và rối loạn tâm thần. Ông đã dùng những cuộc trải nghiệm này như nguồn tri liệu để phân tích các nghiên cứu về tôn giáo của ông. Cuối cùng, ông đâm lòng thù ghét người phụ nữ này; và khoảng năm 1845, cô ta đã rời bỏ ông. Sau đó, Comte theo đuổi Nữ bá tước Clotilde de Vaux, nhưng duyên không thành. Clotilde mất sau đó một năm vì ăn chơi quá độ. Quá đau buồn vì sự cố này, Comte rơi vào vực sâu khủng hoảng, không còn khả năng sáng tác nữa vì mất trí, và qua đời vào năm 1857.

Siêu hình học nghiên cứu về hữu thể và bản chất của mọi tồn tại, dùng phương pháp lý luận biện chứng và tam đoạn luận để đạt đến các định đề về thực tại vô hình đứng sau những gì có thể quan sát được. Trái lại, theo Comte, chủ thuyết thực chứng chỉ nhắm vào thực tại có thể cảm nghiệm, quan sát và mô tả mà không cần phải thẩm định về sự tồn tại của chúng. Chủ thuyết thực chứng xuất phát từ thuyết duy nghiệm, phù hợp với sự trưởng thành của khoa học và tinh thần bài-giáo sĩ trị của hậu cách mạng Pháp. Comte cho rằng xã hội học là khoa học thực chứng về con người. Con người hành xử qua nhiều cách thức có thể quan sát và mô tả, đồng thời tuân thủ theo một số quy ước xã hội vốn có thể lý giải được. Comte khẳng định rằng xã hội chính là chủ thể tác động trên sân khấu lịch sử, và ý nghĩa của sự tác động này không thể được giải thích hoàn toàn qua hành vi hay động lực cá nhân riêng rẽ. Đây là môn khoa học quan trọng bậc nhất; vì chỉ từ đó, kỹ thuật điều hành và thăng tiến xã hội mới có thể được nghiên cứu. Quan điểm này mang tính cấp tiến vì nó cho rằng nhân loại luôn luôn tìm cách thăng tiến chính mình qua các nỗ lực xã hội. 

Comte áp dụng quan điểm cấp tiến để giải thích ba giai đoạn phát triển của lịch sử tôn giáo. Trước tiên, ở giai đoạn “tôn giáo” (thần học), mọi hiện tượng tự nhiên đều được cho là hành vi của các bậc siêu nhiên. Các vị này được thể hiện qua linh vật, thần thánh, cả đa thần lẫn độc thần. Giai đoạn “siêu hình” (triết học) là thời gian chuyển tiếp khi thần thánh được thay thế bằng các nguyên tắc siêu hình trừu tượng. Cuối cùng, giai đoạn “thực chứng” (khoa học) thay thế sự tưởng tượng và tư biện trừu tượng bằng phương pháp quan sát, suy luận và quy nạp.

Comte thiết lập tôn giáo thờ Con Người Vĩ Đại (Great Being)

Theo Comte, các thực hành tôn giáo cổ điển trước sau cũng bị suy tàn vì sự tiến bộ của lịch sử xã hội. Thế nhưng, Comte cho rằng tôn giáo rất quan trọng cho tiến trình này, vì sự tiến triển trong cách con người tiếp cận tôn giáo đánh dấu giai đoạn thăng tiến trong lịch sử tri thức nhân loại. Tôn giáo đã cung cấp những lễ nghi và phương thức gắn bó xã hội lại với nhau. Một khi tôn giáo bị suy nhược và không còn hữu hiệu để giải thích các hiện tượng tự nhiên, thì chức năng cấu kết xã hội của nó cũng yếu dần đi. Điều này được nhận thấy khi khủng hoảng tôn giáo đưa đến khủng hoảng xã hội ở Âu Châu, vì quyền lực trong tôn giáo bị suy sụp và mất hiệu lực kết hiệp của nó. Như thế, xã hội hiện đại cần tái thiết một cơ cấu mới có chức năng tương tự như tôn giáo. Cơ cấu mới này phải có sức lôi cuốn, quy tụ và thôi thúc năng lực tập thể, qua nghi thức và luật lệ thiết yếu để tạo nền tảng mới cho xã hội.

Xã hội cần một “sức mạnh thiêng liêng” để hoạt động. Nghi thức là phương tiện để tháp nhập cá nhân lại thành một cơ cấu xã hội. Thế nhưng, xã hội ấy cần sự đồng thuận về mặt luân lý để thúc đẩy mọi phần tử cùng thi hành trách nhiệm của mình, và giúp cho xã hội hoạt động như một đơn vị thống nhất. Tôn giáo cổ xưa đã phục vụ các chức năng này, nhưng với sự ra đời của khoa học tân thời thì khả năng này bị đánh mất. Khoa học thực chứng cũng không thể hoàn thành chức năng này, vì nó thiếu cảm thức và động lực tự nhiên của tôn giáo.

Comte đề nghị một tôn giáo thờ “Con Người Vĩ Đại” cho thời đại khoa học thực chứng. Thay vì nhân cách hóa các năng lực tự nhiên, tôn giáo mới này sẽ hướng tính sùng mộ của con người đến cùng đích chân thực của nó. Chân lý của tôn giáo này giải thích rằng, nhân loại chính là ông chủ chân thực của vận mệnh con người, đồng thời cũng là động lực thôi thúc mọi người cùng hợp tác với nhau trong cùng mục đích tốt lành cho nhân loại. Đây phải là một tôn giáo hiện thực với giáo đường, nghi lễ, hàng giáo sĩ và hệ thống tổ chức, để nhắc nhớ những gương sáng anh hùng của nhân loại trong quá khứ. Comte tự gọi mình là “Thượng Tế” và giải tội cho các tín đồ. Ngày nay, tôn giáo thờ “Con Người Vĩ Đại” vẫn còn một chi nhánh ở Brazil.

Nhiều học giả sau đó tiếp nhận và đề cao phương pháp phân tích lịch sử tôn giáo của Comte, chẳng hạn như: Freud, Marx, đặc biệt là Durkheim. Comte không chỉ nhìn lịch sử nhân loại tiến triển bằng các bước nhảy riêng biệt từ giai đoạn này qua giai đoạn khác; nhưng ông còn tin rằng, mỗi giai đoạn của tiến trình phát triển vẫn còn tản mạn trong tâm khảm con người, và nhiều khi chúng ta có thể đang lội ngược dòng của sự phát triển đó nữa. Về sau, Durkheim chứng tỏ cho thấy không cần phải thiết lập một tôn giáo tôn thờ “Con Người Vĩ Đại”, vì tôn giáo đó đang hiện diện trong nhân loại ở mức độ vô thức bấy lâu nay.

KARL MARX: TÔN GIÁO LÀ THUỐC PHIỆN VÀ CÔNG CỤ THỐNG TRỊ

Không có học thuyết xã hội nào có thái độ thù nghịch một cách mãnh liệt đối với tôn giáo như học thuyết của Karl Marx (1818 – 1883). Điểm đặc thù trong tư tưởng của Marx là sự ưu tiên của thực tại vật chất trên thực tại tâm linh hay tri thức. Điều này có nghĩa là: Trong thế giới con người, nhu cầu ăn uống, áo quần và nơi ở thì cần thiết hơn và phải được thỏa mãn trước tiên so với những theo đuổi khác như nghệ thuật, chính trị và tôn giáo. Khi phân tích lịch sử tranh chấp giữa giai cấp giàu và nghèo, chủ và thợ, Marx đi đến kết luận rằng tôn giáo chính là công cụ được dùng để đàn áp và thống trị giới lao động. Marx kêu gọi một cuộc cách mạng, không tấn công vào tôn giáo mà vào thể chế chính trị với động lực kinh tế, vốn bảo trì tôn giáo như một điều kiện thiết yếu. Một số học giả Marxít sau này không còn tiếp cận tôn giáo theo cách thù nghịch nhưng chỉ ra cách niềm tin tôn giáo có khả năng trở thành động lực kinh tế và giải phóng giới lao động khỏi trạng thái bị lạm dụng.

“Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng”

NO PHOTO

Câu nói trên đây xuất phát từ bài luận văn Phê bình Triết Học Pháp Quyền của Hegel (Zur Kritik der Hegelschen Rechtsphilosophie,1843). Nguyên văn của nó như sau: “Tôn giáo là tiếng than của quần chúng đang bị thống trị, là trái tim của một thế giới vô tâm, và là thần khí của một bối cảnh vô hồn. Nó chính là liều thuốc phiện của quần chúng.” Câu nói này nói lên thái độ tiêu cực và thù nghịch của Marx đối với tôn giáo. Marx chưa bao giờ đề nghị một học thuyết đầy đủ về tôn giáo, bởi vì ông ta không nghĩ tôn giáo đáng là một chủ đề của suy tư triết học. Đối với Marx, tôn giáo tồn tại trên nền tảng của cái không phải là nó. Một khi nền tảng bên dưới này bị phá đổ, thì tôn giáo tự nó cũng bị tiêu tan mà không cần một nỗ lực gì từ bên ngoài.

Lúc khởi đầu nghiên cứu, Marx theo đuổi triết lý của Hegel, nhưng sau đó chống lại chủ thuyết duy tâm tuyệt đối này. Triết học duy tâm khẳng định rằng, ý tưởng thì căn bản hơn là thực tại vật chất. Vật chất chưa thành hình cho đến khi được thêm vào các yếu tố khác như: tinh thần, tư tưởng hay ý niệm. Hegel tin rằng thực tại vật chất của lịch sử loài người chỉ là biểu hiện bên ngoài của Tinh Thần phi-vật chất của thế giới. Là một triết gia duy vật, Marx khẳng định chỉ có vật chất và năng lực thể lý mới có thực, còn tư tưởng hay tinh thần chỉ là biểu hiện của thực tại vật chất. Một nhà duy tâm có thể nói: Tư tưởng xuất phát từ não con người, nhưng không tạo nên bởi cơ cấu vật chất của não. Một nhà duy vật sẽ cho rằng, các ý tưởng không là gì ngoài những tia điện xảy ra bên trong não. Nhà duy tâm sẽ lý luận rằng, thần khí và tư tưởng của Thượng Đế đem thực tại vào hiện hữu; trong khi đó, nhà duy vật sẽ chối bỏ mọi phạm vi tinh thần bên ngoài của thế giới vật chất, và lý giải Thượng Đế như là một khái niệm xảy ra bên trong cấu trúc thể lý của não.

Qua lý luận biện chứng, Marx đảo ngược lôgic “ý niệm có trước thực tại vật chất” của Hegel. Marx giải thích rằng, nếu một não bộ không được trang bị đầy đủ, thì cũng sẽ không có bất kỳ một ý tưởng nào cả. Từ nhãn quan duy vật này, Marx tìm đến những yếu tố vật chất, vốn là cơ sở hạ tầng cho điều kiện kinh tế và xã hội của giới lao động trong giai đoạn cách mạng công nghệ ở Âu Châu vào cuối thế kỷ XIX.

Tiến trình phân phối sản phẩm vật chất

Từ viễn tượng duy vật, Marx phân tích chức năng xã hội của giai cấp lao động hạ tầng và giai cấp trưởng giả thượng tầng. Ở hạ tầng, chức năng xã hội hướng về thực phẩm, áo quần, nơi ăn và chốn ở. Những sự vật này được đánh giá là quan trọng nhất bởi vì xã hội không thể hoạt động nếu thiếu chúng. Triết lý của Marx chống lại ý tưởng cho rằng sự sống tinh thần mới là cần thiết và nhu cầu thể lý thì chỉ có giá trị hạ cấp vì thuộc về loài vật. Marx xem những chức năng xã hội của giai cấp trưởng giả là thiếu thực tại độc lập, không thiết yếu cho đời sống, và chỉ được thêm vào sau khi những nhu cầu hạ tầng đã được đáp ứng đầy đủ.

Marx rất cay cú về chức năng xã hội của giai cấp trưởng giả. Ông nhìn lịch sử nhân loại như một quá trình tranh đấu giai cấp liên tục giữa giới lao động và giới chủ nhân. Giới chủ nhân thao túng và biến các yếu tố cơ cấu xã hội của giai cấp trưởng giả thành ý thức hệ để đàn áp giới lao động. Tôn giáo cũng là một bộ phận trong guồng máy ý thức hệ này. Chức năng của tôn giáo là biện minh cho sự kiện giá trị sản xuất của giới lao động (giá trị thặng dư của sản phẩm) đang bị đánh cướp bằng những lời hứa hẹn bù đắp về ơn cứu rỗi tương lai. Tôn giáo giúp cho giới lao động trở nên ngoan ngoãn và dễ thống trị hơn. Như thế, tôn giáo là công cụ để củng cố trật tự chính trị và cơ cấu giai cấp trong xã hội.

Quan điểm duy vật của Marx sẽ không bao giờ chấp nhận các chân lý tôn giáo. “Thượng Đế” chỉ là sự phóng đại của các phẩm tính lý tưởng mà con người khao khát có được như khôn ngoan, công bằng, bác ái, v.v. Như thế, tôn giáo căn bản chỉ là sự nhận thức sai lầm hay hoang tưởng về thực tại không có trong hiện tại. Nhưng Marx cảm thấy không cần phải tấn công tôn giáo một cách trực tiếp, vì nó chỉ là một hiện tượng “trưởng giả”, thuộc cơ cấu thượng tầng, mà sự tồn tại của nó dựa trên nền tảng vật chất nào đó. Một khi nền tảng đó được thay đổi, giới công nhân được giải phóng, thì tôn giáo tự nó sẽ bị đào thải mà không cần phải tốn năng lực để loại trừ nó.

Đánh giá quan điểm tôn giáo của Marx

Phê bình tôn giáo của Marx có vấn đề cả khía cạnh lý thuyết lẫn lịch sử. Friedrich Engels (The Condition of the Working Class in England, 1845) nhận ra nơi sách Tông Đồ Công Vụ một mô hình tích cực cho cải tiến xã hội, khi mọi phần tử trong cộng đoàn cùng sống và chia sẻ của cải riêng với nhau. Như thế, tôn giáo đại diện cho giai đoạn chuyển tiếp trong hành trình tiến về Thiên Đàng của giới lao động. Mặt khác, một khi mọi tôn giáo bị đàn áp thì chúng ta sẽ vô tình tạo ra tôn giáo mới. Khi Marx chối bỏ giá trị cánh chung của Kitô giáo, thì chính ông cũng phải nhận ra lịch sử đang hướng về một viễn tượng cánh chung khác, trong đó giới lao động sẽ bị thống trị bởi bàn tay độc tài của những nhà lãnh đạo cách mạng. Marx chưa bao giờ dám nhìn nhận thực tại của sức mạnh cánh chung, vốn sẽ đưa đẩy lịch sử đến cùng đích tiêu cực này.

Theo Antonio Gramsci (Prison Notebooks, 1926), Marx cho ta ý thức về chiều kích ngôn sứ của tôn giáo trong sự thành hình của lý tưởng xã hội. Gramsci nhận thấy động lực thôi thúc các cuộc nổi dậy tranh đấu cho quyền lợi của giới bần cố nông thì cũng giống như tiếng nói ngôn sứ trong Kinh Thánh. Như thế, tôn giáo vừa là liều thuốc phiện ru ngủ, vửa là liều thuốc kích động quần chúng. Hơn nữa, James Boon (Affinities and Extremes, 1990) cho thấy sai lầm của Marx khi xem tôn giáo chỉ là nhu cầu thượng tầng, có tinh thần mà thiếu nền tảng vật chất. Trái lại, nền tảng đích thực của tôn giáo thì luôn gắn liền với sự kiện vật chất như nghi thức tôn giáo, hoặc kết nối với hoàn cảnh kinh tế cụ thể, tình trạng sức khỏe, công ăn việc làm của dân chúng tại các địa phương.  

Cuối cùng, Rodney Stark (A Theory of Religion, 1987) chỉ ra rằng các thực hành tôn giáo hay nghi thức thờ phượng không nhất thiết phải là “thuốc phiện” của quần chúng lao động hay giới nô lệ, mà còn là sản phẩm của giới trung lưu và thượng lưu của xã hội Rôma. Động lực kinh tế cũng là liều “thuốc phiện” của giới lãnh đạo Marxít vì mỗi khi cách mạng thành công thì chế độ tư bản sẽ được thay thế bằng chế độ “tư bản đỏ”. Sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản toàn cầu cho thấy cho dù tôn giáo bị giản lược thành chức năng kinh tế, thì tôn giáo vẫn tồn tại trong mọi chế độ kinh tế và chính trị. Thành công trái chiều của Marx là đã vô tình gây ý thức về sức mạnh kinh tế của tôn giáo, vốn đang âm thầm hiện diện và hoạt động trong mọi tầng lớp hay cơ cấu xã hội. 

-------------------------------

     Tài liệu tham khảo:

Auguste Comte. Cours de philosophie positive [1830–42]. The Positive Philosophy of Auguste Comte, Harriet Martineau dịch & tóm tắc. Cambridge University Press 2009.

Karl Marx, Critique of Hegel’s Philosophy of Right (Zur Kritik der Hegelschen Rechtsphilosophie: 1843). Bản dịch và giới thiệu của O’Malley, Cambridge University Press, 1970.

Joseph Tân Nguyễn. Tôn Giáo: La Bàn Thiêng Liêng cho Con Người. NXB Tôn Giáo, 2023.

zalo
zalo