Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Hiển Linh - Năm C
TỪ ÁNH SÁNG TỰ NHIÊN ĐẾN ÁNH SÁNG SIÊU NHIÊN
(Mt 2,1-12)
6. Để bái thờ Người: Mục đích của nhóm Magos là đến để triều bái. Động từ “προσκυνέω” vừa có nghĩa là “triều bái” trước một vị vua, hay một người quyền cao chức trọng, vừa có nghĩa là “thờ phượng”, “bái thờ” trước thần linh. Trong câu chuyện này động từ này xuất hiện tất cả ba lần và túc từ của động từ này trong cả ba lần đều là Hài Nhi Giêsu. Lần đầu tiên, nhóm Magos tỏ ý muốn đến để “triều bái” “vua dân Do thái mới sinh” (2, 2). Lần thứ hai, vua Erodes cũng ngỏ ý muốn đến “triều bái” Hài Nhi Giêsu như những Magos (2, 8). Lần thứ ba, nhóm Magos triều bái Hài Nhi tại nhà của Người ở Bếtlehem (2, 11). Trong lần thứ ba, động từ “triều bái” đi kèm với một động từ khác – “sụp xuống, cúi rạp xuống” - ở dạng phân từ, có chức năng của một mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian: “Sau khi cúi rạp xuống, họ triều bái Người”. Đây là một lối nói, diễn tả sự thành tâm, trang trọng đúng mức của nhóm Magos. Hành động “triều bái” trong bối cảnh này có thể hiểu như là hành động của một thần dân, hay vua các nước chư hầu dành cho vua cai trị. Tuy nhiên, nó cũng có thể báo hiệu cho một sự thờ phượng của dân ngoại dành cho Đấng Mêsiah, Con Thiên Chúa làm người. Sự bái lạy mà người phụ nữ Canaan ở vùng Tia và Xiđon dành cho Đức Giêsu là một ví dụ (Mt 15, 25). Lời tuyên xưng long trọng của người đại đội trưởng cùng đồng bạn: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa” (Mt 27, 54) cũng nhấn mạnh sự nhìn nhận thần tính nơi Đức Giêsu. Sự “bái thờ” của nhóm Magos vừa biểu trưng cho niềm tin của những người ngoại trong sứ vụ của Đức Giêsu vừa diễn tả về niềm tin của các Kitô hữu gốc ngoại giáo trong cộng đoàn Mátthêu. Có nhiều bản văn cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, nơi mà sự kết hợp giữa hai động từ “cúi rạp” và “thờ lạy” được dùng cho một hành vi thờ phượng Chúa (Đn 3,5-6.10-11; Cv 10, 25; 1 Cr 14, 25; Kh 4, 10; 7.11; 22, 8).
7. Các Thượng Tế và các Kinh Sư của dân: Khi nghe nhóm Magos hỏi về nơi sinh ra của “vua dân Do Thái” vua Erodes “lo sợ” và cả thành Giêrusalem với ông có cùng cảm xúc với ông. Động từ “lo sợ” được dùng chung cho cả vua Erodes và cả thành Giêrusalem. Cả thành Giêrusalem có thể là toàn thể cư dân trong thành. Trong cuộc xử án Đức Giêsu, cuối cùng toàn dân cư thành Giêrusalem đã sẵn sàng chịu trách nhiêm cho cái chết của Đức Giêsu: “Máu của ông ấy cứ đổ trên chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27, 25)[14]. Tuy nhiên, những nhân vật có khả năng lo lắng hơn cả phải là những người lãnh đạo Do Thái – các Thượng Tế và Kinh Sư. Điều này báo hiệu cho một sự thù ghét của những lãnh đạo Do Thái dành cho Đức Giêsu trong tương lai. Các Thượng Tế và Kinh Sư là hai nhóm người gây cho Đức Giêsu nhiều đau khổ (Mt 16, 21); Hai nhóm này sẽ kết án xử tử Đức Giêsu (Mt 20, 18); Họ tức tối khi thấy những việc lạ lùng Đức Giêsu đã làm và thấy những đứa trẻ reo hò trong đền thờ: “Hoan hô Con vua Đavid” (Mt 21, 15). Trong bối cảnh này, họ được nhắc đến như những người biết rõ nơi Đấng Kitô sinh ra, nhưng lại không có một phản ứng gì trước tin tức Đức Giêsu mới sinh tại Bếtlehem. Hành trình xa xôi của nhóm Magos đến để triều bái “vua dân Do Thái” dường như trái ngược lại với thái độ dửng dưng của nhóm các Thượng Tế và Kinh Sư. Hình ảnh này cũng báo hiệu cho sự tương phản trong sứ vụ của Đức Giêsu: Người ngoại đón nhận, trong khi nhiều lãnh đạo Do Thái chối từ Người.
8. “Sau khi vào nhà”: Đây là điểm khác biệt khó dung hòa giữa trình thuật Giáng Sinh của tác giả Mátthêu và tác giả Luca. Luca mô tả Đức Giêsu Giáng Sinh trong cảnh cơ hàn. Không có chỗ trong các nhà trọ dành cho cha mẹ Người. Người được sinh ra và được bọc tả, đặt nằm trong máng cỏ (Lc 2, 7). Chi tiết máng cỏ làm người ta mường tượng đến một chuồng bò, lừa, và cũng có thể là một hang đá nào đó trong vùng Bếtlehem[15]. Theo trình thuật của Mátthêu, dường như cha mẹ Đức Giêsu có nhà tại Bếtlehem. Đức Giêsu sinh ra tại Bếtlehem là chuyện bình thường. Tuy nhiên, Mátthêu sẽ phải giải thích là tại sao Đức Giêsu lại lớn lên ở Nadarét (Mt 2,19-23). Ngược lại, đối với tác giả Luca, vì cha mẹ Đức Giêsu ở Nadarét, nên việc Người lớn lên ở Nadarét là chuyện bình thường. Tuy nhiên, ông phải lý giải tại sao Đức Giêsu sinh ra tại Bếtlehem (Lc 2,1-14)[16].
9. Lễ vật: Vàng, hương trầm và một dược[17]: Như đã nói trên. Số lượng ba lễ vật là chi tiết mà truyền thống suy ra là nhóm này có ba người. Tuy nhiên, không nhất thiết cứ có ba lễ vật là có ba người. Có thể chỉ có hai người nhưng mang ba lễ vật và nhóm bốn (năm) người cũng có thể mang ba lễ vật. Những lễ vật “vàng” và “hương trầm” có thể đến từ gợi ý của Is 60, 6: “Tất cả những người từ Sheba đến. Họ mang theo vàng và hương trầm và mang tin vui, những lời ca tụng Chúa”. Vàng thường là biểu tượng cho tính “vương đế”; Hương trầm dùng trong việc phụng thờ Thiên Chúa; Và “một dược” liên tưởng đến cái chết của Đức Giêsu, vì đây là chất dùng để ướp xác chết. Đây là chất mà ông Giuse Nicôđêmô mang theo một trăm cân, trộn lẫn với hương liệu (từ cây lô hội) để ướp xác Đức Giêsu trước khi mai táng (x. Ga 19, 39). Những lễ vật này vừa cho thấy căn tính vương đế của Đấng Mêsiah, vừa cho thấy căn tính thần linh của Người, và báo hiệu mầu nhiệm sự chết mà Người sẽ trải qua trong tương lai. Những lễ vật này cho thấy hai bức tranh đối nghịch trong cuộc đời Đức Giêsu: Được đón nhận bởi rất nhiều người nhưng cũng bị chối từ, chịu đau khổ và bị giết chết bởi một số người khác, đặc biệt là những quan quyền Do Thái[18].
10. Được chỉ dẫn trong giấc mơ: Động từ “χρηματίζω” (khrematizo) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “mặc khải” hay “chỉ dẫn”. Động từ này được dùng ở thể bị động, cùng với cụm giới từ “trong giấc mơ”. Tác nhân của hành động này rất có thể là sứ giả của Thiên Chúa. Ngữ giới từ “trong giấc mơ” được dùng rất nhiều lần trong Tin Mừng Mátthêu, đặc biệt là trong chương 2 (1, 20; 2, 12.13.19.22; 27, 19). Nhân vật thường xuất hiện trong giấc mơ là “sứ thần của Thiên Chúa” và ông Giuse là người được nhận thông điệp trong giấc mơ nhiều nhất (1, 20; 2,13.19.22). Đặc biệt, Mátthêu cũng cho thấy cả người ngoại cũng nhận được thông điệp từ Thiên Chúa, không những một lần mà đến hai lần. Nhóm Magos nhận thông điệp là “đừng trở lại với vua Erodes” (2, 12). Ngoài ra, người vợ của Philatô cũng nhận được thông điệp gì đó mà bà diễn tả là “hôm nay tôi đã chịu khổ nhiều bởi ông ta trong giấc mơ” (Mt 27, 19). Có thể hiểu đó như là một “cơn ác mộng” khiến vợ của ông Philatô lo sợ nên trong lúc ông Philatô đang ngồi xử án bà đã can ngăn chồng mình “đừng làm gì với người công chính này (Đức Giêsu)”. Những Magos đã được ngôi sao hướng dẫn cách lạ lùng, đặc biệt ngôi sao đã đi trước họ cho đến nơi nhà của Hai Nhi ở Bếtlehem. Ở đây, nhân vật thần linh lại chỉ dẫn cho họ trong giấc mơ[19]. Những chi tiết này cho thấy Thiên Chúa vẫn tác động trên dân ngoại, những người thành tâm tìm kiếm Người và dân ngoại là một đối tượng quan trọng trong sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu.
11. Đi lối khác: Hành động đi lối khác (ἄλλης ὁδοῦ ἀνεχώρησαν), trước tiên có thể hiểu là không trở lại Giêrusalem như lời dặn của vua Erodes (2, 8). Hơn nữa, hành động “đi lối khác” với sự chỉ dẫn của tác nhân thần linh, cũng có nghĩa là về quê mình với một lối sống mới, lối sống của những người sau khi đã gặp gỡ Hài Nhi Giêsu và bái thờ Người. Đó là lối sống của những người tin cậy vào Chúa và sống ngay lành. Họ có thể được xem là những người được đón nhận món quà bình an của Thiên Chúa dành cho những người lòng ngay.
Bình luận tổng quát
Chương 2 của Tin Mừng Mátthêu mở ra ở địa danh Bếtlehem và đóng lại ở địa danh Nadarét. Đây là hai địa danh quan trọng trong cuộc đời của Đức Giêsu. Người được sinh ra tại Bếtlehem và lớn lên tại Nadarét. Trong khi Bếtlehem là nơi Người sinh ra như một vị vua, thuộc dòng dõi vua Đavid được dân Do Thái mong đợi; Nadarét lại là nơi Người lớn lên, chuẩn bị cho sứ vụ rao giảng, của sứ giả Tin Mừng cho dân ngoại ở Galilê. Thông tin Đức Giêsu sinh ra tại Bếtlêhem nối kết gốc tích của Người với gốc tích của Đấng Mêsiah mà Cựu Ước đã nói tới. Người đã sinh ra trong thời của vua Erodes, người được đặt làm vua chư hầu của đế quốc Rôma, cai quản vùng đất Idumêa – Giuđêa – Samaria – Galilê. Bối cảnh lịch sử đó là bức tranh tiền cảnh cho một sự đối đầu không khoan nhượng giữa quan quyền trần gian và vua Mêsiah. Đành rằng Đức Giêsu không hề có ý tranh giành vương quốc với Erodes, nhưng sự hoảng sợ mất ngai vàng từ phía ông đã thúc đẩy ông chuẩn bị một kết hoạch tinh vi nhằm thủ tiêu vị vua mới. Sự xuất hiện của các Thượng Tế và các Kinh Sư, dù vô tình, như là những người dẫn đường cho âm mưu đen tối của nhà vua báo hiệu cho một sự xung đột giữa giới lãnh đạo Do Thái và Đức Giêsu. Ngược lại với thái độ thù nghịch, dửng dưng của vua Erodes và cả thành Giêrusalem, nhóm Magos từ phương xa đã đọc được điềm lành từ dấu hiệu vũ trụ, báo hiệu một vị vua mới trong nhân gian rất đáng tôn thờ. Họ đã đi một quãng đường dài, mang theo những lễ vật quý giá đã được chọn lựa cận thận dành cho buổi triều yết. Đó là hình ảnh cho một thế giới dân ngoại đông đúc tìm thấy niềm tin và hy vọng nơi Đức Giêsu không những trong thời Người thi hành sứ vụ công khai, mà còn kéo dài đến thời các Tông Đồ thi hành sứ vụ và qua muôn thế hệ. Hài Nhi Giêsu chính là ngôi sao của nhà Giacóp mà ngôn sứ Bilơam đã nói đến. Ánh sáng của ngôi sao này đã soi đường cho dân ngoại. Nhóm Magos đã được ánh sáng của ngôi sao dẫn đường để đến gặp gỡ và bái thờ Hài Nhi. Ánh sáng của Hài Nhi đã soi lối mở đường cho quãng đường còn lại của họ. Khi “đi lối khác”, họ vừa tránh được âm mưu thâm độc của vua Erodes vừa thoát khỏi bóng đêm tội lỗi và bước vào đường nẻo bình an.
Câu chuyện Giáng Sinh của vị vua Mêsiah cho thấy hai thái độ trái ngược nhau: Đón nhận và chối từ. Sự chối từ, sự thù ghét đã làm cho vua Erodes cũng như “tất cả Giêrusalem” luôn bất an. Họ bất an, lo sợ vì nghĩ rằng Hài Nhi Giêsu sẽ chiếm lấy địa vị xã hội, cũng như vinh hoa lợi lộc của họ. Nỗi lo sợ thái quá dẫn người ta đến những âm mưu xảo quyệt, ác độc, đánh mất tình người: Âm mưu làm sao tiêu diệt được đối thủ, dù đối thủ đó chỉ là một đứa trẻ không có khả năng chống cự, bảo vệ chính mình. Âm mưu đen tối, với ác tâm, sẽ dẫn người ta đi vào bóng tối của sự chết, và sẽ không bao giờ có được sự bình an đích thực. Ngược lại, sự đón nhận, yêu mến, làm cho nhóm Magos đã dùng tất cả những phương tiện mình có, từ trí tuệ, kiến thức khoa học, trong việc nghiên cứu về ngôi sao đặc biệt để nhận ra sự xuất hiện của Đấng Cứu Tinh. Tình yêu và lòng nhiệt thành khiến họ không quản ngày đêm, vượt quãng đường xa, khó khăn, đồi núi gập ghềnh để tìm cho bằng được chủ nhân của ngôi sao mà họ đã nhìn thấy. Với lòng kính trọng, quý mến họ đã không ngần ngại bái thờ Hài Nhi và dâng những lễ vật quý giá. Sự đón nhận đã giúp nhóm Magos luôn đi trong ánh sáng và trở về quê với một lối sống mới, lối sống ngay lành, thiện tâm. Nhờ đó, họ sẽ đón nhận được ơn cứu độ mà Đấng Cứu Thế dành cho muôn dân. Có thể nói, hành trình của nhóm Magos là hành trình đi về phía ánh sáng. Họ khởi đầu bằng việc nhìn thấy ánh sáng ngôi sao tự nhiên. Chính ngôi sao ấy đã dẫn họ đến Giêrusalem nhưng lại biến mất cách lạ lùng một khoảng thời gian. Ngôi sao tự nhiên ấy sau đó lại tái xuất hiện cách lạ lùng hơn trong bộ dạng một nhân vật siêu nhiên, sống động, để có thể “đi trước dẫn đường” cho nhóm Magos đến chính xác nơi Hài Nhi ở. Khởi đầu họ có ý định đi tìm một ông “vua dân Do Thái” nhưng cuối cùng họ lại được gặp gỡ vua của đất trời. Từ việc theo đuổi ánh sáng tự nhiên, soi sáng đôi mắt thể lý, họ đã được dẫn đến ánh sáng siêu nhiên soi sáng nội tâm của mình. Từ hành trình tìm kiếm thể lý, họ đã bước vào hành trình tâm linh, được Chúa dẫn đường, và cuối cùng trở về bằng lối đi khác (được chỉ dẫn trong giấc mơ). “Lối di khác” tượng trưng cho một lối sống mới, lối sống của người đã gặp được Hài Nhi Giêsu bằng xương bằng thịt. Họ không quay về với vua Erodes bởi lẽ, nếu quay về lối ấy, họ có nguy cơ đưa lối dẫn đường cho âm mưu thâm độc của vua. Đường của họ đi bây giờ là đường của Chúa, đường dẫn đến cõi phúc thiên thai.
Ngày nay, những Hai Nhi mới chào đời, hay sắp chào đời cũng thường đối diện với hai thái độ trái ngược tương tự: Đón nhận và chối từ. Có những con người vì mong mỏi có được một đứa con đã không tiếc tiền của, thời gian để chạy chữa, tìm mọi cách để được một lần làm mẹ, làm cha. Cũng có những nhóm người ra sức cổ vũ sự sống và bảo vệ trẻ em. Chính vì thế mà có những ngôi nhà mang tên “mái ấm hy vọng”, nơi nuôi dưỡng những thai phụ có ý định phá thai nhằm nuôi hy vọng sóng sót cho các thai nhi và nhằm làm thức tỉnh lương tâm người mẹ. Tương tự, có những nghĩa trang mang tên “hoa hồng” nhằm chôn cất các thai nhi, những sinh linh bé bỏng, vô tội, chưa được chào đời. Đó là những con đường ánh sáng, đưa đến sự sống cho nhân loại. Tiếc thay, cũng có biết bao nhiêu người, nhân danh tự do với khẩu hiệu như “cơ thể của tôi do tôi chọn lựa”; hoặc nhân danh sự hạnh phúc tương lai của gia đình, con cái với khẩu hiệu như “gia đình có hai con, vợ chồng hạnh phúc”; hoặc vì sĩ diện; hoặc vì ích kỷ của bản thân, vì sợ khó, sợ khổ, đã cướp đi sinh mạng của những đứa bé chưa chào đời, hoặc vứt bỏ những sinh linh bé bỏng mới chào đời nơi gốc cây, sọt rác nào đó. Đó là những dấu hiệu rõ nét về sự hiện diện của nền văn minh của sự chết, nền văn minh của bóng tối dẫn đưa nhân loại đến chỗ diệt vong và đau khổ triền miên, vô tận. Tiếng khóc ai oán của những thai nhi bị giết hại sẽ luôn ám ảnh những người đã cướp đi quyền sống của chúng, khiến cho họ cả đời không thể sống bình yên được. Xem ra, câu chuyện về sự ra đời của Hài Nhi Giêsu hơn hai ngàn năm trước vẫn là câu chuyện thời sự cho nhân loại ngày hôm nay. Người đến để đem bình an, niềm vui cho nhân loại chứ không phải để tranh giành quyền lực làm cho người ta phải lo sợ. Tuy nhiên, chỉ có những ai chọn lựa đi về phía ánh sáng thì mới thật sự đón nhận được sự bình an vĩnh cửu của Người.
---Hết---
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Nguồn: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2021/12/tu-anh-sang-tu-nhien-en-anh-sang-sieu.html (cập nhật ngày 06/01/2025)
---------------------------------------------------------------------
[14] R.T. France, The Gospel of Matthew, 70.
[15] “The point of Luke’s mention of the manger is not therefore that Jesus’ birth took place outside a normal house, but that in that particular house the “guest-room” was already occupied (by other census visitors?) so that the baby was placed in the most comfortable remaining area, a manger on the living-room floor. There is therefore no reason why they should not be in the same “house” when Matthew’s magi arrive” (R.T. France, The Gospel of Matthew, 75).
[16] X. D.J. Harrnington, The Gospel of Matthew, 43.
[17] Xem giải thích của Lm. Stêphano Huỳnh Trụ về cách dịch chữ “σμύρνα” (smyrna) là “một dược” hay “mộc dược” [Một dược - Mộc dược (simonhoadalat.com)].
[18] R.E. Brown, The Birth of the Messiah, 183.
[19] Dreams, like stars, were for magi an expected form of divine revelation, and God communicates with them in the terms they would understand (R.T. France, The Gospel of Matthew, 76).